Nhóm dịch: Thiên Tuyết
Tu sĩ siêu phàm hưởng thụ tài nguyên siêu phàm của thế gian tự nhiên cũng phải gánh chịu trách nhiệm siêu phàm.
Đương nhiên, không phải tu sĩ nào cũng có tự giác như vậy.
Sau khi thể chế quốc gia hưng thịnh, một vài trách nhiệm siêu phàm mới trở thành nhận thức chung, mà không phải chỉ do đạo đức của bản thân thúc đẩy.
Rất nhiều người đều cảm thấy, mình có thể có tu vi hiện tại đều là do mình từng bước một đạt được, là nhờ vào cố gắng của bản thân chứ không có trợ giúp nào khác nên đương nhiên cũng không cần phải báo đáp thế giới.
Nhưng lại không biết "Hiện thế an ổn" trước giờ vốn không phải là chuyện đương nhiên, hắn sở dĩ có thể an ổn tu hành, chính là kết quả phấn đấu của vô số người.
Tại Đông Vực, mỗi một tu sĩ Ngoại Lâu cảnh đều có trách nhiệm ra biển.
Mà tại Tề quốc, mỗi một vị tu sĩ Thần Lâm, đều ít nhất phải tham dự việc trấn thủ Vạn Yêu Chi Môn một tháng.
Khương Vọng đương nhiên sẽ không trốn tránh trách nhiệm của mình.
Mọi người đều biết, lịch sử của Vạn Yêu Chi Môn phải ngược dòng tìm hiểu đến thời đại Thượng Cổ. Mà vị trí của Vạn Yêu Chi Môn đứng ở Trung Vực, bị trấn áp dưới thành Thiên Kinh.
Nhưng từ rất lâu về trước, thành Thiên Kinh vốn không phải là cửa vào duy nhất của Vạn Yêu Chi Môn.
Sớm nhất, đương nhiên là Cảnh Thái tổ thành lập thành Thiên Kinh phía trên Vạn Yêu Chi Môn, cũng thành lập được đế quốc trung ương cường thịnh nhất, xưng là "Một mai có Cảnh, thiên tử thủ biên giới".
Trước đây cũng có vài quốc gia được xưng là "quốc" tồn tại nhưng thể chế chưa được kiện toàn, không khác gì với thời đại bộ tộc cũng không nhìn ra được điểm hơn xa tông môn... Nên cũng rải rác không có thành tựu.
Là Cảnh thái tổ tạo dựng nên một chế độ hoàn mỹ đầu tiên, cũng là đế quốc có chỉnh thể rõ ràng, tại thời điểm đó đã lợi dụng dòng lũ nhân đạo ở mức tối đa nhất, mới khiến cho thiên hạ bắt chước. Thể chế quốc gia cũng từ đó mà đại hưng.
Những chuyện này, được ghi chép kỹ càng trong Sử Đao Tạc Hải.
Mà "Cảnh Lược" Quyển 3 cũng miêu tả rõ, sau khi Cảnh Văn Đế lập quốc đã liên kết thiên hạ thế nào, xâm lược lợi ích sau Vạn Yêu Chi Môn ra sao.
Nhưng theo lịch sử diễn tiến, thời đại diễn hóa, các quốc gia thiên hạ phát triển.
Mấy đại quốc như Dương, Sở, Tần đều phát huy tác dụng sau Vạn Yêu Chi Môn, không thua Cảnh quốc quá nhiều, mà chảy máu chảy mồ hôi càng sâu, thu hoạch lại ít.
Mà việc Cảnh quốc độc quyền nắm giữ con dao cắt thịt hưu, trên hiện thực khách quan đã không còn được tán thành nữa.
Thế là có sự kiện "Thiên tử năm nước đến Thiên Kinh" nổi tiếng trong lịch sử.
Theo "Cảnh Lược" Quyển 5 ghi chép, đây là một đoạn chuyện xưa phát sinh ở thời kỳ Cảnh Khâm Đế...
Nói là, lần đó, trước khi Hoàng Hà Hội bắt đầu, thiên tử của ngũ đại bá quốc trực tiếp giáng lâm pháp thân đến ngoài thành Thiên Kinh, yêu cầu Cảnh thiên tử phải mở trọng nghị về trách nhiệm của các quốc gia đối với Vạn Yêu Chi Môn.
Chuyện này trực tiếp khiến Cảnh quốc tỉnh táo lại từ trong mộng đẹp hùng nắm thiên hạ, chỉ cần một khi xử lý không tốt, thì kỵ binh năm nước Dương, Sở, Tần, Kinh, Mục sẽ đến thành Thiên Kinh, tạo thành kết quả năm nước cùng phạt Trung Vực.
Sử viết: Đế bình tĩnh, tại chỗ dùng tay chỉ giang sơn, chia cắt càn khôn, cùng chư thiên tử cùng bàn bạc đại sự phạt Yêu. Sau khi mọi chuyện định xong, mặt trắng như tờ giấy, huyết sắc cởi tận, ngón trỏ còn rung động. Đêm đó, khóc tại thái miếu.
Trong một việc lớn thế này, Dương, Sở, Tần, Kinh, Mục làm cách nào để đạt thành hợp tác, "Sử Đao Tạc Hải" không miêu tả cụ thể, cũng lướt qua quá trình, chỉ chuyên chú vào kết quả cùng ảnh hưởng của việc này. Nhưng trong sử sách riêng biệt của các quốc gia, có thể tìm được một góc ghi chép. Người hữu tâm có thể thấy toàn cảnh.
Không thể không nói, Tư Mã Hoành có thể viết đoạn sau của Cảnh Khâm Đế ra, cái gì mà mặt trắng như tờ giấy, cái gì mà đêm khuya khóc tại thái miếu... Cũng thật là có bản lĩnh.
Có thể biết những chuyện này, có thể tìm ra chứng cứ xác thực cũng là một loại bản lĩnh.
Dám viết ra, còn viết cặn kẽ như vậy lại là một loại bản lĩnh khác.
Vậy nên ông ta có thể được hưởng đại danh, lấy bộ "Sử Đao Tạc Hải" này vượt xa các tiên hiền Sử gia trong lịch sử, trở thành Sử gia đệ nhất nhân.
Khi đó, đại biểu Đông Vực ra mặt là thiên tử Dương quốc. Đương nhiên, sau này, đều đã được Tề quốc tiếp nhận. Mà quá trình Tề quốc tiếp nhận, tự nhiên cũng không phải gió êm sóng lặng, ngươi tốt ta tốt. Định mức của Cố Dương kia, đều là do Tề Thiên tử hôm nay, mang theo văn võ Tề quốc, đoạt lại từng chút cho Đông Vực.
Chuyện này để nói sau.
Từ một lần "Thiên tử năm nước đến Thiên Kinh" này về sau, quyền khống chế Vạn Yêu Chi Môn liền từ một mình Cảnh quốc độc hưởng biến thành lục cường cộng trị. Thiên hạ lục cường, ai cũng không thể đơn độc mở cửa, đóng cửa. Nhất định phải có ít nhất ba bá quốc đồng ý, mới có thể thay đổi trạng thái của Vạn Yêu Chi Môn.
Cũng từ lúc đó bắt đầu, Vạn Yêu Chi Môn mở ra năm cánh cửa phụ, phân biệt được ngũ đại bá quốc đặt trong cảnh nội.
Từ đó về sau, quân đội năm đại quốc cũng có thể trực tiếp tiến vào Vạn Yêu Chi Môn từ nhà mình, mà không cần phải tập trung tại Trung Vực, đi trước mắt Cảnh quốc, để mặc cho Cảnh quốc kiểm duyệt, còn lo lắng không biết khi nào Cảnh quốc trở mặt.
Quy tắc của Hoàng Hà Hội lần đó cũng vẫn luôn kéo dài đến ngày nay. Sau đó lấy thành tích Hoàng Hà Hội để phân cắt lợi ích sau Vạn Yêu Chi Môn, cũng trở thành lệ cũ.
Cửa phụ của Vạn Yêu Chi Môn ở Tề quốc được đặt ở đầu nguồn Truy Hà.
Truy trong Truy Hà, là truy trong Lâm Truy.
Bởi vậy có thể thấy được tầm quan trọng của con sông này.
Có điều, ở Tề quốc nó dường như cũng không có cảm giác tồn tại quá lớn, không giống như sông Vị Thủy ở Tần, người người đều biết rõ.
Đó là bởi vì nó xưa nay không mở ra với bách tính bình thường, cũng luôn cấm ngư dân đánh bắt, thậm chí nhánh sông chính cũng không cho phép người không phận sự tới gần, từ nơi xa đã thiết lập quan ải che chắn, có nhiều chỗ còn trực tiếp dùng trận pháp che lấp.