Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 130

Người lên tiếng đương nhiên là Nguyễn Đông Thanh.

Hắn thấy Cố Văn lúng túng như vậy, đám học trò lại cũng vì hiếu học mới hỏi, thì liền muốn tiến lên giải vây. Lại nói, “trong cuộc tối, ngoài cuộc sáng”, hắn đoán chừng Cố Văn là người trong Nho đạo, tuy hiện tại không tu hành được nhưng những định kiến thâm căn cố đế trong đầu cùng tư duy lâu năm hiện hữu vẫn còn đó. Thành thử, lão hẳn cũng không biết trả lời sao cho phải.

Còn Nguyễn Đông Thanh thì khác. Gã chỉ là phàm phu tục tử, chả theo đạo nào, cũng chẳng thể tu luyện. Tư duy của hắn nói trắng ra cũng là sản phẩm của một thời đại khác, không bị thường thức và tam quan của thế giới này bó buộc. Thành thử, hắn nhìn được những điều người khác không chú ý. Tất nhiên, ngược lại, hắn nhiều khi sẽ thiếu sót những cái thuộc về thường thức đối với cư dân Huyền Hoàng giới.

Cố Thi Âm đang chưa biết trả lời sao, thấy Nguyễn Đông Thanh nói vậy thì liền đồng ý. Nàng ta cũng rất tò mò muốn biết Bích Mặc tiên sinh sẽ trả lời mấy câu hỏi đó ra sao.

Nguyễn Đông Thanh rảo bước đi nhanh từ cuối lớp lên phía bục giảng. Đoạn, hắn quay về phía Cố Văn, nói:

“Trước hết thì nếu những lời tại hạ chuẩn bị nói có chỗ nào mạo phạm, xin thầy Cố bỏ quá cho.”

Rồi mới quay lại nhìn đám học trò nói:

“Nói khó nghe một chút, thì cái điển tích điển cố các trò vừa nghe, là tuyên truyền của Nho môn. Nho giáo dạy người đời gặp trường hợp như thế thì phải cư xử như vậy. Thế thôi!”

Cố Thi Âm nghe vậy thì cũng ngớ người. Không ngờ vị Bích Mặc tiên sinh này lại nói toẹt ra như thế. Cho dù là sư phụ nàng khi trước, biết Nho đạo vẫn có những bất cập, nhưng cũng chẳng thể nói thẳng ra. Lúc này, lại có học sinh hỏi:

“Thưa thầy, thế Nho môn dạy vậy, thì có nên làm theo không ạ?”

“Đương nhiên là không! Nếu cứ bị nghi oan mà phải lấy cái chết ra chứng minh thanh bạch cho người dưng nước lã thì các trò còn sống nổi đến già sao? Mà như vậy thì kẻ thù của các trò chả phải chỉ cần đổ oan cho các trò, rồi đợi các trò tự mang đầu đến nộp sao?

“Chứng minh bản thân thanh bạch, chẳng lẽ không thể tìm cách vừa chứng minh, vừa sống tiếp à?

“Lại nói, ở đời, hơi đâu mà đi giải trình với tất cả thiên hạ về hành vi, động cơ, cùng tấm lòng của mình? Đôi khi, người đời hiểu lầm chúng ta hay không không quan trọng, quan trọng là bản thân chúng ta không thẹn với lòng!”

Nguyễn Đông Thanh nói đến đây, thì ngưng một chút cho đám học trò ngấm lời mình nói. Cả lớp học chìm vào yên tĩnh. Mà chính lúc này, Cố Thi Âm cũng đang có cảm ngộ riêng. Hay cho một câu, “người đời nghĩ sao không quan trọng, quan trọng là bản thân không thẹn với lòng”! Bao năm nay nàng ta và sư phụ chạy nạn, trốn khỏi tai mắt thế gian, nàng cũng không phải chưa từng bao giờ thắc mắc liệu họ có sai hay không. Tâm kết không biết hình thành từ bao giờ nay vì một lời của Nguyễn Đông Thanh mà dần được cởi.

Nguyễn Đông Thanh thấy cũng đủ lâu cho lời mình ngấm rồi thì liền nói tiếp:

“Đương nhiên, không phải cứ lúc nào mình nghĩ mình đúng thì mình cũng là đúng, mà thế nhân bảo mình sai thì cũng đều là hiểu lầm. Nhân vô thập toàn, ai cũng có lúc đúng lúc sai. Quan trọng là phải tỉnh táo để nhận ra khi mình sai, để còn thừa nhận, sửa chữa. Thầy cũng chỉ hy vọng, trong quãng thời gian chúng ta còn đồng hành, có thể phần nào giúp cho các trò phân rõ được phải trái đúng sai, để đến khi ra đời các trò hiểu làm sao để sống không thẹn với lòng!”

Lúc này có một học sinh bèn hỏi:



“Ai cũng có lúc sai lầm thiếu sót, vậy là cả thầy cũng vậy ạ?”

“Đương nhiên! Thầy chỉ là một phu tử dân dã, tài học nào có bao nhiêu? Chuyến vừa rồi lên kinh cái đầu này của thầy còn suýt bị người ta đòi vặt xuống đây!”

Lũ trẻ nghe thấy vậy thì liền nhao nhao:

“Kể đi thầy!”

“Phải đó, kể đi thầy!”

Nguyễn Đông Thanh trợn mắt lườm cả lớp một cái, rồi lắc đầu cười khổ:

“Thật là một đám nhóc ham vui! Thôi được rồi, coi như chuyện này cũng có chút liên quan đến vấn đề đang dạy các trò, kể cho các trò nghe cũng được!”

Đoạn, hắn bèn kể vắn tắt lần tham dự Mỹ Thực Tiến Vua vừa rồi cũng như chuyện năm lần bảy lượt bị Lâm Thanh Tùng tìm cách dồn vào chỗ chết. Tất nhiên, hắn lược bớt đoạn món được dâng lên làm từ thịt bò, chỉ nói việc hắn không biết cổ nhân từng dạy ăn thịt sống có thể chết mà thôi. Nói đùa, thịt trâu bò là hàng quốc cấm, đến hoàng đế muốn ăn mà Trương thái sư còn phải mách nước không được để lộ cho dân chúng biết. Nếu giờ Nguyễn Đông Thanh bô bô cái miệng ra, khác nào thách thức Trư đế đến chặt đầu hắn xuống? Còn việc thịt sống ăn có nguy hiểm nhất định, hắn phần nào đã có cách ứng phó, có gì còn dễ xoay xở.

Nguyễn Đông Thanh vừa kể, lại vừa phân tích cho đám học trò cái sơ suất của hắn là không tìm hiểu kỹ tại sao văn hóa ăn sống không tồn tại. Nếu hắn biết trước, hoặc sẽ nghĩ cách ứng đối từ trước, hoặc có thể dẹp ý định, đổi hẳn sang một món ăn khác.

Kể đến Lâm Thanh Tùng, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta đương nhiên không vui. Dù gì từ khi xảy ra chuyện tới giờ, đây là lần đầu tiên hắn được trút bầu tâm sự. Tuy nói chuyện đã qua, bình thường Nguyễn Đông Thanh cũng chả rảnh hay dở hơi đi nghĩ đến kẻ rắp tâm hại mình làm gì cho khó chịu, thế nhưng, hắn cũng chả ưa gì tên cựu Tế Tửu họ Lâm. Thành thử, lúc này được nói lời trong lòng, Nguyễn Đông Thanh cũng không tiếc lời đay nghiến kẻ thù cũ.

Nhân việc này, lại nhớ đến trận khẩu chiến với Nho môn hôm trước, hắn bèn đưa ra kết luận cho đám học trò, bảo:

“Như các trò đã thấy, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Nho giáo dạy con người ta sống sao cho tốt, về phần giáo lý thì không sai. Thế nhưng, trong chính Nho môn cũng không thiếu những kẻ tiểu nhân tự tư tự lợi, rắp tâm hại người.

“Lại nói, Nho giáo có dạy, ‘sự học vô tiên hậu, đạt giả vi tiên’, thế nhưng xưa nay chưa thấy Nho môn thách thức, soi xét lại lời dạy của tiên hiền, vãng thánh bao giờ. Ngay như chuyện ‘ăn thịt sống ắt phải chết’ chả phải cũng vậy sao? Giáo lý hay mấy thì hay, phải đi kèm biểu hiện mới được! Chứ nếu nói mồm thì hay mà biểu hiện chả ra đâu vào đâu, thì cuối cùng cũng chỉ là thùng rỗng kêu to mà thôi!”

Cố Thi Âm nghe hắn nói vậy mà ong cả đầu. Lời động trời này, nàng ta khẳng định, có là sư phụ thì cũng chỉ dám nghĩ ở trong lòng, không thể nói ra! Nếu không, khẳng định sẽ chịu phản phệ từ Thiên đạo. Bích Mặc tiên sinh này là tồn tại cỡ nào mới có thể mặt không biến sắc nói như vậy?

Ngược lại, Nguyễn Đông Thanh nói đến đây mới nhớ ra Cố Văn tính ra cũng từng là người của Nho môn. Vừa rồi mải kể, hắn cũng không chú ý ngôn từ cho lắm, thành ra lúc này liền đỏ mặt, tằng hắng:

“Tại hạ đây chỉ là mắng những con sâu làm rầu nồi canh, mong thầy Cố đừng hiểu lầm!”

“Tiên sinh yên tâm. Ngài không nói gì sai, ngược lại dạy rất phải. Cố mỗ xin thụ giáo!”

Có một học sinh khi đó liền hỏi:



“Thưa thầy, Nho giáo có kẻ muốn dồn thầy vào chỗ chết, nãy giờ thầy lại nói về Nho đạo như thế, vậy thầy không phải người của Nho đạo ạ?”

“Thầy của các trò chỉ là một phu tử dân dã, nào dám trèo cao với Văn Cung? Ngoại trừ mong muốn dạy cho các trò biết chữ, biết sống sao cho phải có thể tính là có chút liên quan đến Nho giáo ra, thì thầy không hề có liên quan đến Nho đạo hay Văn Cung gì cả!”

Lời này nói ra, đám học trò nhỏ tuổi thì không nghĩ gì nhiều, thế nhưng vào tai Cố Thi Âm cũng vài đứa lớn lớn, đã bắt đầu hiểu chuyện thì lại thành “tiên sinh đang bày tỏ rõ thái độ khinh thường Văn Cung”. Nói đùa, tiên sinh đến Nho đạo còn đánh sập với xây lại được, nói gì chuyện trèo cao ở đây?

Lại có học trò khác hỏi:

“Thưa thầy, thầy bảo giáo lý hay nhưng phải đi kèm biểu hiện thì mới được, có thể ví dụ rõ ra được không ạ?”

Nguyễn Đông Thanh bị hỏi vậy thì cũng ngẫm nghĩ một chút, lại liếc nhìn Cố Văn rồi mới nói:

“Nếu các trò đã có hứng thú chuyện này thì để thầy chuẩn bị vài hôm, rồi sẽ có sách cho các trò đọc, để tự thấy cả hai mặt tốt xấu của Nho môn. Còn bây giờ quay lại học tiếp đi đã!”

oOo

Tiết học tiếp tục không mấy nổi bật. Cố Văn chuyển qua giới thiệu về thơ cùng một số luật thơ đơn giản, học trò thì ghi ghi chép chép. Thế nhưng cả thầy cả trò đều không thể tập trung, đầu óc vẫn còn đang nghĩ ngợi những điều Nguyễn Đông Thanh nói ban nãy.

Đến khi hết buổi học, tiễn học sinh về hết, Cố Thi Âm mới tiến lại, hỏi:

“Tiên sinh, không biết về việc ngài đáp ứng với đám nhỏ, ngài có dự định ra sao? Liệu có cần Cố mỗ giúp gì chăng?”

“Vậy phiền thầy Cố về cổ viện với tại hạ một chuyến, chép lại cho bọn trẻ vài quyển sách.”

oOo

Vài tuần tiếp theo cứ thế mà êm đềm trôi qua ở ải Quan Lâm. Ngoại trừ một vài thay đổi nhỏ ra thì không có mấy chuyện đáng nói.

Thứ nhất, là dân chúng Quan Lâm lại thêm một món ăn dân dã trên bàn nhậu. Theo lệnh Nguyễn Đông Thanh, Tiểu Thực Thần đi dạo một lượt, truyền thụ công thức làm nem chua, nem chua rán từ thịt lợn cho dân chúng khắp thành. Mấy hàng quán ăn uống như của lão Hùng tự dưng thêm được một món vừa ngon vừa dễ làm vào thực đơn, cơ hồ cười không ngậm được miệng.

Thứ hai, ở Quan Lâm, dân chúng bắt đầu đồn thổi nhau những câu chuyện truyền kỳ vạn phần kỳ lạ của một vị đại nho tên Nguyễn Dữ. Nghe đồn, các mẩu chuyện này đều là nội dung sách học của bọn trẻ do chính hai thầy đồ của Quan Lâm chọn lọc, biên soạn. Mặc dù Bích Mặc tiên sinh của chúng ta một mực khẳng định đây là “tác phẩm của tiền nhân”, gã chỉ “may mắn có được”; thế nhưng, tất cả những kẻ “hiểu chuyện” đều ngầm hiểu với nhau đây chỉ là “bút danh của tiên sinh”.

Cuối cùng, đám trẻ con trước giờ toàn bị bắt mới đi học giờ lại chăm học lạ thường, hỏi ra mới biết trong giờ dạy điển tích điển cố, Bích Mặc tiên sinh kể không biết bao nhiêu là chuyện hay trên trời dưới biển. Lúc đầu, khi nghe một số những cắt nghĩa vô cùng mới mẻ, khác lạ mà lũ nhỏ kể lại, những người có dây dưa với Nho môn cũng giật mình, lo lắng chúng sẽ tẩu hỏa nhập ma. Thế nhưng sau khi thử nghiệm thì lại phát hiện, tuy cách giải thích của Bích Mặc tiên sinh cái giống cái không với hướng truyền thống của Nho môn, vậy mà hiệu quả thì tuyệt nhiên không kém. Muốn sử dụng được điển tích điển cố, tiên quyết phải hiểu đúng. Thành thử, từ việc này có thể suy ra cách hiểu mà Nguyễn Đông Thanh dạy cho bọn trẻ không hề sai. Thế là, các cuộc tranh luận về việc liệu Bích Mặc tiên sinh đến từ thiên ngoại hay là một lão quái vật vẫn còn nhớ những điều thế nhân đã sớm quên sau Phản Thiên chi chiến lại một lần nữa tạo sóng tại khắp các thế lực lớn.
Bình Luận (0)
Comment