Từng Thề Ước

Chương 7

Xi Vưu đăm đăm nhìn nàng khẽ nói, như thầm thì, như than thở: “A Hành, ta không để cô lấy Thiếu Hạo đâu!” Nói rồi hắn nhoẻn miệng cười mãn nguyện, hệt như đứa trẻ giành được cây kẹo mình ao ước bấy lâu chẳng màng gì đến hậu quả sẽ bị sâu răng, cứ thế mà ngất đi trong lòng A Hành, nụ cười vẫn còn đọng trên môi.

Hiên Viên sơn gồm bốn đỉnh Đông Tây Nam Bắc. Chính thất của Hoàng Đế là Luy Tổ, Nhị phi Ngôn Luy thị, Tam phi Đổng Ngư thị, Tứ phi Mô Mẫu thị mỗi người ngụ trên một đỉnh. Cao nhất là Triêu Vân phong ở phía Đông, nơi ở của Luy Tổ, đỉnh nút chót vót vươn tận mây xanh, cũng là nơi đầu tiên ở Hiên Viên được đón mặt trời lên.

A Hành chưa bước xuống xe mây đã thấy Tứ ca Xương Ý đứng đón trước điện Triêu Vân, cứ ngong ngóng nhìn xuống núi. Sự quan tâm và trông đợi y dành cho nàng còn ấm áp hơn cả ánh mặt trời ban sớm.

Chẳng đợi xe dừng hẳn, A Hành đã nhảy phóc xuống, lớn tiếng gọi “Tứ ca” rồi nhào vào lòng y.

Xương Ý tươi cười vỗ vỗ lưng em gái, “Ta tưởng muội được Vương Mẫu rèn cặp, hẳn đã phải điềm đạm hơn rồi, sao vẫn lanh chanh thế?”

A Hành cười hỏi: “Đại ca đâu? Mẹ đâu rồi?”

“Mẹ đang quay xa trong điện còn Đại ca chẳng hiểu sao hôm trước vừa mới tới đã giam mình trong rừng dâu sau núi, không cho ai quấy rầy.”

A Hành cười thầm, vừa theo Tứ ca vào điện vừa khẽ rỉ tai y: “Đại ca bị thương đó.”

“Gì cơ?” Xương Ý kinh ngạc hỏi.

“Để nhờ Thiếu Hạo đi cứu muội, chẳng hiểu Đại ca đã đánh cược gì với y khiến cả hai bên đều bị thương, tuy Đại ca thắng nhưng thương thế còn nặng hơn y nữa.”

Nghe nói vậy, nét mặt Xương Ý mới giãn ra, y lắc đầu cười: “Hai bọn họ kẻ khôn khéo, người điềm đạm, thế mà mỗi lần gặp nhau cứ đánh lộn như con nít, đánh suốt mấy ngàn năm nay vẫn chưa chịu thôi.”

Chính điện rộng thênh thang ngập tràn ánh sáng nhưng lặng ngắt như tờ. Tiếng chân hai người cứ vang vang trong điện khiến cả hai phải thu bớt khí tức, bước đi thật khẽ.

Băng qua chính điện là tới thiên điện tranh tối tranh sáng, duy có song cửa rực nắng mai, một bà lão tóc bạc trắng đang ngồi đó quay xa dệt lụa, ánh nắng càng làm lộ rõ vẻ già nua.

Nhìn mẹ rồi lại nhớ tới Vương Mẫu phơi phới múa giữa rừng đào, A Hành chợt thấy xót xa vô hạn, liền quỳ xuống cất tiếng: “Mẹ, con về rồi đây.”

Luy Tổ dệt xong tấm vải, gác lại xa quay bảy sắc, đoạn ngẩng lên nhìn con gái. A Hành đột ngột lê gối lại bên bà, khẽ gọi: “Mẹ.”

Luy Tổ thản nhiên hỏi: “Ta dệt cho con mấy bộ đồ để trong phòng con ấy, mấy hôm nữa chừng nào xuống núi nhớ đem theo.”

“Cảm ơn mẹ.” A Hành cúi đầu nghĩ ngợi rồi nói: “Lần này con chưa định xuống núi, con định ở lại đây mấy năm.”

Luy Tổ hỏi: “Sao thế?”

“Con thấy mệt mỏi, muốn ở lại trên núi mấy năm.” Từ nhỏ tới lớn, lúc nào A Hành cũng nghĩ cách chuồn xuống núi, nhưng sống trên Ngọc sơn sáu mươi năm, nàng chợt nhận ra Triêu Vân phong cũng vắng vẻ quạnh hiu chẳng khác gì Ngọc sơn, một mình Luy Tổ sống ở đây hẳn rất cô độc, nên muốn ở lại bầu bạn bên bà.

Luy Tổ quay sang bảo Xương Ý: “Con đi pha trà giùm ta.”

Xương Ý thi lễ lui xuống.

Luy Tổ đứng dậy bước ra ngoài điện. A Hành lặng lẽ theo sau.

Phía sau Triêu Vân phong trồng đầy những dâu, cành lá xum xuê tươi tốt, dưới ánh nắng chói chang càng căng tràn nhựa sống, thoạt nhìn đã thấy tâm tình khoan khoái.

Đột nhiên, Luy Tổ lên tiếng hỏi: “Suốt mấy trăm năm ta chưa từng tức giận, vậy mà sáu mươi năm trước lại nổi trận lôi đình, đến nỗi định xông lên Ngọc sơn đòi Vương Mẫu thả con ra, con có hiểu tại sao ta giận bà ta đến thế không?”

A Hành đáp: “Vì người tin con không lấy thần binh của Vương Mẫu.”

Gương mặt lạnh băng của Luy Tổ thoáng hiện nụ cười: “Không phải, đấy là Thanh Dương tưởng thế thôi, nó nói tầm mắt của con đời nào trộm được thần binh, giỏi lắm chỉ ăn cắp mấy quả đào là cùng.”

A Hành đoán chắc hẳn mẹ mình có thù oán gì đó với Vương Mẫu, nhưng chẳng dám nói ra miệng, chỉ lễ phép đáp: “Thế thì con chịu.”

Luy Tổ dừng bước, ngoảnh đầu trông về phía điện Triêu Vân, “Con là vương cơ Hiên Viên, sớm muộn gì cũng có ngày phải dọn tới sống trong một tòa cung điện thế kia, nhưng trước đó, ta muốn con được tận hưởng hết mọi tự do dưới gầm trời này cái đã. Ấy vậy mà Vương Mẫu lại ngang nhiên đoạt đi một trăm hai mươi năm quý giá nhất của con. Bà ta ở cái xó Ngọc sơn quỷ quái đó mấy ngàn năm nay, còn hiểu rõ hơn ta thứ trân quý nhất trên đời này là gì. Chính là niềm vui và tự do trong suốt một trăm hai mươi năm! Trên đời này có báu vật nào đổi lại được không? Hơn ai hết, bà ta thừa biết hình phạt đó tàn khốc thế nào, rành rành đã cướp đi thứ quý giá nhất của con, vậy mà còn làm bộ làm tịch nói là nể mặt ta.”

Triêu Vân điện lầu son gác tía, bệ ngọc thềm lan, đẹp như tranh vẽ chìm giữa một vùng khói mây bảng lảng, nhưng A Hành nhìn mãi nhìn mãi lại thấy mắt cay cay.

Luy Tổ quay sang nhìn con gái: “A Hành, nhân lúc tuổi còn trẻ; con hãy mau xuống núi mà thỏa sức cười khóc, làm ẩu làm càn, tận hưởng cuộc sống đi. Sau này con còn nhiều thời gian giam mình trong cung điện, những ngày tháng được rong ruổi bên ngoài sẽ chẳng có bao nhiêu, chớ nên phí hoài chúng trong điện Triêu Vân nữa. Ta không cần con ở bên bầu bạn, ta chỉ cần con sống thật vui vẻ thôi. Có thể bây giờ con chưa hiểu được điều này, nhưng một khi làm mẹ, con sẽ hiểu ra rằng chỉ cần các con hạnh phúc thì người mẹ đã đủ mãn nguyện rồi.”

Giờ đây rốt cuộc A Hành đã hiểu tại sao mỗi lần nàng chuồn xuống núi mẹ đều không biết, vậy mà nàng còn hả hê cho rằng mình rất thông minh; tại sao nàng có thể trốn nhà trót lọt mà phụ vương cùng Đại ca chẳng phái thị vệ đuổi theo; tại sao nàng có thể tự do rong ruổi khắp đại hoang, khác hẳn những vương cơ khác.

“Mẹ.” Nàng nghẹn ngào thốt lên.

Xương Ý bưng trà tới, kính cẩn dâng lên Luy Tổ.

Luy Tổ khoan thai uống cạn chén trà rồi lạnh nhạt ra lệnh: “A Hành, sáng mai con xuống núi, thích đi đâu thì đi, miễn đừng để ta thấy mặt con là được.” Nói rồi bà đặt chén trà xuống đi thẳng.

Thấy A Hành rơm rớm nước mắt, Xương Ý tươi cười véo mũi nàng rồi nắm tay kéo đi hệt như hồi nhỏ: “Đi nào, mình đi tìm Đại ca.”

Xương Ý và A Hành rón rén lẻn vào sâu trong rừng dâu, đang đi, bỗng hai người đụng phải cấm chế chặn đường, có điều cấm chế này chỉ là chuyện vặt với bọn họ, cả hai ung dung xuyên qua cấm chế, liền trông thấy một cảnh tượng lạ lùng.

Dâu trong rừng chỉ cao chừng ba thước nhưng đều là giống hiếm gặp, từ gốc đến ngọn xanh mướt như tạc bằng ngọc thạch. Trên những cành dâu ngọc ngà san sát so le nhau, từng đóa mẫu đơn trắng muốt to bằng miệng bát do băng tuyết ngưng tụ thành đang khoe sắc, còn thanh khiết hơn cả hoa thật.

Rừng dâu long lanh ngà ngọc, mẫu đơn băng lấp lánh trong suốt, đằng sau cấm chế là cả một thế giới thuần khiết như thiên đường bằng thủy tinh, chẳng nhiễm bụi trần.

Ngay chính giữa thiên đường thủy tinh đó, trong bầu không từng đóa mẫu đơn trắng muốt bừng nở, chồng chất lên nhau tầng tầng lớp lớp tạo thành một tòa tháp mẫu đơn bảy tầng. Phía sau tòa tháp thấp thoáng bóng một nam tử không rõ diện mạo, chỉ thấy một tà áo lam không ra đậm không ra nhạt, toát lên vẻ ấm áp thanh khiết vô cùng, đồng thời cũng lạnh lùng xa cách khôn tả, tựa bầu trời xanh nhạt trên đỉnh núi tuyết ngàn xưa, dù băng tuyết buốt giá đến đâu vẫn luôn luôn ấm áp, nhưng cũng vĩnh viễn xa vời không sao với tới, xa vời hơn cả băng tuyết.

A Hành cùng Xương Ý nhìn nhau rồi dừng bước cách đó xa xa, mỗi người đặt tay lên một gốc dâu, khai mở mệnh môn để linh lực cuồn cuộn chảy vào thân cây, giúp Đại ca trị thương. Thoắt chốc, gốc dâu bỗng xanh biếc lên như thể sắp phát sáng, mẫu đơn trắng trong lưu ly giới càng nở càng nhiều, hàn khí cũng mỗi lúc một thêm lạnh buốt.

Tiếc rằng Thanh Dương chẳng những không tiếp nhận ý tốt của hai em mà còn trách bọn họ lắm chuyện, mấy đóa mẫu đơn đột ngột bay vút lên, đập thẳng vào mặt A Hành cùng Xương Ý, khiến hai người chưa kịp trở tay đã bị đông cứng, biến thành hai trụ băng.

Bỗng nhiên, tất cả mẫu đơn trắng đều bay lên vây quanh bóng áo lam đó, đồng thời ngàn vạn đóa mẫu đơn to bằng miệng bát cũng đua nhau bừng nở giữa bầu không, liên miên bất tuyệt, rực rỡ vô ngần khiến cả đất trời như hóa thành lưu ly hoa giới, đẹp đến ngỡ ngàng.

Hồi lâu Thanh Dương mới từ từ mở mắt, những đóa mẫu đơn trắng kia cũng tan đi hết, hóa thành bông tuyết lả tả rơi xuống, trắng xóa cả đất trời.

Thanh Dương chắp tay đứng dậy, ngẩng đầu ngắm tuyết bay đầy trời, y đứng hồi lâu mà cả người chẳng bám một bông tuyết, trong khi Xương Ý và A Hành đã bị tuyết đóng trắng toát mày mi.

Ngắm tuyết chán chê, Thanh Dương mới ung dung tiến lại giải khai pháp thuật cho hai em, lập tức băng tuyết trên mình Xương Ý và A Hành tan biến. Xương Ý đã lạnh đến tím tái, A Hành cũng răng đập lập cập, phải liên tục nhảy lên cho đỡ rét. Thanh Dương lạnh lùng nhìn nàng: “Muội ở Ngọc sơn sáu mươi năm mà chẳng khá lên chút nào, đến lợn mang lên đó chăn lâu như vậy cũng phải tu thành nội đan rồi chứ.”

Mắng A Hành xong, Thanh Dương quay sang nhìn Xương Ý, khiến y vội cúi gằm mặt xuống.

A Hành không dám cãi, chỉ biết luồn ra sau lưng Thanh Dương tay đấm chân đá với bóng lưng y một hồi, vừa đánh vừa mắng không ra tiếng. Thình lình Thanh Dương ngoảnh phắt lại trừng mắt nhìn A Hành, nàng lập tức làm bộ vận động thân thể, vung tay duỗi chân, vờ vịt nói: “Tay chân muội đông cứng cả rồi, phải vận động một chút kẻo thành tật thì gay.”

Nói rồi nàng nhảy tới bên cạnh Xương Ý: “Hiếm lắm mới được một lần trời đổ tuyết vào tháng Sáu, mình đi bắt hươu về nướng để trục hàn đi.” Đoạn nắm tay Xương Ý định kéo đi.

Xương Ý gọi to: “Đại ca, đi cùng bọn đệ đi! Khó khăn lắm huynh muội mới tụ họp thế này, mai phải chia tay rồi, biết bao giờ lại tề tựu nữa?”

Thanh Dương chỉ lạnh nhạt buông một câu: “Ta còn công chuyện phải xử lý.” Vừa dứt lời, y đã bay vụt lên cao cả trượng.

Xương Ý lặng lẽ nhìn theo bóng Đại ca, ánh mắt vừa nể phục, vừa âm thầm xót xa.

A Hành giật giật tay áo Tứ ca: “Thôi, Đại ca lúc nào mà chẳng thế, mình cứ đi chơi đi. Đại ca đi cùng lại mắng muội lười tu tập rồi quay sang chỉ trích huynh chẳng tạo dựng được thành tích gì trên đất phong, mất hết cả hứng.”

Xương Ý mở miệng như thể định nói gì đó nhưng lại nén xuống.

A Hành cùng Xương Ý lấy cung tên hồi nhỏ quen dùng, đi sâu vào núi săn hươu. Hai người giao hẹn không được dùng linh lực ra soát mà phải tự mình lần theo dấu vết để săn tìm.

Sục sạo suốt mấy canh giờ chẳng thấy tăm tích hươu nai đâu cả, cả hai không lấy thế làm điều, cứ vừa tìm quanh quẩn vừa trò chuyện.

Xương Ý dò hỏi: “Muội thấy Thiếu Hạo thế nào?”

A Hành nhìn quanh, thuận miệng đáp: “Còn thế nào nữa? Chẳng phải cũng có một cái mũi hai con mắt sao? Có điều muội cứ thắc mắc hoài, nếu có bảng xếp hạng anh hùng thiên hạ thì Đại ca đứng hàng thứ mấy nhỉ? Ở trên Ngọc sơn muội mới biết Đại ca cũng từng tham dự tiệc Bàn Đào, thật chẳng giống tính tình huynh ấy gì cả!”

Xương Ý cười nói: “Chuyện này còn có ẩn tình, dạo đó Nhị vương tử Yến Long của Cao Tân nắm được thuật Âm Tập, có thể hủy hoại thiên quân vạn mã trong chốc lát, đừng nói Cao Tân mà khắp đại hoang đều sùng bái trọng nể y, cho tới một lần Đại ca đột nhiên tới dự tiệc Bàn Đào, đánh cho Yến Long thảm bại, từ đó cả đại hoang bắt đầu tôn kính e sợ cái tên Hiên Viên Thanh Dương.”

“Đánh bại là được rồi, sao còn phải đánh cho thảm bại? Yến Long đắc tội với Đại ca ư?”

“Ta không biết nữa, Đại ca có bao giờ tâm sự chuyện của mình đâu. Theo ta đoán, chắc hẳn chuyện có liên quan tới Thiếu Hạo. Có lần ta đi sứ sang Cao Tân, thấy Yến Long đang lên như diều gặp gió, lại được Tuấn Đế sủng ái, dám ngang nhiên sỉ nhục Thiếu Hạo ngay trước mặt bá quan văn võ mà Thiếu Hạo vẫn làm thinh cam chịu, thật chẳng hiểu y nghĩ cái gì nữa. Lúc về Đại ca hỏi han những điều tai nghe mắt thấy ở đó, ta bèn thật thà kể lại chuyện bất hòa giữa Thiếu Hạo và Yến Long, bấy giờ Đại ca chẳng tỏ vẻ gì, nhưng năm sau liền đi dự tiệc Bàn Đào, khiến Yến Long bị một phen bẽ mặt trước cả đại hoang. Giải thưởng năm đó là một cây ngũ huyền cầm làm từ xương phượng hoàng. Đại ca đoạt được bảo cầm liền trao cho sứ giả Cao Tân ngay trước mặt mọi người trong Thần tộc, nhờ chuyển tới Thiếu Hạo, nói rằng mình từng bại dưới tay Thiếu Hạo, đã hứa sẽ tặng y một cây danh cầm.”

A Hành chép miệng, “Vậy chẳng phải tuyên cáo toàn thiên hạ rằng Yến Long không đáng xách dép cho Thiếu Hạo sao?”

Xương Ý phụ họa: “Chứ còn gì nữa!”

A Hành rầu rĩ: “Sao Đại ca thân thiết với Thiếu Hạo thế nhỉ?”

“Lúc Đại ca quen y, phụ vương mới là tộc trưởng một tộc nhỏ trong Thần tộc, Đại ca chỉ là một thiếu niên Thần tộc bình thường, mà Thiếu Hạo cũng chỉ là một gã thợ rèn lành nghề thôi.” Xương Ý thở dài, “Có lẽ tình bạn khi đó mới là tình bạn thuần túy nhất, giống như trong truyền thuyết vậy, một lời đã hứa là phó thác cả sống chết.”

A Hành tiếp lời: “Nghe hay quá, Tứ ca kể tiếp đi.”

“Bọn họ quen nhau mấy trăm năm ta mới ra đời nên chỉ biết đến thế thôi, sau này muội thử hỏi Thiếu Hạo mà xem, hy vọng y cởi mở hơn Đại ca.”

Sực nhớ lời Vân Tang kể, A Hành liền hỏi: “Tứ ca, huynh có quen Nặc Nại không?”

“Ở Cao Tân ta thân với Nặc Nại nhất, y thạo bố trí cơ quan, chế tạo binh khí rất độc đáo, giỏi vẽ tranh sơn thủy viên lâm, thường đem những họa đồ mình tâm đắc ra trao đổi cùng ta. Nghe Đại ca nói y sắp thành thân, ta cũng đã chuẩn bị xong quà mừng thì lại thấy Đại ca bảo hãy khoan đừng tặng vội.”

“Sao thế?”

“Quân đội Cao Tân chia ra năm chi, trong đó bốn chi là Thanh Long bộ, Hy Hòa bộ, Bạch Hổ bộ và Thường Hy bộ, còn lại một chi tập hợp hết tinh anh năm tộc, tên là Ngũ Thần quân, chỉ Tuấn Đế mới có thể điều động. Mẫu thân Thiếu Hạo xuất thân từ Thanh Long bộ nên đó cũng xem như là phe cánh của y. Tuấn Hậu hiện thời là người Thường Hy bộ, bởi thế bọn Yến Long, Trung Dung, mấy huynh đệ chung một mẹ nắm giữ hai bộ Thường Hy, Bạch Hổ, Hy Hòa bộ giữ thế trung lập nên cả Thiếu Hạo và Yến Long đều đang ra sức tranh giành, mà Nặc Nại lại là đại tướng quân của bộ này. Nghe Đại ca nói, vợ sắp cưới của y thuộc Thường Hy bộ, hình như còn có họ hàng với Yến Long, điều này rất bất lợi cho Thiếu Hạo, bởi vậy cuộc hôn nhân này có thành được hay không kể cũng khó nói…” Xương Ý sực nhận ra mình đã nhiều lời bèn cười cười vỗ đầu em gái, “Nghe lằng nhằng quá nhỉ? Thôi, không nói mấy chuyện chán ngắt đó nữa.”

Hóa ra là vậy, hèn chi Vân Tang nói chuyện nội bộ vương tộc rất phức tạp. A Hành chỉ thấy lòng nặng trĩu, trên tiệc Bàn Đào, Đại ca ra tay đánh bại Yến Long, thoạt nhìn có vẻ nghĩa khí, giành lại công bằng cho Thiếu Hạo, nhưng Hiên Viên thông gia cùng Thiếu Hạo, chung hưởng vinh nhục, biết đâu thứ mà Thanh Dương bảo vệ chính là lợi ích bản thân?

Thấy A Hành trầm ngâm hồi lâu, Xương Ý cười xoa dịu: “Mấy chuyện vớ vẩn đó muội nghe cho vui thôi, nghĩ nhiều mà làm gì.”

A Hành cũng cười theo, hỏi lảng sang chuyện khác: “Tứ ca, huynh đã để ý cô nào chưa?”

Xương Ý làm thinh không đáp nhưng mặt bỗng đỏ bừng lên rất đáng nghi.

Nhìn bộ dạng y, A Hành liền vỗ tay cười khanh khách khiến chim chóc trong rừng hoảng hốt bay lên rào rào.

“Người ta trông thế nào? Huynh đã thổ lộ với người ta chưa? Người ta có thích huynh không?”

Xương Ý nghiêm mặt mắng: “Con gái con đứa đừng có suốt ngày leo lẻo cái miệng nói thích với không thích.”

A Hành cười ngặt nghẽo, nhảy chân sáo mấy bước rồi khum tay làm loa, hô vang với cả núi rừng: “Ca ca ta có người trong mộng rồi!” Dứt lời nàng vội chạy vụt đi.

Tiếng vọng trong sơn cốc cứ vẳng đi vẳng lại, có người trong mộng rồi, có người trong mộng rồi…

A Hành vừa cười khoái chí vừa nhăn mặt hề trêu Xương Ý, huynh không cho nói thì muội cứ nói đấy, huynh làm gì được nào?

Xương Ý không nỡ mắng, càng chẳng nỡ đánh em gái, đành nghiêm mặt đi thẳng.

A Hành chắp tay sau lưng, nghiêng đầu ngoẹo cổ cười hì hì bám theo sau Xương Ý, thấy y đã nguôi giận mới sán lại kéo tay áo nũng nịu: “Người ta trông thế nào? Liệu người ta có thích muội không?”

Xương Ý cười hiền, “Nhất định nàng sẽ thích muội. Nàng thường hỏi han sở thích của muội và Đại ca, cứ lo lắng chẳng biết hai người có ưa nàng không?”

A Hành níu lấy tay Xương Ý cười: “Miễn là huynh thích người ta thì muội cũng thích, muội sẽ kính yêu người ta như tỷ tỷ vậy.”

Xương Ý không đáp, chỉ giơ tay xoa đầu em gái, vò cho tóc nàng rối tung rồi chẳng đợi A Hành kịp phản ứng, y cười phá lên, chuồn thẳng.

A Hành chỉ biết tức tối vừa réo gọi vừa đuổi theo y.

Lang thang trong núi suốt một ngày trời chẳng bắt được con hươu nào, A Hành cùng Xương Ý vẫn hớn hở quay về, cười cười nói nói, người này xô kẻ kia đẩy, ầm ĩ cả lên.

Luy Tổ đang dùng trà cùng Thanh Dương trong Triêu Vân điện, chợt tiếng cười nói xôn xao của hai người từ xa đưa lại, phá vỡ cả bầu không khí yên lặng.

Thấy Thanh Dương ngẩng lên nhìn mình, A Hành liền làm mặt hề với y rồi sán lại ngồi bên Luy Tổ, nũng nịu gọi “mẹ”, như thể ngầm ra vẻ: muội có mẹ bênh vực, không thèm sợ huynh!

Nàng vừa cười vừa mách: “Mẹ, nghe con kể bí mật này nè.”

Xương Ý lập tức đỏ mặt tía tai, “A Hành, không được nói!”

A Hành lờ tịt đi, “Mẹ, Tứ ca có…”

Xương Ý cuống quýt nhào tới toan bịt miệng nàng lại, A Hành vừa chạy vòng vòng quanh mẹ và Đại ca vừa cười khanh khách, mấy lần mở miệng đều bị Xương Ý đuổi đánh, linh lực nàng không bì được với y, rượt đuổi một hồi mệt lả cả người liền giở trò rúc ngay vào lòng mẹ trốn: “Mẹ, mẹ giúp con với, Tứ ca ỷ lớn ăn hiếp con.”

Luy Tổ vốn lạnh lùng nghiêm khắc cũng phải bật cười ôm con gái vào lòng mắng yêu: “Hai đứa bay nghịch như quỷ, vừa đến đã làm loạn cả điện Triêu Vân lên rồi.”

A Hành rúc vào lòng mẹ cười khúc khích, hai tay ôm lấy cổ bà, thì thầm nói nhỏ vào tai, vừa nói vừa lườm Xương Ý, mẹ nàng cũng nghiêng đầu vừa nghe vừa tủm tỉm cười.

Thấy mẹ lộ vẻ tươi cười, Xương Ý quên khuấy cả bắt A Hành, lúc này đây ánh mắt Luy Tổ chỉ chan hòa những vui mừng, chẳng bợn một tia u ám. Bất giác y ngoảnh sang nhìn Đại ca, thấy Thanh Dương cũng đang chăm chú nhìn mẹ và em gái, mặt thấp thoáng nét cười.

Xương Ý cốc cho A Hành một cái đau điếng: “Đồ hớt lẻo nhà muội, về sau đừng hòng ta kể cho nghe chuyện gì nữa nhé.”

A Hành lè lưỡi với Xương Ý, chẳng chút sợ hãi, trong khi Luy Tổ tươi cười nhìn con trai, “Con lựa lúc nào thích hợp dắt cô ấy đến gặp ta.” Nghĩ ngợi một lát, bà lại nói, “Như vậy không ổn, chúng ta là đằng trai, có lẽ nên tới thăm trước để tỏ ý tôn trọng nhà gái thì hơn, con xem chừng nào thích hợp để ta đích thân đi Nhược Thủy một chuyến, tới thăm cha mẹ cô ấy. Con trở về nhớ lưu tâm xem cha mẹ cô ấy thích ăn gì rồi viết thư cho ta biết để chuẩn bị cho tốt.”

Nhược Thủy là đất phong của Xương Ý, non xanh nước biếc, người dân thuần phác, người trong mộng của Xương Ý cũng là một cô gái Nhược Thủy tộc.

Xương Ý nghe nói liền đỏ mặt tía tai cúi đầu thấp khẽ đáp: “Bây giờ con và cô ấy mới chỉ là bạn bè bình thường thôi.”

Luy Tổ lắc đầu cười: “Con là đàn ông con trai, lẽ nào còn đợi cô nương nhà người ta thổ lộ trước ư? Đã có lòng với cô ấy thì mọi chuyện phải nghĩ cho cô ấy nhiều hơn nữa, đừng để lỡ làng tình cảm của người ta.”

“Dạ, con hiểu rồi.”

A Hành rúc trong lòng mẹ cười toe toét: “May mà mẹ nhắc nhở, bằng không cứ cái tính lề dề của Tứ ca, không làm cô nương nhà người ta sốt ruột đến chết thì cũng khiến tẩu tẩu tương lai của con phải đêm đêm thao thức dứt cánh hoa bói xem rốt cuộc Tứ ca có ý tứ gì với mình hay không!” Nói rồi A Hành vẫy tay, một đóa hoa trong bình bay tới, nàng bắt đầu làm bộ dứt cánh hoa bói, “Có tình ý, không có tình ý, có tình ý, không có tình ý…”

Xương Ý tức tối lại định cốc nàng, “Mẹ cũng phải bảo ban A Hành để nó biết tôn kính các ca ca chứ.”

Luy Tổ ôm con gái trong tay, nhìn Xương Ý rồi lại nhìn sang Thanh Dương, lòng mãn nguyện khôn xiết, bèn tươi cười quay sang bảo thị nữ: “Đem rượu cùng dâu lạnh mới hái ban ngày tới đây. Xương Ý và A Hành thích ăn thứ đó, nhớ mang nhiều vào, còn nữa, trong vò có bánh băng trà, đừng đem tới một lượt, cứ ăn hết rồi lại lấy thêm, Thanh Dương thích ăn đồ mới lấy ra kia.”

Đám thị nữ mau mắn dạ ran rồi thoăn thoắt đi lấy, chỉ trong chốc lát đã bưng tới.

A Hành ngồi tựa vào lòng mẹ tươi cười nhìn các anh, đoạn bốc một vốc dâu lạnh đưa lên miệng, thấy vị ngọt mát thấm vào tận ruột gan, nàng tủm tỉm cười thầm nghĩ, mình nhầm to rồi, điện Triêu Vân đâu có như trên Ngọc sơn!

Bốn mẹ con vừa uống rượu vừa nói chuyện nhà đến tận hết giờ Tý.

Thanh Dương sai Xương Ý đưa Luy Tổ về phòng còn mình phụ trách A Hành. Về tới cửa, A Hành cười tiễn khách: “Muội đi nghỉ đây, Đại ca cũng nghỉ ngơi đi.”

Nào ngờ Thanh Dương theo chân nàng vào phòng rồi xoay tay đóng cửa lại, như thể có chuyện cần nói.

A Hành than thầm trong bụng nhưng không dám lộ ra ngoài mặt, đành xốc lại tinh thần chuẩn bị nghe giáo huấn.

Thanh Dương thản nhiên hỏi: “Từ Ngọc sơn về, theo lý thì hôm qua đã đến rồi, sao sáng nay muội mới về tới?”

“Thiếu Hạo bị thương nên bọn muội về chậm mấy canh giờ.”

Đối diện ánh mắt lạnh lùng sắc sảo của Đại ca, A Hành biết mình không dối gạt nổi, đành nói tiếp: “Sau đó bọn muội cũng chưa lên đường ngay, còn chuyện phiếm một hồi nữa.”

“Một hồi ư?”

“Một đêm ạ.”

Thanh Dương chợt bước tới bên song, nhìn ra rừng dâu ngoài cửa sổ, “Muội thấy Thiếu Hạo thế nào?”

Hồi sáng Tứ ca cũng đã hỏi qua nàng chuyện này, nhưng giờ nàng không thể trả lời Đại ca qua quýt như với Tứ ca được, đành trầm ngâm nghĩ cách đáp lại, tiếc rằng càng nghĩ càng bối rối.

Thanh Dương đợi mãi không thấy em gái trả lời, có điều, như vậy cũng là một đáp án. Y khẽ cười, “Thiếu Hạo rất tốt, chỉ cần y muốn thì chẳng cô gái nào trên đời nỡ từ chối y đâu.” Mặt A Hành dần đỏ ửng lên, đột nhiên Thanh Dương quay lại nhìn nàng, nói tiếp, “Nhưng muội sẽ là người duy nhất trên đời phải từ chối y, muội không thể thích y được.”

A Hành quá đỗi ngạc nhiên, buột miệng hỏi: “Sao lại thế? Chẳng phải hai người là bạn thân ư?”

“Thanh Dương và Thiếu Hạo là bạn thân nhưng Hiên Viên Thanh Dương và Cao Tân Thiếu Hạo thì chưa chắc. Hẳn muội cũng biết phụ vương luôn ôm mộng thống nhất Trung nguyên, thậm chí là thống nhất cả thiên hạ, nói không chừng một ngày nào đó ta và Thiếu Hạo sẽ gặp nhau trên chiến trường, đôi bên đều phải dốc hết tinh lực dồn đối phương vào tử địa.” Thanh Dương vừa nói vừa mỉm cười hờ hững, tựa hồ đang kể một mẩu chuyện vu vơ kiểu “Ôi, e rằng mai thời tiết xấu” vậy.

Sắc hồng trên mặt A Hành tan dần, chuyển thành tái nhợt, “Nhưng muội vẫn phải lấy y, bởi vì muội là Hiên Viên Bạt, còn y là Cao Tân Thiếu Hạo.”

“Đúng, muội vẫn phải lấy y, thế nên điều duy nhất muội có thể làm là đừng động lòng trước y.” Thanh Dương hừ mũi, ánh mắt chợt lạnh buốt, “Ta ngỡ rằng Thiếu Hạo sẽ nể mặt ta mà hạ thủ lưu tình, nào ngờ y lại hao phí tâm tư cả một đêm vì muội.”

A Hành cúi đầu khẽ thanh minh: “Không liên quan tới y, là muội muốn hiểu y hơn nên chủ động làm thân thôi, biết y mê rượu, muội mới dốc sức mượn rượu để khơi gợi hứng thú trò chuyện của y.”

Thanh Dương bước đến gần nâng cằm em gái lên, nhìn sâu vào mắt nàng, nghiêm trang nói: “Muội ngàn vạn lần đừng làm chuyện dại dột như vậy nữa! Y là Cao Tân Thiếu Hạo, là Thiếu Hạo mà ngay cả ta còn phải kiêng dè! Chẳng phải lúc nào y cũng nể giao tình giữa ta và y mà nhân từ nhắc nhở bản thân không biến muội thành con cờ trong tay y đâu…”

A Hành bắt đầu rơm rớm nước mắt nhưng vẫn quật cường cắn môi nén khóc.

Thanh Dương nói tiếp: “Trong lòng ta và Thiếu Hạo đều có quá nhiều thứ, ví như nước nhà, thiên hạ, trách nhiệm, quyền lực… chẳng biết phải xếp phụ nữ vào đâu nữa. Thế nên, vì chính bản thân mình, muội cứ coi y như người dưng là tốt nhất.”

A Hành lạnh lùng giễu cợt: “Đúng là phải cảm tạ Đại ca đã nghĩ chu toàn cho muội đến vậy. Chẳng hay rốt cuộc huynh lo Thiếu Hạo biến muội thành quân cờ hay lo rằng muội không thể làm quân cờ cho huynh và phụ vương?”

Thanh Dương trầm ngâm hồi lâu mới đáp: “Dù muội có chấp nhận hay không thì đây cũng là sự thật, ai bảo muội mang họ Hiên Viên chứ?” Nói rồi y xô cửa đi thẳng.

A Hành uể oải tựa vào thành giường, lòng ngập những bi thương. Mẹ và Tứ ca luôn giữ nàng tránh xa mọi đấu tranh đen tối, chỉ mong sao nàng mãi mãi là một Tây Lăng Hành tự do tự tại, nhưng Đại ca lại không ngừng nhắc nhở từng giây từng phút rằng nàng họ Hiên Viên, tên Bạt, là vương cơ của Hiên Viên.

A Hành mệt nhoài dựa vào giường rồi mơ mơ màng màng thiếp đi, chẳng buồn cởi bỏ y phục, mãi đến khi những tiếng động bên ngoài khiến nàng bừng tỉnh, vội mở cửa hỏi thị nữ: “Sao ồn ào thế?”

“Bẩm vương cơ, nửa đêm có trộm lẻn vào điện Triêu Vân.” Thị nữ đáp mà vẻ mặt vẫn ngỡ ngàng như đang mê ngủ, tựa hồ còn chưa dám tin.

A Hành cũng vô cùng kinh ngạc, “Tên trộm này xui thật, ngày nào không tới, lại tới đúng hôm nay để dâng đầu dưới kiếm Đại ca, đúng là tự tìm đường chết mà!”

Thị nữ gật đầu, vẻ mặt đầy ngạc nhiên, “Phải ạ, đi ăn trộm cũng chẳng nên thân, sao hắn lại chọn đúng ngày thế chứ? Quả là gan to bằng trời!”

Gan to bằng trời ư? A Hành bỗng giật thót mình, vội hỏi, “Trông tên trộm đó thế nào?”

“Tâu vương cơ, hắn đeo mặt nạ gỗ nên không trông rõ dung mạo.”

“Hắn đang ở đâu?”

“Ở Tả Sương điện, chỗ Đại điện hạ và Tứ điện hạ.”

Thấy A Hành tức tốc chạy ngay tới đó, thị nữ cuống quýt gọi với theo, “Xin vương cơ chậm lại một chút, điện hạ đã dặn bọn nô tỳ phải bảo vệ vương cơ.”

A Hành chạy thẳng một mạch tới Tả Sương điện, túm lấy một tên thị vệ hỏi thăm: “Kẻ trộm đâu rồi?”

Tên thị vệ vội đáp: “Tên trộm đó xông vào phòng của Tứ điện hạ, bắt giữ Tứ điện hạ.”

A Hành giận dữ mắng, “Đúng là khốn kiếp!”

Nghe nàng mắng mỏ, gã thị vệ liền quỳ xuống hốt hoảng van xin: “Thuộc hạ biết tội.”

Thấy vậy, A Hành mệt mỏi xua tay: “Không phải ta nói ngươi đâu.”

A Hành xông thẳng vào, thấy chỉ có mình Thanh Dương đứng khoanh tay giữa Tả Sương điện, vẻ mặt bình thản, nghe tiếng chân nàng, y liền nạt: “Ai cho muội vào? Ra ngay!”

A Hành liếc về phía phòng Tứ ca, thấy cửa đóng im ỉm, nàng toan dùng linh thức dò xét xem sao, có điều linh lực của nàng quá yếu, không vượt qua nổi cấm chế.

Thanh Dương đứng ngay trước cửa, chậm rãi rút trường kiếm, “Ta đếm đến ba, nếu ngươi tự mình bước ra, ta sẽ để ngươi chết toàn thây.”

Trong phòng liền vọng ra tiếng cười biếng nhác, “Ta đếm đến ba, nếu ngươi dám xông vào thì là đồ ba ba, nếu ngươi không dám xông vào thì là đồ rùa đen.”

Trên đời còn ai dám nói cái giọng đó với Hiên Viên Thanh Dương nữa? Tuy Xi Vưu đã thay đổi giọng nói nhưng khẩu khí này trừ hắn ra chẳng còn kẻ thứ hai nào cả. A Hành cắn môi nhìn Đại ca, thấy Thanh Dương vẫn bình thản, mặt không đổi sắc, hắn nhẹ nhàng vung kiếm lên, chẳng gây ra bất cứ tiếng động nào nhưng căn phòng trước mắt cứ nứt ra từng mảng rồi tan rã hệt như gỗ mục, chỉ trong nháy mắt, trước mặt Thanh Dương đã chẳng còn phòng ốc, chỉ còn trơ lại một mảnh đất trống.

Mặt đất phủ đầy cây cối vâm váp xanh um, lan mãi vào tận rừng dâu. Xương Ý bị treo lủng lẳng trên cành giữa lưng chừng trời, đầu gục xuống, cả người bê bết máu, tử khí tràn ngập xung quanh, chẳng chút sinh cơ.

“Tứ ca…” A Hành tan nát cả cõi lòng, thét lên một tiếng nhào tới.

Kiếm của Thanh Dương cũng run lên, tuy chỉ thoáng run rẩy nhưng Xi Vưu nấp sau đám cây đã chớp ngay được thời cơ ngàn năm có một đó, hắn dốc toàn lực nhảy bật lên, tay nắm chặt thanh đao đẫm máu, cười ha hả nói, “Thanh đao này đã giết chết đệ đệ ngươi đấy.”

Thanh Dương nổi giận vung kiếm, chỉ trong nháy mắt, cả đất trời phủ rợp kiếm quang loang loáng. Sau mười mấy chiêu, kiếm của Thanh Dương đã đâm vào ngực Xi Vưu, sát khí chạy thẳng vào tim, đúng lúc Xi Vưu sắp mất mạng, Thanh Dương chợt ngừng tay lại, truyền mấy tia linh lực vào tim Xi Vưu, khiến cả người hắn run bắn lên vì đau đớn.

Sắc mặt Xi Vưu tái nhợt nhưng chẳng hề tỏ vẻ sợ hãi, trái lại hắn còn gật đầu cười, “Thật không hổ là Hiên Viên Thanh Dương! Ta đã bố trí hết mê chướng này đến mê chướng khác nhằm chọc giận ngươi, chỉ mong ngươi nổi giận để lộ sơ hở, nào ngờ hết thảy đều vô ích, ngược lại còn mắc mưu ngươi, vừa nãy ngươi run tay là để gạt ta, để ta ngỡ rằng mình có cơ hội mà tự chui đầu vào miệng cọp chứ gì!”

Thanh Dương mỉm cười lạnh nhạt thốt: “Sao lại vô ích? Ta không giết ngươi đâu, để ngươi sống mà ăn năn.”

Xi Vưu nhếch miệng cười, mặt nạ gỗ chỉ che được nửa trên mặt, vừa cười đã lộ ra hàm răng trắng bóng, hắn nhơn nhơn nói, như thể kẻ ngực bị kiếm đâm, tim bị kiếm khí bóp nghẹt kia chẳng liên quan gì tới mình, “Vậy chắc ngươi đã phạm phải sai lầm lớn rồi.”

Đột nhiên hắn vung đao lên dụng lực chém một đao, ngọn đao mang theo lực đạo sấm sét, lấp loáng như sao băng chém xuống, nhưng mục tiêu chẳng phải Thanh Dương mà lại là chính bản thân hắn.

Thanh Dương thoáng sững người, tới chừng y kịp định thần lại thì đã muộn, lưỡi đao đã chém vào ngực Xi Vưu, chặt gãy thanh kiếm của y, đổi lại Xi Vưu cũng phải trả giá đắt, từ một vết kiếm thương trên ngực giờ lại thành một vành trăng non kéo dài từ ngực xuống bụng, máu phun như suối.

Trong tiếng cười khanh khách, Xi Vưu tung mình nhảy vào rừng dâu, nhanh chóng khuất sau ngàn dâu xanh ngắt.

Thanh Dương cầm thanh kiếm gãy đuổi theo, nhưng trong rừng cây lá dập dờn, khuất trời rợp đất, chẳng nhìn thấy gì cả, y đành dừng bước cao giọng nói, “Nể tình ngươi gan dạ như vậy, ta sẽ chôn cất ngươi tử tế.”

Chẳng nghe tiếng đáp, chỉ có lá dâu rợp trời xào xạc.

Thanh Dương giơ thanh kiếm gãy lên soi dưới ánh trăng vằng vặc, thanh kiếm này đã theo y cả ngàn năm, nào ngờ đêm nay lại bị hủy. Thanh Dương thu kiếm quay lại, trông thấy A Hành đang ngồi bệt dưới đất, ôm trong tay tấm thân bất động bê bết máu của Xương Ý.

A Hành kinh hoàng trân trân nhìn về phía trước, tròng mắt đờ dại.

Thanh Dương vội bước lại ngồi xuống bên cạnh, vỗ về nàng, “Không sao cả, muội đừng sợ, Xương Ý không bị thương thật đâu, đó chỉ là mê chướng mà tên trộm tạo ra để chọc giận ta thôi.” Thanh Dương chỉ phẩy tay qua người Xương Ý, lập tức máu me trên mình y đều biến mất.

Bấy giờ máu huyết trong người A Hành dường như mới lưu thông trở lại, nàng buột miệng “A, a…” mấy tiếng, cả người run bần bật, không cất nổi thành lời, nước mắt lã chã, thình lình nàng vung tay đấm Thanh Dương một quyền.

Thanh Dương không hề tránh né, vừa nãy y biết rõ Xương Ý còn sống nhưng vẫn để mặc A Hành đau đớn chết cả cõi lòng, chẳng khác nào gián tiếp lợi dụng nàng dẫn dụ kẻ địch.

Xương Ý mơ màng mở mắt hỏi, “Sao thế?”

Thanh Dương chạy thẳng vào rừng dâu, nói vọng lại, “Xương Ý, đệ đưa A Hành về Hữu Sương điện nghỉ ngơi. Tên trộm kia bị thương rất nặng, hắn đã liều chết phá cấm chế ở Triêu Vân điệu bỏ chạy rồi, nhưng ta vẫn phải đi kiểm tra một vòng xem sao.” Vừa dứt lời, y đã mất dạng.

Thấy A Hành vẫn khóc lóc thảm thiết, Xương Ý chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, chỉ biết ôm lấy muội muội dỗ dành: “Không sao đâu, đừng khóc, nín đi. Không sao mà, muội ngoan nào…”

A Hành cứ khóc hoài khóc mãi, đột nhiên ngẩng lên hỏi: “Vừa rồi đại ca nói gì thế?”

Xương Ý đáp: “Đại ca bảo phải tra xét một vòng xem sao.”

Nghe vậy A Hành lập tức đứng phắt dậy, vén quần định chạy, Xương Ý vội đuổi theo sau: “Muội định làm gì?”

A Hành khựng lại, cúi đầu nghĩ ngợi rồi lên tiếng: “Chúng ta về nghỉ ngơi đi.”

Xương Ý lẩm bẩm một mình: “Tên trộm này cả gan xông vào tận Triêu Vân điện, vậy mà lại thoát được tay Đại ca, hẳn chẳng phải phường vô danh tiểu tốt, nhưng kẻ nào làm ra chuyện này mới được chứ? Trên Triêu Vân phong đâu có báu vật gì đâu.”

Về tới phòng mình, A Hành rút Trụ Nhan hoa ra, biến thành một cành đào cắm vào bình. Đoạn nàng để nguyên quần áo nằm xuống giường ngủ tiếp.

Chỉ lát sau đã nghe thấy tiếng cửa sổ lạch cạch rồi một bóng người lần tới bên giường. A Hành bật ngay dậy, chủy thủ trên tay kề vào cổ kẻ đột nhập.

Xi Vưu gỡ mặt nạ ra, để lộ gương mặt tái nhợt, nụ cười nhơn nhơn vẫn nguyên vẹn trên môi.

A Hành căm hận vẻ nhơn nhơn này của hắn khôn xiết, bèn ấn chủy thủ vào thêm mấy phân để lưỡi dao đâm vào da thịt hắn, máu ri rỉ ứa ra, “Rốt cuộc ngươi muốn làm gì đây?”

“Ta tới gặp cô mà!”

A Hành đâm sâu thêm một phân, máu tươi nhỏ xuống, “Sao không đàng hoàng cầu kiến mà nửa đêm nửa hôm lại xông vào Triêu Vân điện?”

“Nếu ta trực tiếp cầu kiến Hiên Viên Bạt, liệu Hiên Viên Bạt có chịu gặp ta không? Mẫu hậu của Hiên Viên Bạt chịu cho phép ta lên núi sao? Hơn nữa, người ta muốn gặp là Tây Lăng Hành chứ không phải Hiên Viên Bạt.” Xi Vưu nắm lấy bàn tay cầm chủy thủ của nàng, “Cô muốn làm Tây Lăng Hành hơn phải không?”

A Hành không đáp, chỉ có bàn tay từ từ lỏng ra, thanh chủy thủ rơi xuống chân Xi Vưu, hắn cười cười liếc nàng, “Thế này càng hay, ta chẳng những xông vào Triêu Vân điện mà còn xông cả vào khuê phòng của cô nữa. Vợ yêu, nếu cô chịu để ta ôm cô nằm xuống giường một lát, coi như ta đi không uổng chuyến này.”

A Hành giận đến nỗi chỉ muốn đập chết hắn, nghiến răng nghiến lợi đáp: “Cũng phải xem ngươi còn mạng mà nằm không!”

Đột nhiên bên ngoài vang lên tiếng trò chuyện, là giọng của Xương Ý: “Đại ca, huynh tìm thấy rồi à?”

A Hành hốt hoảng đẩy Xi Vưu vào giường, buông màn xuống rồi trùm chăn che kín người hắn đoạn áp mình vào khe rèm, dỏng tai nghe ngóng, căng thẳng nhìn chằm chằm cánh cửa.

“Chưa thấy. Tên trộm này hình như từng lớn lên giữa núi rừng như dã thú, hoặc đã được huấn luyện đặc biệt như dã thú nên rất giỏi che giấu tung tích, có điều ta luôn cảm thấy hắn chỉ ở quanh đây chứ chưa chạy xa được, đệ mau dẫn thị vệ lục soát kỹ Triêu Vân điện một lần xem. Phải tra xét tất cả phòng ốc.”

Chỉ nghe Xương Ý đáp “dạ”, sau đó tiếng trò chuyện ngưng bặt.

Tim A Hành nhảy thót lên tới cổ họng bấy giờ mới trôi trở xuống, nàng vừa ôm ngực quay lại đã thấy Xi Vưu gối bằng gối của mình, ôm chăn của mình, toe toét cười còn đắc ý hơn cả cáo bắt được gà.

A Hành chỉ muốn cho Xi Vưu một bạt tai để hắn dẹp nụ cười đó đi.

Xi Vưu chớt nhả: “Giường cũng nằm rồi, chỉ thiếu chưa ôm được cô thôi.”

A Hành cười nhạt: “Ngươi đừng mơ!”

“Mơ á?” Xi Vưu cười toe toét, chớp chớp mắt nhìn A Hành khiến nàng sởn cả gai ốc, đang định nghiêm khắc cảnh cáo hắn không được làm bậy thì nghe thấy tiếng chân gấp gáp bên ngoài, rồi tiếng đập cửa ầm ầm của Xương Ý: “A Hành, A Hành…”

A Hành vội lên tiếng: “Sao thế? Muội ở đây!”

Xương Ý hỏi: “Huynh cảm thấy trong phòng muội có một luồng linh khí lạ, muội không sao chứ?”

“Muội có sao đâu.”

Xương Ý đời nào chịu tin, đột ngột đẩy cửa xông vào, A Hành thấy vậy lập tức chui ngay vào chăn, tiện tay ấn luôn đầu Xi Vưu xuống, hắn liền thừa cơ ôm chầm lấy nàng.

A Hành nào dám vùng vẫy, chỉ biết rủa thầm trong bụng, nàng vén màn lên, làm bộ ngái ngủ nhìn Xương Ý: “Tứ ca, rốt cuộc làm sao thế?”

Xương Ý nhắm nghiền mắt, dùng linh thức rà soát kỹ một hồi rồi nghi hoặc lắc đầu, “Không sao, có lẽ cảm giác của ta nhầm.”

A Hành vừa thở phào nhẹ nhõm đã bị Xương Ý nhìn chằm chằm, hỏi: “Mọi khi muội thích góp vui lắm kia mà, sao hôm nay lại ngoan ngoãn hiền hòa thế?”

A Hành cười trừ, cố giữ vẻ thản nhiên đáp, “Muội mệt quá đó mà! Tứ ca, hay là huynh ngồi đây với muội một lát đi?”

Nàng ngỡ rằng Tứ ca nhận lệnh của Đại ca, nhất định sẽ nôn nóng hoàn thành nhiệm vụ, nào ngờ Xương Ý lại ngồi xuống thật, còn vẫy tay ra hiệu cho thị vệ lui ra.

Y cứ lặng lẽ nhìn A Hành, dần dần khiến nàng tắt hẳn nụ cười.

Xương Ý khẽ hỏi: “Muội muốn ta ở lại đây với muội thật sao?”

A Hành cắn môi lắc đầu.

“Muội có hiểu mình đang làm gì không đấy?”

A Hành nghĩ ngợi rồi gật đầu.

Xương Ý thở dài, “Ta lục soát hết Triêu Vân điện sẽ dẫn tất cả thị vệ tập trung lục soát trong rừng dâu.”

Thấy Xương Ý đứng dậy toan cất bước, A Hành vội phân trần, “Tứ ca, muội chỉ là… hắn không có ý xấu, cũng không muốn đả thương huynh đâu…”

Xương Ý ngoảnh lại nhìn nàng, “Ta biết. Dù muội làm gì đi nữa, ta cũng sẽ giúp đỡ muội, ai bảo muội là muội muội của ta chứ?” Dứt lời y liền bước ra ngoài, còn cẩn thận khép cửa phòng lại.

Chỉ đợi có vậy, A Hành lập tức tung chăn nhảy xuống giường, Xi Vưu cười hì hì nhìn nàng, vẻ mặt đầy đắc ý.

Lúc này đây A Hành chẳng hơi đâu mà nổi giận với hắn nữa, nàng chỉ muốn tống khứ tên ôn thần không biết sống chết này đi cho mau.

Nàng vừa gói ghém tay nải vừa dặn: “Chúng ta đợi đám thị vệ vào rừng rồi xuống núi, có Tứ ca yểm trợ, tốt nhất là ngươi đừng sinh sự nữa, may mà vừa nãy là Tứ ca ta, nếu là Đại ca thì ngươi chỉ còn đường chết thôi!”

A Hành gói ghém xong tay nải bèn viết vội một bức thư để lại cho mẹ, thưa rằng mình nhân lúc tối trời đã xuống núi luôn. Nàng cũng không dám chắc sẽ qua mặt được vị Đại ca tinh minh mẫn tiệp của mình, chi bằng chuồn trước để giữ mạng còn hơn.

Thấy mọi sự đã sẵn sàng, nàng quay sang hỏi gã Xi Vưu đang nằm ườn trên giường: “Chúng ta đi thôi, linh lực của ngươi còn đủ chứ? Liệu có che giấu được khí tức của mình không?”

Xi Vưu gật đầu: “Chỉ cần cách Đại ca cô hơn ba trượng và thời gian không quá lâu thì không vấn đề gì.”

A Hành đáp: “Vậy ngươi đành cầu trời phù hộ thôi!”

Tuy cấm chế ngoài Triêu Vân điện rất lợi hại nhưng chẳng có tác dụng gì với A Hành, nàng dẫn Xi Vưu ra khỏi điện êm thấm, hai người men theo đường mòn mà chỉ mình nàng cùng Tứ ca biết để xuống núi.

Đi được nửa đường, đột nhiên một con thú lớn đen trùi trũi ở đâu xông ra, lao thẳng về phía A Hành, nàng giật thót mình, đang định nấp thì nhận ra A Tệ, bèn mừng rỡ ôm lấy nó hôn chùn chụt mấy cái, “A Tệ, mày đến đúng lúc quá, chở chúng ta xuống núi đi.”

A Tệ cọ cọ vào má A Hành, khẽ gừ gừ hớn hở.

Liệt Dương ngạo nghễ đậu trên cành nhìn xuống, thấy A Tệ nũng nịu như trẻ nhỏ, không giấu vẻ khinh miệt.

Liệt Dương bay trước dẫn đường, A Tệ cõng hai người bay xa khỏi Hiên Viên sơn.

Xi Vưu đắc ý bảo A Hành: “A Hành, rốt cuộc cô vẫn xuống núi cùng ta.”

Nàng lạnh lùng đáp: “Nể tình ngươi bị thương nên ta tiễn ngươi một đoạn thôi, sáng sớm mai chúng ta đường ai nấy đi.”

Bỗng nhiên nàng có cảm giác không ổn, thấy linh lực của Xi Vưu đột ngột tiết ra ngoài, nàng vội túm lấy tay hắn: “Ngươi đừng giấu nữa, nói thật cho ta nghe vết thương của ngươi sao rồi? Thua trong tay Hiên Viên Thanh Dương có gì mà mất mặt, cả đám cao thủ Thần tộc trên đại hoang chắc chỉ mình ngươi có thể thoát chết dưới kiếm của Đại ca thôi.”

Xi Vưu đăm đăm nhìn nàng khẽ nói, như thầm thì, như than thở: “A Hành, ta không để cô lấy Thiếu Hạo đâu!” Nói rồi hắn nhoẻn miệng cười mãn nguyện, hệt như đứa trẻ giành được cây kẹo mình ao ước bấy lâu chẳng màng gì đến hậu quả sẽ bị sâu răng, cứ thế mà ngất đi trong lòng A Hành, nụ cười vẫn còn đọng trên môi.

Lúc hôn mê, trông Xi Vưu chẳng còn vẻ ngông nghênh tùy tiện hôm qua nữa, thay vào đó là nụ cười thực sự mãn nguyện, nụ cười ấy hầu như rất hiếm thấy ở những nam tử thành niên, bởi con người ta càng trưởng thành thì càng nhiều ham muốn, chỉ có những đứa trẻ thuần khiết thẳng thắn mới dễ dàng thỏa mãn mà thôi.

Trời khuya tối đen như mực, chỉ có vầng trăng tròn vành vạnh dịu dàng lơ lửng giữa tầng không, cả đất trời nhuốm đầy vẻ mỹ lệ mà tĩnh lặng, đôi cánh rộng của A Tệ dập dờn lặng lẽ, tư thế bay vô cùng ưu nhã, hệt như một con hồ ly lớn đang vờn múa dưới ánh trăng. A Tệ chở theo Xi Vưu và A Hành băng qua mây mù, vượt trên sao sáng bay về phía cuối trời, trong khi đó, A Hành vẫn đang hoang mang bối rối, chẳng biết bọn họ nên đi đâu về đâu.
Bình Luận (0)
Comment