Xuyên Về Cổ Đại Làm Tiểu Cô Nương Lợi Hại

Chương 11

Thứ khiến cho Lê Tường thèm thuồng nhất chính là chậu tôm và cua lông kia. Vốn dĩ nàng trời sinh bị dị ứng với các loài động vật giáp xác, không thể đụng vào chúng nó một chút nào, cho nên mỗi khi nhìn thấy các loại tôm cua ốc, nàng chỉ biết đứng nhìn thèm chảy nước miếng mà không dám làm gì chúng nó.

Khoan! Không đúng rồi!

Hiện tại nàng đã trở thành Lê Tường thời cổ đại, không nhất định sẽ bị dị ứng!

Hai mắt Lê Tường tỏa ánh sáng, lập tức cẩn thận kiểm tra lại trong ký ức của nguyên thân trước đây có từng ăn tôm cua hay không. Nhưng vừa mới hưng phấn muốn kiểm tra ký ức, còn chưa kịp vui mừng được bao lâu, trong chớp mắt nàng đã nhìn thấy phụ thân đổ hết mười mấy con cua lông kia vào trong sông.

…………

“Phụ thân!!” Lê Tường hét lên một cách thất thanh.

“Sao vậy?”

Lê Giang không hiểu ra sao, nhưng nhìn bộ dáng đau lòng muốn nói lại thôi của nữ nhi, rồi nhìn cái chậu không trong tay mình, một hồi lâu sau hắn mới phản ứng lại được, nói: “Tương Nhi, ngươi muốn cua lông ư?”

Lê Tường gật gật đầu y như gà con mổ thóc.

“Lần sau nếu bắt được cua lông, phụ thân đừng đổ chúng đi, cứ giữ lại cho ta.”

“Ngươi muốn thứ kia làm gì? Thứ đó có độc, sẽ hại c.h.ế.t người, không ăn được đâu.”

Lê Giang cực kỳ nghiêm túc kể lại những kinh nghiệm đã đúc kết từ thế hệ trước cho nữ nhi mình nghe. Lê Tường có ký ức, vừa nghe hắn nói đã nhớ lại ngay.

Đơn giản là nhiều năm trước lúc sông An Lăng dâng lũ lụt, có rất nhiều cua lông đã bò lên bờ. Sau khi ăn cua lông, không ít dân chúng đã bị mắc chứng miệng nôn trôn tháo() mà chết. Nguyên thân vẫn luôn tin tưởng loại chuyện này, chưa bao giờ dám ăn cua lông. Lê Tường thì sao? Nàng chỉ cảm thấy đây là một chuyện hiểu lầm.

Chắc chắn sau khi bắt cua lông về, những dân chúng bị c.h.ế.t kia đã không chịu nấu chín. Ăn đồ tái, rất dễ gây nên chứng miệng nôn trôn tháo, tiêu chảy rồi mất nước mà chết.

Hơn nữa sau khi mắc bệnh, bản thân những người đó lại quá nghèo, chỉ có một số ít người đủ tiền đi khám lang trung mua thuốc uống, vì vậy mới dẫn tới tình trạng kia càng ngày càng thêm nghiêm trọng.

Cua lông không khác biệt lắm so với cua cửa cống lớn thời hiện đại, con hơi lớn một chút cũng có giá mười mấy tới hai mươi khối một con, một hộp quà cũng có giá khởi điểm chừng ba tới năm trăm.

Một món mỹ vị như thế, tại sao cứ ném nó vào trong nước, không ai biết đến chứ?

Hiện nay đúng là ngày cuối tháng mười, cũng là thời điểm những con cua này béo mập nhất. Trong đầu Lê Tường nhanh chóng hiện lên một phương pháp kiếm tiền. Chẳng qua muốn thuyết phục phụ thân có chút khó, chắc phải dựa vào nương mới được.

“Tương Nhi, xếp lại lưới trên boong thuyền đi, chúng ta tới bến tàu bán cá.”

“Vâng ạ…”

Lê Tường lên tiếng, sau đó tay chân lanh lẹ xếp lại tấm lưới đánh cá và bỏ gọn gàng vào trong khoang thuyền. Lúc này ở đầu thuyền chỉ còn lại mấy thùng cá tôm và con cá trê vàng kia.

Thuyền đánh cá càng ngày càng tới gần bến tàu, cũng chạm mặt ngày càng nhiều với những thuyền đánh cá khác.

Có rất nhiều nhà cũng giống như gia đình nàng, sau một ngày vất vả kéo lưới mới mang theo thành quả của mình qua đây bán, nhưng cũng còn rất nhiều người ra sớm nên đã bán xong từ lâu rồi.

Cơ hồ những ngư dân này đều quen biết Lê Giang, khi hai thuyền đi ngang qua, bọn họ sẽ chào hỏi một tiếng. Chỉ có một nhà đã chuẩn bị đi qua nhưng thấy thuyền của Lê Giang lướt tới, vẫn đè nặng đầu thuyền của họ rồi mới chịu tiến về phía trước.

Thoạt nhìn cũng hiểu giữa hai nhà từng có chút va chạm.

Không đợi Lê Tường nhớ lại, thuyền nhà nàng đã lướt tới bến tàu. Những người bên trên có ánh mắt cực kỳ tinh tường, thuyền vừa cập tới, bọn họ đã để ý thấy con cá trê vàng trên thuyền nhà Lê Tường, vì vậy lập tức vây quanh.

“Tiểu nha đầu, nhà ngươi đã cân con cá trê vàng này chưa? Được bao nhiêu cân?”

Chú thích:

Miệng nôn trôn tháo: Đây là triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm, đặc biệt đối với những trẻ nhỏ do thói quen ăn vặt, hoặc vệ sinh thực phẩm không phù hợp gây bệnh. Ngộ độc thực phẩm nếu nặng có thể gây rối loạn điện giải, mất nước trầm trọng, đe dọa tính mạng của người bệnh.
Bình Luận (0)
Comment