Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 18



Minh Nguyệt theo Nam Nhất về nhà, vừa mở cửa, quả nhiên bà Lưu đã cầm chổi đợi sẵn bên trong, lập tức vung về phía cô con gái của mình. Nam Nhất vèo một cái trốn ra sau Minh Nguyệt, ngoài miệng cũng không xin tha: “Mẹ đánh chết con đi! Mẹ đến mà đánh chết con đi! Mẹ không đánh chết được con, con sẽ chạy đi đấy! Hôm nay con đã về rồi, mẹ lại muốn khiến con chạy thật đấy à?” Làm mẹ cô lập tức nhụt chí, lau nước mắt nói: “Sớm biết mày sẽ thế này, lúc đẻ mày ra mẹ đã bóp chết mày luôn rồi. Lãng phí không biết bao nhiêu cơm gạo của mẹ mày! Vào đi! Đừng đứng bên ngoài làm mẹ mày mất mặt nữa!”

Nước tắm đã sớm đun xong. Chị Đông Nhất đã quay lại Thượng Hải, Minh Nguyệt mặc đồ ngủ của chị nằm trên giường Nam Nhất. Nàng là khách quen nhưng chưa từng ngủ lại nhà cô bao giờ, lúc này cảm thấy mình như con chim xổ lồng, hưng phấn khó nén, rầm rì trò chuyện với Nam Nhất đến mãi tận khuya mới chịu ngủ. Nửa đêm chợt cảm thấy miệng và họng khô khốc, mơ màng nũng nịu nói: “Khát… Muốn uống nước…” đột nhiên mở trừng mắt, nàng đang nói chuyện với ai vậy chứ?

Nam Nhất đạp chăn, đáp: “Ừm…trong tủ cất đồ ăn ấy…”

Hôm sau, Minh Nguyệt và Nam Nhất cùng ăn sáng rồi đến trường, vừa vào lớp học bỏ cặp sách xuống đã bị mời đến phòng làm việc của giáo viên chủ nhiệm. Chủ nhiệm lớp là một tay to béo bụng phệ, giảng rất nhiều lý lẽ, cuối cùng chốt: Xét thấy hai trò vẫn luôn là học sinh có học lực và hạnh kiểm tốt, trốn học lại là để tham gia vào một hoạt động có mục đích tiến bộ đơn thuần, vậy nên không cần phải phạt nặng; nhưng kỷ luật của nhà trường thì không thể không giữ, hai trò phải viết bản kiểm điểm có chữ ký phụ huynh nộp lên, làm lao động công ích hai tuần, lau dọn phòng vệ sinh mé Tây tầng hai, xem xét biểu hiện về sau.

Chỉ thế này thôi thì có là gì? So với được đám nhỏ cùng tuổi ca ngợi sùng bái, so với cảnh tượng và cảm xúc mãnh liệt lúc họ đứng trên bàn học giương nanh múa vuốt, so với chủ nghĩa anh hùng đầy hiên ngang khí phách ấp ủ trong lòng, chút trách phạt này chẳng đáng để kể đến. Lúc hai người lau dọn nhà vệ sinh, Nam Nhất bỗng ngẩng lên, không đầu không cuối đắc ý nói: “Mình, chúng ta là người tham gia diễu hành đấy!” chọc cho Minh Nguyệt phá lên cười ha hả, sau đó hai người sẽ cùng nhau thuật lại, khẳng định, chép miệng tấm tắc một phen về chuyến diễu hành.

Nhưng, trong nỗi háo hức phấn chấn này lại có một việc khiến người ta phiền muộn, không sao cứu chữa.

Mỗi khi đêm khuya người lặng, Minh Nguyệt đều bất chợt tỉnh táo lại, chí khí hùng hồn, nhiệt huyết sôi nổi của ban ngày không còn nữa. Bỗng cảm thấy hơi chột dạ và sợ sệt. Nàng sẽ nghĩ, lúc để mình ngồi cùng đoàn người diễu hành, buộc quân phiệt phải trả lời, tiểu vương gia đã làm gì trên chiếc xe màu đen kia? Người này tính tình không tốt, lúc nghe gia đinh kể nàng dữ dằn nói “Tôi không về”, không biết đã tức giận đến mức nào? Nhưng chàng lại thật sự không hề xuống xe tới bắt nàng về, chàng vẫn giữ thể diện cho nàng. Nếu chàng thực sự không muốn phối hợp thì đã vạch trần lời nói dối kia từ sớm rồi.

Những đêm sau đó, nàng lại lo lắng sang một chuyện khác: Nàng không thể nào nương nhờ nhà Nam Nhất mãi được, sớm muộn gì cũng phải trở về. Nàng đã mắc một chuỗi các sai phạm: trốn học, diễu hành, kháng lệnh không về, bỏ nhà ra đi. Trong vương phủ lại có gia pháp, nàng từng nhìn thấy cái roi lớn màu đen chuyên dùng để đánh người kia rồi, lúc nào nó cũng được đặt trong từ đường. Nghe nói, trước đây có người vì không phục quản giáo đã bị đánh chết tươi… Đặc biệt là ấy, cái người này lúc nói chuyện với nàng, lần nào cũng hung tợn treo câu này lên cửa miệng: “Muốn ăn đòn phải không?!” Nhưng khi chàng nói câu này bao giờ cũng cau mày, cười như không cười. Chàng đúng là đẹp thật, ngũ quan lóa mắt, nhan sắc chói loà, đẹp đến chết người… Minh Nguyệt nghĩ tới đó lại yên lòng mãn nguyện chìm vào giấc ngủ.

Nàng còn nhỏ, không hiểu người khác, cũng không hiểu chính mình. Không lâu nữa, nàng sẽ bị đưa lên con tàu sang đông, phiêu bạt trên biển tới một đất nước xa xôi khác. Có một ngày nọ, ăn xong bữa trong nhà ăn trên tàu, cầm một quyển sách ngồi đọc bên cửa sổ, bồi bàn mang hoa quả tươi mới ra, bên trên táo và đào đặt một chùm nho tím đen, nàng nhìn thấy lại nhớ tới, chàng thích ăn nho ngọt màu tím đen nhất.

Sự thực là chỉ đến một thời điểm đặc biệt mới có thể hiểu được – Tại sao những đêm ngủ ở nhà Nam Nhất lại trằn trọc khó vào giấc đến thế? Tại sao nhìn một món đồ nho nhỏ xa xôi lại nhớ ngay tới chàng? Tại sao tự do và hạnh phúc mãi mãi chẳng thể đơn giản và thuần túy? Sinh ra một cách tự nhiên, tập kích vào cõi lòng, làm tắc nghẹn cổ họng, cuối cùng nhuộm đẫm nơi hốc mắt, đó chính là thứ tình tự hại người ta sinh bệnh.

Nhớ nhung.

Chính vào lúc này, có người tới cửa thăm hỏi dinh thự nhà họ Lưu.

Sau bữa tối, cô giúp việc ra mở cửa, thấy là một người đàn ông trẻ tuổi xa lạ, mặc trường bào màu quả hạnh, tay xách hộp quà, ôn hòa hỏi: “Đây có phải là phủ của tiểu thư Lưu Nam Nhất?”

“Đúng vậy.”

“Tiểu thư Uông Minh Nguyệt có ở đây không?”

“Uông tiểu thư có ở đây.”

“Phiền cô thông báo một tiếng, tôi là chú của Uông tiểu thư.”

Ông bà Lưu nghe tin ra cửa đón khách, Hiển Sướng được dẫn vào phòng, thấy Minh Nguyệt và Nam Nhất đang ở đó. Nam Nhất đứng dậy khoanh tay, rất lễ phép thưa: “Cháu chào chú ạ.” Minh Nguyệt đứng bên đàn dương cầm, cúi đầu không nói gì, một chân cong lại chống mũi chân ra phía sau.

Bà Lưu tự mình đi pha trà, lấy bánh trái. Hiển Sướng cũng chỉ coi Minh Nguyệt là không khí, khoan thai ngồi xuống nói chuyện với ông Lưu.

“Minh Nguyệt không có nhiều bạn bè lắm, Nam Nhất là bạn thân nhất, làm phiền cô bé phải giúp đỡ và chăm sóc cho Minh Nguyệt ở trường rồi.”

“Nam Nhất ấy à, lúc nào cũng ríu ra ríu rít, từ nhỏ đã thích lập nhóm kết bạn giống chị nó.”

“Lưu tiên sinh làm nghề gì vậy ạ?”

“Kẻ bất tài này đang làm biên tập ở tòa soạn.” Ông Lưu vừa nói vừa đưa danh thiếp ra.

Hiển Sướng chắp tay: “Tôi kết giao ít nên không chuẩn bị cái này.” Chàng nhận lấy xem danh thiếp của ông Lưu, “Vụ ‘Hiệu Tương Đại Lỗi’ xét xử công khai, quý báo cũng sẽ đưa tin chứ?”

“Chuyện lớn trong thành đương nhiên là phải đăng báo rồi.”

“Lưu tiên sinh làm trong ngành này, có dự đoán gì về kết quả không?”

“‘Hiệu Tương Đại Lỗi’ đã bắt được hung thủ, chứng cứ vô cùng xác thực, nhưng phải định tội danh thế nào, phạt nặng nhẹ ra sao thì khó mà dự đoán được.”

“Chỉ sợ kết quả cùng lắm cũng chỉ là một trò tuồng mà thôi.” Hiển Sướng nói.

Ông Lưu thoáng trầm ngâm: “Sao lại nói như vậy?”

“Ngài rõ hơn tôi mà… Việc này đã được bày kế tỉ mỉ, quan hệ rất phức tạp, lợi ích thì to lớn, súng của chính phủ còn phải mua từ người Nhật thì lấy cái gì mà định tội người ta đây? Đến cùng sẽ chỉ bắt mấy đứa nhóc biểu tình đi chịu xúi quẩy, lôi ra răn đe thôi.”

Ông Lưu để ý tới chiếc nhẫn ngọc bích trên tay Hiển Sướng: “… Các hạ là người Bát Kỳ?”

Hiển Sướng mỉm cười: “Chỉ là một người dân bình thường thôi. Chúng ta đều giống nhau. Chẳng qua là trong nhà từng đem vứt quá nhiều đồ vật rồi, biết được cái gì nên giữ, cái gì không nên giữ. Mà đám trẻ con trong nhà phải quản ra sao cho tử tế mới là quan trọng nhất.”

Lời chàng nói ngay trước mặt Nam Nhất và Minh Nguyệt, trong lòng Nam Nhất vẫn không phục, bĩu bĩu môi, Hiển Sướng cười ha hả nói: “Nam Nhất, chúng ta đánh cuộc đi. Nếu chuyện không phải vậy, cháu muốn gì cũng được, chú sẽ tặng cho cháu. Nhưng nếu chuyện đúng là thế, cháu và Minh Nguyệt sau này nhất định phải ngoan ngoãn đàng hoàng.”

Mỗi câu mỗi chữ đều lọt vào tai ông bà Lưu làm cha làm mẹ, thấm vào lòng họ. Bà Lưu nghiêm khắc liếc xéo Nam Nhất như đang nói: Mày đúng là con ngốc ăn no rỗi việc chỉ biết đi gây sự.

Hiển Sướng ngồi thêm một chốc rồi mới đứng dậy cáo từ, bấy giờ mới đi tới bên cạnh Minh Nguyệt, mở miệng hỏi: “Đi chưa?”

Minh Nguyệt mấy ngày trước còn sẵn sàng cãi lộn bất cứ lúc nào giờ đã nhụt chí, cúi đầu cụp đuôi theo Hiển Sướng rời khỏi nhà họ Lưu.

Đêm đó nàng ngủ rất yên bình, chỉ là nửa đêm khô họng, ho khan. Nhắm mắt trở mình định bất chấp ngủ tiếp, lại bị chàng lôi dậy, rót nước ra chén đặt tới bên miệng nàng. Nàng vẫn nhắm mắt, bưng nước uống cạn rồi lại nằm vật xuống, hướng mặt ra ngoài ngủ tiếp.

Nhưng chỉ một lúc sau, nàng đã phải xoay người lại, chân tay co cóng mà chui vào lòng chàng, tay ôm lấy hông chàng, mắt vẫn nhắm nhưng lệ đã đẫm mặt, một hồi thật lâu sau mới nặng nề hít mũi một cái. Chàng ôm nàng, trong bóng tối hôn lên tóc, lên trán nàng, hôn lên mắt và nước mắt của nàng, phát hiện ra nơi đó cứ như mở vòi nước, càng chảy càng nhiều. Chàng phì cười: “Không muốn đi học nữa đó hả? Em như vậy, sáng mai bị bạn học cười chết cho xem… Ồ, ta hiểu rồi, em cảm thấy có lỗi chứ gì? Ta không tính sổ với em chuyện em tự tay viết bản kiểm điểm, giả mạo ký tên ta nên giờ cảm động đến rơi nước mắt rồi chứ gì?”

Nàng ngang ngược vùi cả mặt vào lồng ngực chàng, ra sức lắc đầu, nước mắt nước mũi thấm ướt rượt một mảng lớn trên vạt áo ngủ, mãi đến khi qua cơn rồi mới từ từ tĩnh lại. Không nói một tiếng nào. Giống như một con mèo nhỏ đáng yêu ngoan ngoãn nằm sấp. Hiển Sướng lúc này mới ghé sát vào tai nàng, từ tốn nghiêm túc nói: “Ta niệm tình em vi phạm lần đầu nên không truy cứu. Nhưng những gì ta nói ở nhà họ Lưu ngày hôm nay, em nhớ kĩ cho ta, xem ta nói có đúng hay không.”

Yên ổn được mấy ngày. Minh Nguyệt và Nam Nhất mỗi người ở nhà đều bị răn dạy hoặc mềm hoặc cứng, bị tước mất nhuệ khí, đến trường không dám tiếp tục ba hoa gì về chuyện vận động nữa, ngoan ngoãn đàng hoàng học tập, làm bài.

Mười ngày sau, vụ “Hiệu Tương Đại Lỗi” kháng án tố người Nhật Inoue Miro đầu độc mở phiên tòa xét xử. Nhân sĩ giới thương mại Trung Nhật, đại biểu học sinh thị dân và ký giả truyền thông đến dự thính. Nào ngờ tình tiết vụ án vậy mà lại xảy ra biến hoá hệt như diễn tuồng, Inoue Miro lật lại bản án ngay tại phiên tòa, từ chối thừa nhận đầu độc, quả quyết mình là người chịu tội thay do Thương hội Chiết Giang mua chuộc, ban đầu không biết phải chịu tội lớn như vậy, giờ đã biết, kiên quyết không nhận! Ông chủ và quản lí của “Hiệu Tương Đại Lỗi” đều ngớ ra, bắt đầu nói năng lộn xộn, câu sau đá câu trước. Kết quả, tòa án thẩm vấn ba ngày, cuối cùng đưa ra kết luận: vụ án trước đó của “Hiệu Tương Đại Lỗi” còn chưa xong, giờ lại thêm một tội “lừa gạt”, đếm số tội mà xử, bỏ tù rất nhiều người, cả đời cũng không thể trở mình được nữa.

Thải Châu dẫn Binh Binh ra đường chơi, mua số báo đặc biệt đọc được tin tức này, sửng sốt hồi lâu, ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu là: Hay lắm, thương nhân Trung Quốc biến khéo thành vụng, để người Nhật nắm được nhược điểm lớn hơn, đám học sinh diễu hành công toi rồi.

Binh Binh lần đầu được ra đường, thấy đâu đâu cũng náo nhiệt, ra sức cựa khỏi tay a hoàn, chạy tới xem thợ giày cốp cốp chát chát sửa một đôi giày da bán cao gót.

Thợ giày rất quen thân với vị khách này: “Đằng trước sửa xong rồi, để tôi lót cho cô một cái đệm nửa bàn ở bên trong, đi như vậy thoải mái hơn.”

Đôi giày cũ kỹ đến không thể cũ hơn được nữa, nhưng dưới chân vị khách này lại đi một đôi bít tất trắng tươm tất sạch sẽ, cô là một cô gái bần cùng nhưng có tự tôn.

Nhưng Binh Binh bé nhỏ có nốt ruồi son trên gáy lại không biết những điều này, nó chỉ nhìn khuôn mặt cô gái rồi nói: “Sao chị không về nhà?”

Ngô Lan Anh ngẩn ra.

Thải Châu bế Binh Binh lên: “Đi lung tung nói linh tinh.”

Bình Luận (0)
Comment