Trường Tương Biệt - Tuyệt Tình Khanh Chủ

Chương 6

12.

Khi đó, ta đóng quân ở vùng biên ải, nhưng hiếm khi có chiến sự. Người khác nói, đó là vì triều đình đã thỏa thuận với bọn Khiết Đan, thưởng cho chúng vàng bạc để chúng yên ổn bảo vệ biên cương. Đây là một ân huệ. Khiết Đan được hưởng lợi thì tất nhiên phải cúi đầu nghe lệnh.

Nhưng…

“Gây loạn chẳng phải chính là bọn chúng sao?”

Cớ gì lại phải dâng vàng bạc để bọn cướp trấn giữ biên cương giúp chúng ta? Lời ta vừa thốt ra, đám người vừa cao cao tại thượng, vừa đắc ý cười cợt lập tức im bặt, sắc mặt cũng lạnh xuống. Dù có khoác lên tấm lụa là gấm vóc hoa lệ thế nào, nỗi nhục vẫn là nỗi nhục. Đặc biệt là khi tấm lụa kia bị vén lên, để lộ thứ đáng xấu hổ nhất bên trong đó.

Hôm đó, vị quý nhân đến từ Đô thành nói thế này:

Chẳng qua chỉ là cho chút vàng bạc, đổi lại đám man di kia yên phận. Về phần lãnh thổ đã mất, dân chúng đã chết, hà cớ gì cứ phải chấp niệm chuyện cũ mãi?

Chúng ta làm vậy chẳng phải là để bảo vệ tính mạng của những binh sĩ nơi biên ải này như các ngươi sao?

Vậy còn gì mà không hài lòng?

Vị quý nhân ngạo mạn rời đi, khinh miệt chúng ta đúng là đám thô kệch ngu dốt lại còn không biết điều.

Ta nghe mà nửa hiểu nửa không. Chỉ nhớ rằng khoảng thời gian sau đó, tất cả mọi người đều ra sức luyện tập càng thêm khắc khổ. Như thể muốn để mồ hôi và máu thịt bốc hơi hết thảy khỏi cơ thể. Những ngọn trường thương đồng loạt chỉ về một hướng—hướng của người Khiết Đan.

Nhưng ai nấy đều chỉ lặng lẽ nhìn nhau chằm chằm, không một ai ra tay. Về sau, chính ta lại là kẻ sốt ruột, kéo bọn họ lại hỏi:

“Khi nào chúng ta mới đánh sang?!”

Rời xa quê hương hai năm, ta đã tưởng tượng vô số lần cảnh mình khoác lên áo giáp, dẫn quân hùng dũng trở về, báo thù rửa hận cho phụ mẫu và xóm làng.

Chém giết bọn người Khiết Đan.

Nhưng hai năm trôi qua, tất cả mọi người vẫn thờ ơ.

Ta sốt ruột, hỏi:

“Các ngươi có phải đã quên rồi hay không?”

“A Minh, không phải ngươi từng nói thê tử của ngươi chết trong tay Khiết Đan ư?!”

“Còn Trần thúc, chẳng lẽ thúc cũng đã quên con trai, con gái của mình chết như thế nào trong tay bọn chúng?!”

“Các ngươi đánh ta thì sức lực dư thừa, vì sao không dám giáng một đòn lên đầu bọn Khiết Đan?! Hèn nhát! Vô dụng!”

Ta chửi mắng thậm tệ. Lần này, không ai nhổ nước bọt vào ta, cũng không ai đánh đập ta nữa. Đáp lại ta chỉ còn sự im lặng đáng sợ.

Từ khi nào mà ta luôn cảm thấy ở cùng đám người này là một nỗi sỉ nhục.

Hối hận vô cùng vì đã ở lại nơi đây.

Cho đến khi—

Chiến tranh thật sự bùng nổ.

13.

Quý nhân nói, thưởng vàng bạc cho người Khiết Đan là để biến bọn chúng thành chó giữ cửa, giúp biên cương vô lo vô nghĩ.

Nhưng nếu lũ chó ấy không chịu an phận thì sao?

Khi vàng bạc tiêu xài hết sạch, bọn chúng không còn để tâm đến việc chăn thả gia súc trên thảo nguyên nữa. Mà là đưa ánh mắt thèm khát về vùng đất từng tự đưa mình vào thế yếu như Trung Nguyên

Khi những đòi hỏi vô độ bị cự tuyệt, bọn chúng lập tức vung loan đao, thúc ngựa lao đến giành giật.

Những binh sĩ ở tiền tuyến trở thành rào chắn đầu tiên. Báo thù, điều mà ta đã mong đợi từ lâu, giờ phút này đã ở ngay trước mắt. Ta siết chặt trường thương, máu nóng sục sôi, chỉ muốn lập tức xông lên chiến trận.

Thế nhưng, những người mà ta từng coi là phế vật nhu nhược lại hệt như trước kia mà một tay đẩy ta về sau, miệng vẫn không ngừng mắng nhiếc:

“Cút ngay! Ai cho ngươi ở chỗ này chướng mắt! Đồ vô tích sự!"

"Một cây trúc khô! Đừng có ngáng đường bọn ta! Còn không mau đi nấu cơm đi, chẳng lẽ muốn để quân gia đây đói chết pahir không?!"

"Ta không phải đồ vô tích sự! Ta không muốn nấu cơm! Tại sao không cho ta đi?!"

Ta cắn răng đáp trả.

Một cước từ phía sau đá tới khiến ta đập đầu xuống đất, đau đến nỗi mắt nổ đom đóm. Khi được lão Diêu trong bếp kéo dậy, xung quanh đã chẳng còn ai.

Lão thở dài: "Tiểu tử à, đi thôi, còn phải nấu cơm nữa chứ."

Ta giận đến mức quên cả đau, đấm mạnh một quyền xuống đất.

"Thật nực cười! Còn có kẻ ngu xuẩn tự đâm đầu tìm chết! Ngươi có biết có bao nhiêu người chen chúc vào bếp mà không được không hả?"

Lão Diêu lắc đầu, cứ như thể ta vừa vớ được món hời to lắm vậy.

Ta hừ lạnh, khinh bỉ đáp: "Ông sợ chết, nhưng ta thì không."

Ta vẫn luôn xem thường bộ dạng hèn nhát của lão, cũng chưa bao giờ che giấu điều ấy, dĩ nhiên lão cũng biết ta khinh thường làm bạn với bọn họ. Lão lại chẳng giận, chỉ bật cười ha hả:

"Gấp cái gì? Một ngày nào đó rồi cũng sẽ đến lượt ngươi thôi."

"Rồi cũng đến lượt lão già như ta nữa."

Ta nghe mà không hiểu, chỉ cho rằng lão đang chế nhạo ta.

Không, đám lão binh ấy đều ức hiếp ta. Mỗi khi sắp xếp quân số, bọn họ đều chửi mắng rồi lôi ta quẳng ra ngoài, không thì đánh cho bất tỉnh, không thì cũng đánh đến mức không bò dậy nổi.

Bách phu trưởng chọn đủ người rồi, tất nhiên cũng chẳng buồn quan tâm đến một tên binh lính nhỏ con như ta.

Ta căm hận bọn họ biết bao!

Hận bọn họ thô lỗ, tàn bạo, suốt ngày đánh chửi lính mới, miệng lưỡi thì đầy lời thô tục. Hận bọn họ ích kỷ, chỉ biết cướp đồ ăn thức uống, không quan tâm đến ai khác.

Nhưng điều ta hận nhất, hận đến tận xương tủy, chính là bọn họ yếu hèn vô dụng, trong tay có đao có thương, thế mà lại để mặc lũ man di ngang ngược, mặc sức cướp bóc giết người..

Bọn họ không làm gì cả, lại còn cản ta đi!

Nhưng... tại sao bọn họ không quay trở về?

Với sự nhát gan của bọn họ, nếu vừa thấy đại quân Khiết Đan, chẳng phải đã sớm hoảng sợ bỏ chạy rồi sao?

Thế nhưng, ta nấu xong cơm, chờ mãi, chờ đến khi cơm đã nguội lạnh, chờ đến khi trời trở nên rét buốt, chờ đến khi bách phu trưởng kéo ta ra khỏi đám lính bếp già yếu gầy gò, quẳng vào tay ta một cây trường thương mà ta đã mơ ước từ lâu, trầm giọng quát:

"Quân địch mạnh đã đến trước mặt, còn trốn ở đây làm gì?! Cầm thương lên! Còn không mau ra nghênh chiến!"

Lão Diêu cũng bị lôi ra ngoài. Thân già của lão suýt chút nữa không nâng nổi trường thương.

Hai năm qua, ta không biết đã bao nhiêu lần tưởng tượng cảnh mình dẫn đầu xung phong, đánh cho lũ Khiết Đan tan tác chạy trối chết. Nhưng đến khi thực sự bị đẩy ra tiền tuyến, nhìn thấy bóng sắt thép rợp trời rợp đất đang xông tới từ phía đối diện lại là chuyện hoàn toàn khác.

Ta chỉ thấy bọn họ khoác giáp trụ, cưỡi chiến mã, miệng gầm lên như dã thú, tay vung loan đao, thân hình cường tráng như mãnh quỷ. Còn trong tay ta chỉ có một thanh trường thương đã qua không biết bao nhiêu tay người sử dụng.

Thân thể gầy yếu của ta đứng giữa chiến trường rộng lớn, trở nên vô cùng buồn cười và đáng thương. Thậm chí trong khoảnh khắc đó, ta đã nghĩ đến việc ném thương bỏ chạy, không thèm quay đầu lại mà bỏ chạy. Nhưng không được, bởi vì so với bản năng sinh tồn, huyết hận từ nhiều đời nhiều kiếp lại lấn át hơn tất cả.

Thế nên ta không lùi bước mà lại đứng đờ ra, quên cả nhúc nhích. Mắt mở trừng trừng nhìn lưỡi đao sắc lạnh chém tới cổ mình. Ngay khoảnh khắc ấy, một cây thương hung hăng quật vào lưng ta, khiến ta ngã nhào xuống đất.

"Ai cho ngươi tới đây hả, đồ chó con?! Ngươi mới bao nhiêu tuổi?!"

A Minh hay giành cơm với ta, cũng là tên côn đồ chuyên bắt nạt ta đã dùng một thương đâm xuyên người tên Khiết Đan đang ngồi trên lưng ngựa.

"Tiểu tử! Đứng đực ra đó làm gì?! Đánh trả đi! Nếu sợ thì mau trốn cho kỹ!"

Lão Diêu, người luôn thành thạo việc ẩn núp, xuất hiện ngay bên cạnh ta. Lão lanh lẹ đâm thẳng vào chân ngựa của địch. Máu nóng từ vết thương phun trào, nhuộm đỏ cây thương, nhỏ xuống đỉnh đầu ta.

Cuối cùng ta cũng hiểu ra. Việc giết giặc, suy nghĩ và hành động là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Những lần thất bại mà người đời khinh miệt, những cuộc rút lui mà ta từng xem thường, có lẽ thật sự là do không còn lựa chọn nào khác.

Sau trận chiến, ta cũng chẳng làm được gì hơn ngoài việc rình rập chém vào chân ngựa của quân địch như lão Diêu.

Chỉ nhờ thế mới có thể may mắn sống sót.

Bình Luận (0)
Comment