Ván Cờ Người

Chương 9

Cát Hồng bị mất việc. Chị nói được là làm được, không đánh mạt chược nữa, cũng không bắt Xuyên Thanh rửa bát.

Chị ở nhà tuyên bố: “Từ nay về sau chỉ có một việc, chăm sóc một già một trẻ, làm một ngườiphụ nữ gia đình trọn vẹn”.

Cô con gái lắc đầu không nghĩ là thật. Xuyên Thanh cười cười, nghĩ bụng: nói thì dễ, làm mới khó. Chơi mạt chược mấy chục năm nay, nói cai là cai, nói không đánh là không đánh được sao?

Hơn chục năm nay Cát Hồng không rửa bát, Xuyên Thanh cũng không nghĩ từ nay mình nghỉ tay rửa bát, anh bảo rửa bát làm hại da tay, khuyên vợ đừng rửa. Quyết tâm của Cát Hồng rất lớn, chị mua đủ loại găng cao su, cứ mỗi lần rửa lại thay một đôi, bát đĩa rửa sạch kêu ken két.

Cát Hồng làm thức ăn rất ngon, ở nhà việc lớn nhất là nấu ăn. Bữa sáng chưa ăn xong đã bàn với Xuyên Thanh bữa tối ăn món gì.

Thoạt đầu Xuyên Thanh thấy cuộc sống trở nên chu đáo hơn, tinh tế hơn, lâu dần anh cảm thấy phiền toái. Anh muốn ăn gì Cát Hồng làm ngay cho anh. Anh thích ăn thịt kho tàu, chị mua một lúc hai, ba chục đồng tiền thịt, kho một nồi tướng, ăn không hết chị đem chế biến các món khác, nấu với rau, giá, súp lơ ăn liền mấy bữa. Thấy Xuyên Thanh cau mày, Cát Hồng trách anh, thức ăn ở nhà ngon như vậy cũng chê, trở thành kẻ theo chủ nghĩa xét lại, vong bản.

Thức ăn dù có ngon mấy đi nữa mà ngày nào cũng ăn rồi sẽ chán. Xuyên Thanh không dám góp ý, không dám thách thức, anh sợ Cát Hồng làm nhiều. Anh nghĩ cách để đi ăn ngoài, mong mình nhận lời mời nhiều hơn. Cát Hồng thấy sự thay đổi của anh, trách anh: “Đàn ông không kén chọn thứ này thứ khác, chứng tỏ anh ta không coi cái nhà ấy ra gì. Người đàn ông suốt ngày muốn đi ăn ngoài, tức là lòng dạ giả dối”.

Cát Hồng càu nhàu không tính làm gì, chị còn hỏi chồng mình, nói như thế có đúng không. Xuyên Thanh rất khó trả lời, bảo chị nói đúng lắm, coi như thừa nhận mình có vấn đề. Anh bảo vợ nói không đúng; chị lại dùng những lý lẽ không chính xác để cải chính lời chồng.

Xuyên Thanh bực lắm. Anh muốn Cát Hồng suốt ngày say mê mạt chược như trước, để anh được tự do, không bị quấy rầy.

Anh quyết định tìm cách để Cát Hồng đi chơi mạt chược. Anh lặng lẽ tìm những bạn chơi của chị, bảo chị ở nhà rỗi rãi sắp ốm, muốn nhẹ bớt tâm trạng, cầu mong mọi người đến chơi mạt chược.

Nhưng ai đến mời Cát Hồng cũng kiên quyết không đi, quyết tâm không chơi mạt chược của chị không gì có thể lay chuyển nổi. Khi biết Xuyên Thanh đứng đằng sau giật dây, chị lại càng không đi, thậm chí cảm thấy có vấn đề. Chị chất vấn Xuyên Thanh: “Anh nhất định bắt em chơi mạt chược là tại làm sao? Dụng tâm của anh có phải là để anh chơi với lũ đàn ông hư đốn kia? Các anh lừa cho vợ ngồi vào bàn mạt chược rồi đi chơi bời có đúng không?”.

Xuyên Thanh giải thích: “Anh rất thiện chí, con người ai cũng quen với cuộc sống, dễ dàng thay đổi thể nào cũng nảy sinh vấn đề”.

Cát Hồng hỏi xảy ra vấn đề gì, Xuyên Thanh đưa ra ví dụ không đúng, bảo thầy giáo của anh cả đời hút thuốc cũng chẳng có chuyện gì, nghe người khác khuyên bỏ thuốc, vậy là mới nửa năm bị ngay ung thư phổi. Cát Hồng nói: “Nguyên nhân để em không chơi mạt chược nữa là, tìm được lý do tại sao các đức ông chồng thích cho vợ chơi mạt chược, là để các ông chồng chơi bời, làm nhiều chuyện bất minh. Suy đoán từ logic của anh, em chơi mạt chược thì anh bồ bịch là lẽ thường tình, không có chuyện gì. Em không chơi mạt chược tức là làm hại anh về mặt này”.

Xuyên Thanh không còn biết nói sao. Cát Hồng hỏi cho ra nhẽ, anh đành nói: “Không làm sao nói rõ lý lẽ với phụ nữ, mà có nói rõ thì đã sao nào?”.

Cát Hồng bực tức: “Cái trình độ tổng biên tập, cái thế giới quan của tổng biên tập đâu rồi? Anh định làm báo gì?”.

Xuyên Thanh chỉ còn biết lắc đầu.

Từ đấy về sau Cát Hồng làm già hơn đối với chồng, thường xuyên gọi điện đến văn phòng của chồng, văn phòng không có người chị lập tức gọi vào máy di động. Nói vài câu không mặn không nhạt, sau đấy hỏi anh đang làm gì, chị hỏi thăm mấy cô biên tập viên của tòa soạn, hỏi cụ thể đời tư các cô. Trong các cơ quan văn hóa, báo chí thể nào cũng có các cô gái chịu chơi, Cát Hồng liên hệ các cô này với chồng mình, tưởng đâu những chuyện đã xảy ra hoặc tin đồn về các cô ấy đều có liên quan đến Xuyên Thanh.

Buổi tối Xuyên Thanh về rất mệt mỏi, lúc ấy lại là thời điểm tinh lực của Cát Hồng đang vượng, chị nghỉ ngơi suốt ngày ở nhà.

Cát Hồng hỏi Xuyên Thanh: “Anh có biết hôm qua em đến tòa soạn của anh làm gì không? Em đến xem cái sofa trong phòng của anh, đến xem một cô gái có thân hình thế nào có thể nằm vừa. Không ngờ sofa phòng anh to quá, to như cái giường ở nhà này”.

Xuyên Thanh làm ngơ, Cát Hồng tiếp tục: “Văn phòng để sofa gì? Nếu không phải là cái sofa ấy, ông Hạ, Tổng biên tập của các anh có thể làm chuyện lộn xộn với cái cô Quyên đọc bản in thử kia được không? Họ không làm được ở ghế hoặc trên bàn à? Bàn ban biên tập các anh toàn là sách báo, không ghé nổi nửa cái mông…”. Nói đến đây Cát Hồng cười sằng sặc.

Con gái đi học về Xuyên Thanh mới được giải thoát, Cát Hồng mới im mồm. Nhân cơ hội, Xuyên Thanh vội chợp mắt, chờ cho Cát Hồng chăm sóc con xong mới lên giường, tuy anh không ngủ nhưng cũng kiên quyết không mở mắt. Thông thường Cát Hồng lay vai chồng vài cái, thấy không động tĩnh gì mới thôi và quay sang xem ti vi.

Trong lúc giả vờ ngủ Xuyên Thanh nằm suy nghĩ vẩn vơ, nghĩ chuyện công tác, nghĩ chuyện sinh hoạt cá nhân.

Trước năm ba mươi lăm tuổi, Xuyên Thanh rất trong sáng trong quan hệ trai gái, chỉ một lần không kiềm chế nổi, trong văn phòng, anh ôm một đồng nghiệp mà anh ngưỡng mộ từ lâu. Cô kia vừa lấy chồng, được Xuyên Thanh ôm, về đòi li hôn. Cô nói riêng với Xuyên Thanh, tuy hai ngườichưa có quan hệ xác thịt, nhưng qua cái ôm cô ta có khoái cảm ghê gớm, một cảm giác còn hơn cả nhục dục.

Để thoát khỏi sự đeo bám của cô ta, Xuyên Thanh phải tìm cách lẩn tránh. Hồi ấy thành phố cần một “phóng viên tuyến lửa” cho công tác chống lụt, Xuyên Thanh đã là Chủ nhiệm biên tập xung phong đi, trên bờ đê anh vừa phát tin về tòa soạn vừa vác bao cát, sau một tháng về, râu ria tua tủa, bão táp gia đình của cô kia cũng đã yên. Về sau, cô đồng nghiệp kia bị lặng lẽ điều đi nơi khác, điều sang đài truyền hình.

Sau đấy, tức là sau một quan hệ trai gái khác, anh mới biết lúc bấy giờ mình vô cùng ngu xuẩn. Thật ra, chỉ cần ôm cô ta là có thể giải quyết vấn đề, ôm lại lần nữa liệu cô ta có cảm giác mạnh mẽ đến vậy không? Có, sẽ thô bạo ôm cô lần nữa…

Xuyên Thanh có quan hệ trai gái ở đâu đó đều giấu kín Cát Hồng. Về chuyện này anh dương dương tự đắc, cho rằng đấy là bản lĩnh của mình, không phải như cái cô Hoàng tai hại làm anh dính bệnh, truyền sang cho vợ và Tiếu Nhu. Anh làm cái chuyện xấu xa ấy nhưng vẫn không để lại tai tiếng và rắc rối nào.

Mấy ngày sau chuyện cô Hoàng kia, anh cố né tránh Cát Hồng, không nồng nhiệt với chị, cho rằng đã qua thời kì ủ bệnh, không ngờ vẫn xảy ra chuyện.

Chuyện bệnh tình dục Cát Hồng cũng cho qua, nhưng với Tiếu Nhu thì chưa xong, chồng cô ta vẫn đòi li hôn. Xuyên Thanh lòng nặng như đeo đá.

Tình hình Tiếu Nhu gần đây thế nào? Anh muốn biết, nhưng không có cách nào để biết.

***

Ông Phan Chấn Vũ, Giám đốc nhà máy bột giấy được đề bạt lên chức Cục trưởng Cục Công nghiệp nhẹ thành phố, đó là bước đầu tiên để vào ban lãnh đạo thành phố. Sắp đến ngày Hội đồng nhân dân thành phố họp bầu lãnh đạo, Phan Chấn Vũ, ứng cử viên chức Phó thị trưởng rất sốt ruột, suốt ngày cứ muốn lộ mặt trên ti vi. Xuyên Thanh nhận ra điều đó, anh muốn Chấn Vũ phải giảm bớt, giảm bớt cường độ.

Xuyên Thanh nhiều năm làm chủ bút “Nhật báo Tứ Phương”, quen nhiều cán bộ huyện, thị trấn, anh trực tiếp phụ trách mảng Hội đồng nhân dân trên báo. Những lúc quan trọng, Chấn Vũ làm việc rụt rè, không biết phải triển khai bằng cách nào, sợ vào lúc này ngộ nhỡ có sa sẩy chuyện gì thì nguy. Để Chấn Vũ yên tâm, Xuyên Thanh động viên, hãy nắm vững trọng tâm công tác, đặc biệt phải chú trọng đến Trung tâm thời trang.

Lúc còn ở nhà máy bột giấy, Chấn Vũ đã bắt đầu nghĩ đến Trung tâm thời trang.

Thành phố Tứ Phương nổi tiếng với trứng vịt, trứng vịt hai lòng đỏ tiêu thụ trên thị trường trong nước và nước ngoài. Nhiều hộ nuôi vịt, vịt cỏ nhiều, lông vịt cũng nhiều. Lông vịt là nguyên liệu chủ yếu của áo lông vũ. Từ sau ngày hình thành nghề gia công chế biến lông vịt, nhiều người lập xưởng sản xuất áo lông vũ. Chấn Vũ muốn phát huy thế mạnh của địa phương, mới sơ bộ đưa ra phương án, Xuyên Thanh đề nghị mở một Trung tâm thời trang. Anh lập giúp cho Chấn Vũ lúc ấy còn kiêm nhiệm chức Phó Cục trưởng Cục công nghiệp nhẹ. Trung tâm thời trang này sẽ bao gồm sản xuất và tiêu thụ, thu hút những thương hiệu và nhà sản xuất nổi tiếng, huy động vốn, tạo thành khu liên hợp sản xuất và kinh doanh, phân phối áo lông vũ trong cả nước.

Phương án lập Trung tâm thời trang được ban lãnh đạo thành phố phê chuẩn, ông được xếp vào danh sách Phó thị trưởng dự bị. Xuyên Thanh nhắc nhở Chấn Vũ đừng đánh mất cái thông minh này, nhưng Chấn Vũ lo rút dây động rừng, đã có người nhìn ngó ông ta.

“Đầu tư cho Trung tâm thời trang mấy trăm triệu, tôi bị người khác coi là hàng giao theo kì hạn, sợ rằng chuyện này sẽ gây nên phiền toái”. Ông Vũ nói câu này đúng là có vẻ lo lắng.

Lúc Tiếu Nhu tìm Xuyên Thanh, Xuyên Thanh không hề ý thức, anh cũng như thứ “hàng chờ” giống như Chấn Vũ.

Tiếu Nhu gọi điện hỏi Xuyên Thanh: “Anh khỏe không?”. Giọng nói rất ngọt ngào.

Xuyên Thanh nghe thấy giọng nói quen thuộc khó quên, tim anh đập mạnh.

Tiếu Nhu hỏi tiếp: “Nói với em, anh có khỏe không nào?”. Giọng nói nhỏ nhẹ, nũng nịu.

Xuyên Thanh chép miệng: “Không khỏe, rất không khỏe”.

Tiếu Nhu cười, sau tiếng nói ngắn gọn là tiếng thở dài: “Người không khỏe hay chưa khỏi bệnh?”.

Xuyên Thanh vội vã: “Không! Anh sẽ giải thích cái chuyện kia để em rõ, anh không như em nói…”.

“Thế thì tốt, em tìm anh không phải để đòi nợ, mà muốn mời anh ăn cơm. Chả nhẽ không thể gặp mặt nhau hay sao?”. Giọng lưỡi Tiếu Nhu trở nên quái đản.

Nghe nói Tiếu Nhu mời ăn cơm, Xuyên Thanh lập tức cảnh giác. Anh không dám lội vào vũng nước đục ấy nữa, phải từ chối khéo, từ chối bữa ăn không biết mang ý nghĩa gì.

Xuyên Thanh rất khéo léo nói với Tiếu Nhu, anh rất muốn gặp mặt, lúc nào cũng nhớ. Thật không may gần đây quá bận, phải mấy hôm nữa mới có thể rỗi rãi. Tiếu Nhu cười, hỏi anh: “Mấy hôm là hôm nào?”. Xuyên Thanh nói: “Nhanh thôi, nhanh thôi. Chỉ mong ngày mai có thì giờ rỗi”. Hình như Tiếu Nhu nhận ra cách đãi bôi của Xuyên Thanh, cô ta hỏi có phải là con người vô tình hay không. Đó là câu nói nặng nề, Xuyên Thanh không thể tiếp nhận, nhưng lại sợ Tiếu Nhu nói những lời mất mặn mất nhạt.

Tiếu Nhu bảo anh đừng sợ, bão tố gia đình đã qua, chồng không nói đến chuyện li hôn nữa. Trước lúc đặt máy xuống, Tiếu Nhu nhắc lại lời cầu xin: “Em chỉ muốn gặp anh, nhớ anh lắm!”.

Tảng đá trong lòng Xuyên Thanh đã rơi xuống, lập tức anh nghĩ, phải chăng Tiếu Nhu ăn quen bén mùi, phải chăng muốn ôn lại chuyện cũ với anh. Hôm ấy ở nhà Tiếu Nhu, cô rất buông thả, rất thỏa mãn, cô nói từ lâu rồi không được thể nghiệm.

Đặt gánh nặng xuống, nhớ lại hôm ấy, Xuyên Thanh cảm thấy rất kích thích, nhất là lúc mẹ Tiếu Nhu nhốt anh ở trong buồng, thật dễ sợ.

“Ăn cắp đồ có người vui mừng, đó là một thứ bệnh; ăn cắp người cũng có người vui, đó là một thứ yêu”.

Xuyên Thanh rất vui vì nghĩ ra được những lời đẹp, nhưng đáng tiếc không thể viết vào bài vở. Anh thay đổi ý định, muốn đi gặp Tiếu Nhu ngay.

Nhưng ăn cơm với danh nghĩa gì? Không khéo có người bắt gặp, trông thấy hai người nồng ấm với nhau, họ lại đưa chuyện, lại bới chuyện cũ. Xuyên Thanh đang do dự, anh đành kéo dài cuộc hẹn.

Không ngờ Tiếu Nhu năm lần bảy lượt gọi điện, tuy không nói chuyện ăn cơm, nhưng lại hỏi anh có bận gì không.

Cũng không thể lúc nào cũng bận, Xuyên Thanh đánh liều hẹn thời gian, quyết định gặp nhau ở khách sạn Điệp Viên, anh bảo đặt phòng rồi sẽ thông báo với cô. Tiếu Nhu kiên quyết không đồng ý, vặn hỏi anh tại sao gặp mặt lại nghĩ đến chuyện ấy. Xuyên Thanh không muốn bàn hai tiếng “chuyện ấy” với Tiếu Nhu. Anh lùi một bước, đề nghị tìm một quán trà nào đó. Tiếu Nhu bảo chưa bao giờ cô đến những nơi ấy, nhưng cô vẫn phá lệ, để Xuyên Thanh chọn địa điểm.

***

Xuyên Thanh hẹn Tiếu Nhu ba giờ chiều đến quán trà “Ngày thứ Tám” ở Đông Giao. Quán trà này kế bên Trường thực nghiệm của thành phố, học sinh đến đây rất đông.

Quán trà “Ngày thứ Tám” bán trà không nhiều, nhưng tiêu thụ trà sữa khá nhiều. Phóng viên báo buổi chiều đã đưa tin nơi này, ra vào quán trà phần đông là học sinh trung học đến tuổi yêu. Quán trà không có phòng riêng, điều ấy rất trúng ý của Xuyên Thanh. Anh chọn chỗ ngồi ít ai để ý, nghĩ rằng có người quen trông thấy cũng không sao, giải thích dễ đàng.

Không phải băn khoăn gì đám học sinh trung học ngồi chung quanh, có thể chúng phải sợ anh, chúng nghĩ anh là phụ huynh đến chờ con cái yêu nhau sớm xuất hiện. Nghĩ như vậy, Xuyên Thanh mỉm cười.

Tiếu Nhu đến đúng giờ, cô đẩy cửa bước vào nhìn quanh, Xuyên Thanh đứng dậy vẫy tay.

Tiếu Nhu mặc cái áo khoác ngoài màu tím hoa hồng dài đến đầu gối, tay cho vào túi, tóc bồng bềnh. Trong con mắt Xuyên Thanh, cảm giác như cô đang mặc áo blu của bệnh viện.

Cô chậm rãi đến trước mặt Xuyên Thanh, nở nụ cười rất tươi.

Xuyên Thanh nhường chỗ cho Tiếu Nhu, cô ngồi xuống, chỉnh lại áo khoác, đưa mắt nhìn nhanh thăm dò chung quanh: “Ông Tổng biên tập rất biết tìm chỗ, ngồi giữa các bạn nhỏ”.

Xuyên Thanh nhìn khắp người Tiếu Nhu, khiến Tiếu Nhu mất tự nhiên, cúi xuống quan sát mình. Ánh mắt Tiếu Nhu tỏ ra thiếu tự tin dừng lại ở ngực mình, Xuyên Thanh lập tức nhìn theo. Tiếu Nhu ngước lên, hỏi anh bằng ánh mắt, anh dùng ngón tay trỏ và ngón đeo nhẫn gõ gõ lên mặt bàn, vẻ mặt thờ ơ, không chú ý.

Tiếu Nhu nói: “Em biết anh muốn nói gì rồi, nói đi”.

Xuyên Thanh liền bảo: “Em cổ vũ anh đấy à? Anh nói nhé?”.

Tiếu Nhu gật đầu, Xuyên Thanh lại nhìn Tiếu Nhu từ trên xuống dưới từ dưới lên trên: “Màu áo khoác ngoài của em đẹp lắm, màu tím hoa hồng, rất hợp với da em, khiến em đã trắng càng thêm trắng”.

“Anh là người đàn ông có thể dùng ánh mắt để lột trần con gái”. Tiếu Nhu ghé sát mặt anh mà nói.

Xuyên Thanh cười, tỏ ra sâu sắc và tự đắc. Anh không sợ Tiếu Nhu nói mình quá đáng, hiện cô không tồn tại nguy cơ gia đình, anh cũng chẳng có gì phải sợ.

Nhân viên phục vụ đưa trà Lipton Tiếu Nhu gọi và cà phê của Xuyên Thanh. Xuyên Thanh gọi cô phục vụ vừa quay người đi, bảo lấy thêm vài lát chanh cho li trà của Tiếu Nhu.

“Hôm ấy anh thật điên cuồng”. Tiếu Nhu nói khẽ.

“Anh cảm thấy tuyệt vời, chưa từng được thể nghiệm niềm hạnh phúc ấy”.

“Đàn ông các anh đúng là những người không tim không phổi, vừa hứng lên là làm ngay, con gái bọn em không thế, sinh lý không nhanh như thế được, phải có chuẩn bị. Mà không phải với ai cũng…”

“Có thể như thế, anh chưa nghiên cứu”.

“Anh qua rất nhiều người mà vẫn chưa nghiên cứu? Anh đã thể nghiệm nhiều rồi!”

“Anh không phải là bác sĩ”. Xuyên Thanh đứng dậy, thấy Tiếu Nhu ngạc nhiên, anh giải thích phải đi vệ sinh.

Không phải Xuyên Thanh muốn đi vệ sinh, cảm thấy hễ nói chuyện ấy với Tiếu Nhu sẽ không biết nội tình như thế nào. Anh muốn biết ý đồ của Tiếu Nhu, suy xét mình nên nói những gì, không nên nói những gì với cô ta.

Tiếu Nhu không gợi quan hệ với anh, điều này không có gì phải nghi ngờ. Hôm ấy cô nói, Cát Hồng bên bàn mạt chược nói chuyện ăn nằm với anh làm cô rất kích thích và ghen. Tiếu Nhu muốn làm với anh, ý nghĩ ấy có từ lâu.

Sau khi quan hệ, Tiếu Nhu bảo bị dính bệnh, chồng đòi li hôn, cô muốn giữ lại những quan hệ cũ, phải chăng ăn quen bén mùi?

Lẽ nào trong lòng Tiếu Nhu còn có trở ngại? Người con gái có tình yêu ngoài hôn nhân và quan hệ ngoài hôn nhân đều phải vượt qua sự tự chỉ trích, qua được giai đoạn ấy coi như con đường bằng phẳng, một trăm cũng chỉ là một.

Cứ nghĩ đi nghĩ lại, Xuyên Thanh cười thanh thản, từ nhà vệ sinh ra, anh quyết định phụ đạo tâm lý cho Tiếu Nhu.

Cứ năm phút Tiếu Nhu lại nhấp chút trà, khẽ chép miệng. Tiếu Nhu ngồi chừng nửa tiếng đồng hồ, li trà vẫn còn nhiều. Li cà phê Xuyên Thanh đã uống hết một nửa, thỉnh thoảng dùng thìa khuấy, cà phê đã nguội.

Tiếu Nhu nói rất khẽ: “Em là con người sống biết tiết chế, có đạo đức”. Xuyên Thanh ngắt lời Tiếu Nhu, khen: “Anh biết”.

“Nhưng không hiểu tại sao hôm ấy em bị anh làm cho phát điên, mất cả lý trí?”

“Lý trí là sự dung hòa giữa khoái lạc và đau khổ, có lúc chúng ta phải vứt bỏ nó, để khoái lạc và đau khổ trở nên thuần nhất”. Xuyên Thanh nói ra điều ấy bản thân anh cũng thấy ngạc nhiên, nhưng anh biết đấy là sự cần thiết, cần phải nói rõ hơn: “Đến độ tuổi chúng ta, về tình cảm và sinh lý e rằng đều đần độn, có được chút kích thích cái già sẽ đến chậm hơn”.

Tiếu Nhu lắc đầu không đồng ý: “Em không thích tương tác xác thịt thuần sinh lý. Anh đưa đến cho em không phải như vậy, cho nên em muốn tiếp tục qua lại với anh. Chị Hồng là bạn tốt nhất của em. Chúng ta như thế này thật tình em không còn mặt mũi nào nhìn mặt chị ấy. Sợ rằng sau này sẽ không còn được như trước đây. Bây giờ em không dám ngồi cùng bàn mạt chược với chị ấy.

Xuyên Thanh bảo với Tiếu Nhu, từ sau ngày mất việc, Cát Hồng ngồi nhà không chơi mạt chược nữa, bây giờ một lòng một dạ chăm sóc chồng con.

Tiếu Nhu thấy Cát Hồng không chơi mạt chược nữa quả là con người có quyết tâm vô cùng lớn, nói chung ít người làm được, bản thân cô không làm nổi.

Xuyên Thanh cười đau khổ, nói Cát Hồng không chơi mạt chược không phải là việc tốt lành, thà rằng cứ chơi. Anh không muốn nói cụ thể với Tiếu Nhu, sợ cô cho rằng Cát Hồng bị “hội chứng mất việc”.

“Chồng em cũng là chuyện phiền hà đối với em, buôn bán sức ép lớn lắm. Làm ăn khấm khá còn tốt với em, những lúc làm ăn không ra gì thì mặt không ra mặt, mồm không ra mồm”. Tiếu Nhu tìm ra cái đồng bệnh tương liên với Xuyên Thanh.

Xuyên Thanh nhìn đi chỗ khác, im lặng hồi lâu. Tiếu Nhu thấy anh phân tán tư tưởng, cô nhìn theo ánh mắt anh, trông thấy một cậu cùng một cô học sinh lớn đang ôm nhau.

“Hôn nhau đến mấy chục phút”. Xuyên Thanh nói. Hình như để nhấn mạnh, anh nói tiếp: “Học sinh trung học yêu nhau sớm quả là một vấn đề”.

Tiếu Nhu ghé sát vào anh, rất nồng nhiệt ôm cổ anh, cười khúc khích, nhìn anh.

Xuyên Thanh rất căng thẳng, nhìn chung quanh xem có ai trông thấy không.

Để che đậy sự căng thẳng, anh khịt mũi: “Nước hoa hấp dẫn quá”.

“Anh nhầm rồi, mùi nước hoa của em chỉ thoang thoảng thôi, chỉ có đàn ông gần bên em mới ngửi thấy, vì em không xịt nước hoa lên cổ và cổ tay, chỉ ở…”, Tiếu Nhu chỉ vào vùng eo.

Xuyên Thanh nhìn theo bàn tay Tiếu Nhu đang đưa đi đưa lại, uống nốt chỗ cà phê nguội.

Lúc chia tay, Tiếu Nhu nói với Xuyên Thanh: “Anh phải tốt với em đấy nhé”.

***

Oánh Oánh gặp Cát Hồng ở chợ, hai người cùng tỏ ra ngạc nhiên, nhìn thức ăn trên tay nhau.

Cát Hồng nói: “Chúng ta trở thành những người nội trợ giỏi, có phải câu nói cũ bảo rồng trở mình, trời đổ mưa?”.

Oánh Oánh đồng tình: “Đúng vậy, đúng vậy. Tớ chán thức ăn nhà hàng lắm rồi. Lâu lắm không gặp đằng ấy, lần trước hẹn chơi mạt chược, nghe nói đằng ấy bận, gần đây còn bận gì nữa không? Định chơi với đằng ấy vài ván?”.

“Thật ra lần trước tớ không muốn, tớ quyết tâm không chơi mạt chược nữa rồi”. Cát Hồng nói.

“Có thể thế được ư? Không chơi mạt chược quả là chuyện không tưởng, làm sao sống nổi?”. Oánh Oánh không tin Cát Hồng đoạn tuyệt với mạt chược, càng muốn biết tại sao Cát Hồng có ý nghĩ ấy. Cát Hồng nói không tại sao, chỉ không muốn chơi.

“Mọi khi chơi với đằng ấy, trên bàn tớ làm tướng công, bị mọi người cười. Bây giờ ở nhà tớ làm tướng công, cùng với chồng con, liệu có sợ chúng bạn cười nữa không?”

Oánh Oánh bóp vai Cát Hồng, nói: “Nói gì lạ thế, cánh tớ luôn để vị trí trên bàn mạt chược cho đằng ấy, bất cứ lúc nào cũng có thể quay lại. Chúng mình chơi với nhau thật vui”.

Cát Hồng thật vui, ví làm việc nhà như làm tướng công, trên bàn mạt chược, mười ba quân bài hoặc không đủ mười ba quân cũng gọi mình là tướng công. Bắt nhầm bài, đánh nhầm quân cũng gọi mình là tướng công. Làm tướng công chỉ có thể chơi bài cùng ai đó, không có tư cách ù.

Lúc đi làm, Oánh Oánh nghĩ đến tướng công Cát Hồng mà bật cười. Buổi tối Văn Hòa đi làm về, anh có cái nhìn riêng: “Mất việc, không có tiền, chơi mạt chược bằng cách nào?”. Anh ngáp dài, nói tiếp: “Tiền là một thứ tuyệt vời, không tiền chỉ một ván mạt chược nhỏ cũng không dám chơi”.

Rất ít khi Văn Hòa và Oánh Oánh không chơi mạt chược, gặp những lúc như thế họ thường làm tình với nhau. Từ sau ngày có quan hệ với Hồ Bằng, chị cảm thấy làm tình với chồng thật nhạt nhẽo. Chị thoái thác gần đây người không được khỏe, Văn Hòa không biết, đề nghị chị uống “Ô kê bạch phượng hoàn”. Oánh Oánh chỉ cười: “Anh cứ nghĩ em giống như anh, uống thật nhiều thuốc bổ vào người ư?”. Anh không nói gì, lúc nào cũng uống cả đống “Lục vị địa hoàng hoàn”, thứ thuốc tráng dương.

Oánh Oánh bảo anh ngày mai mua thêm cái giường, hai vợ chồng ngủ riêng, bảo Tây họ sống như vậy. Văn Hòa mặt mày nhăn nhó: “Như vậy anh khác gì Cát Hồng, ở nhà làm tướng công?”.

Oánh Oánh cười, nói sau này nếu anh muốn sẽ sang giường của chị, như vậy càng có ý nghĩa hơn.

Hôm ấy Văn Hòa không ngủ được, Oánh Oánh bảo anh mua giường, trong cuộc sống của hai người không một việc nhỏ nào anh làm trái ý vợ. Nhưng việc lớn không hẳn, anh cảm thấy có nguyên tắc của mình. Ngủ riêng là ở riêng có mức độ, phải chăng vợ có dụng ý gì? Anh phải làm cho rõ, như vậy là chuyện lớn mất rồi.

Văn Hòa không nghi ngờ vợ có quan hệ trai gái, chị đã từng nói, chị lạnh nhạt về mặt tình dục, nếu có thể suốt đời không làm. Văn Hòa không trách gì vợ, rõ ràng về mặt này có liên quan đến sinh lý của vợ.

Oánh Oánh thấy chồng muốn biết tại sao chị đòi ngủ riêng, chị nói: “Em sợ, sợ ngủ chung với anh thường gặp ác mộng”. Văn Hòa rất thận trọng hỏi vợ sợ gì, tại sao lại sợ anh. Oánh Oánh nói: “Anh có thể không tham nhũng, để chúng ta sống yên ổn với nhau?”.

Thì ra chuyện như vậy. Văn Hòa yên tâm. Trước đây Oánh Oánh cũng đã nói, cũng đã khuyên. Nguyên nhân anh không nghe vợ vì anh cho rằng mình làm đúng. Anh vẫn kiên trì: “Ở vị trí của anh có điểm tốt, mình không lấy, sau này chuyển sang vị trí khác không còn cơ hội nữa. Người ở vị trí của anh ngay thật, lúc không ở đấy nữa ai cũng tiếc”. Oánh Oánh bực mình: “Thôi được, em hiểu anh nói anh nắm vững chuyện của bản thân, không xảy ra việc gì, anh phải chịu trách nhiệm với cái gia đình này đấy. Nhưng em cảnh cáo, anh xa cái đám bạn bè chó má ấy ra, rồi sẽ có ngày chết vì bọn họ đấy”.

Oánh Oánh càng nói càng kích động, Văn Hòa muốn vợ nói cụ thể hơn, những người kia là ai, chị không quan tâm. Chị muốn nói thì nói, không nói thì thôi. Đó là cách làm xưa nay của chị đối với Văn Hòa.

Hôm sau, Văn Hòa ngoan ngoãn mua về một cái giường, Oánh Oánh trải đệm tử tế, anh không còn cách nào khác, đành thở dài nằm ở cái giường ấy.

Sáng hôm sau Oánh Oánh thấy vẻ mặt anh, chứng tỏ đêm hôm qua anh không ngủ, trong lòng đầy tức giận.

Lúc ăn sáng, Oánh Oánh nói: “Những năm gần đây, các bà vợ của những người có bản lĩnh đều là vật trang trí trong gia đình, em út bồ bịch mới là người hữu dụng”. Văn Hòa cau mày: “Anh không phải là người có bản lĩnh, anh cũng không dám làm người có bản lĩnh”.

Oánh Oánh cười nhạt: “Một người dám tham nhũng mà không dám hủ hóa à? Tìm em út có là gì”.

Văn Hòa đập mạnh đôi đũa đang cầm trên tay: “Tham ô và hủ hóa là hai chuyện khác nhau, anh tham nhũng cũng vì cái nhà này”.

Oánh Oánh cũng lớn tiếng: “Nếu anh như vậy thì em thà không cần cái nhà này, cái nhà lúc nào cũng làm em lo lắng, sợ hãi”.

Văn Hòa không nói gì nữa, anh sợ phải cãi nhau với vợ.

Đến cơ quan, Văn Hòa gọi điện cho Hồ Bằng, hỏi gần đây có nói với Oánh Oánh chuyện gì của anh và Hữu Ngư không.

Hồ Bằng nói: “Không! Kể cả những câu chuyện vui hoặc chuyện đúng sai em cũng không nói. Từ nay về sau em không chơi mạt chược với chị Oánh và các chị ấy nữa”.

Văn Hòa vội giải thích, anh chỉ tiện thể hỏi vậy thôi, không có vấn đề gì. Anh nhờ Hồ Bằng một việc: “Cậu chơi mạt chược với chị và bạn của chị là sự giúp đỡ to lớn đối với anh, chị rỗi rãi sẽ khiến anh không yên ổn”. Anh hỏi Hồ Bằng có phải gần đây ít chơi mạt chược với Oánh Oánh, Hồ Bằng bảo đúng vậy.

Văn Hòa phát hiện vấn đề, anh trách Hồ Bằng không làm tốt quan hệ bạn bè.
Bình Luận (0)
Comment