Trọng Sinh Chi Cùng Quân - Vu Hoan

Chương 137

Cuối tháng 8 mùa thu năm Nguyên niên, đã đến Càn phong trước Vương Khâm Nhược dâng thư về triều đình, trong thư viết: "Thái Sơn Lê Tuyền ra, Tích Sơn Thương Long hiện." Cũng đưa "Thiên thư" do mình giả tạo cùng gửi về kinh đô.

Dưới sự dẫn dắt của Tể Tướng, các quần thần lại sôi nổi dâng sớ chúc mừng, cầu thêm tôn hào "Sùng văn quảng võ nghi thiên tôn bảo ứng chương cảm thánh minh nhân hiếu hoàng đế". Triệu Hằng vui vẻ bái nhận, lệnh cho thợ thủ công hoàng gia là một chiếc "ngọc lộ*" đặc biệt dùng để ngênh đón "thiên thư".

(*Lộ/辂: Một loại xe lớn thời cổ)

"Vương Khâm Nhược đã vay mấy trăm vạn của Tam tư, Chu Hoài Chính thì đang sửa sang lại hành cung cho Quan gia, các châu các huyện rầm rộ xây dựng cung quan. Đây mới chỉ là bắt đầu, nếu thiên thư vẫn còn tiếp tục xuất hiện, sớm muộn gì Hộ Bộ cũng rơi vào thiếu hụt." Hắn không có quyền hỏi thăm ngân khố của Tam Tư, nhưng từ việc lưu chuyển tiền lời từ muối và sắt, có thể biết mấy tháng nay tiền của Tam tư đều chảy vào việc phong thiện.

"Trước đây ta nhậm chức Khởi Cư Xá Nhân, Quan gia đột nhiên ốm nặng một trận, sau khi khỏi bệnh tính tình đại biến, có chút..." Lý Địch cau mày, bước đến gần nàng, nhỏ giọng nói: "Gần đây nhờ phong thiện, trạng thái của Quan gia đã tốt hơn một chút, nhưng trước đây hầu như ngày nào cũng thất thường, thậm chí không thể thượng triều, còn có chút điên điên khùng khùng."

"Hiện giờ trong triều người có thể ngăn cản, cũng chỉ có Vương thừa tướng. Vốn dĩ Vương tướng cũng là người cực lực phản đối chuyện phong thiện, nhưng trước khi phong thiện Đinh Vị đột nhiên mời ông ấy đến phủ, sau đó Vương Khâm Nhược cũng đến tìm ông ấy. Từ đó, thái độ của Vương tướng liền thay đổi."

Lý Thiếu Hoài chắp tay, đứng dậy nói: "Chuyện phong thiện là kết cục đã định, ta sẽ đi tìm Vương tướng hỏi thăm. Hiện giờ huynh đang làm việc dưới trướng Lâm Đặc, mọi chuyện nên cẩn thận."

"Được."

Vừa qua buổi trưa, Chính sự đường lại lu bù công việc. Tấu chương từ các nơi và tấu chương của quan viên trong triều được đưa đến, đều phải được Thừa tướng xem qua và ký tên.

Vài tên cấm quân mặc giáp dày đứng canh trước cửa Chính sự đường.

Trà trên bàn con đang bốc khói: "Bên phía Tam tư nói, sau khi Quan gia đăng cơ, trong hai năm Hàm Bình và Cảnh Đức, quốc khố dần trở nên sung túc. Nhưng lại vì xây dựng cung điện, đạo quan và miếu thờ ở khắp nơi, mà tiêu tốn vô số tiền bạc, e rằng Tam tư khó có thể chống đỡ. Ta nghĩ, nếu cứ tiếp tục thế này sớm hay muộn gì quốc khố cũng sẽ bị tiêu hao đến không còn. Triều đình không có tiền, khổ lại là bá tánh. Hao tổn hàng nghìn hàng vạn để tế trời đất, nhưng tiền lại không tự rơi xuống từ trên trời, giúp nhân gian thoát khổ."

"Thừa Tướng là người đứng đầu trăm quan, là phụ tá đắc lực của Quan gia, nếu..."

Vương Đán đặt chung trà xuống, giơ tay lên, lắc đầu nói: "Không phải ta chưa từng khuyên nhủ Quan gia, nhưng ngươi không biết trước đây Quan mở tiệc chiêu đãi quần thần, đồng loạt ban thưởng cho mọi người, sau tiệc ngài lại đặc biệt ban một vò ngự rượu cho lão phu, trước lúc ra về còn dặn dò lão phu về nhà nhất định phải chia cho vợ còn uống cùng. Ngươi biết vò ngự rượu kia, là gì không?"

"..." Lý Thiếu Hoài lắc đầu.

"Trân châu!"

"Chuyện này..."

"Quan gia là quân, ta là thần, nghĩa là, lúc cần ngươi đế vương có thể ban thưởng cho ngươi, nhưng lúc không cần ngài có thể trừng phạt ngươi. Đây, chính là triều đình."

"Ngài... không sợ việc này sẽ trở thành vết nhơ trong sử sách sao?"

Vương Đán lắc đầu: "Sợ, nhưng ta càng lo cho an toàn của người nhà. Đến lúc đó ta đã qua đời không biết được, hậu nhân muốn bình luận thế nào cứ để mặc họ. Nhưng nếu có thể giúp công chúa và Thánh nhân tiêu diệt nịnh thần, trong lòng ta đã không thẹn với bá tánh, không thẹn với tiên đế."

"Hạ quan cảm thấy, ân sư không bằng ngài."


Vương Đán vuốt chòm râu bạc trắng của mình, cười híp mắt nói: "Ta cũng không dám kéo góc áo Thái Tông và Hoàng thượng." Chợt lại nói: "Trọng Bình là người nóng nảy, lại nóng lòng, làm người quá mức liều lĩnh. Đương kim thánh thượng dù sao cũng không phải Thái Tông, đôi khi có chút cố chấp."

Luận can đảm, bá quan văn võ cả triều không ai bằng Khấu Chuẩn, nhưng luận trí tuệ và khí độ, Vương Đán lại là người đứng đầu. Đây cũng là nguyên nhân ông ấy được Hoàng đế hai triều trọng dụng đến nay.

"Hạ quan đã hiểu."

Mùa thu, Đại lễ phong thiện. Đầu tháng 10 dùng "ngọc lộ" chở "thiên thư" dẫn đường, Hoàng đế ở giữa đội nghi thức, bá quan văn võ theo sát phía sau, cấm quân đi theo bảo vệ tạo thành một đội phong thiện mênh mông cuồn cuộn, như một con rồng dài. Ngựa xe đi ròng rã mười bảy ngày, mới đến dưới chân núi Thái Sơn.

Đội võ tướng danh dự cơ hồ đứng đầy chân núi. Từ dưới chân núi đến sườn núi, cứ cách hai bước lại có một cấm quân ăn mặc chỉnh tề đứng gác. Cờ đỏ cắm dài từ chân đến đỉnh núi.

Đến hành cung Thái Sơn, Hoàng đế hạ lệnh trai giới (ăn chay) ba ngày.

Vào ngày phong thiện, giống như lễ hiến tế Đông Chí, Hoàng đế thay triều phục, đầu đội Thông Thiên Quan, người mặc Giáng Sa Bào.

Vì "ngọc lộ" đã được dùng để chở "thiên thư", để tỏ lòng thành kính, Hoàng đế chuyển sang ngồi "kim lộ", chuẩn bị lái xe, được quần thần vây quanh bước lên Nam Thiên Môn, cúng tế Hạo Thiên Đế và chư thần ngũ phương.

Ngày kế đến Đỗ Đầu Sơn bái kiến Thần Điện, cuối cùng bước lên Tế Đàn hành hương, rước lễ từ trăm quan và chư tăng. Sửa huyện Càn Phong thành huyện Phụng Phù, phong Thái Sơn thần làm "Thiên tề nhân thánh đế", phong Thái Sơn nữ thần làm "Thiên tiên ngọc nữ Bích Hà Nguyên Quân", lại sai người khắc dòng chữ "Tạ thiên thư thuật nhị thánh công minh đức" trên vách núi phía Đông đỉnh Thái Sơn, đồng thời đại xá thiên hạ. Bá quan văn võ vào hàng, ban cho thiên hạ ba ngày Đại Bồ, triều đình xuất ngân khố mở tiệc ở khắp nơi.

Tháng 11, đoàn phong thiện vòng đến Khúc Phụ, bái tế miếu Khổng Tử, thêm thuỵ cho Khổng Tử là "Huyền thánh văn tuyên vương", hai tháng sau trở lại thành Đông Kinh. Một đoạn thời gian rất dài từ đó về sau, thiên hạ đều thi nhau ca ngợi "thiên thư", quần thần cũng tranh nhau dâng tấu, hết lời ca tụng.

Vào giữa tháng giêng năm Đại trung tường phù thứ hai, thành Đông Kinh bị tuyết dày bao phủ, cửa thành được mở khi trời còn chưa sáng, cấm quân phòng thủ cầm xẻng dọn tuyết trên các tuyến đường chính.

Điện tiền tư.

Lý Thiếu Hoài ngồi trước chậu than, xoa xoa đôi tay bị đông lạnh đến hồng hào, nói: "Cuối cùng cũng dọn xong rồi, quét từ lúc trời chưa sáng, đến giờ đã sắp giữa trưa."

"Mấy ngày nay tuyết đã ngừng rơi, vài ngày nữa lại thấy được ánh mặt trời." Lý Địch ngồi trên ghế, nhìn người đang sưởi ấm, uống một ngụm trà nóng nói: "Đã có thống kê của Tam tư."

"Như thế nào?"

"Phong thiện trên núi Thái Sơn tổng cộng dùng 50.000.000, đến miếu Khổng Tử lại tiêu phí 30.000.000, thưởng cho thân tín tuỳ tùng và bá quan văn võ càng là vô số kể."

"Quan gia đã ban thưởng... chiếc thắt lưng ngọc trên người cho Đinh Vị, lệnh cho ông ta xây dựng Chiêu ứng cung."

"Số tiền dự trữ trong hai năm Hàm Bình và Cảnh Đức gần như đã tiêu hết. Nếu còn không ngăn cản thiên thư, sợ là động không đáy."

"Thật ra, Quan gia sùng Đạo như vậy, Điện Soái lại sống ở Trường Xuân quan từ nhỏ, nếu thỉnh Thái Thanh chân nhân ra mặt khuyên can, có lẽ..."


Lý Thiếu Hoài lắc đầu: "Quan gia hiện giờ, đã không phải là sùng, mà là cuồng. Huynh phải biết, đức tin, chỉ nằm ở chỗ thuận, lời thật thì khó nghe, con người một khi mất trí, quỷ thần muốn lôi kéo cũng không trở lại."

"Chuyện của triều đình, nên để người trong triều giải quyết." Dứt lời nàng móc một xấp thiệp đỏ ra, đưa cho Lý Địch một tấm.

Lý Địch đầu tiên là sửng sốt: "Hả?"

"Ngày mai Lạc Ương nhà ta tròn một tuổi."

Lý Địch chợt cười to: "Ha ha ha, không thể tưởng tượng được chớp mắt đó mà người ngày xưa muốn làm bạn với Tam Thanh sư tổ cả đời, hiện giờ không chỉ thành phò mã mà con gái cũng đã được một tuổi."

Lý Thiếu Hoài đặt tay lên môi, ho nhẹ một tiếng: "Năm đó trẻ người non dạ, cho rằng mình có thể đoạn hồng trần."

"Vẫn là công chúa điện hạ lợi hại, ngay cả tên đầu gỗ như ngươi cũng có thể đả động."

————————

"Vì công chúa, ta nguyện quỳ gối dưới váy thạch lựu của nàng cả đời, làm không biết mệt*!"

(*Nguyên văn: nhạo thử bất bỉ, một thành ngữ chỉ sự làm không biết mệt, không biết chán với công việc mình yêu thích.)

"Nàng... Nàng thật sự nói với Lý Địch như thế sao?" Mặt Triệu Uyển Như đột nhiên nóng lên.

"Đương nhiên. Ta và hắn kết giao mười mấy năm, nói thật cũng không sao."

"..."

Lý Thiếu Hoài mặc một chiếc áo choàng cổ tròn màu đỏ, ôm con gái nằm trên ghế dựa. Lý Lạc Ương nằm trong lòng nàng, vươn bàn tay béo núc ních xoa xoa chiếc cằm sạch sẽ trơn bóng của cha, thấy nàng cười ngây ngô, cũng bắt chước nheo mắt cười to.

"A cha..."

"A cha..."

"Ai!" Lý Thiếu Hoài bế con gái lên, cọ cọ trán hôn một cái.

Triệu Uyển Như thở dài nhẹ nhõm một hơi: "Mấy ngày nay cuối cùng cũng chịu sửa miệng."


"Thật ra gọi A nương cũng không sao, dù sao bây giờ con gọi ta là gì, người khác cũng chỉ nghĩ là nàng còn nhỏ."

"Mọi chuyện vẫn nên cẩn thận thì hơn."

"Nhưng chờ khi con lớn, ta vẫn phải giải thích với con." Lý Thiếu Hoài vừa đùa với con, vừa ngẩng đầu nhìn về phía Triệu Uyển Như nói: "Đến lúc đó..."

Triệu Uyển Như cúi người xuống, đặt tay lên vai nàng: "Con sẽ hiểu thôi. Mẫu thân của nàng, không hề thua kém ai."

"Ta đã xin Quan gia nghỉ phép, ngày mai sẽ cùng con đón lễ một tuổi."

"Giữa trưa hôm nay mẫu thân đã phái Lôi Duẫn Cung đến truyền lời, nói ngày mai chúng ta đưa Ương Nhi vào cung dùng bữa tối."

Lý Thiếu Hoài gật đầu: "Được. Mẫu thân yêu thương Ương Nhi cũng là một chuyện tốt."

Ngày hôm sau phủ phò mã tổ chức tiệc, văn võ bá quan cả triều đều đến tham dự, người đang bận việc cũng phái người nhà lại đây.

Phúc Ninh Điện và Khôn Ninh Điện đều phái đại quan chưởng sự mang lễ vật đến.

Đứa bé một tuổi bị bọc thành một cái bánh bao tròn trịa, đeo khoá trường mệnh trước ngực. Đông đảo cung nữ trông chừng cô bé đang bò tới bò lui trên chiếc bàn lớn giữa đại sảnh. Trên bàn có đồng tiền, bút lông hổ, túi cá vàng, dao găm giả bằng bạc,... được làm riêng cho trẻ em dùng để chọn đồ vật đoán tương lai.

Hầu hết người vây xem đều là phụ nữ, tuỳ theo quan hệ và địa vị mà đứng xa gần.

"Quả nhiên hai vợ chồng bọn họ tướng mạo xuất chúng, sinh con cũng đẹp như vậy. Bà nhìn gương mặt kia đi, tuy là bé gái, nhưng lại cực kỳ giống Điện Soái, còn thêm vài phần anh khí, có linh khí hơn những trẻ bình thường khác nhiều."

Vừa dứt lời, Lý Thiếu Hoài đang tiếp khách ngoài tiền viện đã trở lại đại sảnh trung đường, trìu mến ôm lấy đứa bé từ tay cung nữ.

"A... Cha~" Bánh bao nhìn thấy cha mình, liền mở miệng cười, không ngừng bắt lấy tóc trên đầu Lý Thiếu Hoài.

Tuy có chút khó nghe, nhưng vẫn hiểu được nàng nói gì, chờ đến khi Triệu Uyển Như bước ra, mọi người đều đứng dậy, hành lễ gọi: "Công chúa kim an."

Triệu Uyển Như hơi gật đầu đáp lại: "Hôm nay là sinh nhật một tuổi của con gái ta, đừng quá khách sáo, các vị có thể đến đây, đã là lời chúc tốt nhất, ta ở đây thay Ương Nhi cảm tạ các vị."

Công chúa hành lễ, mọi người lại hành lễ đáp lại.

"A... Nương ~"

Giọng nói mềm mại có thể mềm hoá lòng người. Triệu Uyển Như ôm lấy con gái, ôn nhu nói: "Lại ăn vạ cha rồi."

Mấy cung nữ đứng sau nhìn nhau cười nói: "Tiểu công chúa rất dính A Lang, có đôi khi thật lâu không gặp được A Lang sẽ khóc lóc ầm ĩ."

Người một nhà vui vẻ hoà thuận, mọi người càng xem càng cảm thấy Lý Lạc Ương và cha mình giống như là từ một khuôn khắc ra: "Đều nói con gái giống cha, quả thật không sai."

"Nhìn dung mạo của phò mã hiện giờ, có thể tưởng tượng được sau này tiểu công chúa trưởng thành sẽ phong hoa tuyệt đại đến cỡ nào."


Từ khi Lý Thiếu Hoài vào Tam nha, trở thành Điện tiền Đô chỉ huy sứ, thường xuyên mặc khôi giáp cưỡi ngựa tuần tra kinh thành, người qua đường nhìn thấy, nhất thời mỹ mạo truyền khắp kinh thành.

"Nghe nói Lang Lăng Vương Bắc Tề Cao Trường Cung cũng là một vị đẹp tựa mỹ nhân, cho dù là nam hay nữ, gặp được cũng say mê."

Thậm chí trong tửu lầu có người gọi nàng là "Lan Lăng Vương", có được mỹ mạo của Lan Lăng Vương đương thời. Năm xưa Lan Lăng Vương chết không phải vì trời ghét anh tài, mà là không trốn được lòng người hiểm ác, bị trị tội, mất vào năm 32 tuổi.

Bọn người rảnh rỗi lại mượn Lan Lăng Vương so sánh với phò mã đương triều, không biết là khen, hay châm chọc!

"Nàng qua bên kia bàn đứng đi, con dính nàng như vậy, lát nữa sẽ tự mình bò qua."

Lý Thiếu Hoài gật đầu: "Tuân lệnh nương tử ~"

"Nhớ để con chọn đồ vật."

"Ừm."

Cục bột một tuổi dưới ánh mắt của mọi người vây xem bò về phía cha mình. Lý Thiếu Hoài chống đầu gối, chỉ chỉ đồ vật trên bàn: "Ương Nhi nhìn qua đây."

Lý Lạc Ương ngẩng cái đầu tròn vo, đột nhiên vươn tay cầm lấy một cây bút.

"Quả nhiên, cha là Tiến Sĩ cập đệ, ngay cả con gái cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều."

Lại có người nói: "Chỉ tiếc là con gái."

"Con gái thì sao? Ngươi xem Quan gia và Thánh nhân yêu thích nàng như vậy, con gái nhà ai có thể tổ chức tiệc mừng một tuổi?"

Không đợi các nàng nói xong, Lý Lạc Ương lại duỗi tay cầm lấy túi cá vàng của Lý Thiếu Hoài.

Mọi người đều ngạc nhiên tột độ: "Như vậy là ý gì?"

Có người nhanh chóng suy đoán, nói: "Với mức độ được sủng ái của công chúa và phò mã hiện giờ, sau này rất có thể tiểu công chúa sẽ được phong cáo mệnh."

"Có lẽ là quận chúa hoặc huyện chủ cũng không chừng đâu."

"Có lý lắm."

Chọn bút, chọn đồng tiền, chọn thêu thùa, hoặc bảo kiếm đều được, chỉ không muốn con chọn túi cá vàng, Lý Thiếu Hoài bế con gái lên.

Thấy nàng mặt ủ mày chau, Triệu Uyển Như bèn nắm lấy tay nàng ôn nhu nói: "Chỉ là chọn đồ vật mà thôi, con nít cũng không hiểu những thứ này. Con đường sau này, còn phải tuỳ thuộc vào nguyện vọng của con gái."

Lý Thiếu Hoài gật đầu.

- --- Hết chương 137 ----

Bình Luận (0)
Comment