Lúc về chúng tôi đi xe của Chu Gia Dã, cậu ấy uống rượu, người lái xe vẫn là trợ lý của cậu ấy, còn cậu ấy ngồi ở ghế sau với tôi.
Tôi vừa lên xe đã nhìn thấy chuỗi sao và con hạc giấy kia, là chuỗi dây mà tôi buộc vào ngón tay út của Chu Gia Dã nhân lúc cậu ấy ngủ say hôm lễ Giáng sinh. Hôm đó sau khi tỉnh lại cậu ấy đã nhìn thấy nó, nhưng cậu ấy chẳng nói gì cả, chỉ im lặng lấy xuống, rồi đặt ở đâu tôi cũng không biết. Song tôi cũng không để ý, dù gì nó cũng không phải để đeo trên tay, tôi chỉ gấp chơi thôi.
Có điều tôi không ngờ cậu ấy lại treo nó trong xe.
Tôi nhìn chằm chằm, hỏi cậu ấy: “Có người bạn nào ngồi trên xe của cậu không?”
“Có.” Mùi hương trên người Chu Gia Dã rất gần, tối nay cậu ấy uống rượu, hương rượu trên người vẫn chưa tan.
“Không ai cười cậu à?”
Tôi không nghĩ cậu ấy sẽ treo trong xe, bây giờ tôi nhìn vào cũng tự cảm thấy hơi bủn xỉn.
Nhưng phản ứng Chu Gia Dã vẫn như thường, không để tâm mấy: “Tôi bị người ta cười còn ít sao?”
Tôi chợt nhớ đến những lời mình vừa nghe đám bạn cười trêu cậu ấy trên bàn rượu, lập tức ngậm miệng lại.
Trợ lý của Chu Gia Dã ngồi ở ghế trước thì không nhịn được nữa mà cười thành tiếng, hẳn là ngày thường anh ấy còn nghe được nhiều thứ hơn tôi.
Nếu là trước đây, chắc chắn cậu ấy sẽ đi chỉnh người khác một trận rồi dọa nạt hỏi người nọ cười cái gì, bất cứ ai cũng có thể làm bạn với cậu ấy, dù là người quản lý hay trợ lý cũng không ngoại lệ, nhưng lúc này cậu ấy lại không có phản ứng gì, cũng không biết có phải vì cậu ấy say nên chẳng có tinh thần gì hay không.
Đầu cậu ấy tựa bên cửa sổ xe, sau khi đèn trong xe tắt đi, chỉ còn lại ánh đèn dọc đường chiếu vào lúc sáng lúc tối. Nét mặt nghiêng nghiêng của Chu Gia Dã như đang ngủ say trong bóng đêm, chỉ là tay cậu ấy vẫn nắm lấy cổ tay của tôi, mãi không buông ra.
Trên đoạn đường yên tĩnh này, tôi mượn ánh đèn đường ngoài cửa sổ xe nhìn tay Chu Gia Dã. Tay cậu ấy rất đẹp, ngón tay thon dài, vừa mảnh vừa thẳng, móng tay cũng gọn gàng tròn trịa. Thế nhưng trong lòng bàn tay cậu ấy có một vết sẹo đã liền, là sẹo để lại trong lúc quay phim. Cậu ấy chưa bao giờ để tôi thấy nỗi đau của bản thân, vậy nên đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy vết sẹo này.
Tôi nhẹ nhàng chạm vào vết sẹo đã lành kia, nhưng không biết có phải do tôi đã đánh thức cậu ấy hay không, cậu ấy lật tay giữ lấy tay tôi, nắm trọn vào lòng bàn tay.
Tôi ngẩng đầu nhìn trộm cậu ấy.
Chu Gia Dã vẫn dựa vào cửa sổ xe, ánh đèn đường ngoài cửa sổ chốc sáng chốc tối chiếu lên mặt cậu ấy, tôi không thấy rõ cậu ấy còn ngủ hay đã tỉnh.
Trong xe quá yên tĩnh, chỉ có tiếng xe chạy trên đường hướng về phía trước, tôi không dám nói chuyện, sợ làm ồn đến cậu ấy nên chỉ dùng ngón tay véo đầu ngón tay cậu ấy.
Chu Gia Dã không phản ứng.
Tôi tiếp tục véo.
Cuối cùng lần này cậu ấy đã có phản ứng nhưng không nhúc nhích, chỉ cất tiếng với chất giọng trầm khàn: “Lâm Ý.”
“Tớ đây.”
Cậu ấy ngừng một lát.
Rồi lại nói tiếp: “Đừng gây sự, để tôi yên tĩnh một lát.”
“Ồ.”
Tất nhiên trợ lý của Chu Gia Dã rất hiểu cậu ấy, nghiêng đầu hỏi tôi: “Chị ơi, tôi bật nhạc cho chị nhé, chị thích nghe nhạc của ai?”
Tôi suy nghĩ thử, tạm thời không nghĩ ra ai cả, bèn nói một cái tên ai cũng biết: “Châu Kiệt Luân đi.”
“Ok.”
Song tôi không ngờ, ca khúc đầu tiên vang lên trong danh sách phát là bài Lan Đình Tự mà tôi từng nghe loáng thoáng ở trường, đang hát câu: “Chữ tình khó giải, đặt bút thế nào cũng không đúng, mà tôi lại thiếu một đời thấu hiểu người.”
Tôi lại nhớ đến bức ảnh lên hot search hôm nọ, là bức ảnh năm cậu ấy vừa thi đại học xong. Cậu ấy nghịch chiếc bật lửa trong ánh đèn lờ mờ của phòng VIP, ngọn lửa rực sáng phản chiếu trong mắt, dáng vẻ của Chu Gia Dã trông vừa lạnh lùng vừa uể oải.
Tôi hỏi Chu Gia Dã học hút thuốc từ khi nào, cậu ấy nói là vào năm thi đại học xong.
Trong xe yên ắng, thuận tiện để tôi đã nghe hết toàn bộ ca khúc này.
Khi nghe đến đoạn kết, tôi mới biết hoá ra câu cuối cùng của bài hát này là: “Tôi chờ tiếng sấm xuân đến gợi nhắc về người em yêu.”
Xe chạy tới nhà cậu ấy rồi đậu trong gara, đèn trong xe sáng lên, bấy giờ Chu Gia Dã mới chầm chậm mở mắt, trông cậu ấy hơi mơ màng và buồn ngủ khi vừa tỉnh dậy sau cơn say.
Tôi xuống xe trước, tạm buông tay Chu Gia Dã, cậu ấy nhìn thoáng qua, cũng không nói gì.
Chu Gia Dã quay sang dặn dò trợ lý, tôi vào thang máy lên lầu trước.
Sau đó đứng ngẩn người trước cửa nhà cậu ấy.
Con số trên thang máy lại hiện lên, cửa thang máy mở ra, tôi quay đầu nhìn Chu Gia Dã đang đi về phía mình.
Cậu ấy nhấn mật mã, khóa cửa mở ra, cậu ấy hỏi tôi: “Cậu đã nhớ chưa?”
“…”
Tôi chớp mắt, thật thà đáp: “Chưa.”
Cậu ấy cúi đầu thản nhiên nhìn tôi: “Cậu thì nhớ được gì chứ?”
Chu Gia Dã đẩy cửa bước vào, lấy đôi dép lê mua cho tôi hôm cùng đi siêu thị lần trước trong tủ giày ra, đến khi tôi thay dép xong, cậu ấy vẫn đứng cạnh khoá cửa, tôi chẳng rõ cậu ấy đang làm gì, thò đầu nhìn thử, đúng lúc cậu ấy nghiêng người tránh ra, nhường lại vị trí: “Cậu tự lấy dấu vân tay đi.”
Tôi ồ một tiếng: “Khoá cửa nhà cậu xịn ghê.”
Chu Gia Dã đưa tay xoa đầu tôi, giọng trầm trầm: “Tự nhớ là lấy dấu tay nào nhé.”
Khi tôi lấy dấu vân tay xong thì cậu ấy đã vào phòng, tôi bám cửa thò đầu vào nhìn Chu Gia Dã, thấy cậu ấy đã cởi áo khoác và áo len ra, bây giờ đang cởi áo sơ mi bên trong.
Tôi vội quay đầu định rời đi, cậu ấy lên tiếng gọi tôi lại: “Lâm Ý.”
Tôi đưa lưng về phía cậu ấy, cũng không dám quay đầu lại: “Cậu nói đi.”
“Đóng cửa lại cho tôi.”
“…”
Tay tôi đóng sầm cánh cửa sau lưng lại, tỏ vẻ không nói lên lời.
Tôi không hề có ý rình trộm.
Tôi quay về căn phòng dành cho khách lần trước tôi từng ngủ lại. Thật ra tôi mới đến đây vài ngày trước, quần áo ở nhà chúng tôi cùng đi siêu thị mua vẫn còn đó. Chúng đã được giặt sạch, được gấp lại và cất trong tủ.
Tôi ngửa đầu nằm xuống, chìm vào chiếc giường êm ái bên dưới, nhìn đèn chùm trên trần nhà, tôi vẫn cảm thấy như đang bị ảo giác.
Có điều, bụng tôi đói cồn cào.
Khi Chu Gia Dã gửi tin nhắn hỏi tôi có muốn đến đón cậu ấy không, lúc ấy tôi đang định đứng lên tìm đồ ăn.
Từ nhỏ tôi có thói quen xấu là hay nhịn đói, hiếm khi nào ăn cơm đúng bữa, không có tâm trạng sẽ không ăn, lúc nào tâm trạng vui vẻ thì chờ đói mới chịu ăn. Sau này đi học cấp ba ở thành phố Nam Đài mấy năm, gặp được người dì tốt bụng, tôi mới bắt đầu tập cách ăn cơm đúng giờ, chỉ là ám ảnh thời thơ ấu khó tiêu tan, nó ăn sâu trong linh hồn tôi, một khi không ai chăm nom thì tôi sẽ mặc kệ, nhất là mấy ngày nay trong ký túc xá chỉ có một mình nên cái tính tùy tiện của tôi càng lộ rõ.
Tôi bò dậy đến nhà bếp ngó thử, nhiều thứ lần trước mua vẫn còn cấp đông trong tủ lạnh, nhưng tôi cũng không biết nấu cơm, tôi nhìn lướt qua những nguyên liệu nấu ăn khiến tôi bó tay trong tủ, cuối cùng tôi chọn đóng cửa tủ lại.
May là nhiều đồ ăn vặt mua lần trước vẫn chưa ăn hết.