Vừa Kịp

Chương 19

Edit: Cynlia

3623 chữ



Sáng ngày mười bảy, tòa án nhân dân Hống Châu chính thức mở phiên xét xử vụ án giết người của Mạnh Nhuế.

Trong phiên xét xử, theo thủ tục xét hỏi thông thường, chủ toạ phiên tòa hỏi cô: “Tội danh trong bảng cáo trạng có tồn tại không? Bị cáo có tự nguyện nhận tội không?”

Mạnh Nhuế trả lời rất dứt khoát: “Tôi nhận tội.”

Đối với thái độ không hề phản kháng của Mạnh Nhuế, các thành viên bồi thẩm đoàn rất lấy làm kinh ngạc, bằng chứng là họ đồng loạt đưa mắt nhìn nhau rồi quay sang nhỏ giọng thảo luận. Nếu ngay từ đầu cô đã quyết định sẽ nhận tội thì vì sao phải tốn công lên một kế hoạch tinh vi như vậy để thoát khỏi chế tài của pháp luật chứ?

Kiểm sát viên đặt câu hỏi với Mạnh Nhuế: “Theo kết quả điều tra của phía cảnh sát, trước khi chết, Lý Thuần Ngạn, một trong những nạn nhân của vụ hỏa hoạn tại nhà hát Tess năm đó, có dấu hiệu bị xâm hại. Đây có phải là nguyên nhân bị cáo nảy ra ý định giết Tạ Thao và Úc Tử Thực không? Bị cáo muốn nói với chúng tôi rằng chính Tạ Thao và Úc Tử Thực đã xâm hại Lý Thuần Ngạn?”

“Nếu đúng là vậy thì bị cáo có mối quan hệ thế nào với Lý Thuần Ngạn? Vì sao bị cáo lại muốn thay cô ấy trả thù hai người kia?”

“Nếu khi ấy bị cáo đã biết chuyện thì vì sao lại không báo cảnh sát? Có phải vì bản thân bị cáo cũng tham gia vào kế hoạch này, xong việc bị Tạ Thao và Úc Tử Thực uy hiếp nên mới nảy sinh ý định giết người diệt khẩu, tôi nói đúng không?”

Kiểm sát viên vừa dứt lời, luật sư bào chữa mà Mộ Lam tìm cho Mạnh Nhuế đã lên tiếng phản đối, cho rằng phía viện kiểm sát đã đặt câu hỏi có tính dẫn dắt đối với thân chủ của mình.

Vì Mạnh Nhuế không có ý định tự bào chữa cho mình, luật sư bèn thay cô chỉ ra những lỗ hổng trong cách kiểm sát viên lập luận: “Phía cảnh sát chỉ điều tra được việc trước khi chết Lý Thuần Ngạn bị cưỡng bức mà không hề có một chút manh mối nào về hung thủ cũng như bằng chứng cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa thân chủ tôi và hai người Tạ Thao – Úc Tử Thực. Chỉ dựa vào chừng đó chứng cứ mà đã vội vã kết luận rằng thân chủ tôi có liên quan đến vụ cưỡng bức Lý Thuần Ngạn thì thật sự là quá võ đoán.”

Luật sư bào chữa nhìn thoáng qua Mộ Lam đang ngồi ở hàng ghế dự thính, tiếp tục: “Đối với việc thân chủ tôi thừa nhận cáo buộc, tôi cũng phản đối. Tôi cho rằng, ngay từ đầu phương hướng điều tra của vụ án này đã tồn tại nhiều vấn đề.”

Vừa dứt lời, các thành viên bồi thẩm đoàn lại nhỏ giọng thảo luận.

“Thử hỏi, nếu một người hoàn toàn không có năng lực phạm tội, thì chẳng phải chúng ta nên tập trung điều tra xem lúc gây án, liệu cô ấy có đủ năng lực phạm tội hay không ư?”

Cả phòng xét xử ồ lên kinh ngạc.

Nhân viên chấp hành tại tòa án nhanh chóng ổn định lại hiện trường.

Lúc này, luật sư bào chữa trình lên bản sao hồ sơ bệnh án của Mạnh Nhuế đi kèm với báo cáo giám định pháp y do một bệnh viện tâm thần đi đầu ngành Tâm thần học cung cấp, minh chứng rõ ràng nhất cho việc Mạnh Nhuế mắc chứng rối loạn đa nhân cách [1].

[1]: Rối loạn đa nhân cách (Dissociative Identity Disorder – DID) hay còn được gọi là Rối loạn nhân dạng phân ly,là một dạng rối loạn tâm thần được đặc trưng bằng ít nhất hai nhân cách khác biệt và tồn tại tương đối lâu ở người bệnh. Theo bác sĩ người Pháp Pierre Janet, người mắc chứng DID thường có những biểu hiện sau:

– Có 2 hoặc nhiều hơn trạng thái của các nhân cách thay nhau chi phối người bệnh.

– Các nhân cách phải hoàn toàn riêng biệt, tương đối ổn định về nhận thức, quan hệ gia đình, xã hội, khả năng miêu tả thế giới xung quanh.

– Khi bị một nhân cách này chi phối, người bệnh có khả năng quên các thông tin quan trọng liên quan đến các nhân cách tiềm ẩn khác, đến mức không thể xem đó là chứng quên thông thường.

-Các rối loạn đó không phải do ảnh hưởng của thuốc hay hóa chất.

(Nguồn: Youmed.vn)

Trong quá trình tranh luận, luật sư bào chữa đã đưa ra những tư liệu giấy trắng mực đen rành rành, vạch ra một chân tướng tuy vô cùng méo mó song vẫn là sự thật.

“Hai mươi năm trước, Mạnh Quang Giác, dưới danh nghĩa là chuyển công tác tới Đài Loan, đã tới Hồ Gia Khảm và lén lút qua lại với một người phụ nữ, còn có với người này một cô con gái. Vài năm sau, nhờ sự hậu thuẫn về tài lực từ nhà vợ, ông ta đã bỏ công việc nhân viên công chức để chuyển sang kinh doanh.”

“Dần dà, nhà họ Nhuế trượt dốc, Mạnh Quang Giác và người vợ đầu Nhuế Mỹ Lan cũng ly hôn. Bốn năm trước, Nhuế Mỹ Lan qua đời vì suy tim, được tìm thấy tử vong tại nhà riêng.”

“Khi ấy thân chủ Mạnh Nhuế của tôi vừa từ Anh về, hoàn toàn không chịu nổi cú sốc đột ngột mất đi người thân, đặc biệt càng không chấp nhận được một người vốn luôn khỏe mạnh như mẹ mình lại qua đời vì bệnh tim, nên cô ấy đã bắt tay vào điều tra nguyên nhân thật sự đằng sau cái chết của mẹ.”

“Trời không phụ lòng người, vì chẳng bao lâu sau thân chủ của tôi đã phát hiện ra chuyện Mạnh Quang Giác ngoại tình nhờ một vài trang nhật ký còn sót lại của Nhuế Mỹ Lan.”

“Đúng vậy, Nhuế Mỹ Lan vẫn luôn biết việc chồng mình lét lút qua lại với người phụ nữ khác ở Hồ Gia Khảm, và chính vì bà ấy biết chuyện nên khi nhà họ Nhuế sa sút, Mạnh Quang Giác đã không hề ngần ngại đề nghị ly hôn với vợ mình.”

“Tôi không biết, thân chủ Mạnh Nhuế đã tiếp nhận sự thật này thế nào, nhưng tôi tin cái giá mà cô ấy phải trả sau khi biết được chân tướng tàn nhẫn đã được trình bày rõ trong báo cáo giám định tâm thần rồi.”

Luật sư bào chữa tiếp tục: “Sau này, Mạnh Nhuế đến Hồ Gia Khảm vì mục đích gì, và rốt cuộc tại nơi đó đã xảy ra chuyện gì, không ai trong chúng ta biết được. Nhưng kể từ thời điểm ấy, tại Hồ Gia Khảm đã xuất hiện một Lý Thuần Ngạn.”

Kiểm sát viên bất chợt nêu lên một nghi vấn: “Chỉ dựa vào những tư liệu này mà luật sư dám khẳng định Mạnh Nhuế và Lý Thuần Ngạn là một? Vụ hỏa hoạn ở nhà hát Tess đã thiêu chết sáu người trong đó có Lý Thuần Ngạn, nếu dựa theo lập luận Mạnh Nhuế là Lý Thuần Ngạn thì thi thể cháy đen kia rốt cuộc là của ai?”

Luật sư bào chữa cười khẽ, ném ra một mồi lửa đẩy sự cao trào lên đến đỉnh điểm: “Có ai còn nhớ một Lý Thiên Thanh bặt vô âm tín mấy năm nay không?”

Một lần nữa, cả phòng xét xử ồ lên vì kinh ngạc, kiểm sát viên ban nãy cũng bị câu hỏi này làm cho nghẹn lời.

Luật sư tự tin nói tiếp: “Trước khi đến Hồ Gia Khảm, tinh thần của thân chủ tôi đã không bình thường, sau này lại tận mắt chứng kiến cô em gái cùng cha khác mẹ gầy còn da bọc xương Lý Thiên Thanh thì sự thương hại xen lẫn hận thù đã dày vò cô ấy, và từ đây, một nhân cách mới trong cô ấy được hình thành.”

“Nhân cách thứ hai Lý Thuần Ngạn được sinh ra từ sự đồng cảm của Mạnh Nhuế đối với em gái mình, hay nói đúng hơn, Lý Thuần Ngạn xuất hiện để chăm sóc cho Lý Thiên Thanh bơ vơ không nơi nương tựa.”

“Tôi đoán, anh lại định hỏi ‘vậy những người khác thì sao’ chứ gì. Chẳng lẽ hàng xóm lại không biết nhà họ Lý có mấy cô con gái ư? Chẳng lẽ đối với một Lý Thuần Ngạn từ đâu xuất hiện, bọn họ không hề hiếu kỳ ư?”

“Theo như những gì tôi điều tra được, đúng là không một ai hay nhà họ Lý rốt cuộc có mấy cô con gái, vì ấn tượng của mọi người về gia đình bọn họ vốn đã rất mờ nhạt rồi.”

Tiếp đó, luật sư bào chữa lại giải đáp một thắc mắc khác đến từ phía viện kiểm sát: “Thời điểm vở ‘Nhật ký song sinh’ vẫn đang được công diễn, Lý Thiên Thanh đã được người đồng hương duy nhất có quen biết cô ấy là Trần Chương Quý dắt từ Hồ Gia Khảm tới Hống Châu, nhưng từ đó trở đi không ai thấy cô ấy quay về nữa.”

“Lúc vụ hỏa hoạn được điều tra lại, Trần Chương Quý lại lén bỏ trốn, có điều thất bại. Vì sao anh ta lại phải trốn?”

“Bởi vì anh ta đã cưỡng bức Lý Thiên Thanh nhưng lại ém nhẹm với cảnh sát.”

“Anh ta từng khai chính Tạ Thao và Úc Tử Thực là người đã đưa Lý Thiên Thanh đi, không sai. Khi ấy Úc Tử Thực là phó tổng giám đốc của công ty bảo vệ vốn được nhà họ Mạnh thuê để đảm bảo công tác an toàn cho buổi biểu diễn, chính anh ta đã sắp xếp cho Trần Chương Quý và Lý Thiên Thanh đến phòng nghỉ để chờ tới khi vở kịch kết thúc.”

“Chính trong căn phòng nghỉ đó, Trần Chương Quý nổi thú tính cưỡng hiếp Lý Thiên Thanh, xong việc vì sợ chuyện bại lộ mà bỏ chạy trối chết.”

“Ngọn lửa bùng lên, thiêu chết sáu nạn nhân xấu số bị mắt kẹt trong nhà hát, và một trong số đó là Lý Thiên Thanh chứ không phải Lý Thuần Ngạn như chúng ta vẫn lầm tưởng.”

Nhờ những lời bào chữa của luật sư mà tất cả những người có mặt ở hàng ghế dự thính đã dần thay đổi nhận thức của mình về vụ án cũng như sự phức tạp trong bản chất con người.

Kiểm sát viên vẫn chưa hết thắc mắc: “Nếu Lý Thuần Ngạn và Mạnh Nhuế là một, vậy vở diễn kia đã được tiến hành thế nào? Làm sao hai người có thể đồng thời cùng xuất hiện trong cùng một cảnh quay? Hơn nữa, Lý Thiên Thanh bị nhận nhầm thành Lý Thuần Ngạn mà chẳng lẽ pháp y không phát hiện ra ư?”

Anh ta vừa dứt lời, luật sư bào chữa liền trình lên toàn bộ tài liệu về vở diễn “Nhật ký song sinh”, trong kịch bản chỉ có vài cảnh đòi hỏi nhân vật hai chị em xuất hiện cùng lúc, mà hầu hết trong số đó không phải Mạnh Nhuế thì cũng là Lý Thuần Ngạn bị che không thấy rõ khuôn mặt.

Luật sư dần dần tháo gỡ nút thắt: “Trong số sáu nạn nhân thiệt mạng vì vụ hỏa hoạn, trừ Lý Thiên Thanh ra thì năm người còn lại đều là nhân viên công tác có quan hệ thân thiết và theo sát quá trình dựng kịch từ buổi đầu.”

Nói cách khác, chỉ có năm người biết chuyện Mạnh Nhuế một mình cân hai vai, và bọn họ đều đã chết.

Tiếp đến, luật sư giải đáp nghi vấn thứ hai của phía viện kiểm sát: “Pháp y chưa bao giờ có ADN của Lý Thuần Ngạn thì làm sao biết được người chết khi đó là ai? Sở dĩ khi đó bọn họ đưa ra kết luận người chết là Lý Thuần Ngạn là vì trừ năm nhân viên kia ra, chỉ có Lý Thuần Ngạn biến mất.”

“Mọi người đã bỏ sót một điểm mấu chốt nhất, đó là trên đời này liệu có tồn tại một người tên Lý Thuần Ngạn hay không?”

“Vì sao mọi người lại bỏ sót điểm này?”

“Vì ngay từ ban đầu, hai nhân cách riêng biệt của Mạnh Nhuế đã thay phiên nhau xuất hiện trước mặt mọi người, khiến chúng ta lầm tưởng rằng Mạnh Nhuế và Lý Thuần Ngạn là hai người hoàn toàn khác nhau. Không một ai trong số chúng ta từng nghi ngờ hai người họ là một cả.”

Mọi nghi vấn từ phía kiểm sát viên đã được giải đáp một cách thỏa đáng.

Sau đó, người làm chứng Trần Chương Quý được gọi lên tòa để thú nhận toàn bộ chân tướng năm xưa. Anh ta từng khai với Mạnh Nhuế và cảnh sát rằng Lý Thiên Thanh nói với mình sẽ ra nước ngoài, còn cho anh ta xem vé máy bay, tất cả đều nhằm một mục đích phủi sạch toàn bộ hiềm nghi giữa anh ta với việc Lý Thiên Thanh đột nhiên mất tích.

Luật sư bổ sung: “Nên nhớ, khi một bệnh nhân mắc chứng rối loạn đa nhân cách thì các nhân cách hầu như không hề biết đến sự tồn tại của nhau, mà cho dù có biết thì ở giai đoạn đầu những nhân cách này cũng không phát hiện bọn họ chỉ là một trong những nhân cách của chủ cơ thể.”

“Mạnh Nhuế cũng vậy, cô ấy cho rằng Lý Thuần Ngạn là một người sống sờ sờ, dù rằng các cô ấy chưa từng gặp mặt.”

Kiểm sát viên chợt nhớ ra Mạnh Nhuế từng đề cập tới Lý Thuần Ngạn: “Nếu đúng như anh nói thì vì sao bị cáo Mạnh Nhuế lại khai với cảnh sát rằng mình đã hẹn Lý Thuần Ngạn đi ăn cơm sau khi buổi biểu diễn kết thúc? Cô ấy đã hẹn ai? Hẹn không khí chắc?”

Luật sư lại cung cấp một bản sao bệnh án khác: “Nhân cách chính Mạnh Nhuế mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng khiến cô ấy sinh ra ảo giác.”

Không biết đây đã là lần thứ mấy cả phòng xét xử chìm trong sự ngỡ ngàng, kể cả những thành viên bồi thẩm đoàn cũng chẳng phải ngoại lệ. Hôm nay có lẽ là ngày nhiều cú sốc nhất trong suốt bao nhiêu năm lên tòa của bọn họ.

Cái khiến bọn họ sốc không phải là việc chân tướng vụ án quay ngoắt một trăm tám mươi độ so với nhận định ban đầu, mà là việc từ đầu phiên tòa tới giờ, mỗi một cột mốc, mỗi một sự kiện mà bên luật sư bào chữa đưa ra hoàn toàn có cơ sở, hay nói cách khác, đều được xác thực với những bằng chứng vững chắc.

Lại đề cập tới vụ án sát hại hai người Tạ – Úc: “Sau đám cháy, mọi người đều kháo nhau rằng Lý Thuần Ngạn đã xui xẻo bỏ mạng, lúc bấy giờ, thân chủ của tôi thân là đương sự cũng được xem báo cáo khám nghiệm tử thi của ‘Lý Thuần Ngạn’, và tất nhiên cô ấy lại càng có lý do cho rằng Lý Thuần Ngạn thật sự đã chết rồi, hơn nữa trước khi chết cô ta còn bị cưỡng bức.”

“Chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng khiến cô ấy tự vẽ nên cảnh tượng Lý Thuần Ngạn không may bị hãm hại, và trong tiềm thức, cô ấy đã tự thuyết phục mình như vậy.”

“Cô ấy muốn báo cảnh sát, thế nhưng nếu vụ này bị phanh phui thì sự nghiệp của Mạnh Quang Giác chắc chắn đi tong, Mạnh Quang Giác cũng không đời nào cho phép chuyện đó xảy ra. Là một đứa con gái vâng lời, cô ấy đương nhiên không dám để công ty của bố mình chịu tổn thất.”

Luật sư bào chữa đánh thẳng vào điểm then chốt: “Ắt hẳn mọi người ở đây sẽ lại thắc mắc, vì sao khi đó thân chủ của tôi đã lựa chọn im lặng mà hiện tại lại nảy sinh ý định giết người trả thù, tôi đoán đúng chứ? Chính là chi tiết này đây, bởi vì người ra tay chưa bao giờ là thân chủ Mạnh Nhuế, mà là nhân cách thứ hai của cô ấy, Lý Thuần Ngạn.”

Tiếng xì xầm nổi lên bốn phía, ồn ào đến mức át cả giọng luật sư, khiến nhân viên chấp hành một lần nữa phải ổn định hiện trường.

Trái ngược với bầu không khí xôn xao, Mộ Lam tựa như Đức Phật Di Lặc, không hề bị những người chung quanh ảnh hưởng.

“Sự thật là Tạ Thao và Úc Tử Thực đã thực hiện thành công kế hoạch cưỡng bức Mạnh Nhuế, chẳng qua khi ấy thân thể kia lại do Lý Thuần Ngạn làm chủ. May mắn thay, Lý Thuần Ngạn không chết trong vụ cháy, thế nhưng cô ta lại biết được tin ‘em gái’ mình là Lý Thiên Thanh đã thiệt mạng.”

“Lý Thuần Ngạn vì Lý Thiên Thanh mà sinh ra, nên khi Lý Thiên Thanh chết đi, cô ta lập tức nung nấu ý định báo thù.”

Video trao đổi với bác sĩ tâm lý được trình chiếu trước tòa: “Bác sĩ tâm lý đã đưa ra phán đoán rằng tại thời điểm hay tin Lý Thiên Thanh chết, Lý Thuần Ngạn đã nhận ra mình chỉ là một nhân cách phụ của chủ cơ thể này. Cô ta rất thông minh, nên đã mượn tay Mạnh Nhuế để thực hiện kế hoạch.”

“Ý luật sư là…?”

“Ý của tôi là, trong mắt Lý Thuần Ngạn, chuyện cô ta bị người khác xâm hại hoàn toàn là lỗi của Mạnh Nhuế, vì Tạ – Úc nhận nhầm người mà ra. Vậy nên, cô ta muốn thân chủ tôi phải áy náy, phải dằn vặt vì cái chết của mình, sau đó thao túng tâm lý cô ấy, khiến cô ấy hối hận mà xuống tay với hai người Tạ Thao. Song như thế vẫn chưa đủ, cô ta còn muốn Mạnh Nhuế phải nếm trải cảm giác đau khổ vì bị cưỡng bức như cô ta nữa kìa.”

“Vậy nên mới có chuyện cách đây không lâu, trong bữa tiệc tân gia, thân chủ của tôi đã suýt bị Tạ Thao và Úc Tử Thực giở trò đồi bại.”

“Chính Lý Thuần Ngạn đã sắp đặt tất cả, cái bẫy của cô ta vừa có thể khiến Mạnh Nhuế nếm mùi đau khổ, đồng thời cũng buộc hai người Tạ – Úc phải trả giá cho những tội ác bọn họ đã gây ra cho cô ta.”

Kiểm sát viên chỉ ra điểm mâu thuẫn trong lập luận của luật sư bào chữa: “Đối với bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn đa nhân cách, hai nhân cách không thể nào gặp mặt, vậy thì bằng cách nào mà Lý Thuần Ngạn có thể ‘sắp đặt’ để bị cáo Mạnh Nhuế thay cô ta thực hiện tất cả?”

Luật sư trả lời: “Sau quá trình chuyển đổi [2], Mạnh Nhuế trở về làm chủ cơ thể, lúc này nhân cách thứ hai Lý Thuần Ngạn đã khéo léo dẫn dắt, thao túng tâm lý của nhân cách chính, ví dụ như vô tình đặt một vài tấm ảnh chụp từ vở diễn ‘Nhật ký song sinh’ ở những nơi mà nhân cách chính dễ phát hiện nhất. Những chi tiết đó liên tục gợi nhắc Mạnh Nhuế rằng Tạ Thao và Úc Tử Thực đã xuống tay nhầm người, rằng Lý Thuần Ngạn vì mình mà phải chịu đau khổ. Cô ấy vốn đã gặp chướng ngại tâm lý từ sau cái chết của mẹ, nên cảm giác tội lỗi càng trở thành một gánh nặng, vây hãm nhân cách chính trong sự dằn vặt, khiến cô ấy nảy sinh ý muốn mãnh liệt là phải làm gì đó để bù đắp.”

[2]: đối với bệnh nhân mắc chứng Rối loạn đa nhân cách thì đây là quá trình một nhân cách chiếm quyền kiểm soát hành vi và suy nghĩ của bệnh nhân.

“Ví dụ như, muốn thay Lý Thuần Ngạn chăm sóc Lý Thiên Thanh, thậm chí bị dẫn dắt bởi ám thị của cô ta mà quyết định chọn phương thức trả thù cực đoan nhất là cá chết rách lưới.”

Cuối cùng cũng đến câu hỏi mấu chốt của vụ án: “Xin hỏi Hội đồng xét xử, trong một vụ án mà nhân cách chính, người được cho là hung thủ lại phạm tội dưới sự chi phối của nhân cách thứ hai, thì phương hướng điều tra nên là phân định xem giữa hai nhân cách, đâu mới là hung thủ thật sự, không phải sao?”

Thấy phiên tòa đã diễn ra được hơn nửa, Mộ Lam không ở lại đến cuối mà lặng lẽ rời khỏi phòng.

HẾT CHƯƠNG 19.
Bình Luận (0)
Comment