Vương Mệnh

Chương 258


Lại nói, sau khi vượt qua được dãy hố chông và bãi lầy, bọn sơn tặc đã thiệt hại gần một nửa lực lượng.

Phải nói là tổn thất thảm trọng.

Và lúc này, vô số cung tên, hỏa cầu, hỏa tiễn từ trong thôn tiếp tục dội xuống đầu bọn chúng, liên tiếp cướp đi sinh mạng của đồng bọn.

Tiếng hò hét quát tháo xen lẫn với những tiếng kêu gào rên rỉ, thảm liệt vô cùng.
Sau một hồi đi đứng gian nan, cuối cùng cũng vượt qua bãi lầy, cả bọn sơn tặc đều thầm thở phào, tiếp tục xông tới, quyết đồ thôn trả thù cho đồng bọn.

Cổng thôn đã ở trước mặt rồi, chỉ còn cách mấy bước nữa thôi.

Nào ngờ, nghênh tiếp bọn họ lại là một dãy hố chông.

Thêm khoảng mười sinh mạng nữa nằm lại ở đấy.

Đến khi đối diện cổng thôn thì chỉ còn lại gã đầu mục và 14 gã sơn tặc.

Lúc này cả bọn ánh mắt đều rực lửa thù hận, hầu như đều mất hết lý trí, trong đầu chỉ còn một ý nghĩ duy nhất : giết, giết sạch bọn chúng.
Bọn sơn tặc hùng hổ vung vũ khí đập phá cổng thôn.

Hàng rào tre không mấy kiên cố, chỉ sau vài phút là bị phá hủy, có điều bọn chúng đã phải đánh đổi bằng ba sinh mạng.

Phá được cổng thôn, cả bọn hùng hổ xông vào thôn, đập phá chém giết bất cứ những gì trước mặt.
Thôn dân hầu như toàn là thợ săn và pháp sư, không thiện trường cận chiến, chỉ có thể ẩn náu sau các kiến trúc, vừa đánh vừa lùi.

Thời gian dần trôi, bọn sơn tặc dần bị tiêu diệt.

Số còn sống sót thì bị chia thành nhiều nhóm nhỏ do đuổi theo từng nhóm thôn dân.


Theo sự chỉ huy của lão thôn trưởng, thôn dân dựa vào sự thông thuộc địa hình trong thôn, chia ra dẫn dụ địch nhân phân tán, rồi có mấy tổ chuyên phục kích tấn công những gã đi riêng lẻ.
Sau gần nửa giờ du kích chiến, trong thôn chỉ còn lại gã sơn tặc đầu mục.

Gã này hơn 40 cấp, có thể xem là tiểu BOSS.

Gã ta thấy đuổi giết đối phương mãi mà không mấy hiệu quả, liền nhắm vào tòa Thôn trưởng thất đập phá tiết hận.

Đã đến nước này, toàn thể thôn dân đành phải tập họp lại cùng gã ta chính diện chiến đấu.

Có điều, pháp sư và thợ săn chẳng khi nào cận chiến, trừ khi bất đắc dĩ.

Mọi người vây quanh bên ngoài, tận toàn lực công kích, công kích, rồi lại công kích.
Gã sơn tặc đầu mục thấy thôn dân đã chịu xuất hiện, cười gằn một tiếng, đại đao trong tay đâm ngang chém dọc, ngăn đỡ cung tên, cùng lúc đó chân bước nhanh tới, xông thẳng vào đám đông.

Thôn dân đã có chuẩn bị từ trước, lập tức tứ tán bôn đào.

Tuy vậy, vẫn có mấy người trúng chiêu, thọ thương.

Gã sơn tặc đầu mục chừng như đã nhắm chuẩn lão thôn trưởng, cứ đuổi sát theo sau.

Lão thôn trưởng tốc độ không thể nào so được với gã ta, bị chém trúng mấy đao, nếu không nhờ thôn dân liều mạng ngăn cản đối phương thì có khi hồn xuống cửu tuyền rồi.

Song phương bắt đầu hãm nhập hỗn chiến, hơn 70 chống 1.

Chiến đấu vô cùng kịch liệt, máu thịt tung tóe, tàn khốc vô cùng.

Cuối cùng, gã sơn tặc đầu mục cũng sức tàn lực kiệt, bị thôn dân hợp lực sát tử, nhưng chiến tích đó đã phải đánh đổi bằng 12 sinh mạng thôn dân, tử thương thảm trọng.
Trận chiến kết thúc, mọi người thu dọn chiến trường, cứu chữa cho những thôn dân bị thương.

Nhìn 12 thi thể thôn dân tử vong, ai nấy đều buồn dàu dàu.

Thấy chiến đấu đã kết thúc, Giang Phong thay Thần sư trang bị, tay cầm Quyền trượng, thong thả bước tới chỗ bọn họ.

Lão thôn trưởng cung kính chào hỏi :
- Hiền giả đại nhân.
Giang Phong khẽ gật đầu, bước tới trước thi thể những người tử trận, giơ Quyền trượng lên, nghiêm trang ngâm tụng :
- Dụng danh nghĩa Thần sư, nhân danh Tam Tổ, cùng thái cổ chư thần, hội tụ thiên địa linh khí, nhân gian tinh linh, chủng cứu sinh linh trước mặt ta - hồi sinh.
Liền sau đó, một thôn dân được bạch quang chiếu rọi, và hồi sinh, ngơ ngác ngồi dậy.

Toàn thể thôn dân chấn kinh, vội vàng phục xuống vái lạy tung hô :
- Hiền giả vạn năng.

Hiền giả vạn năng.
Giang Phong liên tiếp thi triển Hồi sinh thuật, cứu sống những người đã tử vong, rồi sau đó lại thi triển Đại hồi phục thuật, bổ sinh mạng cho những người thọ thương.

Đến lúc này, hình ảnh Giang Phong trong lòng dân chúng ở đây trở nên tôn quý, thần thánh vô cùng.

Giang Phong đã thực sự trở thành thần linh được dân chúng tôn kính phụng thờ.
Xong đâu đấy, Giang Phong lại bảo :
- Giờ hãy lo tu sửa thôn trại lại đi.
Sau trận chiến, các kiến trúc trong thôn đã bị tàn phá nặng nề.

Lão thôn trường cung kính vâng dạ, suất lĩnh thôn dân đi tu sửa lại nhà cửa.

Giang Phong lại vào trong Thôn trưởng thất nghỉ ngơi.

Việc ứng phó với bọn sơn tặc ở đây, Giang Phong hạn chế can thiệp, để cho thôn dân tự thân ứng phó.

Có như thế sau này bọn họ mới có đủ dũng khí đối diện với địch nhân, bảo vệ thôn trại.


Đến ngày hôm sau, Giang Phong ra khỏi Thôn trưởng thất, rất ngạc nhiên khi thấy toàn thôn nhộn nhịp phi thường, dân số cũng đông hơn rất nhiều.

Thôn trưởng thất giờ đây đã biến thành Công đường.

Vậy là Kiến Uy thôn đã thăng cấp lên thành Kiến Uy trại.

Lão thôn trưởng, giờ đã thăng thành trại chủ, đang chỉ huy dân chúng làm việc, thấy Giang Phong đi ra liền chạy lại vấn an, sau đó nói :
- Hiền giả đại nhân.

Hôm qua sau khi tiêu diệt hết địch nhân, bọn tiểu nhân liền đi thám thính sơn trại của chúng, phát hiện trên sơn trại chỉ còn hơn hai mươi lâu la, nên đã đại cử tiến công, hủy diệt luôn sơn trại.

Trên sơn trại ngoài bọn lâu la, đầu mục, còn có rất nhiều trại dân.

Bọn tiểu nhân đã chiêu an bọn họ, và đưa về đây hết.

Hiện dân số bản trại đã tăng lên 214 người.
Hóa ra nơi đây quá nghèo khó, cướp bóc chẳng mang lại được bao nhiêu, các sơn trại cũng buộc phải tự cấp tự túc, do đó cũng có trại dân.

Sơn trại vừa bị tiêu diệt có hơn hai trăm người, nhưng lực lượng chiến đấu chỉ có chưa đến 80 lâu la, đầu mục.

Thôn dân đã có kinh nghiệm chiến đấu, tập kích sơn trại, mai phục cạm bẫy, tiêu diệt địch nhân mà chỉ có thọ thương chứ không ai tử vong.

Năng lực chỉ huy của lão trại chủ cũng rất đáng khen ngợi.
Giang Phong lại truyền cho pháp sư thêm “Khống lôi chú”, đoạn bảo lão trại chủ tuyển thêm người chuyển chức thành pháp sư.

Lão hiểu ý, đi tuyển những thôn dân có trí lực lớn hơn 15 giống như hôm trước Giang Phong đã tuyển, cuối cùng tuyển được 21 người.

Giang Phong cho 10 người học pháp thuật, chuyển chức thành pháp sư.

Số còn lại học vu thuật, chuyển chức thành vu sư.

Nơi đây là vùng rừng núi, vu thuật đôi khi sẽ có hiệu quả bất ngờ.

Sau đó Giang Phong bảo bọn họ tiếp tục đi luyện cấp, cố gắng đạt đến cấp 30.


Phải đạt đến cấp 30, bọn họ mới có thể học được trung cấp kỹ năng, lúc đó, khả năng công kích hay phòng ngự sẽ tăng lên rất nhiều.
Trong lúc rảnh rỗi, Giang Phong đi dạo quanh vùng.

Kiến Uy thật là có vị trí tuyệt hảo.

Thôn trại nằm cạnh bờ sông Chương.

Đi dọc về phía thượng nguồn, Giang Phong phát hiện một con đường mòn mà những lưu dân bỏ thôn làng đi tị nạn thường đi qua tạo thành, giống như Hành Sơn mật đạo vậy.

Con đường mòn này đi dọc theo bờ sông Chương, xuyên qua núi Đại Dữu, đến lưu vực của Bắc Giang thì men theo bờ sông này mà đến đất Nam Việt.

Còn đường này hậu thế có lẽ là Mai Quan cổ đạo, đến thời nhà Đường được mở mang làm con đường chủ yếu đi xuống đất Lĩnh Nam.

Nhưng lúc này đây, nó chỉ là một con đường mòn nhỏ xuyên qua rừng núi, chỉ có thể bộ hành, miễn cưỡng cưỡi ngựa được, nhưng không đủ rộng cho mã xa đi qua.
Mấy ngày sau, do nhân thủ gia tăng, thực lực được tăng cường, lão trại chủ lại thống lĩnh mọi người tiến hành vây tiễu hai sơn trại còn lại quanh đấy.

Vây tiễu chứ không phải hủy diệt, bởi thực lực song phương chênh lệch không nhiều, nếu tiến hành công phòng chiến, tổ chức công chiếm sơn trại thì tất nhiên lực lượng sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Bọn họ tiến hành dụ địch, mai phục kết hợp cạm bẫy, lần lần tiêu diệt sinh lực quân của bọn sơn tặc, sau cùng khi các sơn trại lâu la bộ hạ không còn bao nhiêu, bọn họ mới phát động công chiếm, hủy diệt sơn trại và chiêu an sơn trại cư dân.

Sau khi chiến dịch kết thúc, bọn họ chiêu an được hơn hai trăm người, khiến cho dân số của Kiến Uy trại đột nhiên gia tăng gấp đôi, được hơn 450 cư dân.

Thấy dân số thành bội tăng gia nhanh như thế, Giang Phong dùng danh nghĩa Thần Thánh quốc phong cho lão trại chủ thành Hạ Đại phu, hàm tùng tam phẩm.

Với phẩm hàm này, đủ để lão thăng cấp thôn trại lên đến Đại trấn (dưới 5 vạn cư dân), và Giang Phong cũng có ý sát nhập vùng này vào lãnh thổ của Thần Thánh quốc.

Dù sao vùng này cũng bị bỏ mặc cho sơn tặc hoành hành, không ai quản kia mà.
Sau khi các trại sơn tặc đều đã bị hủy diệt, Kiến Uy trại đã có thể chính thường phát triển, sinh hoạt trở nên an định, Giang Phong quyết định lên đường tiếp tục hành trình.

Dù đặc thù nhiệm vụ “Tín ngưỡng” vẫn chưa hoàn thành, nhưng Giang Phong không tìm được manh mối nào cả, nên tạm thời lên đường, có vấn đề gì chờ sau sẽ hay, chứ không lẽ cứ ở mãi nơi này.

Lúc Giang Phong lên đường, toàn thể trại dân đều đi đưa tiễn, trọng thể vô cùng.

Bình Luận (0)
Comment