Trình Chiêu kêu gọi quyên tặng sách 2
“Bài thơ này của Trình huynh thật không giống người thường.” Ánh mắt của Phó Triết Lý dừng lại ở một bức thư pháp với nét chữ cực kỳ mạnh mẽ khí phách: “Câu đầu tiên tả bông là vật gì, câu thứ hai tả cảnh thu hoạch bông, câu thứ ba dùng góc nhìn của dân hồi tưởng lại những nỗi khổ của dân vào mùa đông lạnh giá, câu thứ tư tả khuôn mặt rạng rỡ của dân.... Bài thơ này, đi từ nhỏ đến lớn, dàn ý rất tốt, không phải người từng trải thì vốn không thể nào viết ra được. Khó trách Hoàng thượng nói thơ của Trình huynh đứng đầu trong các tiến sĩ năm nay.... Nếu không phải dáng vẻ của ta kém hơn thì thám hoa lang này nên là ta mới đúng.”
Lời này của hắn không phải khiêm tốn, mặc dù từ nhỏ hắn đã học tập ở trong cung, hưởng thụ sự dạy dỗ tốt nhất nhưng trên thực tế tài hoa của hắn và Trình Chiêu tương xứng.
Trước khi thi Đình, phụ thân đã nói với hắn, cơ hội để hắn và Trình Chiêu có thể trở thành Trạng nguyên là bằng nhau.
Cuối cùng hắn xếp thứ nhất mà Trình Chiêu xếp thứ ba, không phải bởi vì năng lực của Trình Chiêu chỉ có thể xếp thứ ba mà bởi vì Trình Chiêu xuất thân nhà nghèo, Hoàng thượng không muốn để một học trò nhà nghèo quá mức nổi trội, sợ bị người ta mưu hại cho nên mới khâm điểm Trình Chiêu là thám hoa lang, xem như là một loại bảo vệ trá hình.
Sau khi Phó Triết Lý mở miệng khen, một vài người xu nịnh đương nhiên cũng hùa theo khen Trình Chiêu.
Nhân cơ hội này, Trình Chiêu mở miệng nói: “Các vị đều biết, ta xuất thân nghèo khổ, đến từ một thôn xóm rất xa rất xa Kinh Thành. Tổ phụ, tổ mẫu ta là nông dân, cha nương thân sinh cũng là nông dân, mỗi một người trong thôn đều dựa vào trời đất để có cơm ăn. Một gia đình nông thôn luôn gặp rất nhiều khó khăn để nuôi dưỡng một đứa nhỏ đọc sách. Ta có thể vượt trội cũng là nhờ toàn tộc xoay sở tiền bạc cung cấp cho. Mà trên thế gian này, những người vẫn đang đấu tranh để được học hành như ta còn rất nhiều rất nhiều.”
“Bây giờ ta coi như đã học thành tài nhưng còn có rất nhiều học trò nhà nghèo đang đấu tranh với cuộc sống. Bọn họ có thể không mua nổi một nghiên mực, không mua nổi một ngòi bút, không mua nổi một quyển sách, dần dần sẽ có càng nhiều người từ bỏ.... Cho nên mới có cổ nhân nói rằng, hàn môn nan xuất quý tử*....”
*Nhà nghèo khó sinh ra được đứa con ưu tú
Những lời này của hắn làm cho không ít học trò ở đây cảm động lây.
Có ba bốn học trò cũng giống như Trình Chiêu, xuất thân nghèo khổ, từng bước đi tới chức vị tiến sĩ, làm môn sinh của thiên tử, trở thành sự kiêu ngạo của toàn gia toàn tộc. Bọn họ trở thành truyền kỳ ở cố hương nhưng bước vào Kinh Thành này mới biết được mình nhỏ bé cỡ nào. Thậm chí một số người trong bọn họ còn không dám nhắc đến xuất thân của mình, chỉ sợ bị những người trong vòng giao thiệp này xa lánh.
Họ tuyệt đối không ngờ rằng Trình Chiêu lại phóng khoáng thừa nhận bản thân mình nghèo khổ như vậy, điều này làm cho bọn họ xấu hổ không thôi.
Còn có vài người hoàn cảnh gia đình hơi khá giả nhưng trải qua nhiều năm học hành, chi phí tiêu dùng quá lớn nên cha nương trong nhà phải bán nhà bán ruộng, dần dần trong nhà cũng nghèo rớt mồng tơi. Đối với bọn họ mà nói, học thật sự rất khó, hồi tưởng lại những khó khăn trong quá khứ, mọi người đều bùi ngùi xúc động.
“Ta từng chịu khổ cho nên hy vọng những người giống ta ít phải chịu khổ hơn.” Trình Chiêu ngừng một lát rồi tiếp tục mở miệng: “Ta dự định xây dựng duyệt lãm các, để cho đông đảo học trò nghèo khổ không phải ưu sầu vì những bộ sách đắt đỏ nhưng vấn đề trước mắt là thiếu một số lượng sách rất lớn. Trình mỗ mặt dày khẩn cầu các vị đồng môn đồng liêu quyên tặng sách, những học trò nghèo khổ nhận được ân huệ nhất định sẽ cảm tạ ân đức của mọi người.”
Hắn vừa nói xong những lời này, bầu không khí thoáng chốc trở nên yên tĩnh, nhóm văn nhân nhã sĩ đưa mắt nhìn nhau, ai cũng không ngờ hắn sẽ nói ra những lời như vậy.
Những người đồng cảm với Trình Chiêu cơ bản đều xuất thân nhà nghèo, mỗi một quyển sách đều do bọn họ hao hết trăm cay nghìn đắng mới có được, mỗi một tờ giấy đều tràn đầy nước mắt đau xót, vốn không nỡ quyên tặng.
Mà những học trò có tiền lại không thể cảm thụ được những khổ sở của học trò nghèo khó, cũng không cảm thấy mình có nghĩa vụ phải đi giúp những người này, cả đám đều thờ ơ.
Khung cảnh im lặng kỳ lạ.
Đúng lúc này, một giọng nói già nua nhưng lại vô cùng có tinh thần vang lên.
“Ta quyên tặng một trăm quyển sách.”