Tô Chí Phong tự hỏi liệu điều đó có bất công cho những đứa trẻ khác hay không.
Hiệu trưởng chính trực nói: “Học tập giống như chèo thuyền ngược dòng nước, không tiến sẽ lùi, chúng ta nên cho chúng trải nghiệm một chút.” Thầy Ngô không nói gì, nghĩ thầm không phải là lớp năm còn phải thi liên cấp nữa hay sao?
Vì thế Giang Bác trở thành người đầu tiên ở huyện Bình An học lớp ba nhưng tham gia thi lớp năm.
Sau khi nhận sách giáo khoa, Tô Chí Phong đưa con về nhà.
Buổi tối, lúc Mã Lan về nhà bà rất vui khi thấy những cuốn sách mới do con gái mang về.
Nhà bà có hai đứa con thông minh, làm cha mẹ cũng vô cùng thoải mái.
Cặp sách đã chuẩn bị từ lâu, đều nhờ Mã Lan mang đến hiệu may để may theo yêu cầu.
Cặp sách của Tống Sở được thêu những bông hoa nhỏ trong khi cặp sách của Giang Bác có màu xanh lam.
Nhìn cặp sách của mình, Tống Sở rất vui vẻ, khoe với Giang Bác: “Anh Tiểu Bác, sau này em cũng có thể đeo cặp đến lớp.”
Giang Bác nói: “Em có vui không?”
“Rất vui, rất vui.” Tống Sở vui vẻ nói, cuộc sống trước đây mà cô nghĩ rằng không thể sống ngoài phòng thí nghiệm, hiện tại đã có thể. “Anh Tiểu Bác, em rất vui vì bây giờ chúng ta có cuộc sống như thế này, nó thực sự rất tốt.”
Giang Bác nói: “Sau này sẽ tốt hơn nữa.”
“Anh Tiểu Bác, anh nói đúng! Cuộc sống sau này của chúng ta nhất định sẽ tốt hơn! Vì cuộc sống sau này tốt hơn, em sẽ cố gắng hơn nữa, em sẽ xem trước bài tập để ngày mai đi học thật tốt.”
Vừa nói, cô vừa lấy sách giáo khoa ra bỏ lên bàn rồi xem trước.
Giang Bác cũng lấy bút mực mà ông cụ Tô đã đưa cho anh rồi bắt đầu suy nghĩ về luận văn của mình.
Anh sẽ viết luận văn sớm, đối với chủ đề của luận văn, anh cũng đã quyết định sẽ viết về mưa nhân tạo.
Lần này anh đến thành phố S, anh cũng biết đất nước này đã thực hiện thí nghiệm mưa nhân tạo từ hai năm trước, nhưng vì các vấn đề kỹ thuật nên nó chưa thể trọn vẹn, đến nỗi tình trạng hạn hán của một nửa đất nước vẫn chưa được giải quyết.
Giang Bác sẽ cung cấp cho họ những ý tưởng nhất định dựa trên trình độ công nghệ hiện tại.
Nếu luận văn của anh được thông qua và áp dụng thành công thì có thể thay đổi công việc của cha mẹ ở thời điểm này.
Sau khi Mã Lan và Tô Chí Phong trở về từ phòng tắm công cộng, liền nhìn thấy hai đứa con của mình đang ngồi học bài nghiêm túc ở trên bàn.
Một người đang chăm chú đọc sách, còn người kia đang cầm cây bút viết như thể đang nghiên cứu học thuật, hai vợ chồng bất giác mỉm cười.
Hai người bọn họ rất vui vẻ nhưng gia đình con cả nhà họ Tô lại không được ngon giấc, Từ Mỹ Lệ rất ấm ức, bà ta muốn đăng ký cho con trai học tiếp lên lớp nhưng giáo viên ở trường không đồng ý và thông báo với bà ta rằng đứa trẻ sẽ phải lưu ban.
Tất nhiên Từ Mỹ Lệ không đồng ý, bà ta đã làm ầm lên với hiệu trưởng.
Kết quả là giáo viên không nói gì, chỉ lấy bảng điểm của con trai cho bà ta xem.
Không có từ nào thích hợp hơn để mô tả bảng điểm này ngoài từ kinh khủng.
Lúc này, Từ Mỹ Lệ mới nhận ra rằng bảng điểm mà bà ta nhận được thường xuyên là giả.. giả…
Khi bà ta về nhà, bà ta đã đánh con trai mình.
Tô Bảo Cương bị đánh đến la hét không thôi, nhưng sau đó vẫn tiếp tục chơi đùa với em trai Tô Bảo Minh như không có chuyện gì xảy ra ở trong sân.
Từ Mỹ Lệ tức giận muốn chết, khi Tô Chí Cường về, bà ta suýt khóc: “Sao số tôi khổ thế này, thà tôi sinh ra hai cái bánh bao còn hơn.”
Tô Chí Cường nói: “Muốn có bánh bao cũng không dễ như thế đâu, nó tốn biết bao nhiêu bột đấy chứ.”
Từ Mỹ Lệ mím môi suýt nữa thì khóc.
Bà ta thực sự cảm thấy khó chịu, tại sao đứa con trai mà Mã Lan nhặt được lại thông minh như thế, trước đó không lâu bà ta đã nghe được chuyện ở chỗ làm rằng con gái Mã Lan được nhảy lớp.