Ván Cờ Người

Chương 25

Buổi tối, Xuyên Thanh bảo đi chơi mạt chược, đến bốn giờ sáng Cát Hồng tỉnh dậy, Xuyên Thanh vẫn chưa về. Gọi di động cho anh, máy trả lời không liên lạc được.

Cát Hồng biết đấy là trò chơi vẫn thường thấy ở Xuyên Thanh, anh lấy pin điện thoại di động ra, máy sẽ trong trạng thái đó. Nếu có trách, anh sẽ đổ cho máy hoặc mạng di động không ra sao.

Gần đến trưa vẫn chưa thấy bóng Xuyên Thanh đâu. Cát Hồng tức giận lắm rồi. Chị ngồi ở văn phòng tạm thời của bãi đỗ xe, phỏng đoán những khả năng tại sao đêm hôm qua anh không về. Lúc này, Tiểu Ngọc, cô phục vụ mới thuê bảo với chị có người đến gặp. Ngọc bảo khách đang đi đi lại lại ở ngoài cửa, anh ta tên là Trương Hoàng, ông chủ của ai đó.

Cát Hồng gặp Trương Hoàng. Đấy là một thanh niên chưa đầy ba mươi tuổi, trông rất khí thế. Xem ra khách không thân thiện, chị đưa anh ta vào văn phòng, ân cần mời ngồi và lấy nước cho anh ta.

Trương Hoàng nhìn quanh văn phòng, anh mở cửa phòng trong để xem, miệng lẩm bẩm: “Trốn rồi, làm chuyện xấu xa trốn rồi”.

Cát Hồng thấy anh ta tỏ ra bất lịch sự và như tìm kiếm, thêm vào đó là việc cả đêm hôm qua Xuyên Thanh không về, chị nổi nóng, không để cho anh ta lên tiếng. Chị cau mày, nói to: “Anh bảo ai làm chuyện xấu bỏ trốn?”. Trương Hoàng nói: “Tất nhiên là chồng chị. Hắn cưỡng hiếp vợ tôi, bây giờ sợ hãi bỏ trốn. Công an đang tìm bắt hắn”.

Cát Hồng nói: “Không thể thế được. Anh làm rõ rồi hãy nói, vu cáo là phạm tội đấy”. Nói xong, chị bấm máy điện thoại trên mặt bàn. Điện thoại di động của Xuyên Thanh vẫn tắt máy. Cát Hồng bối rối, chị cố làm ra vẻ bình tĩnh, nhìn Trương Hoàng nở nụ cười không mặn không nhạt.

“Mẹ kiếp, chị tìm nó ra đây”, Trương Hoàng ném cái li nước để bày tỏ sự phẫn nộ và không còn đủ kiên nhẫn.

Cát Hồng thấy anh ta như vậy, chị cảnh cáo: “Anh bất lịch sự quá đấy, tôi sẽ gọi cảnh sát đến. Có việc gì thì anh cứ đi tìm người ấy, tôi là một phụ nữ, anh đừng nói những lời độc địa khó nghe ấy. Anh bảo công an đang bắt anh ấy à? Anh cứ đến ngồi ở sở công an, có thể công an đã bắt được anh ấy rồi”.

Trương Hoàng bình tĩnh lại trước những lời nói của Cát Hồng, cứ làm ồn ào rắc rối với một phụ nữ cũng không ăn thua gì. Anh ta nhờ Cát Hồng nhắn tin cho Xuyên Thanh: hai giờ chiều nay anh ta sẽ đến gặp. Đồng thời đe dọa: “Nếu chồng chị không chịu xuất hiện thì chuẩn bị mà vào tù, gia đình cũng đừng hòng yên ổn”.

Trương Hoàng đi rồi Cát Hồng quỵ xuống, cảm thấy chân tay không còn sức, hồi lâu sau toàn thân vẫn run rẩy. Chị bị dọa, lại tức giận, biết điện thoại của Xuyên Thanh không gọi được nhưng vẫn liên tục gọi, gọi cho đến độ muốn vứt cả máy. Sau đấy, chị bảo Tiểu Ngọc gửi cho anh một tin nhắn, bảo anh nhà có việc phải gọi điện về ngay. Chị mong Xuyên Thanh mở máy và nhận được dòng tin nhắn đó.

Cát Hồng hết sức hoang mang, không biết có chuyện gì. Lúc này chị cần có người giúp đỡ, chị nghĩ đến Hồ Bằng. Chị lật tìm trong sổ số máy của Hồ Bằng, gọi điện bảo anh ta đến ngay.

Trong điện thoại Hồ Bằng hỏi đi hỏi lại có chuyện gì, Cát Hồng chỉ bảo anh đến ngay.

Khi Hồ Bằng cưỡi cái mô-tô Toyota anh vừa mua đến bãi đỗ xe trong Trung tâm thời trang, Cát Hồng vội vã từ trong văn phòng chạy ra đón. Hồ Bằng bỏ kính đen xuống, hỏi: “Chị Hồng, có chuyện gì thế?”. Cát Hồng chỉ vào văn phòng, bảo anh vào trong đó rồi sẽ nói.

Vào đến nơi, Cát Hồng đóng cửa, bực tức nói: “Có chuyện rồi”. Hồ Bằng rất sốt ruột, nhà chị đã xảy ra chuyện gì? Chuyện gì mà cần đến anh?

Nghe Cát Hồng kể rõ sự việc, Hồ Bằng thở phào nhẹ nhõm: “Có chuyện gì to tát đâu, Anh ta bảo chồng chị cưỡng hiếp vợ anh ta, vậy mà chị cũng tin à? Vừa rồi chị bảo, anh ta không biết cả tên anh Thanh, hình như cũng không biết anh Thanh làm việc ở đâu, tạm thời coi như không ảnh hưởng gì lớn. Cứ chờ anh Thanh về hẵng hay, biết đâu có sự nhầm lẫn?”

Cát Hồng nói chị cảm thấy có gì đó không ổn, Xuyên Thanh tắt máy di động. “Nếu anh ấy không làm chuyện gì sai trái, việc gì phải trốn tránh?”

Hồ Bằng khuyên Cát Hồng: “Chị nên tin anh Thanh không làm việc đó, phải bình tĩnh trước mọi sự việc mới chống đỡ được với mọi chuyện. Lúc này có người đến gây sự với chị ở bãi đỗ xe, tuy ở đây chưa đi vào hoạt động nhưng cũng coi là nơi công cộng”.

Cát Hồng sợ sự việc không đơn giản như vậy, nếu Xuyên Thanh gặp chuyện gì thì sao? Hồ Bằng khuyên chị phải chú ý đến việc lớn, lúc này thầu bãi đỗ xe không thể theo ý mình như trước đây.

Cát Hồng nghĩ cũng đúng, phải có Hồ Bằng giúp chị.

Hồ Bằng cho rằng, hiện tại có ba việc cần làm: thứ nhất tìm được Xuyên Thanh, để hiểu rõ sự việc; thứ hai, bảo Xuyên Thanh gặp anh ngay; thứ ba, kiên quyết không gây đụng độ với Trương Hoàng, đề phòng mâu thuẫn thêm gay gắt.

Cát Hồng nói, “Nhất định anh Thanh trốn ở đâu rồi, anh ấy liên tục hút thuốc, vắt óc suy nghĩ, cảm thấy có thể nắm vững mọi chuyện rồi mới xuất hiện, làm ra vẻ không có chuyện gì”. Hồ Bằng vờ như không hiểu, hỏi chị trước đây đã bao giờ Xuyên Thanh có những chuyện tương tự. Cát Hồng cười không tự nhiên, vẻ mặt buồn rầu. Dọc đường về, Hồ Bằng nhớ đến cái vẻ buồn của Cát Hồng, anh nhấn ga, cười thầm Xuyên Thanh gặp toàn chuyện rủi ro. Đến trưa, Xuyên Thanh gọi điện cho Hồ Bằng, hẹn anh cùng Cát Hồng chờ Trương Hoàng. Trong tình huống đó Hồ Bằng không muốn bị giật dây, anh nói dối, rất xin lỗi, phải cùng ăn cơm với mấy người bạn ở tòa án và sở công an, chỉ đồng ý gặp nhau vào chiều nay. Thấy Hồ Bằng không đến, Xuyên Thanh hoang mang, từ nịnh bợ chuyển sang cầu khẩn: “Anh đây có chuyện khó xử, chú mày đến giúp một tay, tốt nhất gặp nhau trước một giờ chiều, giúp tớ nhé”. Hồ Bằng rất khó xử, nhưng vẫn đồng ý, cố tranh thủ gặp nhau trước một giờ ở nhà hàng ăn.

Hơn một giờ, Hồ Bằng đến nhà hàng ăn, Xuyên Thanh và Cát Hồng ngồi như tượng gỗ chờ anh. Xuyên Thanh vừa cạo râu, mặt xanh nhợt, thấy Hồ Bằng làm ra vẻ tự nhiên, đứng dậy chào anh.

Hồ Bằng để cái cặp da xuống, cười lạnh nhạt, hỏi Xuyên Thanh: “Anh có làm chuyện gì không đúng? Cứ nói thật với chị ấy. Nếu không, tôi cũng không giúp gì nổi”. Xuyên Thanh nói: “Có thể chị ấy cũng không tin, Còn cậu thì tin mình chứ? Trong số bạn bè của cậu, tớ có coi là thành thật nhất không?”

Hồ Bằng nói: “Anh đã từng nói, người thành thật bụng không có rốn, tại sao bây giờ lại coi mình là người thật thà?”

Xuyên Thanh nói lảng sang chuyện khác để Hồ Bằng uống bia, Hồ Bằng không từ chối nổi, anh uống một cốc

Cát Hồng yêu cầu mãi Xuyên Thanh mới nói thật sự việc. Anh nói không trôi chảy, không muốn nói sai, giữ cho câu chuyện trước sau đúng như vậy.

Sự việc là thế này. Mạt chược đã kết thúc hơn một tiếng đồng hồ, có một phụ nữ cùng chơi tên là Hạ Tiểu Huệ, chị ta bảo trước cửa nhà chị ta có một đoạn đường tối, nhờ Xuyên Thanh đưa về. Cát Hồng ngắt lời Xuyên Thanh, bảo hai người bày đặt mưu ma chước quỉ, có ý định từ trước. Hồ Bằng ngăn Cát Hồng, để Xuyên Thanh nói tiếp.

Xuyên Thanh nói, anh vẫn giữ vẻ nghiêm túc, đồng ý đưa chị ta về. Về đến nhà, chị ta bảo quên chìa khóa. Nhà chị ta mái bằng, có cái sân rất sâu, gọi cửa mãi mà không có người thưa, chị ta nói chồng ngủ say như lợn chết, có gọi đến sáng cũng không dậy mở cửa. Anh đề nghị chị ta ra nhà trọ ngủ nhờ, chị ta bảo cả đời không biết nhà trọ thế nào, chỉ sợ không sạch sẽ.

Chị ta cầu khẩn Xuyên Thanh, bảo chỉ một lúc nữa là trời sáng, trời sáng thì không sợ. Xuyên Thanh bảo anh ta nhẹ dạ, đồng ý với chị ta.

Không thể đứng một chỗ chờ trời sáng, hai người đi, bất giác ra đến bờ đê. Trên đê trăng rất đẹp, chị ta lôi anh sang bờ bên kia, bảo bên kia cảnh trăng nước về đêm rất đẹp, đậm chất thi họa. Sang đến bờ bên kia hai người không thấy cảnh đẹp đâu, ngồi nói chuyện buổi đánh bài hồi tối vừa rồi. Ngồi trên đê mệt mỏi, anh để chị kia tựa vào lưng, lại nói chuyện vớ vẩn cho đến trời sáng. Anh đưa chị ta về nhà rồi ra phố ăn mì và đi làm. Đến cơ quan, anh vào phòng lưu trữ tìm tư liệu và tắt máy điện thoại. Anh không biết tại sao lại có chuyện ấy, chuyện ồn ào không đâu.

Cát Hồng lớn tiếng hỏi: “Anh nói thật đi, anh có làm chuyện bậy bạ gì với cái cô Huệ kia không?”.

Xuyên Thanh cáu: “Lại thế rồi, tôi đã nói cả chục lần, không là không!”

“Có ma mới tin được! Chắc chắn cái con kia là đồ đĩ thõa, là thứ hư đốn. Một trai một gái, lửa gần rơm mà lại bảo không có chuyện gì?”

Xuyên Thanh cứng họng, không biết phải giải thích thế nào, anh uống bia, hút thuốc, rồi nói một câu mà Hồ Bằng cũng thấy khó hiểu: “Tôi có làm chuyện xấu không? Cô không phải không biết người tôi thế nào?”

Cát Hồng không đôi co với Xuyên Thanh, nhưng vẻ mặt chị rất khó coi. Hồ Bằng hỏi chị, có nghĩ Xuyên Thanh làm chuyện ấy với chị kia? Cát Hồng không nói gì, chị nghiêng người, đầu quay về một phía.

Hồ Bằng nói với giọng dạy dỗ: “Chuyện ấy, nghĩ là có, nhưng không có vẫn là không; nghĩ là không có, có vẫn là có”.

Sắp đến hai giờ, Hồ Bằng bảo Cát Hồng về bãi đỗ xe đón Trương Hoàng, anh sẽ bàn với Xuyên Thanh, sẽ đến đấy sau.

***

Cát Hồng vừa đi, Hồ Bằng bảo Xuyên Thanh nói thật. Vậy là Xuyên Thanh nói hoàn toàn khác.

Xuyên Thanh thừa nhận đêm hôm qua có quan hệ với Tiểu Huệ, lần đầu tiên quan hệ.

Anh bảo, đã quen Huệ từ trước, cô ta mua một gian hàng trong Trung tâm thời trang, gian hàng đang trong quá trình sửa sang, trang trí. Anh không nói đến quan hệ thầy trò trước đấy, càng không nói sau khi giảng bài anh cố tình đi tìm học sinh, chỉ nói hai lần chơi bài mạt chược với cô ta. Anh khen, Huệ là con người tình cảm, đọc toàn sách văn học nổi tiếng, nói năng không dung tục, nhìn nhận sự việc rất có chính kiến. Hai người thích nhau, Huệ bảo Cát Hồng là người đàn bà chợ búa, Xuyên Thanh nói Trương Hoàng chồng cô ta là đồ bỏ, không làm được việc gì.

Lên đê ngắm cảnh trăng nước là do Xuyên Thanh khởi xướng. Tại sao phải làm như vậy, Xuyên Thanh có lý do riêng: “Một cảm giác bất ngờ, Huệ làm tôi hưng phấn”. Sợ Hồ Bằng không hiểu, Xuyên Thanh nói thêm, mấy tháng nay anh không sao có hứng với Cát Hồng, anh nghĩ rằng mình có bệnh. Cho dù Huệ có thể khiến anh hưng phấn, anh cũng muốn thử xem công lực của mình có còn nữa không. Hồ Bằng cười to, lúc này anh mới hiểu, vừa rồi Xuyên Thanh khăng khăng nói với Cát Hồng nguyên nhân mình không làm chuyện xấu xa.

Có phải vì động cơ ấy mà Xuyên Thanh có quan hệ với Huệ? Hồ Bằng không tin nổi.

Xuyên Thanh và Huệ rất giàu tình cảm, trong cảnh trăng nước đã không giữ nổi mình, không thể nói rõ ai ôm ai trước, anh ôm hôn Huệ đến lả người, ngả vào gốc cây mới dừng lại nổi. Hai người dựa vào gốc cây quan hệ lần thứ nhất, lần thứ hai Xuyên Thanh cởi áo trải lên thảm cỏ. Huệ rên rỉ vô tư khiến ông lão canh cá bên bờ hồ phải soi đèn pin nhìn họ hồi lâu. Hai người say sưa, quấn chặt lấy nhau, trời sáng lúc nào không biết. Xuyên Thanh đưa Huệ về, chồng cô ta bắt gặp ở cổng. Xuyên Thanh lên xe đạp chuồn thẳng, không phải là chuyện bắt tại trận.

Xuyên Thanh cho rằng chuyện này có thể xóa sạch. Hồ Bằng nói: “Không đơn giản thế đâu, ăn trái táo còn cái hột, anh bảo không ăn táo mà phải xử lý cái hột”. Anh hỏi Xuyên Thanh buổi tối cùng với Huệ hạnh phúc đến độ nào, Xuyên Thanh vẻ mặt đau khổ, nói một câu: “Cậu chỉ thấy kẻ cắp ăn thịt mà không thấy kẻ cắp chịu tội”. Anh thở dài, vẻ hối hận. Hồ Bằng nói, không phải anh vô cùng hâm mộ Huệ, Xuyên Thanh chỉ muốn người con gái này không bị đau khổ. Anh hỏi Xuyên Thanh có xé áo quần của Huệ không, có dứt đứt cúc của cô ta không. Xuyên Thanh nói, áo quần là do Huệ chủ động cởi, lúc ấy anh lúng túng không cởi nổi nịt vú, mà do chính cô ta cởi ra. Lúc chia tay hai người còn chỉnh lại áo quần cho nhau.

Hồ Bằng suy nghĩ rồi nói: “Nếu là cưỡng hiếp thì phức tạp lắm, theo anh nói thì không phải. Nhưng Trương Hoàng phát hiện vợ cả đêm không về lại đi với Xuyên Thanh, chắc chắn anh ta hỏi hai người đã làm gì. Nếu cô ta thừa nhận đã làm gì, nhất định anh chồng rất mong vợ bị cưỡng hiếp, cho dù bản thân không tin nổi, đó là cách sĩ diện nhất cho mình một cái lý. May mắn Trương Hoàng không chứng minh được Xuyên Thanh đã cưỡng hiếp, nếu như vậy anh ta đã báo công an rồi”.

Hồ Bằng phân tích, chiều nay Trương Hoàng hẹn gặp Xuyên Thanh ý đồ không ngoài hai điểm: thứ nhất, buộc Xuyên Thanh phải thú nhận đã cưỡng hiếp vợ anh ta; thứ hai, đòi Xuyên Thanh phải nói gì đó với anh ta. Hồ Bằng đoán, Xuyên Thanh phải chịu đau da thịt, có thể còn có một bọn đi cùng Trương Hoàng, như vậy lúc anh ta nóng lên có thể Xuyên Thanh bị đánh.

Xuyên Thanh rất sợ bị đòn, giống như trẻ con sợ tiêm đã cởi quần chờ cảm giác kia. Hồ Bằng cho rằng, Xuyên Thanh bị đánh là điều không tránh khỏi, trước mặt Trương Hoàng không nhận cũng bị đánh, coi như nói dối; thừa nhận cũng bị đánh, vì làm chuyện xấu xa với vợ người khác cho nên phải trả giá. Còn bị đánh đến mức nào thì không lo. Nhẹ có cái tốt của nhẹ, nặng có cái tốt của nặng, thông gian là phi pháp nhưng không phạm pháp, nhưng tổn thương đến một mức độ có thể kết tội, cho dù bị thương nhẹ cũng là vi phạm trật tự trị an, sẽ bị xử phạt. Cho nên Hồ Bằng động viên Xuyên Thanh cứ để Trương Hoàng đánh, thậm chí bố trí để anh ta ra tay, gây tổn thương sẽ đi trình báo công an, bị động sẽ biến thành chủ động. Xuyên Thanh rất lo, chuyện này dù sao đi nữa cũng không thể để bung to, tổ chức biết coi như xong đời.

Hồ Bằng lấy ra cái máy ghi âm nhỏ, hướng dẫn Xuyên Thanh cách sử dụng, dặn anh cố gắng dụ Trương Hoàng nói ra ý đồ của anh ta, chỉ cần nhắc đến tiền sẽ cấu thành nghi can tống tiền. Hễ để lại bằng chứng dù phải xử lý cách nào cũng tốt. Điểm này thì Xuyên Thanh đồng ý.

Thấy đèn nguồn điện của máy ghi âm trên túi áo Xuyên Thanh sáng, Hồ Bằng lấy chút kẹo cao su đang nhai dính lên đấy để che lấp.

***

Trương Hoàng không đem theo người, anh ta đến một mình, vẻ mặt nhăn nhó khó coi. Anh ta vào văn phòng rồi bảo người khác ra ngoài, và đóng chặt cửa.

Hồ Bằng và Cát Hồng ở phòng bên cạnh. Chừng năm mươi phút sau, Trương Hoàng giận dữ đùng đùng đi ra, Xuyên Thanh không theo ra, Hồ Bằng và Cát Hồng sợ có chuyện gì, vội chạy vào.

Xuyên Thanh ngồi trên cái ghế gỗ, tay bưng bên trái mặt: “Bị hắn đánh hai cái, tớ đánh trả, hắn không dám làm gì nữa”. Cát Hồng xót cho chồng, vội hỏi bị đánh có đau không, có cần phải đi bệnh viện không. Hồ Bằng muốn biết ngay hai người đã nói những gì, cuối cùng tình hình như thế nào.

Xuyên Thanh vì còn đau, nói năng khó khăn, anh chậm rãi thuật lại đầu đuôi câu chuyện.

Trương Hoàng lấy giấy bút ra, bắt Xuyên Thanh phải thuật lại quá trình cưỡng hiếp Tiểu Huệ. Xuyên Thanh nhắc đi nhắc lại không có chuyện cưỡng hiếp, cũng không làm gì với cô ta. Xuyên Thanh hỏi Trương Hoàng, phải chăng bịa chuyện. Nhân lúc Xuyên Thanh không để ý, Trương Hoàng tống vào mặt Xuyên Thanh một quả đấm, dọa đấy là nhẹ đòn, không nói thật sẽ bị ăn đòn nặng hơn. Xuyên Thanh bảo đây là hành động bức cung tại nhà riêng, Trương Hoàng hỏi đây là chỗ nào, nhà riêng của ai, nói xong anh ta lại tống thêm một đấm nữa. Xuyên Thanh nói, không dễ gì bắt nạt được anh, anh đứng dậy đánh lại, vậy là Trương Hoàng không dám làm gì nữa.

Hồ Bằng ngắt lời Xuyên Thanh, hỏi có tường thuật lại sự việc hay không, Xuyên Thanh đành phải nói: “Không viết mà được à?”. Hồ Bằng vội hỏi viết thế nào? Cát Hồng cũng hồi hộp căng thẳng, nói thà ngã trên đống phân còn hơn ngã trên trang giấy.

Hồ Bằng nói: “Ngã trên trang giấy cũng không sợ. Đó là bằng chứng phi pháp, không có hiệu lực”. Xuyên Thanh nhìn Cát Hồng: “Tớ viết đúng như vậy, đúng như cậu hướng dẫn, không sai chút nào. Mình thực sự cầu thị, sợ gì?”

Trong bữa ăn tối, mọi người cùng phân tích tình thế. Hồ Bằng nói, nhất định Trương Hoàng cầm tờ giấy Xuyên Thanh viết đi tìm luật sư, nếu có tác dụng sẽ đem trình báo công an coi như bằng chứng. Như vậy không sợ, chỉ sợ đem tờ giấy đó đi tra khảo Tiểu Huệ, nếu cô ta không vững, nói lung tung thì rắc rối to. Xuyên Thanh lộ vẻ sợ hãi, giẫm lên chân Hồ Bằng ra hiệu, thấy Cát Hồng anh vẫn ra vẻ bình tĩnh: “Cô ấy nói gì, chả nhẽ bôi xấu tớ? Phỉ báng người khác cũng phải ngồi tù đấy”.

Nội dung cuộc nói chuyện giữa Xuyên Thanh và Trương Hoàng được ghi vào băng từ sáu mươi phút, trước lúc ra về, thấy không có Cát Hồng, Hồ Bằng đòi lại máy ghi âm. Xuyên Thanh đưa cho anh cái máy ghi âm không có băng từ, anh bảo sẽ mua một cuộn băng để đền cho Hồ Bằng. Hồ Bằng không bằng lòng, cảm thấy Xuyên Thanh cố tình giấu giếm, không muốn tiết lộ nội dung buổi nói chuyện, đồng thời cũng chứng minh Xuyên Thanh không tin ở Hồ Bằng. Hồ Bằng hỏi có cần mua một cái máy ghi âm để nghe cuộn băng ấy không, Xuyên Thanh vội lấy thuốc lá nhét vào miệng Hồ Bằng.

Xuyên Thanh dặn khẽ Hồ Bằng đừng để lộ chuyện với vợ anh ta, không cho biết nội dung câu chuyện. Anh dặn, trong vài ngày tới Hồ Bằng đừng tắt điện thoại di động, cố suy nghĩ giúp anh giải quyết chuyện này, thậm chí nói “giúp người anh em”, câu nói không nói bao giờ.

Hôm sau Hồ Bằng gọi điện cho Xuyên Thanh. Cát Hồng nhận điện, chị nói Xuyên Thanh đang ngủ, nhưng không nói đêm hôm qua hai người có chuyện gì. Hai đêm liền Xuyên Thanh không ngủ, đến tận sáng Cát Hồng thấy sắc mặt anh không bình thường mới để anh ngủ, lúc này anh đang ngáy rung chuyển cả núi.

Hồ Bằng hỏi, chuyện của Xuyên Thanh có thêm gì không. Cát Hồng nói vẫn chưa, chị đã tìm hiểu tình hình Tiểu Huệ, biết cô ta thuê gian hàng trong Trung tâm thời trang. Sáng nay chị đi xem, thấy một cô gái ngồi trong cửa hàng, đó là chị của Tiểu Huệ.

Hồ Bằng bảo Cát Hồng đến đấy tìm Tiểu Huệ, làm như gây chuyện, để chị cô ta tin lại cho cô ta biết, nhưng đừng làm gì quá mức.

Cát Hồng đang lúc tức giận, chị đi ngay, gào lên bảo Tiểu Huệ bán …, đòi rạch mặt cô ta. Thấy Cát Hồng chửi bới om xòm. Chị của Tiểu Huệ không nói gì. Chửi bới một lúc, Cát Hồng bỏ đi với vẻ mặt quyết không tha tội.

Cửa hàng của Tiểu Huệ vội đóng cửa. Xuyên Thanh bị Cát Hồng dựng dậy, thấy vợ dương dương tự đắc chợt bồn chồn. Nghe chị nói đã đến cửa hàng của tiểu Huệ chửi cho cô ta một trận, anh trách vợ không tỉnh táo. Cát Hồng bất đắc dĩ nói lại với chồng, chuyện là do Hồ Bằng gợi ý.

Xuyên Thanh gọi điện cho Hồ Bằng hỏi xem anh đã gợi ý những gì, có dẫn lửa đốt mình, khiến sự việc thêm phức tạp không.

Hồ Bằng đã chuẩn bị sẵn sàng, bảo đấy là cách để làm cân bằng sự việc. Anh hỏi Xuyên Thanh, Tiểu Huệ đang gặp khó khăn, người quan tâm nhất đối với anh là ai, ai là người có thể làm cho sự việc lớn hóa nhỏ, nhỏ hóa không còn? Xuyên Thanh nói ngay, đó là Trương Hoàng. Để chứng minh quan điểm của mình, anh nói, Tiểu Huệ bảo với anh Trương Hoàng rất yêu cô ta.

Hồ Bằng thở dài: “Ngốc! Ngốc! Ngốc ạ!”. Xuyên Thanh hỏi: “Đấy là ai? Là tớ à?”.

Hồ Bằng cảm thấy buồn cười, anh nghĩ con người kém thông minh như thế tại sao có thời kì làm Tổng biên tập một tờ báo. Anh không muốn nói thêm, nhưng không chịu nổi câu hỏi của Xuyên Thanh, đành phải nói, đấy là cha Tiểu Huệ, ông Hạ Vinh Phát, Giám đốc xưởng gia công sản phẩm trứng, đã nghỉ hưu.

Hồ Bằng nói, biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề hiện tại là nhờ ông Phát, bố vợ của Trương Hoàng đứng ra thu xếp mọi chuyện. Muốn để ông Phát đứng ra phải có người đến gặp ông, người này phải quen ông Phát, nhưng không quen thân. Người quen biết sẽ khiến ông tin cậy, có cảm giác an toàn. Việc không quen thân có cái đặc thù, đó là cách tiếp xúc sâu, đề cập đến chuyện riêng của gia đình, có liên quan đến vinh nhục của một người suốt đời coi trọng sĩ diện. Ông Phát giống như những người già khác, sợ gia đình gặp chuyện bất hạnh, cũng sợ ảnh hưởng đến thanh danh, kị nhất những việc xấu xa và rất sĩ diện.

Xuyên Thanh hỏi Hồ Bằng đã chọn được ai chưa, Hồ Bằng trả lời vẫn chưa.

Buổi chiều Xuyên Thanh mời Hồ Bằng đi tắm hơi, đem biếu anh cái máy điện thoại di động Samsung màn hình màu giá ba nghìn đồng, nói việc của anh giải quyết xong sẽ còn hậu tạ.

Từ bể tắm vào phòng nghỉ, Xuyên Thanh lòng trĩu nặng đưa mời thuốc Hồ Bằng đang vờ động não suy nghĩ. Hồ Bằng được nịnh nọt kể ra một đống người có quan hệ với ông Phát có thể làm thuyết khách, Xuyên Thanh không quen một ai.

Xuyên Thanh không chú ý, đành nói: “Đấy là ý định của cậu, cậu cứ hành động. Chuyện này tớ dựa hẳn vào cậu. Không tìm được ai thì cậu đứng ra làm”. Nói xong, anh vỗ đùi, tưởng như phát hiện ra một lục địa mới: “Cậu, không ai thích hợp hơn cậu!”.

Hồ Bằng lắc đầu, để Xuyên Thanh suy nghĩ thêm. Xuyên Thanh nói không cần nghĩ thêm, trừ Hồ Bằng ra không còn ai khác.

Thấy Xuyên Thanh khẩn cầu, Hồ Bằng đồng ý. Anh bảo, đến gặp ông Phát phải có chút quà, biếu thuốc bổ là thích hợp nhất, như vậy cũng tỏ ra kính trọng người già. Xuyên Thanh dễ dàng đồng ý, ngay buổi tối anh đưa đến nhà Hồ Bằng một đống thuốc bổ các loại.

Hồ Bằng bảo Xuyên Thanh để đấy rồi về đi, tối nay anh không xem truyền hình, ngày mai gặp nhau sẽ nói chuyện.

Một lúc sau Xuyên Thanh quay lại, tay cầm cây thuốc, nói: “Cậu phải động não, hút nhiều thuốc”. Hồ Bằng không khách khí, nhận cây thuốc.

***

Đến gặp ông Phát vào lúc ba giờ chiều. Khoảng thời gian đó người già thường rỗi rãi, ra mở cửa là mẹ của Tiểu Huệ. Hồ Bằng nói đến gặp ông Phát, Giám đốc cũ.

Ông Phát đang ở trong nhà nghe nói có người gặp, liền ra đón khách. Bây giờ ít có người đến tìm ông, ông nghĩ người của đơn vị cũ đến. Ông thấy một người lạ, trên tay cầm một gói quà, ông ngớ ra, thăm dò một lúc rồi mới mời khách vào nhà. Có thể vì Hồ Bằng ăn mặc tề chỉnh, tay cắp cặp da, ông Phát nghĩ đây là một cán bộ.

Khách đã ngồi, ông hỏi: “Anh là ai, ở xưởng đến à?”. Hồ Bằng tươi cười: “Thưa bác, trước đây cháu làm trong ngành thực phẩm, bây giờ đã sang cơ quan khác rồi ạ”. Ánh mắt ông Phát tỏ ra kính phục, “ồ” lên một tiếng.

Mẹ Tiểu Huệ mời Hồ Bằng nước trà rồi bà đi ra ngoài. Ông Phát nói, bà lão nhà tôi rất hiểu qui tắc, chỉ cần tôi bàn công chuyện là bà ấy không góp chuyện.

Thấy ông Phát vẫn cái vẻ còn công tác, Hồ Bằng khom người đưa ông tấm danh thiếp. Ông đeo kính nhìn, thấy danh thiếp in Hồ Bằng là thư kí của văn phòng Sở Tài nguyên, ông nhìn anh qua lớp kính lão. Hồ Bằng lập tức tươi cười, nói: “Thưa bác, cháu đến có chút việc riêng, làm phiền bác giúp đỡ”.

Ông Phát thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn còn nghi hoặc nhìn anh.

Hồ Bằng nói, có anh bạn tên là Thanh nhờ, ông Phát nghe nói, ngồi không yên “Anh ta ngượng, nhờ anh đến tìm tôi à? Không nói chuyện, không nói chuyện với anh!”. Nói xong, ông hỏi Hồ Bằng tại sao lại có người bạn hư đốn như vậy.

Hồ Bằng dọn giọng, nói: “Bác không hiểu anh ấy, anh ấy là con người giỏi giang, cũng là cán bộ như bác. Thưa bác, làm người cũng khó tránh khỏi sai lầm, ấy là chuyện với cô Huệ nhà ta, cháu thay mặt anh ấy đến thưa chuyện với bác, mong được bác tha thứ”.

“Đây không phải là chuyện tha thứ, anh ta phạm tội. Anh có biết anh ta làm gì con gái tôi không?”

“Cháu đã tìm hiểu kĩ sự việc, có cảm giác chuyện này liên quan đến vấn đề tác phong sinh hoạt tình cảm. Xin bác đừng bị kích động, hãy nghe cháu nói. Cháu làm công tác luật pháp ở Sở Tài nguyên, chuyện của anh Thanh và cô Huệ, hiểu biết nghề nghiệp và kinh nghiệm bảo với cháu, việc này không cấu thành tội cưỡng dâm. Có thể bác cũng đã hỏi cơ quan tư pháp rồi”.

“Chúng tôi chưa hỏi, nếu cần sẽ hỏi” - ông Phát có phần đuối hơi, nói năng cũng yếu.

“Vâng ạ, anh Thanh là bạn của cháu. Nếu anh ấy thật sự phạm tội thì cháu không ngồi đây với bác để cầu xin, cháu sẽ đưa anh ấy đến công an đầu thú, những mong được khoan hồng. Cháu nói chuyện của anh ấy và cô Huệ là vấn đề tình cảm, điều này có căn cứ. Cô Huệ là con gái của bác, là người con gái gia giáo và cũng được giáo dục tốt. Cô ấy và anh Thanh tiếp xúc với nhau bắt đầu từ tình cảm”.

“Con gái tôi và con rể tôi sống với nhau rất tốt, đã có con. Cuộc sống vốn bình yên bị cái nhà anh Thanh ấy quấy nhiễu. Tôi không dám nghĩ hậu quả sẽ là gì”.

“Anh Thanh là con người sống có trách nhiệm, anh ấy sẵn sàng chịu mọi hậu quả, anh ấy cũng đã nói với cháu về những suy nghĩ của mình”.

“Sự việc đến nước này rồi, thử hỏi anh ấy chịu hậu quả thế nào? Nếu con gái tôi chưa có gia đình, anh ấy bảo sẽ lấy nó, tôi còn có thể tin được. Bây giờ anh ấy bảo chịu hậu quả như cách dỗ ngọt đứa trẻ lên ba vậy”.

“Bác chưa biết đấy ạ, cô Huệ và anh Thanh về tình cảm có tiếng nói chung, nếu không sẽ không đến nước này”.

“Tôi mong anh có bằng chứng, xin đừng suy nghĩ không căn cứ”, ông Phát gào to.

“Thưa bác, cháu không nói không. Cô Huệ nói với anh Thanh cô ấy muốn li hôn. Nếu không tin bác cứ hỏi riêng cô ấy”.

“Gia đình tôi không cho phép có những sự việc ấy, nếu nó nói với tôi, tôi sẽ đoạn tuyệt quan hệ cha con với nó”.

“Bây giờ thanh niên xử lý vấn đề hôn nhân và gia đình rất không lý trí. Anh Thanh bảo nếu cô Huệ đến nước ấy, anh ấy rất có thể đi với cô ấy”.

“Nói dối! Đã làm chuyện đốn mạt còn định phá hoại gia đình người ta, không còn ra giống người!”

Thấy ông Phát nổi nóng, Hồ Bằng không nói gì, sự việc phát triển theo dự đoán của anh. Anh mời thuốc ông Phát, ông kiên quyết mời anh hút thuốc của ông, ông đứng dậy pha thêm nước vào cốc trà của Hồ Bằng.

Cuộc nói chuyện lặng đi một lúc, Hồ Bằng nói với giọng cảm khái: sự việc đã dồn đẩy Xuyên Thanh và cô Huệ đi theo một con đường, tức là cả hai cùng li hôn. Trương Hoàng thúc ép Huệ, Xuyên Thanh bị Cát Hồng thúc ép.

Nhắc đến Cát Hồng, ông Phát nói với Hồ Bằng, chị ta đến cửa hàng của Huệ để gây sự, còn định tìm nó để tính nợ. Đấy là cố tình khiêu khích, là cách đưa Xuyên Thanh vào tù. Chị gái của Huệ về nói lại việc Cát Hồng đến cửa hàng gây sự, chị cho rằng công việc sửa chữa, trang trí, bị tổn thất. Chuyện này ông Phát không nói lại với Trương Hoàng, sợ rằng sẽ rối như canh hẹ.

Ông Phát thẳng thắn bày tỏ lo lắng cho Cát Hồng. Hồ Bằng đồng ý với quan điểm của ông Phát, cho rằng Cát Hồng và Trương Hoàng là nạn nhân của chuyện này, trong tình trạng tình cảm bị kích động đã làm những chuyện quá khích, hậu quả khó lường, càng phải làm tốt công tác tư tưởng đối với họ.

Ông Phát đưa cho Hồ Bằng một điếu thuốc, có thể để bầu không khí hòa dịu, ông chuyển sang chuyện của Hồ Bằng, hỏi anh đã từng đi kiện bao giờ chưa, kiện loại án nào nhiều. Hồ Bằng nói, ra tòa tham gia các vụ kiện như cơm bữa, nhiều nhất là các vụ án hôn nhân, gia đình, tức là án li hôn. Anh nói, li hôn bây giờ dễ như thay áo, li hôn có lý do, li hôn không lý do. Anh đã từng tham gia hơn hai trăm vụ li hôn, khiến anh sợ nghề luật sư, anh muốn làm luật sư ở các văn phòng tư vấn luật. Nạn nhân thật sự của các vụ li hôn chính là con cái những cặp vợ chồng ấy, chúng sẽ trưởng thành không lành mạnh trong những gia đình tan vỡ. Hồ Bằng kể ra mấy vụ điển hình cho ông Phát nghe.

Hình như câu chuyện đi quá xa chủ đề, nhưng thật ra không phải vậy. Hồ Bằng cảm thấy những vụ li hôn anh vừa kế đã làm cho ông Phát không yên tâm, ông đứng dậy đi vào nhà trong một lúc. Hồ Bằng có phần sốt ruột, trời đã tối, đã đến lúc phải ra về, nhưng câu chuyện vẫn chưa đi vào nội dung thực chất, không đến nỗi ngày mai phải quay lại chứ? Nếu như vậy rất khó nắm được tình hình, cái gọi là đêm dài lắm mộng.

Ông Phát đứng dậy, muốn nói chuyện khác: “Không nói nữa. Chúng ta ăn cơm, uống với nhau vài chén”.

Nghe nói được mời ở lại ăn cơm, Hồ Bằng biết câu chuyện sẽ có cửa, nhưng miệng vẫn từ chối: “Tại sao lại thế ạ? Cháu đến quấy rầy bác là quá rồi, bác lại còn khách khí, cháu không biết nói sao. Hay là cháu mời bác tìm một tiệm ăn nào đó?”

“Anh nói gì mà lạ vậy, lần đầu tiên đến thăm tôi, tôi cứ muốn có những người bạn như anh. Anh là con người có tình có lý, rất hợp với tính tôi. Tôi làm lãnh đạo mấy chục năm, nhìn người đâu có sai”.

Trong bữa ăn, mới uống với nhau vài chén, không khí đã khác hẳn. Hồ Bằng đứng dậy chúc rượu, anh thay mặt Xuyên Thanh nhận lỗi với gia đình. Ông Phát bảo anh ngồi xuống, nói lúc này không nên đề câp chuyện không ích gì cho công việc, mà nên bàn xem xử lý sự việc thế nào cho ổn. Ông hỏi Hồ Bằng liệu có thể toàn quyền đại diện cho Xuyên Thanh không. Hồ Bằng nói, về chuyện này Xuyên Thanh hoàn toàn ủy quyền cho anh, toàn quyền nói hay làm bất cứ việc gì.

Nghe nói vậy, ông Phát bày tỏ ý kiến của mình: “Về việc này, thứ nhất phải kiểm soát được sự việc, đây là vấn đề lớn, anh Hoàng không được làm ầm ĩ, Cát Hồng không được làm ầm ĩ, bất cứ bên nào làm ầm ĩ cũng sẽ gây bất ổn; thứ hai, anh Thanh phải nhận sai, phải bảo đảm từ nay về sau không được đến với cái Huệ nhà tôi, sự việc đến đây chấm dứt, không được sai lầm thêm nữa, như vậy sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường”.

Hồ Bằng nói, để làm được hai chuyện đó vấn đề không lớn. Thấy ông Phát không đồng ý, anh nói lại chắc chắn không có vấn đề gì. Anh nói ra cách nhìn của mình: “Hai việc này rất thấu tình đạt lý, anh Thanh và chị Hồng không có lý do gì mà không thực hiện. Hơn nữa còn có cháu trong đó, có điều gì sai sót cháu sẽ nói chuyện với anh Thanh, như vậy cháu tuyệt đối đứng về phía bác. Nhưng đối với Hoàng liệu có thể làm được hay không khiến cháu lo lắng, đó là điểm mấu chốt có liên quan đến thành bại của sự việc”.

Ông Phát nói: “Tôi sẽ làm việc với anh Hoàng, anh yên tâm. Anh Bằng, tôi hỏi anh, làm thế nào để bảo đảm những việc này được thực hiện? Chỉ nói miệng không được, phải viết ra giấy để rồi thực hiện”.

Hồ Bằng hiểu ý đồ của ông Phát, Xuyên Thanh bày tỏ thái độ có thể viết cho ông Phát một giấy bảo đảm, nhưng không để cho Xuyên Thanh viết, có thể bồi thường cho Trương Hoàng từ năm nghìn đến mười nghìn, chỉ cần giải quyết xong việc. Chỉ sợ sự việc bung to, không thể để sự việc đồn đến khuôn viên cơ quan chính quyền. Hồ Bằng biết nông sâu, anh nói với ông Phát: “Để anh Thanh viết giấy bảo đảm cũng không được, nhưng thực hiện là việc của cả hai, hay là đổi sang cách công bằng khác”. Ông Phát rất sảng khoái: “Vậy phải viết bản thỏa thuận, mục đích là để ràng buộc hai bên”.

Ăn xong, bà mẹ Tiểu Huệ thu dọn bàn. Theo ông Phát, sau khi xảy ra sự việc Huệ về nhà mẹ đẻ, lúc này cô đang ở trong một căn phòng nào đó mà không chịu lộ mặt. Hồ Bằng muốn gặp cô, anh có cảm giác hiếu kì, được gặp cô sẽ rất thú vị.

Uống trà, hút thuốc xong, Hồ Bằng được ông Phát yêu cầu thảo bản thỏa thuận. Hai người bàn bạc kĩ lưỡng, bản thỏa thuận như sau.

Bản thỏa thuận

Mạnh Xuyên Thanh và Hạ Tiểu Huệ nảy sinh quan hệ tình cảm. Nay hai bên đã được thân hữu làm công tác tư tưởng, Xuyên Thanh chủ động nhận sai lầm, chịu trách nhiệm chính. Mạnh Xuyên Thanh (dưới đây gọi tắt là bên A) và Hạ Tiểu Huệ (dưới đây gọi tắt là bên B) được sự giúp đỡ của thân hữu làm thành bản thỏa thuận dưới đây để cùng tuân thủ.

Bên A và bên B phải ứng xử đúng đắn với sự việc đã xảy ra, tuyệt đối không tái phạm sai lầm tương tự; yêu quí gia đình, trung thực chấp hành nghĩa vụ vợ chồng;

Bên A không được tiếp xúc bên B với bất cứ danh nghĩa và lý do nào, không được quấn quýt bên B, bên B cũng như vậy;

Cát Hồng vợ của bên A đe dọa và nhục mạ bên B là phi pháp, bên A phải bảo đảm không được tái diễn. Bên B giữ quyền truy cứu trách nhiệm pháp luật đối với hành vi phạm pháp của Cát Hồng;

Hai bên A, B và thân hữu của hai bên có trách nhiệm giữ bí mật chuyện này, bên nào tiết lộ và lan truyền sự việc hoặc phát biểu bình luận đều bị coi là hành vi phi đạo đức, phải chịu trách nhiệm về mặt luật pháp do hậu quả gây ra.

Người bảo lãnh và theo dõi giám sát việc thực hiện thỏa thuận này, bảo đảm bên A chấp hành nghiêm chỉnh.

Thỏa thuận này được làm thành ba bản, hai bên A và B cùng người bảo lãnh giữ một bản, có hiệu lực kể từ ngày kí (Ghi chú: bên B ủy quyền cho bố là ông Hạ Vinh Phát kí, bảo đảm chữ kí không ảnh hưởng hiệu lực thỏa thuận)

Bên a (kí tên)

Bên B (kí tên)

Người bảo đảm (kí tên)

Ngày… tháng… năm…

Viết xong thỏa thuận, Hồ Bằng và ông Phát bàn bạc cố gắng sớm xử lý sự việc. Họ hẹn nhau chín giờ sáng ngày kia Hồ Bằng sẽ đưa Xuyên Thanh đến nhà ông Phát để kết thúc sự việc. Ngoài việc Xuyên Thanh kí vào bản thỏa thuận, ông Phát còn muốn nói chuyện với anh. Ông Phát đưa Hồ Bằng ra cửa, Hồ Bằng cố tình kiếm chuyện hàn huyên, anh bảo để nói với Cát Hồng có khó khăn, chị ta không nghe lẽ phải. Ông Phát cũng nói, làm việc với con rể ông cũng không đơn giản, mọi người nói phải giữ lấy lời, chịu trách nhiệm với công việc.

Ông Phát bảo Hồ Bằng đem quà về, ông cảm thấy quà này là của Xuyên Thanh, ông không nhận quà của anh ta. Hồ Bằng nghĩ không phải nài ép, anh cầm về, dọc đường anh rẽ về nhà, đưa quà này biếu mẹ.

Lúc Hồ Bằng và ông Phát ngồi ăn cơm thì Xuyên Thanh gọi điện vào máy di động, anh phải xóa nhiều cuộc gọi nhỡ. Bây giờ thì anh mở máy, có ngay điện của Xuyên Thanh, anh ta sốt ruột hỏi kết quả. Hồ Bằng không vội, bảo đến mai sẽ nói. Xuyên Thanh nói đang đói, vẫn chưa ăn cơm, đề nghị tìm một nhà hàng nào đó để vừa ăn vừa nói chuyện. Hồ Bằng cười: “Khỏi cần, ông Phát đã mời tôi ăn rồi”. ”Đúng không?” Xuyên Thanh không dám tin, anh cảm thấy sự việc đã ổn, rất phấn khởi.

Lúc gặp nhau, Xuyên Thanh hỏi Hồ Bằng: “Ông Phát mời anh ăn cơm, đúng vậy không?”

Hồ Bằng kể lại mọi chuyện, nhấn mạnh anh đã nắm được tâm lý ông Phát, đã bịa ra câu chuyện quá trình yêu đương giữa Xuyên Thanh và Tiểu Huệ ra sao, để ông già phải nuốt quả đắng vào bụng. Trong lúc thuật lại câu chuyện Hồ Bằng còn tạo nên những pha hồi hộp giống như người kể chuyện vui, Xuyên Thanh nghe cứ ngớ ra.

Hồ Bằng lấy bản thỏa thuận từ trong cặp ra cho Xuyên Thanh xem, xem xong Xuyên Thanh rất vui. Hồ Bằng nói: “Anh được lợi nhé. Nếu sự việc không theo cách của tôi, nếu không thâm nhập địch hậu, vào hang bắt cọp, liệu anh có dễ chịu không?”. Xuyên Thanh luôn mồm cảm ơn, cầu xin Hồ Bằng không để thỏa thuận này cho Cát Hồng biết.

Hôm sau, Hồ Bằng hỏi Xuyên Thanh có đến nhà ông Phát không, sẽ do Hồ Bằng đạo diễn để sự việc kết thúc. Hồ Bằng cảm thấy Xuyên Thanh được đằng chân lân đằng đầu, nói: “Có đi hay không tùy anh, không chừng sáng ngày kia mình có việc bận”. Vừa nghe nói, Xuyên Thanh cầu cứu Hồ Bằng, nói anh nhất định đi.

Hồ Bằng nói với Xuyên Thanh, thỏa thuận chưa kí có nghĩa là sự việc vẫn chưa xong, không ai biết biến cố gì sẽ xảy ra, đến nhà ông Phát nếu làm ông ấy không vui cũng coi như hỏng việc. Anh gặp riêng ông Phát để diễn xong vai trò của mình, tiếp theo Xuyên Thanh phải sắm vai chính, nếu diễn không đạt coi như công cốc.

Được nhắc nhở, Xuyên Thanh bình tĩnh lại, cảm thấy muốn làm tốt sự việc phải chuẩn bị thêm, tập luyện lại. Đến đấy nói gì, làm gì, câu nào nên nói, câu nào không nên nói cũng phải chú ý, tuyệt nhiên không được đảo lộn.

***

Hồ Bằng đưa Xuyên Thanh đến đúng hẹn. Xuyên Thanh cố ý soạn sửa, mặc bộ đồ Tây hàng hiệu, thắt cà-vạt, đầu chải keo, chân đi giày da nhãn hiệu Đầu ông già bóng lộn, nách cắp cặp da.

Mẹ Tiểu Huệ ra mở cửa. Ông Phát không ra đón như hôm trước, mà ngồi chờ ở sofa phòng khách. Thấy Hồ Bằng ông tỏ ra khách khí, thân tình bắt tay. Xuyên Thanh cũng đưa tay ra bắt, ông Phát vờ không trông thấy, Xuyên Thanh đành quay người, ngượng ngùng rụt tay lại, lôi Hồ Bằng.

Hồ Bằng giới thiệu Xuyên Thanh: “Đây là anh Thanh, anh Mạnh Xuyên Thanh”. Xuyên Thanh biết ý, không đưa tay ra bắt, mặt tươi cười nịnh bợ chào ông Phát: “Chào bác, bác có khỏe không ạ?”.

“Tôi không khỏe, có anh tôi làm sao khỏe được?”

Không ngờ ông Phát lại như thế, Xuyên Thanh vội vàng: “Cháu xin lỗi, cháu xin lỗi!”.

Theo kế hoạch đã định, lúc này Xuyên Thanh phải chủ động tự giới thiệu, Hồ Bằng thấy Xuyên Thanh không nói, anh sốt ruột, đưa mắt nhìn Xuyên Thanh. Rất may Xuyên Thanh nhanh chóng hiểu ra, đưa mời thuốc mọi người rồi tự giới thiệu.

Xuyên Thanh nói, trước đây anh là giáo viên trung học, đã từng làm báo, bây giờ công việc rất ổn, tuy bị rơi xuống tận đáy, cũng không có cơ phát triển. Quan hệ vợ chồng không tốt, vợ sau khi mất việc phải đi vay để nhận thầu bãi đỗ xe. Nói đến quan hệ với Tiểu Huệ, anh bảo do không kiềm chế nổi tình cảm, nhưng không làm điều gì quá đáng, nghĩ đến hậu quả, anh đã chuẩn bị để gánh mọi trách nhiệm. Sau khi xảy ra sự việc có Hồ Bằng giúp đỡ, anh nhận ra đấy là sự việc nguy hại, biết phải xử lý chuyện này thế nào. Anh mong ông Phát tha thứ đồng thời bày tỏ quyết tâm sửa chữa sai lầm.

Ông Phát không tỏ thái độ ngay. Hồ Bằng rất sợ, mời ông Phát nói vài câu giúp đỡ Xuyên Thanh.

Ông Phát nhấp chút trà, đưa mắt nhìn Xuyên Thanh như để chuẩn bị.

“Tôi cũng chẳng có gì đáng nói. Nếu hôm trước tôi với anh Bằng không ngồi lại với nhau thì sự việc cũng không sóng lặng gió yên như hôm nay, tức là không phát triển theo chiều hướng tích cực”.

Hồ Bằng vội tán thành lời ông Phát: “Đúng, đúng! Đúng là bác Phát đã khống chế được tình hình, nếu không thì phiền to!”.

Ông Phát nhìn Xuyên Thanh, nói: “Nghe anh giới thiệu, biết anh là người của văn hóa, có thể là lãnh đạo, tôi không hỏi cũng biết. Người của văn hóa, người lãnh đạo phải có tố chất, không phải ai cũng làm lãnh đạo được. Tôi đã từng làm lãnh đạo, biết rõ các mối quan hệ, tác phong của một con người là vấn đề lớn. Tất nhiên xử lý tốt chỉ là chuyện nhỏ, xử lý không tốt trở thành vấn đề lớn. Bảo là vấn đề lớn là vì đàn bà, con gái có thể làm gián đoạn con đường tiến lên của anh. Các hoàng đế ngày xưa làm giang sơn đổ vỡ cũng vì đàn bà, khỏi phải nói anh. Nên nhớ các mối quan hệ vô cùng phức tạp, việc gì có thể làm, việc gì không nên làm. Chuyện của anh với con gái tôi cũng đơn giản. Anh nói đã nghĩ đến hậu quả, chuẩn bị chịu mọi trách nhiệm Anh đã nghĩ đến hậu quả gì chưa? Anh đã nghĩ đến hậu quả chết người chưa? Cô Huệ nhà tôi bốn ngày mười hai bữa không ăn uống gì, hôm nay phải đưa vào bệnh viện tiếp nước, tiếp nước đường. Anh đã gánh trách nhiệm gì chưa? Ngoài một sinh mệnh còn có hai gia đình, vợ, chồng, con cái. Hậu quả khôn lường”.

Ông Phát không nói tiếp được nữa, xem ra ông đau khổ vô cùng. Hồ Bằng nhìn Xuyên Thanh, thấy anh đang cúi đầu, vẻ mặt hối hận. Hồ Bằng vội nói: “Sau khi xảy ra sự việc, anh Thanh nhờ cháu đến xin lỗi bác và tìm cách giải quyết, mong được bác giúp đỡ. Theo ý của anh ấy, cháu đã thảo bản thỏa thuận, anh ấy hứa sẽ thực hiện đầy đủ. Bác thấy đấy, anh ấy đã chủ động kí tên vào bản thỏa thuận này rồi”. Hồ Bằng lấy từ trong cặp ra ba bản thỏa thuận.

Ông Phát đọc rồi nói: “Hôm qua tôi nghĩ lại, nên sửa mấy chữ. Phải ghi rõ trách nhiệm của anh vào đây”. Hồ Bằng cố làm ra vẻ không chú ý, nói: “Cháu không sợ trách nhiệm của mình nhiều hay ít, nhưng bản thỏa thuận này đã đóng dấu vào đây để tỏ rõ sự nghiêm chỉnh hơn”.

Ông Phát vào trong nhà đóng dấu tên mình, đưa cho Hồ Bằng và Xuyên Thanh mỗi người một bản. Hồ Bằng xem, ông Phát ghi thêm nếu Xuyên Thanh vi phạm các điều khoản, người bảo lãnh là Hồ Bằng phải thay mặt bên B truy cứu trách nhiệm pháp luật bên A. Ông giải thích thêm: “Nếu đi kiện, anh là người thay mặt tôi”.

Hồ Bằng nói: “Trách nhiệm của cháu lớn quá”. Nói xong, anh kí vào bản thỏa thuận, tiếp theo là Xuyên Thanh kí. Ông Phát xem rồi nói: “Chữ anh Thanh đẹp lắm”.

Ông kí rất nghiêm chỉnh, vung bút thật nhanh, giống như trước đây ông làm Giám đốc kí hóa đơn, kí văn bản.

Mỗi người giữ một bản thỏa thuận, họ bỏ vào cặp. Xuyên Thanh cẩn thận cầm trên tay, ra đến cửa anh mới dám cho vào cặp.

Trên đường về, Xuyên Thanh hỏi Hồ Bằng về bản thỏa thuận có trong tay, anh nói với giọng đùa vui, bảo ra giá để anh thu mua. Hồ Bằng hỏi Xuyên Thanh phải chăng anh cho rằng không có gì phiền toái, sự việc đến đây kết thúc?

Xuyên Thanh không nói gì. Thấy cái vẻ sợ hãi của Xuyên Thanh, Hồ Bằng nói trong bản thỏa thuận đã vẽ bậy, ba nét của chữ “Xuyên” như ba cái đùi, nét giữa sợ hãi thụt vào trong. Anh còn đọc vè: “Ba cái đùi, một sợi gân, ra đến cửa gặp yêu tinh”. Xuyên Thanh nói: “Xấu xấu lắm!”.

Anh hỏi Hồ Bằng, liệu chuyện này có đến tai cơ quan hay không, anh rất sợ. Hồ Bằng mượn cớ nói vống lên, anh bảo chuyện Hà Thụy chuyển vị trí công tác cho anh ta đã nói với ông Lư nhiều lần rồi, không cẩn thận chuyện này sẽ ảnh hưởng không tốt, công tác coi như đi tong.

Xuyên Thanh thở dài, buồn bã: “Thật xui xẻo, gần đây nhiều chuyện xui xẻo quá. Nhìn này, tóc tớ bạc nhiều rồi”.

Hồ Bằng nhìn Xuyên Thanh, không phải nhìn tóc bạc mà là xem thường anh.
Bình Luận (0)
Comment