Tử Tước Chẻ Đôi

Chương 7

Xung quanh thôn Bãi Nấm có mọc lên những bụi bạc hà và những giậu hương thảo, không hiểu là cây hoang hay luống trồng trong một vườn rau thơm. Tôi rảo bước mà lồng ngực đầy ắp hơi thở thanh mát, lần đường tìm tới u già Sebastiana.

Từ dạo u khuất dạng trên con đường làng dẫn đến thôn người cùi, tôi càng nhớ mình là một kẻ mồ côi. Tôi tuyệt vọng vì không biết tin tức gì về u; tôi hỏi ông cùi Galateo, kêu lớn từ trên một đỉnh cây khi ông đi ngang; song ông Galateo là một cái đích của lũ trẻ con, nhiều lúc ông bị chúng quẳng con thằn lằn sống lên người từ trên một ngọn cây, thế là ông buông ra những câu đáp trả giễu cợt và không thể hiểu nổi qua cái âm giọng mùi mẫn và lanh lảnh của mình. Lúc này, trong tôi sự tò mò được vào thôn BãiNấm đã cộng thêm việc được gặp lại u già, và tôi mải miết cất bước giữa những bụi rau thơm.

Đây rồi, một hình bóng trùm bộ áo màu sáng nhạt đứng lên từ một khóm húng tây, đội nón rơm, đi về thôn. Đó là một cụ già cùi, tôi muốn hỏi thăm cụ về u Sebastiana, khi đã tới một khoảng cách đủ để cho cụ nghe mà không phải la lớn, tôi kêu lên:

– Cụ cùi đằng kia ơi!

Song ngay vào lúc đó, có lẽ do bị tiếng gọi của tôi đánh thức, gần ngay chỗ tôi, một hình bóng khác bật ngồi dậy và chỉnh thẳng người . Ông ta có khuôn mặt đầy vảy như vỏ cây khô, và một chòm râu thưa loăn xoăn bạc trắng. Ông lão rút một cây sáo từ trong túi ra, và ngân lên một tiếng láy rền về phía tôi như để chọc ghẹo. Tôi nhận ra là vào buổi xế trưa trời nắng thì có lớp lớp người cùi ẩn mình nằm dài trong các bụi cây, giờ thì họ từ từ trỗi dậy trong những bộ áo thụng trắng nhạt, bước đi dưới ánh nắng hắt đối sáng mà về thôn BãiNấm, tay cầm các nhạc cụ hoặc công cụ làm vườn, gióng lên những âm thanh inh ỏi. Tôi thụt lùi để tránh xa ông lão râu trắng đó, nhưng lại suýt đâm vào một bà cùi mất mũi đang đứng chải lại mái tóc giữa những cành nguyệt quế, và dù có tìm cách nhảy qua những khóm rau tôi cũng luôn luôn có cơ đụng phải một người cùi khác, tôi hiểu ra rằng bước chân của tôi chỉ có thể sải đều về hướng thôn BãiNấm: lô nhô các mái nhà rơm rạ, điểm tô với những tua diều dưới chân dốc.

Chỉ đôi lúc, qua một cú nháy mắt và một hợp âm của cây đàn accordeon, những người cùi mới để ý đến tôi, tuy nhiên, tôi có cảm tưởng, tâm điểm của cuộc diễu hành chính là tôi, và họ đang điệu tôi về thôn BãiNấm như thể điệu một con vật bắt được. Trong thôn, các vách nhà được sơn phết màu hoa cà, từ một khung cửa sổ, một phụ nữ áo thụng cài hớ hênh, với những đốm hoa cà trên mặt và trên ngực, một nhạc công đàn lia, kêu lên:

– Những người thợ trồng rau đã về! – và cô ta gảy đàn.

Các phụ nữ khác hiện ra trên cửa sổ và sân lầu, lúc lắc chiếc lục lạc và cất giọng hát:

– Chào mừng quý vị trồng rau đã về!

Tôi thận trọng đi ở ngay giữa con ngõ gồ ghề và không chạm vào ai; song tôi thấy mình như thể đang đứng trước các ngã đường, người cùi bao khắp xung quanh, đàn ông cũng như đàn bà, ngồi trên ngưỡng cửa, áo thụng rách bươm và bạc màu, thấp thoáng phô ra các bạch hạch và các bộ phận kín đáo, đóa đào gai và đọn cỏ chân ngỗng gài trên tóc.

Những người cùi cử hành một buổi hòa tấu nhỏ mà tôi cho rằng để hân hạnh đón tiếp tôi. Vài người chìa cây vĩ cầm về phía tôi, buông ra những cú kéo nấn ná cường hứng, có người thì nhại tiếng ếch nhái khi tôi vừa nhìn vào họ, có người thì trình diễn các con rối hình thù kỳ lạ, leo lên tụt xuống trên một sợi dây. Vô số cử chỉ và âm thanh nghịch tai này là cái buổi hòa tấu nhỏ đó, tuy nhiên, lúc này lúc kia, có lặp lại một kiểu điệp khúc:

Chú gà con không đốm,

Lon ton vườn mâm xôi,

Thế là cũng có đốm.

– Cháu đi tìm u già của cháu – tôi kêu lên – u già Sebastiana ơi! u đang ở đâu nào?

Những người cùi cùng phá lên cười, với cái vẻ đã biết tỏng đi rồi và tinh quái.

– U Sebastiana ơi! u Sebastiana ơi! – tôi la lớn – u đang ở đâu?

– Này cậu bé – một người cùi nói – yên bụng đi, và chỉ vào một cái cửa.

Cửa mở, một phụ nữ da bánh mật, có lẽ là người Arập, thân trần, trên người có hình xăm và quấn những đuôi diều, bắt đầu một điệu vũ phóng đãng. Tôi không hiểu rõ những gì tiếp diễn sau đó: đàn ông và đàn bà nhào vào nhau, người này trên người người kia, và khởi sự cái điều mà sau này theo tôi hiểu có lẽ là một cuộc truy hoan.

Tôi đang rón rón rén rén lần đi từng bước nhỏ, thì bất chợt trông thấy u già Sebastiana đang rẽ lối trong đám người.

– Quân mất nết – u nói – ít ra cũng phải nghĩ đến cái tâm hồn bé bỏng ngây thơ này một chút chứ lị.

U nắm lấy tay tôi và kéo tôi đi trong lúc họ cất tiếng hát vang:

Chú gà con không đốm,

Lon ton vườn mâm xôi,

Thế là cũng có đốm.

U già Sebastiana lúc đó mặc một chiếc áo thụng vải thô, màu xanh nhạt, gần như kiểu nữ tu, và đôi má không một vết nhăn đã bị vài vết đốm làm biến dạng. Tôi vui mừng vì tìm ra u, song lại tuyệt vọng vì u đã cầm tay mình, chắc chắn bệnh cùi đã truyền sang tôi. Tôi nói với u như thế.

– Cu con ơi, có gì mà sợ! – u đáp lời – bố u là một tay cướp biển và ông nội u là một nhà tu khổ hạnh. U biết giá trị của mọi thứ thảo dược ngăn ngừa được bệnh tật của người xứ mình lẫn của xứ Arập. Người cùi thì băm cây kinh giới và cây cẩm quỳ; còn u thì lẳng lặng đun nước sắc chiết từ cây mồ hôi và cây cải xoong để khỏi vướng phải bệnh cùi cho tới khi còn ở trên cõi đời.

– Nhưng các vết đốm trên mặt u là cái gì vậy? – tôi hỏi, người đã nhẹ nhõm đi nhiều, tuy vẫn chưa hoàn toàn được thuyết phục.

– Nhựa thông Hy Lạp đấy, để họ tin rằng u cũng đã bị nhiễm bệnh cùi. Tới đây đi con, u cho uống một trong những thứ nước sắc đang sôi sục của u, bởi sự cẩn trọng không bao giờ thừa khi ta quanh quẩn nơi đây.

U dẫn tôi về nhà u, một cái lán có phần riêng biệt, sạch sẽ, với quần áo vật dụng đang phơi; và chúng tôi hàn huyên với nhau.

– Còn Medardo? Còn thằng Medardo?- u truy vấn, mỗi lần tôi đang nói thì u chen ngang:

– Quân bất trị! Thằng ranh con! Đúng là tương tư! Chao ôi! Tội cho con bé! Còn ở đây, còn ở chốn này à, con không tưởng tượng được đâu! Con có biết họ hoang phí thứ gì không? Tất cả các thứ mà chúng ta đã bóp bụng để đưa cho lão Galateo, con có biết họ dùng chúng làm gì không? Và cái lão Galateo này, con ơi, đẹp đẽ gì đâu. Một tấm gương xấu, và không chỉ một mình lão! Các trò họ bày ra về đêm! Và khỏi nói, vào ban ngày. Rồi các mụ đàn bà, mất nết chưa từng thấy trong đời. Tưởng đâu ít ra họ cũng biết dọn dẹp lại, thế mà cũng không! Bừa bộn và lôi thôi lếch thếch! Này! U đã nói thẳng vào mặt đấy... Và họ, con biết họ trả lời thế nào không?

Rất hài lòng về buổi viếng thăm u già, ngày hôm sau tôi đi câu cá chình.

Thả lưỡi câu xuống cái đầm rộng cạnh một dòng thác, tôi nằm chờ, và ngủ thiếp đi. Không biết đã ngon giấc được bao lâu, thì một tiếng động đánh thức tôi dậy. Mở mắt, tôi trông thấy một bàn tay đang giơ bên trên đầu mình, và trên bàn tay là một con nhện đỏ đầy lông. Tôi xoay người, thì ra đó là chú tôi trong chiếc áo choàng đen.

Thất kinh, tôi đứng phắt người dậy, song ngay lúc đó thì con nhện cũng cắn một cú vào tay chú tôi, và biến đi cực nhanh. Chú tôi đưa tay lên môi, mút mút vết cắn, rồi nói:

– Cháu đang thiu thiu ngủ thì chú thấy từ cái cành cây kia con nhện độc đang thả người xuống cổ cháu. Chú chìa tay ra hứng, thế là đã bị cắn.

Tôi không thể tin vào bất cứ lời nào: ít nhất là ba bận suýt nữa chú đã sát hại tôi bằng những chiêu thức kiểu như thế. Song đúng là bây giờ tay chú đã bị con nhện cắn, và đang sưng lên.

– Chú mày là cháu của chú – Medardo nói.

– Vâng – tôi đáp lời, có phần ngạc nhiên vì đầy là lần đầu tiên chú bày tỏ là chú nhận ra tôi.

– Chú đã nhận ra cháu ngay – chú nói. Và thêm vào: Cái con nhện này! Tao chỉ có cái cánh tay này mà mày lại muốn chích độc nó! Nhưng tất nhiên, thà là vào tay tao còn hơn vào cổ cậu bé này.

Như tôi biết, chú tôi chưa bao giờ nói chuyện như thế. Ý nghĩ có lẽ chú đang nói thật, và bỗng nhiên trở thành người hiền lành hiện ra trong đầu; nhưng tôi gạt phắt nó đi: bịa đặt và mưu mô là cái thói của chú. Tất nhiên, chú có vẻ đã thay đổi nhiều, biểu lộ thì không còn căng thẳng và dữ tợn nữa, mà lừ đừ và ưu phiền, có lẽ là do nỗi hoảng sợ và sự đau nhức của vết cắn. Quần áo cũng vậy – đầy bụi đất và may theo kiểu có phần khác lúc trước – làm tăng thêm cái ấn tượng ấy; manh áo choàng đen đã bắt đầu nhàu rách, vạt dính lá khô và búi hạt dẻ; cũng không được may bằng nhung đen như mọi khi, mà bằng vải thô, mòn xơ xác và bạc màu, bắp chân không xỏ chiếc giày ủng bằng da như xưa, mà xỏ vớ len vằn xanh vằn trắng.

Để tỏ ra mình không để ý đến chú, tôi đi xem có con cá chình nào đớp mồi chưa. Cá không thấy, chỉ thấy một chiếc nhẫn vàng lấp lánh viên ngọc trong lưỡi câu. Tôi kéo nó lên, phía trên viên đá quý có hình huy hiệu xứ RạngĐông.

Tử tước lia mắt nhìn theo tôi và nói:

– Cháu không nên ngạc nhiên. Khi đi ngang qua đây chú đã trông thấy một con cá chình mắc lưỡi câu đang vùng vẫy, lòng chú quặn đau, chú đã thả nó ra; sau đó, khi nghĩ đến sự thiệt hại của kẻ đi câu vì hành động của mình, chú muốn đền bù bằng chiếc nhẫn, hiện vật cuối cùng còn lại có giá trị của chú.

Tôi ngẩn người ra, miệng há hốc. Và chú Medardo tiếp tục:

– Chú vẫn chưa biết kẻ đi câu đó lại là cháu. Sau đó thì chú thấy cháu đang nằm ngủ trên bãi cỏ, niềm vui mừng gặp lại cháu ngay lập tức bị chuyển sang nỗi hốt hoảng vì cái con nhện đang thả người xuống đầu cháu. Phần còn lại thì cháu đã biết.

Nói xong, chú buồn bã nhìn xuống bàn tay sưng tím của mình.

Có thể toàn bộ chỉ là cái chuỗi tiếp nối lừa lọc nhẫn tâm; song tôi nghĩ, sẽ là hết sức ngoạn mục nếu đây là một cuộc cải biến đột ngột về tình cảm của chú, và ắt nó cũng sẽ mang lại xiết bao vui mừng cho u già Sebastiana, cho Pamela, cho tất cả những ai đã phải chịu đựng sự tàn nhẫn của chú.

– Chú ơi! – tôi kêu lên – chú chờ cháu ở đây nhé. Cháu chạy đến u già Sebastiana, u biết mọi thứ dược thảo, cháu sẽ xin u những thứ dùng để chữa nhện cắn.

– Ờ u già Sebastiana... – tử tước nói, trong lúc ngả người nằm xuống, tay để trên ngực – Thế u ấy có khỏe không?

Chưa cảm thấy chắc nên tôi chưa nói với chú là u Sebastiana đã không bị nhiễm bệnh cùi, tôi chỉ nói:

– À cũng vậy vậy thôi chú ạ. Cháu đi đây.

Tôi chạy đi, không mong muốn gì hơn là được hỏi u nghĩ gì về những phản ứng kỳ lạ của vết cắn.

Tôi gặp lại u trong căn lán. Mệt đứt hơi vì cuộc chạy và sự sốt ruột, tôi kể lại cho u một câu chuyện có phần lộn xộn, song u già quan tâm về nhện cắn hơn là quan tâm về các ứng xử nhân từ của chú Medardo.

– Con nói gì, một con nhện đỏ à? Ờ, đúng vậy, u biết loại dược thảo phải cần... Có lần, một bác tiều phu bị sưng cánh tay... Con bảo chú ấy đã trở nên tốt lành ư? Ồ, biết nói gì đây, thằng bé ấy trước giờ vẫn thế, cần phải biết cách ứng xử với nó thôi... À mà, u để loại dược thảo ấy ở đâu rồi nhỉ? Chỉ cần đắp vào vết cắn. Thằng Medardo láo toét từ nhỏ... À dược thảo đây rồi, u đã cất trong một cái bao nhỏ... Tuy vậy, cái thằng ấy bao giờ cũng thế: khi đau thì chạy đến khóc với u già... Vết cắn có sâu không?

– Cánh tay trái của chú ấy sưng lên to lắm – tôi nói.

– Ê, này, cu con... – u Sebastiana cười. Cánh tay trái à... ừ cánh tay trái, tướng công Medardo nhà ta để đi đâu vậy kìa? Đã để quên ở Bohemia cho quân Thổ mất rồi, đã bị quỷ sứ tha đi mất rồi: nó đã bỏ lại đó toàn bộ nửa thân bên trái của mình...

– Thế à – tôi nói – vậy mà ... chú ở kia, con ở đây, cánh tay xoay như thế này... Sao lại thế được?

– Bây giờ con không còn phân biệt được bên phải với bên trái nữa à? – u già nói – thế mà hồi lên năm con đã biết rồi đấy.

Tôi không gãi đầu vỗ trán nữa. U già chắc chắn có lý, dù phần mình thì nhớ hoàn toàn ngược lại.

– Vậy thì ngoan đi con, mang phần thảo dược này cho chú ấy – u nói, và tôi chạy đi.

Tôi lao tới dòng thác, thở hổn hển, song chú tôi không còn ở đó nữa. Tôi nhìn khắp mọi chỗ xung quanh: chú đã biến mất với cánh tay nhiễm độc sưng vù.

Màn chiều buông xuống, tôi đi quanh quẩn giữa các cây ôliu. Đây rồi, tôi nhìn ra chú, quấn trong chiếc áo choàng đen, đứng trên môt bờ đất, tựa vào một thân cây. Lưng xoay về phía tôi, đang nhìn ra biển. Nỗi sợ kéo tới, mệt lả, giọng thều thào, tôi mấp máy ra được:

– Chú ơi! Thảo dược cho vết cắn đây ạ...

Lập tức, khuôn mặt một nửa quay lại, co co giật giật ra một cú cau mày dữ tợn.

– Thảo với thiếc, cắn với kiếc gì? – chú quát lên.

– Thảo dược để chữa nhện cắn mà chú... – tôi nói.

Vẻ biểu lộ hiền dịu khi nãy đã biến mất, nhưng chỉ là một giây phút thoáng qua, bây giờ nó đang từ từ trở lại với một nụ cười căng thẳng, nhưng rõ ràng là giả tạo.

– Ờ... ngoan... cháu cứ để vào cái hốc cây kia... chút nữa chú sẽ lấy... – chú nói.

Nghe lời chú, tôi thò tay vào cái hốc cây. Đấy là một tổ ong bắp cày. Cả đàn ong bay nhào vào tôi. Tôi phóng chạy, chúng bám theo, và tôi nhảy xuống dòng suối. Lặn dưới nước, tôi đánh lạc được chúng. Ngước đầu lên, tôi nghe thấy tràng cười âm u của tử tước đang bỏ đi.

Lại một lần nữa, chú lừa được chúng tôi. Tuy thế, có nhiều điều tôi không hiểu, tôi tìm tới bác sĩ Trelawney hỏi chuyện. Vị bác sĩ người Anh đang ở trong căn nhà đá coi mộ của mình, dưới ánh sáng ngọn đèn dầu nhỏ, chúi đầu vào quyển giải phẫu học, một tình huống hiếm có. Tôi hỏi:

– Bác sĩ ơi! có thể nào một người bị nhện đỏ cắn mà không hề hấn gì không?

– Cháu bảo nhện đỏ à? – vị bác sĩ bật dậy – ai bị nhện đỏ cắn nữa vậy?

– Chú tử tước của cháu – tôi nói – cháu đã mang dược thảo của u già đến cho chú, lúc ấy, sau khi dường như đã trở nên hiền hòa, lại trở lại là tai ác, và chú đã từ chối sự cứu giúp của cháu.

– Bác vừa mới chăm sóc vết cắn của con nhện đỏ trên tay tử tước đây mà – bác sĩ Trelawney nói.

– Theo bác sĩ thấy thì lúc ấy chú ấy hiền hòa hay tai ác?

Thế là bác sĩ kể cho tôi nghe diễn biến sự việc.

Sau khi tôi rời tử tước nằm trên cỏ với bàn tay sưng vù, thì bác sĩ Trelawney đi ngang qua đó. Ông nhận ra tử tước, và giật mình hoảng sợ như mọi khi, ông tìm cách lẩn trốn giữa đám cây. Song nghe thấy tiếng chân, chú Medardo đã đứng dậy và kêu lên:

– Này, ai đó?

Bác sĩ nghĩ: "Nếu tử tước phát hiện ra mình là kẻ đang lẩn trốn, không biết ông ấy sẽ còn bày ra cái trò gì đây!" và bác sĩ bỏ chạy để không bị nhận ra. Song ông bị vấp và ngã xuống một cái đầm nhỏ của dòng thác. Tuy cuộc đời trải qua trên thuyền, bác sĩ Trelawney không biết bơi, ông quẫy đạp trên mặt hồ, la hét cầu cứu. Lúc ấy tử tước nói:

– Hãy chờ ta.

Chú men tới bờ, lội xuống nước, bàn tay đang đau nắm chắc một nhành rễ cây chìa ra trên đầm nước, thả người lơ lửng, hết sức thò cái cẳng chân để bác sĩ có thể nắm lấy được. Dài ngoằng và mỏng teo như thế, chú căng người làm sợi dây để bác sĩ có thể lần vào bờ.

Thế là bác sĩ được cứu sống; và ông lắp bắp:

– Chao ơi... xin tạ ơn tướng công, quả thực, thưa tướng công... tôi không biết có cách nào...

Và ông hắt xì ngay vào mặt chú, bởi đã bị nhiễm lạnh.

– Chúc sức khỏe ông! – chú Medardo nói – ông làm ơn giữ người cho ấm – và chú quàng chiếc áo choàng của mình lên vai bác sĩ.

Bác sĩ Trelawney lúng túng từ chối, càng hoang mang hơn bao giờ hết. Và tử tước bảo ông:

– Ông xem này, trông cậy ông đấy.

Thế là bác sĩ Trelawney nhìn ra bàn tay sưng vù của chú Medardo.

– Con gì cắn ngài vậy?

– Một con nhện đỏ.

– Thưa tướng công, hãy để tôi chữa trị cho tướng công.

Và bác sĩ dìu chú về căn nhà đá coi mộ của mình, ông đắp thuốc và băng bó tay cho tử tước. Cùng lúc, trong chan hòa nhân ái và hòa nhã, tử tước trò chuyện với bác sĩ. Hai người chào từ biệt, hứa hẹn gặp lại nhau và thắt chặt tình thân.

– Bác sĩ ơi! – tôi nói, sau khi đã lắng nghe câu chuyện của ông – vị tử tước mà bác chăm sóc, một chốc sau đó đã trở lại là con mồi của một cơn điên cuồng tàn khốc của mình và đã khiến cháu động ổ một đám mây ong bắp cày đuổi theo cháu.

– Không phải vị tử tước mà bác đã chăm sóc – bác sĩ bảo, và nháy mắt.

– Thế là thế nào hả bác sĩ?

– Rồi cháu sẽ hiểu. Bây giờ cháu không được nói với ai nhé. Hãy để bác nghiên cứu, cần phải sẵn sàng trước quãng thời gian đầy thách thức.

Thế là bác sĩ Trelawney không để ý đến tôi nữa; ông lại chìm sâu trong cuộc đọc quyển giải phẫu học ngoại lệ của mình. Ắt trong đầu ông đang có một dự án, và suốt những ngày sau đó, ông luôn luôn tần ngần và miệt mài.

Tuy nhiên, từ nhiều nơi, tin tức về cái bản chất lưỡng cách của tử tước Medardo bắt đầu dồn về. Trẻ con đi lạc vào rừng, trong nỗi sợ cực điểm, bị một người nửa-thân chống nạng đuổi bắt, dắt tay về nhà, tặng sung và bánh rán; những bà quả phụ đáng thương được chàng ta vác giúp vài bó củi; những con chó bị rắn độc cắn được chữa lành, những món quà bí mật được kẻ nghèo khó tìm thấy trên khung cửa sổ hoặc trước ngưỡng cửa nhà; những ngọn cây ăn trái bị gió thổi bật gốc được dựng lên và đắp lại ngay tại các hốc rễ của chúng trước khi người chủ kịp ló mặt ra khỏi cửa.

Song cùng lúc, những lần xuất hiện của vị tử tước cuốn trong chiếc áo choàng đen cũng đã ghi dấu các sự việc u ám: những em bé bị bắt cóc sau đó được phát hiện là đang bị giữ làm tù nhân trong một cái hang bịt đá bên ngoài; những trận lở cây gỗ hoặc đá cuội ụp lên các ông già bà lão; những quả bí vừa mới chín bị băm vụn chỉ vì cái tâm hồn quái ác.

Cây nỏ của tử tước thì ít lâu nay chỉ được dùng để bắn chim nhạn, sao cho không giết chết con vật, mà chỉ làm nó bị thương và trật vẹo. Tuy nhiên, lúc này trên bầu trời người ta bắt đầu trông thấy những con chim nhạn cẳng chân được băng bó với que đỡ, hoặc cánh được nối lại hay dán cao; có cả một đàn nhạn lỉnh ca lỉnh kỉnh như thế thận trọng bay cùng nhau, như những kẻ dưỡng bệnh của một nhà thương chim, và theo lời đồn đại, chính chú Medardo là bác sĩ của cái nhà thương này.

Có lần, Pamela cùng với con dê và con vịt của cô đang ở một địa điểm khá xa nhà và hoang dã, thì một cơn giông ập xuống. Cô biết, ở gần đấy có một cái hang, dù rằng rất nhỏ: một cái hốc chỉ hơi lõm vào trong vách đá, và cô đi tới đó. Cô trông thấy, từ bên trong, ló ra một chiếc giày ống rách bươm đã được vá lại: đó chính là cái tấm thân một-nửa, quấn áo choàng đen. Đang chực chạy trốn, thì tử tước nhận ra cô, chàng ta bước ra màn mưa xối xả, nói:

– Cô gái ơi! Hãy vào trong này mà lánh mưa, vào đây đi cô em.

– Không, em không trú trong đó đâu – Pamela nói – nó chỉ vừa đủ chỗ cho một người, em vào trong đó chỉ để mà bị chàng ép em dẹp lép à.

– Xin cô đừng ngại – tử tước nói. Ta sẽ ở ngoài, cô cứ thoải mái trú trong đó cùng với con dê và con vịt của cô.

– Con dê và con vịt có thể chịu được nước mưa mà.

– Cô ơi! Chúng cũng vào được thôi.

Pamela, đã nghe kể về các nguồn cơn từ ái kỳ lạ của tử tước, tự nhủ: "Mình cứ thử xem sao" và cô nép người trong cái hang, chật cứng sau hai con vật. Còn tử tước, thẳng tắp trước mặt, căng vạt áo choàng ra che như một mái lều, cho con dê và con vịt cũng không bị ướt. Pamela quan sát cánh tay của tử tước đang căng vạt áo choàng, tư lự ngẫm nghĩ một lúc, chuyển sang quan sát đôi cánh tay của mình, đối chiếu lẫn nhau, rồi bật lên một tràng cười khanh khách.

– Này cô gái, ta hài lòng thấy cô tươi vui – tử tước nói – song sao cô lại cười, có lý do gì không?

– Em cười vì hiểu ra cái điều khiến những người đồng hương của em muốn nổ bung cái đầu.

– Điều gì vậy?

– Rằng chàng vừa có phần xấu-bụng lại vừa có phần tốt-bụng. Giờ thì đã rõ.

– Tại sao thế?

– Vì em nhận ra chàng là nửa kia; cái nửa mà người ta tưởng đã bị thất lạc trong chiến tranh, và bây giờ trở về; và là cái nửa tốt-bụng. Còn nửa trước, cái nửa xấu-bụng, đó là vị tử tước đang sống trong tòa lâu đài.

– Cám ơn cô, cô thật là tử tế.

– Ồ, đúng thế đấy, em không khách sáo đâu.

Thật vậy, đó là câu chuyện của chú Medardo, như Pamela đã hiểu ra buổi chiều hôm đó. Không phải quả đạn thần công đã bắn tan tác một phần thân thể của chú: chú đã bị rách thành hai nửa; một được các viên lính đi thu nhặt người bị thương tìm thấy; một bị vùi dưới chân cái tháp xác quân Kitô giáo và quân Thổ Nhĩ Kỳ, và đã bị bỏ sót. Giữa đêm thì có hai nhà tu khổ hạnh, không biết có phải là tín đồ tôn giáo thuần trực hay là thầy đồng, những hình bóng mà, như vẫn xảy ra với một số người trong thời buổi chiến tranh, bị đẩy vào tình cảnh phải sinh sống trong cái lãnh địa hoang vắng giữa hai phe lâm chiến, và có lẽ, lúc này người ta râm ran, được quyến rũ để bao hàm cùng lúc Đức Chúa Trời Ba Ngôi của Kitô giáo và Đấng Allah của ngài Maometto. Trong cái đức Thương Xót Sùng Kính dị thường của mình, các nhà tu khổ hạnh này đã tìm thấy phần thân thể bị chẻ đôi của chú Medardo, họ đã khiêng chú về ẩn cốc của họ, tại đó, với các thứ nhựa và dầu tự mình bào chế, họ đã bôi cho chú và đã cứu sống chú. Vừa lấy lại sức, thì kẻ bị thương đã được người cứu sống bảo đi đi, thế là chú khật khà khật khưỡng chống nạng lên đường, rồi những tháng năm xuyên qua các xứ sở Kitô giáo để trở về tòa lâu đài, gây kinh ngạc cho mọi người dọc theo các tuyến đường qua các ứng xử nhân từ của mình.

Sau khi đã tường thuật câu chuyện của mình cho Pamela nghe, nửa tử tước tốt-bụng muốn cô thợ chăn kể lại câu chuyện của cô cho mình nghe. Pamela trình bày các cách thức chú Medardo xấu-bụng đã giăng bẫy cô và sự thể cô đã trốn khỏi nhà và lang thang trong rừng.

Nghe câu chuyện của Pamela, chú Medardo tốt-bụng lấy làm cảm động, chú chia sẻ niềm thương xót của mình cho cái đức hạnh bị khủng bố của cô thợ chăn, cho nỗi u sầu khôn nguôi của chú Medardo xấu-bụng, và cho niềm cô quạnh của bố mẹ đáng thương của cô.

– Bố mẹ em à – Pamela bảo – họ là hai ông bà già bóc lột. Không đáng để chàng động lòng trắc ẩn đâu.

– Ồ, Pamela, cô hãy nghĩ đến sự thể vào giờ này hai ông bà đang buồn khổ nhường nào trong căn nhà tàn tạ, không ai ngó ngàng, phải làm các công việc ngoài đồng và trong chuồng.

– Cái chuồng cứ việc mà đổ ập xuống đầu hai ông bà – Pamela nói. Em bắt đầu hiểu ra là chàng hơi quá nhũn lòng đấy, thay vì phẫn nộ với cái mảnh kia của mình vì tất cả những trò chết tiệt mà nó đã bày ra, thì lại hầu như đem lòng thương xót ngay cả nó nữa.

– Làm sao mà không thương xót được? Ta, kẻ biết thế nào là tình trạng một-nửa của một người, không thể không động lòng trắc ẩn vì nó.

– Nhưng chàng thì khác; cũng có phần dở hơi, song tốt-bụng.

Thế là chú Medardo tốt-bụng nói:

– Này cô Pamela, đây là cái phúc của tình trạng bị chẻ đôi: việc lĩnh hội nỗi đau mà mỗi người chúng ta cưu mang vì tính khuyết thiếu của mỗi nhân cách và của mỗi sự vật trên thế gian. Ta đã từng nguyên-vẹn và đã không hiểu, ta dịch chuyển – trong tình trạng không nghe và không truyền đạt – giữa những nỗi đau và các thương tích đã bị gieo rắc khắp xung quanh, ở những nơi mà một kẻ trong tư cách nguyên-vẹn ít dám tin nhất. Không chỉ có ta, Pamela ạ, là một tồn tại bị bẻ gãy và bật rễ, mà cả cô và mọi người. Cho nên giờ đây ta cưu mang một tình anh em mà trước kia, trong nguyên-vẹn, ta chưa biết: cái tình với mọi sự què cụt và thiếu thốn trên thế gian. Pamela ơi! Nếu em đi với ta, thì em sẽ được học hỏi để chịu đựng các điều ác tâm của mọi người, và trong lúc chữa cho họ, thì chữa cho mình.

– Thật là cao đẹp – Pamela nói – nhưng em đang hết sức khốn đốn với cái mảnh kia của chàng, kẻ đã đem lòng yêu em, và không biết phải làm gì với em.

Cơn giông đã tạnh, chú tôi buông vạt áo choàng ra.

– Pamela à! ta cũng phải lòng em.

Pamela bật ra khỏi hốc đá:

– Ồ vui quá! Một chiếc cầu vồng đã bắc trên bầu trời và em thì tìm được một người tình si mới. Cũng bị chẻ đôi, song với một tâm hồn tốt-bụng.

Hai người bước đi trên con đường mòn lầy lội dưới những cành cây còn đẫm nước. Cái miệng một-nửa của tử tước nhoẻn một nụ cười dịu hiền và khuyết thiếu.

– Bây giờ thì chúng ta làm gì nào? – Pamela nói.

– Ta đề nghị hai đứa mình tới nhà bố mẹ em, tội cho hai ông bà, để phụ giúp công việc một chút.

– Nếu muốn thì chàng cứ đi – Pamela bảo.

– Em yêu dấu, đúng, đúng là ta muốn đi – tử tước đáp lời.

– Còn em thì sẽ ở lại đây – Pamela nói và cô dừng lại cùng với con vịt và con dê.

– Cùng nhau thực hiện các hành vi tốt-bụng, đó là cái phương thức duy nhất để yêu thương nhau.

– Thật đáng tiếc. Em tin rằng hẳn có những phương thức khác.

– Tạm biệt em yêu dấu. Ta sẽ mang đến cho em một phong bánh táo.

Thế là, bật chống chiếc nạng, tử tước rời đi trên con đường mòn.

– Dê ơi! Mày nghĩ gì? Vịt ơi! Còn mi thì sao? – Pamela, một mình, hỏi hai con vật của mình. Sao số ta cứ phải gặp mấy cái tay này nhỉ?
Bình Luận (0)
Comment