Tử Tước Chẻ Đôi

Chương 1

Cuộc chiến chống quân Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra. Tử tước Medardo xứ RạngĐông, chú tôi, phi ngựa băng qua các bình nguyên Bohemia, trực chỉ doanh trại quân Kitô giáo. Viên lính hầu Curzio bám sát theo sau.

Từng đàn cò trắng bay là là trong không khí mờ đục và tù đọng.

– Sao nhiều cò thế này? – Medardo hỏi Curzio – chúng bay đi đâu?

Chú tôi, hồi ấy vừa mới nhập ngũ, chiều lòng một số vị Công tước vùng lân cận đang tham gia cuộc chiến, chân ướt chân ráo tới đây. Mang theo con tuấn mã và viên lính hầu ở một tòa lâu đài cuối cùng nằm trong tay quân Kitô giáo, chú tới trình diện tại đại bản doanh của hoàng đế.

– Các đàn cò này bay đến chiến trường – viên lính hầu thiểu não nói – chúng sẽ là bạn đồng hành với chúng ta trên suốt chặng đường.

Tử tước Medardo đã được cho biết, tại các xứ này, cò bay là một dấu hiệu may mắn; chàng muốn bày tỏ niềm vui mừng khi thấy chúng. Song chàng thì thế, mà lòng chàng lại không yên.

– Này Curzio! Điều gì đã có thể mời gọi loài chim cao cẳng này bay đến chiến trường vậy? – chàng hỏi.

– Hiện nay thậm chí chúng còn rỉa cả thịt người – viên lính hầu đáp lời – từ khi nạn đói khiến ruộng đồng tiêu điều và nạn hạn hán đã hút cạn sông ngòi. Tại nơi nào có xác người, thì cò, hạc, sếu đã thay chỗ cho quạ và kền kền.

Chú tôi bấy giờ còn rất trẻ: ở cái độ tuổi mà toàn bộ tình cảm dồn vào một niềm hăm hở hỗn độn, chưa phân biệt thành sự xấu sự tốt; ở cái độ tuổi mà mỗi trải nghiệm mới, ngay cả chết chóc và vô nhân, cũng đều phập phồng và nồng cháy tình yêu cuộc sống.

– Thế còn quạ? Rồi kền kền? Và những loài chim rỉa thịt khác, chúng có ở đây không? – chú hỏi, sắc mặt xanh xao song cặp mắt nhấp nhánh.

Viên lính hầu, một quân nhân da ngăm đen, để ria mép, không bao giờ ngước mắt nhìn lên.

– Hăng tiết rỉa xác người mang bệnh dịch hạch, chim cũng bị nhiễm.

Anh ta chỉ ngọn giáo lên những lùm cây đen ngòm, mà nếu nhìn kỹ sẽ phát hiện ra, không phải cành lá, mà là lông vũ, và các cặp chân đũa của những loài chim rỉa thịt.

– Thế là không ai biết, chim hay người, ai chết trước, và kẻ nào sà vào kẻ nào mà rứt xé – Curzio nói.

Để trốn tránh nạn dịch hạch đang thảm sát cư dân, trọn những gia đình lê bước trên các vùng quê, và gục ngã hấp hối tại đó. Trên những đống xác ngổn ngang, rải rác khắp miền đồng bằng trơ trụi, người ta trông thấy những thi thể đàn ông, đàn bà, trần truồng, bị biến dạng bởi các hạch xoài, và (điều này thoạt tiên không thể giải thích được): có lông, như thể từ các cánh tay trơ xương và cạnh sườn mọc ra những cọng lông đen và những cái cánh. Đó là thây kền kền đã thối rữa trộn lẫn với thi hài của họ.

Giờ đây mặt đất lổn nhổn dấu tích của các trận đánh đã qua. Tiến độ phải chậm lại vì hai con ngựa bị chuệch choạc, khựng lại, và lồng lên.

– Mấy con tuấn mã chúng ta làm sao vậy? – Medardo hỏi viên lính hầu.

– Thưa tướng công – anh ta trả lời – loài ngựa kị nhất mùi bộ lòng của mình.

Dải đồng bằng mà hai người đang băng qua đúng là đầy rẫy thây ngựa đang rữa, một số lật ngửa, vó chổng lên trời, số khác phủ phục, mõm vùi trong đất.

– Này Curzio! Sao nhiều ngựa quỵ ngã ở chỗ này vậy? – chú Medardo hỏi.

– Khi một con ngựa cảm thấy bụng nó bị mở toang ra – Curzio giải thích – nó sẽ tìm cách níu giữ phủ tạng. Con thì áp bụng sát mặt đất, con thì xoay sống lưng nằm ngửa, để phủ tạng không bị đổ ra lòng thòng. Song sớm muộn gì cái chết cũng sẽ không buông tha chúng.

– Thế thì trong cuộc chiến tranh này, ngựa sẽ bị gục ngã trước tiên à?

– Những thanh gươm cong Thổ Nhĩ Kỳ dường như được chế tạo ra để thọc một nhát là rạch toang bụng chúng. Tiếp tục đi về phía trước, tướng công sẽ trông thấy các thi thể con người. Trước là phiên con tuấn mã, sau là lượt chàng kỵ sĩ. À mà đây rồi tướng công ạ, đại bản doanh kia rồi.

Ở viền chân trời: lô nhô các đỉnh lều cao nhất, các cột cờ hiệu của quân đội hoàng gia, và một cụm khói bốc cao.

Tiếp tục phi nước đại về phía trước, họ nhận ra rằng hầu hết xác người trong trận đánh vừa qua đã được đem đi chôn. Họ chỉ phát hiện ra vài mẩu thi thể, đặc biệt là các ngón tay, rải rác nằm trên rơm rạ.

– Thỉnh thoảng có một ngón làm dấu dẫn đường – chú Medardo lên tiếng – thế là thế nào?

– Lạy Chúa mở lòng nhân từ: kẻ sống cắt cụt ngón tay kẻ chết để lấy nhẫn.

– Ai đi đằng kia thế? – tiếng một viên lính canh, anh ta khoác chiếc áo choàng dính đầy nấm mốc và rêu xanh như thể phần vỏ của một thân cây đang hứng gió bấc.

– Ngai vàng thiêng liêng của hoàng đế muôn năm! – Curzio hô lớn.

– Vua Thổ bỏ mạng! – viên lính canh đáp lời – À này, xin quý vị làm ơn, khi diện kiến bộ chỉ huy, cho kẻ này chuyển lời rằng khi nào thì các ngài quyết định gửi người tới thay thế, kẻ này đang mọc rễ đấy.

Giờ thì hai con ngựa phóng đi để tránh các đám mây ruồi đang vi vu trên những đống chất thải xung quanh đại bản doanh.

– Nhiều chiến sĩ dũng cảm – Curzio nhận xét – bãi phân hôm qua còn nằm trên đất, thế mà hôm nay họ đã chầu trời – và anh ta làm dấu thánh giá.

Vào cổng doanh trại, bên hông là một dãy màn trướng, phía dưới là các phụ nữ tóc xoăn, rậm dày, mặc các bộ áo choàng dài, thêu kim tuyến, ngực lộ tồng ngồng, họ chào đón hai người bằng tiếng la hét và những tràng cười khanh khách.

– Đó là các gian lều kỹ nữ – Curzio nói – không đạo quân nào có những cô nàng đẹp như thế đâu.

Chú tôi, đã cưỡi ngựa băng qua, ngoái đầu lại nhìn.

– Thưa tướng công, xin ngài cẩn thận – viên lính hầu nói thêm – họ ở bẩn và đã bị nhiễm dịch hạch, ngay cả quân Thổ cũng chẳng giữ họ làm chiến lợi phẩm trong một cuộc tấn kích. Giờ thì trên người họ không chỉ đầy chấy, rận, rệp, tích, mà còn có cả bọ cạp và tắc kè xanh làm ổ.

Hai người cưỡi ngựa đi ngang một khẩu đội thần công. Chiều tối, các pháo thủ đang nấu khẩu phần củ cải luộc của mình trên mặt đồng của càng và nòng thần công còn nóng rực vì những phát bắn dữ dội trong ngày.

Các cỗ xe tải đầy đất cát được đẩy tới, rồi các pháo thủ lắc sàng.

– Hiện nay thuốc súng đang khan hiếm – Curzio giải thích – nhưng tại các bãi đất nơi trận chiến đã diễn ra, nó đã vương vãi đến mức, nếu muốn, ta có thể kiếm lại nhiều lần nhồi.

Sau đó thì tới khu chuồng ngựa của kỵ binh, giữa những đàn ruồi nhặng, các y sĩ thú y không ngớt bận bịu đắp bồi lại lớp biểu bì của loài vật bốn chân, với những mũi khâu, nịch da, thuốc đắp hắc ín sôi sùng sục, tất cả đang gào hí và quẫy đạp, các bác sĩ cũng thế.

Một đoạn dài tiếp theo là khu trại bộ binh. Hoàng hôn ngả bóng, trước mỗi túp lều, những người lính ngồi ngâm đôi chân trần trong các chậu nước nóng. Đã quá quen với các cuộc báo động, ngày cũng như đêm, ngay cả vào thời khắc đang nhúng chân, họ vẫn đội chiếc mũ chiến trên đầu và tay vẫn nắm chắc ngọn giáo. Trong những gian lều cao hơn và che rèm theo kiểu quầy quán, các viên sĩ quan đang thoa phấn vào nách và phẩy gió bằng những chiếc quạt ren.

– Họ không làm thế vì ẻo lả – Curzio nói – mà trái lại, muốn chứng tỏ mình hoàn toàn tìm thấy sự thoải mái trong hoàn cảnh ác liệt của cuộc đời nhà binh.

Tử tước xứ RạngĐông lập tức được đưa đến trình diện hoàng đế. Trong gian nhà lều đầy thảm treo và chiến quả, vị chủ tướng tối cao đang nghiên cứu kế hoạch cho các trận đánh sắp tới trên những tấm bản đồ địa hình. Trên bàn ngổn ngang bản đồ mở sẵn, hoàng đế cắm dấu bằng đanh ghim, rút ra từ trên một chiếc gối nhỏ, chìa tới từ một trong các vị nguyên soái. Những tấm bản đồ lúc này đã tua tủa đanh ghim đến mức không thể hiểu gì nữa, để đọc cái gì đó, phải gỡ một số ra, sau đó găm lại. Trong toàn bộ cuộc gỡ và găm này, để đôi tay không vướng bận, cả hoàng đế lẫn các vị nguyên soái đều ngậm đanh ghim trên môi, thế là họ chỉ có thể nói ậm ậm ừ ừ.

Nhìn thấy chàng trai trẻ cúi người chào trước mặt, nhà vua phát ra tràng câu hỏi ậm ậm ừ ừ, rồi lập tức rút đanh ghim ra khỏi miệng.

– Tâu Hoàng thượng, một kỵ sĩ vừa mới từ Ý Đại Lợi đến – họ giới thiệu – tử tước xứ RạngĐông, thuộc một trong những dòng tộc danh giá nhất của lãnh chế Genovesato.

– Hãy phong chức trung úy cho anh ta ngay.

Chú tôi rập gót giày đứng nghiêm, trong lúc hoàng đế bật ra một động tác khoát tay vương giả, thế là toàn bộ các tấm bản đồ địa hình tự cuốn lại, và lăn đùng xuống đất.

Đêm hôm đó, dù mệt, Medardo đi ngủ muộn. Chàng đi đi lại lại bên căn lều của mình, lắng nghe tiếng hô đổi gác, tiếng ngựa hí, tiếng ú ớ trong giấc ngủ của người lính nào đó. Chàng ngắm nhìn các vì sao trên bầu trời Bohemia, ngẫm nghĩ về quân hàm mới của mình, về trận đánh ngày mai, về tổ quốc nơi xa xăm, về tiếng lau sậy xào xạc chốn suối ghềnh. Tim chàng không nhung nhớ, không nghi ngờ, cũng chẳng e sợ. Với chàng, mọi sự vẫn nguyên vẹn, vẫn không thể bàn cãi, kể cả bản thân. Cho dù có khả năng thấy trước cái số phận kinh hoàng rồi sẽ đến với mình đi chăng nữa, thì có lẽ chàng vẫn cảm thấy nó cứ tự nhiên mà hoàn thành, mặc cho toàn bộ nỗi đau nó mang lại. Chàng dõi mắt nhìn về viền chân trời trong đêm, nơi chàng biết có doanh trại quân thù; khoanh tay, kềm chặt đôi vai, chàng hài lòng chắc mẩm về toàn thể cái thực tại xa xôi và dị biệt, về sự hiện diện của mình trong đó. Chàng ngửi thấy máu của cuộc chiến tàn khốc này, tung tóe lên ngàn vạn con sông ngọn suối trên quả đất, bắn tới tận mình; và chàng để mặc nó vương lấm, mà chẳng thấy căm phẫn lẫn xót thương.
Bình Luận (0)
Comment