Nhóm dịch: Thiên Tuyết
Đến giai đoạn này, hắn đã bước đầu có nhận biết về quyển sách cổ trong tay.
Trước kia hắn còn lấy làm lạ vì sao bìa sách lại có nhiều chữ viết rườm rà hoa mỹ như vậy, vậy mà tựa đề quyển sách này được truyền ra cũng chỉ có ba chữ, gì mà “Quả Trí Tuệ”.
Nghe cứ như sách thiếu nhi.
Bây giờ mới phát hiện mấy cái này đúng là nói mò. Mấy tên yêu quái học hành không đến nơi đến chốn, lờ mờ đoán được vài chữ thì đã đặt tên bậy bạ cho người ta.
Quyển sách này tên là “Thương Trí Thần Tuệ Căn Quả Tập”.
Đích thật là quyển sách Hùng Thiền Sư – cường giả Phật tông – từng giảng pháp trên Cổ Nan Sơn, do đệ tử - Pháp Vương thứ mười – biên soạn.
Chủ yếu giảng về “trí thức”, “linh tuệ”, “căn cốt”, “nhân quả”, luận về mối quan hệ giữa bốn điều này với Phật. Trong đó xen lẫn một vài lời bình và yếu tố lịch sử, chủ yếu là để cung cấp bằng chứng cho giảng pháp, đương nhiên không được khách quan cho lắm.
Nhưng đối với Khương Vọng thì những nội dung này mới là quan trọng nhất.
Ví dụ như đoạn này:
Đệ tử Tượng Di hỏi: “Thiền sư! Chân Phật ở đâu, làm sao để tin vào Phật? Khổ nỗi Yêu – Nhân khác biệt, nạn nỗi hai giới chia cắt. Là Phật sao?”
Hùng Thiền Sư viết: “Phật không định quả, Phật không định mạo, Phật không định thể. Là Phật của ta.”
Tượng Di là đệ tử của Hùng Thiền Sư, xếp thứ năm trong Thập Đại Pháp Vương. Được lịch sử Yêu tộc đánh giá khá cao, nói y đại trí giả ngu, lương thiện chịu khổ, khi ấy được rất nhiều tín đồ Cổ Nan Sơn kính yêu. Thậm chí có thể nói là người đáng tin cậy nhất trong số các Pháp Vương trên Cổ Nan Sơn.
Trong đoạn đối thoại này, Tượng Di vì hoang mang và đau khổ trong lòng mà đi hỏi Hùng Thiền Sư rằng Chân Phật ở đâu. Thần Phật ta có thể không thờ phụng hay không? Ta đang hoang mang về sự khác biệt giữa Yêu tộc và Nhân tộc, rất khó cảm thụ được sự phân biệt giữa hai giới Yêu – Nhân, ta vì điều này mà đau khổ muôn phần, xin hỏi thứ ta học chính là Phật sao?
Nỗi hoang mang của Tượng Di nghe có vẻ không mấy phức tạp, nhưng lại thể hiện được sự xung đột giữa Phật của Yêu tộc và Phật của Nhân tộc. Là Pháp Vương Cổ Nan Sơn, tu vi thâm hậu, thực lực cao cường, nhưng vẫn đang xoắn xuýt đau khổ trong quá trình tìm kiếm nguồn gốc của Phật. Dù sao cũng là pháp do người truyền ra, khó mà hoàn toàn tách rời được chủng tộc.
Mà câu trả lời của Hùng Thiền Sư, Phật không có kết quả cố định, Phật không có diện mạo cố định, Phật không có biểu hiện cố định. Phật của ta chính là Phật, không có gì phải nghi ngờ.
Câu trả lời của ông cũng rất dễ hiểu. Nhưng mấu chốt thể hiện đằng sau chính là thái độ của cường giả Phật tông Yêu tộc đối với Phật.
Yêu tộc cũng tu Phật, nhưng chỉ tu Phật của riêng mình.
“Phật” này có cùng một tính chất với “Đạo”, là một loại “Đạo” rộng lớn, cũng là một loại “Pháp” cụ thể. Nhưng hoàn toàn tách biệt với Phật môn hiện thế, không có liên quan gì với những hòa thượng ở Nhân tộc.
Chữ trong sách có giá trị riêng, sách cũng có lịch sử và đáp án riêng.
Bộ Thượng Trí Thần Tuệ Căn Quả Tập này xác định nội dung từng bước, nói rõ thời gian Thế Tôn tới Yêu giới, khẳng định là trước thời Cận Cổ.
Sau đó, sau khi phiên dịch đoạn văn này, Khương Vọng cho ra một suy đoán…
Phật mà Yêu giới truyền nhau có lẽ là truyền thừa mà Thế Tôn chủ động để lại chứ không phải sau này Yêu tộc bắt chước và tiếp thu. Bởi vì hiển nhiên là Hùng Thiền Sư đã ngộ ra chân ý của Phật, nắm chắc được chữ “Phật”, tuy ông tu Phật của Yêu tộc, nhưng không hề đi lệch cốt lõi.
Giữa Yêu tộc và Nhân tộc có rất nhiều điều học tập và thẩm thấu lẫn nhau.
Ví dụ như Yêu tộc cũng có Binh gia, cũng có Pháp gia, cũng có Nho gia.
Nhưng căn cứ theo quan sát của Khương Vọng tại thành thị Yêu tộc trong khoảng thời gian này, những học thuyết này tại Yêu tộc ít nhiều đều có khác biệt, căn bản là bắt nguồn từ chữ “Yêu”, sau đó mới tới tiếp thu Binh Pháp Nho.
Duy chỉ có Phật của Yêu giới mới bắt nguồn từ chữ “Phật”, sau đó mới dựa vào chữ “Yêu”.
Khương Vọng đưa ra suy đoán thứ hai…
Phật mà Thế Tôn truyền lại cho Yêu giới có lẽ là Phật đã hoàn toàn vứt bỏ chữ “người”. Nói cách khác, thứ mà Thế Tôn truyền lại cho Yêu giới chỉ là một đạo thuần túy, hoàn toàn vượt ra ngoài phạm vi chủng tộc, nằm ngoài thân phận Nhân tộc hay Yêu tộc.
Có lẽ đây chính là lý do khiến Phật ở Yêu giới phát triển nhanh như vậy, hơn xa học thuyết đến từ Nhân tộc.
Có lẽ đây cũng là một cách để chống lại thiên ý Yêu tộc?
Truyền đạo thời nay, đại công đại đức.
Loại bỏ địch ý, đương nhiên là không cần phản kháng nữa.
Ngôn ngữ của Yêu tộc Khương Vọng đã sớm học xong, bây giờ gần như không còn trở ngại trong việc câu thông với các tiểu yêu nữa, điều này cũng giúp hắn rất lớn trong việc học tập văn tự của Khuyển tộc.
Cái gọi là "Con đường về nhà chính xác", đương nhiên không phải là một cánh cửa giống như Vạn Yêu Chi Môn hoặc là một cánh cửa vào ẩn nấp giữa hai giới gì đó... Hai tộc đã huyết chiến bao nhiêu năm rồi, vốn không thể nào tồn tại một thông đạo nối hai giới mà không bị phát hiện.
Hắn muốn tìm kiếm trong lịch sử Phật môn ở Yêu giới cách để lừa gạt thiên ý Yêu giới, thậm chí là đối kháng với thiên ý Yêu giới.
Nhưng nếu như biện pháp của Thế Tôn là truyền đạo ở Yêu giới vậy thì không phải là thứ để hắn có thể bắt chước theo được.
Đừng tưởng rằng hắn vừa có Thái Bình Đạo, lại vừa là thần linh viễn cổ của Vô Diện Giáo mà tưởng rằng truyền đạo là một chuyện đơn giản. Vì truy cứu căn bản, những thứ hắn vẽ ra này, đều chẳng qua chỉ là chắp vá lung tung, bắt chước người khác.
Chúng vốn không đủ tư cách truyền đạo, cũng không thể tính là khai tông lập phái chớ nói chi là muốn đạt tới lực ảnh hưởng như Phật gia.
Lui một bước mà nói, cho dù con đường này có thể thực hiện, vậy cũng không phải chỉ cần ba hay năm năm công sức, hắn có thể chờ đợi ở Yêu giới lâu đến vậy sao?