Bà Tống cười trêu:
“Con cũng dám tưởng tượng ghê nhỉ, hơn chục nghìn đồng, vậy chắc phải nuôi trăm con heo à?”
Tống Thu Sinh chỉ cười cười không nói.
Sổ tiết kiệm em gái anh ấy đưa cho anh ấy gây dựng sự nghiệp có đến mấy chục nghìn đồng, cái này tốt hơn hết là không nói với ba mẹ, kẻo họ lại sợ hãi.
Anh ấy nói sang chuyện khác:
“Mẹ à, năm nay con không đưa tiền mặt nữa, nhưng tiền mua gà vịt heo giống cứ để con chi ra.
Ba mẹ chăm nuôi ở nhà, bán được bao nhiêu là tiền của ba mẹ, đừng để riêng cho chúng con.”
Bà Tống vội từ chối:
“Không cần, con cứ tích góp vào đó mà cưới vợ. Sống ở thành phố chi tiêu nhiều, người ta yêu cầu cũng cao.
Con còn phải chuẩn bị mấy món đồ lớn làm lễ hỏi, đừng có bạc đãi con người ta.
Đã muốn lấy con gái thành phố thì ta phải làm theo lễ nghĩa thành phố cho nhà người ta hài lòng.”
Cả đời bà, nơi đi xa nhất chính là thị trấn.
Nghe hàng xóm nói ở thành phố lớn, người ta muốn kết hôn là phải chuẩn bị đủ ba món đồ lớn, tivi, máy giặt, tủ lạnh.
Tống Thu Sinh sang sảng cười to, hứa với mẹ:
“Mẹ yên tâm, chắc chắn con sẽ không bạc đãi cô ấy, người khác có cái gì, cô ấy đều sẽ có.”
Bà Tống trịnh trọng dặn dò:
“Con biết thế là được rồi, khó khăn lắm mới có người không chê con lớn tuổi, con phải chịu khó nhường người ta một chút, biết chưa?”
Tống Thu Sinh nhớ Diêu Tuyết hiện vẫn chưa có nơi ở cố định tại thủ đô.
Hai người mà kết hôn sẽ không thường về quê nhà, vẫn phải có một căn nhà ở thủ đô mới được.
“Mẹ, bọn con mà kết hôn thì chắc sẽ ở lại thủ đô lập nghiệp, trong nhà chỉ còn ba mẹ với Đông Đông thôi.”
Bà Tống nhún vai:
“Thế thì có sao, trước trong nhà cũng chỉ có bốn người, cả nhà ta vẫn xoay sở bình thường, con có ở nhà cũng giúp được gì đâu? Chị con ở gần là được rồi, có việc gì qua đó nhờ nó cũng được.”
Tống Thu Sinh biết cha mẹ không thích làm phiền con cái đã có gia đình, nói vậy cũng chỉ để anh ấy không có gánh nặng tâm lý mà thôi.
Anh ấy lầm bầm:
“Đợi khi nào có điều kiện, con cũng sẽ lắp điện thoại ở nhà cho ba mẹ, liên lạc cũng tiện hơn.”
Nhà không phải không có tiền, nhưng thủ tục lắp điện thoại rất phức tạp, chưa chắc bên bưu điện đã chịu cho kéo dây về tận thôn nhỏ này.
Bà Tống vội lắc đầu:
“Thôi thôi, nhà ta không cần thứ ấy, con với em con có thời gian rảnh thì viết thư về nhà là được rồi.”
Người dân thôn Tống Gia từ lúc nghe vợ đội trưởng nói Tống Thu Sinh muốn dẫn dắt mọi người cùng kiếm tiền thì đều rất muốn tới hỏi cụ thể.
Nhưng hôm nay là mùng 1 tết, không tiện đi tay không tới chơi, tất cả đều nhấp nhổm trong lòng, rất muốn biết tin đó là thật hay giả.
Đám người trẻ tuổi đã tới nhà họ Tống lại cười bảo:
“Rất có thể là thật đấy, anh Thu Sinh bảo chúng con cứ yên tâm ở nhà cày cấy xong đi đã.
Chăm cho lứa rau củ đầu xuân thật tốt, đến vụ thu hái anh ấy sẽ về giúp chúng con mang vào thành phố bán.”