Trung Cung Lệnh

Chương 176


Nàng đỡ lấy tay Đổng Ngạc phi, rời khỏi Thừa Càn cung, đi về phía Ngự hoa viên, đi qua Chung Túy cung, Giáng Tuyết hiên.

Hai người cứ chậm rãi đi trong yên lặng, chẳng mấy chốc, vừa nghe lại nghe thấy có tiếng người nói chuyện xôn xao.
Phía trước có hai cung nữ, hẳn là đang tán ngẫu, "Cuối cùng Quốc sư cũng đã tới rồi, Tử Cấm Thành nhất định sẽ gặp chuyện may mắn."
"Phải đấy, hy vọng Quốc sư sẽ cầu cho Hoàng quý phi nương nương an khang khỏe mạnh!"
Đổng Ngạc phi đứng đó, không xa không gần, mà đủ để nghe thấy.

Biểu tình của nàng có chút đông cứng, đưa mắt nhìn Tang Chi.

Tang Chi khẽ nở nụ cười, "Nương nương chờ một lát, nô tỳ sẽ lập tức quay lại."
"Các ngươi rất quý trọng Hoàng quý phi nương nương sao?" Tang Chi nhẹ bước đi tới, nhưng cũng đủ khiến hai tiểu cung nữ kia sợ đến giật mình.

Hoàng hôn đã buông, bóng đêm bao phủ, Tang Chi cũng không cầm theo đèn lồng, hai tiểu cung nữ không thấy rõ được gương mặt nàng.
"Ai vậy?"
"Ta cũng là cung nữ, đi ngang qua mà thôi, tình cờ nghe các ngươi nhắc tới Hoàng quý phi nương nương."
Lúc này hai tiểu cung nữ mới thở phào, "Đúng vậy, trong Tử Cấm Thành này không phải Hoàng quý phi nương nương là chủ tử tốt nhất đó sao, là nô tài đương nhiên sẽ quý trọng nương nương.

Hy vọng ông trời có thể phù hộ cho nương nương, khỏe mạnh trường thọ."
Tang Chi cười cười, ánh mắt xuyên màn đêm hư ảo mà nhìn về phía Đổng Ngạc phi.

Đổng Ngạc phi không nhìn rõ mặt người kia, nhưng trong lòng bỗng cảm thấy ấm áp, ngũ vị tạp trần.
"Các nàng...!thực lòng quý trọng bổn cung sao?" Đổng Ngạc phi do dự, khe khẽ hỏi.

Tang Chi đã quay trở về bên nàng, cả hai bắt đầu nâng bước.

"Nương nương xưa nay hào phóng rộng rãi, nô tỳ cho rằng phàm đã hầu hạ cho Thừa Càn cung, ắt sẽ đều biết ơn."
Được người yêu quý luôn luôn là một chuyện đáng để vui mừng.

Bước về phía trước, Đổng Ngạc phi vẫn chỉ yên lặng không lên tiếng.


Đêm khuya đường dài, tiết trời trở lạnh, Đổng Ngạc phi ho khan một tiếng, Tang Chi vội nói, "Nương nương, chúng ta trở về thôi."
Nhưng Đổng Ngạc phi lại lắc đầu, "Không cần, qua Ngự Hoa viên nghỉ một lát."
"Được." Tang Chi dẫn nàng vào hậu đình tránh gió, mà Đổng Ngạc phi cũng không nói thêm lời nào nữa.

Tang Chi lại nói, "Nương nương, suy cho cùng thì người vẫn còn có Hoàng thượng, không phải sao?"
Đổng Ngạc phi có chút sững sờ.
"Nương nương nói ban đầu điều mà người muốn cũng chỉ là một đôi phu thê áo vải bầu bạn cả đời, mà Hoàng thượng, từ lúc ban đầu cho đến hiện tại không phải là vẫn giữ nguyên một lòng với người đó sao?" Tang Chi hạ giọng, "Xin thứ cho nô tỳ nhiều lời, phu quân của người là Hoàng đế, có thể giữ nguyên sơ tâm, như thế đã là không dễ dàng.

Điều càng hiếm có hơn chính là, dường như trong lòng Hoàng thượng, trước sau cũng chỉ thực sự có mình người.

Nương nương, nô tỳ cả gan hỏi người một câu, người đã bao giờ tự hỏi tại sao người lại cùng lúc mất đi cả Vinh Thân vương lẫn huynh trưởng hay chưa?"
"Ngươi cứ nói." Ánh mắt Đổng Ngạc phi chiếu lên gương mặt Tang Chi, "Vì sao?"
"Có được tất có mất.

Nương nương đã có được thịnh sủng của Đế vương.

Tử Cấm Thành này nằm trong tay dòng họ Ái Tân Giác La, không phải Đổng Ngạc thị.

Nương nương cứ giữ thái độ khiêm tốn cẩn trọng, ấy vậy mà đã nắm trong tay trái tim của quân thượng, không phải sao? Lại nói đến vinh quang gia tộc, dù cho là thế lực của Đổng Ngạc thị, so với hoàng quyền thì đã là gì.

Người nghĩ lại mà xem, trước khi Vinh Thân vương ra đời, thịnh sủng dành cho Thừa Càn cung chưa từng phai nhạt, phải không?"
Đúng vậy, sự tồn tại của đứa bé này, quả đúng là đã uy hiếp đến lợi ích của quá nhiều người.

Nơi hoàng cung này đã sớm bị lợi ích và tham vọng cá nhân chế trụ, còn đâu nhân tình dành cho một đứa trẻ.

Cái chết của Vinh Thân vương, dường như là một kết cục đã được định trước ngay từ khi bắt đầu.
Đổng Ngạc phi gắt gao nắm lấy khăn tay, thần sắc không giấu nổi vẻ bi ai.

Sao nàng không hiểu những điều này? Ngay từ phút ban đầu nàng đã hiểu được rồi, cho nên mới giấu giếm sự tồn tại của Vinh Thân vương kỹ càng đến thế.


Nhưng có ích gì chứ? Một đứa trẻ được sinh ra, khắp Tử Cấm Thành này nơi đâu cũng có tai mắt, sao có thể cứ muốn giấu là giấu.

Cho nên điều nàng mong mỏi nhất chính là có thể bảo vệ được cho Vinh Thân vương, hy vọng mẫu tử nàng có thể bình an.

Cũng bởi vì muốn bình an, cho nên nàng không thể không có mưu đồ.

Nàng là một nữ nhân, cũng là một người mẹ.

Nỗi niềm của nàng, hay, nỗi niềm của nữ nhân nơi này, Hoàng thượng sẽ chẳng bao giờ hiểu.

Chỉ có Đổng Ngạc phi không đêm nào an giấc, hận không thể tận mắt trông nom Vinh Thân vương đi từng giây từng phút.
Đổng Ngạc phi nhắm mắt, lại thấy mi mắt mình đã thấm ướt, bờ vai gầy gò bắt đầu run lên.

Tang Chi đứng sau nhìn, có thời khắc muốn tới ôm nàng an ủi, dùng hơi ấm của lòng người mà khiến nàng yên lòng, nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ đưa tay bao bọc lấy bàn tay đang run lên của Đổng Ngạc phi.
"Nương nương, nhưng người vẫn còn có Hoàng thượng!" Tang Chi khẽ thở dài, "Chi bằng cứ coi như mọi chuyện đã quay lại điểm xuất phát.

Chỉ cần lòng của Hoàng thượng còn ở chỗ người, Đổng Ngạc thị cũng sẽ vẫn vững chắc như xưa."
Đổng Ngạc phi dần bình ổn lại, nhưng vẻ tiều tụy vẫn bao trùm dung nhan, "Đứa con đáng thương của ta..." Nàng nghẹn ngào, "Tang Chi, trên đời này thật sự có thần linh sao? Nếu ta làm việc thiện tích đức, liệu...!liệu đứa con đáng thương của ta có thể được đầu thai vào một gia đình bình phàm, bình an mà sống hết một đời hay không?"
Tang Chi lặng đi một giây, cuối cùng nói, "Có.

Ngẩng đầu nhìn lên, thần linh vẫn luôn ở trên cao kia đấy thôi.

Nếu nương nương ăn chay niệm phật, thành tâm cầu khẩn, ông trời nhất định sẽ nhìn thấy."
Vừa dứt lời, phía bên kia bỗng truyền tới một thanh âm già nua, "Đúng vậy.

Ngẩng đầu nhìn lên, vẫn luôn có thần linh."
Tiếng nói ấy khiến Tang Chi chấn động, đột nhiên cảm thấy vô cùng quen thuộc, như thể đã nghe qua từ trước.


Nàng hướng mắt nhìn về nơi ấy, thấy một đạo sĩ tay nâng phất trần, một thân áo bào màu ngọc, trong bóng đêm mờ ảo vẫn nhìn ra mười phần khí khái.
Tang Chi chưa kịp phản ứng, Đổng Ngạc phi đã kịp đứng lên, "Xin hỏi, ngài có phải là Quốc sư đại nhân?"
"Chính là bần đạo." Người xưng Quốc sư đại nhân khẽ khom người, "Tham kiến Hoàng quý phi nương nương."
Đổng Ngạc phi vội vàng, "Không dám, xin lão thần tiên đừng đa lễ.

Không biết lão thần tiên tại sao lại ở đây vào lúc này?"
"Hoàng thượng đã ân chuẩn cho bần đạo ở lại trong cung mấy ngày, bần đạo lại muốn tới thăm Khâm An điện." Lão đạo trưởng ân cần, "Nương nương, đêm dài trời lạnh, thân thể người vốn suy nhược, nên trở về đi thôi."
Đổng Ngạc phi cũng không dám lãnh đạm, "Đa tạ lão thần tiên nhắc nhở." Đoạn, nàng và Tang Chi liền rời đi.
Lão đạo từ đầu đến cuối cũng chẳng hề để mắt đến Tang Chi, còn Tang Chi trước sau lại nhất nhất quan sát hắn, ánh mắt vô cùng thẳng thắn càn rỡ.

Thẳng cho tới lúc Tang Chi đỡ Đổng Ngạc phi rời khỏi, hắn cũng chẳng hề đáp lại ánh mắt của nàng, mà điều này khiến nàng cảm thấy có chút buồn cười.

Tang Chi nghĩ thầm, một thân tiên phong đạo cốt, e rằng cũng chỉ là giả dối mà thôi.
Nàng đỡ Đổng Ngạc phi đi được vài bước, rốt cuộc lại như thể bị điều gì thúc giục mà quay đầu nhìn lại, loáng thoáng thấy được lão đạo kia vẫn đứng đó, mỉm cười nhìn theo nàng.

Tang Chi lại càng cảm thấy kỳ quái, bước chân dừng lại, "Nương nương, nô tỳ khi nãy không cẩn thận làm rơi khăn tay, người có thể đợi nô tỳ một lát được hay không?"
Đương nhiên Đổng Ngạc phi cho phép.

Tang Chi lại gần, thi lễ với lão đạo.

Nàng nhướn mày, "Nghe nói đạo trưởng thần thông, hôm nay cuối cùng cũng có duyên hạnh ngộ."
"Người đời quá lời mà thôi, bần đạo cái gì cũng không biết." Vẻ tươi cười của lão đạo vẫn không đổi.
Lời này khiến Tang Chi bất ngờ, nàng vốn cho rằng hắn sẽ khoác lác một hồi.

Lại hỏi, "Vậy ông biết ta là ai không?"
"Ngươi là ngươi." Lão đạo vẫn cười, bộ dáng ung dung.
Tang Chi cười lên, một nụ cười giấu vẻ trào phúng.

Nàng không nói thêm lời nào, xoay lưng bước đi.
"Vô Lượng Thiên Tôn." Lại nghe lão đạo trưởng lên tiếng, "Trang Chu mộng Hồ Điệp[1], Hồ Điệp mộng Trang Chu.

Hôm nay không phải hôm nay, hôm qua cũng chẳng phải hôm qua.

Suy cho cùng cũng chỉ có thiên đạo là rõ ràng minh bạch."
Tang Chi âm thầm thảng thốt, lập tức quay đầu nhìn lại, vẫn thấy nụ cười trên mặt lão đạo không đổi.


Nàng tiến gần vài bước, "Đạo trưởng có ý gì?"
"Thí chủ cho rằng bần đạo có ý gì thì chính là ý đấy."
Tang Chi nhíu mày, "Xin hỏi danh tính của đạo trưởng?"
"Bần đạo tuổi tác đã cao, không còn nhớ rõ nữa."
"Ngài họ Vương?"
"Chính là họ Vương."
Tang Chi cố ý hỏi, "Vương Đạo Linh."
"Không phải Vương Đạo Linh."
Lão đạo trưởng vẫn là một bộ dáng ung dung, chợt, đưa cho Tang Chi một hộp gỗ, "Chút lễ của đạo trưởng dành cho cô nương, coi như là lần đầu hạnh ngộ."
"Đây là thứ gì?"
"An Hồn phù."
"Cái gì?" Tang Chi chấn động.
Lão đạo nói khẽ, "Ngươi là ai? Ai là ngươi? Trang Chu là Trang Chu, hồ điệp là hồ điệp, nhưng ai biết liệu Trang Chu có phải là hồ điệp, mà hồ điệp liệu có phải là Trang Chu? Vô thủy vô chung, vô cùng vô tận, ngươi chính là ngươi, hay ngươi chẳng phải là ngươi? Ai có thể biết được."
Lời nói ra quỷ dị mà nhẹ như sương, chớp mắt một cái, khi Tang Chi kịp định thần đã thấy lão đạo cách xa mình đến mười bước chân.

Ngay lúc này lại có một đạo sĩ trẻ tuổi từ từ sau đi tới, "An Hồn phù này thí chủ hãy cứ đeo trên người tám mươi mốt ngày, thế là được.

Thí chủ, trời đã vào đêm, xin hãy trở về."
Tang Chi bán tín bán nghi, mặc dù hiểu rõ ý tứ của những lời lão đạo vừa nói, nhưng lại cảm thấy hồ nghi ngỡ ngàng.
"Không biết danh tính của tôn sư là gì?"
Đạo sĩ kia chắp tay, "Gia sư họ Vương, pháp danh Thường Nguyệt, số Côn Dương."
Tông sư của Chân Long phái, Vương Thường Nguyệt.
Tang Chi chợt nhận ra, đây chính là chủ nhân của giọng nói mà nàng đã nghe được, ngày ấy khi nàng sốt cao lúc tỉnh lúc mê.

--- Hết chương 58 ---
[1] Trang Chu mộng hồ điệp (莊周夢胡蝶) là tên người ta đặt cho một đoạn văn trong sách của Trang Tử, là một điển tích thường dùng trong văn chương xưa.

Điển tích kể rằng có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu.

Không biết không biết là Chu chiếm bao là hồ điệp, hay là hồ điệp chiêm bao là Chu.

Vương Thường Nguyệt nhắc đến tích này, ý so sánh hai thân phận Tang Chi và Lâm Văn Lan, cũng giống như Trang Chu và hồ điệp vậy, không thể phân rõ ai mới chân chính là ai.

Bình Luận (0)
Comment