Giày da ba mảnh 1
Nhưng mà… ba đồng năm hào?
Chu Dung Dung thò tay sờ sờ túi, bên trong chỉ có đúng năm đồng. Hôm nay cô ấy tới đây là để mua xì dầu và đồ hộp chứ không phải mua giày, nay nhà cô ấy có khách nên tí nữa còn phải tiện đường ghé ngang tiệm cơm Quốc Doanh mua hai món mang về.
Nếu dám xài tiền lung tung… vừa nghĩ đến cảnh tượng đó, lý trí của Chu Dung Dung lập tức quay lại.
Cố Nguyệt Hoài thấy trên mặt cô ấy để lộ vẻ do dự, có dấu hiệu lắc đầu từ chối thì vội nói: “Loài hoa mà tôi vẽ trên giày tên là đăng tiêu, từ xưa, đăng tiêu thường được ví như là biểu tượng của chí hướng cao xa, vẻ đẹp lộng lẫy của nó có thể sánh ngang với vầng thái dương, thậm chí có rất nhiều các nhà văn nhà thơ sáng tác ra những tác phẩm ca ngợi nó.”
“Tôi cho rằng chỉ có những cô gái thành phố như cô mới đủ tư cách mang đôi giày này, nhưng nếu cô không cần, vậy tôi không bán nữa, cầm về nhà trưng, đợi chừng nào có cơ hội thì lấy ra mang vậy.”
Dứt lời, Cố Nguyệt Hoài thở dài, xoay người định rời đi.
Chu Dung Dung quýnh quáng cả lên, cô ấy thật sự rất thích đôi giày trắng đó, nhưng ba đồng năm hào…
Cố Nguyệt Hoài mới đi được hai bước, đằng sau đã vang lên giọng của Chu Dung Dung: “Đợi đã! Cô đợi chút đã, tôi đâu có nói không mua!”
Cố Nguyệt Hoài xoay người, mỉm cười với Chu Dung Dung: “Tôi biết đôi giày này có duyên với cô mà, thế này đi, cô mua giày hộ tôi, tôi cũng không thể khiến cô thấy lỗ vốn, đây là cây ớt do nhà tôi trồng, xem như quà khuyến mãi tặng thêm cho cô vậy.”
Vừa nghe thấy sẽ tặng kèm ớt, cảm giác chột dạ trong lòng Chu Dung Dung cũng nhạt đi nhiều.
Cô ấy lấy ba đồng năm hào ra, đưa cho Cố Nguyệt Hoài, sau đó nhận lại mấy trái ớt từ tay cô, nhìn nhưng trái ớt đỏ rực như lửa, không bị dập hay dính bùn trong tay, cô ấy thoáng giật mình: “Ớt nhà cô trồng tươi ghê!”
Cố Nguyệt Hoài bật cười, nói: “Cầm về nhà làm một đĩa thịt băm xào ớt, trái ớt đo đỏ óng ánh dầu, xào chung với thịt băm ướp xì dầu, đảm bảo mùi hương thơm phức sẽ đua nhau xộc thẳng vào mũi cô đấy!”
Vừa nghe thấy vậy, khoang miệng Chu Dung Dung lại không kiềm được mà ứa nước miếng.
Cô ấy ngước nhìn Cố Nguyệt Hoài, trên mặt lộ vẻ ngạc nhiên, cũng cảm thấy người này rất hợp ý mình, bèn thuận miệng tự giới thiệu: “Tôi tên là Chu Dung Dung, nhà ở trong sân của Ủy ban Cách mạng huyện, sau này nếu cô còn bán rau củ quả tươi mới như vầy nữa thì cứ qua đó tìm tôi.”
Cô ấy thích ăn ngon, cũng thích ăn cay, số ớt này vừa nhìn đã biết được chăm sóc cẩn thận, hoàn toàn có thể mua bán lâu dài.
“Sân lớn Ủy ban Cách mạng huyện sao? Người ở trong đó toàn là quan lớn cả đấy!” Cố Nguyệt Hoài há miệng tâng bốc khiến Chu Dung Dung khoái trí đến sắp bay lên. Cô ấy đắc ý hất tóc, vừa vẫy tay chào cô vừa bước vào xã cung ứng.
Khoảnh khắc Chu Dung Dung xoay người rời đi, nét tươi cười trên mặt Cố Nguyệt Hoài lập tức biến mất, trở về với dáng vẻ bình thản, tựa như cái người vừa nói khô cả cổ để đẩy mạnh hàng hóa kia không phải cô vậy. Sau đó, cô kéo khăn trùm trên đầu xuống, che kín mặt, đi nhanh về phía chợ đêm.
Tại chợ đêm ở công xã Hoàng Oanh.
Ở trấn trên không có quá nhiều địa được được tổ chức chợ đêm, tính tổng ra chỉ tầm hai, ba nơi, hơn nữa cũng không có nhiều sạp hàng như trong tương lai. Ở thời này, ai cũng bày quán ở một nơi thật ẩn nấp, còn trên đường chỉ toàn người rảnh rỗi tới dạo vài vòng thôi.
Có người sẽ tụ năm tụ ba ngồi xổm ở góc đường, tay đút vào ống tay áo, quan sát người đi lại trên đường. Cũng có những người phụ nữ đội khăn tam giác màu xanh xám, che kín mặt, xách rổ dạo quanh. Thỉnh thoảng lại có một hai “kẻ giàu có” đạp xe lướt qua, để rồi lập tức rơi vào tầm ngắm của mấy nhà buôn lậu lương thực trong chợ đêm. Sau khi hai bên bàn bạc xong sẽ cùng nhau rời khỏi chợ đêm, tìm một nơi không người để giao dịch.
Cố nguyệt hoài khom lưng, che kín mặt mũi, nhưng biểu cảm lại cực kỳ bình tĩnh. Đây không phải lần đầu tiên cô tới chợ đêm, có thể không lão luyện như cha và anh trai, nhưng cũng không gà mờ đến độ luống cuống tay chân.
Cố nguyệt hoài đứng nép trong góc hồi lâu, lẳng lặng tìm kiếm cá lớn. Lần này cô may mắn hơn lúc chờ trước cửa xã cung ứng, vì chỉ tầm mười phút sau, trong tầm mắt hiện lên bóng dáng một thanh niên thong thả đạp xe chạy tới từ phía góc đường.
Anh ta mặc một chiếc áo len cổ cao màu xanh đen, bên ngoài là áo khoác dài màu xanh quân đội mới tinh, dưới chân đi một đôi giày da trâu ba mảnh. Người xưa có câu “chân không đi giày không bần cũng nghèo, thế nên nhìn người là phải xem giày trước.