Trong Làng Ngoài Thôn

Chương 3

Bà nội ta lại định kéo ta quỳ xuống dập đầu, thiếu phu nhân vội vàng đỡ ta dậy: “Không đáng là bao, chớ làm vậy.”

Lúc rời phủ, Chu di nương sai bà tử thuê xe ngựa cho chúng ta, nhưng bà nội ta nào nỡ, xe ngựa vừa đến cổng thành, bà liền trả xe ngựa, chuyển sang thuê một chiếc xe lừa cũ kỹ.

Như vậy, lại tiết kiệm được mấy chục văn tiền.

Mấy chục văn tiền này có thể mua được bốn năm đấu gạo rồi.

Nếu không phải vì đồ đạc mang về từ phủ quốc công quá nhiều, có lẽ bà nội ta còn chẳng thèm thuê xe lừa.

Về đến nhà đã là nửa đêm, cha mẹ nhìn thấy nửa xe “lộc”, vừa mừng vừa lo, mừng vì mùa đông này sẽ không phải chịu đói, lo vì không biết phải trả ơn tình lớn như vậy thế nào.

Bốn mươi lượng bạc vụn, đối với nhà ta mà nói đã coi như là một khoản tiền lớn.

Bà nội muốn dùng số bạc này để buôn bán nhỏ, cha ta lại muốn mua lương thực, số bạc còn lại sẽ lặng lẽ cất đi, đề phòng bất trắc.

“Chúng ta chỉ là hạng nhà nông chân lấm tay bùn, buôn bán cái nỗi gì?! Nhìn Vương Ngũ ở đầu thôn phía đông kìa, năm ngoái mở một tiệm vải vóc trong trấn, năm nay đã nghèo đến mức phải đi ăn mày rồi.”

Bà nội tức giận đến mức nhảy dựng lên: “Vậy sao con không nhìn Lý Căn ở đầu thôn phía tây, người ta chỉ dựa vào bán bánh bao cũng đã lấy được vợ rồi, còn có Trần Đông và Triệu Tứ, ai mà không phải là làm ăn phát đạt? Con cứ suốt ngày nhìn vào những kẻ bất tài vô dụng ấy, sao không so sánh với những người thành đạt? Y hệt cha con, cố chấp, bảo thủ!”

Cha ta bị mắng, không nói gì, lại bướng bỉnh quay người ra đồng làm việc.

Mẹ ta vốn hiền lành, bà bị kẹt giữa chồng và mẹ chồng, chỉ biết bất đắc dĩ khuyên nhủ bà nội: “Mẹ, mẹ đừng chấp nhặt với cha nó nữa, mẹ cứ nghe theo chàng ấy đi.”

“Haiz…”

Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (Lấy chồng phải theo chồng, chồng mất phải theo con trai), mặc dù bà nội ta không cam lòng, nhưng cuối cùng cũng chỉ có thể nghe theo lời đứa con trai duy nhất, cứng đầu của mình.

Nhờ ơn huệ của phủ quốc công, mùa đông năm đó, cả nhà ta không những không phải chịu đói, mà khi những người trong thôn đói kém, bà nội ta còn lén lút mang ra mấy đấu gạo cho họ nấu cháo cho con cái ăn.

Người dân thôn Đào Thủy cứ thế mà bữa đói bữa no, lay lắt sống qua ngày, may mắn thay, năm sau mưa thuận gió hòa, cuộc sống của người nông dân lại dần ổn định trở lại.

Trong khoảng thời gian này, mẹ ta hạ sinh Đông Bảo, nhà họ Trần chúng ta cuối cùng cũng có người nối dõi.

Vì mẹ ta đã lớn tuổi, nên khi sinh nở rất vất vả, nếu không có viên thuốc an thai bảo mệnh mà thiếu phu nhân phủ quốc công cho, có lẽ cả mẹ ta và đệ đệ đều không giữ được mạng sống.

Vì vậy, khi trái cây và rau củ tươi được thu hoạch, bà nội ta lại đến phủ quốc công một chuyến.

Bởi vì quốc công phu nhân có lần buột miệng nói: “Ta thích nhất là ăn rau do chính tay người nhà nông trồng.”, nên bà nội ta đã ghi nhớ trong lòng.

Đương nhiên, phủ quốc công vẫn nhân từ như vậy, khi bà nội ta trở về, không hề ra về tay không.

Ngày tháng cứ thế trôi qua, thoắt cái, ta đã mười ba tuổi.

Đông Bảo đã biết đi, Thu Muội càng ngày càng hiếu động, ta cũng đã ra dáng người lớn, bắt đầu lo liệu việc nhà.

Con cái nhà nông đang dần lớn lên, con cái nhà đế vương cũng vậy.

Đương kim thánh thượng có sáu người con trai, trừ đại hoàng tử là do mẫu thân xuất thân thấp kém, không có ý tranh giành ngôi báu; Lục hoàng tử còn nằm trong tã lót, chưa có khả năng đoạt vị, còn lại bốn vị hoàng tử, đều nhăm nhe ngai vàng.

Trong số đó, Tam hoàng tử từ trước đến nay vẫn nổi tiếng là người “hiền đức”, nghe nói ngài còn lén lút kết giao với rất nhiều đại thần nắm giữ thực quyền.

Những lời đồn đại này, đều là do Lưu đại ca bán kẹo hồ lô ở thôn Đào Thủy kể cho ta nghe.

Lưu đại ca là người thích buôn chuyện nhất, mỗi lần hắn đến, cả thôn đều vây quanh hắn, nghe hắn kể những chuyện lạ ở bên ngoài, chỉ bằng cái miệng này, hắn không chỉ xây được ba gian nhà, mà còn cưới được một người vợ hiền lành, tốt bụng.

Một ngày mùa thu nọ, hắn lại gánh hàng rong đến, lần này hắn mang đến một câu chuyện động trời hơn.

“Tam hoàng tử bị hoàng đế giam lỏng, phủ Hưng quốc công bị lục soát!”

Mua kẹo hồ lô cho Đông Bảo xong, ta quay người định đi, nhưng vừa nghe thấy tin này, hai chân bỗng nhiên tê dại, không thể nhấc nổi bước nào.

“Phủ Hưng quốc công nào? Chuyện xảy ra khi nào?”

Giọng nói ta run rẩy, một luồng khí lạnh chưa từng có từ n.g.ự.c dâng lên.

Bình Luận (0)
Comment