Vân Nê - Thanh Đăng

Chương 42

Mồng hai tháng hai rồng thần ngóc đầu, đây là một ngày tốt nhất trong năm, điều ước lớn nhất của Chu Ngọc Phân là con gái có thể trở về bên mình. Trần Kiều mất tích được một năm, bà cũng tìm cô ròng rã một năm, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy con gái bà đã gặp phải bọn buôn người, hoặc cả đời này không về được nữa.

Nhưng bà sẽ không bỏ cuộc, bà không thể từ bỏ, con gái chắc chắn đang ở nơi nào đó chờ bà đón về. Bởi vì trong mấy tháng dài không tập trung làm việc, còn nghỉ làm vô cớ, nên Chu Ngọc Phân bị trường sa thải, hiện giờ bà đã tiều tụy đi rất nhiều vì phải đi hết cục cảnh sát này đến cục cảnh sát khác báo án.

Bà cũng thường đến nơi cuối cùng mà Trần Kiều xuất hiện, cuối năm nghe tin có ngôi chùa cầu nguyện rất linh, bà một mình lặn lội đường xa đến dâng hương. Trừ những lúc bôn ba bên ngoài bà đều ở trong chùa ăn chay niệm phật, tựa như đã coi ngôi chùa là ngôi nhà thứ hai của mình.

Ngày nọ chồng bà gọi điện tới, bà hoảng hốt còn ngỡ mình đang nằm mơ, bà cầu nguyện trời cao nghìn lần vạn lần, cuối cùng ông trời cũng nghe thấy, đưa A Kiều trở về bên bà. Nắng tháng ba dịu nhẹ, tầng sáng nhàn nhạt xuyên qua tán cây cổ thụ xum xuê chiếu xuống đất, tạo nên một bóng râm yên ả bên bồn hoa. Xa xa có tiếng còi xe ing ỏi, tiếng người ồn ào lọt qua khung cửa sổ tràn vào phòng.

Ánh nắng xiên qua ô cửa sổ sát đất, phản chiếu lên sàn nhà khiến cả căn phòng sáng sủa hẳn lên. Chu Ngọc Phân ngồi trên ghế sô pha gọt táo, thỉnh thoảng liếc nhìn về phía chiếc giường, thấy Trần Kiều đang ngủ yên ổn bà mới yên tâm. Nhưng khi thấy vẻ xanh xao của con gái bà không khỏi đau lòng, nước mắt không kìm được lăn dài trên má.

Ngẫm lại cả đời này bà dạy dỗ trồng người, không dám nói đã dốc hết tâm huyết nhưng cũng gọi là tận tụy, bất kể mưa gió đều làm tròn chức vụ. Chồng bà có sự nghiệp không lớn không nhỏ, trừ chi phí ăn tiêu trong nhà, ông chưa từng keo kiệt trong những hoạt động như gây quỹ chữa bệnh, hội chữ thập đỏ, liên hoan từ thiện.

Chưa bao giờ ỷ mình làm tý việc thiện đã cầu xin này nọ, bà chưa từng cầu xin mình sống lâu trăm tuổi, chỉ mong con gái được khỏe mạnh bình thường, nhưng sao ông trời lại thích trêu ngươi người tốt như vậy. Bà tình nguyện bản thân chịu nhiều đau khổ cũng không muốn con gái mới tuổi đôi mươi, cuộc đời vừa mới rộng mở đã suýt bị hủy hoại.

Chu Ngọc Phân âm thầm rơi lệ, nghe thấy Trần Kiều gọi mình, bà vội vã gạt đi nước mắt, tươi cười bước đến: “Bé ngoan, con đã thấy đói bụng chưa, có muốn mẹ nấu cơm không? Trước đây con ham ăn nhất, đi học về là đòi ăn, để mẹ nấu cho con nhé.”

Trần Kiều ngước nhìn khuôn mặt mẹ, nhìn hồi lâu chắc chắn mình không nằm mơ mới cười lắc đầu: “Con không thấy đói, vẫn chưa muốn ăn. Mẹ ngồi gần đây, con muốn ôm mẹ. Con rất nhớ mẹ.” Nước mắt lại rơi xuống, Chu Ngọc Phân cúi đầu che giấu, bàn tay nắm chặt lấy tay Trần Kiều, giọng nói không nén được nghẹn ngào: “Đám người xấu tạo nghiệp kia sớm muộn cũng gặp báo ứng, mẹ chỉ hận không thể ăn thịt uống máu bọn chúng. Con gái của mẹ, con chịu khổ rồi, con thật đáng thương.”

Trái tim Trần Kiều thắt lại, nước mắt mẹ cô nóng hổi, từng giọt thi nhau rơi xuống tay cô. Trong một năm qua cô nhớ nhà biết bao nhiêu, ba mẹ nhớ cô biết bao nhiêu, mọi người kìm nén đã lâu nên khóc một trận cho thoải mái. Chờ mẹ khóc xong cô mới giúp bà lau khô nước mắt, làm nũng với bà như mọi khi: “Mẹ, con muốn về nhà, con không muốn nằm viện.”

Mùi nước sát trùng quá nồng, cô ngửi là muốn buồn nôn. Lại thêm trong bệnh viện đâu đâu cũng màu trắng tinh khiến cô nhớ đến một màu sắc cực đoan khác. Đó là lúc cô bị nhốt trong phòng nhớ nhà, đưa mắt nhìn ra bốn phía chỉ thấy một màu đen câm lặng, bây giờ cô không muốn nhớ lại những thứ đó.

“Bé ngoan, sức khỏe con không tốt nên cần bác sĩ kiểm tra. Nếu không tích cực điều trị sau này sẽ rất khổ, con gái nên biết quý trọng thân thể.” Bà có nghe bác sĩ nói con gái vừa xảy thai chưa lâu, nếu không điều dưỡng cẩn thận, rất có thể sẽ mất khả năng làm mẹ. Bây giờ cô đã thoát khỏi nạn, quá khứ đã qua, sống tiếp mới quan trọng nhất.

Có thể trải qua trận đả kích này, Trần Kiều sẽ không muốn kết hôn nữa, nhưng chuyện không thể mang thai và chuyện chưa muốn có thai hoàn toàn khác nhau, bà không muốn con gái phải hối hận. Chu Ngọc Phân trông nom Trần Kiều mấy hôm liên tục, bà canh bên mép giường không rời con nửa bước, thậm chí chuyện cơm nước cũng nhờ bác giúp việc trong nhà mang đến. Buổi tối bà ngủ trên chiếc giường khác trong phòng, Trần Học Binh muốn thuê một y tá nhưng bà không chịu.

Trần Kiều chỉ đành nghe theo bà, nằm viện đến khi bác sĩ cho xuất viện mới thôi. Ngày xuất viện, Trần Học Binh không đến công ty mà tự mình lái xe đến đón. Ông khoảng chừng bốn mươi tuổi, không gầy không mập, không cao không thấp, tướng mạo đoan chính, có thể nhìn ra lúc trẻ cũng là một thanh niên điển trai.

Chu Ngọc Phân có khuôn mặt tròn trịa không nhìn ra dấu hiệu tuổi tác, bình thường hay giao tiếp với những người trẻ tuổi nên tâm hồn cực kỳ trẻ trung. Nếu nói hai vợ chồng bà ngoài ba mươi tuổi cũng có người tin. Trần Kiều mất tích được một năm là một cú sốc quá lớn, hai bên tóc mai Trần Học Binh đã điểm bạc trắng, trên mặt Chu Ngọc Phân cũng có vài nếp nhăn, thoạt nhìn giống như già đi mười tuổi. Trần Kiều đau lòng cho ba mẹ, bọn họ muốn thế nào cô đều nghe theo.

Bên ngoài xe là khung cảnh mà cô quen thuộc, dường như đường về nhà ngắm thế nào cũng không đủ, cô nằm nhoài trên cửa kính xe như một đứa trẻ. Chu Ngọc Phân kéo cô về, đóng cửa kính: “Mấy năm gần đây sương mù ở Thủ Đô rất độc, con vừa mới khỏe không nên ra ngoài đón gió.”

Trần Kiều kéo cánh tay mẹ, tựa lên người bà, để hương thơm trên người bà bao bọc lấy cô: “Mấy người chú Vương bao giờ trở về? Ba đã cảm ơn bọn họ chưa? Có đưa tiền không ạ.”

Người đưa cô về tên Vương Đại Đồng, lúc ấy Trần Kiều ở một thành phố xa lạ trên người không một xu dính túi, cũng không dám báo cảnh sát. Chú Vương là tài xế xe chở hàng, vợ cùng con dâu chú có mở một quán mì ven đường. Lúc gặp được Trần Kiều, cả người cô nhếch nhác, chú Vương dẫn cô về nấu cho một bát mì nóng hổi, sau đó kêu vợ và con dâu giúp cô tắm rửa thay quần áo. Con trai chú cũng là cảnh sát, công tác ở một đội cảnh sát giao thông nào đó, hai cha con liền nghỉ phép đưa Trần Kiều trở về. Hiếm có người xạ lạ nào lại giúp đỡ nhiệt tình như vậy, Trần Học Binh đương nhiên phải cảm ơn bọn họ chu đáo, lúc ra về còn tiễn bọn họ đến ga tàu.

“Ba con dù gì cũng sống được nửa đời người, còn không hiểu chuyện hay sao? Đưa tiền không đủ thành ý. Đừng lo lắng, ba đã mua tặng họ đặc sản chỗ chúng ta, vốn muốn giữ bọn họ ở lại thêm vài ngày nữa, đợi ba có thời gian sẽ mời bọn họ một bữa cơm. Nhưng mà chú Vương nói trong nhà có việc gấp, công việc cũng không thể trì hoãn nên cương quyết muốn về. Ba đã hỏi địa chỉ, nếu con không yên tâm có thể mua chút quà gửi đến bọn họ.” Trần Học Binh chú ý phía trước, mỉm cười ngữ khí ôn hòa nói.

Trần Kiều đáp lại: “Cảm ơn ba.”

“Con gái ngốc, còn cảm ơn nữa. Trước kia chưa từng thấy con cảm ơn tiếng nào, giờ đã trưởng thành rồi sao?” Chu Ngọc Phân vuốt ve mặt con gái, trêu chọc cô.

Trần Kiều vùi mặt vào lòng bàn tay mẹ, lẩm bẩm nói: “Cảm ơn thì sao chứ.”

Mùa hè ở phương Bắc có hơi khó chịu, năm nay mùa nóng đến sớm, chưa gì nhiệt độ đã tăng cao đến mức rời xa điều hòa là không sống nổi.

Nhà Trần Kiều là một căn biệt thự kiểu Phục, góc đông bắc sân trồng một gốc hải đường Tây Phủ có niên đại sâu xa, thân cây vượt qua mái ngói cao vút xòe ra như một tán ô, chạc cây màu đen thẫm vươn ra bốn phía, che rợp nửa góc sân. Dọc theo chân tường là từng gốc thường xuân leo lên nóc nhà, gió mát thổi qua tán lá rung rinh như một biển xanh biếc.

Bên dưới tán cây là dây nho tươi tốt cùng chiếc xích đu, phía sau cách đó không xa là một tường rào được bện thành từ nhánh tường vi um tùm, cánh hoa trùng trùng điệp điệp, đua nhau khoe sắc tạo nên một bức tranh u tĩnh thướt tha. Những lúc Trần Kiều không ra khỏi nhà thường ra ngoài sân vẽ vời, đến giữa trưa Chu Ngọc Phân gọi về ăn cơm cô mới đứng dậy.

Cô về nhà được vài tháng nhưng số lần ra khỏi cửa cực ít, Chu Ngọc Phân sợ cô buồn chán mới giục cô mệt mỏi thì ra ngoài phố đi dạo, hoặc là tụ tập với đám bạn bè. Trần Kiều im lặng cúi đầu ăn cơm, nghe đến phiền mới đáp lại qua loa hai câu.

Chu Ngọc Phân làm giáo viên nên rất mẫn cảm với tâm trạng người trẻ. Bà lo lắng Trần Kiều vì chuyện lúc trước mà thành tâm bệnh. Trần Học Binh an ủi bà, nói nếu không được thì dẫn cô đi gặp bác sĩ tâm lý.

Vốn tưởng sắp xếp ổn thỏa, cuối cùng lại bị Trần Kiều phản đối quyết liệt, cô không cảm thấy bản thân mình có bệnh. Cô chỉ không có bạn bè nào quá thân thiết, cũng không hứng thú với thế giới bên ngoài, chỉ muốn được ở nhà vẽ vời thỏa thích. Cô đã lên mạng gửi bảo thảo tìm công việc, nếu bên kia nhận được CV sẽ bắt đầu phỏng vấn.

Chu Ngọc Phân nghe cô dự tính như vậy rất yên tâm, mãi đến khi Trần Kiều không ra ngoài trong hai tháng nữa bà mới biết công việc cô ứng tuyển không cần ra ngoài, cũng không cần giao tiếp. Toàn bộ công việc đều tương tác trên mạng, trừ những lúc gặp bên hợp tác thì không giao tiếp với bất kỳ ai, công việc là vẽ tranh manhua.

Trần Học Binh thấy cô như thế cũng không thể mặc kệ được. Ngày ấy Trần Kiều vừa hoàn thành bài đăng của tuần này thì ba mẹ giục cô cùng bọn họ ra ngoài gặp một người bạn. Cô không muốn đi, bản nháp tuần sau còn chưa có ý tưởng, nhưng nhìn thấy ánh mắt năn nỉ của mẹ, cô không nỡ lòng từ chối, đành phải ra ngoài thôi.

Nhìn thấy đối phương ăn mặc phong độ nhàn nhã nhưng cực kỳ tỉ mỉ, ánh mắt thường xuyên quan sát cô, Trần Kiều đã đoán ra được chút đầu mối. Quả nhiên đối phương là một giáo sư tâm lý học đại chúng, biết được cô là một họa sĩ còn mời cô vẽ một bức tranh.

Chu Ngọc Phân đã chuẩn bị từ sớm, đưa bản thảo Trần Kiều vẽ hai ngày trước cho bạn xem. Hai bên trò chuyện với nhau vui vẻ, nói từ chuyện công tác của từng người đến đời sống sinh hoạt, tin tức quốc tế cùng mấy tin đồn trong giới giải trí. Cứ mỗi phương diện cần phát biểu ý kiến, người bạn kia lại hỏi Trần Kiều, cô không thể minh mẫn mà trả lời được.

Càng tán gẫu càng không có điểm dừng, Trần Kiều đành chuồn về trước.

Chu Ngọc Phân lúc này mới lên tiếng hỏi. Đối phưởng đẩy mắt kính bày ra dáng vẻ của chuyên ngành: “A Kiều không gặp vấn đề lớn về giao tiếp, ngôn từ khéo léo, tầm nhìn rộng rãi, có một số kiến giải rất đúng trọng tâm, không cực đoan cũng không phẫn uất, tóm lại không có vấn đề gì quá lớn. Nhưng mà bức tranh này được vẽ lúc nào? Dù phóng bút vẽ bừa cũng nhìn ra được vài thứ, bởi lẽ đây là tranh con bé vẽ ra trong trạng thái không phòng bị, biểu đạt suy nghĩ chân thật nhất trong nội tâm mình. A Kiều rất thích dùng màu nâu, màu đen và lam đậm. Nếu loại bỏ nhân tố yêu thích thì rõ ràng nội tâm con bé rất ủ dột, bị một tâm trạng nào đó đè nén mà bản thân không thoát ra được. Có lẽ biểu hiện không muốn giao tiếp xã hội mà hai người lo lắng cũng giống như một căn phòng kín mít nhốt người vào trong đó. Nhưng mà không sao, con bé vẫn vẽ những người khác xung quanh mình, chứng tỏ A Kiều không phải không thích giao tiếp mà là có cái nhìn khác về vấn đề này, đồng nghĩa với đó sẽ có một số người bị đẩy ra ngoài. Những người được con bé cho phép tiến vào phòng phải cố gắng bỏ ra nhiều công sức thân cận hơn với con bé hơn. Tóm lại A Kiều hiện giờ rất đề phòng người khác, lại không mong đợi gì nhiều vào cuộc sống, tâm trạng cực đoan nhạy cảm, người trong nhà bây giờ nên ân cần làm bạn khuyên nhủ, trừ khi bất đắc dĩ, nếu không thì không nên cưỡng ép con bé làm điều mà con bé không thích, chỉ có vậy mới không dẫn đến tiêu cực.”

“Còn về chuyện công việc kia, chắc hẳn là do A Kiều yêu thích. Đây cũng là một cách để thả lỏng, ý tôi là không cần phải can thiệp. Con bé đã gặp phải chuyện cực kỳ bất hạnh, có rất nhiều người giống vậy khi thoát khỏi khổ ải vẫn không thể khôi phục cuộc sống bình thường, hoặc là điên hoặc là dại. A Kiều phải có tính cách cực kỳ cứng rắn mới không bị ảnh hưởng đến phá hỏng nhân cách, như vậy rất tốt. Tình hình của con bé không quá nghiêm trọng, trong cái rủi có cái may, rất nhiều chấn thương sẽ được thời gian chậm rãi chữa lành, hoặc cũng có thể chuyển con bé đến một nơi an tĩnh hơn để điều dưỡng cơ thể, tâm trạng cũng theo đó cũng tốt lên.”

Trần Kiều không biết bác sĩ tâm lý đã nói gì với ba mẹ, lúc về bọn họ cũng không kể với cô, ngoại trừ mẹ vẫn lo lắng cô nhốt mình trong nhà quá thường xuyên thì mọi thứ đều tốt. Bởi vì chuyện gián đoạn một năm trước, cô đã mất liên lạc với rất nhiều bạn học.

Thời đại học cô có một người bạn cùng phòng, hai người ở chung rất hòa hợp, lúc trước còn rủ cô ra ngoài đi chơi nhưng từ lâu đã không còn nhắn tin qua lại. Hai hôm trước đột nhiên nói sắp kết hôn muốn gặp cô một bữa, kết hôn xong sẽ về phương nam, sợ rằng sau này khó có thể gặp được nhau.

Trần Kiều sửa soạn chu đáo, bước ra khỏi cửa còn cố ý thông báo Chu Ngọc Phân một tiếng. Quả nhiên thấy cô đi gặp bạn bè bà rất vui, chút lo lắng nho nhỏ kia cũng biến mất.

Các cô hẹn nhau ở một trung tâm, Trần Kiều đến trước gọi hai ly cà phê, đối phương sát giờ mới đến, có hơi ngượng ngùng nhận cà phê đỏ mặt nói: “A Kiều, cảm ơn cậu. Hóa ra cậu vẫn nhớ khẩu vị của tớ.”

Các cô đứng trên thang cuốn lên lầu chậm rãi đi dạo, Trần Kiều không chắc chắn bạn trai đối phương có phải người cùng trường kia không, mà cô cũng ngại mở miệng, cuối cùng chỉ tán gẫu về chuyện đám cưới.

Trương Đình Đình bước đến kéo cổ tay Trần Kiều, hai người thân mật sóng vai. Trần Kiều bỗng thấy buồn nôn, sau lưng nổi một tầng da gà, cô giơ tay chỉ về một cửa tiệm: “Tớ tặng cậu một chiếc váy coi như quà cưới nhé, lúc trước bọn mình hay mua quần áo ở tiệm này, cậu còn nhớ không?”

Sau đó tay trái cầm cà phê, tay phải nhấc túi, không cho đối phương cơ hội tiếp xúc mới đỡ hơn. Địa điểm ăn cơm là một quán thịt nướng cũng ở trong trung tâm, trong lúc chờ đồ ăn, Trương Đình Đình nhìn Trần Kiều, muốn hỏi nhưng lại thôi: “A Kiều, tớ nghe nói cậu mất tích một năm, đã xảy ra chuyện gì? Mọi người ai cũng lo lắng cho cậu.”

Trần Kiều né tránh ánh mắt của đối phương, sờ lên sống mũi, ngữ điệu có chút yếu ớt: “Sao mọi người biết?”

“Là do người nhà cậu gọi điện cho mấy đứa bọn tớ, mọi người đều nói cậu ừm… bị lừa bán. Không có gì đâu, cậu đừng nghĩ nhiều, dù sao cũng tìm được cậu rồi. Bây giờ thấy cậu bình an tớ cũng yên tâm.”

Trần Kiều ngẩn người không muốn đáp thêm, trước đây Trương Đình Đình tính cách hướng nội, cô ấy không phải người thích hỏi thăm chuyện riêng tư của người khác, cũng chưa từng nói xấu sau lưng ai bao giờ, Trần Kiều rất mến cô ấy. Trừ người nhà ra, đây là lần đầu tiên cô muốn nói hết mọi chuyện, nhưng vừa mở miệng lại như có luồng sức mạnh nào lôi kéo, không cho phép cô nói nhiều, chỉ kể ngắn gọn vài câu.

Cuối cùng phát hiện vết thương của mình không thể nào giải bày, những gì trải qua khiến cô bị khủng hoảng muốn chết, khắc sâu vào trong xương tủy. Cho dù nhắc đến cũng chỉ thấy tê dại, nhưng cô không thể thản nhiên như người bình thường phát biểu vài câu, cũng không thể cuồng loạn thề thốt nguyền rủa, tất cả đều đã thay đổi.

Cô muốn quên hết đi, nhét xuống nơi sâu nhất trong lòng, vĩnh viễn không nhớ lại nữa.

Con người vốn rất hiếu kỳ, đôi khi không phải có ý cười đùa chuyện riêng của người khác nhưng có một số chuyện chỉ cần thuận miệng hỏi vài câu cũng đủ khiến người khác buồn nôn. Trần Kiều biết Trương Đình Đình không có ác ý, cũng sẽ không mang chuyện của cô ra mua vui cho người khác, nhưng mà giả vờ không biết khó đến vậy sao, sao cứ phải tò mò nơi cô bị bán đến là nơi nào, sao phải hỏi người mua cô là kẻ ra sao, tại sao chứ?

Quả nhiên cảm nhận của con người vốn không tương thông, nếu không chân chính đặt bản thân vào hoàn cảnh người khác thì trên thế giới sẽ không có người thứ hai đồng cảm với sự vô vọng của cô.

Thời gian còn lại Trần Kiều một mình chìm trong sự ngột ngạt, cô từ chối lời mời xem phim của Trương Đình Đình. Một mình bước đi trên đường lớn, xung quanh đều là người, không một ai chú ý đến cô, ai nấy đều bận rộn với chuyện của riêng mình. Thời khắc này cô mới thực sự được buông lỏng.

Mười một giờ đêm, Trần Kiều đứng trên cầu hứng gió ba tiếng đồng hồ mới kéo cơ thể mệt mỏi về nhà. Nghĩ đến mẹ sẽ hỏi tỉ mỉ về cuộc hẹn của cô, cô miễn cưỡng tỉnh táo lại, bác giúp việc đã đứng cửa chờ cô, niềm nở: “Mạnh Dự đã đến chơi rất lâu rồi, cô giáo Chu mời cậu ấy ở lại ăn cơm đó con.”

Trần Kiều đầu đau như búa bổ, cô vòng lên cầu thang phía sau: “Cô bảo anh ấy về giúp cháu, cháu không được khỏe. Bảo với mẹ cháu, cháu đi ngủ trước, có chuyện gì ngày mai hãy nói.”
Bình Luận (0)
Comment