Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 92

Lại kể chuyện Nghiêm Hàn sau khi rời khỏi Bạch Lộ thư viện, thì tiếp tục bôn ba khắp các thư viện ở sáu nước. Đến đâu, gã cũng lệnh cho phu tử các nhà, thủ thư các nơi tra cứu cho kỳ được rốt cuộc Huyền Hoàng giới có từng có ai tên Cao Bá Quát hay không.

Nghiêm Hàn thấy, thi ý như vậy, không thể vô danh.

Không giống các đạo khác, Nho đạo muốn tu hành, phải lấy chuyện giáo hóa thiên hạ làm gốc. Thành thử, phàm là đại Nho một đời, không thể nào là bèo không rễ cây không cội, ắt có thể truy tra được căn nguyên nguồn cội, tìm được một vài đệ tử lưu lại ở đời.

Các thư viện đương nhiên cũng không dám trái ý Đế Mộ, cơ hồ là phát động toàn bộ thế lực, ngay cả Nho sinh đang đọc sách cũng được gọi đến tìm “Cao Bá Quát” và bài “lưỡng quân chiến sĩ ngọa lam yên”. Chỉ đáng tiếc là mặc cho thư viện các nơi cố gắng đến đâu đi nữa thì cũng là dã tràng xe cát biển Đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

Đã có không ít phu tử hoài nghi Cao Bá Quát thực ra không hề tồn tại, mà chỉ là bút danh của một vị đại Nho nào đó, sử dụng để hành tẩu nhân gian mà thôi.

Cuối cùng...

Lâm Bính của thư viện Bạch Lộ nảy ra một ý tưởng điên rồ.

Mượn cớ giáo hóa thiên hạ đến Quan Lâm, mở văn hội, thăm dò hư thực của Bích Mặc tiên sinh. Mặc kệ Cao Bá Quát có thật hay không, cả giới Nho sinh nói mộ danh mà đến, cho dù Bích Mặc tiên sinh không vuốt mặt, ắt hẳn cũng phải nể mũi. Dù sao, hiện giờ y cũng đang làm phu tử dạy trẻ ở Quan Lâm, xét về mặt ý mà nói thì cũng là một phần tử của Nho đạo.

Chủ ý này vừa ra, lập tức văn đàn chấn động.

Kẻ thì hưởng ứng, người lại chần chờ, bát nháo tưng bừng, gà bay chó sủa một phen. Cơ hồ suốt hàng trăm năm qua, chưa có lần nào Nho giới ầm ĩ huyên náo đến thế. Trong số đó, Lâm Bính của Bạch Lộ thư viện là người hăng hái nhất, không ngừng lấy lí lẽ kích động quần Nho.

Cuối cùng, lão được như nguyện.

Lục đại thư viện gồm đại Tề Thanh Hà thư viện, đại Sở Bạch Lộ thư viện, đại Hoàng Tuyết Trai thư viện, đại Hàn Lam Ba thư quán, đại Yến Kiêu Vân thư viện, đại Thục Cổ Xuyên thư viện đồng thời cử người tiến về Quan Lâm.

Chiếu cáo thiên hạ rằng Quan Lâm là đất chưa giáo hóa, nay cử phu tử đến dựng trường mở lớp, truyền đạo thánh hiền. Thế là, trong một buổi sáng mặc bảo bay đầy trời, phu tử đại nho dắt díu vượt qua Lục Trúc Hải có khác nào cá diếc sang sông?

Huyền Hoàng giới mấy chục năm qua cơ hồ chưa có lần nào các đại thế lực hưng sư động chúng như vậy.

Nhất thời, thiên hạ đổ dồn hai mắt về Quan Lâm.

Các đại thế lực đều hiểu, đám nhà Nho thường ngày mắt cao quá trán, mũi hếch lên trời này nào có quan tâm gì đến trăm họ Quan Lâm? Lần này kéo nhau đến trấn biên ải Đại Việt mục đích chỉ có một: chính là vị tồn tại thần bí ở cổ viện – Bích Mặc tiên sinh.

Bấy giờ...

Trên biển Phong Bạo, có một đôi thầy trò mặc áo nhà Nho cưỡi trên một con thuyền vuông vức, đen sì, lềnh đềnh giữa phong ba bão táp.

Có một đứa bé trông chỉ độ mười tuổi, tóc để trái đào, chính đang nằm khểnh bên trong thuyền, chân vắt chữ ngũ. Lạ một nỗi là thằng nhóc bé tẹo này lại đóng khăn, mặc áo đuôi tôm cẩn thận, nhìn qua thực không khác gì một thầy đồ.

Đứng chống thuyền là một lão trung niên kham khổ, tay cầm một cái mái chèo quái lạ, cái to quá khổ như cái cột đình, cứ đẩy con thuyền đen về phía trước. Được một chốc, lão mới làm lễ học sinh với đứa bé, hỏi:

“Bẩm thầy, chuyện văn đàn lần này thầy thấy làm sao?”

“Nơi đây tai vách mạch rừng. Không bàn được, không bàn được.”

Thằng nhóc vừa nói, vừa vung tay một cái. Tức thì một quả cầu nước đường kính cỡ hai trượng lừ lừ bị nhấc lên khỏi mặt biển, chảy tràn vào trong thuyền. Lạ một nỗi, nước vào đến đâu, là lại đặc quánh đen kịt đến đó, giống như là hóa thành mực tàu vậy.

Thằng nhóc đánh mắt ra hiệu, đoạn nhảy ùm vào vũng mực mới hình thành giữa bụng thuyền.



Đáy thuyền vốn không sâu, thế nhưng thằng bé lại lọt thỏm một cái đã mất dạng, giống như lặn xuống một cái ao sâu đến vài trượng có dư vậy. Lão già thấy thế, cũng rút “mái chèo” lên, để lộ ra chòm lông bút thấm đẫm nước biển ở đầu bên kia.

Thì ra “con thuyền” là một nghiên mực, “mái chèo” lại là bút lông.

Lão già cũng theo chân thằng nhóc, thản nhiên ngụp vào trong vũng mực.

Bấy giờ, trong cái nghiên mực, xuất hiện một thế giới trắng phau, bốn bề trôi nổi cơ man không biết bao nhiêu là danh thi tuyệt cú. Ngồi ở trung tâm, vẫn để tóc quả đào là một lão già hai mắt đã đục, chính đang ngồi xếp bằng trước một án gỗ, trên bày sẵn văn phòng tứ bảo. Nếu có phu tử, đại nho của các thư viện ở đây ắt hẳn sẽ phải kinh ngạc lắm khi thấy lão.

Bởi, dung mạo người này quả thực giống hệt như Văn Thánh đời thứ mười hai được thờ trong văn miếu khắp Huyền Hoàng giới – Mặc Ngạn Bác.

Bấy giờ, mặc theo lối học trò lại không còn là một lão học trò già khọm, mà là một thiếu nữ trẻ trung tóc đen như mực nước.

Mặc Ngạn Bác khẽ nhìn lên, gật đầu:

“Hẳn là né tránh được rồi. Đúng. Con hỏi ta chuyện gì vậy?”

Thiếu nữ họ Cố, tên Thi Âm, chính là quan môn đệ tử của Văn Thánh thuở nào. Nàng ta biết sư phụ mình tuổi tác đã cao, mấy năm nay vẫn thường phải mượn nhân quả để tránh thiên phạt, khó tránh khỏi ký ức hỗn loạn, mới nhắc:

“Sư phụ, ngài thấy hành động lần này của các thư viện thế nào?”

“Một đám sâu mọt, sớm đã quên đi giáo hóa sơ tâm mà thôi. Chỉ tiếc năm xưa Phản Thiên chi chiến thất bại, bằng không Nho Đạo ta há lại rơi vào tay một lũ tiểu nhân mua danh chuộc tiếng như thế?”

Mặc Ngạn Bác nói, song lại thở dài một tiếng.

Lão há lại không biết Nho Đạo biến tướng đâu có hoàn toàn do chiến bại năm xưa?

Kỳ thực, ngay cả thời đại của lão, cũng đã có không ít hủ Nho gian thần xuất hiện. Bọn chúng chủ trương quân tử vi quý, bách tính vi tiện, không còn dạy người khác thế nào là đạo nghĩa đúng sai, trái lại chăm chăm làm thâm căn cố đế giai phận khác biệt, để trăm họ biết “an phận thủ thường”.

Thế nhưng, Nho đạo chính là tín ngưỡng của lão, nếu không kiếm cớ như vậy, Mặc Ngạn Bác đâu có cực khổ chèo chống đến lúc này?

Cố Thi Âm nói:

“Con không hỏi cái đó. Sư phụ, người thấy Bích Mặc tiên sinh này thế nào?"

Mặc Ngạn Bác suy ngẫm một thoáng.

Kỳ thực, lão cũng có nghe phong thanh trong Long tộc có tin đồn về một vị “cao nhân” dám vào ở Lão Thụ cổ viện – Bích Mặc tiên sinh Nguyễn Đông Thanh. Song, trước đó, lão cũng chỉ dằn lòng để đó mà thôi.

Vì một tin đồn mà mạo hiểm vào Huyền Hoàng giới thì thực là không ổn.


Song, lần này các thư viện hưng sư động chúng như thế, khiến lão có thể vững tin chuyện về cái vị Bích Mặc tiên sinh tám chín phần mười là thật.

Mặc Ngạn Bác không khỏi lấy làm tò mò.

Là người tham gia trận Phản Thiên chi chiến năm xưa, lão biết “đại ác ma” trong mắt thế nhân rốt cuộc có tu vi cao đến mức nào, cũng hiểu vì sao các thế lực lớn ở Huyền Hoàng giới không muốn xé rách da mặt với vị Nguyễn Đông Thanh này.

Lão gật đầu, nói:

“Người này thần bí cực kỳ, không rõ là địch hay bạn. Thi Âm, con thay ta đến ải Quan Lâm một chuyến, xem thử vị Bích Mặc tiên sinh này làm người ra sao rồi sẽ liệu.”



“Được rồi sư phụ. Người cứ ngồi đó chờ tin tốt của Thi Âm.”

Cố Thi Âm cười, đoạn hóa thành bộ dáng một trung niên già khú, bước ra khỏi thế giới mực nước.

Còn lại một mình, Mặc Ngạn Bác không khỏi lim dim mắt, nghĩ về trận chiến hơn vạn năm trước.

“Thế Tôn, một đời này người có trở về hay không? Lão hòa thượng năm viên tịch rồi. Lão đạo sĩ chán ghét thói đời, cũng tự tán mất tu vi, say chết nơi cống rãnh. Tướng quân luân hồi cũng đã được năm bảy kiếp người. Mấy lão già chúng ta chỉ sợ là sắp không còn ai chịu nổi, không chờ được người quay lại rồi...”

“Một đời này, người có còn vì thiên hạ thương sinh đã phản bội mình mà vung kiếm hay không?”

“Ngạn Bác xấu hổ trước người...”

Mặc Ngạn Bác vừa nói, nước mắt vừa rơi, nhỏ xuống một tấm bài vị bằng gỗ tử đàn.

Bên trên bài vị chỉ khắc độc nhất một con mắt.

oOo

Bên ngoài sóng lớn gió to, Lão Thụ cổ viện lại bình yên tĩnh lặng đến lạ.

Cả ba đồ đệ, Nguyễn Đông Thanh, Trương Mặc Sênh đều lúi húi làm nem chua.

Tiểu Thực Thần cầm cái nồi chùy, điên cuồng giã từng miếng thịt bò vừa xả xuống còn nóng hôi hổi.

Không có cách, nơi này không có máy xay, muốn quết nem chỉ có thể làm theo cách thủ công mà thôi. Thành thử, Nguyễn Đông Thanh rất tự giác giao luôn cái việc giã hùng hục này cho Tiểu Thực Thần. Hắn cũng không cho rằng mình để thằng nhóc Trương Mặc Sênh làm chuyện nặng nhọc là có gì sai cả.

Dù sao, nơi này là giới tu hành...

Nguyễn Đông Thanh còn chưa dở hơi đến nỗi cho rằng một tên người phàm, đã thế còn lười vận động như hắn lại có thể so sức mạnh với Trương Mặc Sênh.

Ngay cả khi cậu ta mới chỉ mười lăm mười sáu đi nữa.

Phụ trách thái bì lợn thì không ai khác ngoài Lý Thanh Vân.

Cậu chàng hai tay hai con dao, vừa lạng mỡ vừa thái bì, trần bì. Đao công và độ chính xác, cẩn thận này cho dù Nguyễn Đông Thanh có lắp tên lửa vào mông cũng không đuổi kịp.

Kỳ thực, làm nem chua cũng không quá phức tạp, nhưng muốn nem ngon, không hỏng cả mẻ thì cực kỳ kỳ công. Theo như Nguyễn Đông Thanh nhớ, và cũng là tham khảo từ sách dạy nấu ăn biển thủ từ chỗ Hồng Vân: Thịt để làm nem phải là loại thịt nóng, nghĩa là khi heo vừa mới xẻ thịt thì người thợ làm nem phải thái, xay, chế biến ngay, không để lâu. Bởi nếu thịt nguội, nem sẽ không có độ bóng cũng như sự kết dính.

Bì lợn cũng phải chọn rất kỹ, heo lấy bì phải là heo cạo chín, nghĩa là làm bằng nước sôi. Có như thế lông mới sạch và khi chế biến sẽ đỡ tốn thời gian. Để có những sợi bì trong, ngon, người thợ phải cạo thật sạch tất cả những phần mỡ còn sót lại trên bì, cho tới khi lớp bì mỏng, trắng tinh, trong suốt thì được. Bì càng làm kỹ bao nhiêu thì khi thái chỉ, bì càng giòn và dai bấy nhiêu.

Khi nguyên liệu chính là thịt và bì đã xong, người thợ sẽ trộn hai hỗn hợp này lại với nhau cùng các loại gia vị muối, bột ngọt, đường, nêm thêm chút nước mắm cho thơm. Sau đó mang hỗn hợp thịt trên ra đóng gói. Mỗi một chiếc nem được người gói cho kèm thêm chút tỏi, lá đinh lăng, ớt, những phụ gia này có tác dụng làm cho hương vị nem trở nên ngon hơn, hấp dẫn hơn và cũng là để cân bằng giữa lạnh (nem chua) với nóng (lá đinh lăng, ớt).

Lá chuối gói nem phải là lá chuối ngự vừa xanh vừa dầy, bởi trong quá trình vận chuyển và lưu giữ nem vẫn tiếp tục lên men. Sâu bên trong những lớp lá chuối, thức dậy mùi chua chua, ngọt ngọt, mùi cay cay của hạt tiêu sọ, mùi nồng của tỏi, thơm dịu của lá ổi và lá đinh lăng, mùi thơm bùi của thính.

Ba tên đệ tử và Trương Mặc Sênh hì hục hồi lâu, cuối cùng cũng đến công đoạn gói lá.

Người nào người nấy đều tò mò, không biết chỉ một ít thịt sống trộn với bì lợn và gia vị, gói trong lá thì sẽ có hương vị ra sao.
Bình Luận (0)
Comment