Tự Nguyện Cắn Câu – Tây Tây Đặc

Chương 3

Sáng thứ Hai, một nhóm nam sinh với mái tóc nhuộm sặc sỡ đủ màu xuất hiện trước cổng trường Trung học dạy nghề Tây Đức, tất cả đều trẻ trung, kiêu ngạo và ngỗ ngược.

Lúc tiết học thứ hai sắp kết thúc, bọn họ mới tới, khoác vai nhau nô đùa cười giỡn, chẳng chút hoảng hốt.

Trước cổng cũng không có thanh tra kỷ luật đứng giám sát.

Cùng với những tiếng chửi tục liên tiếp vang lên, các cậu trai vung vẩy cặp sách tiến vào trường, bỗng một trong số họ chợt dừng lại.

Hoàng Ngộ nhuộm hai sợi xanh trên đầu gọi hỏi: “Anh Sí?”

Yến Vi Sí cất bước như không có gì xảy ra.

Trong phòng bảo vệ, Trần Vụ nâng tách trà thổi phù phù lá trà bên trên, miệng chẹp chẹp nhấp một ngụm nhỏ, vẫn còn nóng. Anh buông tách trà xuống, điện thoại báo có một cuộc gọi đến, vừa bắt máy là lời chất vấn cứng nhắc, “Đang ở đâu?”

“Tôi ở nhà.” Trần Vụ nói.

“Quay video để tôi xem xem.” Không nghe ra bất kỳ cảm xúc nào trong giọng nói của Yến Vi Sí.

Trần Vụ lập tức đứng dậy: “Bạn học Yến, cậu…” Anh bồn chồn nuốt nước miếng, “Trông thấy tôi à?”

Yến Vi Sí cười lạnh.

Trần Vụ nín thở.

Yến Vi Sí lạnh giọng nói: “Tới tòa nhà Khoa học kỹ thuật số 3, phòng 201.”

“Bây giờ tôi không đi được.” Trần Vụ cầm điện thoại, nhỏ giọng nói, “Tôi đang làm.”

“Cho anh hai phút.” Yến Vi Sí nói xong liền cúp.

Tòa nhà Khoa học kỹ thuật số 3 nằm cạnh sân thể dục, giờ này không có lớp nào dùng. Trần Vụ thở hồng hộc chạy vội trên hành lang, bên tai chỉ nghe thấy tiếng thở và tiếng bước chân của mình. Anh nhanh chóng lên cầu thang, đẩy cửa phòng 201 ra.

Giảng đường rộng lớn trống không, Yến Vi Sí ngồi trên chiếc bàn cạnh cửa sổ ở hàng sau, đối mặt với Trần Vụ đang đứng ở cửa.

“Bạn, bạn Yến.” Trần Vụ tháo kính, lau giọt mồ hôi sắp chảy xuống mắt, “Chào buổi sáng.”

“Lúc dậy đã nói rồi.” Yến Vi Sí thờ ơ.

“Đó là ở nhà.” Khuôn mặt nóng đỏ bừng của Trần Vụ mang một nụ cười, “Đây là ở trường học, không giống.”

Đôi mắt to tròn hai mí, uốn cong thành hình trăng lưỡi liềm nhỏ khi cười.

Yến Vi Sí lạnh nhạt nhìn anh: “Anh cười cái gì?”

Trần Vụ lập tức thu lại nụ cười.

Yến Vi Sí nhìn chằm chằm anh trong chốc lát: “Lại đây.”

Trần Vụ đeo lại kính lên sống mũi, bứt rứt đóng cửa phòng học rồi xuyên qua mấy hàng ghế tiến lại gần.

Yến Vi Sí nhìn xuống người trước mắt, ấn vai anh, để anh xoay một vòng trước mặt mình. Anh mặc một bộ đồng phục màu đen xấu xí với chiếc thắt lưng trên vòng eo thon, đường cong rõ ràng từ sống lưng kéo dài tới hõm eo rồi cong lên, quần cargo ôm trọn cặp mông tròn nhỏ.

Trần Vụ đang muốn nói chuyện thì chiếc mũ trên đầu đã bị cởi ra, để lộ phần tóc mái bị bẹp, kết hợp với khuôn mặt mềm mại thì trông cũng không khó coi.

“Anh không nói cho tôi biết là anh sẽ tới làm bảo vệ ở Tây Đức.” Yến Vi Sí nghịch chiếc mũ của anh.

Trần Vụ rũ mắt: “Đã định nói.”

“Cuối cùng vẫn quyết định giấu được ngày nào hay ngày đấy, giấu không được mới chịu nói?” Yến Vi Sí sầm mặt, “Trần Vụ, tốt nhất là anh nên cho tôi một lời giải thích hợp lý.”

“Chờ buổi trưa khi cậu tan học được không?” Trần Vụ thấp giọng nói: “Cậu vẫn phải đi học nữa.”

“Anh cho rằng, thấy anh ở đây, tôi còn có thể học vào được à?” Yến Vi Sí ném mạnh mũ về phía anh.

Trần Vụ bắt được chiếc mũ, oan uổng lên tiếng: “Cậu học vào hay không, đâu liên quan gì đến tôi.”

“Nói cái gì đấy?” Yến Vi Sí chống tay lên mặt bàn, nghiêng người về phía trước, hơi cúi đầu, vai kề sát vai Trần Vụ rồi kề tai áp gần vào anh, “Lớn tiếng chút, để tôi nghe với.”

Trần Vụ lập tức ưỡn ngực, nghiêm mặt nói: “Tôi nói là rất xin lỗi! Tôi đã không báo trước với cậu!”

Yến Vi Sí hơi nghiêng đầu nhìn anh, cười như không cười.

Ngoài cửa phòng có một người quét dọn đi ngang qua, cây lau nhà hay thứ gì đó đụng vào cửa phát ra tiếng “rầm”. Trần Vụ hoảng sợ run lên, đội lại chiếc mũ, kéo và chỉnh lại vành mũ.

Trong đầu Yến Vi Sí hiện lên hình ảnh Trần Vụ cùng mấy ông chú ngồi trong phòng bảo vệ, một sự trẻ trung trắng trẻo lẫn giữa những tang thương già cả, như một gốc lá xanh hoa đỏ mọc lên từ một thân cây khô cằn. Hắn chậm rãi gảy chuỗi tràng hạt trên cổ tay: “Nói đi.”

“Trước khi tới Xuân Quế, tôi đã nhờ đồng hương ở đây giúp mình tìm việc làm. Một ngày nọ, anh ấy bảo tôi là có một công việc làm bảo vệ, hỏi tôi có làm không, và tôi đồng ý.” Trần Vụ nhanh chóng liếc nhìn Yến Vi Sí, thấp thỏm mà chân thành tha thiết, “Chính là như thế.”

Anh thấy Yến Vi Sí không mở miệng bèn cuống quít nói: “Về sau tôi mới biết cậu học ở đây, không phải là muốn ăn vạ cậu đâu, cậu đừng hiểu lầm, tôi…”

Yến Vi Sí “chậc” nói: “Tôi đã nói gì về anh chưa?”

Trần Vụ cụp mắt mím môi.

Yến Vi Sí buông thõng hai chân bên mép bàn, mũi chân chạm sát mặt đất. Hắn búng búng cổ áo đồng phục phẳng phiu của Trần Vụ: “Có nhiều công việc, tại sao muốn làm bảo vệ?”

“Tôi là người không có chí tiến thủ, không có tham vọng lớn.” Trần Vụ ngượng ngùng nở nụ cười, “Tôi muốn tận hưởng cuộc sống tuổi già trước.”

Yến Vi Sí: “…”

“Bảo vệ ở Tây Đức không thoải mái và đơn giản như anh tưởng đâu.” Hắn hàm súc ẩn ý, “Chưa biết chừng còn sẽ mất tay gãy chân đấy.”

Trần Vụ lạc quan nói: “Thật ra tôi chủ yếu làm công việc trông cửa, không quản lý vấn đề an ninh.”

Yến Vi Sí nghiêng mắt nhìn anh, như đang nhìn một đứa trẻ ngây thơ đơn thuần.

Di động trên bàn đổ chuông mất một lúc, Yến Vi Sí mới đi bắt máy.

Trong điện thoại là tiếng gào to lo lắng của Hoàng Ngộ, “Anh Sí! Mày đang ở đâu! Mọi thứ đã được sắp xếp xong ——”

“Chờ.” Yến Vi Sí ngẩng đầu nói với Trần Vụ, “Đi theo tôi.”

Trần Vụ ngơ ngác hỏi: “Đi đâu? Không phải là cậu muốn giới thiệu tôi cho bạn học đấy chứ?”

Cậu nhìn thấy đáp án từ sắc mặt Yến Vi Sí, kinh ngạc và khó hiểu, còn có chùn bước và bất an: “Không cần lắm đâu, tôi chỉ ở tạm chỗ cậu một thời gian, đợi khi tìm được nơi thích hợp là rời đi thôi.”

Một cảm giác cổ quái lướt qua trên mặt Yến Vi Sí, quả thật không cần thiết. Hắn nảy ra suy nghĩ này làm gì cơ chứ?

Trần Vụ và Yến Vi Sí lần lượt rời khỏi phòng học: “Bạn Yến à, ở trong trường cậu cứ coi như không quen tôi đi, tôi cũng không quen cậu.”

Yến Vi Sí sải bước nhanh chóng bỏ lại Trần Vụ: “Buổi tối tôi không về ăn. Trước lúc tan học, tôi cần được biết tại sao anh không kịp thời nói trước với tôi, vẫn luôn kéo dài tới khi bị tôi bắt quả tang.”

“Ồ…” Trần Vụ ra sức phất tay với bóng lưng của hắn, “Bạn học Yến, nhớ uống nhiều nước ấm nhé, bệnh cảm của cậu còn chưa khỏi hẳn đâu!”

Gần trưa, Trần Vụ rảnh rỗi ngáp hết cái này đến cái khác. Anh cho một chiếc xe ra khỏi cổng trường, sau đó một tay vỗ mặt rồi trượt xuống nâng cằm, tay còn lại cầm tách trà, đôi mắt vô hồn.

Đồng nghiệp của anh – chú Lưu lấy nước ở máy lọc nước rồi đi tới: “Tiểu Trần, cháu uống trà gì thế?”

“Là loại trường học phát ấy.” Trần Vụ đáp.

“Các chú không có ai uống cái đó hết, toàn là bã vụn.” Chú Lưu từ trong ngăn kéo trước chỗ ngồi của mình lấy ra một chiếc bình gốm tròn tròn nho nhỏ, nâng trong tay, “Cháu uống của chú này.”

Trần Vụ đổ đi non nửa tách trà ấm áp rồi pha một tách khác với mấy viên trà nhỏ của chú Lưu. Viên trà nở ra khi gặp nước, phiến lá nhăn nheo mở lớn thành hình đóa hoa trong nước.

Là trà hoa.

Trần Vụ ngửi mùi hương thơm ngát tỏa ra.

Chú Lưu ngồi xuống ghế thở một hơi, phòng bảo vệ vẫn luôn rất bừa bộn, nhưng bây giờ đã được dọn dẹp sạch sẽ. Các loại sổ đăng ký trên bàn lớn đã được tổng kết, bưu kiện của đám học sinh cũng chất đống cạnh nhau, còn được phân chia theo khối lớp.

Một thanh niên chịu khó, năng lực tay nghề cao, còn vô cùng chất phác chân thật, ai mà không thích chứ.

Thái độ của chú Lưu càng thêm ôn hòa: “Trà thế nào?”

Trần Vụ khen một cách chân thành: “Uống rất ngon ạ.”

“Đúng vậy, là một loại thảo dược hoang dã, chú quên tên nó là gì rồi, nói chung là thứ tốt.” Chú Lưu đắc ý nói: “Con gái của chú làm cho chú đấy, không mua được ở bên ngoài đâu, uống vào là khỏe mạnh sống lâu.”

Trần Vụ vội vàng đứng dậy, được quý mà sợ: “Thế cháu, cho cháu uống không phải lãng phí à…”

“Nói gì đấy! Uống của cháu đi!” Chú Lưu xụ mặt.

“Cháu nói nhầm, chú đừng giận, cháu uống đây.” Trần Vụ nhấm nháp từng ngụm nhỏ như ôm món bảo vật gì đó.

“Tính cách của thằng nhóc này hợp ý chú lắm.” Chú Lưu thân thiết ôm vai anh vỗ hai cái, lẩm bẩm nói, “Nếu không phải con gái chú suốt ngày chỉ biết trồng trọt, không có thời gian yêu đương, chú cũng muốn tác hợp hai đứa.”

Chú tiếc nuối thở dài, bảo Trần Vụ về sau muốn uống thì cứ tự lấy, còn nói sau này sẽ dẫn anh đi một vòng quanh trường.

“Trong lúc làm việc có thể di chuyển xung quanh ạ?” Trần Vụ hỏi.

Chú Lưu trêu chọc anh có tư duy của học sinh tiểu học: “Cháu phải linh hoạt chút chứ, miễn là không chậm trễ chuyện gì, chứ không có quá nhiều quy định cứng nhắc như thế.”

Trần Vụ gật đầu như gà con mổ thóc. Chú Lưu nhìn thái độ của anh nghiêm túc khiêm tốn còn thành thật an phận, không hề có sự lơ đễnh nóng nảy bốc đồng, thiện cảm trong lòng dành cho anh càng tăng thêm, tại chỗ truyền thụ kinh nghiệm mình ngộ ra từ lúc nhậm chức tới nay cho anh.

“Làm việc ở Tây Đức, chỉ cần qua loa đăng ký là được, đừng quản những chuyện khác, cắt bỏ hết chủ nghĩa anh hùng và ý thức trách nhiệm dư thừa.” Chú Lưu xoa nhúm râu ria bạc trắng trên cằm, khuôn mặt thon gầy thấp thoáng có thể nhìn ra bề ngoài đẹp trai hấp dẫn thuở trẻ. Chú nói lời thấm thía, “Hãy nhớ rằng, thà làm ít còn hơn làm nhiều.”

Trần Vụ trông giống như một người mới đi làm, cẩn thận lấy sổ ghi chép và bút bi ra: “Chú, chú nói lại lần nữa đi, để cháu ghi xuống sổ rồi học thuộc lòng.”

Chú Lưu: “…”

Trong phòng bảo vệ vang lên tiếng cười sang sảng.

Trần Vụ đỏ bừng mặt.

“Không cười cháu, không cười cháu nữa.” Lão Lưu lau nước mắt ứa ra vì cười, lặp lại lời mới nói ban nãy, còn bổ sung thêm, “Có mấy học sinh không phải người bản địa, từ thành phố lớn chuyển tới, không thể chọc vào. Khi thời điểm đến, không cần chú nói, cháu cũng sẽ biết bọn họ là ai.”

Hiển nhiên chú hơi kiêng kỵ, không nói đích danh, chỉ nhắc vậy rồi ra đứng gác ở bên ngoài.

Tối hôm đó, Yến Vi Sí nhận được tin nhắn wechat từ Trần Vụ.

Trần Vụ: [Bạn học Yến, quá trình xin việc của tôi đã hoàn thành vào thứ Sáu tuần trước. Lúc ấy tôi đã nghĩ đến chuyện kể cho cậu vào buổi tối, nhưng đến tối tôi lại quên mất. Có rất nhiều cơ hội vào thứ Bảy và Chủ Nhật, bao gồm cả sáng nay, song tôi cũng chưa nói… Không phải là tôi không coi trọng cậu, không quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của cậu, mà là nguyên nhân từ chính tôi, tôi chẳng ra gì… Tôi đã nhìn nhận sâu sắc những sai lầm của mình, cũng đã tự xét lại mình, mong bạn học Yến khoan hồng độ lượng, đừng tức giận nữa…]

Yến Vi Sí ngồi khoanh chân trên ghế sô pha trong góc tiệm bi-a và đọc tin nhắn: “Gửi cái gì đây, “Không phải không coi trọng cậu”, “Tôi chẳng ra gì”, cũng khôi hài gớm.”

Bạn bè gọi hắn vào chơi, hắn tắt màn hình đi đánh bi-a.

Còn gần một tháng nữa là tới năm mới, thành phố Xuân Quế đã bắt đầu có không khí Tết, phố phường đêm đông đâu đâu cũng là người.

Yến Vi Sí chơi bi-a một lúc rồi đi làm. Sau khi tan ca, hắn mua ly trà sữa vừa đi vừa uống, cắn ống hút giữa hàm răng, giấu nửa bên mặt trong chiếc mũ áo gió. Hắn đứng ở ngã tư, trên người có vẻ biếng nhác tản mạn, nổi bật như hạc trong bầy gà. Mặc dù nhìn không rõ dáng dấp ra sao, lại có thể khiến người ta nhận định là một anh chàng siêu đẹp trai.

Yến Vi Sí phát phiền vì bị xin wechat, mất hứng thú tiếp tục đi dạo. Hắn trở về, phát hiện trong nhà tối đen như mực, chẳng có chút ánh sáng nào.

Không biết người kia đi đâu.

Rửa mặt xong, Yến Vi Sí dựa vào đầu giường đọc truyện tranh, âm thanh duy nhất vang vọng trong phòng là tiếng lật giấy. Khi điện thoại trên bàn sách rung lên, hắn đang đọc đến phần đặc sắc nên không muốn để ý, liếc thấy thông báo cuộc gọi làm hắn cau mày.

Ở đầu dây bên kia truyền đến tiếng gió rất lớn, giọng Trần Vụ gần như bị nuốt chửng. Yến Vi Sí gắng tạm nghe ra lời anh nói là, “Bạn học Yến, cậu ở nhà không? Tôi ra ngoài chơi bị lạc đường.”

“Lạc đường? Anh bao nhiêu tuổi rồi?” Yến Vi Sí cười thành tiếng, “Không biết xem bản đồ, không biết hỏi người khác? Lạc đường thì gọi cho tôi làm gì, anh là trẻ con chưa tháo yếm à? Sao không gọi tôi là cha luôn đi?”

Trong điện thoại chỉ có tiếng gió.

Tưởng chừng tiếng gió đó đang thổi qua dòng điện, lật tung những nồi niêu xoong chảo mới mua trong nhà không lâu.

“Tâm trạng của cậu không tốt à?” Trần Vụ ngập ngừng hỏi.

Yến Vi Sí nhìn đồng hồ, đã sắp mười rưỡi vẫn mẹ kiếp đi chơi đấy. Hắn lật giở trang sách, hoàn toàn không nể nang: “Đi ra ngoài chơi kiểu gì thì về như thế. Quá mười một giờ cũng đừng hòng vào cửa.”

Một lát sau, điện thoại lại reo.

“Muốn tôi đi đón anh à?” Hắn lạnh lùng nói, “Không đi. Tự nghĩ cách.”

Trần Vụ cười vui vẻ hô to: “Không phải, không cần cậu tới đón, tôi chỉ muốn báo với cậu rằng, tôi gặp được một anh bạn nhiệt tình, ngồi lên đi nhờ xe, rất nhanh sẽ về tới nhà!”

Yến Vi Sí cúp máy.
Bình Luận (0)
Comment