Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 231

Chờ cho khách khứa bàn luận chán chê, Hoàng Sở Sở lại lần nữa bước lên sân khấu. Cô nàng hắng giọng một tiếng, nhìn khắp khán đài một lượt, cuối cùng ánh mắt rơi vào trên người Huyền Thanh nương nương. Chỉ thấy bà ta khẽ vung tay một cái, đột nhiên mặt đất hai bên khán đài rút đi, để lộ ra hai cửa hầm sâu hun hút.

Lý Huyền Thiên giật mình đứng phắt dậy, chân khí kinh khủng quét ra chẳng khác nào bão tố. Chung quanh y chỉ nháy mắt đã xuất hiện cảnh tượng người người ngã lăn lê bò toài, không đứng dậy nổi.

Lâm Thanh Hồ tuy cũng là cường giả Vụ Hải lâu năm, thế nhưng há lại có thể là đối thủ của Lý Huyền Thiên? Lão đảo mắt một cái, dứt khoát từ bỏ chống cự, mượn luồng chân khí của Võ Hoàng phát ra kéo cả hai thằng cha trưởng ban ngồi phía sau văng khỏi khán đài.

Lâm viện trưởng cảm thấy cứ ở lỳ nơi này phát động thần thông “Man Thiên Quá Hải” hòng che giấu cho hai anh em họ Đỗ cũng chẳng phải cách. Nếu đằng nào cũng phải mất mặt, lão bèn dứt khoát lựa chọn kết cục “bị Võ Hoàng đánh bay” còn hơn.

Chân vừa mới chấm đất, Lâm Thanh Hồ đã tóm cổ áo Đỗ Bảng Nhãn, lao vút về phía thành Đông Thanh, không ngoái đầu lại dù chỉ một khoảnh khắc. Đỗ Thám Hoa lúc này cũng đã phản ứng lại, lập tức dùng toàn bộ số hạo nhiên chính khí còn dư trong người, bay đuổi theo anh trai và viện trưởng.

Mà ở phía đối diện, Ảnh lão cũng nhanh chóng hiện thân, đề khí thủ thế, đôi mắt sáng quắc nhìn chòng chọc về phía Huyền Thanh nương nương.

Ban nãy, lúc bà ta động thủ, yêu khí tiết ra. Ảnh lão là hộ vệ của thái sư đời trước, tu vi cảnh giới không kém, đương nhiên không thể nào qua mắt được lão. Lý Huyền Thiên lại càng không cần phải bàn đến. Danh hiệu Võ Hoàng của y không phải chỉ để gọi cho vui. Huống hồ, một mình y trấn thủ ba mặt của Đại Việt, đối với yêu khí của Huyền Thanh nương nương có lẽ còn mẫn cảm hơn Ảnh lão mấy phần.

Hoàng Sở Sở thấy tình thế không đúng, vội vàng giải thích:

“Tiền bối, Võ Hoàng điện hạ, xin thu tay lại. Vị này là Huyền Thanh nương nương, chủ của đầm Nhất Dạ, tính ra cũng là chỗ hàng xóm của tiên sinh. Hôm nay mở hội ở đây, đích thân tiên sinh đã đến mời nương nương rời núi trợ giúp.”

“Thất lễ rồi.”

Cả Võ Hoàng và Ảnh lão vốn cũng là động thủ theo bản năng, hiện giờ có thời gian suy nghĩ cẩn thận, đều cảm thấy bản thân quá lỗ mãng.

Bích Mặc tiên sinh là người thế nào? Vị đại yêu này có mặt ở đây chắc chắn cũng đã nằm trong sự tính toán của y.

Lý Huyền Thiên, Ảnh lão cùng toàn thể khách khứa đều nghĩ như vậy.

Hoàng Sở Sở vỗ tay ra hiệu một cái, tức thì từ trong địa đạo, một nhóm gần hai mươi người ăn vận na ná như thư đồng nha hoàn, người hầu kẻ hạ của thế gia vọng tộc rồng rắn nối đuôi đi ra. Trên tay mỗi người đều bưng một cái khay bằng gỗ, trên để ngay ngắn một chiếc cặp lồng. Chỉ thấy hai mươi người này có nam có nữ, người nào người nấy ngũ quan đều thanh tú hơn người, mắt sáng như sao.

Thiên kim của Hải Giác thành hắng giọng nói:

“Các vị, hôm nay thực ra vẫn còn một tiết mục ngắn nữa. Trong lúc giải lao, trên dưới ải Quan Lâm cố ý chuẩn bị một ít điểm tâm, chính đặc sản ở quê cũ của tiên sinh. Vẫn mong các vị đừng vì cơm canh đạm bạc mà ghét bỏ.”

Trương Hạo cười vang:

“Lần trước có khẩu phúc ăn được món của tiên sinh cũng đã hơn một năm, quả thực là khiến con sâu thèm ăn trong người lão phu rục rịch. Tiên sinh chu đáo quá. Vẫn mong cô nương chuyển lời đa tạ của lão phu cho tiên sinh.”

Có lão thái sư dẫn đầu, khách khứa nhao nhao lên tiếng cảm ơn vị Bích Mặc tiên sinh từ đầu buổi diễn đến giờ vẫn chưa thèm thò cái mặt ra lần nào.

Những nam thanh nữ tú bưng khay đến trước mặt từng vị khách một, dáng vẻ cung kính, cử chỉ lễ độ, quả thực là so với một số tiểu thư công tử có lẽ còn có gia giáo hơn, khiến cho không ít người đều tỏ vẻ ngạc nhiên, thầm so sánh con cháu nhà mình với những thiếu niên nam nữ trước mặt.

Lý Huyền Thiên thì không chú ý nhiều đến thế.

Nợ đào hoa quá nhiều, ngoại trừ Lý Thanh Vân và Lý Thanh Minh kế thừa Võ Thánh chi hồn và Chiến Thần chi thể ra, những đứa con khác của y y cũng không chú tâm để ý đến lắm. Dù sao, bất luận có bao nhiêu đứa, tính cách thế nào, thì cách Võ Hoàng đối xử với con cái trong nhà cũng chỉ gói gọn lại bằng mười hai chữ “muốn cố gắng thì cho cơ hội, muốn hưởng lạc thì nuôi cả đời” mà thôi.

So với những chuyện này, y càng tò mò về món mà Nguyễn Đông Thanh lấy ra đãi khách hơn. Thành thử, việc nghĩa không nhường ai, vừa nhận được khay gỗ là Võ Hoàng đã đưa tay, mở nắp cặp lồng...

Khói mờ bốc lên, kèm theo một mùi hương quen thuộc khiến hai cánh mũi Lý Huyền Thiên nhảy lên một cái. Lão nhíu mày, nhìn về phía sân khấu chỗ Hoàng Sở Sở đang đứng, không biết đang nghĩ điều gì.

Khách khứa đến xem kịch cũng lục tục giở cặp lồng ra, thì thấy bên trong là một đĩa gồm tám miếng, chẳng rõ là thịt loài gì, thái mỏng độ nửa đốt tay, rộng bằng con cờ. Rải lên trên là một lớp mỡ bóng loáng, điểm xuyết hành lá thái nhỏ xanh xanh. Mùi hương là lạ quyến rũ đầy mời gọi luồn vào cánh mũi, khiến nhiều người nhắm mắt lại, bình tĩnh thưởng thức phẩm vị.

Số khác, hầu hết là xuất thân quan võ, hoặc từng kinh qua sa trường trận mạc thì trên mặt đều hiện lên thần sắc khó tin. Không ai bảo ai, cả đám cùng nhao nhao nhìn về phía Võ Hoàng, giống như đang xin chỉ thị. Thấy phản ứng của Lý Huyền Thiên, bọn họ mới động đũa, cũng im lặng không nói một tiếng nào.

Kim Thiền Tử cũng thử gắp một miếng lên, cắn một cái. Lập tức cảm giác dai dai giòn giòn, hương vị thanh mát ngọt nhẹ tràn vào khoang miệng, thấm qua đầu lưỡi, đối lập lại với sự béo ngậy và thơm nồng của mỡ hành bên ngoài. Một thanh, một đậm, lại vừa đạt đến mức cân bằng, hài hòa, chẳng những không lạc quẻ, mà lại tôn nhau lên thêm.

Hòa thượng trẻ lau mép, thầm nhủ:

“Hình như là nấm, nhưng hương vị này vừa giống đông cô, vừa giống mộc nhĩ, lại có chút tanh tanh nhớt nhớt nhẹ, như thể của loài tảo, loài rong nào đó ngoài biển Phong Bạo. Không hiểu Bích Mặc tiên sinh cho người mời khách món này là có dụng ý gì?”

Giống như Lã Vọng Thiên, Kim Thiền Tử cũng rất lấy làm tò mò, không rõ vị Bích Mặc tiên sinh đến giờ vẫn chẳng thèm ló mặt ra này rốt cuộc đang tính toán điều gì.

Kỳ thực, lần này Kim Thiền Tử nhận lệnh của phương trượng chùa Long Hoa lặn lội đến Quan Lâm cũng là muốn làm rõ một việc: Liệu Nguyễn Đông Thanh có phải cường giả Phật môn hay không mà lại có thể siêu độ vô vàn vong linh ngoài thành Bạch Đế như thế? Nếu như phải, thì y là người theo chánh pháp, hay là kẻ theo ngụy Phật? Thế nhưng hiện giờ đến cái chéo áo của Nguyễn Đông Thanh y cũng chưa nhìn thấy, thế thì còn nói gì đến luận chân phật tà thuyết? Vốn là, truyền nhân chùa Long Hoa còn đang vắt óc nghĩ xem nên dùng cách nào để bái phỏng Bích Mặc tiên sinh...

Chợt, suy nghĩ của y đã bị một câu giới thiệu đơn giản của Hoàng Sở Sở cắt đứt.

Dùng thế sét đánh không kịp bưng tai, Kim Thiền Tử quay ngoắt lại, ánh mắt như lửa nóng nhìn chòng chọc về phía sân khấu.

“Chư vị, mời thưởng thức một vở kịch ngắn cũng do đích thân tiên sinh chắp bút: Lưỡng Phật Đấu Thuyết Ký.”

oOo

Nói về Lưỡng Phật Đấu Thuyết Ký, thì nguyên tác của nó vốn là một truyện ngắn trong bộ Thánh Tông Di Cảo, quyển thượng. Chuyện kể rằng Lê Thánh Tông xuôi thuyền khảo sát, xem nơi nào có nạn mà cứu trợ. Buổi tối, nghỉ lại một ngôi chùa thì vô tình nghe được tượng phật bằng gỗ và tượng phật bằng đất hạnh họe nhau. Cuối cùng cả hai bị Phật Thích Ca mắng cho một chặp, chưa kịp cãi cọ thì nghe tiếng người bên chùa nên đều im bặt. Lúc Lê Thánh Tông mở cửa, thì chỉ có gỗ đá mà thôi.



Bản gốc rất ngắn, miêu tả về các Phật cũng có phần hơi... không được chính ngạch cho lắm. Tỉ như tượng phật đất thì lại mặt râu tua tủa, tay cầm kiếm. Phật gỗ thì đội mũ hoa đi hài vẽ, Phật Thích Ca lại tay ôm bầu rượu, dáng say lảo đảo, chẳng khác nào cái anh Hoa Hòa Thượng Lỗ Trí Thâm trong Thủy Hử.

Nguyễn Đông Thanh thấy thế, bèn sửa lại đôi chút.

Thánh Tông Đại Việt ở Huyền Hoàng giới cũng có, bèn dứt khoát hợp hai làm một luôn. Trận lụt thì thay bằng Hải Thú vào bờ, dâng nước hại người. Riêng phần ba vị Phật nói chuyện cãi nhau, thì trừ việc sửa lại tạo hình cho đúng với trong chùa miếu của Đại Việt ra, thì Nguyễn Đông Thanh không đụng đến nữa.

Dù sao, trong mắt gã, thì đây cũng là ba ông Phật cãi nhau, là chuyện nội bộ cả, không phải các đạo đang tranh giành ảnh hưởng như ở tích của Liễu Hạnh. Thành thử, suy đi tính lại một phen, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta bèn dứt khoát cứ bê nguyên xi vào chứ không cần phải sửa lại gì cả.

Tuy nhiên, phần cuối hơi cụt quá, thành thử Nguyễn Đông Thanh bèn “chế cháo” thêm một đoạn trong “Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều” bên Truyền Kỳ Mạn Lục vào. Trong bản kịch chuyển thể của Nguyễn Đông Thanh, Lê Thánh Tông đi trị tai thì phát hiện một làng kia có chuyện yêu ma quỷ quái, bèn nán lại chờ xem. Thế là phát hiện được chuyện ba Phật cãi nhau, phá được việc tượng thần ăn vụng.

Khách khứa đến xem phàm là người Đại Việt thì đều hoan hô vang dội. Nhất là cánh quan võ từng trải chiến trường, ai mà không có chút kính nể khâm phục Thánh Tông Lê Hạo Thanh? Bây giờ Nguyễn Đông Thanh viết một vở kịch để Thánh Tông làm nhân vật chính, quả thực chẳng khác nào gãi đúng chỗ ngứa.

oOo

**Lời tác giả:** Nhìn chung đoạn trên là đủ KPI và cũng ngưng nội dung ở đây được rồi, phía dưới trích hai truyện được dẫn ra trong chương cho anh em đỡ phải tự đi tìm ebook, cơ mà không vì thêm phần nguyên tác này mà nhóm tác ăn bớt của anh em đâu. Với cũng lưu ý thêm là lời bình cuối truyện chưa chắc đã là lời của tác giả, vì sách là do người đời sau sưu tập và gán lại thành quyển. Đồng thời lời bình cuối chương giữa các mẩu truyện cũng có mâu thuẫn với nhau.

Đương nhiên, cũng là giới thiệu cho anh em biết thái độ của Nho giáo đối với Phật giáo vào cái thời Nho đạo độc tôn nó hằn học và cực đoan đến mức nào. Đến nay ở Tàu lại thấy rục rịch ngoi lên, chả qua lần này không tôn Nho nữa mà tôn Đạo thôi.

oOo

Trích nguyên văn Lưỡng Phật Đấu Thuyết Ký (hay Chuyện hai ông Phật cãi nhau) – Thánh Tông Di Cảo:

Năm Quý Tỵ lụt to. Những nơi nước đến, rắn rết bò lên ngọn cây, người ta phải nuôi gà chó trên cành. Đến chùa phần nhiều bị nước cuốn đi hay là đổ nát.

Ngày hai mươi bảy tháng tám, nước rút, Ta đi thuyền xem xét nơi nào bị thiệt hại thì chẩn cấp cho dân. Buổi chiều, đến bến đò Văn Giang, gió mưa mờ mịt. Ta cho buộc thuyền trước chùa rồi nằm ngủ. Đến canh ba, bốn bên im lặng như tờ, ta bỗng nghe trong chùa có tiếng nói xì xào. Lúc ấy, quan hầu đều ngủ say. Ta lén đi lên bờ, tựa cửa chùa dòm trộm, thấy một tượng phật bằng đất, chân đạp lên đầu một con thú, tay cầm kiếm, râu ria tua tủa như những ngọn kích, mặt vuông đầy thước, lưng rộng ba ôm, sắc mặt giận dữ, chỉ thẳng vào mặt một tượng phật gỗ ngồi ở bên trên, mắng rằng:

- Khoảng tháng sáu, tháng bảy, Hà Bá gây ra tai vạ, chính thân ngươi cũng không thể chống nổi nước lũ, phải trôi dòng dạt bãi, lúc nổi lúc chìm, mũ hoa để lem nhem, hài vẽ để bùn lấm. Khi ấy, các mụ nhà quê trông thấy ngươi, ngờ là cây chuối nổi, thợ mộc trông thấy ngươi nghi là khúc gỗ trôi. Đã bao lâu, ngươi vẫn là chỗ để cho bọn áo nâu tay chùng nấp bóng, thế mà bây giờ ngươi không sao kiếm nổi một bữa cúng chay (1). Cũng may mà thân nhà ngươi hãy còn, được nhà sư đem về sửa lại áo mũ, tô lại vàng son. Ta nghĩ: trước ngươi đã gặp cảnh ngộ nhường ấy, nay còn mặt mũi nào dám ở trên ta mà hưởng lộc ba phẩm nữa?

Phật gỗ cũng phát khùng đứng lên nói:

- Ngươi không nghe trong kinh có câu: “Thế gian vạn sự bất như thường, hựu bất kinh nhân, hựu cửu trường”(2)hay sao? Ôi! Lụt và hạn là bởi thiên tai gây ra. Lụt thì ta cùng trôi theo nước, khi nước rút, ta lại trở về ngôi cũ, dẫu bị xiêu dạt giang hồ, nhưng có hại gì đến “chân thân” của ta? Vậy chẳng phải là “làm chủ muôn hiện tượng, không theo luật bốn mùa”(3)hay sao? Khi ở trên dòng nước lũ, ta trông về cảnh chùa nhà mà thương thay cho nhà ngươi gặp bước truân chuyên. Nước đến chân thì chân ngươi nát rữa, nước đến bụng thì bụng ngươi vỡ lở, nước đến lưng thì lưng và vai ngươi đổ sụp. Trán rộng, mi dài, thôi còn đâu nữa! Hỡi ôi, thương thay! Thân hình không giữ nổi, còn cười người chi?

Hai Phật còn đương nói, chợt Phật Thích Ca tay xách bầu rượu, dáng say lảo đảo, bước ra mà rằng:

- Chao ôi! Hai ngươi đều có lỗi cả. Trong khi nước lớn mênh mông các ngươi đã không biết vận ngũ thông, dùng lục trí (4)thét lui muôn dòng nước về biển Đông, mà chỉ biết giữ cái hình hài bằng gỗ đất, ngồi hưởng rượu thịt của dân chúng, như thế đã không biết xấu hổ, lại còn đấu khẩu với nhau, không sợ “vách có tai” ư?

Hai Phật bị phật Thích Ca bẻ lý, toan tìm lời chống chế, bỗng nghe bên chùa có tiếng người, ai nấy im thít.

Ta đẩy cửa trông vào, chỉ thấy đèn nến sáng choang, hai Phật cùng Phật Thích Ca đều trơ trơ ba khối đất và gỗ thôi.

o0o

1) Nguyên văn chữ Hán viết “vu bồ”. Nhưng chữ “vu bồ” chỉ có nghĩa là đánh bạc. Có lẽ đây là chữ “y bồ” nghĩa là bữa cơm chay thì đúng hơn. Chữ “y bồ” từng được dùng ở bài ký Tạ An đi chơi núi Kê Túc, trong bài ký ấy có nói việc nhà sư dọn cơm chay cho ăn, gọi là “y bồ soạn”, bữa cơm chay của người mộ đạo.

(2) Đây là hai câu kệ ở sách Phật. Có hai cách hiểu:

Ý kiến thứ nhất: “Muôn việc ở trên đời, không chi bằng bình thường, đã không làm cho người ta kinh sợ, lại được lâu đài”. Cắt nghĩa như thế, câu trên và câu dưới xuôi nghĩa với nhau một chiều. Ý kiến thứ hai: “Mọi việc ở trên đời thay đổi luôn luôn (bất như thường), nhưng lại (hựu) không làm cho ai kinh sợ và giữ nguyên được bản thể lâu dài (bất kinh nhân-cửu trường)”. Phật gỗ đem câu này ra để chứng tỏ thân mình đã qua một phen trôi dạt, rồi lại trở về chốn cũ y nguyên như trước, như trong bài đã nói: “Lụt, thì ta cùng trôi theo với nước (bất như thường), khi nước rút, ta lại trở về ngôi cũ (bất kinh nhân-cửu trường). Dẫu bị xiêu dạt giang hồ (bất như thường), nhưng có hại gì đến chân thân của ta (bất kinh nhân-cửu trường)”.

(3) Đây cũng là một câu kệ. Nguyên văn chữ Hán là: “Hựu vật tiên thiên địa, vô hình bản tịch liêu. Năng vi vạn tượng chủ, bất trục tứ thời điêu”. Dịch nghĩa: Có vật tồn tại từ trước khi có trời đất, không có hình mà vốn lại lặng lẽ, làm chủ muôn hiện tượng, không điêu tàn theo bốn mùa.

(4) Lục trí: Thần cảnh trí, Thiên nhãn trí, Tha tâm trí, Túc trụ tùy niệm trí, Lậu tận trí. Ngũ thông: Đạo thông, Thần thông, Y thông, Báo thông, Yêu thông. Nói chung là những pháp thuật thần thông của nhà Phật.

Lời bàn của Sơn Nam Thúc: Hai phật cãi nhau là việc lạ, Phật Thích Ca bẻ hai Phật, lời nói lại càng lạ. Kể thì hai phật đều là vô công, mà còn đem việc ngồi trên ngồi dưới, lộc hậu, lộc bạc để tranh nhau, nên Phật Thích Ca chê là phải. Nhưng tay xách bầu rượu, dáng say lảo đảo, thì có công gì với dân? Chẳng qua cũng như hai Phật kia thôi! Thánh thiên tử ruồng những lời nói tà, chống những việc làm lệch, chép nên bài văn lạ này, lời lẽ sâu sắc. Chẳng những kẻ ngồi không ăn lộc đọc đến phải toát mồ hôi trán, mà cả những người xuất gia đọc đến, cũng tự biết trở lại đường ngay. Thực là “đầu đề nho nhỏ, mà văn chương lớn lao”.

oOo

Trích nguyên văn “Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều” – Truyền Kỳ Mạn Lục

Đời nhà Trần, tục tin thần quỷ, thần từ, phật tử chẳng đâu là không có. Các chùa như chùa Hoàng Giang, chùa Đồng Cổ, chùa An Sinh, chùa An Tử, chùa Phổ Minh, quán Ngọc Thanh dựng lên nhan nhản khắp nơi; những người cắt tóc làm tăng làm ni, nhiều gần bằng nửa số dân thường. Nhất là vùng huyện Đông Triều(1), sự sùng thượng lại càng quá lắm. Chùa chiền dựng lên, làng lớn có đến hơn mười nơi, làng nhỏ cũng chừng năm, sáu. Bao ngoài bằng rào lũy, tô trong bằng vàng son, phàm người đau ốm, chỉ tin theo ở sự hư vô; gặp các tuần tiết thì đàn tràng cúng vái rất là rộn rịp. Thần, phật xem chừng cũng ứng giáng, nên cầu gì được nấy, linh ứng lạ thường.

Bởi vậy người dân càng kính tin, không dám ngạo mạn. Song đến đời vua Giản Định nhà Trần(2), binh lửa liên miên, nhiều nơi bị đốt; số chùa chiền còn lại mười không được một mà cái số còn lại ấy, cũng mưa bay gió chuyển, đổ ngã xiêu nghiêng, tiêu điều đứng rũ ở giữa áng cỏ hoang bụi rậm. Sau khi quân Ngô(3) lui, dân trở về phục nghiệp, có viên quan là Văn Tư Lập đến trị huyện ấy, thấy những cảnh hoang tàn đổ nát bèn róng rả dân đinh các xã, đánh tranh ken nứa mà sửa chữa lại ít nhiều. Ngồi ở huyện ấy được một năm, thấy dân quanh huyện khổ về cái nạn trộm cắp, từ gà, lợn, ngỗng, ngan đến cá trong ao, quả trong vườn, phàm cái gì có thể ăn được đều bị mất hết. Tư Lập than rằng:

- Ta ở vào địa vị một viên ấp tể, không có cái minh để xét ra kẻ gian, cái cứng để chế phục kẻ ác, vì nhân nhu mà hỏng việc, chính là cái lỗi tự ta.

Song Tư Lập cho là những đám trộm cắp vặt ấy, cũng không đến nỗi đáng lo ngại lắm, nên chỉ sức các thôn dân, đêm đêm phải canh phòng cẩn mật. Trong khoảng một tuần, tuy canh phòng chẳng thấy gì cả, nhưng những việc trộm cắp vặt cũng vẫn như trước. Lâu dần càng không thấy chúng kiêng sợ gì, đến nỗi lại vào bếp để khoắng hũ rượu của người ta, vào buồng ghẹo vợ con người ta, khi mọi người đổ đến vây bắt, thì kẻ gian đã biến đi đằng nào mất, chẳng thấy gì cả. Tư Lập cười mà nói:

- Té ra lâu nay vẫn ngờ oan cho lũ kẻ trộm, kỳ thực đó là loài ma quỷ, hưng yêu tác quái đó mà thôi. Những sự quấy rối bấy nay, đều tự vật này cả.

Sau đấy đi mời khắp các thầy phù thủy cao tay, xin bùa yểm trấn, làm thuyền bè mã mà tống tiễn. Song càng bùa bèn trừ yểm, sự quấy nhiễu càng tệ hơn trước. Tư Lập cả sợ, họp người dân thôn lại bàn rằng:

- Các người khi trước vẫn thờ Phật rất kính cẩn, lâu nay vì việc binh hỏa mà đèn hương lễ bái không chăm, cho nên yêu nghiệt hoành hành mà Phật không cứu giúp. Nay sao chẳng đến chùa kêu cầu với Phật, tưởng cũng là một cách quyền nghi may có thể giúp ích cho mình.

Mọi người bèn đi đốt hương lễ bái ở chùa chiền khấn rằng:



“Lũ chúng sinh này kính thờ Trời Phật, quy y đã lâu, hết lòng trông cậy ở Phật pháp. Nay ma quỷ nổi lên, quấy nhiễu dân chúng, họa hại cả đến loài lục súc, vậy mà Phật ngồi nhìn im lặng, chẳng cũng từ bi quá lắm ư? Cúi xin mở lượng thương xót, ra uy trừng phạt, khiến thần, người chẳng lẫn, dân vật đều yên, hết thảy chúng sinh, đều được đội ơn nhiều lắm. Song loạn lạc vừa yên, sinh kế chưa khôi phục được, tấc gỗ mảnh ngói khó lòng xoay xở vào đâu. Đợi khi làm ăn giàu có sẽ lại xin sửa lại chùa chiền đền công đức ấy”.

Đêm hôm ấy, trộm cắp hoành hành lại dữ hơn trước. Tư Lập chẳng biết làm sao được; nghe Vương tiên sinh ở huyện Kim Thành(4) là người giỏi bói dịch, bèn đến bói một quẻ xem sao. Vương tiên sinh bói rồi nói rằng:

Cưỡi trên ngựa tốt,

Mặc áo vải săn.

Túi da tên thiếc,

Đích thị người thần.

Lại dặn rằng:

- Ông muốn trừ được nạn ấy, sáng mai nên theo phía tả cửa huyện đi về phương Nam, hễ thấy người nào vận mặc như thế, mang xách như vậy, quyết là người ấy có thể trừ hại được, nên cố thỉnh mời, dù từ chối cũng đừng nghe.

Hôm sau, Tư Lập cùng các phụ lão đúng theo lời của Vương tiên sinh để trông ngóng xem, những kẻ đi, người lại đầy đường, chẳng thấy ai giống như thế cả. Trời đã xế chiều ai nấy chán nản sắp muốn về, chợt có một người từ trong núi bước ra, mình mặc áo vải, đeo cung cưỡi ngựa. Mọi người cùng chạy ra phục lạy ở phía trước mặt. Người ấy ngạc nhiên hỏi, mọi người cũng kể rõ bản ý của mình. Người ấy cười mà nói rằng:

- Các ông sao mà quá tin bói toán thế. Tôi từ nhỏ làm nghề săn bắn, mình không rời yên ngựa, tay không rời cung tên. Hôm qua nghe nói ở núi An Phụ(5) có nhiều giống nai, báo, thỏ tốt nên nay định đến để săn, nào có biết lập đàn thầy pháp, bắt ma vô hình là công việc thế nào.

Tư Lập nghĩ bụng người này tất là một vị pháp đàn cao tay vì không muốn nổi tiếng về thuật bùa bèn, vì sợ mang lụy vào thân, nên mới nhởn nhơ trong chốn khe núi, giấu mình ở thú chơi cung mã, bèn nhất định cố mời kỳ được. Người kia xem chừng không thể từ chối, phải gượng nghe lời. Tư Lập mời người ấy về huyện để ở trong nhà quán xá, giường chiếu màn đệm rất sang trọng, săn sóc kính cẩn như một vị thần minh. Người ấy nghĩ riêng rằng:

- Họ tiếp đãi kính cẩn với ta như thế này, chỉ vì cho ta là có tài trừ quỷ. Nhưng thực thì ta chẳng có tài gì về việc đó, thế mà đi hưởng sự cung cấp của người, sao cho đành tâm. Nếu không sớm liệu trốn đi thì có ngày xấu hổ.

Hôm ấy ước chừng nửa đêm, thừa lúc mọi người đã ngủ say, người ấy bèn rón rén ra khỏi huyện lỵ. Khi đến phía Tây cái cầu ván bấy giờ trời tối lờ mờ, trăng khuya chưa mọc, thấy có người hình thể to lớn, hớn hở từ dưới đồng đi lên, người ấy bèn lẻn vào chỗ khuất, ngồi rình để xem họ làm trò gì. Một lát, thấy họ thò tay khoắng xuống một cái ao rồi bất cứ vớ được cá lớn cá nhỏ, đều bỏ vào mồm nhai nuốt hết, lại nhìn nhau mà cười mà nói:

- Những con cá con ăn ngon lắm nên ăn dè dặt mới thấy thú, há chẳng hơn những thức hương hoa nhạt nhẽo họ thường dâng cúng chúng mình ư? Đáng tiếc là đến bây giờ, chúng mình mới được biết những vị ngon ấy.

Một người cười mà nói:

- Chúng mình thật to đầu mà dại, bấy nay bị người đời chúng nó lừa dối; ai lại đem cái oản, một vài lẻ gạo để lấp cái bụng nặng nghìn cây mà đi giữ của cho chúng nó bao giờ. Nếu không có những buổi như buổi hôm nay mà cứ trường chay mãi như trước thì thật là một đời sống uổng.

Một người nói:

- Tôi xưa nay vẫn ăn đồ mặn không phải ăn chay tịnh như các ông. Nhưng hiện giờ dân tình nghèo kiết, chúng nó chẳng có gì để cúng vái mình. Bụng đói miệng thèm, không biết mùi thịt là cái gì đã trải qua một thời gian lâu lắm, chẳng khác chi đức Khổng Tử ở nước Tề ba tháng không được đụng đến miếng thịt. Song đêm nay, trời rét, nước lạnh, khó lòng ở lâu chỗ này được, chi bằng lên quách vườn mía mà bắt chước Hổ đầu tướng quân(6) ngày xưa.

Đoạn rồi họ dắt nhau đi lên, vào vườn mía, nhổ trộm mà tước mà hít. Người kia đang ngồi núp một chỗ, liền dương cung lắp tên, thình lình bắn ra, tin luôn ngay được hai người. Bọn gian kêu ấm ớ mấy tiếng rồi ồ chạy cả, chừng độ mấy chục bước đều mờ khuất hết. Song lúc đó còn thấy có tiếng mắng nhau:

- Đã bảo ngày giờ không tốt thì đừng nên đi, không nghe lời ta, bây giờ mới biết.

Người kia kêu réo ầm ĩ lên, dân làng quanh đấy giật mình tỉnh dậy, cùng đốt đèn thắp đuốc chia nhau mỗi người đi đuổi một ngả. Họ soi thấy dấu máu vấy trên mặt đất, bèn theo dấu máu ấy đi về phía Tây. Chừng hơn nửa dặm đến một cái chùa hoang, vào thấy hai pho tượng Hộ pháp xiêu vẹo trong chùa, trên lưng mỗi tượng đều có một phát tên cắm vào sâu lắm (7). Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, cho là một sự lạ xưa nay chưa có bao giờ. Họ liền hẩy đổ hai pho tượng. Trong lúc ấy còn nghe có tiếng nói rằng:

- Vẫn tưởng kiếm cho no bụng, ai ngờ phải đến nát thân. Nhưng bầy ra mưu mẹo là tự lão thủy thần kia. Hắn là chủ mưu mà được thoát nạn còn chúng ta theo hắn mà phải chịu vạ, thật cũng đáng phàn nàn lắm.

Đó rồi họ sai người đến miếu Thủy thần, thấy pho tượng thần đắp bằng đất, bỗng biến sắc, mặt tái đi như chàm đổ, mấy cái vẩy cá còn dính lèm nhèm trên mép, lại phá hủy luôn cả pho tượng ấy.

Quan huyện Văn Tư Lập dốc hết hòm rương để trả ơn, người kia chở nặng mà về. Từ đấy yêu tà tuyệt tịch không còn thấy bóng tăm đâu nữa.

Lời bình:

Than ôi! Cái thuyết nhà Phật thật vô ích mà có hại quá lắm. Nghe lời nói năng thì từ bi, quảng đại, tìm sự ứng báo thì bắt gió mơ hồ. Nhân dân kính tín đến nỗi có người phá sản để cúng cho nhà chùa. Nay xem cái dư nghiệt ở trong một ngôi chùa nát mà còn gớm ghê như thế, huống ngày thường cúng vái sầm uất phỏng còn tai hại đến đâu. Song những anh quân, hiền tướng, thường muốn trừ bỏ mà vẫn không được. Bởi các đấng quân tử cao minh, thường có nhiều người rúp rập, chẳng hạn như Tô học sỹ(8) đời Tống, Lương Trạng nguyên(9) đời Lê, ước sao có hàng trăm ông Hàn Xương Lê(10) ra đời, xúm lại mà đánh, đốt hết sách và chiếm hết nhà mới có thể được.

(1) Đông Triều: nay là huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

(2) Trần Giản Định: tên là Ngỗi, dấy quân chống quân xâm lược Minh từ 1407, niên hiệu Hưng Khánh.

(3) Quân Ngô: chỉ quân xâm lược Minh.

(4) Huyện Kim Thành: thời Trần thuộc châu Đông Triều, nay thuộc địa phận tỉnh Hải Dương.

(5) Núi An Phụ: nguyên chú: “Núi ở huyện Giáp Sơn”, có lẽ nay là vùng Kinh Môn thuộc tỉnh Hải Dương.

(6) Hổ đầu tướng quân: đời vua Tấn An Đế, Cố Hải Chi làm chức Hổ đầu tướng quân, người đương thời gọi là Cố Hổ đầu. Mỗi lần ăn mía, Cố đều ăn từ ngọn xuống gốc, lại nói: “Ăn như thế thì mỗi lúc mới đi đến chỗ thú vị”.

(7) Nguyên văn: “... tên cắm ngập đến lông vũ”, tức là sâu vào đến lông vũ đuôi mũi tên.

(8) Tô Học Sĩ: Tô Đông Pha, nhà thơ lớn đời Tống, thường đến chùa Kim Sơn, chơi thân với sư Phật ấn.

(9) Lương Trạng nguyên: tức Lương Thế Vinh, người xã Cao Hương, huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), đỗ Trạng nguyên năm Quang Thuận thứ 4 (1463) đời Lê Thánh Tông, rất sùng đạo Phật.

(10) Hàn Xương Lê: Hàn Dũ đời Đường. Ông có bài biểu can ngăn việc rước xương Phật, thể hiện tư tưởng bài Phật. Ông khuyên vua đốt sách kinh Phật, bắt sư phải hoàn tục.
Bình Luận (0)
Comment