Vân Nê - Thanh Đăng

Chương 14

Buổi tối đi ngủ, Trần Kiều thay đồ không cẩn thận đụng đến vết thương trên cánh tay, cô xuýt xoa một tiếng, Lý Tồn Căn lập tức cầm tay cô lên nhìn nhìn, hơi nghi hoặc, giống như chẳng nhớ ra anh có vô ý làm tay cô bị bầm lớn như vậy không. Người cô thường xuyên tím tím xanh xanh, không phải do anh mút, thì do anh xoa, tuy anh ra tay không nặng không nhẹ, nhưng da thịt Trần Kiều trắng trẻo mềm mại như vậy đôi khi cũng không tốt lắm.

Cô nghiêm mặt, “Nhìn cái gì?”

“A Kiều, sao chỗ này lại bầm xanh thế?.” Anh dùng lực xoa nhẹ một chút.

Ánh mắt Trần Kiều đầy chế nhạo, “Mua vợ chẳng phải phong tục ở đây à? Anh không biết thật sao?.”

Lý Tồn Căn sửng sốt, có chút khó tin, dường như đã đoán ra, “Mẹ véo em?”

Trần Kiều cười nhạo vẻ mặt biết rõ còn cố hỏi của anh, Lý Tồn Căn mím môi, bộ dạng không biết giải thích thế nào, nghĩ nửa ngày mới bắt đầu kể chuyện, “Mẹ tôi lúc trẻ đã thủ tiết, tính tình rất nóng nảy và hiếu thắng, đôi khi bà ấy không có ác ý đâu. Lúc nhỏ chị em tôi bị đánh cũng không ít lần, mẹ cũng gay gắt như vậy đấy, ban ngày chúng tôi phạm lỗi bà sẽ không nói, vì vừa nói là bọn tôi chạy, chỉ khi buổi tối mặc đồ ngủ bà mới cầm roi mây vào dạy dỗ, cả ba đều không thở nổi chừng 30 phút. Có một buổi tối bị đánh tôi chạy trốn, bà đuổi theo tôi hết nửa ngọn núi, sau khi về vẫn ăn một vố đau, vết roi mây trên lưng cả nửa tháng mới tan…”

Cha mẹ Trần Kiều chưa bao giờ đánh cô, từ nhỏ đến lớn, chỉ khi ở nhà anh cô mới bị đau nhiều nhất. Trần Kiều kéo chăn che mặt lại, nhỏ giọng nói: “Vừa lắm.” Sao không đánh chết anh luôn đi, để đỡ gây tai họa cho cô.

Lý Tồn Căn sờ tóc cô, “Thím tôi nói người thành phố của em không thích đánh con, chỉ dạy bằng lời nói đúng không? Tôi sẽ nói với mẹ là không được đánh em nữa. Em đừng sợ nhé, tôi ở đây.” Dừng một chút, anh lại nói: “Ngày hôm đó tôi không cố ý đánh em, lúc đánh xong tôi rất hối hận, tim tôi đau đớn hoảng loạn lắm, vì tôi đã hứa là sẽ đối xử với em thật tốt mà. A Kiều, em đừng chạy, tôi vĩnh viễn sẽ không đánh em.”

Mẹ Lý vẫn rất nghiêm khắc, không biết Lý Tồn Căn đã nói gì với bà mà bà đã không còn động tay động chân nữa, vừa thấy Trần Kiều không làm được gì, là bà than ôi trời mấy ngày liền, thiếu điều la to là đã mua nhầm cô con dâu ngu ngốc gì thế này thôi. Trần Kiều cũng buồn bực, trước giờ cô chưa từng làm việc này, do được nuông chiều từ bé nên da thịt cô rất là tinh tế và mềm mại, có chỗ nào giống biết làm nông đâu.

Mấy ngày qua Hoa nhi về nhà không làm bài tập nữa, lo giúp đỡ Trần Kiều làm xong việc mẹ Lý giao, sau đó mới lo việc của mình. Trần Kiều không muốn để ý đến bất kì ai trong nhà này, nhưng vì Hoa nhi chưa từng làm gì cô, cô bé lại rất cần mẫn, thành thật giúp cô làm việc này việc kia, làm cho Trần Kiều rất mâu thuẫn.

Cô xưa nay ân oán rõ ràng, tuyệt đối không thể nợ ân tình của một đứa trẻ mà vẫn an yên thoải mái được, vì thế Hoa nhi không biết giải đề toán cô sẽ chỉ vài câu. Hoa nhi dần dần không sợ cô nữa, còn chủ động hỏi cô vài vấn đề, hỏi cô Bắc Kinh là nơi thế nào, sự tò mò và khao khát đó đã lay động Trần Kiều, những lời cười nhạo châm chọc dâng tới miệng nhưng mãi không nói thành lời.

Cô bé Hoa nhi nhỏ nhắn xinh xắn, mười hai tuổi vẫn chưa dậy thì, sắc mặt cứ vàng vàng, tựa như màu bùn ở nơi này vậy, “Trước kia có một cô giáo đến từ Bắc Kinh, cô ấy rất xinh đẹp.” Hoa nhi liếc mắt nhìn kỹ Trần Kiều, nhỏ giọng cười nói: “Nhưng lại không đẹp như chị đâu. Cô ấy dạy bọn em ca hát, đưa bọn em ra sau núi vẽ tranh, gọi là vẽ vật thực gì đó, còn nói với bọn em rằng nhà ở Bắc Kinh cao lớn cứ như những ngọn núi ở đây vậy, Bắc Kinh chưa bao giờ tối, trời vừa tối là đèn neong sẽ soi sáng cả thành phố, giống như một bầu trời đầy sao vậy. Cô ấy còn dặn dò bọn em phải học tập thật tốt, sau này có cơ hội lên thành phố lớn sẽ biết được sự khác biệt khi sống ở thành thị và nơi này như hai thế giới vậy, chị à, em cũng muốn thử.”

Trần Kiều không để bụng, “Muốn thì đi thôi, chờ đến lúc em trưởng thành sẽ biết được nước ta rộng lớn đến mức nào.”

“Cha em trước đó cũng ra ngoài làm ăn buôn bán với chú, nhưng bị lừa hết tiền, trở về tức quá sinh bệnh, uống rất nhiều thuốc cũng không cứu nổi.” Hoa nhi buồn bã, “Mẹ và anh của em đều không thích thế giới bên ngoài, nó quá phức tạp.”

Trần Kiều lột đậu, động tác hơi sững lại, “Thế giới này, nơi nào cũng phức tạp cả, chỉ cần nhìn xa trông rộng một chút là được.” Sau đó cô lại nghĩ đến những việc xui xẻo mà mình đã trải qua, thầm thở dài, “Cô giáo kia của em là người ở đâu? Bắc Kinh luôn sao?”

“Em không biết, cô giáo Đỗ ở đây hai tháng là đi rồi. Giáo viên ở trường em cũng đổi liên tục, em biết họ đều cảm thấy nơi này không tốt. Nhưng em cảm thấy gia đình em khá tốt mà, mẹ và anh trai rất chăm chỉ, mỗi ngày đều có cơm ăn. Lớp em có một bạn chưa bao giờ được ăn cơm, bởi vì nhà cậu ấy nghèo không đủ cơm cho cậu ấy mang theo. Lúc bọn em ăn cơm thì cậu ấy lại chạy ra bờ sông uống nước, mọi người thường chia đồ ăn cho cậu ấy, đôi khi em cũng mang dư một ít khoai tây chia cho cậu ấy.”

Trần Kiều nhíu nhíu mày, nơi này lạc hậu và nghèo nàn hơn cả tưởng tượng của cô, dân bản xứ còn rất thiển cận, thà nghèo chết ở trong núi cũng không muốn ra ngoài làm ăn, càng nghèo càng khép kín, càng khép kín lại càng nghèo.

Lý Tồn Căn đẩy cửa ra thấy Trần Kiều đang nói chuyện với Hoa nhi, anh buông cái cuốc, gọi A Kiều ra đây đi. Hoa nhi đi theo ở phía sau, Trần Kiều thắc mắc, “Gọi tôi ra đây làm gì?” Cô còn chưa lột đậu xong nữa, mẹ Lý đã đủ ghét cô rồi, không hấp màn thầu thì tranh khẩu khí (*), một người thành phố như cô lại để một người nhà quê xem thường thì thật đúng là tức chết.

(*)不蒸馒头争口气- không hấp màn thầu thì tranh khẩu khí (thành ngữ): Có nghĩa là phải quyết tâm trả thù, không để bị chà đạp. 

Lý Tồn Căn nắm chặt tay không để cô rút ra, còn quơ quơ, ngượng ngùng nhìn cô, “Đừng chậm trễ nữa, đi theo tôi đi, sẽ không sao đâu.”

Trần Kiều đứng dưới tán cây, tay cô chắp thành hình tam giác che phía trên mắt, ngạc nhiên nhìn Lý Tồn Căn trên cây. Cây đại thụ dài thẳng tắp, cô còn chưa thấy rõ anh đã bò lên trên thế nào thì anh đã mất hút rồi, anh vẫn đang ổn định trên cây, trong khoảng không xuất hiện một bàn tay đang hái cái gì đó.

Hoa nhi cùng mấy đứa nhóc khác cúi xuống đất nhặt, Trần Kiều nhìn thứ đen tuyền hình thù kì lạ trên tay, “Cái này ăn được sao?”

Hai chân anh kẹp thân cây, đứng bất động ở đó tựa như anh được sinh ra ở trên cây vậy, cứ rướn người ra xa, bàn tay thon dài bẻ một nhánh cây thật lớn ném cho Hoa nhi. Sau đó quay đầu nhìn Trần Kiều, anh cười cười như muốn được khích lệ dù biết rõ sẽ rất khó, Trần Kiều cố ý cúi đầu vờ như không thấy. Anh lại bắt đầu hì hục leo xuống, thật y như con khỉ, trên tay đang cầm rất nhiều thứ đó, xoa xoa trên quần áo, lấy ra trái to nhất đưa cho cô, trong ánh mắt mang theo niềm vui như đứa nhóc đang được chia kẹo, “A Kiều, em ăn đi.”

“Chị ơi, cái này gọi là ‘quải tử nhân’ (**), nó ngọt lắm.” Hoa nhi nhét đầy cả miệng, ăn ngon vô cùng.

(**)拐子儿: Có rất nhiều tên khác nhau như: Táo tàu, Lê Wanzi,…

Đây là một món ăn tuổi thơ của người dân quê xứ Trung. Trục quả dày, ngọt, có thể ăn sống, ủ rượu, nấu đường, được dân gian dùng làm “rượu Guăi zão”, có tác dụng chữa bệnh phong thấp. Quả là vị thuốc thanh nhiệt lợi tiểu, giải độc rượu, thích hợp điều trị sốt, khát, say rượu, nhiều đàm, nôn mửa và các triệu chứng khác. [nguồn: kknews.cc] https://kknews.cc/agriculture/6nq6o43.html

Trần Kiều bĩu môi, đẩy tay Lý Tồn Căn ra như thể cô không chịu được trò nghịch ngợm trẻ con này, anh cũng không ép buộc, lấy một trái bỏ vào miệng. Ba người cầm một đống quải tử nhân trên tay, leo lên sườn núi đến trước một căn nhà nhỏ làm từ bùn trúc.

Trong nhà có một người đi ra, mặc một cái áo ba lỗ màu vàng, trên vai vắt áo khoác, trên tay cầm điếu thuốc, ông nói chuyện với Lý Tồn Căn bằng ngôn ngữ địa phương. Xong nhìn sang chỗ Trần Kiều vài lần, cười vỗ vai Lý Tồn Căn, sau đó anh cũng quay mặt đi ra, trong mắt chỉ có cô, biểu cảm đầy thỏa mãn và ấm áp.

Trần Kiều giễu cợt trong bụng, quay mặt đi, một người phụ nữ từ trong nhà đi ra, mở cái chuồng bên cạnh, dắt một con dê ra giao cho Lý Tồn Căn. Bà ấy nói chuyện quang quác, còn đi lên sờ mặt Trần Kiều một chút, làm cho Trần Kiều hoảng sợ lùi ra sau, còn bà ấy vui vẻ cười lớn.

Trên đường về nhà, Hoa nhi giữ dây thừng, con dê vẫn vừa đi vừa ăn cỏ, cô bé chiều theo nó như bảo bối. Dần dần kéo dài khoảng cách với hai người phía sau, Lý Tồn Căn nắm tay Trần Kiều, “Sức khỏe em không tốt, con dê kia mới sinh xong, sữa rất nhiều, mỗi ngày em uống một ly sữa, cơ thể sẽ nhanh khỏe thôi.”

Trần Kiều không biết vì sao mà trong lòng vô cùng bực bội, hất tay anh ra, “Có gì lạ đâu chứ, tanh muốn chết.”

Mẹ Lý thấy họ dẫn một con dê trở về, thì rất kinh ngạc, nhìn Lý Tồn Căn hỏi sao lại thế này. Trần Kiều cảm giác được mẹ Lý nhìn thoáng qua cô, lầm bầm oán giận vài câu, nhưng cuối cùng vẫn để con dê lại.

———————————————

(*)Giải thích sâu xa hơn: Đây là một câu nói dân gian, nguyên câu hoàn chỉnh nói “Bán lúa mạch mua lồng hấp, không hấp màn thầu thì tranh khẩu khí”. Lúa mạch tạo thành bột mì, bột mì tạo ra màn thầu, hiện giờ bán lúa mạch → không có bột mì → càng không có được màn thầu. Không có màn thầu để  hấp, vậy thì mua lồng hấp để làm gì? Để hấp không khí,  ở đây họ dùng từ đồng âm: hấp (蒸-zheng)- tranh (争-zheng tranh giành) và khí(汽-qi trong không khí)- khí (气-qi trong khẩu khí). Nên: “Không hấp màn thầu thì hấp không khí” → “Không hấp màn thầu thì tranh khẩu khí”

Những lời này, dùng để chỉ làm người phải có tự tin, phải có cốt cách, nếu có người nói với bạn: “Không hấp màn thầu thì tranh khẩu khí.” Ý họ chính là, người khác càng nói bạn không làm được, thì bạn càng phải làm được! [nguồn baidu-nếu ai rõ hơn về câu này thì bình luận ở dưới cho em xem với nha] 
Bình Luận (0)
Comment