Trước khi đi ngủ nàng hỏi Thịnh ca nhi thế nào, Ngưng Châu nói thằng bé có khóc một lần, đã bú xong, lúc này đang ngủ.
Một hài tử bốn tháng tuổi, mỗi ngày ngoại trừ ăn thì chính là ngủ.
Khương Đường nói: “Cứ cách nửa canh giờ thì qua xem một lần.”
Giao tình giữa nàng và Vân thị cũng không sâu, phỏng chừng trước khi hai vú nuôi đến đây đã từng bị cảnh cáo không thể đem thêm phiền toái đến cho nàng. Khương Đường sợ bởi vì chuyện này mà Thịnh ca nhi có không thoải mái bọn họ cũng không nói với nàng, vô duyên vô cớ làm chậm trễ.
Nếu đã đồng ý chăm sóc hai hài tử, vậy thì phải chăm sóc thật tốt.
Nàng nhớ rõ nội dung trong sách, sau khi xảy ra chuyện, Hầu phủ cũng yên tĩnh một thời gian dài.
Hình như cũng có mấy ngày lao ngục tai ương, không biết hiện giờ có tránh được hay không nữa.
Không ai biết được rằng hai hài tử đã được đưa tới Cố gia. Nha hoàn trong phủ rất kín miệng, Khương Đường được trải nghiệm trước cuộc sống nuôi con dạy con là thế nào.
Mặc dù Chiêu ca nhi dính người nhưng cũng hiểu chuyện, nếu như Khương Đường có việc ra cửa, thằng bé liền thành thành thật thật ở nhà.
Khương Đường vốn rất thích Chiêu ca nhi, hiện giờ lại càng thích hơn nữa.
Qua tháng hai, thời tiết dần dần trở nên ấm áp, đầu tháng ba sau tiết Thanh Minh, các địa phương lục tục chuẩn bị gieo trồng vụ xuân.
Trong nhà hiện giờ có ba thôn trang, gieo trồng vụ xuân cũng phải phí công tốn sức.
Mà trước khi gieo trồng vụ xuân lại phải lên Ngự Phượng Sơn tế thiên, cầu mong năm nay mưa thuận gió hòa.
Năm ngoái là Tần Vương đứng ra tế thiên, tuy rằng đến lúc tế lễ có xảy ra chuyện nhưng năm ngoái thu hoạch cũng không tệ lắm. Các nơi cũng không có mưa to hạn hán, dân chúng có lương thực dư thừa, quan viên có thể báo cáo kết quả công tác. Vậy nên mọi người hoàn toàn quên mất chuyện này.
Thân thể An Khánh Đế năm sau không bằng năm trước, đương nhiên không thể lên được Ngự Phượng Sơn. Năm nay ai thay Hoàng Đế tế thiên, phỏng chừng người đó sẽ chính là Thái tử tương lai.
Mùng ba, An Khánh Đế chỉ định người tế thiên. Yến Vương Triệu Chân gặp dữ hóa lành, nhân phẩm quý trọng, được chọn làm người chủ trì tế thiên đại điển.
Chỉ cần đem mấy chữ phía sau thay đổi, đạo thánh chỉ này hoàn toàn có thể biến thành thánh chỉ lập Thái tử.
Trước kia triều thần còn có thể suy đoán lung tung tâm tư của An Khánh Đế, nhưng hiện giờ tâm tư đã bày ra ngoài mặt. Cho dù là chờ Yến Vương trở về hay là để cho hắn chủ trì tế thiên đại điển, đều có thể nói rõ An Khánh Đế có ý định chọn người này rồi.
Tế thiên đại điển diễn ra vào ngày mùng năm tháng ba, Lễ Bộ tăng cường nhân thủ gấp rút chế tạo cát phục, chuẩn bị đồ vật dùng trong tế thiên đại điển. Một đám đại thần cũng chuẩn bị cùng nhau leo núi, mọi việc cũng được sắp xếp đâu vào đấy cả.
Triệu Diệu đoán được người tế thiên sẽ là Triệu Chân. Hắn có thể nhìn ra tâm ý của An Khánh Đế, mà Tiền Tùng Minh vẫn còn ở Lĩnh Nam, muốn trở về còn phải mất vài ngày.
Không đến vạn bất đắc dĩ, Triệu Diệu không muốn đi con đường nguy hiểm nhất kia, nhưng tất cả mọi người đều đang ép hắn.
Hàn Văn Bách cảm thấy không thể chờ đợi lâu hơn nữa, chẳng lẽ phải chờ thánh chỉ lập Thái tử hạ xuống, để cho Yến vương danh chính ngôn thuận kế vị? Đến lúc đó thật sự cũng chỉ có thể cúi đầu xưng thần.
Nếu tốt hơn một chút, Tần Vương có thể đi tới đất phong. Nhưng có chuyện Lĩnh Nam trước đó, Hàn Văn Bách không tin Yến Vương có thể dễ dàng bỏ qua việc này.
Nếu là bức vua thoái vị, ép Hoàng Thượng viết thánh chỉ, cho dù danh bất chính ngôn bất thuận, chỉ cần Tần Vương có thể ngồi lên ngôi vị hoàng đế, sử sách còn không phải do hắn viết nữa sao?
Hàn Văn Bách cũng lo lắng cho bản thân mình. Hắn đã làm không ít việc, cùng Tần Vương trói chung trên một chiếc thuyền, cùng lắm thì đánh cuộc một phen.
Triệu Diệu hỏi: “Cố Kiến Sơn đã trở về Tây Bắc chưa?”
Triệu Diệu phái người một đường đi theo Cố Kiến Sơn, người kia truyền tin trở về nói người đã đến Liêu Thành.
Triệu Diệu nói: “Chờ tế thiên xong đã sau đó mới hành sự.”
Sau khi phong vương rồi thì có thể dưỡng tư binh. Nhìn vào ngoài mặt mỗi hoàng tử có thể nuôi hai ngàn tinh binh, nhưng Triệu Diệu nuôi binh ở các nơi cộng lại có tới một vạn. Một vạn chống lại ba vạn là không đủ nhìn, nhưng thủ lĩnh Vũ Lâm Quân thủ vệ hoàng thành là người của hắn.
Không có năng lực đánh một trận thì Triệu Diệu sẽ không mạo hiểm làm việc. Chỉ trong vòng mấy ngày, tư binh từ các nơi có thể tiến vào Thịnh Kinh. Trong lòng Triệu Diệu đã tính toán thật kỹ, Triệu Chân sẽ không bỏ qua cho hắn. Nếu không làm sẽ chết, còn nếu làm thì sẽ còn cơ hội.
Mùng năm tháng ba tế thiên đại điển diễn ra, Triệu Chân dẫn văn võ bá quan lên Ngự Phượng Sơn tế thiên, nghi thức tế lễ vô cùng thuận lợi.
Lúc An Khánh Đế thượng triều lại khen ngợi Yến Vương.