Vấn Kiếm

Chương 5

Lý Ngang không tiếp tục bận lòng vì vấn đề này, hắn ho khan mấy cái rồi quay đầu hỏi Quan Lệ Xu: "Thẩm, trong nhà có vải không? Không cần tơ lụa, vải bố hoặc vải bông bình thường cũng được. À cả kéo nữa nhé."

"Có, có chứ."

Quan Lệ Xu khẽ gật đầu, quay người đi vào buồng trong, chỉ chốc lát sau đã cầm một tấm vải bố và một cây kéo.

Lý Ngang bảo Quan Lệ Xu đặt vải bố và cây kéo trên bàn đá ở đình viện, hắn cầm kéo lên, cắt một mảnh vải hình tam giác.

Trước ánh mắt tò mò của một nhà ba người, Lý Ngang cầm một đầu mảnh vải vòng sau gáy đứa trẻ rồi buông xuống trước ngực. Một đầu khác thì hạ xuống dưới cánh tay của đứa trẻ, dùng đường dọc của miếng vải hình tam giác để quấn cánh tay vừa được bẻ khớp, cuối cùng buộc hai đầu miếng vải hình tam giác lại với nhau.

Khăn tam giác gãy xương tay đã hoàn thành như thế.

Lý Ngang lui lại nửa bước, quan sát hiệu quả, hài lòng gật gật đầu, nói: "Khăn tam giác này cần mang trong vòng một tuần, trong thời gian này cánh tay của Tiểu Nhi không được kéo ra, có thể tắm rửa ngủ nghỉ bình thường, nhớ đeo khăn tam giác lên khi muốn di chuyển."

Hắn dặn dò kỹ lưỡng Bồ Lưu Hiên và Quan Lệ Xu, thuận tiện dặn dò về này sau chỉ có thể uống nước đã đun sôi, không được uống nước lã, v.v…

Sau khi nói hết những điều cần nói, Quan Lệ Xu bèn ôm hài đồng đã ngủ say trở về phòng, lưu lại sư đồ hai người trong đình viện.

- Chậc chậc.

Lý Ngang hơi khát nên nhấp một hớp nước trà đã lạnh. Không thể không nói hương vị của Cừ Giang Bạc Phiến* quả thật khá ngon, dịu ngọt đậm đà, khó trách bán mắc như vậy, 2 hộp nhỏ chắc cũng phải bốn năm trăm đồng.

Xem ra phải nghĩ biện pháp đáp trả ân tình của Tống di mới được…

"Nhật Thăng này."

Thanh âm của Bồ Lưu Hiên cắt ngang dòng suy nghĩ của Lý Ngang.

"Tiên sinh cứ nói."

Lý Ngang đặt chén trà xuống, ngồi nghiêm chỉnh.

Bồ Lưu Hiên tùy ý hỏi: "Kỹ nghệ chữa trị gãy xương của con học ở đâu?"

Tới rồi.

Lý Ngang đã đoán trước sẽ bị hỏi câu này, thời đại này kỹ thuật tổn thương xương của thầy thuốc tương đối hạn chế, hắn không thể nói đây là kỹ nghệ gia truyền.

Hắn hắng giọng, nói ra câu sớm đã chuẩn bị sẵn trong đầu: "Là đệ tử tự học ạ."

"Tự học?"

"Đúng thế."

Lý Ngang bình tĩnh nói: "Trong khoảng thời gian này học trò luôn ở nhà giữ đạo hiếu. Có lần uống canh gà, học trò đã ăn sạch thịt gà chỉ còn lại xương. Lúc đầu học trò định vất đống xương này đi, nhưng bất ngờ phát hiện, rất nhiều xương gà có rãnh và lồi ở đầu và cuối, liên kết với nhau tạo thành một chính thể.

Những mẩu xương độc lập đó được nối với nhau bằng cân, sụn, cơ.

Chỉ cần tìm được quy luật, là có thể ghép một đống xương gà rải rác để thành hình dáng của con gà.

Thế là học trò tự hỏi liệu họ có thể khôi phục cấu trúc bộ xương của các sinh vật khác theo cách này hay không.

Học sinh từ tửu lâu mua cá, ếch xanh, ba ba, rắn các loại chế thành thức ăn, trải qua phân giải cùng chia tách, phát hiện một chút cực kỳ chuyện kỳ diệu.

Ví dụ như, xương lưỡi của ếch xanh là xương sụn, nhưng không kết nối với các xương khác; lưng và xương sống của rùa có hai lớp trong và ngoài; hộp sọ của rắn không có nọc độc nói chung là hình bầu dục, còn hộp sọ của rắn độc thường có hình tam giác..."

Lý Ngang dừng một chút, rồi mới chậm rãi nói tiếp: " Sau khi lần lượt phân tích xương động vật, học trò cho rằng có thể sử dụng kinh nghiệm về xương động vật để áp dụng lên con người.

Vì mỗi khối xương đều có hình dạng, quy luật cố định, như khi gặp một số bệnh nhân bị chấn thương về xương, chỉ cần đặt xương về vị trí ban đầu là có thể trị khỏi vết thương.

Phương pháp trị liệu cho Câu Nhi ban nãy chính là học trò ngộ ra thông qua phỏng đoán hình dạng xương khuỷu tay của mình.

Hơn nữa học trò còn phát hiện, chỉ cần dùng tay đấm nhẹ vào xương bánh chè ở cẳng chân là có thể khiến người khác vô thức xoạc chân.

Mặc dù không biết nguyên nhân đằng sau, nhưng chắc thoát khỏi mối liên quan đến xương."

Lý Ngang bắt chéo chân, biểu diễn phản xạ giật đầu cho Bồ Lưu Hiên xem, thật ra phản xạ giật đầu gối có liên quan đến phản xạ thần kinh, nhưng nói thế ai tin, không cần để ý chi tiết như vậy.

Bồ Lưu Hiên cũng vô thức bắt chéo chân, nhưng lập tức kịp phản ứng, muốn giữ gìn tôn nghiêm sư đồ, khẽ ho để che giấu sự lúng túng của mình, trầm ổn gật gật đầu: "Không tệ, không tệ..."

Lão gật đầu, trầm mặc một hồi, đột nhiên khuôn mặt hơi kéo căng, nghiêm túc nhìn Lý Ngang: "Nhật Thăng, con có nghĩ đến chuyện... đến Học Cung đi học hay không."

Học Cung?

Mí mắt của Lý Ngang đột nhiên nhảy dựng, hai từ này đối với bất kỳ một người Ngu quốc nào đều có ma lực đặc biệt.

Thiên hạ khắp nơi đều có Học Cung, Lệ Chính Học Cung ở Lạc Dương, Tùng Châu Học Cung ở Long Khê, Bạch Lộc Học Cung ở chân núi phía nam Lư Sơn*, nhưng chỉ có một nơi có cái tên không cần bất kỳ tiền tố nào.

Học Cung ở Trường An.

Lịch sử của Học Cung có thể bắt nguồn vào thời đại Tùy Văn Đế, năm đó Tùy Văn Đế xuôi nam diệt nhà Trần, kết thúc gần 300 năm phân liệt loạn thế ở Trung Nguyên, đối ngoại trấn áp man di tứ phương, đối nội mới thành lập tam tỉnh lục bộ*, thúc đẩy khoa cử, suy yếu thế gia vọng tộc, cũng tại phía tây thành Trường An, xây dựng một học viện khổng lồ để thu nhận thiên hạ anh tài.

Học Cung không chỉ giảng dạy các tác phẩm kinh điển Nho học cùng thi từ ca phú, càng quan trọng hơn là một trong những mục tiêu của Học Cung là nghiên cứu đến cùng để biết nguồn gốc của sự vật.

Tri thức nằm trong sự vật, nghiên cứu sự vật để có được tri thức.

Dưới sự dẫn đạo của tôn chỉ này, Học Cung lấy việc nghiên cứu nguyên lý của trời đất làm cương lĩnh, lấy lợi ích của con người làm tiêu chuẩn, nghiên cứu thiên tượng, khảo sát địa lý, thu thập sinh vật, biên soạn đồ chí*, nghiên cứu số học, cải tiến công nghệ rèn đúc đồ sắt, công nghệ dệt, công nghệ nhuộm, công nghệ ép dầu, công nghệ chế đường, công nghệ xây cầu, công nghệ tạo giấy...

Chính vì sự tồn tại của Học Cung mà Tiền Tùy mới có thể kéo dài trăm năm, nhân khẩu 200 triệu trước khi vị hoàng đế cuối cùng bị ám sát, dẫn đến 18 lộ chư hầu phản vương chia 64 đường tiến đánh.

Sau khi Tiền Tùy diệt vong, Ngu quốc thừa kế phần lớn di sản của Tiền Tùy, cũng không vất bỏ Học Cung, ngược lại mở rộng quy mô của nó, để Học Cung trở thành trụ cột quan trọng nhất để Ngu quốc thống trị.

Những con sông ở thành Y Châu chưa từng bị tắc nghẽn, những con thuyền hàng cỡ lớn chạy trên sông, những viên đường ăn của bình dân, than đá được sử dụng cho mỗi hộ gia đình, những cuốn sách trong tay thư sinh (Tiền Tùy và thời kỳ đầu của Ngu quốc đều sử dụng sách quyển trục), tiền xu gọn đẹp nhẹ nhàng, khó làm giả...

Những gì người Ngu quốc ăn, dùng, mặc, đều có liên hệ chặt chẽ với Học Cung.

Toà học viện kia là thánh điện của tri thức và lý tính, là suối nguồn của phát minh và sáng tạo.

"Nghĩ... có nghĩ chứ ạ."

Lý Ngang nói: "Nhưng hình như nơi đó cực kỳ nghiêm ngặt... trên báo san nói, Học Cung hàng năm chỉ tuyển mấy trăm người.

Học trò ở Ngu quốc nếu muốn thi vào Học Cung thì phải cùng cạnh tranh với tất cả người đồng lứa tại mười đạo hơn 600 châu phủ. Mỗi châu phủ, hàng năm thi tỉnh, chỉ có trước mười mới có tư cách tấn cấp.

Mà coi như tấn cấp, còn phải đi Trường An, cạnh tranh với vương công quý tộc từ nhỏ nhận được nền giáo dục tốt nhất trong thành Trường An để tranh danh ngạch nhập học mười chọn một.

Đồng thời bất cứ học trò nào quá 18 tuổi thì sẽ tự động đánh mất đi tư cách thi vào Học Cung."

Từ mấy năm trước, nhân khẩu của Ngu quốc đã vượt quá 60 triệu hộ, 400 triệu người, mà hàng năm Học Cung chỉ tuyển mấy trăm thiếu niên thiếu nữ đúng độ tuổi quy định.

Độ khó của loại cạnh tranh này... thậm chí còn khốc liệt so với với độ khó 1 chọi 100 tại kỳ thi đại học ở thế giới khác trong ký ức của Lý Ngang.

Cừ Giang Bạc Phiến: một loại trà đen ở Hồ Nam, có từ thời nhà Tần, nổi tiếng rất ngon

Lư Sơn, còn được biết đến là Khuông Lư trong thời cổ đại, là một dãy núi nằm ở phía bắc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, gần hồ Bà Dương. Đây là một trong những ngọn núi nổi tiếng nhất Trung Quốc

Tam tỉnh lục bộ là một quan chế từng được các triều đại phong kiến Trung Quốc sử dụng. Tam tỉnh là Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh và Thượng thư tỉnh; lục bộ trực thuộc Thượng thư tỉnh, gồm có Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Hình bộ, Công bộ. Mỗi bộ đều chia làm 4 ty, tổng cộng 24 ty

Đồ chí có nghĩa là sách địa hình có đính kèm bản đồ
Bình Luận (0)
Comment