Trước mặt Thẩm Chính đặt một cuốn sách, nhưng hai mắt hắn đã bay ra phòng ngoài.
Hắn đã sớm nghe thấy âm thanh vang lên từ bên ngoài, vốn muốn ra xem náo nhiệt, kết quả lại nghe được âm thanh vô cùng quen thuộc.
Cha hắn đã đến đây rồi, hắn nào dám làm chuyện càn rỡ. Hắn nhanh chóng mở sách ra, còn giả bộ như đang học bài.
Tai hắn nghe thấy tiếng bước chân đang ngày càng tới gần, hình như là đã bước vào rồi, đang đứng sau lưng hắn.
Rốt cuộc hắn cũng ngụy trang không nổi nữa, khép sách rồi quay đầu lại, nhìn vào ánh mắt có phần tự hào của Thẩm huyện lệnh, hắn nhếch môi cười nói: "Cha, sao người lại tới đây?"
Lúc này Trình Chiêu mới hồi phục tinh thần lại từ đống sách vở, hắn lập tức đứng lên: "Gặp qua Huyện lệnh đại nhân."
Triệu Tứ Đản cũng đang học tập ở nơi này, hắn học theo bộ dáng của Trình Chiêu mà chắp tay lại, hơi gập người hành lễ.
"Để ta giới thiệu với các con một chút, vị này là Ngu phu tử, từ nay về sau sẽ phụ trách việc dạy hài tử ở thôn Đại Hà đọc sách viết chữ." Thẩm huyện lệnh cười nói. "Thẩm Chính, Trình Chiêu, rất nhanh hai người các con sẽ phải tham gia viện thí, nếu có chỗ nào không hiểu ở phương diện học tập thì có thể tới hỏi Ngu phu tử."
Thẩm Chính rụt cổ, lúc trước hắn sợ nhất là những người như phu tử, lúc nào cũng cảm thấy người đó sẽ cầm thước mà đánh hắn.
Ngu phu tử mở miệng nói: "Trước tiên ta sẽ thử kiểm tra học vấn của hai người các ngươi, để tùy theo trình độ mà giảng dạy."
Vẻ mặt Thẩm Chính như ăn phải quả mướp đắng: "Cha, không phải người nói Ngu phu tử tới là để dạy hài tử trong thôn Đại Hà đọc sách sao, con cũng không phải hài tử của thôn Đại Hà..."
Sắc mặt Thẩm huyện lệnh lập tức trầm xuống: "Ngu phu tử hiểu biết phong phú, bụng đầy kinh luân, có thể được Ngu phu tử chỉ điểm, con phải biết đó là vinh hạnh!"
Đôi mắt Trình Chiêu khẽ nhúc nhích, như là nghĩ tới cái gì, thái độ của hắn càng trở nên cung kính, khiêm tốn chắp tay nói: "Mong Ngu phu tử chỉ giáo."
Ngu phu tử vuốt râu, thuận miệng nói: "Trong 'Luận ngữ' Lỗ Ai Công (1) đã hỏi Hữu Nhược (2): năm đói, lương thực không đủ dùng, nên làm như thế nào? Hữu Nhược đáp: tại sao không sử dụng lối cai trị nhân từ hơn? Lại nói: người còn không có cái ăn, sao có thể áp dụng lối cai trị hà khắc?"
(1) Lỗ Ai Công: tên thật là Cơ Tương, là vị vua thứ 27 của nước Lỗ - chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.
(2) Phần Thiên Nhan Uyên trong "Luận ngữ" có ghi lại màn đối đáp giữa Lỗ Ai Công và Hữu Nhược, khi Lỗ Ai Công hỏi ý kiến Hữu Nhược về việc trong nạn đói nên làm thế nào, Hữu Nhược đã đáp như vậy.
Thâm Chính tiếp lời, trịnh trọng nói: "Dân chúng no đủ, chẳng lẽ quân vương không đủ? Dân chúng nghèo nàn, chẳng lẽ quân vương lại đủ?"
"Không tồi." Ngu phu tử gật đầu. "Đủ để chứng minh thường ngày ngươi thật sự có đọc sách, vậy ngươi nói xem, câu này có ý nghĩa như thế nào?"
Thẩm Chính nhếch miệng cười.
Cách đây không lâu Trình Chiêu đã giảng cho hắn nghe về "Luận ngữ", vừa đúng lúc giảng tới đoạn này, nên hắn rất quen thuộc.
Hắn ho khù khụ rồi mở miệng nói: "Quốc gia mất mùa, Ai Công hỏi hạ thần về vấn đề này, ý muốn nâng cao thuế má, nhưng Hữu Nhược lại chủ trương muốn giảm bớt thuế má, ta cho rằng lời của Hữu Nhược nói rất có lý."
Thẩm huyện lệnh nở một nụ cười tự hào và vui mừng, con trai hắn quả nhiên đã trưởng thành rồi.
Ngu phu tử tiếp tục hỏi: "Vậy theo ý kiến của ngươi, ý kiến của Hữu Nhược nên thực hiện như thế nào?"
"À, cái này thì..." Thẩm Chính gãi cổ, sau đó quay đầu lại. "Trình huynh học sâu hiểu rộng, câu này hay là để Trình huynh tới trả lời đi."
Thẩm huyện lệnh: "..."
Quả nhiên là hắn quá xem trọng tiểu tử này rồi, biết chuyện như thế nhưng lại không biết nguyên do vì sao lại vậy, trình độ thế này thì làm sao tham gia viện thí được?
"Những năm mất mùa, việc gia tăng thuế đất quả thật có thể giúp tạm thời giảm bớt nguy cơ, nhưng nếu bóc lột dân chúng quá mức, khiến người dân lâm vào cảnh lầm than, dân cùng tất loạn, đại loạn ắt sẽ khiến quốc gia suy yếu..." Trình Chiêu đối đáp đâu vào đấy. "Dân giàu, quân tất giàu, vậy thì quốc gia mới có thể yên ổn, đây là đạo trị quốc trong Nho học. Nhưng tại hạ cho rằng tư tưởng này quá mức tốt đẹp. Có dân giàu ắt sẽ có dân khổ, điều này luôn tồn tại song hành với nhau..."