Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 251

Trước khoan kể việc Bích Mặc tiên sinh về Quan Lâm đấu với Kim Thiền Tử ra sao, hay Lý Thanh Vân thoát được hiểm nguy sẽ có dự tính gì, giờ hãy nói chuyện của Tạ Thiên Hoa.

Sau sự việc ở thành Đông Thanh, cô nàng cũng không dám la cà nữa mà định bụng một mạch đi đến chỗ hội quân. Đáng tiếc, người tính không bằng trời tính. Khác với ông sư huynh ngố không người đưa đón, một mình lang thang trên bãi cát nguy hiểm chết người, Tạ Thiên Hoa vừa mới thò đầu ra khỏi truyền tống môn tại Bằng Sơn Quan thì đã có người chờ sẵn.

Lão công công béo phúng phính, cười toe toét đến híp cả mắt lại, nhìn cô nàng một lượt như muốn xác định nhận đúng người, kế mới cất cái giọng the thé lên:

“Bái kiến Tạ tiểu thư, lão nô Từ Vân, được thánh thượng phái đến đón tiểu thư!”

Tạ Thiên Hoa tuy thoáng ngạc nhiên vì hoàng thất Đại Yến có bố trí chu đáo như vậy, song cũng chỉ nghĩ là một động thái lấy lòng sư phụ mình nên không suy nghĩ thêm. Lại nói, cô nàng dù gì cũng là đến địa bàn của người ta làm lính, đương lạ nước lạ cái, nay đối phương tận tình chu đáo thì cũng không có cớ gì để từ chối.

Truyền tống trận của Bằng Sơn Quan nằm phía Bắc của thành, đặt trên một đảo nhỏ giữa một cái hồ do người đào. Nước hồ chỉ nông đến eo, xung quanh lại không có đến một bóng cây che chắn, lối đi duy nhất để vào thành là một cái cầu độc mộc dài và hẹp, chỉ vừa cho một người đi. Từ mấy điều này có thể thấy rõ, truyền tống môn duy nhất của Đại Yến được bảo vệ sâm nghiêm ra sao. Chưa nói đến chuyện quân đội truyền tống đến đây không có chỗ đứng, cũng chả có đất hành quân, nguyên tu luyện giả có ý xấu ở chốn này thì cũng vô phương chạy thoát thân, đến một chỗ náu mình còn chả có.

Từ Vân công công dẫn Tạ Thiên Hoa qua cầu độc mộc, chào hỏi binh lính thủ thành, rồi dẫn cô nàng vào thành từ cổng Bắc. Con đường hai người đi vốn không to, lại thêm nhiều người qua lại bận bịu – như thể là chuẩn bị cho lễ hội gì đó, nên thành ra cũng hơi có cảm giác chật chội, chen lấn. Cô nàng tò mò hỏi, thì lão công công đáp:

“Tiểu thư là người nơi khác nên có điều không biết, chứ Bằng Sơn Quan này năm xưa chính là quê gốc của Phạt Hải Kiếm Thánh.”

Nói đến đây thì qua một khúc cua, Từ Vân công công bèn trỏ tay về một hướng, nói:

“Tiểu thư nhìn xem, kia chính là tượng tạc Phạt Hải Kiếm Thánh!”

Tạ Thiên Hoa nhìn theo hướng tay chỉ, thì quả nhiên thấy một bức tượng bằng sắt, cao phải đến ba mươi trượng đặt chính giữa một quảng trường khổng lồ. Tượng tạc Phạt Hải Kiếm Thánh ba đầu sáu tay, mỗi tay lại cầm một loại kiếm khác nhau. Cô nàng định thần nhìn kỹ một lượt thì thấy tay nghề của thợ đúc ra tượng này quả rất cao minh, bức tượng rất có thần, sống động như người thật. Chỉ có điều, từ dung mạo đến dáng vẻ đều… hoàn toàn không có nét nào giống với chân dung Kiếm Thánh trong đại sảnh của Kiếm Trì.

Trong bức chân dung treo tại Kiếm Trì, Hàn Kinh Vũ là một trung niên anh tuấn tiêu sái, lại mỉm cười hiền từ. Tuy so ra thì dung mạo y vẫn kém chú hai cô nàng mấy phần, thế nhưng hẳn cũng đủ để khiến trái tim bao thiếu nữ thổn thức. Còn bức tượng đặt giữa quảng trường kia thì tạc Kiếm Thánh mặt mày hung ác, mũi lợn răng hổ, giữa trán còn có tận… tám con mắt.

Lại nghe lão công công nói với giọng đầy tự hào:

“Năm đó Kiếm Thánh rời nơi đây đi làm con tin cho Đại Hàn, dân chúng trong thành thương tiếc vô bờ, người đến đưa chân trải dài ba con phố, lệ chảy thành sông. Các vị anh em bằng hữu của Kiếm Thánh tại Hàn gia cũng quyến luyến không rời, không ít người đòi theo cùng nhưng bị Kiếm Thánh khuyên can, dặn dò ở lại gìn giữ Hàn gia, chấn hưng Đại Yến!”

Mấy điều này cũng hoàn toàn không giống với những gì Tạ Thiên Hoa nghe được từ Phùng Thanh La. Song, cô nàng dẫu sao cũng là khách, đối phương lại không có ác ý hay đắc tội gì với mình, nên nàng ta chỉ gật đầu một cái tỏ vẻ đã hiểu, không nói gì thêm. Từ Vân công công cũng không hề phật ý trước thái độ của Tạ Thiên Hoa, lão vẫn đang thao thao bất tuyệt:

“Hàng năm, cứ đến dịp này, là lại có tổ chức Kiếm Hội tưởng nhớ Kiếm Thánh. Từ sau khi thành này đổi tên thành Bằng Sơn Quan thì tên hội cũng được đổi thành Bằng Sơn Kiếm Hội. Kiếm Hội kéo dài chín ngày chín đêm, có đủ các loại hoạt động, từ đấu võ, làm thơ đến văn nghệ, trò chơi…”

Hai người lúc này đã đi đến chân tượng sắt. Từ Vân công công đưa tay vuốt lên một tấm bia đá, đoạn lại nói:

“Tạ tiểu thư, ngài xem! Đây chính là bài thơ khi xưa Kiếm Thánh khi rời đi đã quyến luyến thành này mà tự tay lấy kiếm khắc lại. Vốn là bia này để ngoài thành kia, nhưng sau trận Nghiêm Hàn năm đó, bia đá bị hư hỏng nên phải mang vào thành tu sửa, sau liền đặt luôn tại quảng trường này.”

Tạ Thiên Hoa ngước mắt nhìn thì thấy trên tấm bia đá có khắc một bài thơ như sau:

“Tam niên ky lữ khách,

Kim nhật hựu nam quan.

Vô hạn hà sơn lệ,

Thùy ngôn thiên địa khoan.

Dĩ tri tuyền lộ cận,

Dục biệt cố hương nan.

Nghị phách quy lai nhật,

Linh kỳ không tế khan.”

(Dịch nghĩa:



Ba năm thân nơi đất khách

Ngày này lại đội mũ người phương nam

Lệ núi sông giàn giụa

Ai bảo là đất trời bao la

Biết là gần đường suối vàng

Muốn từ biệt quê hương khó lắm

Ngày hồn cương nghị quay về

Sẽ thấy cờ thiêng bay trên không trung

Biệt vân gian – Hạ Hoàn Thuần, nguồn: thivien.net)

Khắc trên bia đá mà nét chữ cứng cỏi, có lực, hiển nhiên công phu của người khắc cũng phải cỡ tứ cảnh, ngũ cảnh. Luận về tài văn thơ cũng có thể tính là có thành tựu. Theo như lời Phùng Thanh La nói, khi Kiếm Thánh rời Đại Yến, y mới chỉ mười lăm tuổi, tuy biết chữ nhưng cũng chả giỏi thi từ ca phú. Mà điều quan trọng hơn, là khi ấy thiếu niên Hàn Kinh Vũ mới gặp biến cố chưa lâu, bị phế mất tu vi. Sức lực chẳng hơn phàm nhân là bao.

Kỳ thực, chính cái hôm Phùng Thanh La chạy đến cổ viện lần đầu, thì trên đường về, y thị đã bị Phạm Kim mắng cho một trận. Lão nói không quản chuyện ân oán của đám trẻ con nhưng việc cô nàng khinh khi, sỉ nhục phàm nhân là phạm vào tối kỵ của bản phái, do Kiếm Thánh năm xưa cũng từng bước từng bước tu luyện lại từ đầu sau khi mất sạch tu vi. Phùng Thanh La sau khi làm lành với người của cổ viện, có lần còn từng so sánh hoàn cảnh của Lý Thanh Vân với Phạt Hải Kiếm Thánh năm nào, khiến Tạ Thiên Hoa mát lòng mát dạ, nên cô nàng vẫn nhớ kỹ mấy chuyện này.

Thế nhưng, nói cho cùng thì người tu luyện vẫn cứ là người tu luyện, có cao ngạo của mình. Lại nói, con người có mấy ai không bị giới hạn và ảnh hưởng bởi thời đại mình sinh sống? Lại có mấy người có thể có suy nghĩ vượt thời đại? Đến tốt tính như Lâm Phương Dung, Tạ Hàn Thiên còn dùng tư thái bề trên nhìn xuống khi đối mặt với kẻ yếu hơn mình thì trông chờ gì ở những kẻ khác? Song, cũng nhờ đoạn lịch sử của Kiếm Thánh và tổ huấn để lại mà Kiếm Trì tính ra vẫn là đối đãi tử tế với phàm nhân và tu luyện giả cấp thấp hơn hẳn các môn phái khác. Thôn tạp dịch dưới chân núi Vọng Hương chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Thành thử, theo như Tạ Thiên Hoa đoán, bài thơ này tám chín phần chả có liên quan gì đến Phạt Hải Kiếm Thánh. Thiếu niên Hàn Kinh Vũ lúc rời Đại Yến không đủ tài văn thơ hay sở hữu lực lượng cần thiết để khắc thơ lên bia đá. Chỉ có điều, cô nàng chắc cũng chẳng thể ngờ được người chân chính khắc bài thơ này lại có thể cùng giáo phái với mấy kẻ mình từng lấy mạng trong Thương Lan Kiếm Vực mà thôi.

Dọc một đường trong thành, Tứ Vân công công tay chỉ trỏ khắp nơi, miệng thì giới thiệu cho Tạ Thiên Hoa bao nhiều là “thắng cảnh” của Bằng Sơn Quan, nào là “tửu lầu nơi Kiếm Thánh và các huynh đệ Hàn gia, hồng nhan tri kỷ đối ẩm tiêu dao”, “khu đất nơi Kiếm Thánh cùng các huynh đệ cởi truồng tắm mưa”, “võ đài nơi môn chủ Huyền Võ môn Giả Hổ Báo đấu một trận giao hữu với Kiếm Thánh, rồi từ đó ‘không đánh không quen’, trở thành bằng hữu tri kỷ”. Thậm chí… “cầu phao nơi Kiếm Thánh từng đái bậy”, ..v..v… Quả thật là trong Bằng Sơn Quan có bao nhiêu đặc sắc thì Từ Vân công công đem ra kể bằng hết cho Tạ Thiên Hoa nghe. Cô nàng nghe xong thì tủm tỉm cười, hỏi dò:

“Công công hình như là người ở đây?”

Lão công công nghe vậy thì thoáng ngẩn người, xong lại cười toe toét, đáp:

“Tiểu thư quả tuệ nhãn hơn người. Lão nô quả đúng là dân thành này. Đến năm mười ba tuổi mới tiến cung. Thậm chí, song thân vốn định đặt tên cho lão nô là Từ Vũ (1), nhưng vì tránh phạm húy Kiếm Thánh nên mới đổi sang Từ Vân.”

(1) nghĩa là cơn mưa lành, cơn mưa đúng lúc. Ngoại trừ phạm húy Phạt Hải Kiếm Thánh của Huyền Hoàng giới ra thì còn phạm húy nghệ danh của một nhạc sĩ nhạc tiền chiến của Việt Nam ngoài đời thực nữa.

Từ Vân công công nói mà không giấu nổi vẻ tự hào. Có lẽ người của Kiếm Trì nói về lão tổ khai phái của bọn họ cũng chưa chắc đã đầy lòng tự hào được như vị công công béo phúng phính này. Tạ Thiên Hoa lại nói:

“Công công, vậy không biết tiểu nữ có thể góp vui một chút cho Kiếm Hội lần này hay chăng?”

Lão công công nghe vậy, trước thì ngẩn người, sau lại như có điều gì suy tư, đưa tay lên gãi cằm. Sau một hồi, lão mới đáp:

“Tạ tiểu thư, lão nô không dám giấu giếm, có điều này ngài cần biết. Kỳ thực mới đây có quái nạn bất ngờ ở khu hầm mỏ gần Bằng Sơn Quan mà nhân lực lại đang tập trung hết vào đối phó nạn Hải Thú, không thể phái người tới điều tra. Thánh thượng nghe danh tiểu thư tài trí hơn người đã lâu, lần này sai phái lão nô tới, ngoại trừ tiếp đón tiểu thư, còn muốn nhờ ngài xuất lực, điều tra khu hầm mỏ gần đây.”

Nói đến đây, Từ Vân công công dừng lại một chút rồi mới tiếp:

“Thế nhưng nếu tiểu thư có gì giao phó, chỉ cần nằm trong phạm vi năng lực, lão nô sẽ dốc hết sức giúp ngài lo liệu”

Tạ Thiên Hoa nghe lão nói thì thoáng giật mình. Song rất nhanh bình ổn tâm tình, nói:

“Nhiệm vụ được giao phó, Thiên Hoa sẽ cố hết sức. Còn chuyện của tiểu nữ kỳ thực cũng không có gì phức tạp. Tiểu nữ có mang theo một bản thảo của gia sư…”

Nói đoạn, vỗ nhẫn chứa vật, lấy ra một cuốn sách, lại tiếp:

“Ý của tiểu nữ là…”



Cô nàng nhỏ giọng, nói một lượt những điều mình muốn làm cho Từ Vân công công nghe. Lão công công vốn từ khi nghe đến danh tự của Bích Mặc tiên sinh thì đã nghiêm túc lắng nghe, nhưng sau khi biết được kế hoạch của cô thiếu nữ trước mắt thì nét mặt chuyển từ nghiêm túc thành thất thần, ngẩn ngơ, nghe đến nhập tâm.

Tạ Thiên Hoa nói xong, lão công công gật đầu như gà mổ thóc, hai tay run run đưa lên đỡ lấy cuốn sách từ trong tay cô nàng, nâng niu như chí bảo, đoạn nói:

“Diệu! Quá diệu! Người đời nói tiểu thư túc trí đa mưu, thông minh hơn người, quả là danh bất hư truyền! Tiểu thư yên tâm, việc ngài dặn dò, lão nô nhất định làm tốt, không để tiểu thư thất vọng đâu!”

oOo

À thì nhân tiện chương này Bằng Sơn Quan lên sàn nói một chút về Phạt Hải Kiếm Thánh. Từ Vân công công tuy chương này chém gió hơi ác nhưng vụ Kiếm Thánh quê gốc ở thành này thì không sai đâu, là sự thật đấy. Chả qua ba ngàn năm rồi, nhiều chuyện truyền miệng không đáng tin, xong còn có nhiều ẩn tình nữa cho nên bản đến tai Từ Vân công công nó mới như hiện tại. Còn muốn biết cụ thể những chuyện gì sẽ xảy ra thì trong tương lai nhóm tác sẽ bắt đầu đăng một series phiên ngoại nho nhỏ về Phạt Hải Kiếm Thánh, lấy tựa đề là *Phong Vũ Hàn Ca*. Giờ xin phép để tạm cái Văn án bộ đấy đây cho bà con ngó trước:

Văn án:

Thiên địa hữu thùy cùng biến diệt,

Bút đoan vô khẩu ngữ hưng vương (vong).

Khả liên nhất phiến Tây nam cảnh,

Phong vũ tiêu tiêu không họa tường.

Cù Đường Đồ - Đinh Củng Viên

(Trong trời đất có ai hiểu thấu lẽ biến diệt?

Ngọn bút không có miệng vẫn nói chuyện hưng vong.

Đáng thương một vùng quang cảnh Tây nam ấy,

Trãi gió mưa tiêu điều, chỉ còn lại bức tường hoa.)

Thiếu niên trời sinh có Ma Cốt, thiên tư tung hoành, chiến lực kinh nhân, khiến trên dưới cả tộc đều kiêng dè nghi kị.

Người khác bị đào xương, rút tủy, hắn lại chủ động từ bỏ, chỉ mong được người nhà chào đón.

Chẳng ngờ... ánh mắt kiêng dè sợ sệt của cả tộc lại biến thành khinh bỉ, rẻ rúng. Sự sợ hãi và xa lánh của thân nhân lại trở thành sự khi lấn và chà đạp.

Y là Hàn Kinh Vũ, trưởng tử của gia chủ Hàn gia – Hàn Tuyết Sơn – cũng là con tin sẽ bị đưa đến Đại Hàn trong hòa ước giữa Hàn gia và Đế Hậu Đại Hàn – Hàn Mộng Thiền.

Mãi cho đến một ngày...

Hàn Kinh Vũ đạp lên con đường đã trải sẵn từ lúc sinh ra, vận mệnh của y mới chuyển biến.

Thế sự vô thường.

oOo

Đây là phiên ngoại của bộ Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đệ Tử Thành Thánh Nhân, diễn ra khoảng 3000 năm trước các sự kiện của chính truyện. Truyện này kể về cuộc đời, đặc biệt là thời niên thiếu của Hàn Kinh Vũ, người một ngày sẽ trở thành Phạt Hải Kiếm Thánh, cường giả ngàn năm một thuở đã sáng lập ra Tẩy Kiếm Trì trong chính truyện.

Về tên truyện, Phong Vũ Hàn Ca dịch nôm ra là “Khúc ca về cái lạnh của mưa gió”. Cái tên này nghe lạnh lẽo, buồn bã, nhưng cuối cùng vẫn có chút nhẹ nhàng, sâu lắng; cũng ứng với nội dung truyện này tối tăm, bi kịch hơn so với chính truyện trong đoạn thời gian đầu, nhưng càng về sau lại càng tích cực lên. Đồng thời, cũng là chơi chữ tên của các nhân vật chính: Hàn Kinh Vũ, Hàn Xuân Phong, Hàn Thanh Ca.

Bộ này vốn định giao hoàn toàn cho ông Cuồng Cẩu luyện tay, hai tác còn lại của Cổ Thuyết bọn mình chỉ làm cố vấn thôi. Cơ mà ông kia cáo bận sủi rồi nên thành ra bộ này bây giờ trở thành chỗ để hai thằng giải trí và đổi gió khi bí văn trong mạch truyện chính.

Hết văn án.

Còn bao giờ mới tạo truyện và đưa chương lên hay lịch đăng thế nào thì đợi bản thảo ổn ổn đã sẽ có thông báo với bà con sau ạ!
Bình Luận (0)
Comment