Vũ Lâm Ký Sự

Chương 14


Vũ Lâm Ký Sự
Tác giả : Giang Hoài Ngọc
Hồi 14
HUYÊN HUYÊN XA KỴ BÌNH NGUYÊN ĐỊA
LOẠN PHONG VI NHIỄU THỦY BÌNH PHÔ
Nguồn : Tàng Thư Viện

“Đồng bằng xe ngựa rầm rầm,
Nước êm phăng phẳng vòng quanh núi đồi.”
Ngay từ sáng sớm, tại khu bình nguyên sát chân núi đã có hàng nghìn người tụ tập, đến xem hai nhà Trình, Hứa quyết chiến. Mối oán thù kéo dài hơn chục năm giữa hai dòng họ đã thu hút không ít hào khách võ lâm đến quan chiến, nhất là vì trong trận chiến lần này có sự tham gia của không ít cao thủ do hai nhà mời đến.
Nhờ sự có mặt của số người đông đảo kia, những người buôn bán trong vùng đã được một phen đại phát tài. Trà lâu, tửu quán mọc lên rất nhiều, tuy chỉ được dựng lên tạm bợ trong lúc vội vàng mà cũng không đủ đồ ăn thức uống để bán. Và để đủ chỗ ở cho hàng nghìn người, rất nhiều quán trọ tạm bợ cũng được dựng lên trên những bãi đất trống bằng tranh tre vách lá. Tất cả đều tạm bợ nên điều kiện sinh hoạt cũng không được tốt cho lắm. Nhưng số khách võ lâm kia cũng bất cần. Với bọn họ, chỉ cần có được chỗ ngả lưng, có nơi ăn chốn nghỉ là được rồi.
Trong số những hàng quán kia, đa phần phía trước đều có treo một lá cờ nhỏ trên có thêu một cây bút nằm cạnh bên một quyển sách. Những hàng quán này có lẽ đều có cùng chung một vị chủ nhân. Tiêu ký kỳ lạ kia khiến khách vô lâm cảm thấy hiếu kỳ. Nhưng rồi rượu ngon thịt béo được bày bán bên trong đã khiến bọn họ nhanh chóng quên đi. Có lẽ là những thứ bán trong những hàng quán này rất ngon, hợp khẩu vị khách giang hồ nên xem chừng vô cùng đắt khách. Chốc chốc, lại có những chiếc xe ngựa chở rượu thịt đến bổ sung cho những nơi đã bán hết hàng.
Khi Giang Thừa Phong đến nơi thì đã quá giờ Tỵ. Cả khu bình nguyên tràn ngập toàn người là người. Những người buôn bán đi lẫn vào đám đông để tiện cho việc bán hàng. Và khách võ lâm cũng mua rượu thịt rồi ở tại chỗ đánh chén. Vừa uống rượu vừa xem song phương quyết đấu thì càng thêm hứng thú.
Hai nhà đã có mặt từ lâu, nhưng không hiểu sao đến giờ này bọn họ vẫn còn đang đấu khẩu chứ chưa động thủ. Đám đông hơn nghìn người mà đều im phăng phắc, chăm chú lắng nghe trận khẩu chiến kịch liệt giữa song phương. Thỉnh thoảng mọi người lại cười ồ khi nghe một chi tiết khôi hài do ai đó lỡ miệng thốt ra. Dù tiết mục chính yếu là cuộc quyết chiến giữa hai nhà vẫn chưa diễn ra, nhưng những người quan chiến cũng không có vẻ nóng lòng, bởi trận khẩu chiến gay go kia cũng không kém phần hứng thú, và cũng bởi bọn họ đều nghĩ rằng trận chiến mà thiếu mặt các đại cao thủ do song phương mời đến thì cũng chẳng hấp dẫn gì.
Ở bên mé đường, cách chỗ đám đông người võ lâm đang tụ tập khoảng chừng năm dặm có một nhân vật vận thanh y tiểu mạo theo kiểu nho sinh đang đứng yên lặng trông ngóng về phía xa xa. Người này có dáng vẻ văn sĩ, râu ba chòm thẳng đuột, áo mũ sạch sẽ tề chỉnh, trên tay cầm quyển sách, trông đầy vẻ nho nhã thanh kỳ. Đó chính là Lưu Hương Viện chủ Công Tôn Long. Lão đã thay đổi thân phận nên dáng vẻ đường chính khác hẳn lúc trước, trông càng phong độ hơn.
Khi thấy đoàn xa mã đi đến, lão mừng rỡ tiến ra đón, đến trước cỗ xe cung kính hành lễ, nói :
- Thuộc hạ là Lưu Hương Viện chủ xin tham kiến công tử, cầu ngọc thể kim an vạn phúc.
Giang Thừa Phong trên đường đi đã ngủ được một giấc nên sức khỏe đã tạm hồi phục. Chàng vén rèm nhìn ra, khẽ nói :
- Huynh đệ không nên quá đa lễ. Công việc thế nào rồi ?

Công Tôn Long cung kính nói :
- Trình công tử. Mọi việc đều đã sắp đặt theo đúng chỉ thị của công tử.
Giang Thừa Phong nói :
- Hay lắm. Huynh đệ hãy cứ theo kế hoạch mà hành sự.
Công Tôn Long cung kính vâng dạ. Lý Nhược Hồng chợt hỏi :
- Công Tôn tiên sinh. Bọn họ dường như vẫn chưa động thủ phải không ?
Công Tôn Long đối với nàng ngoài phần kính trọng còn thêm sự yêu thương chiều chuộng như đối với người em gái nhỏ. Lão mỉm cười nói :
- Vì viện thủ chưa đến đầy đủ nên song phương vẫn còn đang khẩu chiến. Nhưng cuộc khẩu chiến này cũng kịch liệt chẳng kém gì đánh nhau bằng vũ khí đâu. Cô nương có muốn vào xem không ?
Lý Nhược Hồng nói :
- Nếu là khẩu chiến thì ở ngoài này nghe cũng được, không cần phải vào xem làm gì cho mất công. Mà ở đây đông người quá nhỉ.
Công Tôn Long cười nói :
- Đó là nhờ có sự cổ động của các huynh đệ bản viện đấy.
Lý Nhược Hồng ngạc nhiên hỏi :
- Sao tiên sinh lại đi cổ động cho cuộc chiến ? Như thế có lợi gì chăng ? Chẳng lẽ hai nhà Trình, Hứa lại thuê tiên sinh đi cổ động giúp bọn họ. Bọn họ làm thế để làm gì nhỉ ?
Công Tôn Long lắc đầu nói :
- Không phải đâu. Chẳng qua là càng có nhiều người đến xem thì việc làm ăn buôn bán càng thuận lợi ấy mà.
Lý Nhược Hồng đưa mắt nhìn quanh, thấy phần lớn những hàng quán đều có treo lá cờ nhỏ phía trước, liền cười nói :
- Vậy là các vị được một phen đại phát tài rồi phải không.?
Công Tôn Long mỉm cười :
- Có cơ hội tốt như thế sao lại có thể bỏ qua cho được.
Lúc này, đám đông trong kia lại bật cười ồ, tiếng cười đồng loạt của hàng nghìn người vang dậy khắp bốn phía. Lý Nhược Hồng ngạc nhiên hỏi :
- Sao giống đang diễn kịch quá vậy ?
Công Tôn Long cười đáp :
- Còn hay hơn cả hý kịch ấy chứ.
Lý Nhược Hồng cũng cười nói :
- Chỉ còn thiếu âm nhạc nữa thôi.
Công Tôn Long nói :
- Lão phu có đưa đến cả dàn nhạc. Lát nữa khi các diễn viên đến đủ mặt, lão phu sẽ cho cử nhạc. Rồi cô nương sẽ thấy nơi đây sẽ biến thành một đại hý trường.
Lý Nhược Hồng hỏi :
- Làm thế nhằm mục đích gì ?
Công Tôn Long đáp :
- Công tử gia muốn làm vui lòng cô nương ấy mà.
Lý Nhược Hồng quay sang nhìn Giang Thừa Phong, thấy chàng đang nhìn mình mỉm cười, liền hừ lạnh nói :
- Để rồi xem. Nếu lát nữa không thấy có gì hứng thú thì ta sẽ cho ngươi một trận nên thân. Liệu hồn đấy.
Giang Thừa Phong cũng chỉ mỉm cười, khiến Lý Nhược Hồng vẻ ngoài tức giận mà trong lòng lại bẽn lẽn ngượng ngùng. Nàng hiểu tình ý của Giang Thừa Phong dành cho nàng. Và hiện giờ, đối với chàng nàng cũng đã có nhiều hảo cảm. Nhưng nàng cố che giấu không để lộ ra, vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng.
Lúc này, lão Vương chấp sự đã nhảy xuống đất, chắp tay đứng một bên. Thấy Công Tôn Long đã hành lễ xong, lão liền cung tay nói :

- Thuộc hạ xin tham kiến viện chủ.
Công Tôn Long khẽ gật đầu, nói :
- Ta còn phải đi điều động nhân thủ hành sự. Việc bảo vệ công tử gia giao lại cho ngươi. Ở đây người đông phức tạp. Nhớ phải luôn luôn cẩn trọng. Đừng để xảy ra sơ suất gì đấy nhé.
Lão Vương chấp sự cung kính vâng dạ. Công Tôn Long lại tiến đến chỗ bọn Phương Nhân Kiệt cười nói :
- Tam vị đây hẳn là Phương thiếu hiệp, Lưu thiếu hiệp và Phạm thiếu hiệp rồi. Lão phu là Lưu Hương Viện chủ, rất hân hạnh được quen biết tam vị.
Ba người thấy lão dáng vẻ nho nhã thanh kỳ, bất giác nảy sinh cảm giác kính trọng, liền vội chắp tay đáp lễ, nói :
- Không dám. Bọn tại hạ xin bái kiến viện chủ.
Lão tiến lại gần ba người, khẽ nói :
- Công tử gia sức khỏe không được tốt lắm. Lão phu mong tam vị có thể chiếu cố công tử gia giúp cho.
Ba người đều nói :
- Việc đó đương nhiên rồi. Viện chủ có thể yên tâm.
Lão lại nói :
- Lát nữa sẽ còn có nhiều sự náo nhiệt. Tam vị cứ tự nhiên quan khán. Lão phu còn công việc phải làm. Xin cáo từ.
Ba người vội đáp lễ, nói :
- Không dám. Xin tiễn viện chủ.
Công Tôn Long mỉm cười, chỉ khẽ động thân là mất dạng. Bọn Phương Nhân Kiệt đều thầm khâm phục. Nhưng rồi bọn họ nghĩ rằng như thế mới phải. Vì đường đường một vị viện chủ mà võ công tầm thường thì coi sao được.
Giang Thừa Phong truyền cho đưa cỗ xe tiến vào gần hơn để Lý Nhược Hồng có thể dự thính được trận khẩu chiến đang diễn ra trong kia. Bọn Phương Nhân Kiệt cũng giục ngựa tiến sát vào. Đoàn xa mã dừng lại bên ngoài đám đông, tuy không nhìn rõ được toàn cục nhưng có thể nghe rất rõ những gì đang diễn ra trong kia.
Lúc này, hai nhân vật chính trong trường gồm một lão già và một lão phụ, có lẽ là phụ mẫu của chàng trai cô gái năm xưa, đang tranh cãi về nguyên nhân cái chết của con mình. Cả hai người họ liên tục đưa ra những chứng cứ, thường là những chuyện ân ái thầm kín khó nói, để chứng minh con mình thật lòng yêu thương đối phương, chỉ vì đối phương phụ bạc mới gây nên cớ sự.
Cuộc khẩu chiến giữa hai người họ đã đến hồi quyết liệt. Song phương tranh chấp, bắt bẻ nhau từng lời nói. Mỗi lần bọn họ nêu lên một chứng cứ là một lần toàn trường lại vang lên những tiếng cười ồ. Cả Lý Nhược Hồng cũng không nhịn được cười, mặc dù sắc diện hơi có vẻ ngượng ngùng bẽn lẽn.
Giữa lúc ấy, một tiếng cười âm u kinh khiếp truyền đến phá tan bầu không khí yên tĩnh. Toàn trường sôi động hẳn lên. Mọi người đều biết rằng viện thủ của hai nhà đã đến. Ai nấy đều trố mắt chờ đợi để xem nhân vật sắp xuất hiện là cao nhân phương nào. Chỉ qua tiếng cười cũng đủ biết người này có công phu nội lực rất là thâm hậu.
Sau tràng cười kia, một bóng người nhanh như chớp lướt vào giữa cục trường. Đó là một hán tử tuổi trạc tam tuần, thân hình nhỏ bé, miệng rộng răng thưa. Mọi người ồ lên thất vọng vì thấy hán tử kia ngoài đôi mắt to linh lợi cùng thân pháp nhanh nhẹn thì không có điểm gì đặc biệt hơn người.
Nhiều khách võ lâm đã nhận ra lai lịch của hán tử kia. Cả lão Vương chấp sự cũng đã nhìn ra. Lão quay lại phía sau, hướng vào trong xe, khẽ nói :
- Công tử. Người vừa mới đến là Tiểu Phi Hồ Chu Phương, một tay đạo chích cũng khá nổi tiếng trong giới võ lâm.
Giang Thừa Phong nói :
- Lại sắp có người đến nữa đấy. Vì tiếng cười khi nãy không phải của y.
Quả nhiên, chàng vừa dứt lời thì tiếng cười khi nãy lại nổi lên, tiếp theo đó là một giọng nói ồm ồm :
- Tên súc sinh kia. Dám đắc tội với bản nhân là nhà ngươi tới số rồi. Đừng mong chạy thoát khỏi tay bản nhân vô ích. Không ai cứu nổi ngươi đâu.
Ngay sau tiếng nói là hai bóng người lướt vào nhanh như điện chớp, rồi từ trên đáp nhẹ nhàng xuống đất như hai cánh lá rơi, tư thế phiêu diêu thoát tục. Quần hùng mắt thấy thân pháp cao siêu đều lớn tiếng hoan hô.
Người đáp xuống đất trước chính là một người đàn ông đứng tuổi, sắc mặt âm u lạnh lùng, mình mặc thanh y, ngoài khoác áo bào bằng đoạn kép màu đồng. Y đưa đôi mắt sáng ngời như điện quét qua khắp toàn trường, rồi ánh mắt dừng lại trước hán tử lùn thấp là Tiểu Phi Hồ Chu Phương, cất giọng sâu hiểm nói :
- Ngươi không thể nào chạy thoát nổi đâu. Nên ngoan ngoãn chịu phép đi là vừa. Bản nhân sẽ cho ngươi được chết nhẹ nhàng.
Còn người đến sau lại là một lão già đầu đội nho cân, vận thanh y, dáng điệu rất đạo mạo, tà áo không ngớt tung bay trước gió, xem có vẻ vô cùng thanh cao thoát tục. Đôi mắt sáng ngời của lão không rời khỏi thân hình nhỏ bé của Chu Phương khiến gã cảm thấy như có một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng.
Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, một lão nhân bên phe Hứa gia liền vội tiến ra vòng tay hỏi :
- Chẳng hay Chu lão đệ đã làm điều chi đắc tội với nhị vị ? Lão phu xin được thay mặt Chu lão đệ mà xin lỗi nhị vị.
Gã đàn ông đứng tuổi cất giọng âm trầm hỏi :
- Ngươi là đồng bọn của hắn ?
Lão già đáp :
- Chu lão đệ là khách do lão phu mời đến.

Gã đàn ông đứng tuổi cười lạnh nói :
- Tên súc sinh đó dám cả gan thò tay vào đồ đạc của bản nhân, tội thật đáng chết. Nếu ngươi đã là đồng bọn của hắn thì chắc cũng là phường trộm đạo. Bản nhân vốn rất ghét quân đạo tặc nên nhân tiện bản nhân sẽ xử ngươi luôn.
Đám đông bật cười ồ. Thì ra hai người mới đến không phải là viện thủ được hai họ Trình, Hứa mời tới trợ giúp mà chỉ vì gã Chu Phương kia ngứa nghề nên đã mò mẫm vào đồ đạc của hai người, và bị bọn họ đuổi chạy đến đây. Việc gã đàn ông đứng tuổi bảo lão già họ Hứa là phường trộm đạo khiến mọi người bắt tức cười. Nhưng gã nói rất hợp lý lẽ chứ không phải là nói bừa. Trình gia thấy đối phương bất thình lình gặp thêm cường địch thì mừng thầm trong dạ, lùi lại chờ xem diễn biến.
Còn lão già họ Hứa thấy bị hiểu lầm là đạo tặc, liền vội cải chính :
- Tôn giá đã hiểu lầm rồi. Lão phu ở Hứa gia vốn là lương dân, với Chu lão đệ giao thiệp theo đạo nghĩa giang hồ.
Gã đàn ông đứng tuổi cười lạnh :
- Quân đạo tặc mà cũng biết nói đạo nghĩa nữa ư ?
Lão già vận nho phục nãy giờ chưa lên tiếng bỗng hừ lạnh nói :
- Ngươi hãy mau xử trí cho xong việc này rồi chúng ta còn lên đường.
Gã đàn ông đứng tuổi lạnh lùng nói :
- Trương huynh chờ thêm một lúc nữa thôi. Để bản nhân tra xét xem hắn có bao nhiêu đồng bọn để giải quyết luôn thể.
Vừa dứt lời gã đã tràn tới tóm lấy lão già họ Hứa. Trong lúc bất ngờ, lão không kịp trở tay nên đã bị đối phương bắt giữ. Những người cùng phe với lão sau giây phút bàng hoàng đã trấn tỉnh lại, bảy tám người đã rút vũ khí xông vào tấn công gã đàn ông đứng tuổi. Nhưng gã võ công thật cao cường, một tay nắm giữ lão già, chỉ dùng tay còn lại cự địch mà vẫn không kém thế, liên tiếp đẩy lùi địch thủ. Thỉnh thoảng gã lại dùng lão già làm mộc đỡ khiến đối phương phải kiêng dè, không thể tận lực.
Trong khi đó, lão già vận nho phục vẫn thõng tay đứng yên, chẳng lý gì đến trận giao tranh. Ánh mắt sắc lạnh của lão không lúc nào rời khỏi Chu Phương, dường như sợ gã nhân cơ hội này mà đào tẩu.
Bọn người Hứa gia vung vũ khí tấn công mà cứ bị đối phương đưa lão già ra làm mộc đỡ khiến phải liên tiếp thu về, nên không ngớt la ó, bảo đối phương thiếu quang minh chính đại. Gã đàn ông đứng tuổi cũng cười lạnh nói :
- Các ngươi bảy tám người họp nhau tấn công bản nhân là có quang minh chính đại hay không ?
Quần hùng quan chiến nghe gã nói vậy cũng có lý nên không ai lên tiếng bài xích. Bảy tám người cùng hợp lực tấn công một người thì người ấy đương nhiên có quyền dùng mọi phương cách để chống đỡ. Tuy nói vậy, nhưng gã đàn ông đứng tuổi lại bật cười âm trầm, vung tay ném lão già họ Hứa lên cao, rồi hai bàn tay không ngớt vung vẫy khắp bốn phía khiến mọi người hoa cả mắt. Chỉ trong chớp mắt, đã nghe thấy những tiếng “hự hự” liên tiếp vang lên, rồi tất cả những người vây đánh gã đều đã thọ thương lùi lại, sắc diện nhợt nhạt, trên mép không ngớt rỉ máu. Phải gắng gượng lắm bọn họ mới không gục xuống. Lập tức có mấy người tiến ra dìu đỡ, đưa cả bọn đi trị thương.
Sau khi đả thương địch thủ, gã giơ tay đón lấy lão già họ Hứa, rồi ngửa cổ cười rộ không ngớt. Phe Hứa gia mắt tóe hào quang, nhưng thấy gã võ công lợi hại quá, nên còn úy kỵ chưa dám xông vào.
Bên ngoài quần hùng ồn ào cả lên, tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy. Bọn họ đến đây cốt để xem đánh nhau chứ không theo phe nào, do vậy mà hễ thấy một thế võ hay là lại lớn tiếng hoan hô.
Phía ngoài nữa, Lý Nhược Hồng không thấy gì được, chỉ nghe những tiếng ồn ào náo động nên hết sức sốt ruột. Giang Thừa Phong liền truyền lão Vương chấp sự đưa xe lên một ngọn đồi cao gần đấy để xem rõ hơn.
Giữa lúc ấy, từ ngoài lại có thêm mấy nhóm người lướt nhanh vào, khinh công cũng rất trác tuyệt. Vừa hạ thân xuống đất là bọn họ lập tức chia thành hai phe, gườm gườm nhìn nhau. Quần hùng quan chiến biết bọn này là viện thủ của hai nhà mời đến nên tứ bề náo nhiệt hẳn lên. Vì sự xuất hiện của gã đàn ông đứng tuổi và nho phục lão nhân mà không ai đoán được cuộc chiến sẽ diễn ra theo chiều hướng nào.
Trong số những người vừa đến, quần hùng nhận ra được vài cao thủ cũng có danh vọng trong võ lâm. Bọn họ phần lớn thuộc các phái Kinh Môn, Thanh Chân, Điểm Thương, Đồng Bách và Thanh Long Bang.
Những nhân vật đáng chú ý là :
Kinh Nam Kiếm Khách Trình Cương, sư đệ của chưởng môn phái Kinh Môn, và cũng là con cháu Trình gia, nay dẫn các sư huynh đệ đồng môn đến trợ chiến.
Thanh Phương đạo nhân, sư đệ của Thanh Hòa chân nhân, chưởng giáo phái Thanh Chân. Tục danh của Thanh Phương đạo nhân là Hứa Kính Hoa, nên đương nhiên phái Thanh Chân đến đây trợ chiến cho Hứa gia.
Điểm Thương Song Tuyệt Kiếm, bọn họ đứng về phe phái Thanh Chân. Dường như bọn họ chẳng giao thiệp gì với Hứa gia nên đến nơi mà chẳng chào hỏi ai cả. Ngay cả khi Hứa lão trang chủ đến thi lễ bọn họ cũng ngó lơ.
Tịnh Phàn đạo nhân, sư đệ của Đồng Bách sơn chủ Chư Phàn chân nhân. Lão đạo cùng bọn môn hạ đứng về phe phái Kinh Môn, và dường như cũng chẳng có sự giao thiệp với Trình gia.
Thập nhị Tinh tú của Thanh Long Bang. Bọn họ đến trợ chiến cho phái Thanh Chân, và cũng chẳng ngó ngàng gì đến người của Hứa gia hay Điểm Thương phái. Thậm chí, bọn họ còn nhìn Điểm Thương Song Tuyệt Kiếm bằng ánh mắt thù hằn.
Khoái Đao Lý Vĩnh Xương, một nhân vật cự phách ở Từ Châu, là bằng hữu của Kinh Nam Kiếm Khách nên đến giúp y.
Ngoài ra còn có mấy người Miêu vận y phục kỳ dị đứng bên cạnh bọn Thập Nhị Tinh tú của Thanh Long Bang.
Nhìn sơ qua thực lực của hai phe thì dường như Trình gia có vẻ yếu thế hơn. Nhưng nhờ có sự xuất hiện của hai nhân vật không được mong đợi mà tình hình chưa biết chắc rồi sẽ nghêng về bên nào.


Bình Luận (0)
Comment