Yêu Cậu Học Sinh Cá Biệt

Chương 10

Hôm nay trời Hà Nội trở gió. Từng cơn gió cứ ồ ạt, bay thẳng vào khu phố nọ. Có lẽ chỉ ít phút nữa thôi, trời sẽ đổ một trận mưa rào lớn lắm đây. Gió thổi bay tất cả mọi thứ trên đường, lá cây và cả vài mẩu rác vụn. Gió thúc giục mấy cô, mấy bác đang tản bộ nơi vỉa hè phải vội bước về nhà, tránh cơn mưa đang trực đổ xuống. Gió tinh nghịch thỏa sức trêu đùa mái tóc rối bời của cô gái nhỏ đang ngồi bó gối bên khung cửa sổ. Giá mà gió kia có thể thổi bay hình ảnh cậu con trai ấy ra khỏi cái đầu đang chật cứng những phiền muộn của Bảo An thì tốt biết nhường nào.

Có lẽ nút “delete” trong não bộ Bảo An hỏng thật rồi, vì dù có cố đến mấy, cái nhân ảnh ấy vẫn hiện lên rõ nét trong tâm trí nó.

Gió không thể mang hình ảnh cậu ấy ra khỏi đầu, chức năng xóa của hệ thần kinh cũng không dùng được nữa, vậy thì thử khóc xem sao, biết đâu cậu ta sẽ bị cuốn trôi ra ngoài theo hai hàng nước mắt. Nghĩ là làm, Bảo An gục mặt xuống gối, thút thít khóc. Càng khóc lại càng rầu.

Kể từ sau khi tuyên thề sẽ tập quên Hoài Phong, Bảo An chưa một lần nhắn tin hay gọi điện cho cậu. Dù vậy, trong lòng Bảo An vẫn có chút ít ngóng trông từ phía Hoài Phong một tin nhắn hoặc một cuộc điện thoại hoặc là nhờ ai đó chuyển đôi lời tới nó cũng được. Nhưng kết quả là… không có gì hết. Thế đấy, đối với cậu, Bảo An chưa bao giờ là đặc biệt cả, mọi thứ đều là do nó tự ảo tưởng mà ra thôi.

Bà Thục trở về nhà sau một ngày dài làm việc. Căn phòng đầu tiên bà bước vào chính là gian bếp, bà muốn biết hôm nay tiểu công chúa của bà đã dùng gì cho bữa tối. Nhìn vỏ gói mì nằm chỏng chơ trên bệ bếp, người phụ nữ trạc tuổi bốn mươi với gương mặt quý phái nhưng rất đỗi hiền từ lắc đầu chán nản. Một tuần qua, ngày nào Bảo An cũng ăn mì. Bảo An vốn là đứa năng nổ và có tính hướng ngoại, vậy mà từ lúc nghỉ hè tới giờ, ngày nào Bảo An cũng thu mình trong phòng riêng. Đã vậy, cả ngày nó cứ thất thần, không mấy tươi tỉnh như bản tính vốn có. Người làm mẹ như bà Thục, trong lòng lo lắng không nguôi.

Bước vào phòng, thấy cô con gái đang ngồi ôm mình bên cửa sổ, bờ vai khẽ run run, bà Thục nhẹ giọng cất tiếng:

“Sao lại ngủ gật thế này hả An?”

Nghe tiếng mẹ, Bảo An từ từ ngước đôi mắt đã đỏ hoe lên, hai tay lau vội mấy giọt nước còn đọng lại trên khóe mắt.

“Mẹ ạ. A… ban nãy gió to quá, thổi bao nhiêu bụi vào mắt con.”

Á à, giờ còn nói dối cả mẹ nữa cơ đấy. Mẹ sinh mày ra, lại không hiểu mày. Nhưng Bảo An đang ở cái tuổi mới lớn, càng ép nó lại càng nói dối hơn. Trong mắt Bảo An, bà Thục không những là một người mẹ hoàn hảo mà còn là một người bạn tâm giao đáng tin cậy. Từ trước tới giờ, dù bận cách mấy, bà luôn dành thời gian để trò chuyện, hàn huyên cùng đứa con gái duy nhất. Và Bảo An, trong mọi khúc mắc thì luôn tìm đến bà để “xin xỏ” một lời khuyên đúng đắn.

“Hôm nay lại ăn mì hả con? Cả tuần qua, bữa nào cũng ăn mì thôi. Nhìn xem, người con gầy nhẳng đi rồi kìa, da mặt cũng sạm đi trông thấy.”

Bảo An cũng tự nhận thấy những điều mẹ vừa nói quả không sai. Nhưng khổ nỗi cái tâm nó buồn dẫn đến việc cái bụng cũng quên đói và cái miệng thì chẳng thiết tha làm việc. Bảo An cười trừ, rụt rè trình bày nguyên do.

“Dạ, tại con lười quá ý mà. Cả ngày nằm trên giường, đến bữa lại làm biếng không muốn lết thân ra quán ăn ạ.”

Bà Thục hơi cau mày tỏ vẻ không đồng ý. Ấn trán con gái một cái, bà nói:

“Ăn thôi mà cũng lười. Mà nghỉ hè, sao không ra ngoài chơi với bạn bè, cứ ru rú ở nhà suốt thế con?”

Hic, buồn đến độ không muốn ăn thì lấy đâu ra tâm trạng đi chơi đây!

“À, tại vì Kỳ thì đau chân phải nằm im một chỗ, khiến cho Linh ngày ngày phải tới nhà thăm hỏi. Băng thì bận về quê dạy kèm cho mấy đứa em. Còn những bạn khác thì… đi du lịch hết rồi ạ. Con thật chẳng biết đi đâu, làm gì.”

Lý do nghe cũng hợp lý đấy chứ, thế mà bà Thục nghe xong lại ấn trán con gái thêm lần nữa.

“Đấy, bình thường việc gì cũng nhờ Kỳ giúp thế mà lúc em bệnh, chị lại biến mất tăm. Bạn bè thì ai cũng năng nổ ra ngoài hoạt động này nọ, còn mình thì…”

Bảo An chỉ biết cúi gằm mặt tiếp thu những lời chỉ giáo của mẹ, trong lòng cũng có chút áy náy vì đã lỡ bỏ rơi cậu em họ yêu quý.

“Thôi, mẹ tính thế này. Từ mai, mỗi ngày con đến cửa hàng làm bồi bàn cho mẹ, cả ca sáng và ca tối luôn. Riêng hai ngày thứ bảy và chủ nhật thì mẹ cho nghỉ, tới chơi với ông bà hai bên.”

“Ơ… nhưng con đang…”

Không để Bảo An có cơ hội từ chối, bà Thục vội đặt tay lên vai con gái, nói giọng nghiêm túc.

“Không phải là mẹ muốn con ra ngoài kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cửa hàng này là tâm huyết của bố con, mẹ muốn con cùng mẹ cố gắng vun đắp, xây dựng nó. Còn nữa, ông bà nội ngoại thương yêu, cưng chiều con như thế nào, con là người hiểu rõ nhất, nghỉ hè con nên dành thời gian ở bên và hiếu thảo với ông bà. Người già họ thích được quây quần bên con cháu. Con hiểu chứ?”

Bảo An nghe mẹ nói mới ngộ ra rằng mình đã quá vô tâm và ích kỷ. Chỉ vì một Hoài Phong vớ vẩn mà quên đi những người thân yêu, quan trọng nhất. Lúc trước, chỉ cần nó gọi một tiếng là Bảo Kỳ lập tức có mặt, đưa nó đi bất cứ đâu nó muốn, cố làm mọi việc nó nhờ, vậy mà giờ đây Bảo Kỳ gặp tai nạn, phải nằm một chỗ, nó lại chưa tới thăm và chăm sóc cho em ngày nào. Bảo An đúng là người chị tồi nhất thế gian. Từ bé tới lớn, Bảo An đều được ông bà nội, ngoại chăm chút từng li từng tí một, ấy vậy mà nghỉ hè, nó lại chẳng tới nhà đấm bóp lưng cho bà, ra vườn tỉa tót cây cùng ông. Bảo An thật là hư quá đi thôi!

“Vâng, con hiểu rồi mẹ ạ.”

Bảo An cười tươi roi rói, gật đầu nghe lời. Bà Thục cũng cười hiền, nhẹ nhàng vuốt tóc con gái. Trước khi rời khỏi phòng, bà nói một câu đầy ẩn ý.

“Chăm chỉ làm việc cũng giúp con người ta quên đi được nỗi phiền muộn trong lòng đấy.”

“Sao ạ?”

Bà Thục tát yêu con gái mấy cái, rồi đi thẳng ra khỏi phòng, để mặc cho Bảo An còn đang đần mặt ra phân tích câu nói thâm thúy kia.

Đuỳnh!

Tiếng sấm rền vang trời khiến cho Bảo An giật mình, những suy nghĩ trong đầu cũng theo đó mà văng ra tứ tung khắp cả. Bảo An chẳng buồn gom nhặt những thứ ấy, nhét vào trong đầu để nghĩ tiếp nữa, nó chùm chăn kín mít, chuẩn bị đi ngủ.

*****​

“Về nhá, nhớ tối mai đấy.”

“Biết rồi, té đi.”

Hoài Phong hất hàm ra lệnh cho cậu bạn vừa thả mình ở nơi đầu ngõ. Nhìn cái bộ mặt đang câng câng hết sức đáng ghét của Hoài Phong, cậu ta chỉ cười nhạt một cái, rồi rồ ga phóng đi mất hút.

Sáng ngủ, chiều dậy, tối đi chơi, đêm về “học tin”. Đó chính là cái thời gian biểu mà Hoài Phong luôn nghiêm chỉnh thực hiện suốt từ hôm nghỉ hè tới nay. Bây giờ là mười một rưỡi đêm, mọi nhà đều đã khóa cửa đi ngủ, trong ngõ chỉ còn mỗi Hoài Phong tay đút túi quần, chân đi thong thả, miệng huýt sáo yêu đời. Chưa yêu được mấy thì đã bị sao quả tạ rơi trúng đầu.

Két!

Tiếng phanh gấp của một chiếc xe máy đang rẽ tại khúc quanh trong ngõ vang lên chói tai. Tên con trai ăn mặc diêm dúa nhảy xuống xe, nói giọng đầy khiêu khích.

“Mù à?”

Đáp lại đó, Hoài Phong chỉ bình thản trả lời.

“Không mù, vẫn nhìn thấy cái con tắc kè hoa ngu xuẩn đang đứng trước mặt. Không ai dạy mày là phải bấm còi ở những ngã rẽ như thế này à?”

Bị lên mặt dạy đời, tắc kè hoa kia giận dữ đến đỏ mặt tía tai. Biết không thể cãi lại bằng lời, hắn ta lao tới túm cổ áo Hoài Phong, đấm một cú giáng trời vào mặt cậu.

Hoài Phong bị động, không kịp đỡ đòn, sau khi loạng choạng mấy bước thì cũng sấn tới, đấm trả tới tấp vào mặt tắc kè hoa. Hoài Phong học không giỏi, nhưng đánh nhau thì kinh nghiệm đầy mình và hết sức chuyên nghiệp. Tắc kè hoa bị cậu đánh cho xây xẩm mặt mày, lúi húi trèo lên xe, trước khi đi không quên buông lời cảnh cáo.

“Thằng khốn, tao biết mày là ai đấy. Cứ đợi mà xem.”

“Sẽ đợi.”

Hoài Phong đứng đấy, lịch sự vẫy tay chào tạm biệt cái xe đã lao vút ra khỏi ngõ.

*****​

“Đi đâu mà giờ này mới về? Con với chả cháu, ngày nào cũng hành cái thân già này đợi cửa.”

Hoài Phong vừa bước qua cánh cổng đã bị giọng nói của bà nội làm cho giật bắn mình.

“Bà chưa ngủ ạ? Cứ để cửa đấy, khi nào về con tự biết khóa.”

Bà nội không nói gì, chỉ lừ mắt một cái, tập tễnh đi về phía cánh cổng.

“Gớm, đợi được mày thì trộm nó vào khuân hết đồ đi rồi.”

Những lời xỉa xói như thế này, Hoài Phong nghe đã quen rồi. Quen đến độ, chỉ cần bà nói từ đầu tiên là cậu có thể đọc vanh vách những câu chữ sau đó. Hoài Phong không cãi bà, lặng lẽ đi về phòng.

Vắt tay lên trán suy nghĩ hồi lâu, Hoài Phong ngẫm ra một điều.

“Bà đợi cửa, có lẽ nào là bà cũng quan tâm tới mình? Mình có chìa khóa riêng, bà vẫn có thể khóa cổng trước rồi về phòng ngủ cơ mà.”

Cái ý nghĩ ấy khiến cho cậu học sinh ngỗ ngược bất giác mỉm cười hạnh phúc! Có thể là bà yêu thương cậu theo một cách riêng biệt.

*****​

“Thằng Phong đâu, mấy người ra mà xem con các người đánh con trai tôi như thế nào đây này.”

“Có chuyện gì thế?”

“Đây rồi, bà xem cháu bà nó đã làm gì thằng con tôi đây này.”

Tiếng người phụ nữ chua ngoa liên tiếp dội thẳng vào tai khiến Hoài Phong bất đắc dĩ phải tỉnh giấc. Cậu lồm cồm rời khỏi giường, vừa ra tới sân đã thấy tắc kè hoa và tắc kè mẹ đứng ăn vạ ngay tại đó. Một vài người trong xóm bắt đầu kéo tới bàn tán, bà cậu vì không muốn to chuyện, bèn xuống nước làm hòa.

“Có gì từ từ nói cô ạ. Cô cứ vào nhà, nói rõ đầu đuôi câu chuyện cho tôi.”

“Hừ.”

Người đàn bà kia ngúng nguẩy đi ngang qua mặt bà cậu vào thẳng nhà. Uống một hơi hết cốc nước đầy, tắc kè mẹ hậm hực lên tiếng, vừa nói tay vừa chĩa thẳng Hoài Phong.

“Hôm qua cháu bà đánh con tôi đến thân tàn ma dại thế này đây. Tôi là tôi sẽ báo lên phường, để họ đến tống thằng này vào trại cải tạo.”

Nghe đến đây bà nội với mẹ Hoài Phong mặt hoảng loạn thấy rõ, chỉ mỗi cậu là vẫn ngồi im, mặt bình thản như không phải chuyện của mình. Bà nội vội nắm tay người đàn bà kia, giọng nói khẩn khoản.

“Ấy ấy, tôi xin cô. Cháu nó còn trẻ người non dạ, có gì để tôi từ từ dạy cháu. Xin cô đừng báo lên chính quyền. Tôi xin cô.”

“Em xin chị, chị tha cho con em.”

Mẹ Hoài Phong cũng tha thiết van xin.

Người đàn bà kia nhìn họ khinh khỉnh, nói:

“Tôi thì cũng không phải là con người đanh đá, độc ác gì. Nhưng con mấy người đánh con tôi ra nông nỗi này, thì cũng phải có chút bồi thường để nó được dưỡng cái phần xác và tĩnh cái phần tinh thần chứ.”

“Vâng vâng, bồi thường gì cũng được ạ. Chỉ mong cô đừng báo lên phường.”

“Tôi đưa con tôi đi khám, họ nói nó bị chấn thương nặng lắm, lại bị shock tâm lý nữa, nhưng thôi, cái đấy là do con tôi xui xẻo gặp phải con mấy người nên mới bị thế, tôi không tính. Chỉ xin mấy người vài đồng để chạy tiền viện phí, rồi thuốc men nữa.”

“Vâng… vâng…”

Bà nội Hoài Phong vẫn nắm chặt tay tắc kè mẹ, hai hàng nước mắt đã rơi tự lúc nào không hay.

“Mười triệu. Tôi chỉ xin mấy người mười triệu thôi.”

Đối với hoàn cảnh như nhà Hoài Phong mà nói thì đó quả là số tiền lớn. Hoài Phong không nhịn được nữa, vùng vằng đứng dậy hét lên.

“Bà điên à? Có mấy vết xước ngoài da mà làm như nó sắp chết ấy.”

“Mày... mày…”

Tắc kè mẹ điên lắm, lắp bắp mãi không thành lời. Bà nội và mẹ cậu lại hốt hoảng, níu áo, kéo cậu ngồi xuống. Bà bảo mẹ cậu đưa cậu về phòng, còn bà thì lấy khoản tiền dành dụm bấy lâu nay bồi thường cho họ. Mẹ con tắc kè hoa sau khi nhận tiền xong thì cắp mông về thẳng, không nói câu gì.

*****​

“Con xin lỗi bà.”

Mặc kệ Hoài Phong xin lỗi, bà nội vẫn tiếp tục nằm im, quay mặt vào tường. Hoài Phong biết bà giận lắm.

“Con…”

“Thôi thôi, đồ phá gia chi tử như mày thì có xin lỗi cũng như không thôi. Hết lỗi này lại lỗi khác. Mày và mẹ mày chỉ biết ăn bám cái nhà này thôi.”

Phải rồi, mẹ cậu cả ngày chỉ ở nhà loanh quanh nơi góc bếp, thu nhập chính là từ bố cậu, vì thế mà bà nội luôn coi thường mẹ cậu.

Trong nhà này, chỉ có mỗi mẹ là yêu và tin tưởng cậu, cậu không cho phép bất kỳ ai xúc phạm mẹ.

“Con sẽ trả lại bà khoản tiền đó.”
Bình Luận (0)
Comment