Xuân Nhật Du - Xuân Khê Địch Hiểu

Chương 38

Đúng là Kỷ Vân Đồng không quá đề phòng khi ở trước mặt Ứng Tu Tề. Phải biết rằng từ khi còn nhỏ Ứng Tu Tề đã rất chững chạc, thường xuyên trông chừng bọn họ thay Ứng tiên sinh.

Nàng và Cố Nguyên Phụng rõ ràng là những học sinh rất nghịch ngợm, thỉnh thoảng còn làm cho Ứng tiên sinh tức giận đến mức tóc cũng bạc thêm mấy sợi.

Bởi vì sau này Ứng tiên sinh đối xử với nàng rất tốt nên có đôi khi Kỷ Vân Đồng không muốn làm ông ấy tức giận, đành nịnh nọt Ứng Tu Tề đừng kể những việc nàng làm cho Ứng tiên sinh biết.

Ứng Tu Tề rất có nguyên tắc, cũng không phải chuyện gì cũng nói cho người lớn, chỉ cần nàng ngoan ngoãn lắng nghe y giáo dục tư tưởng, sau đó về viết lại những nội dung bị phạt, y cũng có thể giấu giúp một chút.

Ba người cứ như vậy mà trở nên thân thiết, trong đó Kỷ Vân Đồng và Ứng Tu Tề còn thân thiết với nhau hơn một chút, bởi vì lúc đó Cố Nguyên Phụng thường chỉ là “đồng phạm”, quyết định cuối cùng vẫn là của nàng, việc mặc cả với Ứng Tu Tề đương nhiên cũng là do nàng đảm nhận.

Ban đầu Ứng Tu Tề còn cảm thấy đau đầu, về sau quản lý nhiều cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn, không còn chỉ biết bắt chước người lớn nghiêm mặt giáo dục hai học sinh quậy phá này nữa.

Mới đầu Ứng Tu Tề nghĩ rằng Kỷ Vân Đồng là một đứa trẻ sống rất vui vẻ, dù sao hàng ngày bộ dạng nàng đều là vẻ không buồn không lo. Cho đến một ngày y tình cờ thấy Kỷ Vân Đồng đang lén lau nước mắt, y lo lắng đi tới hỏi thăm rất lâu nàng mới nói nàng nhớ tổ phụ.

Trước khi tổ phụ qua đời một năm, nàng bị cha mẹ đưa lên núi cầu con, nàng cảm thấy rất kỳ lạ, không phải cha mẹ đã có nàng rồi sao? Cần gì còn phải cầu con nữa?

Nàng ở trong chùa trên núi nghe ngóng hồi lâu mới hiểu ra, hoá ra nữ nhi không được tính là “con”, phải là nhi tử mới được tính. Lúc các tăng nhân trong chùa giải quẻ cho mẹ của nàng còn nói rằng nàng đã chiếm mất vị trí của đệ đệ, nàng phải thành tâm thành ý trai giới mấy ngày mới có thể cầu được đệ đệ đến.

Mặc dù Kỷ Vân Đồng không muốn có đệ đệ, thậm chí không hiểu đệ đệ là gì nhưng thấy cơm chay trong chùa khá ngon, nàng cũng không làm ầm ĩ.

Sau khi chuyến cầu con này kết thúc, quả nhiên mẹ nàng đã mang thai đệ đệ.

Năm sau đó đệ đệ ra đời, cha mẹ lại đưa nàng đến ngôi chùa được cho là cầu con rất linh nghiệm kia để lễ tạ thần. Bọn họ còn chưa kịp xuống núi đã có người chạy tới báo tổ phụ bị ngã ngựa, khi đưa về nhà đã hôn mê bất tỉnh.

Năm đó cha mẹ đã có đệ đệ như ước nguyện, còn nàng thì mất đi tổ phụ đã từng rất yêu thương mình.

Có đôi khi trong nhà xảy ra những chuyện lộn xộn Kỷ Vân Đồng lại không nhịn được mà nghĩ, giá như tổ phụ còn sống thì tốt biết bao.

Tổ phụ nàng là một người cởi mở hào phóng, bình thường thích cười ha ha. Khi còn bé Kỷ Vân Đồng thích học kiểu cười của tổ phụ, cha nói nàng như vậy không phải là thục nữ, tổ phụ lại bế nàng lên, cười nói: “Cho dù không phải là thục nữ cũng là tôn nữ của ta, tôn nữ của ta muốn sống thế nào thì sống, không cần quan tâm người khác nghĩ sao.”

Khi có tổ phụ trấn giữ, cả nhà từ già đến trẻ không ai dám làm loạn, ngay cả đại bá là người đầu tiên có ý định bội ước cũng bị ép phải thực hiện hôn ước, những người khác tự nhiên cũng không dám trái ý ông ấy.

Chỉ tiếc trước kia ông ấy thường xuyên sống trong quân đội, không quản lý nhiều việc trong nhà nên trong lòng luôn cảm thấy áy náy. Đôi khi trong nhà có tranh cãi, chỉ cần không phạm phải vấn đề nguyên tắc gì, ông ấy cũng chỉ có thể lặng lẽ cảm thán: “Là lỗi của ta, là lỗi của ta, gia đình và đất nước khó mà vẹn cả đôi đường.”

Ông dứt khoát ôm lấy tôn nữ Kỷ Vân Đồng không sợ mình nhất ra ngoài tìm chỗ yên tĩnh.

Cũng từ đó mà Kỷ Vân Đồng quen biết mấy người bằng hữu cũ của tổ phụ, trong số đó có những gia đình cao môn đại hộ, có người là thương nhân buôn bán nhỏ, cho dù là địa vị gì, thân phận gì, khi gặp nhau tổ phụ đều sẽ cười ha ha chào hỏi vui vẻ.

Kỷ Vân Đồng cũng học theo cách cười ha ha này.

Người khác đều nói nàng rất giống tổ phụ.

Nhưng cuộc sống thật sự quá vô thường, khi bọn họ vội vàng trở về nhà thì tổ phụ đã rời xa nhân thế, nàng không kịp nhìn thấy mặt tổ phụ lần cuối. Nàng khóc bù lu bù loa, nói với cha mẹ: “Con ghét đệ đệ, con ghét đệ đệ.”

Mẹ nàng tức giận tát vào mặt nàng: “Liên quan gì đến đệ đệ con? Con không được nói linh tinh, để người ta nghe được không biết sẽ đồn thổi thế nào về đệ đệ của con? Đệ đệ của con vừa mới ra đời mà con đã muốn đổ hết mọi tội lỗi lên đầu nó, có người tỷ tỷ nào như con không?”

Kỷ Vân Đồng không nói thêm gì nữa nhưng nàng vẫn ghét đệ đệ.

Nàng biết mình suy nghĩ như vậy là không có đạo lý nhưng nàng vẫn không thể gần gũi với đệ đệ được. Mẹ nàng cảm thấy nàng lạnh tâm lạnh tình, chẳng trách khi đó sinh nàng lại khó khăn như vậy.

Trong nhà không có tổ phụ, rất nhanh đã trở nên náo loạn.

Khi cha mẹ đi nơi khác nhậm chức cũng không mang nàng theo cùng. Kỷ Vân Đồng còn quá nhỏ, không làm được gì, lại không được tổ mẫu yêu thích, chỉ có thể cả ngày trốn ở Cố gia, chơi đùa cùng Cố Nguyên Phụng.

Kiến Dương Trưởng Công Chúa và mẹ nàng có quan hệ rất tốt, lại luôn muốn có một nữ nhi, cho nên đã đặc biệt sắp xếp cho nàng một viện tử riêng.

Chỉ là ở Cố gia vẫn không giống như ở nhà mình, cho dù Kiến Dương Trưởng Công Chúa có thích nàng đến đâu cũng sẽ không giống.

Kỷ Vân Đồng cũng không thể nói rõ ra được là khác nhau ở chỗ nào nhưng từ nhỏ nàng đã có cảm giác này.

Mấy năm trước, khi những chuyện trong Kỷ gia vẫn chưa bị lộ ra, bên ngoài cũng không có lời đồn đại nào.

Sau này khi âm mưu “Thừa kế cả hai nhà” mà đại bá đã lên kế hoạch từ lâu bị lộ ra, khi nhắc đến Kỷ gia rất nhiều người đều mang theo mấy phần chế giễu.

Kỷ Vân Đồng không nghĩ đến việc bảo vệ hai người thúc bá đã hỏng đến tận xương tuỷ nhưng nàng cũng là người nhà Kỷ gia, đây là sự thật không thể thay đổi.

Nhìn thấy gia đạo Kỷ gia ngày càng sa sút còn bản thân mình thì lại không làm được gì, Kỷ Vân Đồng cũng cảm thấy rất khó chịu.

Ngày hôm đó nghe thấy Cố Nguyên Phụng nói nói gần nói xa có vẻ khinh thường Kỷ gia, Kỷ Vân Đồng lại có chút buồn bã.

Nàng nhớ tổ phụ.

Nhớ đến người tổ phụ đã từng cười hào sảng nói “Tôn nữ của ta muốn sống thế nào thì sống.”

Tổ phụ dựa vào quân công có được tước hầu, kết quả tôn tử không giữ nổi đến đời thứ ba đã bị mất tước, gia nghiệp cũng gần như bị phá huỷ hoàn toàn. Đừng nói là bị người khác chế nhạo, tổ phụ ở dưới suối vàng biết được chỉ sợ cũng bị bọn họ chọc cho tức ch thêm lần nữa.

Cho nên không thể trách Cố Nguyên Phụng coi thường bọn họ được. Chỉ trách đại bá và tứ thức của nàng không có năng lực.

Kỷ Vân Đồng rất để ý đến sĩ diện, không muốn bị Cố Nguyên Phụng biết mình đã khóc cho nên một mình lén lút trốn ở đây, không ngờ lại bị Ứng Tu Tề phát hiện.

Ứng Tu Tề cũng là lần đầu tiên nhìn thấy bộ dạng Kỷ Vân Đồng, khóc. Thường ngày Kỷ Vân Đồng luôn kiêu ngạo, tùy hứng, khí thế bừng bừng, tới bây giờ chưa từng rơi một giọt nước mắt nào trước mặt bọn họ.

Nhìn đôi mắt đỏ ngầu của đối phương, Ứng Tu Tề nhất thời cảm thấy hơi lúng túng, muốn an ủi vài câu nhưng lại phát hiện mình không biết nói gì, hoàn toàn không biết nên làm thế nào để khiến Kỷ Vân Đồng cảm thấy dễ chịu hơn một chút.

Cho dù ngày bình thường nàng có tỏ ra mạnh mẽ đến đâu, rốt cuộc nàng vẫn chỉ là một cô gái nhỏ.

Ứng Tu Tề suy nghĩ một lúc, chỉ biết ngồi xuống bên cạnh Kỷ Vân Đồng, hơi vụng về lau sạch nước mắt trên khuôn mặt nàng.

“Thỉnh thoảng ta cũng rất nhớ mẹ của ta.” Ứng Tu Tề nhẹ giọng an ủi Kỷ Vân Đồng: “Cha của ta cũng vậy, chỉ cần có thời gian là lại làm thơ cho mẹ ta, nói rằng khi mẹ ta còn sống rất ghét ông ấy viết những lời lẽ ngọt ngào này, bây giờ bà ấy có ghét cũng chẳng làm được gì, ông ấy muốn viết thế nào thì viết, mỗi ngày đều viết cho bà ấy, hy vọng làm bà ấy phiền lòng đến nỗi xuất hiện trong giấc mơ tìm ông ấy.”

“Nhớ cũng không sao, những người tốt như vậy vốn nên được chúng ta ghi nhớ. Lần sau khi muội lại nhớ tổ phụ thì cứ nói với ta một tiếng, ta sẽ dẫn muội đi tế bái ông ấy. Nếu như muội không muốn cho người khác biết thì chúng ta sẽ không nói cho ai cả.”

Lần đầu tiên Kỷ Vân Đồng cảm thấy Ứng Tu Tề thường thao thao bất tuyệt giáo dục bọn họ không còn khó gần nữa.

Cho dù sau này nàng và Cố Nguyên Phụng vẫn đôi khi làm cho hai cha con Ứng tiên sinh tức giận nhưng trong lòng Kỷ Vân Đồng, Ứng Tu Tề vẫn là một sư huynh rất đáng tin cậy.

Vì vậy bình thường khi trêu chọc Ứng Tu Tề, không bao giờ Kỷ Vân Đồng e ngại.

Mà nàng cũng không hiểu Cố Nguyên Phụng suốt ngày suy nghĩ lung tung cái gì.

Nếu như Cố Nguyên Phụng kết giao bằng hữu ở bên ngoài với những người như Ứng Tu Tề, nàng cũng sẽ không thường xuyên cãi nhau với hắn.

Chỉ có điều người có tài năng và phẩm hạnh như Ứng Tu Tề không phải ở đâu cũng có, còn những người như Chu Tụng nịnh nọt Cố Nguyên Phụng tiêu tiền như nước thì lại nhiều vô kể.

Nghe nói năm đó Kỷ gia đột nhiên phát đạt, đại bá của nàng cũng bị một đám bằng hữu xấu lôi kéo vào con đường sai trái, không lâu sau đã trở thành người tinh thông đủ các thứ ăn uống cá cược trai gái.

Những người đó chuyên lừa gạt kẻ ngốc không có chút kinh nghiệm nào như bọn họ.

Nếu như không có đại bá làm gương, phản ứng của Kỷ Vân Đồng cũng không dữ dội như vậy.

Hôm nay, Kỷ Vân Đồng định đến thăm một nhà sưu tập sách, vừa hay người đó là bằng hữu của Ứng tiên sinh nên Kỷ Vân Đồng quyết định đi ra ngoài cùng bọn họ.

Khi Cố Nguyên Phụng nghe xong, trong lòng lập tức trở nên cảnh giác, nói rằng hắn cũng muốn đi theo.

Cha Cố có thể ở riêng với Kiến Dương Trưởng Công Chúa nên rất vui vẻ, không có ý kiến gì đối với việc này.

Mấy người Ứng tiên sinh đương nhiên cũng không có lý do gì để không cho Cố Nguyên Phụng đi cùng.

Ứng tiên sinh vốn còn lo lắng Ứng Tu Tề không thể từ bỏ nên cảm thấy việc Cố Nguyên Phụng đi cùng sẽ tốt hơn.

Cho dù Ứng Tu Tề có biểu hiện chín chắn trưởng thành đến đâu, Ứng tiên sinh vẫn hiểu được nhi tử nhà mình năm nay cũng chỉ là thiếu niên lang mười mấy tuổi. Tuổi này rất dễ xúc động, nếu lỡ như y tùy tiện làm ra việc gì chỉ sợ sẽ làm hỏng tình nghĩa bao nhiêu năm nay của ba người bọn họ.

Nếu như Kỷ Vân Đồng thật sự hủy hôn với Cố Nguyên Phụng thì không sao, một nhà có nữ nhi trăm nhà tới cầu, Ứng tiên sinh cũng không phản đối. Nhưng không phải Kỷ Vân Đồng vẫn chưa hủy hôn sao?

Cha Cố coi ông ấy như tri kỷ, ông ấy không thể để mặc Ứng Tu Tề làm ra những chuyện không nên làm.

Hơn nữa Ứng tiên sinh còn cảm nhận được một nỗi lo lắng không thể nói thành lời: tính cách của Kỷ Vân Đồng rất giống với người vợ đã khuất của ông, còn tính khí của Ứng Tu Tề lại giống ông. Nhìn thấy hai người chúng nó ở bên nhau, ông không tránh khỏi lo lắng sau này chúng không thể viên mãn với nhau đến bạc đầu.

Có lẽ vì ông đã đi qua con đường như vậy, biết được trên con đường đó có bao nhiêu chông gai cho nên không muốn nhi tử của mình lại đi qua một lần nữa.

Nếu như không đi đến nơi đó làm quan với ông, phải chăng vợ của ông vẫn có thể sống khỏe mạnh?

Vợ ông qua đời trong thời gian đi tuần sát đê điều, tai nạn đó là thiên tai nhưng cũng là nhân họa. Dù ông đã khóc hết nước mắt thượng tấu yêu cầu triều đình trừng phạt tham quan ô lại cũng không thể đổi lại được người vợ yêu quý của mình.

Ứng tiên sinh biết vợ mình chắc chắn không hề hối tiếc, nếu có thể làm lại một lần nữa, có thể bà ấy vẫn chọn con đường như vậy. Nhưng người còn sống là ông sẽ mãi mãi sống trong sự hối hận.

Vì vậy khi nghe Kỷ Vân Đồng nói con bé sẽ đi làm quan còn Ứng Tu Tề sống trong hậu trạch, có một khoảnh khắc Ứng tiên sinh muốn trực tiếp đưa Ứng Tu Tề đi, đi thật xa.

Ông đã trải qua cảnh quan trường một lần, biết đó là nơi ăn thịt người không nhả xương. Ông quyết định từ quan, nhìn thì có vẻ như không màng danh lợi, thanh nhàn tự do nhưng thực chất là ông biết rất rõ mình không thể làm được gì cả.

Những chuyện ông từng muốn làm khi còn trẻ, ông đều không thể nào làm được.

Thà rằng không thấy, không nghe, không nghĩ.

Ông thực sự không muốn con cái của mình phải chịu đựng nỗi đau khổ như vậy.

Cố Nguyên Phụng đi cùng cũng tốt, điều đó cũng có thể làm cho Ứng Tu Tề nhận ra mình không có cơ hội.

Sớm chết tâm vẫn là tốt nhất. 
Bình Luận (0)
Comment