Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 14

Mấy ngày sau đó, Minh Nguyệt liên tục nhắc tới vấn đề này và đòi hỏi yêu cầu khiến Hiển Sướng phiền chán vô cùng. Nàng nhằng nhẵng đuổi theo chàng truy cứu từ phòng này tới phòng khác không ngừng nghỉ, cuối cùng dồn ép chàng đang đi tới ngưỡng cửa phải xoay phắt lại nói với nàng: “Tin ai cũng không chịu tin ta có phải không? Ta phải nói bao nhiêu lần em mới chịu hiểu, chi tiết quy định sử dụng công nhân là chuyện của quản lý và nhân viên chủ quản, em cảm thấy ta sẽ tới phòng làm việc của họ xem họ trừ bao nhiêu tiền, trù tính cho công nhân ăn bao nhiêu cơm sao? Ta cũng sẽ ra ngoài lán ở xem họ bao giờ thì đốt sưởi giường đất, bỏ thêm bao nhiêu rơm củi sao?”



“Nói hoài nói mãi, ta cũng đã sớm nói rồi. Đã ầm ĩ sóng gió đến mức này rồi, sao có thể không thay đổi chứ? Cả thành đều đang quan tâm đến chuyện này, quân phiệt cũng gọi điện tới. Em xem, ở nhà em cũng truy hỏi ta. Được rồi, đến đây thôi được chưa? Nếu em không yên tâm, ngày mai em theo ta tới xưởng xem, xem tận mắt cho em yên lòng.”



“Nói đi cũng phải nói lại, ta cho em biết Minh Nguyệt, đừng hi vọng ta sẽ tu sửa lán ở và xưởng làm việc tiện nghi thoải mái như trong hoàng cung. Một người sống thế nào, hưởng phúc gì, chịu khổ gì là do chính bản thân anh ta tu được từ kiếp trước, ăn ở ở kiếp này! Đừng có đề cập với ta chuyện tiền nong lương lậu nữa, em có biết một ngày năm đồng đồng là tiêu chuẩn gì không? Một người không muốn làm, sáng vừa bỏ đi, chiều sẽ có ba người tới bổ sung cho vị trí của anh ta, em có tin không? Ta không thèm nghe em nói nữa, em chẳng biết cái gì hết!”

Chàng vươn cánh tay dài ra đẩy mạnh nàng một cái, Minh Nguyệt thoáng lảo đảo, Hiển Sướng đã đi vào nhà, quay về phòng ngủ. Đang định tự mình cởi quần áo lên giường, bỗng thay đổi ý định, cao giọng gọi: “Qua đây.” Một lúc lâu sau mới thấy Minh Nguyệt vào phòng, Hiển Sướng từ xa chọc chọc đầu ngón tay về phía nàng: “Càng ngày càng không ra sao! Ta không gọi được em nữa rồi phỏng?” Minh Nguyệt không đáp lời. Hiển Sướng lùi người ra sau, nhấc chân lên để nàng cởi giày cho: “Qua đây hầu hạ.” Minh Nguyệt đi tới, cởi một bên giày da của chàng ra, giơ lên ném thẳng vào người chàng. Hiển Sướng rú lên: “Á á, em làm phản đấy hả!”

Minh Nguyệt co giò định bỏ chạy, chàng nhanh tay nhanh mắt bắt lấy cổ tay nàng, tay kia choàng qua cổ nàng, kéo mạnh qua hôn môi nàng, vừa hôn vừa cắn, đồng thời tay còn ngang ngược xé rách áo khoác bông ngắn trên người nàng. Minh Nguyệt thực sự ra sức giãy giụa phản kháng, càng thêm kích thích chàng, chỉ một loáng đã cởi sạch quần áo nàng ra, hai tay ôm nàng ném lên giường, vừa cởi áo bào của mình vừa cười gằn: “Ha ha, em xong đời rồi, ngoan ngoãn chịu sống đi… Con, dê, con…” Chàng nhào tới tập kích, cắn lên cổ, lên vai, lên lưng, lên khắp người nàng, “Trắng thế nhỉ, thích chết được, nhân lúc còn nóng ta nuốt trọn em nhé!” Chàng la lối đến là ầm ĩ, khớp hàm cũng không dám dùng sức, chỉ cắn nhè nhẹ, mút liên miên, để lại một chuỗi dấu đỏ trên da nàng. Thân thể chàng thúc mạnh vào trong nàng, điên cuồng buông thả một hồi lâu. Cô gái bên dưới vẫn bị đau muốn chết, cau mày chịu đựng chàng, miệng trách cứ: “Lại cắn cổ em! Sao đến trường được?!”

“… Đeo khăn quàng cổ đi.”

Xong việc, chàng trở mình muốn ngủ. Minh Nguyệt nằm sau lưng gẩy gẩy dái tai chàng, nhỏ giọng hỏi: “Em tin được anh chứ?”

“Câu nào?”

“Xưởng cao su…”

“Nghĩ lắm quá lùn đi đấy…” Chàng còn chưa nói hết đã ngủ mất.

Không lâu sau đó là lễ mừng thọ của phúc tấn. Trong nhà mời phường hát tới diễn bình kịch (*) ba ngày. Minh Nguyệt xin nghỉ ở trường để ở nhà cùng xem kịch nói chuyện thưởng trà. Tiệc mừng đến ngày thứ hai thì nổi lên một trận sóng gió không lớn không nhỏ.

(*) Bình kịch (评剧) là một loại hí kịch ở miền Hoa Bắc và Đông Bắc Trung Quốc.

Điền trang trên núi mang tới lễ mừng thọ một con vật sống, là một con cáo nhỏ toàn thân trắng như tuyết, hai cái tai to hình tam giác, thân mình mập mạp, tròn vo, đáng yêu vô cùng. Không biết là trời sinh thông minh tinh quái hay là đã được người ta cẩn thận huấn luyện mà cứ nghe thấy tiếng nhạc là con cáo nhỏ sẽ tự đuổi theo cái đuôi của mình xoay mòng mòng, nhạc ngừng rồi nó vẫn không dừng lại, nom buồn cười chết thôi. Đám con gái đều rất thích con vật này, phúc tấn lại đưa nó cho Thải Châu. Khi đó cô mang thai được bốn tháng, đã lộ bụng, mặt và quai hàm đầy đặn hơn, cả người toát ra vẻ đoan trang phú quý. Phúc tấn kéo cô ngồi cạnh mình, lại đưa con cáo ai ai cũng thích này cho cô, đủ để thấy coi trọng đến mức nào. Thải Châu dâng trào vui sướng mà nhận lấy.

Ai ngờ đến đêm, ranh con kia lại cắn gãy lồng gỗ, lặng lẽ chạy ra ngoài. Mấy con chó lớn ngửi thấy mùi thú hoang chạy loạn, tức thì hưng phấn muốn điên lên, khiến cả nhà cả cửa không sao yên được. Đầy tớ nửa đêm tỉnh dậy đuổi bắt hồ ly, thấy cái bóng trăng trắng nương theo ánh trăng nhảy nhót từ gian nhà này qua gian nhà khác, cuối cùng nhảy vào một căn, không thấy ra nữa, tiếp tục tìm kiếm cũng không thấy đâu. Đó là căn lầu của Minh Nguyệt cô nương.

Chuyện bới đất đào động, cáo còn ranh ma hơn chuột nhiều. Bắt được thì tốt, không bắt được cũng là chuyện thường tình. Nhưng việc con cáo trắng chui vào phòng Minh Nguyệt cô nương thì lại biến thành một sự tích châm biếm, được truyền từ miệng này sang miệng nọ khắp nhà bếp, giếng nước, phòng gác cổng, phòng giặt đồ, miêu tả đến là phong phú sinh động. Những con người vốn đang sống cuộc sống khô khan ngột ngạt này đã đem thân thế, dung mạo và cả sự sủng ái tột độ mà nàng có được ra so sánh với hình tượng đại diện cho con cáo trắng kia, phát hiện thấy rất có lý lẽ, vừa kỳ diệu vừa tự nhiên.

Tường có tai, cây có mắt, những lời này vào tai Minh Nguyệt, nàng cũng không nói gì.

Một ngày nọ, sau khi tan học, nàng không vội về vương phủ ngay mà tự mình dắt xe đi dạo dọc con đường tới cung Thái Thanh. Cung Thái Thanh vốn là đạo quán của hoàng gia, sau ngày đổi mới mới mở cửa cho dân chúng. Có người nói xin xâm hỏi quẻ ở đây khá linh nghiệm, bởi vậy nên nhang khói rất thịnh. Ngoài cổng có rất nhiều quán ăn vặt nương nhờ, gian hàng bán bánh trứng rán là đắt khách nhất. Hôm nào Minh Nguyệt không muốn về vương phủ ăn đều chủ yếu là ăn cái này. Nàng mua bánh rán, một tay dắt xe, một tay cầm bánh định ăn, ngước mắt lên chợt thấy cách đó không xa có người quen biết.

Cô gái tên Ngô Lan Anh từng gặp trong nhà Nam Nhất đang nói chuyện với một cậu bé. Cậu bé thoạt nhìn không lớn lắm, từng sợi tóc chắc khỏe suôn thẳng, dáng người thấp hơn Lan Anh một khúc. Quần áo cậu bé mặc cũ nát rách tươm, dưới chân đi một đôi giày rơm. Hai người cứ tranh luận suốt, bỗng, cậu ta hung hăng dúi vào tay Ngô Lan Anh vài thứ rồi xoay người chạy thẳng. Chạy quá nhanh, Ngô Lan Anh đuổi theo mấy bước rồi không đuổi nữa, chợt ngồi thụp xuống đất, bưng mặt khóc.

Minh Nguyệt thấy mà ngẩn người đứng đó như trời trồng.

Ngô tiểu thư khóc một lúc lâu mới lấy tay áo lau mặt đứng lên. Xoay người lại thì trông thấy Minh Nguyệt đang đứng đối diện mình cách đó không xa. Cô cũng nhận ra Minh Nguyệt, cắn cắn môi dưới, cắm đầu đi tiếp, lẳng lặng xẹt qua bên người Minh Nguyệt. Ngô tiểu thư ngẩng đầu rất cao, cằm cũng hếch lên, lưng thẳng tắp, dáng vẻ không chỉ nghiêm nghị mà còn kiêu căng, đơn giản mà nói thì chính là coi thường người khác. Minh Nguyệt nghĩ, cô gái này thật đáng ghét, thật khiến người khác phải khó chịu. Cô cắn một miếng bánh rán, dắt xe đi về phía trước, bỗng nghe đánh phịch một tiếng, xoay người nhìn lại, Ngô Lan Anh ngất xỉu trên đất.

Cô tỉnh lại, mở mắt, dường như nhìn mãi mới nhận ra người bên cạnh là Minh Nguyệt từng có duyên gặp một lần. Giọng Ngô Lan Anh khàn khàn: “Đây là đâu?”

“Bệnh viện.” Minh Nguyệt trả lời.

Ngô Lan Anh nghe vậy, không biết lấy sức lực từ đâu mà lập tức ngồi bật dậy, xuống giường muốn rời đi, nhưng chỉ một giây sau đã ngã lại xuống giường.

Minh Nguyệt khịt mũi một cái: “Chị đang sốt. Bác sĩ đã tiêm rồi, đợi lát nữa hẵng đi, chí ít thì lúc này chị nên nằm yên đó.”

Trong mắt Ngô Lan Anh thoáng chốc ầng ậc nước, nghiêng đầu, lấy gối lau lau.

Minh Nguyệt đứng dậy: “Tôi phải về nhà rồi. Chị nghỉ ngơi cho khỏe.”

Ngô Lan Anh không nhìn cô: “Tiền của em, tôi sẽ trả lại em.”

Minh Nguyệt từ phòng bệnh đi ra, thấy y tá đang đẩy xe lần lượt qua từng phòng bệnh đưa cơm. Nàng cầm ít tiền mặt ra trả, cũng nhờ họ chuẩn bị chút hoa quả cho Ngô tiểu thư trong phòng bệnh này.

Nàng đi đôi giày da mòn vẹt bị thủng phần đế phía mũi đạp xe về nhà, sáng hôm sau mở tủ giày của mình ra, tạm thời chọn trong hơn mười đôi giày lấy một đôi da dê màu quả hạnh ra thay, bảo người cầm đôi giày mình đi hôm qua đem sửa và đánh xi. Mấy ngày tiếp đó, nàng vẫn đi đôi giày của Ngô Lan Anh đến trường. Người hầu cứ thắc mắc mãi từ khi nào mà Minh Nguyệt cô nương lại có một đôi giày cũ rách như vậy. Nàng cũng không nói gì.

Vài ngày sau, Ngô Lan Anh tới trường trung học Nam Quan tìm Minh Nguyệt, trả lại tiền nằm viện Minh Nguyệt ứng trước và đôi giày nàng để lại cho cô. Minh Nguyệt cũng trả lại giày cho Lan Anh. Ngô tiểu thư nhìn mặt da của giày mình, hỏi: “Em đem nó đi sửa?”

“Vâng.”

“Cảm ơn em.”

“Không cần khách khí.”

“Tôi thấy em có một cái xe đạp.”

“Đúng vậy.”

“Nhà em rất có điều kiện phải không?”

“…”

Hai cô gái ngồi trên thảm cỏ dưới tòa nhà dạy học, tháng Tư trời trong, trong không khí thoang thoảng mùi lá nho ngọt lịm, trên bầu trời áng mây trôi lững lờ. Ngô Lan Anh kể cho Minh Nguyệt nghe câu chuyện của mình.

Bình Luận (0)
Comment