Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 151

Nguyễn Đông Thanh ngồi nghe cô học trò thuật lại những gì học được trong sách sinh học đến xuất thần, cảm giác khung cảnh trước mắt quả thực là vô cùng thú vị.

Một đám người ăn mặc cổ phục ngồi nghe giảng về biến dị sinh học, gien trội gien lặn, di truyền tính trạng, quả thực là không hợp thói thường. Nguyễn Đông Thanh xem mà cứ nhớ cái đoạn phim một ông đại hiệp áo trắng bỗng dưng rút súng lục ra chĩa về phía ống kính.

“Bình thường trông mình cũng thế này à?”

Gã lắc đầu, cố nén một tiếng cười.

Bấy giờ, bỗng nghe mé dân làng đang ngồi có tiếng huyên náo. Nguyễn Đông Thanh nhìn sang thì phát hiện thằng nhóc hồi nãy đứng ra nói đỡ cho quỷ rừng đang nằng nặc giãy ra khỏi vòng tay của mẹ nó, miệng kêu to:

“Cha mẹ biết các ông quỷ rừng vô tội mà còn để mặc cho họ bị người xấu đánh, cha mẹ cũng là người xấu!”

Dân làng đứa nhỏ nói cho thì cũng hổ thẹn. Một vài người đang định nạt đứa nhỏ “trẻ con thì biết gì”, nhưng lại sực nhớ ra Nguyễn Đông Thanh hãy còn ngồi đó, nên lại rụt cổ chẳng dám hó hé câu nào nữa.

Bích Mặc tiên sinh thấy bọn hắn như vậy, cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên, chỉ vẫy tay bảo thằng nhóc đến chỗ mình. Mẹ đứa bé giật mình, sau đó cũng thả tay, để con chạy đến chõ vị “tiên sinh” thoạt nhìn cũng chẳng lấy gì làm già dặn kia.

Nguyễn Đông Thanh bế đứa nhóc đặt lên đùi, cười:

“Con rất thông minh, vậy để ta hỏi con câu này nhé.”

“Tiên sinh là người tốt. Tiên sinh hỏi đi.”

“Ngoan. Vậy con nói ta nghe thử, đám người kia là người xấu phải không?”

“Dạ đúng.”

“Người xấu thì có phân biệt phải trái đúng sai hay không?”

“Dạ... không...”

Thấy thằng bé đã bắt đầu ấp úng, Nguyễn Đông Thanh mới hỏi tiếp:

“Vậy... con nghĩ nếu không có bọn ta ở đây, bọn chúng sẽ làm gì? Nghe lời con phân trần? Hay là chúng sẽ đánh cả con nữa?”

“Không dám. Không dám.”

Đám quan binh của thành Bạch Đế từ nãy đến giờ dỏng tai lên nghe ngóng, lúc này vội vàng dập đầu lạy như tế sao, chỉ mong thằng bé còn nhỏ, sẽ ngây thơ tin tưởng lời chúng.

Thằng nhóc lắc đầu, đáp:

“Bọn họ xấu xa như thế, chắc chắn là sẽ đánh con rồi.”

“Thì đúng rồi. Cha mẹ con làm những chuyện ấy về lý là sai, nhưng có thể thông cảm được. Trên đời con giun con dế cũng còn muốn sống, hà huống chi là con người. Bọn họ cũng muốn con được an toàn thôi.”

Kỳ thực, ban đầu khi chứng kiến cảnh cha mẹ thằng bé ngăn cản con họ, lại có chút "gió chiều nào che chiều ấy", Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cũng giận sôi máu, suýt thì chửi đổng. Nhưng quãng thời gian để Hồng Đô đi bắt đám quân lính lại cũng đã đủ để hắn làm nguội cái đầu, suy nghĩ tường tận hơn. Nguyễn Đông Thanh ngừng một chốc, lại nói:

“Hành động của con rất nghĩa hiệp, rất can đảm, đáng khen lắm. Nhưng con đứng ra hấp tấp như thế chẳng những không giúp được gì, mà còn chuốc họa vào thân, tai họa người nhà. Cuối cùng ở đời cái tài với cái đức vẫn phải đi đôi với nhau, có tài mà không có đức thì là kẻ vô dụng, có đức mà không có tài thì làm chuyện gì cũng khó. Hiểu không?”



Thằng nhóc nghe thế, thì gật đầu một cái.

Thấy thằng bé hiểu chuyện, Bích Mặc tiên sinh mới vỗ vai nó, bảo chạy về chỗ bố mẹ. Gã lại nhân chuyện này, quay sang chỗ mấy đồ đệ, hỏi:

“Là các con thì các con sẽ hành xử ra sao?”

Vốn là Nguyễn Đông Thanh cho rằng Lý Thanh Vân vốn là thằng nhóc khảng khái nghĩa hiệp nhất bọn sẽ lên tiếng đầu tiên, đồng tình với đứa bé bất chấp những gì gã vừa nói. Thế nhưng, cậu chàng lại yên lặng.

Người lên tiếng đầu tiên lại là Đỗ Thải Hà:

“Con nghĩ là ngoài mặt đồng tình với đám cẩu quan kia, ưu tiên phòng thân. Trong tối thì hết lòng giúp đỡ quỷ rừng, đưa thuốc thang che giấu hành tung của bọn họ. Cuối cùng giữ được núi xanh lo gì không có củi đốt?”

Tạ Thiên Hoa nói:

“Chuyện này kể ra thì cũng khó nói. Tuy đám ô lại này cũng chỉ là bọn tôm tép, vị tất đã một tay che trời được, song cũng không ngoại trừ cái chuyện nhà dột từ nóc. Muốn hóa giải được chuyện ngày hôm nay mà không có tiếng nói thì chỉ là người si nói mộng. Dân chúng thấp cổ bé họng, muốn có quyền có thế thì phải có người nghe. Chuyện này phụ thuộc vào châu chủ, vào hoàng đế, vào triều đình quan lại. Ấy là khách quan. Còn chủ quan là phải làm quyết liệt, đã thưa kiện thì phải kiện đến cùng. Châu chủ không nhận thì lên kinh thành tìm Dực hoàng đế thì may ra mới xong. Còn như nửa vời từ bỏ chỉ khiến bọn chúng càng được nước lấn tới.”

Nguyễn Đông Thanh thấy cô nàng bắn nguyên một tràng dài, hơn nữa nói trúng trọng tâm vấn đề, bèn gật đầu một cái tỏ ý khen ngợi.

Gã lại nhìn về phía Lý Thanh Vân.

Lúc này, cậu chàng đột nhiên lên tiếng:

“Thưa thầy, học trò có chuyện muốn hỏi.”

oOo

Lý Thanh Vân thuật lại toàn bộ những gì xảy ra ở thành Bạch Đế hôm đó. Cậu chàng thuật lại cẩn thận, nhất là những gì mấy tay đấm của đấu trường ngầm nói trước lúc bỏ đi cơ hồ là không sai không lệch lấy một chữ. Cuối cùng, cậu chàng mới ngước lên, hỏi:

“Thưa thầy... hành hiệp trượng nghĩa rốt cuộc là vì sao? Con thực sự không hiểu.”

Nguyễn Đông Thanh lắc đầu.

Trong mắt hắn, thằng nhóc Lý Thanh Vân này hẳn là đọc kiếm hiệp nhiều, lần đầu gặp phải thực tế xã hội không thể giải quyết đơn giản bằng võ lực nên mới “hoài nghi nhân sinh” như vậy.

Kỳ thực, cũng không riêng gì cậu chàng.

Gã còn nhớ ở địa cầu, tiểu thuyết mạng cũng có rất nhiều tác giả như vậy. Không biết cách xử lý, không truy tra cặn kẽ được bản chất của vấn đề thì giết luôn kẻ thủ ác, nào biết nhiêu đó cũng chỉ là bề nổi.


Nguyễn Đông Thanh cảm thấy không thể mặc kệ được.

Bằng không, Lý Thanh Vân lạm dụng tư hình, tự coi mình là thẩm phán, bắt đầu lạm sát thì hỏng bét.

Gã hắng giọng, nói:

“Vân này. Ta mang tiếng là thầy của con mà xưa nay chưa dạy được con cái gì ra hồn, một thân bản lĩnh này của con là con tự ngộ ra, ấy là sự thực. Huyền Hoàng giới này thực lực vi tôn, lời ta nói đối với con chưa chắc đã có trọng lượng gì. Nhưng có vài chuyện ta vẫn phải lên tiếng.”



“Không dám. Con xin nghe lời thầy.”

“Có phải con tự vấn lòng rằng những chuyện hành hiệp trượng nghĩa trong tiểu thuyết chỉ chữa được ngọn mà không trị được gốc, vấn đề còn nguyên đó chẳng giải quyết được. Dân chúng vẫn lầm than, chỉ có hiệp giả là khoái ý ân cừu, thoải mái trong lòng hay không?”

“Thưa phải.”

Nguyễn Đông Thanh thầm nghĩ “quả nhiên” một cái, lại tiếp:

“Cũng đúng thôi. Con nghĩ như thế là bình thường, bởi nhẽ tiểu thuyết võ hiệp vốn truyền tải ước mơ của tác giả. Ước mơ có người trừ gian diệt ác, bảo vệ kẻ yếu thế. Thành thử, nhiều lúc trong truyện tình tiết cũng đơn giản hơn nhiều so với ngoài đời. Ở quê cũ của thầy có một câu chuyện như này. Người ta chế ra một loại pháp bảo có thể khiến một người dệt bằng hai mươi, ba mươi người thường. Thế là sức người rẻ rúng, phú hộ thi nhau chèn ép dân cùng khổ. Ngày làm tám chín canh giờ, thu về đồng lương chết đói vốn là chuyện thường tình thời ấy.”

Mọi người thấy “tiên sinh” lại kể chuyện ở quê, bèn dỏng tai lên nghe. Duy chỉ có Huyền Thanh nương nương là thấy ngờ ngợ, kỳ quái, nhưng không nói ra ngoài miệng.

Ngừng một chốc, gã lại tiếp:

“Cũng như câu nói con giun xéo lắm cũng quằn, cuối cùng dân chúng cùng khổ nổi dậy, đập phá những pháp bảo kia, liên kết với nhau đòi lại quyền lợi.”

“Cuối cùng thì sao thưa thầy?”

“Họ thất bại. Pháp bảo đập đi rồi thì làm cái khác. Một tên phú hộ chết thì kẻ khác lại lên thay. Máu đã đổ, mồ hôi đã rơi, nhưng mèo lại hoàn mèo, đất nước không có bất cứ thay đổi về chất nào. Vậy mới nói có tấm lòng là một chuyện, nhưng nếu không có đường lối, không có phương pháp thì cuối cùng cũng là dã tràng se cát biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì mà thôi.”

Nguyễn Đông Thanh nói xong, vỗ vai Lý Thanh Vân, để cậu chàng từ từ suy ngẫm.

Gã lại nhìn về phía Tạ Thiên Hoa, hỏi:

“Nghe xong chuyện vừa rồi đã có cảm nhận gì chưa? Con định giải quyết cái chuyện quỷ rừng này ra làm sao?”

Cô nàng đang suy ngẫm lại những gì ông sư phụ vừa nói, nay bỗng nhiên bị gọi thì thình lình kêu “a” một tiếng. Tạ Thiên Hoa hít sâu một hơi, nói:

“Chuyện hôm nay xử lý đám cẩu quan này thì đơn giản, nhưng chỉ trị ngọn. Muốn giải quyết được gốc rễ sự việc thì phải ra tay từ bản chất của vấn đề.”

“Vậy theo con căn nguyên nguồn cội của sự việc lần này là ở đâu?”

“Là cái truyền thuyết nói quỷ rừng là bọn táng tận lương tâm, không việc ác nào không làm. Muốn bọn họ có thể sinh sống yên ổn thì phải ra tay đánh phá được loại truyền văn này mới xong. Con định nhờ người làm vè, viết văn, bố cáo thiên hạ. Không biết ý thầy thế nào?”

Nguyễn Đông Thanh gật đầu:

“Chuyện ấy cũng ổn, nhưng nên nhớ: ‘chỉ đâu mà buộc ngang trời / tay đâu mà bịt miệng người thế gian’. Lời văn truyền miệng nó cũng như con dao hai lưỡi vậy, một khi biến tướng thì sẽ có nhiều hậu quả khôn lường, nên cẩn thận mà làm.”

“Sư phụ dạy phải.”

Tạ Thiên Hoa thốt nhiên nhớ lại khi trước ở nước Sở đã nhờ chú hai loan tin đồn về Mẫu Hà, bất giác mồ hôi túa ra đầy lưng.

Huyền Thanh nương nương ở xa nhìn Nguyễn Đông Thanh đối đáp cùng học trò, bất giác ký ức quay về hơn vạn năm trước, khi thế tôn dạy bảo bát tướng.

oOo

Mai sẽ bạo chương nhẹ 5 chương nhé
Bình Luận (0)
Comment