Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 309

Nguyễn Đông Thanh lúc này nghĩ thầm:

“Có lẽ chân khí không có tính chất cần thiết cho phản ứng nhiệt hạch. Thôi, cũng may vì không nảy sinh phản ứng gì nên phòng ngự của người ta cũng không coi là công kích, mình mới không bị bắn cho chết toi!”

Nếu chân khí đã không dùng được, thì hắn đành dùng loại nhiên liệu phổ thông nhất của phản ứng nhiệt hạch – khí Hydro – thôi vậy.

Song, nếu đằng nào cũng sử dụng Hydro, thì Nguyễn Đông Thanh tính tiến thêm một bước, sử dụng luôn bom nhiệt hạch, hay còn gọi là bom H.

Người bình thường chủ yếu chỉ nhớ đến bom hạt nhân, hay bom nguyên tử/bom A, cũng do hai quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki quá chấn động địa cầu. Nhưng ít ai biết bom nhiệt hạch hay bom H còn có sức công phá, hủy diệt đáng sợ hơn bom nguyên tử cả trăm, thậm chí cả ngàn lần. Bom A sở dĩ có sức tàn phá lớn tới như vậy, là bởi phản ứng phân hạch. Còn bom H đáng sợ hơn bom A là bởi nó sử dụng cả phản ứng phân hạch lẫn phản ứng nhiệt hạch.

Nói cho chính xác, thì bom nhiệt hạch sử dụng năng lượng từ phản ứng phân hạch hạt nhân chính để nén và kích động một phản ứng tổng hợp hạt nhân thứ cấp. Cho nên có thể nói, bom nguyên tử chỉ là bom đơn, còn bom nhiệt hạch thì lại là bom kép. Nếu như bom nguyên tử có sức công phá tương đương với hàng nghìn tấn thuốc nổ TNT, thì bom H thường sẽ có sức công phá cỡ tương đương hàng triệu tấn thuốc nổ TNT. Người đời chỉ nhớ tới bom nguyên tử, vì nó đã từng được sử dụng trong chiến tranh. Còn bom nhiệt hạch, tuy có sức công phá đáng sợ hơn, song mới chỉ được một số nước thử nghiệm, chứ chưa ai dám đem chúng đi sử dụng làm công cụ cho tội ác cả.

Tuy nhiên, theo như thông tin nghiên cứu và thí nghiệm, thì quả bom mạnh nhất trong lịch sử là bom Sa hoàng do Liên Xô chế tạo năm 1961, với sức công phá tương đương 57 triệu tấn thuốc nổ TNT.

Mà ngay lúc này, Nguyễn Đông Thanh chính là đang vắt óc nhớ lại toàn bộ những gì hắn từng đọc, biết về bom Sa hoàng...

Trên bầu trời, một vật hình bầu dục dần thành hình ngay phía trên đầu ảo ảnh của Đại Nhật Chân Phật. Ngay sau đó, vật thể kỳ lạ kia cứ thế rơi tự do xuống. Kim Thiền Tử nhíu mày, định thần chuẩn bị ứng chiến. Chân Phật trong ảo ảnh cũng đưa tay lên, xòe bàn tay ra, đánh ra một chưởng về phía vật kỳ lạ kia. Thế rồi...

Oành!!!

Một tiếng nổ khiến trời đất rung chuyển, người xem váng đầu nhức óc vang lên...

Bụi bay mờ mịt, gió nóng nổi lên như lốc, cuốn ra xung quanh, khiến tất cả mọi người ở hiện trường đều phải đưa tay lên che mặt, bịt tai. Dân chúng và yêu tộc ở các vùng lân cận còn có thể nhìn thấy một đám mây hình nấm ngay phía trên Phật đạo...

Cũng còn may quả bom nhiệt hạch này chỉ là ảo ảnh do Phật đạo diễn hóa ra, mà thần thông Vạn Phật Triều Tông với sức phòng ngự phi thường cùng với bản thân Phật đạo lại đã hứng trọn phần lớn sức công phá của nó. Chứ nếu không, có lẽ toàn bộ ải Quan Lâm đã bị san bằng.

Bụi mù tản đi...

Thần thông Vạn Phật Triều Tông đã biến mất không còn tăm tích, Kim Thiền Tử đứng như trời trồng, quần áo xộc xệch, mặt mày đờ đẫn, khóe miệng có máu chảy ra. Phật đạo bắc ngang trên đầu y trông cũng ảm đạm hẳn. Không còn vàng óng như mạ vàng nữa mà giờ vẩn đục, nhấp nháy như bóng đèn điện chập chờn sắp tắt...

Bỗng...

“Rắc” một tiếng. Ở trung tâm vòng tròn bị hố đen tạo ra ban nãy, cũng chính là nơi quả bom H mới rồi phát nổ, Phật đạo vỡ ra như cửa sổ thủy tinh bị người ta lấy búa tạ đập, thủng mất một lỗ to chừng cái nhà...

Chúng đệ tử Phật môn khắp nơi đều cảm thấy trong người nhộn nhạo, Phật tâm thấp thỏm không yên. Phía sau Kim Thiền Tử, lão hòa thượng mập đánh mắt cho một đệ tử tục gia mặt sẹo. Người này hiểu ý, lui vào chỗ khuất, chắp tay trước ngực, bắt đầu lầm rầm tụng niệm gì đó.

Nguyễn Đông Thanh cũng bị thanh thế của chính quả bom mình thả dọa cho sợ ngây người. Tuy nói hắn là người hiện đại, đã nghe và đọc về vũ khí hạt nhân không ít, thậm chí còn xem nhiều phim khoa học viễn tưởng rồi, cũng chẳng lạ gì với những cảnh nổ lớn. Song, dù gì hắn cũng sinh ra và lớn lên trong thời bình. Đến bom của Mỹ ném Việt Nam hồi chiến tranh Bích Mặc tiên sinh của chúng ta còn chưa thấy bao giờ, chứ đừng nói là chứng kiến tận mắt ở cự ly gần một vụ nổ bom nhiệt hạch. Thành thử, trong lòng Nguyễn Đông Thanh lúc này cũng chấn động không thôi. Hắn còn đang mơ màng thì bỗng lại nghe tiếng của người đã hai lần giúp mình vang lên trong đầu:

“Tiên sinh, cẩn thận!”



Nguyễn Đông Thanh giật mình ngẩng lên, thì thấy một vị hòa thượng mặt mày hung ác, cầm một thanh đao lớn, đang lao thẳng đến chỗ mình.

Hắn cuống cuồng, vội vã đưa tay lần mò tìm đống bảo vật hộ mạng mà hội phụ huynh cổ viện đưa, chỉ để phát hiện, hắn không mang theo chúng. Mấy thứ này vốn là vật bất ly thân của Nguyễn Đông Thanh trong thời gian gần đây. Song, khổ một nỗi, trong mấy ngày hắn ốm, mồ hôi mồ kê toát ra đầm đìa, nên đã có người thay quần áo hộ cho. Về việc là Hồng Vân hay cô mèo máy Hồng Đô, hắn thấy đây là việc nhạy cảm, người ta cũng là vì chăm sóc mình, nên không hỏi kỹ. Nhưng cũng vì quần áo thay ra, nên cái mớ bùa hộ mạng kia cũng phải tháo hết ra. Hôm nay hắn vội ra ngoài, nên quên không mang theo, đi được nửa đường thì cũng có nhớ ra, song lại nghĩ hôm nay chỉ đi luận đạo, đối phương còn là người nhà Phật, chắc hẳn không có gì nguy hiểm tính mạng, nên cũng không quay lại lấy. Giờ này chắc đống bùa hộ mạng ấy vẫn nằm trong phòng hắn trên Lão Thụ cổ viện.

Nào ngờ, chỉ là luận đạo thôi mà Phật môn năm lần bảy lượt muốn mạng hắn. Nay xem chừng còn sắp đắc thủ...

Mắt thấy đồ đao sắp bổ xuống đầu Bích Mặc tiên sinh, thì xung quanh Nguyễn Đông Thanh xuất hiện một tấm màn ánh sáng màu xanh bao bọc lấy y. Ảo ảnh “phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật” gặp màn sáng xanh lập tức tan rã thành khói tản đi. Bên cạnh Nguyễn Đông Thanh, bước ra một nam tử phong trần, tuấn mỹ, ngoại trừ chú hai của Tạ Thiên Hoa – Tạ Hàn Thiên ra thì còn ai vào đây nữa?

Tạ Hàn Thiên chắp tay với Nguyễn Đông Thanh, nói:

“Tạ mỗ đến chậm, khiến tiên sinh phải kinh sợ rồi!”

Nguyễn Đông Thanh đưa tay lên vuốt ngực, thở phào một hơi, đoạn cũng vội chắp tay đáp lễ:

“Đa tạ ân cứu mạng của Tạ huynh!”

Sau đó, hắn quay về phía Phật môn, tức giận nói:

“Đây là cách hành xử của Phật môn các người sao? Nói là luận đạo nhưng đấu không lại thì giở trò ám sát? Đây là cách mà các người phổ độ chúng sinh, đề cao thiện niệm? Nếu đây là cách Phật môn các người ‘nói đi đôi với làm’, thì tại hạ thấy các vị cũng chỉ có một mớ lý thuyết sáo rỗng, một cái bánh vẽ lừa gạt thế nhân mà thôi!”

Lão hòa thượng mập thấy ám sát thất bại, lại còn bị Nguyễn Đông Thanh chất vấn, mà Kim Thiền Tử thì vẫn còn chưa hoàn hồn thì thầm kêu đại sự không ổn. Lão vội vã tiến lên, nói:

“Tiên sinh, việc lần này là chúng ta sai, bần tăng xin có lời tạ lỗi với ngài. Song, ngài cũng không thể vì hành động của một cá nhân mà chỉ trích toàn bộ Phật môn chúng ta được. Đức Phật vì muốn giúp chúng sinh nhập niết bàn, tránh khổ ải nên mới giáng sinh...”

Lão tăng còn đang chuẩn bị thao thao bất tuyệt, thì đã nghe được tiếng cười lạnh của Bích Mặc tiên sinh. Lúc này Nguyễn Đông Thanh đã vô cùng tức giận. Giết người không thành thì định nói một câu xin lỗi cho xong chuyện? Nào có dễ thế?! Lại còn “hành động của một cá nhân”? Coi hắn là kẻ ngu chắc? Nếu thật sự là hành động của một cá nhân, Phật môn không ai khác âm thầm ủng hộ, thì cũng chả đến phiên Tạ Hàn Thiên phải cứu mạng gã. Nếu nhà Phật đã nhất quyết muốn biện hộ, thì hắn cũng không thấy cần thiết phải nhịn nữa. Nguyễn Đông Thanh nói:

“Hay cho một câu ‘giúp chúng sinh nhập niết bàn, tránh khổ ải’. Vậy xin hỏi đại sư cùng các vị Phật tử, tăng lữ một điều: người tốt mà không tin theo Phật có thể nhập niết bàn hay không? Ngược lại, kẻ xấu mà tin theo Phật thì liệu có thể nhập niết bàn hay không?

“Nếu như nhập niết bàn quan trọng ở thiện – ác, tốt – xấu, không quan trọng ở tin theo Phật hay không, thì Phật lấy gì để đòi thế nhân phải tin theo Phật? Ngược lại, nếu thiện – ác, tốt – xấu không quan trọng, hễ theo Phật thì có thể nhập niết bàn, thì Phật lấy gì để tự xưng bản thân là thiện, là tốt, là vì phổ độ chúng sinh, là vì muốn giúp chúng sinh cùng nhập niết bàn?”

Lão sư mập mở miệng ra để phản bác, song lại không nói được gì... Chúng đệ tử Phật môn có mặt tại hiện trường nghe được lời chất vấn này cũng cứng họng, vẻ mặt hoang mang ngơ ngác, có chút hoài nghi nhân sinh.

Kim Thiền Tử thì bỗng giật mình một cái, chầm chậm quay đầu nhìn về phía Nguyễn Đông Thanh với ánh mắt đờ đẫn và biểu cảm như nhớ ra điều gì, song lại rất nhanh mờ mịt như cũ...

Nguyễn Đông Thanh thấy phản ứng của nhà Phật thì cũng khá hài lòng, cơn tức giận vơi đi không ít. Lúc này, hắn lại chợt nhớ tới một bài thơ khá hợp với hoàn cảnh này, bèn nói:

“Các vị cứ chầm chậm mà suy nghĩ, bao giờ có câu trả lời, tại hạ xin rửa tai lắng nghe. Song, buổi luận đạo này tới đây là hết đi. Tại hạ tài sơ học thiển, thôi thì mượn mấy câu thơ của cổ nhân Phật môn tặng lại cho chính các vị vậy!”



Nói rồi bắt đầu ngâm:

“Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,

Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.

Nam nhi tự hữu xung thiên chí,

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.”

(Dịch nghĩa:

Lìa được sự ham muốn đi vào niết bàn thì mới có thể bàn chuyện đi vào niết bàn,

Sinh vào cõi vô sinh rồi mới có thể bàn chuyện vô sinh.

Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm,

Đừng nhọc mình dẫm theo vết chân của Như Lai.

Bản dịch thơ của Ngô Tất Tố:

Thoát kiếp rồi bàn câu tịch diệt

Không sinh hãy nói chuyện siêu sinh

Tài trai có chí xông trời thẳm

Giẫm vết Như Lai luống nhọc mình

Bài này tên là Hưu hướng Như Lai, của Quảng Nghiêm thiền sư, sáng tác vào thời Lý.)

Đọc xong, liền phất áo mà rời đi. Tạ Hàn Thiên nhìn xung quanh, suy nghĩ một chút, rồi cũng xoay người đi theo Nguyễn Đông Thanh.

Trên bầu trời, Phật đạo liên tục kêu lên răng rắc, cuối cùng lỗ hổng cỡ căn nhà mở rộng ra, khúc giữa của Phật đạo tách hẳn thành hai. Tuy đầu và cuối thì vẫn chập nhất, nhưng nhìn tổng thể thì Phật đạo giờ này trông thật giống một con mắt to, với hai đầu nối trời, đất là hai khóe mắt, đuôi mắt.

oOo

Lời nhóm tác: Tiện thể nói luôn, chương sau sẽ quay lại kể chuyện Lý Thanh Vân, và sẽ bắt đầu từ vài ngày trước, tức là lúc Thanh còn đang mê sảng trên giường.
Bình Luận (0)
Comment