Năm Vĩnh Cơ thứ mười tám, hoàng đế sức khỏe sa sút không còn có thể thượng triều được nữa, quyết định nhường ngôi cho Thái tử Cơ Trường Uyên, lấy niên hiệu là Trường Khánh.
Thục quý phi bị vạch trần tội gian dâm với tên Quốc sư giả mạo, bị đày vào lãnh cung, toàn bộ trên dưới gia tộc bị c.h.é.m đầu.
Tam hoàng tử Cơ Sở Ngọc thì bị đày ra biên ải.
Nhà họ Vương ngự sử cùng những phe cánh của Thục quý phi có liên đới vào ngày cung biến đồng loạt bị cách chức, tịch thu gia sản, nam thì trở thành nô lệ, nữ bị xung vào quân kỹ.
Thành Thiên An sau bảy ngày chìm trong hỗn loạn đã trở về vẻ rộn ràng tấp nập xa hoa rực rỡ của nó.
Sau một tháng lên ngôi, Trường Khánh Đế đã ra thông báo giảm sưu giảm thuế, bồi đắp đê điều, hỗ trợ gia tăng trồng trọt, coi như thay Thái thượng hoàng bù đắp cho dân chúng Đại Cơ thời gian qua.
Một ngày mùa thu, Thái thượng hoàng trút hơi thở cuối cùng trong giấc ngủ, ai cũng nói ngài ra đi rất nhẹ nhàng thanh thản, quốc tang được diễn ra long trọng trong bảy ngày dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trường Khánh Đế.
Dân chúng xúc động quỳ lạy khắp các nẻo đường, đâu đâu cũng vang lên những lời khen ngợi và ca tụng Tân đế ngoài tài trị nước xuất chúng còn có lòng hiếu thảo, yêu dân như con.
Giang sơn Đại Cơ lần nữa bước lên một đỉnh cao mới với ruộng đồng trù phú, nước non hữu tình, cuộc sống no đủ.
Toàn bộ những chuyện này cũng đều là được Khương Nặc kể lại, trong khi Khương Yên đang nhẩn nha nằm trên võng cắn hạt dưa.
Ngày đó, khi tính toán rời khỏi kinh thành, Khương Yên đã bí mật gửi một bức thư, nói với Lô thị và Khương Nặc bán hết đất đai nhà cửa ở trấn Lạc Thủy, sau đó gấp rút lên đường, hẹn gặp mặt ở trấn Quan Lạn, nằm ngay cửa ngõ biên ải phía bắc của Đại Cơ, thuộc thành Liễu Khê, được dãy Bát Đại Sơn bao bọc.
Vì sợ bị phát hiện, hoặc gặp kẻ xấu, suốt mấy tháng ròng rã Khương Yên không dám tắm rửa hay lau chùi lớp bụi đất trên mặt, cứ thế chịu đựng di chuyển cùng đoàn người tha hương dọc theo sông Hạ Giang đi lên tận phía Bắc xa xôi.
Tính ra cũng đã được gần nửa năm Khương Yên cùng hai người kia dừng chân tại Quan Lạn này.
Với số bạc trong tay, cả ba người họ không cần phải lo tìm kế sinh nhai.
Nhưng ăn ở không hoài cũng chán, Khương Yên bàn với Lô thị và Khương Nặc mở một quán rượu nhỏ ở trong thành, vừa tạo công ăn việc làm cho mọi người, vừa vui vẻ nghe ngóng chuyện tứ phương.
Tay nghề nấu ăn của Lô thị rất tốt, lại thêm Khương Yên lâu lâu nổi hứng bày ra vài món ăn mới lạ, chẳng mấy chốc quán rượu đã có một lượng khách đáng kể.
Việc làm ăn buôn bán phát đạt, gần đến cuối năm, Khương Yên cũng không ngại thưởng thêm cho mấy người làm trong nhà, lại tự mình bỏ tiền mua vải, muốn may cho Lô thị, Khương Nặc và hai gia đinh người Bắc hoang mua về từ chợ đen mấy bộ quần áo mùa đông giữ ấm.
Sáng nay theo thói quen thường lệ, Khương Yên được Đại Tráng hộ tống lên chợ mua sắm.
Dọc đường trở về, nàng không quên phát một giỏ bánh bao nóng hổi cho mấy đứa trẻ nhà nghèo đang tụm ba tụm năm bên cạnh hàng kẹo hồ lô ngào đường.
Một gương mặt non nớt xa lạ xuất hiện, dù lấm lem bùn đất vẫn không che khuất được đôi mắt to màu xám cùng gò má đỏ au.
Đứa bé có vẻ rụt rè, nó nấp phía sau bức tường của con hẻm nhỏ, đưa ánh nhìn thèm thuồng hướng về phía này.
Khương Yên nhịn không được vẫy vẫy tay: “Lại đây, lại đây ăn bánh bao nè.”
Bé nhìn quanh một vòng, cuối cùng không nhịn được gấp gáp chạy ra đưa hai tay lên.
Bánh bao nóng hổi được thả xuống, thêm một cây kẹo hồ lô ngào đường ngọt lịm.
“Là người Bắc hoang.” Đại Tráng đứng kế bên thầm thì.
Người Bắc hoang là một kiểu dân du mục sinh sống ở khu lạnh giá nhất ở phía bắc Đại Cơ, trải dài từ đông sang tây.
Vòng qua dãy núi Bát Đại Sơn, băng qua một sa mạc và bình nguyên rộng lớn sẽ thấy cả một vùng trời trắng xóa với tuyết phủ quanh năm.
Người Bắc hoang sống ở đó.
Khí hậu khắc nghiệt, lại sinh sống theo từng cụm, may mắn được trời phú cho thể lực phi thường và sự dẻo dai nhưng người Bắc hoang lại thường xuyên rơi vào tình trạng đói kém.
Một số người chịu không nổi đã dắt díu nhau vượt một đoạn đường dài để đi vào lãnh thổ Đại Cơ hòng tìm kiếm một con đường sống.
Chỉ là có vẻ dạo gần đây, số lượng người Bắc hoang xuất hiện ở thành Liễu Khê có chút đông đảo, không còn là lẻ tẻ vài người như đợt Khương Yên mua Đại Tráng và Tiểu Đinh ở chợ đen.
“Hai năm gần đây mùa đông ở phía Bắc đã đến sớm còn kéo dài, những người này có vẻ không chịu đựng nổi nên đã rời bỏ quê hương mà đến đây.” Tiểu Đinh vừa đặt dĩa thịt heo xào xuống bàn, vừa cảm thán.
Trong đầu đột nhiên hiện lên đôi mắt to tròn long lanh và gương mặt e dè của em bé, Khương Yên có hơi tội nghiệp.
“Ngày mai Đại Tráng đi tìm hiểu thử xem sao, nhớ đừng làm cho đứa trẻ sợ hãi.”
“Nô đã rõ.”
Đại Tráng làm việc rất nhanh nhẹn, sáng hôm sau vừa rời đi, đến trưa đã quay trở về quán rượu, đi về phía sân vườn phía sau bẩm báo sự việc cho Khương Yên.
“Đúng như nô đã nghĩ, mùa đông năm nay quá khắc nghiệt, bọn họ không thể chống chọi nổi nên đã dắt díu vào đây lánh nạn. Nhưng có một điểm khá kỳ lạ mà nô có hơi ngờ vực…” Đại Tráng đi thẳng vào vấn đề.
“Có chuyện gì ngươi cứ nói.”
“Thông thường người Bắc hoang đều là dân du mục, họ thích sống theo ý thích với từng cụm nhỏ lẻ chứ không hay tập hợp thành một đoàn người đông đảo, cũng ít khi nghe lệnh triệu tập của ai đó ngoại trừ vu sư trong tộc, người thay mặt thần linh để dẫn dắt mọi người đi theo ý của Đại thiền vu. Nhưng có vẻ đợt di cư này lại có vẻ là do một vài người cầm đầu khởi xướng.”
Khương Yên có chút hiểu biết với người Bắc hoang, kiếp trước nàng đã từng ra tiền tuyến, sát cánh chiến đấu với Bùi Lẫm, đẩy lùi một bộ phận người Bắc hoang tinh nhuệ hiếu chiến.
Bọn họ sống rày đây mai đó đã quen, việc dung nạp những kiến thức mới là điều vô cùng hạn chế, bình thường có vẻ hiền lành cục mịch, nhưng cũng là kiểu người dễ bị kích động vô cùng.
“Ngươi dẫn ta đến đó, ta muốn gặp bọn họ.”
Nhớ đến đợt bạo loạn ở vùng Vọng Giang đời trước, khi lũ lụt và dịch bệnh ồ ạt kéo đến cùng nhau, Khương Yên không khỏi lo lắng trong lòng.
Sự thay đổi bất thường của một tập tính trong quần thể nào đó luôn kéo theo những hệ lụy không nhỏ phía sau.
Linh cảm cho Khương Yên biết chuyện này không đơn giản chút nào, nàng nghĩ mình cần nên tìm hiểu một chút mới yên tâm.
Để tạo lý do hợp lý cho buổi gặp mặt, Khương Yên chuẩn bị một giỏ bánh bao nóng, thêm vài xâu thịt khô cùng kẹo hồ lô và mấy áo bông nhỏ, sau đó theo sau Đại Tráng đi vào con hẻm cũ quanh co ở bên hông chợ.
Căn nhà tranh xập xệ vô cùng, bên trong có rất đông người đang chen chúc nhau ngồi nằm trên nền đất.
Ngoài sân là mấy đứa nhỏ quần rách áo manh, đang vo đất làm thành đồ chơi cho mình.
“Bé con, còn nhớ tỉ không?” Khương Yên ngồi xổm xuống trước mặt mấy đứa trẻ, ngoắc ngoắc tay chỉ vào giỏ bánh bao thơm lừng.
“Hôm nay tỉ cũng mang bánh bao và kẹo hồ lô cho bé cưng nè. Lại đây nào.”
Mấy đứa trẻ vừa nghe có đồ ăn ngon vội vàng phủ phủi tay vào vạt áo rồi chạy ào đến vây thành một vòng xung quanh Khương Yên.
Nghe âm thanh ồn ào bên ngoài, một người phụ nữ trẻ lò dò đi ra bên ngoài sân ngó thử.
“Là ai…???”
Nàng ta dè dặt ngước mắt nhìn Khương Yên hỏi nhỏ, âm điệu có chút khô cứng.
Nàng không lấy làm khó chịu gì, ngẩng đầu tươi cười với đối phương.
“Ta là chủ quán rượu ở gần chợ, hôm qua đi ngang qua thấy mấy đứa nhỏ dễ thương quá nên có nán lại trò chuyện một chút. Trưa nay rảnh rỗi nên ghé qua thăm một chút, không làm phiền gia đình chứ?”
Vừa nói nàng vừa nghiêng đầu nhìn vô nhà, thấy la liệt người bên trong cũng đang ngóng cổ về phía mình.
Người phụ nữ có vẻ lúng túng, nàng ấy nhìn vào giỏ bánh bao còn khá nhiều của Khương Yên, mấy ngón tay vặn xoắn vào nhau.
Hẳn là đã đói bụng lắm rồi.
Khương Yên nhanh nhẹn ra hiệu cho Đại Tráng đưa qua.
“Chúng tôi đường đột đến đây, thật là không phải, ở đây có chút bánh trái, mọi người đừng ngại nhé.”
Thấy dáng vẻ thân thiện của Khương Yên, mọi người cũng buông lỏng cảnh giác, bắt đầu quây quần xung quanh nàng.
Sau một hồi hỏi thăm, Khương Yên đã nắm được đôi phần.
Cũng không khác lắm với những gì Đại Tráng đã nói, năm nay mùa màng thất bát, một số bộ tộc của Bắc hoang lâm vào cảnh túng thiếu lương thực.
Những gia đình có con nhỏ còn khốn khổ hơn với bệnh cảm lạnh của trẻ em. Cho nên bọn họ đã bàn với nhau tìm nơi lánh nạn qua mùa đông này.
Nhưng có một điểm khiến Khương Yên chú ý.
Quãng đường từ vùng tuyết lạnh băng giá Bắc hoang để đi vào lãnh thổ Đại Cơ vô cùng gian nan vất vả, rất ít phụ nữ và trẻ nhỏ có thể an toàn đi đến đích, thông thường họ sẽ dừng chân ở vùng bình nguyên và chờ đợi những người đàn ông trong tộc đi kiếm ăn trở về.
Nhưng căn nhà lụp xụp này lại có rất nhiều phụ nữ và trẻ em.
Nghe đến đây, người phụ nữ, mẹ của Tiểu Đào Hồng, cô bé mà Khương Yên bắt gặp trên phố hồ hởi chia sẻ, bọn họ được một nhóm chiến sĩ Bắc hoang, thuộc đội thợ săn trong bộ tộc hộ tống đến đây.
Những người này đã đích thân đi đến kêu gọi từng gia đình có đàn ông trẻ tuổi khỏe mạnh, tập hợp thành một đoàn người có quy mô không nhỏ để tiến vào Đại Cơ với lời hứa hẹn một tương lai tươi sáng cùng thuốc men đầy đủ và thực phẩm ê hề.
Từ trước đến nay, người Bắc hoang cho dù có đặt chân được vào Đại Cơ, bọn họ cũng chỉ có thể được thuê mướn để làm những công việc đồng áng hay khai khoáng nặng nhọc, nếu không thì cũng bị bán ở chợ đen để trở thành gia nô cho những người có tiền.
Hoàn toàn không có chuyện sẽ có cuộc sống sung sướng khi đến đây.
Thật không biết những người kia lấy cái gì để đảm bảo cho một lời hứa hẹn viển vông như vậy.
Khương Yên vừa bâng quơ nghĩ, vừa đưa mắt quan sát một vòng.
Chợt phía sau nhà thấp thoáng bóng dáng của người đàn ông.
Hắn ta cau mày, dường như có chút khó chịu khi nhìn thấy người lạ là Khương Yên xuất hiện ở đây.
Biết tính tình của nam tử Bắc hoang thô lỗ cộc cằn, Khương Yên bày ra vẻ mặt hiền hòa nhất, muốn chủ động làm thân với người này để họ không cần phải quá đề phòng mình.
Nhưng khi dợm đứng dậy, có một thứ đập vào mắt Khương Yên khiến nàng ngay lập tức rơi vào trạng thái kinh sợ.
Đôi giày của người đàn ông này không hề bình thường chút nào.
Mà Khương Yên lại càng biết chính xác chúng là thứ gì.