Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 534

Mấy người Kiếm Trì nghe Nguyễn Đông Thanh hỏi vậy thì đều cùng chung một suy nghĩ:

“Bích Mặc tiên sinh là ai kia chứ? Chuyện này tiên sinh hẳn đã sớm biết rõ ràng. Hiện tại vờ như không biết mà hỏi vậy, chắc chắn là đang thử lòng chúng ta!”

Nghĩ vậy, Trần Thanh Lãng lại càng không thể để Bích Mặc tiên sinh thất vọng. Theo như lão thấy, Kiếm Trì đã nợ cổ viện quá nhiều. Nếu chuyện hôm nay xử lý không thỏa đáng, cho dù Nguyễn Đông Thanh có không trách cứ, thì Kiếm Trì về sau cũng chẳng thể tiếp tục thẳng lưng mà làm người. Thế là, Trần kiếm tổ bèn đứng nghiêm trang, lại tằng hắng một tiếng, đoạn nói:

“Tiên sinh, kỳ thực chuyện này lão phu vốn cũng định bẩm báo lại với ngài. Chỉ là ban đầu dự định đợi ngài dùng xong bữa mới thưa chuyện mà thôi.”

Muốn hiểu rõ ràng nguồn cơ ngọn ngành mọi chuyện, phải bắt đầu kể từ thiếu niên áo đen đeo cự kiếm trước mắt. Người này kỳ thực cũng chẳng xa lạ gì với bốn đệ tử cổ viện, chính là một trong mấy người từng đấu với đám Tạ Thiên Hoa lần trước đám người cổ viện đến tham gia Kiếm Vực. Tên đầy đủ của y là Hoàng Phủ Cẩn Ngôn.

Cái tên đầy một mồm, lại nghe chẳng ăn nhập gì này nghe đồn là do cha y vì vạ miệng mà tráng niên mất sớm khi mẹ y đang mang thai y. Bởi thế nên bà mẹ mới đặt tên con là Cẩn Ngôn, với hy vọng con trai mình sẽ cẩn trọng trong ăn nói, tránh giẫm vào vết xe đổ của cha nó. Về sau, thiên phú tu luyện của Hoàng Phủ Cẩn Ngôn không tệ, qua được khảo hạch của Kiếm Trì. Y lại lớn lên theo đúng như mong ước của mẹ, là kẻ tính khí cẩn thận, biết suy nghĩ trước sau. Tuy ít nói, tích chữ như vàng, song mỗi lần y mở miệng đều nói có sách, mách có chứng. Nếu không phải Hoàng Phủ Cẩn Ngôn quen dùng cự kiếm nên đã gia nhập vào Cường Kiếm phái chứ không phải Hoan Kiếm phái, thì có khi cũng không đến lượt Ngô Quốc Văn và Trịnh Lan Anh tranh nhau cái ghế truyền nhân của Vân Hà kiếm tổ.

Liễu Ân tuy không thể chọn Hoàng Phủ Cẩn Ngôn làm người kế nhiệm, song lại tiếc nhân tài. Thế là bèn đẩy y cho Phạm Kim bồi dưỡng, với hy vọng sau này họ Hoàng Phủ dù có không thể thành Kiếm tổ, cũng có thể làm một Chấp Kiếm trưởng lão, bảo vệ luật lệ, uy nghiêm cho Kiếm Trì. Hoàng Phủ Cẩn Ngôn cũng không phụ sự kỳ vọng của Vân Hà kiếm tổ, trong số đám đệ tử trẻ tuổi của Kiếm Trì, không tính bốn đệ tử chân truyền của tam kiếm tổ, thì y chính là đệ tử xuất chúng nhất.

Đã biết Hoàng Phủ Cẩn Ngôn là ai, giờ phải kể đến chuyện gần một năm trước. Khi đó, Ngự Kiếm trưởng lão của Kiếm Trì cùng con trai bà ta gặp nạn. Hàn Ngọc Sương trọng thương, đến giờ vẫn còn hôn mê bất tỉnh. Song Vô Song liều mạng cứu mẹ, chết mất một xác, chiến lực giảm mạnh. Xác còn lại của y cũng bị thương không nhẹ, đến giờ còn đang phải tĩnh dưỡng. Tiếp đó, Kiếm Trì lại nhận tin dữ về việc bốn đệ tử cổ viện bị khép tội đào ngũ cùng tình báo của Tạ Thiên Hoa về khả năng phản trắc của Đại Tề, Đại Yến. Vân Hà kiếm tổ khi ấy phải tập trung tinh lực đi điều tra Hàn gia, không phát hiện được những điểm bất thường trong vụ của Hàn Ngọc Sương. Thế nhưng, lại có một kẻ khác để tâm chú ý chuyện này: ấy chính là Hoàng Phủ Cẩn Ngôn.

Y thấy chuyện xoay quanh Song Vô Song và mẹ cậu chàng gặp nạn quá nhiều điểm đáng nghi, thế là bèn âm thầm đi điều tra chuyện này. Khi tra ra thủ phạm, họ Hoàng Phủ cũng không dám tin vào mắt của mình. Thế nhưng, y kiểm tra mấy lần, đổi hướng tìm hiểu, kết quả vẫn không đổi. Kẻ đứng đằng sau bi kịch của hai mẹ con Hàn trưởng lão, thế mà lại là Chân Lợi Kiếm...

Sau một hồi đắn đo, cuối cùng Hoàng Phủ Cẩn Ngôn vẫn quyết định bẩm báo chuyện này cho sư phụ y và ba vị Kiếm tổ. Biết cách làm người cũng như cách làm việc của Hoàng Phủ Cẩn Ngôn, lại cũng xem tất cả chứng cứ y tìm được, Trần Thanh Lãng lập tức hạ lệnh giam lỏng Chân Lợi Kiếm, còn Liễu Ân thì đích thân tra án lại một lần. Cuối cùng, không những chứng thực được điều tra của họ Hoàng Phủ, Vân Hà kiếm tổ còn phanh phui ra không ít “chuyện tốt” khác của thánh tử nhà mình...

Lâm Phương Dung nghe tin thì tức đến nổ phổi, lập tức giao toàn quyền xử phạt Chân Lợi Kiếm cho hai người Trần Thanh Lãng, Liễu Ân. Phải biết, ở Kiếm Trì, đệ tử chân truyền của tam tổ dù có phạm tội nặng đến đâu, cũng chỉ có sư phụ có quyền trách phạt, hai tổ còn lại không thể tiếm quyền. Thế nên, hành động này của Lôi Đình kiếm tổ cũng chẳng khác nào đã từ mặt, cắt đứt quan hệ sư đồ với Chân Lợi Kiếm. Thậm chí, nếu không phải đang hộ đạo cho Tạ Hàn Thiên không thể rời đi, thì với tính cách của Lâm Phương Dung, có khi y thị đã lập tức trở về Kiếm Trì, một chưởng đánh chết đệ tử chân truyền nhà mình.

Thế nhưng, cái họa mà Chân thánh tử gây ra cũng không hề nhỏ hay đơn giản. Hàn Ngọc Sương không chỉ là Ngự Kiếm trưởng lão của Kiếm Trì, bà ta còn là hoàng thân quốc thích. Tuy là trong điều kiện bình thường, cái tầng quan hệ họ hàng xa lắc xa lơ bắn đại bác cũng không tới này hoàng thất Đại Hàn sẽ chẳng ai buồn hỏi tới. Hàn Ngọc Sương nếu là ra ngoài, đánh nhau với kẻ địch bị thương, hay thậm chí vì ân oán cá nhân mà bỏ mạng vào tay người khác, hoàng thất vẫn có thể vì quan hệ hữu nghị với thánh địa, quốc gia sau lưng kẻ kia mà mở một mắt nhắm một mắt bỏ qua, không tiến hành trả đũa. Thế nhưng, nếu Hàn Ngọc Sương bị người Đại Hàn nhắm vào, gài bẫy hãm hại, ám sát thì lại là chuyện khác. Đây là hành động phản nghịch, khiêu khích quyền uy của Nữ Đế và hoàng thất Đại Hàn.

Lại nói, hành động của Chân Lợi Kiếm không những trực tiếp gây hại tới Hàn Ngọc Sương, mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến an nguy của Trương Mặc Sênh và Đỗ Thải Hà. Đắc tội với hoàng thất Đại Hàn chỉ là vấn đề chính trị, đắc tội với Lão Thụ cổ viện thì sự việc vốn đã rắc rối này lại càng thêm trầm trọng. Trần Thanh Lãng cùng Liễu Ân thương lượng nhiều lần, thậm chí truyền cả tin cho Lâm Phương Dung, song vẫn chưa nghĩ ra cách giải quyết nào thỏa đáng. Vừa đúng lúc đó thì nghe tin từ Lê Tam Thành rằng Bích Mặc tiên sinh chuẩn bị đến Đại Thục vì chuyện của đệ tử, trên đường sẽ ghé qua Kiếm Trì.



Hai vị Kiếm tổ thấy chuyện này quá mức trùng hợp. Cả hai lão già lọc lõi này đều cho rằng đây hẳn là Nguyễn Đông Thanh muốn sang kiểm tra bọn họ một phen. Thế nên, ngoại trừ việc làm cho trọn nghĩa chủ nhà, hai người đã thống nhất bàn giao vụ này lại cho Bích Mặc tiên sinh của chúng ta toàn quyền xử trí. Dẫu sao, nếu đích thân Bích Mặc tiên sinh là người đưa ra phán quyết cuối cùng, hẳn là phía hoàng thất cũng sẽ không có dị nghị gì.

Đương nhiên, khi giải thích cho Nguyễn Đông Thanh, Trần Thanh Lãng cũng không nói rõ hẳn suy luận của bản thân lão và Liễu Ân ra, chỉ nói hai người bọn họ thấy ngoại trừ gã ra không có ai phù hợp hơn để phân xử chuyện này, nên muốn mời hắn đứng ra làm “quan tòa”.


“Còn vị này là Phạm Kim, Chấp Kiếm trưởng lão của Kiếm Trì ta, cũng là bác ruột của Chân tha... của Chân Lợi Kiếm.”

Nguyễn Đông Thanh nghe Trần Thanh Lãng giải thích đến đây, thiếu điều văng tục. Trong lòng, y đang không ngừng chửi bới:

“Mẹ nó! Chuyện nội bộ tông môn tu luyện giả nhà các người, kéo một kẻ thân phàm mắt thịt như ta vào làm cái gì? Nếu ta xử lý không tốt, liệu có bị lôi ra làm con dê tế thần không?

“Hơn nữa, các vị đại ca à, chuyện bốn đứa học trò của em gặp nạn nghĩ thế nào cũng không liên quan đến các anh... Tinh thần trách nhiệm của các vị đại ca cũng có phần quá cao rồi đó!”

Gã không phải loại người thích nói chuyện “nếu như”. Chuyện đã xảy ra, lật lại rồi giả sử không thế này, không thế khác, liệu sẽ thế nào là điều rất vô dụng. Tuy là Nguyễn Đông Thanh cũng mong mình chỉ đang thần hồn nát thần tính, nghi thần nghi quỷ thôi, song không hiểu tại sao trong thời gian gần đây, gã luôn cảm thấy dường như có kẻ nào đó trong tối đang nhắm vào mình và bốn đứa đệ tử. Mà nếu đúng là như vậy, cứ cho là Hàn Ngọc Sương có mặt ở đó, ngăn cản hoặc dàn xếp được một lần đó đi, thì cũng chẳng có gì đảm bảo đám đồ đệ gã sẽ không tiếp tục bị gài bẫy. Kiếm Trì cứu được một lần, hai lần, chẳng lẽ định bắt bọn họ bảo vệ bốn đứa nhóc cả đời? Đâu thể yêu cầu quá đáng như vậy?

Song, đồng thời, gã lại cũng cảm giác như, không thể nói thẳng điều này ra như vậy được. Loại cảm giác này, chính Nguyễn Đông Thanh cũng không giải thích được tại sao mình có, y như cách gã không hiểu tại sao mình lại có suy nghĩ đang bị nhắm vào. Có lẽ là một loại bản năng sinh tồn chăng?

Nguyễn Đông Thanh hít sâu một hơi, vứt chuyện bản năng này ra sau đầu, quyết định xử lý từng chuyện hắn có thể giải quyết trước đã. Hắn liền bắt đầu nói:

“Kiếm tổ, kỳ thực chuyện nội bộ của quý phái, tại hạ tham dự vào có chút không ổn lắm...”


Nguyễn Đông Thanh mới nói được đến đây, định bụng từ chối can thiệp vào chuyện nội bộ của Kiếm Trì. Song khi nhìn thấy vẻ mặt của Trần Thanh Lãng và Phạm Kim như thể nếu gã không nhận lời, lương tâm bọn họ cùng toàn thể Kiếm Trì sẽ không yên nổi thì lại không nỡ. Thế là bèn quay về phía Lê Tam Thành, hỏi dò:

“Thái tử điện hạ, không biết lịch trình của chúng ta...?”



Lê Khuynh Thành nghe vậy đã hiểu ý, liền khẳng định:

“Tiên sinh yên tâm. Lúc lên kế hoạch, Cô đã tính toán đề phòng những tình huống phát sinh chậm trễ. Nhanh chậm một hai ngày hẳn không thành vấn đề!”

Bích Mặc tiên sinh của chúng ta nghe vậy thì nặng nề thở ra một hơi, lại quay về phía Trần Thanh Lãng, nói tiếp:

“Nhưng nếu các vị đã tin tưởng Đông Thanh đến như vậy, thôi thì tại hạ sẽ cố gắng hết sức, không để các vị phải thất vọng!”

Tuy Nguyễn Đông Thanh cũng không rõ cái danh hão “đánh biến dạng đại đạo” của hắn có mấy phần phân lượng bảo mệnh, song lúc này cũng chỉ có thể đánh cược nhỡ có gì sơ suất thì người ta đủ kiêng kị nó mà không dễ dàng lôi hắn ra khai đao mà thôi.

Đoạn lại quay qua phía Phạm Kim, ngồi xổm xuống, vỗ vỗ vai lão:

“Phạm lão, kỳ thực tại hạ lý giải được tâm trạng của ngài. Nhưng theo như Đông Thanh thấy, biết sai mà sửa mới là đáng quý. Ngài lựa chọn phế bỏ tu vi, xuống núi làm tạp dịch cố nhiên là được, song như ta thấy thì làm vậy cũng không hẳn là cách chịu trách nhiệm tốt, mà giống với tự hủy hoại bản thân hơn. Hình phạt nên được dùng để răn dạy, khiến người ta tốt lên, không tái phạm sai lầm cũ. Chứ nếu một hình phạt lại đoạn tuyệt khả năng sửa chữa lỗi lầm của một người, thì có lẽ đó cũng không hẳn là hình phạt tốt.

“Đương nhiên sai lầm cũng chia lớn bé, tội nghiệt cũng phân nặng nhẹ. Nếu ngài phạm phải những loại tội thấp ác bất xá, tự tay gây ác quả thì là một chuyện, song xét đi xét lại, ta thấy tội của lão cũng không đến mức ấy. Thế nên, nếu Phạm lão ngài thật sự thấy có lỗi với mẹ con Hàn trưởng lão, hay với... tại hạ, thì ngài không những cần xốc lại tinh thần, tiếp tục cương vị cũ, mà còn phải đối mặt, rút kinh nghiệm từ thất bại của mình. Tiếp đó, dạy bảo chúng đệ tử Kiếm Trì sao cho bi kịch không lặp lại lần nữa, sao cho sẽ không có những Chân Lợi Kiếm thứ hai, thứ ba. Ấy theo như ngu kiến của Đông Thanh, mới là chịu trách nhiệm đúng cách.

“Tất nhiên, nếu sau khi suy nghĩ kỹ càng mà lão vẫn nhất quyết muốn tự phế tu vi, xuống núi làm tạp dịch, thì ta cũng sẽ không cản nữa.”

Nói xong, hắn bèn đứng dậy, lui lại mấy bước như để lão có không gian suy nghĩ. Cơ thể Phạm Kim run lên khe khẽ, lão ngước lên nhìn người đàn ông ăn mặc giản dị trước mặt. Ánh mắt vẩn đục dần có thần trở lại. Đoạn, như hạ quyết tâm trong lòng, Phạm trưởng lão chuyển mình, dập đầu với Bích Mặc tiên sinh, nói:

“Tiên sinh dạy phải. Phạm mỗ xin thụ giáo!”

Nguyễn Đông Thanh nhìn lão, thở dài. Kỳ thực, gã muốn nói với Phạm Kim lão không hề có trách nhiệm gì trong chuyện này. Chân Lợi Kiếm đã không còn là trẻ con. Quyết định của y là của riêng y, hậu quả mà y phải gánh chịu cũng là của riêng y. Đâu thể vì Phạm Kim là bác ruột của Chân Lợi Kiếm mà mọi quyết định sai lầm của y đều tính lên đầu lão?

Thế nhưng, gã hiểu, hiện tại nếu khuyên vậy chỉ có thể phản tác dụng, không những lão nghe không vào, mà còn chỉ có thể khiến Phạm Kim suy nghĩ vào lối mòn, càng thêm tự trách. Thế nên, Nguyễn Đông Thanh mới đổi hướng: nói cho Phạm Kim một chỗ khác để tập trung những cảm xúc tiêu cực ấy, nhưng lại sử dụng chúng vào mục đích tích cực. Rồi mong rằng, thời gian sẽ dần chữa lành được tổn thương này của lão.
Bình Luận (0)
Comment