Vòng Xoáy Hào Môn

Chương 37


Vụ việc tranh chấp đất đai khu chung cư Bình Điền đã được xử lý êm đẹp, ông Tuấn đến báo với ba mình.

Đây là nghĩa vụ, là quy tắc bất thành văn.
Bước vào căn phòng quen thuộc, ông Tuấn cảm thấy chán ngán.

Những kệ sách đồ sộ chiếm cứ phần lớn diện tích, chút không gian còn lại được lấp đầy bởi thư pháp.

Ông ngu dốt, chưa thẩm thấu được vẻ đẹp tao nhã và tri thức này.

Những tờ giấy mỏng manh ấy bổ béo chỗ nào? Vậy mà ba già thà cả ngày vùi đầu trong này cũng không thèm ngó ngàng tới ông.
"Anh có ý kiến với cái ổ chó của ông già này sao?", ông Thành cầm lấy một quyển sách từ sau kệ đi ra.

Mỗi lần nhìn thấy mặt con trai lớn, ông không từ tốn nổi.

Nó lớn đầu hai thứ tóc nhưng cứ như bọn trẻ lóc nhóc loi choi, đụng đâu hư đó.

Ông chưa bị chọc tức chết đã mừng lắm rồi, lấy đâu ra tâm trạng diễn cảnh cha con tình thâm.
"Ba nói gì ngộ, sao con dám?", ông Tuấn vội phân trần.

Ông có gan đó thì tốt rồi, không cần phải chịu cảnh con rối nữa.

Thử hỏi khắp thế giới xem, ai như ông không, hơn năm mươi tuổi đầu, làm cha người ta, mang tiếng là tổng giám đốc nhưng việc lớn, việc nhỏ gì cũng phải thưa, phải trình với ba.

Người ta mà biết thể nào cũng cười vào mặt ông.
"Thế à? Vậy đến có việc gì?", ông Thành tùy tiện hỏi, ông không hy vọng lại nghe được tin xấu gì nữa.
"Việc tranh chấp đất đã được giải quyết ổn thỏa nên con đến báo cho ba yên tâm.", ông Tuấn vội giải thích.
Người của ông già đúng là có tiếng có miếng, bắt tay vào thoắt cái liền xong ngay.

Nhưng cũng vì vậy đám người đó không xem cha con Tú ra gì, mọi lời nói đều vào tai này ra tai kia.

Ông Tuấn cay cú lắm, mấy bận muốn đuổi nhưng lại ngại mặt mũi ba mình, đành ngậm bò hòn làm ngọt.

Đợi đi, đến lúc lá rụng về cội, Thiên Thanh nằm gọn trong tay, việc đầu tiên ông làm là tống cổ bọn xấc xược đó đi.
Ông Thành mỉa mai bắt bẻ:
"Ổn thiệt không?"

Ông bắt đầu sợ chữ ổn này rồi, lần nào con trai bảo ổn là y như rằng bung bét hết.

Chắc là mai mốt ông phải kiến nghị lại với bên nhà xuất bản, cả bộ giáo dục yêu cầu họ định nghĩa lại một vài từ.
"Đám nghèo kia vẫn chống cự nhưng giấy trắng mực đen ra đó, họ không làm khác được.", lỗi lầm bị đem ra công kích, ông Tuấn mất tự nhiên.
"Đã sập bẫy một lần rồi đừng chủ quan, hãy chú ý!"
Dự án này vốn tưởng béo bở hóa ra là bom nổ chậm, sớ rớ lập tức nổ ngay.

Trường Thịnh đã khôn ngoan sang tay cho họ, không có chuẩn bị từ trước, ai tin? Đối phương phát giác ra cú lừa nhanh hơn cả ông, điều này thật đáng lo ngại.

Trường Thịnh đã quá cường hãn, ngày một bành trướng.

Trong khi đó thời gian của ông còn lại bao lâu chứ? Dù là ai đi nữa cũng không tránh khỏi quy luật tre già măng mọc, mỗi lúc nghĩ tới, ông Thành lại ưu sầu.
Thấy con trai đứng tần ngần ra, ông Thành phiền muộn xua tay đuổi người:
"Được rồi, anh đi đi cho khuất mắt tôi!"
Mắt không thấy, tâm không phiền!
"Dạ, vậy con đi!", ông Tuấn cầu còn không được nữa là.

Ở lại đây để nghe mắng sao? Ông đâu có thích bị ngược đãi.
Khi ông Tuấn xuống lầu lại gặp một người đàn ông trẻ tuổi đang đi lên, tay cầm theo túi tài liệu.

Thấy lạ, ông bèn
hỏi:
"Cậu là ai? Ai kêu cậu tới?"
Anh chàng hơi cúi đầu chào, sau đó thưa:
"Dạ, thưa ông, tôi đến theo lệnh chủ tịch ạ!"
Ồ, hóa ra là người của ông già!
"Vì việc gì?", ông Tuấn thấy tò mò.

Nhìn cậu ta chắc chỉ thuộc dạng nhãi nhép, được gọi tới ắt phải vì chuyện gì lớn.
Anh ta bị hỏi khó, lúng túng lựa lời từ chối:
"Dạ...!Việc này..."
"Thôi được rồi, đi đi!", ông Tuấn sống tới từng tuổi này, xem thái độ đối phương là hiểu ngay.

Nếu đã không muốn nói thì ông cũng không làm khó.

Vuốt mặt phải nể mũi, chuyện trong nhà này còn chưa tới ông lên tiếng đâu.

Chàng trai thoát nạn, vội đi lên lầu, gõ cửa phòng sách.

Ông Thành tuy chưa thấy mặt nhưng đoán được người đến là ai, đâu phải chó mèo gì ông cũng tiếp.
"Vào đi!"
"Chủ tịch!", anh ta cung kính cúi chào, thái độ so với khi gặp ông Tuấn cung kính hơn hẳn.
"Việc tôi giao thế nào rồi?", ông Thành vừa đọc sách vừa hỏi.

Có những việc ông không tiện làm phải mượn tay người khác.
"Dạ, đây ạ!"
Anh ta đưa tài liệu cho ông Thành bằng cả hai.

Nhìn những trang giấy chi chít chữ và cả xấp hình, ông ấy xem lướt qua, sau đó vứt vào ngăn tủ.

Chỉ toàn là thông tin râu ria, không có giá trị, quan tâm làm gì?
"Văn Tường không có động thái gì đáng ngờ sao? Trường Thịnh có đến tỉnh L thăm con không?", ông Thành hỏi.
"Dạ ngoài việc lấy độc trị độc tống cổ phó giám đốc của SP đi, sau đó đuổi hết bè lũ ăn theo thì không còn gì khác.

Ông Thịnh nhiều lần đi công tác gần hoặc ngang tỉnh L nhưng không hề ghé lại thăm con.", anh ta báo cáo theo đúng những gì tìm hiểu được.
"Ồ! Hay nhỉ? Thế có ai từ tập đoàn xuống phụ giúp Văn Tường không?"
Ông Thành không tin là Trường Thịnh sẽ bỏ mặc con mình, Văn Tường đã ăn hại như cha con Tú đâu.

Tình hình SP loạn như thế nào, ông biết rõ, bởi chính ông cũng góp phần không nhỏ trong chuyện đó.

Trường Thịnh đã cất công tìm người thế mạng, đưa con trai ra khỏi hố lửa lý nào lại đẩy Tường vào chỗ nguy nan.
Nếu ông đoán không lầm thì Trường Thịnh ủ mưu đem SP trở thành bệ phóng cho con đường kế nghiệp của Tường.

Hãy xem hiệu ứng bây giờ đi, uy danh Tường tăng cao, đã thế dựa vào cái tì này, mai sau ai dám thách thức cậu ta nữa? Giả sử trong trường hợp Tường bị lấn lướt, tin chắc Trường Thịnh cũng có cách lật ngược thế cờ.

Nhưng khả năng ấy thấp, con của cáo già không phải cáo con là gì? Sự xảo quyệt đã ngấm trong xương, muốn chối bỏ cũng không được.
"Cũng không luôn ạ, cứ kiểu bỏ phế, tự xoay sở đấy ạ!"
Ông Thành nhìn gương mặt thành thực của chàng trai trẻ, bật cười nhạt nhẽo:
"Chắc thật!"
Nói đoạn ông phân phó:
"Hết việc rồi, cậu về đi! Cứ theo sát, thấy có biến thì báo tôi, còn nhảm nhí như vầy thì khỏi!"

"Vâng ạ!"
Còn lại một mình, ông Thành ngả về sau, tựa đầu lên ghế, trông có vẻ mệt mỏi.

Đầu nhức âm ỉ, ông xoa nhẹ hai bên thái dương.

Già rồi, không được an nhàn, cứ phải toan tính suốt đêm ngày, đúng là vô phúc.
***
Văn Tường ở tỉnh L tung hoành ngang dọc chưa hay biết gì về có bao nhiêu người quan tâm tới mình.

Nghi có bằng kế toán, anh kiểm tra qua thấy năng lực cô cũng khá, so với mặt bằng chung tòa người mới cứng tay hơn nên Tường cho ngồi vào ghế kế toán trưởng.
Hai người sáng đi làm, tối ở chung, tưởng khó hòa hợp ai ngờ cũng không đến nỗi nào.

Phụ nữ vốn tỉ mĩ, giỏi quán xuyến, Tường được hưởng sái tài nấu nướng của Nghi, chấm dứt chuỗi ngày cơm hộp chuyển sang cơm nhà nấu.
Mười hai giờ trưa, mặt trời đứng bóng, khi bao người khác ăn uống ngủ nghỉ mấy đời thì Tường mới tạm gác lại công việc.

Trên bàn kính dùng để tiếp khách, bộ ly tách bị gạt sang một bên, chừa chỗ cho những gô thức ăn thơm phức.
Tường gắp một khứa khổ qua, vừa ăn vừa khen:
"Ngon đấy! Không ngờ cô cũng biết nấu nướng."
Nghi dở khóc dở cười:
"Anh đang khen hay chê tôi đấy? Nhìn tôi trông giống người được cung phụng, cơm bưng nước rót sao?"
Không thể tin được là cô lại sống cùng một người đàn ông xa lạ chỉ gặp mặt vài ba lần.

Một quyết định mạo hiểm nhưng đúng đắn, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Tường ngoài cái tật độc miệng với cục tính ra thì tốt lắm, cho cô chỗ ở, nhận vào làm dù biết đang mang thai, Nghi rất cảm kích.
"Cô cứ nghĩ oan cho tôi! Sườn ram này vừa miệng ghê, mai làm tiếp đi, tôi thích."
Đũa trên tay không ngơi nghỉ chút nào, Tường cứ gắp lia lịa.

Dạo trước ăn cơm bụi mãi, anh ngán đến tận cổ, nhiều lúc chỉ uống nước cho qua cơn đói rồi làm việc chứ không muốn ăn.

Nay thì khác, cơm lành canh ngọt, rất vừa miệng, mỗi bữa Tường ăn liền ba chén.

Anh nghĩ cứ đà này, sáu múi sẽ dồn thành một mất thôi.
"Được, anh là chủ, anh muốn gì cũng được.

Tôi sẽ làm hẳn một tháng cho anh ngán luôn.", Nghi cười bảo.

Gắp một đũa đậu xào, cô nhắc khéo:
"Mà anh đừng có bắt tôi vào ăn cùng nữa, không hay!"
Bọn họ trong sạch nhưng người ngoài đâu hiểu, cứ xầm xì đủ chuyện.


Mà nghĩ cũng phải, nam nữ cứ kè kè với nhau, bảo không có gì đố ai tin.

Mai mốt bụng bầu lộ rõ, tin đồn thất thiệt sẽ còn lan xa đến đâu nữa? Nghi phát rầu khi nghĩ tới.
"Sợ hiểu lầm hả?", Tường vẫn điềm nhiên ăn uống.

Mấy cái chuyện tầm phào ấy sao quan trọng bằng bữa cơm của anh.
Nghi thì không vô tư được như Tường, cô lo sốt vó cả lên:
"Sợ cái gì nữa, đã hiểu lầm rồi! Ai cũng cho rằng chúng ta có gì đó với nhau!"
Tường lùa nốt cơm trong chén vào miệng, một hạt cũng không bỏ sót.

Nhìn người đối diện nhai nhồm nhoàm ngon miệng, Nghi xụ mặt.

Anh ta tưởng coi cô là không khí đấy à?
Lọt vào tầm ngắm của đôi mắt ai oán, Tường thong dong lau miệng, uống nước.

Anh nghiêng người về trước, nhướng mày cười đểu:
"Chúng ta có gì đó thật mà bằng không chẳng ai để người dưng nước lã ở chung nhà cả? Chính cô cũng nói rồi đấy, sợ cái gì nữa? Bây giờ chúng ta tách ra, cô có dám chắc sẽ xóa tan tin đồn hay người ta lại nghĩ có tật giật mình? Hai con vịt đã làm nên một cái chợ, ở đây đủ mở bao nhiêu cái? Kẻ ngốc mới tin mà không nghĩ, người khôn họ luôn biết lắng nghe và suy nghĩ.

Đừng quan tâm đến mấy lời nhảm nhí đó, chuyên tâm lo cho cái bụng bầu đi!"
"Ồ!", Nghi đáp, tỏ vẻ đã hiểu.
Nếu Tường đã nói vậy thì cô không nói đến nữa.

Nhân vật chính chẳng thèm lo ngại thanh danh của chính mình, cô thì còn gì mà phải sợ được mất.
Tường nhìn Nghi, rũ mắt suy tư.

Đây là người thứ hai lo nghĩ cho hình tượng của anh sau em gái, anh nên vui hay buồn đây? Giả sử ba anh thế chỗ Nghi, nhất định anh sẽ phải nghe những lời châm chọc, mỉa mai hoặc là ngó lơ.

Ba con ruột thịt mà còn thua cả một người dưng, chuyện cười.
Tường bỗng thấy khoang miệng đắng ngắt, phải chăng là của khổ qua lưu lại? Rót ly nước uống vội, anh lại quay về làm việc, không muốn nghĩ tới những người, những việc phiền lòng.
Ở thành phố S xa xôi, nếu Trường Thịnh biết được Văn Tường nghĩ gì về mình, nhất định lại tức cho xem.

Ông mà không thương con, đối đãi thua cả người dưng thì chẳng dõi theo từng đường đi nước bước rồi.
Cầm tờ giấy lên, ông dí sát vào mặt, cứ sợ mình nhìn lầm.

Quái thế nào được mới tới tỉnh L lại sản xuất ra thế hệ tiếp theo rồi?
Nỗi nghi hoặc chấm dứt khi Trường Thịnh lia mắt nhìn xuống dòng chữ nhỏ bên dưới.

Thì ra Tường không phải tác giả bào thai, dòng chữ quan trọng thế này sao cỡ chữ lại nhỏ xíu? Muốn trêu tức ông ư? Thật là thiếu sót khi không thêm điều kiện sử dụng thành thạo các công cụ soạn thảo vào.

Rút kinh nghiệm, lần sau ông sẽ mang kính lúp ra đọc.

Bình Luận (0)
Comment