Bởi vì Bạch Cốt Tôn Thần và triều đình Trang Quốc đấu pháp, toàn bộ thành vực Phong Lâm đã chìm vào kẽ hở giữa cõi U Minh và hiện thế.
Trở thành một vết sẹo xấu xí không cách nào xóa đi trên lãnh thổ của Trang Quốc, nằm vắt ngang giữa thành Vọng Giang và thành Tam Sơn.
Ngoài thành vực có một tấm bia Sinh Linh, chất liệu quý giá, có khắc trận văn, bản thân nó đã trở thành một pháp khí.
Nghe nói văn bia này là Trang Đế tự mình lập ra, chiếu thư tự vạch tội bản thân, lại liệt Bạch Cốt đạo trở thành quốc thù. Lập bia này là vì siêu độ vong hồn, an ủi người sống.
Nhưng mà chỉ có những người thật sự có thể nhìn thấy U Minh mới hiểu được, tấm bia Sinh Linh này trừ lừa gạt bá tánh ra thì không hề có ý nghĩa.
Bởi vì nó không giải quyết được vấn đề mấu chốt của thành vực Phong Lâm, căn bản không siêu độ được bất cứ kẻ nào.
Hiện tại thành vực Phong Lâm vừa không thuộc về cõi U Minh, lại không tồn tại trong hiện thế.
Điều này cũng có nghĩa là, linh hồn cứ vất vưởng ở chốn này sẽ vĩnh viễn không thể siêu thoát, vĩnh viễn không thể luân hồi.
Vĩnh sinh vĩnh thế, chịu khổ chịu nạn.
Trừ phi Trang Cao Tiện tự mình tiến vào kẽ hở hai giới thì những quốc dân đáng thương kia của hắn ta mới có chút hi vọng được siêu độ. Nhưng mà thành vực Phong Lâm đã bị khí U Minh ăn mòn, gần như trở thành một nửa sân nhà của Bạch Cốt Tôn Thần. Sao vua của một nước có thể mạo hiểm như vậy?
Trong thành vực Phong Lâm yên tĩnh đến mức gần như khiến người ta phát cuồng.
Lăng Hà nhớ rõ, ban đầu nơi này cũng có âm thanh.
Tiếng khóc, tiếng la, tiếng gào, tiếng kêu đau, tiếng mắng, tiếng khóc thảm...
Những âm thanh đó đều rất khổ sở, nghe thật khiến người ta khó chịu, nhưng chung quy là vẫn có âm thanh.
Sau đó khí U Minh dần dần lan tràn, những âm thanh đó cũng dần dần biến mất.
Đã biến mất thật lâu.
Y trơ mắt nhìn tiểu nữ hài thắt bím hai chùm trong ngực chết đi.
Hơi thở và độ ấm, đã từng chút từng chút, rời khỏi thân thể nho nhỏ của cô bé.
Bất kể y nỗ lực thế nào, tìm kiếm thức ăn thuốc bổ khắp phế tích thế nào, cũng không thể ngăn cản cô bé rời đi.
Lúc ấy Lăng Hà đột nhiên ý thức được, y cứu nữ hài này ra khỏi xà nhà, có lẽ chỉ làm cho cô bé gặp phải càng nhiều đau khổ bi thương.
“Đại ca ca, đại ca ca! Vì sao ca ca không cứu ta vậy?”
“Chúng ta vất vả cần cù lao động, giao nộp thuế má cho quốc gia, cung cấp nuôi dưỡng các ngươi tu hành. Ngươi là tu sĩ siêu phàm! Vì sao ngươi không bảo vệ chúng ta?”
“Ta thật thống khổ, ta thật thống khổ...”
Lăng Hà lắc đầu, dùng sức vứt những hình ảnh, những âm thanh kia ra khỏi đầu.
Đều chỉ là ảo giác huyễn thính làm người ta thống khổ mà thôi.
Nhưng đúng là những ảo giác thống khổ này đã nhắc nhở y, y còn sống.
Càng ngày càng nhiều thời khắc hoảng hốt làm Lăng Hà hiểu ra, thời gian y tỉnh táo cũng không còn lại bao nhiêu. Ở một nơi như vậy, không ai có thể tránh khỏi sự ăn mòn của khí U Minh.
Nhưng mỗi lần tỉnh táo lại, y sẽ lập tức làm chuyện của mình.
Y đang làm một chuyện rất đơn giản, đó chính là an táng tất cả các thi thể mà y có thể nhìn thấy được, lấp đất thành mộ, tụng kinh siêu độ cho mỗi một người.
Ai cũng tin rằng, xuống mồ mới có thể an nghỉ, mặt đất là người mẹ từ bi, ôm ấy tất cả những hài tử lạc lối của bà.
Người đầu tiên y mai táng chính là tiểu nữ hài thắt bím hai chùm kia.
Thậm chí y còn không biết được tên con bé.
Một nấm mồ nhỏ bên ngoài Minh Đức Đường chính là ngôi nhà mới của con bé.
Lăng Hà tụng “Thái Thượng Cứu Khổ Kinh” để siêu độ cho cô bé đó.
Bản thân “Thái Thượng Cứu Khổ Kinh” cũng không có thần thông thuật pháp cụ thể nào, nhưng quả thật là kinh siêu độ mà tất cả các đạo sĩ đều biết tụng niệm.
Kinh này có một lai lịch:
Tương truyền vào thời thượng cổ, có một thợ săn vì vào núi sâu săn bắn hổ mà gặp phải một đạo sĩ dưới thân cây tùng.
Đạo sĩ nói tội nghiệt đã quấn thân của y, dương thọ đã gần cạn, hỏi y có tính toán gì không.
Thợ săn cầu xin được kéo dài tuổi thọ, đạo sĩ bảo y thề phải ném xuống cung tiễn, sau này không được sát sinh. Như vậy sau khi y chết, đạo sĩ sẽ siêu độ cho y.
Thợ săn đáp ứng sau rời đi.
Trong mùa đông năm ấy, thợ săn đột nhiên nhiễm bệnh chết đi, nhưng tay trái còn có một đầu ngón tay còn lại hơi ấm.
Bởi vậy người nhà không lập tức táng y.
Ba ngày sau, quả nhiên thợ săn đã sống lại.
Theo lời y nói, khi vừa mới chết, hai sứ giả hoàng y tay cầm công văn dẫn đường, dẫn y tới địa phủ.
Có một quan viên cầm một quyển sách đen nói với y rằng: “Ngươi nghiệp chướng nặng nề, nên vào địa ngục!”
Y cực kỳ sợ hãi, nhưng bỗng nhớ tới vị đạo sĩ kia, lập tức thầm cầu nguyện trong lòng.
Lúc này chân trời Tây Bắc dâng lên tường vân, đạo sĩ ngồi trong một chiếc xe mây từ trên trời giáng xuống, lơ lửng trước điện.
Quan viên âm phủ hành lễ với ngài. Đạo sĩ kia nói: “Ta có một đệ tử ở chỗ này, ta tới siêu độ cho y.” Dứt lời thì cầm một quyển kinh ra rồi trao cho thợ săn, ra lệnh cho y tụng niệm.
Thợ săn niệm kinh xong thì đạo sĩ đã biến mất.
Lúc này có một sứ giả hoàng y đưa thợ săn đến trước cửa nhà của y, nghe thấy trong nhà vang vọng tiếng khóc, thợ săn lập tức sống lại.
Mọi chuyện giống như một giấc mộng.
Nhưng thợ săn ngồi ở đó hồi ức lại kinh văn, sau đó chép chép lại không sót một chữ.
Về sau ngày nào y cũng giữ giới niệm kinh, vài năm sau cũng rời nhà đi tu hành, từ đây không biết tung tích.
Nhưng cuốn kinh văn này đã được sao chép truyền lưu, trở thành kinh điển của đạo môn.
Tên của nó chính là “Thái Thượng Cứu Khổ Kinh”.
Thiên hạ hiện giờ, lưu phái phức tạp. Lúc người tu hành lựa chọn lưu phái, phần lớn đều suy xét đến uy năng công pháp, nội tình sâu cạn, môn hộ lớn nhỏ ra sao.
Nhưng rất nhiều người đã quên mất tinh thần và lý tưởng lúc ban đầu của những lưu phái tông môn đó.
Thí dụ như Nho môn, họ giáo dục không phân nòi giống, mở mang dân trí.
Thí dụ như Pháp gia, họ lập quy củ, trói buộc thiên địa.
Thí dụ như Đạo sĩ, Đạo môn không chỉ là tông môn tu hành cổ xưa nhất. Nó sớm ra đời nhất, chính là con đường bắt đầu tu hành mà vô số nhân tộc anh dũng đấu tranh, tổng kết ra được.
Như cầu phúc tiêu tai, siêu độ người chết linh tinh, vốn chính là một trong những chức trách của đạo sĩ.
Nhưng mà ở hiện thế, bao nhiêu tu sĩ cao cao tại thượng, bễ nghễ chúng sinh?