Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 60


Từ rằng:
Sinh ly tử biệt bởi gì đâu
Nông nỗi dầu sôi trút đỉnh đầu
Ảm đạm gió đưa hồn vía bạt
Góc trời cây cỏ thảy âu sầu
Trên quan tái rầu rầu trăng khóc
Thương bạn cùng róc thịt nuôi nhau
Tấn Tần đôi lứa mận đào
Trịnh kia, Sở nọ cớ sao hận thù?
Chân chân đó lần mò tìm kiếm
Giả giả đây nguy hiểm xông pha
Rèm châu thềm ngọc la đà
Hương lan vẻ huệ, gần xa đượm màu
Hãy chầm chậm hỡi vó câu
Đồng cao nội thấp nông sâu còn lần
Sao cho trăng khuyết lại tròn...
Theo điệu "Mãn giang hồng"
Trong cõi trời đất này, thật mà giống giả, giả lại như thật. Trước nay vốn anh em cùng mẹ sinh ra, chỉ vì của cải, chỉ vì lời dèm pha của thê thiếp đến nỗi anh em tuyệt giao, tình xa ý khác. Ngược lại bạn bè nghĩa khí, tên họ chẳng cùng, quê quán cũng khác, nhưng lại có thể gửi vợ thác con, tình thân còn hơn cốt nhục. Chuyện Quản Trọng, Bảo Thúc Nha chia tiền, chuyện kết nghĩa vườn đào của Lưu, Quan, Trương từ xưa vẫn còn lưu tiếng tốt.
° ° °
Lại nói chuyện vua Đường lệnh tha tội cho Đậu Kiến Đức, cùng tướng nhà Tùy của Vương Thế Sung, còn bọn Đoàn Đạt, Đơn Hùng Tín, Dương Công Khanh, Quách Sĩ Hành, Trương Kim Đồng, Quách Thiện Tài đều bị bộ Hình sai quan áp giải chém đầu giữa chợ. Từ Mậu Công, Tần Thúc Bảo, Trình Giảo Kim biết được lệnh này, vội chạy như bay đến Tây phủ xin ra mắt Tần Vương. Tần Vương ra tiếp, cả bọn quỳ lạy. Thúc Bảo thưa:
- Chúng thần xin cúi lạy điện hạ. Tướng Trịnh Đơn Hùng Tín võ nghệ hơn hẳn chúng thần, vì ngày trước chưa biết mệnh trời, nên dám phạm đến đại giá ở lăng Tuyên Vũ, nên nay vẫn chịu cấm cố. Chúng thần cùng họ Đơn, vốn là bạn bè, thề sống chết có nhau, hoạn nạn, phú quý cùng hưởng. Nay khẩn cầu điện hạ, mở đường sống, khiến chúng thần cùng họ Đơn suốt đời báo đền đức lớn của điện hạ!
Tần Vương phán:
- Chuyện vừa qua ở Tuyên Vũ lăng, có công của các tướng quân, ta cũng chẳng trách gì riêng Hùng Tín. Nhưng từ lâu Hùng Tín ôm lòng phản trắc, coi thường việc đi ở, nay dẫu hàng phục, mai kia tất lại phản loạn, không thể không trừ.
Giảo Kim thưa:
- Điện hạ nếu ngờ Hùng Tín phản loạn, chúng tiểu thần xin nguyện đem cả gia quyến để gánh chịu cho Hùng Tín, nếu xảy ra chuyện gì, tất cả xin chịu tội?
Tần Vương vẫn phán:
- Quân lệnh đã ban, không thể thay đổi!
Mậu Công thưa:
- Điện hạ chiêu hàng nạp phản, chúng tiểu tướng đây cũng từ các nơi khác nhau kéo về thờ điện hạ. Nay nếu giết họ Đơn, thì liệu còn ai dám về hàng phục. Vả lại, mùa xuân thì sinh sôi, mùa thu thì tàn lụi, cho giết được giết, cho sống được sống, đều ở nơi điện hạ, hà tất phải câu chấp?
Tần Vương vẫn khăng khăng:
- Hùng Tín tất không để ta dùng, nhất thiết không thể để sống. Cũng như con cọp ở trong cũi, không thể không giết, chờ khi cọp sổ cũi, hối cũng muộn rồi.
Cả ba rập đầu kêu xin, nạp trả quan phẩm để chuộc tội chết cho Hùng Tín. Thúc Bảo khóc như mưa, xin nguyện chết thay. Tần Vương trong lòng thấy thế không ưng, nhưng cũng không nói ra, chỉ phán:
- Chư tướng thỉnh cầu, đều từ tình riêng, nhưng với ta lại là phép nước, không thể bỏ qua. Cứ y lệnh, cả bọn đem chém giữa chợ, bêu đầu thị chúng, riêng thủ cấp Hùng Tín cho đem về mai táng, gia quyến iễn tội lưu đày, thích mặt, còn lại phải đầy đi châu xa.
Cả ba đành tạ ơn, ra khỏi phủ, Mậu Công bàn:
- Tần đại huynh xin dặn kỹ người nhà, không được cho gia quyến Đơn viên ngoại biết chuyện vội. Phiền bá mẫu cùng tôn tẩu chăm sóc chu đáo cho. Tiểu đệ tìm đến Từ Nghĩa Phù, nhờ nghĩa phù nói với lệnh ái Huệ Phi, may ra có thể kéo lại mệnh trời, nhưng cũng chẳng chắc chắn gì. Còn Trình hiền huynh, sắp sắn cho bàn trà, thức nhắm một vò rượu, đem trước vào trong ngục, trò chuyện với Đơn viên ngoại. Tiểu đệ cùng Tần đại huynh sẽ vào sau.
° ° °
Lại nói chuyện Hùng Tín, thấy giải bọn Thế Sung đi, đã nghĩ mình sẽ ghép tội chết, lòng cũng không khỏi lo sợ, nay thấy Giảo Kim ang rượu thịt vào, đã chắc chắn ba bốn phần. Giảo Kim mời Hùng tín ngồi:
- Tối qua, tiểu đệ cùng Tần đại huynh tới thăm nhưng thấy nhị ca có khách, nên chúng tiểu đệ không dám kinh động.
Hùng Tín đáp:
- Tối đến, cũng chỉ thường cùng Đậu đại huynh trò chuyện!
Giảo Kim tiếp:
- Tiểu đệ nhớ lại, hồi còn ở Sơn Đông, anh em sum họp, rượu chè vui vẻ, thân mình không người ràng buộc. Nay còn lại chỉ mấy người, đều bảy nổi ba chìm, còn thêm bị trói buộc bởi pháp độ triều đình, luật lệnh nhà vua. Thật khiến ai ai cũng ngao ngán.
Nói rồi nhìn Hùng Tín, nước mắt rơi lã chã, lúc này Hùng Tín đã chắc chắn năm sáu phần. Cả hai im lặng, uống hết chén này đến chén khác. Thúc Bảo vào, thấy thế liền nói:
- Trình hiền đệ vào trước để cùng Đơn nhị ca trò chuyện cho khuây khỏa, sao lại ngồi lặng lẽ thế này?
Hùng Tín đáp:
- Tần hiền huynh công vụ bận rộn, sao còn khổ sở đến thăm nom Hùng Tín luôn thế này!
Thúc Bảo nói:
- Nhị ca đừng nói thế, người ta ở đời, gặp nhau một khắc cũng khó. Việc của nhị ca, chỉ giận chúng tiểu đệ không thể thế thân, nếu được nào dám tiếc chi tính mạng.
Rồi rót đấy một chén rượu lớn, đưa mời Hùng Tín, nước mắt Thúc Bảo cũng giọt ngắn giọt dài. Lúc này Hùng Tín đã chắc đến bảy tám phần. Lại thấy Mậu Công vào, xụt xịt ngồi xuống.
Giảo Kim hỏi:
- Công việc ra sao?
Mậu Công lắc đầu, cũng rót một chén rượu lớn, đưa mời Hùng Tín. Bên ngoài huyên náo, bước chân rầm rập. Hùng Tín lúc này đã rõ cả mười phần, ngang nhiên vuốt râu cười lớn:
- Đội ơn chư huynh thịnh tình. Xin đem bát lớn ra đây, Hùng Tín này uống ba bát, chư huynh mỗi người cũng uống ba bát. Hôm nay, uống một lần cuối cùng với chư huynh, ngày mai, xuống tuyền đài uống với Huyền Thúy, Bá Đương.

Thúc Bảo nghẹn ngào:
- Nhị ca nói chuyện gì vậy?
Hùng Tín đáp:
- Chư huynh chẳng cần phải giấu nữa. Việc của Hùng Tín, Hùng Tín đã biết không thoát khỏi tội chết. Hùng Tín này không phải kẻ sợ chết. Ngay từ ngày ra khỏi Nhị Hiền trang, cái đầu này đã không chắc toàn vẹn rồi.
Lúc này ba anh em Thúc Bảo một ngụm rượu cũng khó nuốt, Hùng Tín thì đã uống tới bát thứ tư, thứ năm. Lính cấm tử đã lố nhố trước cửa, thấp thoáng cả bọn đao phủ mặc áo, quấn khăn màu đỏ
Hùng Tín đưa mắt nhìn, hỏi:
- Các ngươi chờ ta phải không?
Bọn này vội quỳ thưa:
- Dạ!
Hùng Tín bình thản:
- Chư huynh hãy lo việc của chư huynh. Hùng Tín gánh việc của mình đây!
Thúc Bảo, Mậu Công cùng Giảo Kim đều không ngăn nổi nức nở, Hùng Tín khuyên giải:
- Trượng phu xem chết như về nhà, việc gì phải làm cái việc của đàn bà, để người chê cười!
Thúc Bảo gọi đao phủ lại, dặn dò:
- Đơn viên ngoại đây không phải ai khác, các ngươi hãy thờ phụng kính cẩn!
Đao phủ nhất loạt thưa:
- Chúng con biết lắm ạ?
Mậu Công bàn:
- Tần đại huynh, cùng tiểu đệ ra trước bảo giám trảm sắp đặt.
Thúc Bảo bằng lòng. Giảo Kim nói:
- Nhị vị đại huynh cứ đi trước, tiểu đệ xin đi cùng với nhị ca.
Thúc Bảo cùng Mậu Công gạt nước mắt ra khỏi nhà ngục, lên ngựa, tới pháp trường, thấy bọn Đoàn Đạt đã bị chém, thây bày đầy đất. Còn hai giá gỗ, một cái có buộc dây đỏ, giám trảm quan đứng chờ bên. Mậu Công sai bọn tay chân dọn dẹp ngăn nắp, Thúc Bảo lấy khăn lớn mà Hùng Tín tặng hồi ở Lộ Châu trải rộng ra nền đất trước giá.
Lúc này Tần thái thái cùng Trương phu nhân dìu tiểu thư Ái Liên, Thôi phu nhân, có Đơn Toàn theo bên cũng đã ra. Thấy Hùng Tín không xiềng không gông, không dây trói, quàng tay Giảo Kim, bước những bước dài đi tới. Cả bọn cất tiếng khóc rống, náo loạn.
Tần thái thái cho người gọi Thúc Bảo, Giảo Kim lại bảo:
- Đơn viên ngoại là người có ân nghĩa trước sau. Ta muốn đến trước viên ngoại, tế sống một lạy, để viên ngoại cũng thấy, chúng ta tuy là bậc nữ lưu, nhưng cũng không phải phường quên ơn bội nghĩa!
Thúc Bảo bàn:
- Mẫu thân tuổi đã cao, ra đến đây, thế cũng dã tận tình, còn cần gì phải làm thế cho thêm đau lòng!
Tần thái thái đáp:
- Con hồi ở Lộ Châu, gặp lúc bệnh nặng, rồi lại tội quan, nếu không có viên ngoại chu tất, sao có được ngày nay?
Giảo Kim đỡ lời:
- Bá mẫu đã ưng thế, cứ để bá mẫu tỏ lòng biết ơn với nhị ca, nghĩa tử là nghĩa tận!
Rồi chạy lại báo cho Hùng Tín. Tần thái thái, Trương phu nhân, cùng cả gia quyến Hùng Tín đến trước mặt Hùng Tín, Thúc Bảo đỡ Tần thái thái ràn rụa nước mắt:
- Đơn viên ngoại thật đủ nhân, đủ nghĩa, cầu cho viên ngoại sớm được về trời!
Nói xong, cùng Trương phu nhân quỳ lạy. Hùng Tín vội đáp lễ, tiểu thư Ái Liên vừa nức nở vừa quỳ lạy đáp lễ với thân phụ, rồi cả hai mẹ con ôm lấy Hùng Tín mà khóc rống. Thúc Bảo, Mậu Công, Giảo Kim cũng khóc lớn, quân lính cùng trăm họ nhiều người không nén nổi nước mắt. Hùng Tín nghẹn ngào.
- Tần đại huynh, phiền đại huynh mời lão thái thái, tôn tẩu, cùng gia quyến Hùng Tín này về trước cho. Nếu cứ thế này thì lòng dạ Hùng Tín này không sao chịu nổi?
Tần thái thái vội cùng Trương phu nhân, đám nữ tỳ, đỡ Thôi phu nhân, tiểu thư Ái Liên lên xe hoa trở về.
Thúc Bảo sai người mang đến một lò than, mỗi người rút ra một con dao, lần lượt cắt một miếng thịt đùi mình, nướng chín trên lò than, đưa mời Hùng Tín. Thúc Bảo lên tiếng:
- Anh em ta thề cùng sống chết, nay không thể theo nhau. Nếu mai kia nuốt lời thề, không trông nom gia quyến Đơn nhị ca, thì cũng như miếng thịt này, bị cắt rời ra, nướng trên than hồng!
Hùng Tín đón nhận ăn hết miếng thịt này đến miếng thịt khác.
Thúc Bảo vừa khóc vừa nói:
- Xin Đơn nhị ca hãy yên lòng!
Lại gọi Hoài Ngọc tới, bảo:
- Hãy lạy nhạc phụ đi!
Hoài Ngọc kính cẩn vâng mệnh, lạy Hùng Tín bốn lạy. Hùng Tín chớp mắt mấy cái rồi cười lớn:
- Thật đáng mừng! Đáng mặt con rể. Hùng Tín này đi đây! Các người động thủ nhanh lên nào!
Rồi ngửa cổ thụ hình. Ai nấy khóc rống. Trong đám đông một người chạy ra, đầu bù tóc rối, ôm lấy thủ cấp gào to:
- Đơn đại nhân hãy khoan khoan? Chờ Đơn Toàn này theo với!
Rút bên lưng ra một con dao, đâm thẳng vào cổ. Giảo Kim vội giằng được dao ra, may chưa việc gì. Mậu Công giận dữ quát:
- Ngươi là người coi sóc công việc trong nhà lâu nay, còn việc tuẫn táng đại sự, ngươi phải gánh vác, sao không nghĩ tới?
Vì Tần Vương đã hứa không phải thị chúng, Thúc Bảo sai Đơn Toàn lấy thủ cấp Hùng Tín, khâu lại với cổ như cũ, đem quan tài đến, dùng mọi thứ khâm liệm. Từ Ngụy Trưng, Vưu Thông, Cự Chân, Sĩ Tín, cho đến Lý Khải Tâm, con trai Huyền Thúy, đều có mặt. Bùi phu nhân, vợ Bá Đương cũng sai người mang đồ tế tới. Ai nấy đều đi theo linh cữu ra quàn ở chùa ngoài thành. Mậu Công sai hai mươi tên lính đèn hương, trông coi.
Đáng thương thay, chính là:
Tần Vương dầu lấy được Trung Nguyên
Mà báo ơn xưa chúng vẹn tuyền

Bốn biển định hùng ai chủ nhỉ
Mười phần lệ máu khóc cô phần.
° ° °
Lại nói chuyện Tuyến Nương, khóc lóc từ biệt thân phụ, cùng Mộc Lan trở về Lạc Thọ. Thứ sử Lạc Thọ Thiện Hằng nghe tin, biết Kiến Đức đã được tha tội làm nhà sư, công chúa được hoàng hậu nhận làm cháu gái, sai nội giám đưa về, vội vội vàng vàng ra ngoài thành đón. Cũng may dạo trước Mậu Công, khi đến thu hồi sổ sách, vật quý, cung điện cũng giao bọn cung nô hai ba chục người canh gác, chưa suy xuyển gì nhiều. Tuyến Nương vào cung thấy linh cữu Tào Hậu, cùng quan tài cung nữ, lòng lại nghẹn ngào. Thiện Hằng cũng tìm vào, đem chuyện Mậu Công mời ra nhiếp chính, mình tiến cử Nhuận Phủ như thế nào, kể lại một lượt, rồi tiếp:
- Không ngờ đến lúc Mậu Công đến tìm, Nhuận Phủ đã tránh đâu mất, vì vậy thần đành phải tạm ngồi đây. Nay công chúa trở về, xin hãy chọn lấy một lương thần, thực sự cai quản, thần xin cáo thoái.
Tuyến Nương đáp:
- Từ Quân sư vốn là bậc kiến thức sâu rộng, tất rõ ràng khanh hiền năng, nên mới giao phó công việc này cho. Huống chi đất này từ lâu đã quy về nhà Đường, ta nào có tài năng, địa vị gì mà làm kẻ cai quản. Khanh cứ làm, chẳng nên chối từ. Nhưng hiện nay cữu hoàng hậu còn quàn nơi đây, không phải là chuyện lâu dài được. Khanh hãy vì ta, tìm một nơi đất tốt để an táng thì thật là trọn vẹn vậy!
Thiện Hằng nói:
- Vùng Lạc Thọ này đất thấp ẩm ướt, nghe nói lão tướng Dương Nghĩa Thần táng ở Lôi Hạ, vùng này núi cao trùng điệp, đất lại cao dày, đi lại cũng gần, khoảng độ hai ba ngày đường, không hiểu ý công chúa ra sao?
Tuyến Nương đáp:
- Dương Thái bộc lúc sinh thời, có đi lại với phụ hoàng ta khá thân thiết, nếu được táng ở vùng ấy thì thật hay quá. Khanh hãy vì ta tìm thử đất, ta sẽ trả giá thật cao là xong chứ gì?
Một số nữ binh cũ của Tuyến Nương, đều là những kẻ tháo vát, thấy nước mất, mỗi kẻ chạy mỗi nơi, nay nghe tin công chúa đã về, đều tìm đến. Tuyến Nương chọn lấy những người nhanh nhẹn biết việc, còn lại đều khuyên trở về quê quán.
Mấy ngày sau, Thiện Hằng sai người tới vùng Lôi Hạ, mua được đất. Tuyến Nương tới, xây một khu mộ lớn, bên cạnh làm thêm mấy gian nhà ở, tự mình mặc áo gai chống gậy, làm tang Tào Hậu, cả nhà đều đến ở bên mộ. Xong xuôi, viết một đạo biểu tạ ơn, cho nội giám trở về phục chỉ. Mộc Lan nhân ra đi cũng đã lâu ngày, nhớ cha mẹ, cũng từ biệt Tuyến Nương về quê. Tuyến Nương thực lòng không muốn xa, nhưng vì là hiếu nữ, không thể cưỡng ý, đành sai hai nữ binh, lại cùng góa chồng, một người họ Kim, tên Đính, một người họ Ngô, tên Lương, tặng thêm một ít tiền đi đường, quà lễ, nhờ Mộc Lan trình lên phụ mẫu, rồi sẽ cùng cả nhà về vùng Lôi Hạ tìm đất sinh sống. Sắp ra đi, Tuyến Nương đưa một phong thư, dặn Mộc Lan:
- Hà Bắc cũng gần với U Châu, thư này nhờ hiền muội gửi cho La Thành, con trai Yên Quận Vương. Hiền muội phải chờ gặp được mặt La Thành, giao thư tận tay. Nếu bằng lính canh không cho vào, thì có mũi tên dạo trước La Thành tặng ta ở đây, hãy đưa cho lính canh đem vào trình, thế nào La Thành cũng ra gặp hiền muội.
Nói xong, không ngăn được nước mắt. Mộc Lan đáp:
- Công chúa phân phó, thiếp đâu dám trái lệnh, xin sẽ đem tin tốt về!
Mộc Lan xếp hành trang, cùng với hai nữ binh, đều cải dạng nam trang lên đường. Tuyến Nương tiễn tới hai ba dặm, đinh ninh dặn dò một lần nữa, rồi gạt nước mắt chia tay.
Mộc Lan ngày đi đêm nghỉ, bất giác đã về tới Hà Bắc, cố nhận ra làng quê, thì đã khác hẳn ngày đi. Mấy người hàng xóm cao tuổi, trông thấy Mộc Lan, ngày xưa cải dạng nam trang, đi lính thay cha, liền hỏi:
- Hoa cô nương, ra đi đã mấy năm, nay mới trở về sao?
Kéo vào nhà, Mộc Lan thăm hỏi cảnh nhà mình, mới biết cha đã mất, mẹ đã lấy người họ Ngụy, ở đường trước thôn, làm ruộng qua ngày. Mộc Lan đau lòng, lệ nhỏ như mưa, chào láng giềng, chạy ngay đến trước thôn, vừa lúc người mẹ họ Viên đang kéo nước ở giếng. Mộc Lan nhìn kỹ, nhận ra vội vàng thưa lớn:
- Mẹ ! Con Mộc Lan đã về đây!
Viên Thị chùi mắt, đúng là con gái mình rồi, kéo ngay vào nhà, mẹ con chị em gặp gỡ, khóc lóc một hồi. Hựu Lan giờ cũng đã mười tám tuổi, mười phần xinh đẹp. Viên Thị đem chuyện phụ thân nhiễm bệnh ốm chết ra sao, mình phải cải giá thế nào kể lại suốt lượt. Họ Ngụy cùng với Thiên Lang đi làm trở về lại cùng chào hỏi. Ba chị em khóc lóc hỏi han suốt đêm. Sáng ra, Mộc Lan thăm mộ phụ thân, quỳ lạy thắp hương.
Đang thu xếp lên đường đi U Châu, thì không ngờ Khả hãn Yết Bà Na nghe tin, nhớ ơn giải vây của Mộc Lan thuở xưa, lại thích sắc đẹp Mộc Lan, sai người đến tuyển vào cung. Mộc Lan nghe tin kinh hoàng, nhưng cũng không biết đối phó ra sao, đêm hôm ấy nói với Hựu Lan:
- Tâm sự của chị, đã kể cho em rõ, vào cung rồi, biết ngày nào ra. Những điều ký thác của công chúa, kiếp này đâu dám phụ. Thôi thì em cũng chẳng khác gì chị, hãy cải dạng nam trang đi U Châu cho chị một phen, làm xong việc nhân duyên này của công chúa, chị có chết cũng nhắm được mắt.
Hựu Lan đáp:
- Em chưa từng ra khỏi nhà, chỉ sợ đi không được việc chăng?
Mộc Lan nói:
- Xem ra em chẳng gì mà không làm được, đời nào chịu phụ sự gửi gắm của chị!
Rồi đem thư, mũi tên cùng năm mươi lạng bạc giao lại cẩn thận.
Hựu Lan có biết ít nhiều chữ nghĩa. Mộc Lan lại gọi nữ binh, sai Kim Đính theo Hựu Lan đi U Châu. Sang ngày hôm sau, đã thấy nhiều kỵ binh ập ngay trước cửa. Viên Thị nhân Mộc Lan mới về được mấy ngày, kêu khóc ầm ĩ, không cho bắt đem đi. Mộc Lan không hề sợ hãi, chải đầu tóc gọn ghẽ, bước ra nói với bọn lính kỵ:
- Khả hãn đã có lệnh, chúng ta là dân, không hề dám trái. Chỉ cần chở ta đến phần mộ phụ thân, làm lễ bái biệt, rồi sẽ theo các người về cung.
Bọn này vâng theo, Mộc Lan lên xe, gọi Ngô Lương cùng cha mẹ đi theo. Ra đến mộ phần, Mộc Lan lạy bốn lạy, khóc lóc một hồi, rồi tự đâm cổ mà chết. Lính kỵ hoảng hốt vội quay về phục chỉ. Khả hãn nghe chuyện, vô cùng hối hận. Ngô Lương cũng quay về thưa chuyện cùng công chúa. Mộc Lan được khâm liệm cẩn thận, táng ngay cạnh mộ phụ thân Hoa Thừa Chi.
Hựu Lan thấy chị về, những mong cùng chị ra đi, kiếm ít công danh sự nghiệp. Không ngờ Khả hãn bức Mộc Lan đến kết cục như thế, biết đâu Yết Bà Na thấy còn người em, lại sai đến bắt, liệu có bắt chước được Mộc Lan không, Hựu Lan vội thu dọn hành lý, không dám nói chuyện với phụ mẫu, chỉ lặng lẽ bàn bạc với Kim Đính, cả hai giả dạng nam trang. Hựu Lan viết mấy chữ, để trong phòng, canh tư lên đường, gần sáng thì tới quán trọ, thuê xe ngựa, đi thẳng tới U Châu.
Hựu Lan vào thành, tìm chỗ nghỉ, hỏi nha môn Yên Quận Vương. Hựu Lan ăn mặc ra dáng thư sinh cùng Kim Đính tìm tới cửa Vương phủ. Bởi Yên Quận Vương làm quan thanh liêm, phép phủ nghiêm minh, cửa phủ giản dị chẳng chút lòe loẹt xa hoa, cũng không hề huyên náo, những người đến có công việc, hoặc quan lại đến trình văn thư, chẳng hề căn vặn. Kim Đính lại đã từng theo hầu công chúa, liền bàn với Hựu Lan rằng:
- Thư này của công chúa, không phải như các loại thư tầm thường khác, chẳng biết bên trong viết những gì. Nếu đưa không cẩn thận, bọn quan nha cầm vào, trình ngay lên Yên Quận Vương, có chuyện giận dữ, thì biết làm thế nào? Lúc trước Mộc Lan tiểu thư ra đi, công chúa còn đinh ninh dặn kỹ, phải thấy mặt, giao tận tay cho La tiểu tướng, vì vậy không thể bạ ai cũng đưa cho được.
Hựu Lan đáp:
- Cứ như người nói, thì làm sao mà gặp mặt La tiểu tướng cho được!
Kim Đính đáp:
- Không khó gì, cô nương cứ vào phòng trà trước mặt kia ngồi chờ, tiện thiếp sẽ vào cửa phủ, tìm một người hiểu biết đưa ra tận nơi để ta hỏi han, thế mới yên ổn.
Ngồi trong phòng trà chưa được bao lâu đã thấy Kim Đính dẫn một người dáng như kỳ bài quan ra, rồi thưa:
- Phương kỳ bài đã tới!
Hựu Lan đứng dậy mời ngồi, rồi hỏi:
- Xin dược biết đại danh kỳ bài quan?
Kỳ bài quan đáp:
- Hạ quan họ Phương, tên Hạnh Viên, xin được hỏi túc hạ có điều gì cần dạy bảo?
Hựu Lan đáp:
- Chuyện thì dài lắm, xin mời kỳ bài ngồi. Tiểu nhị hãy dọn rượu thịt ra đây đã.
Tiểu nhị nghe ra, vội vàng bày bàn. Hạnh Viên lên tiếng:
- Túc hạ có chuyện gì, xin cứ nói ngay, mới dám cùng ngồi.
Hựu Lan vừa rót rượu, vừa nói:

- Tiểu đệ vừa rồi ở Hà Bắc, có gặp người quen với La tiểu tướng trong Vương phủ, có một vật rất quan hệ, nhờ tiểu đệ trao tận tay, liệu có thể gặp La tiểu tướng chăng?
Hạnh Viên đáp:
- Tiểu tướng quân trừ khi đi săn, dự yến tiệc mới ra khỏi phủ, còn không thì khó mà gặp mặt, có thư từ gì, hạ quan xin chuyển vào, đưa cho quản gia của La tiểu tướng, nếu như có chuyện gì, thì sẽ báo ra vậy thôi!
Hựu Lan nói:
- Thư thì phải gặp mặt mới đưa được, nhưng còn vật làm tin này, phiền kỳ bài chuyển hộ, La tiểu tướng tất hiểu mọi việc.
Hạnh Viên đáp:
- Nếu như thế, xin đưa ngay, hạ quan chỉ sợ trong phủ có việc gọi đến chăng!
Hựu Lan vội lấy mũi tên bên mình ra đưa cho Hạnh Viên. Hạnh Viên nhìn kỹ là một túi gấm, bên trong có một mũi tên, trên cánh tên, có ghi rõ họ tên La Thành, liền không dám coi thường đem vào phủ, gặp một tay chân thân cận của La Thành, tên gọi Phan Mỹ, liền kể mọi chuyện. Phan Mỹ bảo:
- Kỳ bài hãy đứng chờ đây, ta sẽ ra báo tin ngay.
Rồi giấu túi tên vào trong ống tay áo, đi về thư phòng.
Từ ngày La Thành viết thư cho Thúc Bảo nhờ Tề Quốc Viễn đem đi đến nay, chẳng thấy âm hao, lòng luôn khắc khoải, thấy Phan Mỹ cầm tên đưa trình, kể lại căn nguyên vô cùng kinh dị, liền hỏi:
- Giờ người đưa tới đang ở đâu?
Phan Mỹ thưa:
- Phương kỳ bài nói hiện ngồi chờ ở phòng trà đối diện với cổng Vương phủ, còn giữ cả thư gửi cho tướng quân nữa.
La Thành cúi đầu nghĩ ngợi, rồi ghé tai Phan Mỹ nói nhỏ mấy câu. Phan Mỹ ra nói với Hạnh Viên:
- Công tử lệnh cho kỳ bài dẫn người ấy ra cửa đông chờ sẵn, công tử sẽ ra đưa vào!
Hạnh Viên vội chạy về phòng trà, Hựu Lan trả tiền cho tiểu nhị, rồi cả ba ra cửa Vương phủ xem sao. Thấy một đội người ngựa, kéo rầm rập ra khỏi phủ, La Thành đội mũ giát ngọc, đai vàng, áo bào màu tía, cưỡi tuấn mã cao lớn. Hựu Lan nghĩ ngay: "Con người anh hùng tuấn tú thế này, làm sao Đậu Công chúa không nghĩ tới cho được". Rồi cố hết sức cùng mọi người theo sau.
La Thành vốn chẳng định đi săn, nhưng nay thấy có gửi thư, nên cố tình ra khỏi phủ, vòng qua vài hẻm núi gần đó, thủ hạ mặc sức đuổi chó, thả ưng, rồi gọi ngay Phan Mỹ đến tìm người đưa thư. La Thành nhìn ra thì là thư sinh rất đẹp trai, chào hỏi xong cùng ngồi chuyện trò. Hựu Lan lấy thư giấu trong giày ra, đưa trình La Thành thấy bên ngoài giấy màu hồng ghi rõ: "Nhờ gửi đến phủ Yên Quận Vương, tận tay La tiểu tướng!". La Thành thấy xung quanh đông người, không tiện mở xem, liền cho Phan Mỹ cầm lấy, rồi hỏi:
- Túc hạ quý tính tôn danh thế nào?
Hựu Lan đáp:
- Tiểu đệ họ Hoa tên Hựu Lan?
La Thành hỏi tiếp:
- Ngươi sao lại biết công chúa?
Hựu Lan đáp:
- Người đó chính là chị ruột của tiểu đệ!
Rồi đem chuyện Khả hãn dấy binh, cho đến khi kết nghĩa chị em với công chúa, thuật lại đầy đủ. Nhưng rồi thấy gia tướng đến nhiều, Hựu Lan yên lặng không nói nữa. La Thành hỏi:
- Hiện nay túc hạ ngụ ở đâu?
Kim Đính đứng phía sau thưa:
- Hiện ở phố cửa Đông, quán Trương Nhị gia.
La Thành nói:
- Nay xin mời túc hạ vào trong phủ chuyện trò đêm nay, sáng mai sẽ đưa túc hạ về Trương Nhị gia sớm.
Hựu Lan ba bốn lần từ chối, La Thành nói:
- Tiểu đệ còn nhiều điều muốn hỏi túc hạ, túc hạ chẳng nên từ chối.
Nói rồi, cầm tay Hựu Lan, gọi gia tướng lấy ngựa cho Hựu Lan. Phan Mỹ cùng Kim Đính cưỡi một con, tất cả cùng vào thành. La Thành sai Phan Mỹ đưa Hựu Lan cùng Kim Đính vào sau thư phòng nghỉ ngơi. Thư phòng này gồm ba gian, một gian là phòng ngủ của La Thành ở bên phải, bên trái là phòng khách.
La Thành vào nội phủ, La phu nhân hỏi:
- Con hôm trước có nói, con gái Đậu Kiến Đức vừa dũng cảm vừa mưu trí. Vừa rồi phụ thân con nói ở Trường An báo về, Kiến Đức đáng ra phải chém dầu, nhưng nhờ Tuyến Nương không sợ vạ đao búa nguyện chết thay cha, cho nên triều đình tha cho. Kiến Đức nguyện cắt tóc đi tu. Kỳ nữ Tuyến Nương được hoàng hậu nhận là cháu gái, lại cho rất nhiều vàng lụa, sai hai nội giám đưa về quê. Nếu thế thì thật là thiếu nữ ít thấy vậy. Trước là hai nước thù địch, nay là một nhà. Phụ thân con nói như vậy, nên nhân cơ hội này dâng biểu chúc mừng, rồi sẽ hỏi Tuyến Nương cho con. Cũng là sớm đỡ nỗi lo lắng lâu nay của phụ mẫu vậy.
La Thành thưa:
- Vừa rồi con ra ngoài thành đi săn, có gặp một người ở Lạc Thọ đến, hỏi chuyện, mới biết là Đậu Công chúa sai mang thư đến cho con.
La phu nhân hỏi:
- Nay người ấy đâu rồi?
La Thành thưa:
- Con đang giữ lại ở thư phòng, giao cho Phan Mỹ tiếp đãi.
La phu nhân gọi hầu gái đến thư phòng, nói Phan Mỹ đưa thư đem về. Hai mẹ con mở thư ra xem, thì thấy trên giấy loan tiên viết:
Trận tiền từ biệt
Còn vảng bên tai
Trên ngựa mấy lời
Chàng đâu quên dạ
Lần lữa đông qua hạ đến
Xoay vần thịnh đó suy đây
Nhưng mà vạt áo giọt lệ vơi đầy
Vẫn y như trước một dạ chung thủy
Thương vì nước mất nhà tan
Mây mù loạn lạc khiến thành cố nhân
Thiếp tôi:
Vò võ một thân
Cánh bèo trôi dại
Còn chàng là một trang tuấn tú, chờ nối nghiệp lớn, nhưng e nước
Tề lớn, lứa đôi không xứng, mà nước Trâu nhỏ nhoi chẳng bằng vai vế đó chăng?
Buổi từ biệt, vết tuyết dấu bùn, xin đừng nhắc lại
Nào phải thiếp dám nuốt lời, thật vì duyên gương lược hẩm hiu, trắc trở đó vậy!
Tất cả nỗi lòng thành khẩn, nhờ cô em kết nghĩa trình bày, bút giấy khôn bề nói hết
Nữ nhi bị nạn nước, họ Đậu, tên Tuyến Nương khóc trình thư.

La Thành những nghĩ là thư nhắn đến để bàn chuyện cưới xin, nào ngờ lại là thư tuyệt hôn. Bất giác khóc rống, chẳng khác gì con trẻ bên cạnh La phu nhân. Cũng bởi La phu nhân chỉ sinh mỗi mình La Thành, quý hơn châu ngọc, nên vội ôm con vào lòng mà khuyên lơn:
- Con hãy nín đi, thế người làm mối là ai?
La Thành gạt nước mắt, thưa:
- Đó là một người quen thân với phụ thân, lão tướng Dương Thái bộc, Kiến Đức rất trọng người này. Tuyến Nương mách con tới nhờ Thái bộc, nhưng gần đây chín châu loạn lạc, con chưa thể đến nhờ, nay vẫn chẳng thấy tin tức gì của Thái bộc, nên mới gửi thư tới tuyệt hôn chăng? Đây chính là con đã phụ công chúa, không phải công chúa phụ con đâu mà!
Nói xong lại khóc. Bỗng thấy La tổng quản tới hỏi:
- Tại sao thế này?
La phu nhân đem chuyện La Thành thuở trước đã cùng Tuyến Nương đính hôn, nay Tuyến Nương sai người mang thư sang thế nào kể lại một lượt, lại lấy cả thư đưa cho La Tổng quản xem. La Tổng quản cười nói:
- Thằng bé ngốc nghếch! Việc này thì có gì khó, trước mắt đang cần sai người vào triều dâng biểu mừng. Ta sẽ đem cả chuyện hôn nhân này, thêm một đạo biểu. Hoàng hậu đã nhận làm cháu gái, sao lại chẳng bắt phải lấy chồng xứng đáng kia chứ!
La Thành nghe thế, lập tức hớn hở, vội thưa:
- Nếu thế con sẽ hỏi công chúa mọi chuyện xem sao!
Đêm ấy La Thành bày tiệc rượu trong hoa sảnh, Hựu Lan lại đem chuyện Tuyến Nương kể ngọn ngành, rồi đến chuyện Mộc Lan cũng vậy, phải hơn một canh mới đi ngủ.
Sáng hôm sau, Hựu Lan đợi La Thành ra liền thưa:
- Thư phúc đáp, xin đưa để tiểu đệ mang về trình công chúa. Còn nếu công tử sai người đem về Lạc Thọ, tiểu đệ xin từ biệt!
La Thành đáp:
- Túc hạ nói chi chuyện ấy. Hôm qua thư của công chúa, tiểu đệ đã đưa trình gia nghiêm, ngày mai sai quan tới Trường An dâng biểu, tiểu đệ cùng đi theo. Túc hạ cứ ở đây, rồi cùng đi Lạc Thọ, xin phiền túc hạ làm mối cho, việc mà xong xuôi, thì gì chẳng xin chiều theo!
Hựu Lan đáp:
- Hành lý của tiểu đệ hiện còn ngoài quán cả!
La Thành cầm tay Hựu Lan nói:
- Hành lý thì tiểu đệ sai người ra lấy về ngay.
Rồi vẫn không chịu thả. Không ngờ Kim Đính thấy vừa ý Phan Mỹ đang độ thanh xuân tuấn tú, cũng chẳng khác gì Hựu Lan lưu luyến khó rời La Thành vậy thôi, nên Kim Đính đã đỡ lời:
- Tướng quân đã nói thế? Tiểu nhân xin ra lấy hành lý vào phủ vậy!
La Thành khen:
- Thế mới là kẻ tay chân tháo vát vậy!
Liền sai người đi theo Kim Đính, còn La Thành với Hựu Lan, ngày đêm trò chuyện, tâm đầu ý hợp, thấm thoát thoi đưa, đã được mấy ngày.
Một đêm, La Thành dậy sớm, sợ làm Hựu Lan thức giấc, nhẹ nhàng mở cửa ra ngoài, vẫn nghe ở buồng trong. Phan Mỹ cùng Kim Đính nói nói cười cười, rất là vui vẻ, La Thành nghi ngờ, lặng lẽ nghiêng tai nghe ngóng, thấy Phan Mỹ nói: .
- Kim Đính làm thế mà lại hay. Đợi ta nói với tướng quân, rõ chuyện của Hoa cô nương, rồi cùng nhau kết duyên Tần Tấn!
Tiếng Kim Đính đáp:
- Thôi đi, ta được lệnh của công chúa đưa chị của Hoa cô nương về nhà đâu phải là người nhà Hoa cô nương. Phan Mỹ này theo hay không là do ta nhé!
Tiếng Phan Mỹ:
- Nếu tướng quân ta biết Hoa cô nương là gái, chỉ sợ không chịu thả ra đâu?
Tiếng Kim Đính:
- Biết rồi, chẳng qua cũng như ta với Phan Mỹ, cùng nhau hòa hợp vui vẻ thế này là cùng chứ gì.
Thật đúng là cách tường vẫn có tai, ngoài song nào phải không có người. La Thành nghe rõ ràng, trong lòng nghi hoặc: "Kỳ quái, chẳng nhẽ thầy trò đều là con gái!" Rồi vào nội phủ vấn an, trở ra gặp Phan Mỹ, La Thành gọi đến chỗ vắng, hỏi cặn kẽ, mới rõ đều thế thật. La Thành cả mừng! Tối hôm ấy cùng uống rượu, nói nói cười cười so với mọi hôm, cao hứng hơn nhiều, chỉ chăm chăm rót rượu cho Hựu Lan, để xem có thật hay không. Không ngờ Hựu Lan giữ ý không chịu uống. La Thành thích chí uống luôn mấy chén, cả hai đứng dậy, đầy tớ thu dọn bàn tiệc. La Thành giả say, túm vai Hựu Lan:
- Túc hạ, tiểu đệ đêm nay say rồi, muốn cùng túc hạ ngủ chung giường, tiểu đệ còn có chuyện hay muốn thưa!
Hựu Lan đáp:
- Có chuyện gì, xin công tử nói rõ ràng, tiểu đệ bình sinh không thích ngủ chung bao giờ!
La Thành cười:
- Chẳng nhẽ mai kia cũng từ chối cả cô dâu nữa chăng?
Hựu Lan cũng cười đáp:
- Công tử nếu là con gái, thì tiểu đệ không từ chối!
La Thành vẫn cười:
- Nếu túc hạ đúng là đàn ông, tiểu đệ cũng chẳng nghĩ tới chuyện chung giường!
Hựu Lan nghe câu này, giật mình, má bỗng đỏ bừng như cánh hoa đào. La Thành thấy vậy, càng yêu thích, đấy tớ xung quanh lại không có ai, đóng ngay cửa lại ôm lấy Hựu Lan, nói:
- La Thành này lâu nay tu luyện mãi ở trên đời này, nên nay mới được gặp hiền muội.
Hựu Lan lấy hai tay đẩy ra:
- Công tử sao say sưa điên cuồng đến thế, xin hãy nghiêm chỉnh cho nào!
La Thành đáp:
- Kim Đính cũng phải nhận rồi, Hoa cô nương còn chối vào đâu nữa nào?
Hựu Lan nghiêm sắc mặt:
- Mời công tử ngồi xuống cho, rồi thiếp xin thưa, nếu có gì không phải, thì xin chiều theo công tử vậy!
La Thành đành phải buông ra, cả hai lại sánh vai cùng ngồi.
Hựu Lan nói:
- Thiếp tuy xuất thân hạ tiện, ở chốn hoang dã, nhưng cả hai chị em đều hiểu lễ nghĩa, rất chuộng đạo lý. Nay đã không nghĩ đến chuyện hổ thẹn, lặn lội nghìn dặm đến đây, thứ nhất là để làm tròn lời trăng trối của Mộc Lan, thứ hai cũng để tác thành cuộc nhân duyên giữa Đậu Công chúa với công tử, đâu phải đi lo chuyện hoan lạc riêng mình. Nay thấy công tử niên thiếu anh hùng, tài kiêm văn võ thiếp thực tình kính trọng, nhưng nếu là chuyện thú vui nam nữ, thì phải lấy lễ làm chính, mới làm cho người cho thần đều chịu phục, nếu cố bức chuyện bừa bãi, thì có khác gì phường trộm cướp vậy chăng?
La Thành nghe, cả cười:
- Hoa cô nương học ở đâu được những lời hủ lậu đến thế, từ xưa đến nay, trăng tròn có hạn, gặp gỡ trai gái, đâu là chuyện vui hoan. Thử hỏi nếu Hoa cô nương là đàn ông, thì đứng trước một người đẹp như thế này, cô nương có thể ngồi yên chăng?
Hựu Lan đáp:
- Kẻ trượng phu có thể nhẫn chịu ở chỗ người khác không nhẫn chịu được, thế mới là hào kiệt. Công tử chỉ biết chuyện trong dâu trên bộc, là một lũ sắc dục, nhưng há không nhớ tới chuyện Liễu Hạ Huệ ôm người con gái vào lòng. Tần Quân Chiêu một mình ngủ với đàn bà mà vẫn không bị lòng dục mê hoặc, khiến đời sau còn ca ngợi. Thiếp đội ơn công tử không bỏ, được hầu hạ dưới gối bốn năm ngày nay, thiếp thật không thể còn thờ người nào khác suốt đời thiếp. Nhưng xin công tử hãy cho thiếp về Lạc Thọ, gặp Đậu Công chúa một lần, để nói rõ tấm lòng của Mộc Lan, nếu mai kia cùng được thờ công tử, thì cùng được phần rạng rỡ. Nay xin hãy chờ đợi ít lâu, cùng công tử tới Trường An, lúc ấy ý công tử lấy bỏ ra sao thì tùy. Nhưng bây giờ thế này, thì quyết không thể vâng mệnh.
La Thành thấy Hựu Lan nói đường đường chính chính, liệu không thể xong, đành đáp:
- Nếu Hoa cô nương đã nói thế, La Thành này nào đâu dám cưỡng cầu!
Mấy ngày sau La Nghệ viết xong biểu chương niêm phong chu đáo ủy cho thứ sử Trương Công Cẩn đem về Trường An dâng, lại nhờ coi sóc cả La Thành, sai thêm hai viên Du kích thủ bị Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc làm bạn với La Thành đi đường. La Thành bái biệt phụ mẫu, cùng với Hoa Hựu Lan, người ngựa rời khỏi U Châu, lên đường đi Trường An.
Không biết mọi chuyện sẽ ra sao, hãy chờ hồi sau phân giải.

Bình Luận (0)
Comment