Tích Trụ hải có cái tên khác là Thông Thiên Cung, Khu Kiền Hải lại có tên là Ngũ Tạng Phủ, cũng có người gọi nó là Ngũ Phủ Hải, ý là Ngũ Phủ toàn nằm trong đó.
Thiên Địa Cô Đảo trôi nổi trong biển Ngũ Phủ, hải dương phía dưới thì rộng lớn không có điểm cuối, sương mù phía trên thì mênh mang cũng không có giới hạn. Giữa thiên địa chỉ có duy nhất một đảo, cái tên “Thiên Địa Cô Đảo” này cũng xem như thỏa đáng.
Trước khi thật sự bước vào cảnh giới này, thường có người sẽ hiểu lầm, cho rằng Ngũ Phủ trong Nội Phủ Cảnh tức là ngũ tạng trên cơ thể người.
Loại phỏng đoán này là không chính xác, đúng là Ngũ Phủ có tương xứng nhất định với ngũ tạng trên cơ thể người, nhưng trong Khu Kiền Hải, vị trí của chúng lại không tương ứng.
Không nói đến trong Khu Kiền Hải vô biên, căn bản không thể có vị trí đối ứng với thân thể. Cho dù thật sự có thể miễn cưỡng tương xứng, nếu dựa theo một nội tạng nào đó tương ứng trên cơ thể để đi tìm Nội Phủ, vậy kết quả nhất định sẽ bị lạc trong sương mù mông muội.
Tỷ như hiện tại Khương Vọng có thể cảm giác được vị trí của hạt giống thần thông, đó cũng đánh dấu Nội Phủ đầu tiên của hắn. Vị trí kia ở sương mù mông muội mênh mang, cực kỳ xa xôi, căn bản không liên quan đến ngũ tạng trong thân thể.
Đối với Khương Vọng, nó càng giống cột mốc thứ hai ngoài Thiên Địa Cô Đảo ra, có thể giúp Khương Vọng không đến mức bị lạc trong sương mù mông muội.
Quá trình tu sĩ thăm dò hải dương Khu Kiền, đó là khống chế Đạo Mạch Đằng Long thăm dò rõ ràng thế giới này trong lớp sương mù mông muội.
Thế giới này nhìn như vô biên, thật ra là có giới hạn, nhưng tuyệt đối không thể dò la được chỉ trong một ngày.
Bởi vì Đạo Mạch Đằng Long có thể chống chọi sương mù mông muội chỉ trong thời gian hữu hạn, tùy theo cường độ của mỗi Thông Thiên Cung mà có bất đồng.
Tu giả nhất định phải trở lại Thiên Địa Cô Đảo trước khi Đạo Mạch Đằng Long không còn kiên trì nổi, bằng không, một khi Đạo Mạch Đằng Long bị sương mù mông muội mài mòn sạch sẽ, vậy kết quả chính là thân tử đạo tiêu.
Thiên Địa Cô Đảo là một đại bản doanh quan trọng như thế, bản thân nó cũng cần đến số lượng lớn đạo nguyên để chống đỡ, bằng không sẽ dần dần chìm vào “Hải dương”.
Cho nên tu sĩ Đằng Long Cảnh rõ ràng có thể phun ra nuốt vào đại lượng đạo nguyên, nhưng thông thường số lượng đạo nguyên có thể sử dụng lại không nhiều hơn Thông Thiên Cảnh là mấy, chính là vì phải hao phí rất nhiều đạo nguyên để chống đỡ Thiên Địa Cô Đảo.
Khi tu giả thăm dò Ngũ Phủ Hải, vừa cần phải nhớ kỹ lộ tuyến, không thể để bị lạc, lại vừa phải cân nhắc bản thân, không thể miễn cưỡng.
Tóm lại là một quá trình hết sức nguy hiểm.
Còn nguy hiểm hơn so với bất cứ cảnh giới nào trước khi đẩy ra Thiên Địa Môn, có nguy cơ sinh tử vào bất cứ lúc nào, nói không chừng sẽ im hơi lặng tiếng ngã xuống vào lần tu hành nào đó.
Thế giới tu hành phát triển tới bây giờ. Các tu sĩ cũng phát minh ra vô số loại phương pháp, có thể bảo đảm an toàn thăm dò trong sương mù mông muội. Nhưng bất kể là loại nào, cũng không hữu dụng bằng một “Cột mốc” ổn định.
Cho nên những tu sĩ còn ở Đằng Long Cảnh là có thể cảm ứng được hạt giống thần thông, thường được coi là thiên tài, cũng không chỉ vì thần thông đáng mong đợi. Còn bởi vì những tu sĩ này có thể tương đối nhẹ nhàng mà tiến vào Nội Phủ.
Đương nhiên, hiện tại nó chỉ là cột mốc.
Chờ đến khi Khương Vọng thăm dò xong Ngũ Phủ Hải, nước chảy thành sông, sau đó nhẹ nhàng đập cánh cửa Nội Phủ ra.
Nó chính là thần thông.
…
Trọng Huyền Trử Lương ba lần từ chối thư đầu hàng khiến Dương Kiến Đức trong lúc không còn lựa chọn nào khác, dứt khoát khởi binh, ban chiếu lệnh cần vương trong cả nước.
(Cần vương 勤王 : cứu giúp triều đình trong cơn hoạn nạn)
Xét từ khía cạnh bàn luận của người trong thiên hạ, việc Dương Quốc khởi binh tấn công đội quân đang bao vây biên giới, về tình về lí, đều không thể chỉ trích.
Nhưng ngay lúc này, Tề Quốc vì giữ gìn trật tự của Đông vực, xuất binh để phong tỏa ôn độc, ngăn chặn việc nó tiếp tục lan tràn cũng là lý do rất chính đáng.
Hơn nữa, Dương Quốc vốn là thuộc địa của Tề Quốc, về mặt lễ mà nói, biên giới của Dương Quốc cũng có thể coi là lãnh thổ của Tề Quốc.
Huống hồ Trọng Huyền Trử Lương đem binh bao vây Dương Quốc, ngoài mặt thực sự chỉ để nhắm vào ôn độc, chứ chưa xâm phạm một tấc đất nào của Dương Quốc. Nếu như bị quân Dương Quốc công sát thì phản kích lại cũng là lẽ dĩ nhiên.
Nói cách khác, theo phương diện “bàn luận của người trong thiên hạ” thì khả năng chiếm ưu thế duy nhất của Dương Quốc, bởi vì Trọng Huyền Trử Lương vẫn ổn định bất động nên hai bên Tề, Dương đang đứng ở cùng một điểm xuất phát.
Trong cuộc giao thủ chính diện giữa hai đồng đội cũ, hiệp thứ nhất, Dương Kiến Đức đã thua rồi.
Từ lúc ông ta quyết định khởi binh, đã thua mất khả năng khiến người khác đồng tình trên cuộc bàn luận tập thể.
Nhưng đây cũng là lựa chọn bất đắc dĩ, bị ràng buộc bởi thời thế, tình hình chung, điều này không có nghĩa rằng Dương Kiến Đức không bằng Trọng Huyền Trử Lương.
Chỉ là át chủ bài trong tay hai bên, thật sự chênh lệch quá lớn.
Hơn nữa loại chuyện “bàn luận tập thể” này, mặc dù có ý nghĩa của nó, nhưng ở rất nhiều thời điểm, nó không thể quyết định hướng đi của cuộc chiến,
Nếu Dương Kiến Đức có thể đánh bại Trọng Huyền Trử Lương, thì về phương diện ngoại giao ông ta sẽ có không gian để phát huy.
Còn nếu không thể thì tất nhiên là mọi chuyện sẽ kết thúc.
...
Thái bình nhiều năm, chiến tranh đột ngột nổi lên.
Gần như toàn bộ binh mã của Dương Quốc đều tập trung về vương đô, Dương Kiến Đức muốn tế tổ, tế trời ở Thái Miếu, sau đó mới đích thân dẫn quân đội của cả nước, chiến đấu với Trọng Huyền Trử Lương ở biên giới.
Dương Quốc có ba quận là Hành Dương, Nhật Chiếu và Xích Vĩ.
Hoàng đô nằm ở quận Hành Dương, nên đương nhiên những binh lính có thể chiến đấu gần như đều vô cùng hăng hái, chỉ trong một ngày đã tập hợp được mười lăm vạn binh. Trong đó có năm vạn binh lính vốn là vương sư bảo vệ hoàng đô, mười vạn còn lại là binh lính ở các thành vực khác.
Nhưng ở quận Xích Vĩ, phản ứng của các thành vực lại không được tích cực như vậy. Khó khăn lắm mới gom góp được chừng năm vạn chiến binh, tập trung đến vương đô. Điều đáng nói chính là, có hai vạn binh đều là nghĩa binh, tự chuẩn bị binh giáp lương thực đi theo. Mà hơn một vạn nghĩa binh trong số này đều là đến từ thành Thương Phong.