Tướng Quân Ở Trên, Ta Ở Dưới

Chương 37

Hạ Ngọc Cẩn thấy cả thế giới này đều thật kỳ lạ.

Hôm qua cậu ta kiếm một con dao đến tìm vợ để bày tỏ thành ý, thế mà hôm nay lại bị nói là giết người, bị con chồn lông vàng bắt đi hỏi tội, cái mớ lung tung hỗn độn này rốt cuộc là chuyện gì chứ?

An Thái Phi kiên quyết cho rằng là tài mệnh của con dâu khắc với con trai mình.

Dương Thị lại thấy đây là ông trời giao trách nhiệm nặng nề cho người quân tử.

My Nương nói năm nay không tốt.

Huyên Nhi khẳng định rất chắc chắn là Quận Vương gia gần đây khi bái Phật, tâm không thành, Bồ tát không bảo vệ cho.

Diệp Chiêu nói rất bình tĩnh: “Nhìn thoáng ra thì đúng là số anh luôn luôn đen đủi”.

Hạ Ngọc Cẩn hoàn toàn sụp đổ: “Trời ạ! Cô định dùng cách khiến tôi tức chết để mưu sát chồng mình sao?”.

Hoàng thượng nhận thấy sứ đoàn Đông Hạ vẫn còn ở đây, nếu để lộ ra tin con cháu hoàng thất giết người thì đó là việc hoàn toàn không hay ho gì. Ngài không muốn làm rùm beng mọi chuyện lên để cho ai ai cũng biết, liền triệu tập Kinh Triệu Doãn và những người có liên quan đến vụ án và vợ chồng Hạ Ngọc Cẩn lên thư phòng thẩm vấn, nhất định việc lớn phải hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không có.

Hạ Ngọc Cẩn đành phải tường thuật lại sự việc xảy ra đêm đó, đồng thời giải thích cậu ta thực sự đã chửi rủa Lý đại sư, còn uy hiếp đe dọa ông ta, cướp đồ rồi chạy đi, làm ông ta rất tức giận, nhưng tuyệt đối không giết hại ông ta.

Hoàng thượng nghe thế cứ chau mày mãi, liên mồm mắng cậu ta hoang đường, sau đó hướng về Kinh Triệu Doãn đợi thẩm vấn.

Kinh Triệu Doãn quan sát nét mặt của Hoàng thượng, hiểu thấu được ý của bề trên, biết mình nếu nói hung thủ của vụ án này không phải là Hạ Ngọc Cẩn, nhất định sẽ bị Hoàng thượng bắt ép phá án. Phá không được thì cái mũ ô sa trên đầu của ông cũng không chắc đã giữ được, không bằng lấy người đáng nghi nhất hiện có, nhanh chóng kết thúc vụ án cho xong. Hơn nữa lần trước vụ thuốc giả, ông ta bị viên quan Tuần thành ngự sử bé tí này bắt xử lý công bằng, về nhà bị người thiếp sủng ái làm loạn lên giày vò suốt cả nữa tháng trời, nên trong lòng vốn đã tức giận sẵn, bây giờ thấy Hạ Ngọc Cẩn bị đen đủi, trong lòng khó tránh được sự hả hê ngấm ngầm.

Ông ta suy nghĩ hồi lâu rồi nói cẩn thận từng câu từng chữ: “Nguyên nhân cái chết của Lý đại sư là một nhát dao chí mạng, hung khí là một con dao găm ngắn, vứt ở bên cạnh, trên người không có dấu vết vật lộn. Bộ đầu đã hỏi những người hàng xóm bên cạnh, tuy nói Nam Bình Quận Vương tới, có nảy sinh tranh cãi với người bị hại, nhưng lại không có chứng cứ Nam Bình Quận Vương trực tiếp giết người bị hại. Theo vi thần bạo dạn dự đoán, e rằng Lý đại sư vì tranh chấp vặt vãnh mà căm hận Quận Vương, nhất thời nghĩ không thông, vì thế tự sát ạ”.

Thượng thư Bộ hình cũng trợ giúp phá án có mối quan hệ rất tốt với Kỳ Vương, cũng hùa vào nói theo: “Cái đồ thảo dân đó sao lại nghĩ không thông thế chứ? Liên lụy đến cả danh tiếng của Quận Vương.”

Theo lệnh của Phụng Thái hậu, công chúa Trường Bình đến giúp nói đỡ cho em họ bĩu bĩu môi, cười nói: “Cho dù giết thì cũng sao chứ? Cũng chỉ là một tên dân đen, cùng lắm là thắp thêm mấy nén hương chôn thêm vài lượng bac, chắc là người nhà ông ta cũng không dám nói gì nhiều đâu”.

Lưu Ma Ma do Thái hậu phái tới sau khi nghe xong kết luận, đặt tay lên ngực nói: “A di đà phật, người này lòng dạ hẹp hòi, chết rồi còn muốn hại người, thực sự rất đáng hận”.

Bọn họ người này một câu người kia một câu, còn dẫn ra rất nhiều rắc rối trước đây của Hạ Ngọc Cẩn, ngoài việc không nói đến mạng người, còn những việc khác đều được nêu ra, cái gì cũng có.

Ồn ào đến nỗi cuối cùng ngay cả Hoàng thượng cũng hơi tin lần này Hạ Ngọc Cẩn làm quá đáng quá, lại gặp phải một người nhỏ nhen, nên gây ra vụ ôm hận mà tự sát này.

Vì thế, nét mặt ngài u ám hỏi: “Các ngươi xem, việc này nên giải quyết thế nào?”.

Công chúa Trường Bình xum xoe nói: “Giống như lần trước phụ hoàng dạy bảo nhi thần, phạt tiền cậu ta, rồi cấm túc ba tháng”.

Kinh Triệu Doãn nói: “Đưa ít tiền cho người nhà của người đã mất và hàng xóm, nhanh chóng bịt miệng mọi người lại”.

Thượng thư Bộ Hình nói: “Quận Vương chỉ là vô tình hành xử, về nhà trách móc vài câu là được rồi, đừng làm tổn hại đến tâm tư của Thái Hậu”.

Tuy nói thiên tử phạm pháp, chịu tội như thứ dân, nhưng từ xưa tới nay ngoài quý tộc vương thân bị Hoàng thượng nghi ngờ, cố tình tìm cớ để bắt đi vào con đường chết ra, cơ bản là không có điều lệ vì giết thường dân mà đền mạng. Ngay cả trong tiểu thuyết, người viết có miêu tả một ông quan thanh liêm có tiếng trong sạch, cũng chỉ có thể để ông ta giết phò mã và con cháu hầu gia ngoại thích thôi, làm sao dám chém đầu Hoàng tử công chúa?

Bất luận là Hạ Ngọc Cẩn giết người, bức tử người khác hay thực sự giết người thì nhiều nhất là về nhà bắt lại dạy dỗ một trận, phạt tiền, cấm ra ngoài thôi. Chỉ cần cậu ấy nhận tội, vụ án này có thể lập tức đóng lại. Phải dặn dò tất cả mọi người, người nhà của người bị hại thì nhận được khoản bồi thường hậu hĩnh. Ngoài việc thương hại con người không may bị chết kia một chút, thì còn lại đều là việc có lợi cho anh, có lợi cho tôi, có lợi cho mọi người.

Hoàng thượng cân nhắc lợi và hại xong, cũng định giả vờ không biết, thuận gió đẩy thuyền đi để sự việc đơn giản hóa, bèn nói: “Ngọc Cẩn, người thật là quá đáng quá rồi”. Sau đó ngài lại trợn mắt nhìn Diệp Chiêu: “Làm vợ mà cũng không biết quản lý chồng! Còn để chồng mình làm loạn ở bên ngoài, thật không ra thể thống gì cả!”.

Diệp Chiêu hơi cau mày, hình như không vui lắm: “Việc này thế này là xong ạ?”.

Hoàng thượng hỏi: “Ngươi muốn ta đánh hắn ta sao? Để hắn ta cút về lấy tiền đi an ủi người nhà của nạn nhân. Để cho mọi người đều hài lòng, nửa năm tới hắn phải ở trong nhà, không được ra ngoài, chăm chỉ học hành sách thánh hiền, hiểu một chút đạo lý làm người! Đợi sau nửa năm nữa, việc này tự khắc sẽ phai dần thôi”.

Mọi người đều nói: “Hoàng thượng phá án thánh minh, khiến lòng người tâm phục khẩu phục”.

Hạ Ngọc Cẩn cứ mãi im lặng bỗng nhiên mở mồm nói: “Không! Tôi không phục!”.

Hoàng thượng tức đến nỗi líu cả lưỡi lại hỏi: “Đồ khốn nạn ngươi còn muốn thế nào nữa?!”.

“Người nhà?” Hạ Ngọc Cẩn cười: “Lý đại sư là đứa con mồ côi không bố không mẹ, đến lai lịch quê quán của bản thân còn không rõ, ông ta sống nhờ vào tài nghệ, không vợ không con, làm gì có người nhà? Các người chẳng lẽ đến điều này mà cũng không biết sao?”.

Kinh Triệu Doãn kinh ngạc nói: “Ông ta từ Hà Tây chuyển đến kinh thành, trên giấy khai sinh quan phủ đưa tới có viết…”.

Hạ Ngọc Cẩn lắc đầu: “Cái tờ giấy khai sinh của quan phủ đó là giả! Ông ta khi mười mấy tuổi sống ở Lạc Đông, sống bằng nghề chế tác đồ giả lừa người, đã từng đắc tội với nhân vật có vai vế, sợ bị người ta truy đuổi, bèn làm giả tờ giấy khai sinh cho quan phủ Lạc Đông, thay họ đổi tên, chuyển về Thượng Kinh”.

Kinh Triệu Doãn vô cùng tức giận nói: “Lừa trên phạm pháp, tên này đáng chết!”.

Hạ Ngọc Cẩn lạnh lùng nhìn ông ta: “Làm giả văn kiện quan phủ, theo pháp luật thì đúng là nên xử tội chết. Nhưng ông ta nên chết ở cổng chợ, chứ không phải bị người ta giết chết ở trong nhà! Điều này theo thông lệ vẫn phải khởi tố bình thường”.

Hoàng thượng bình tĩnh lại, vuốt vuốt râu hỏi: “Ngươi cho rằng ông ta bị giết? Vậy là ai giết chứ?”.

Hạ Ngọc Cẩn lắc đầu: “Thần chỉ biết ông ta không thể tự sát được”.

Thượng thư Bộ Hình hỏi: “Dựa vào đâu mà Quận Vương gia phán đoán được như vậy?”.

Hạ Ngọc Cẩn nói: “Lý đại sư không phải là bọn vô lại làm giả thông thường, ông ta là một đại sư làm giả thực thụ. Năm đó ông ta dùng quả cầu sư tử bái ngọc lung linh lừa ta tám nghìn lượng bac, ta không hề buồn bã, dù sao cũng được thưởng thức ông ta là một nhân tài. Thỉnh thoảng có uống rượu cùng nhau, coi như là bạn. Hơn nữa người như ông ta không ham tiền tài, sinh hoạt đạm bạc, chỉ hứng thú với kỷ nghệ làm giả. Giá trị chiếc dao của Diệp Chiêu không quá năm nghìn lượng. Nguyên nhân khiến ta và ông ta tranh nhau là vì người mà biết bẻ chiếc dao ra để phân biệt thật giả không phải là Diệp Chiêu, không phù hợp với nguyên tắc trả lại đồ của ông ấy. Cãi nhau lúc lâu, ta và ông ta cá cược, nói bức họa của Lý Bách Niên là khó làm giả nhất, tôi đem bức họa “Thu du đồ” ở nhà đưa cho ông ta làm giả. Nếu sau khi ông ta làm xong, đặt hai bức họa thật giả đặt cạnh nhau, ta đoán đúng thì việc con dao coi như xong, còn nếu ta đoán sai thì phải tặng “Thu du đồ” cho ông ta. Bây giờ “Thu du đồ” vẫn chưa nằm trong tay, ông ta làm sao nỡ chết được chứ?”.

Kinh Triệu Doãn vội vàng nói: “Quận Vương gia, người đừng nói năng lung tung, nếu ông ta không phải tự sát, hiện trường cũng không có vết tích của người khác. Phải biết là những nàh xung quanh còn đang nuôi bảy tám con chó đấy”.

Hạ Ngọc Cẩn bỗng chốc không nói lại được.

Diệp Chiêu nhìn nhìn cổ của Kinh Triệu Doãn, nhắm mắt tỏ vẻ không hài lòng, cô nửa đùa nửa thật nói: “Nhà Hà đại nhân hình như cũng nuôi không ít chó nhỉ? Nếu ta muốn nửa đêm mò vào nhà ngươi, cứa một dao trên cổ ngươi, đảm bảo cũng để lại một chút dấu vết gì, có muốn thử không?”.

Kinh Triệu Doãn bỗng chốc thấy cổ mình lạnh toát, cười đau khổ nói: “Điều đó… Diệp tướng quân thân thủ cao cường, không cần phải thử đâu, hạ quan tin ạ”.

Diệp Chiêu lại hỏi: “Vậy tại sao ngươi không tin người giết Lý đại sư cũng là một cao thủ chứ?”.

Kính Triệu Doãn lắp ba lắp bắp nói: “Ông ta… ông ta chỉ là một người rất tầm thường, ai lại cần một cao thủ để đối phó chứ?”.

Trong đầu Hạ Ngọc Cẩn chợt nảy ra một ý, vội vàng nói: “Nếu có người bảo ông ta làm giả một thứ quan trọng, sau đó giết người diệt khẩu? Diệp Chiêu, không phải cô nói sứ đoàn Đông Hạ có thể đang âm mưu gì đó sao? Nếu bọn họ âm mưu là lấy thứ đồ giả này, đi làm việc xấu thì sao?”.

Một đại sư làm đồ giả, một thứ đồ quan trọng lấy giả che thật, thì có thể gây ra chuyện gì chứ?

Mọi người nghĩ mãi nghĩ mãi, bỗng nhiên ai cũng cảm thấy lo sợ.

Diệp Chiêu nghiêm giọng nói: “Việc này không sợ này thì cũng sợ nọ, nhất định phải điều tra ra”.

Công chúa Trường Bình ngần ngại hỏi: “Em họ, việc này, em định…”.

Hạ Ngọc Cẩn nói với giọng mạnh mẽ kiên định nhất: “Em phải tìm ra sự thật, báo thù thay ông ta!”.

Diệp Chiêu đứng bên cạnh cậu ta, không có động tĩnh gì.
Bình Luận (0)
Comment