Yêu Cậu Học Sinh Cá Biệt

Chương 21

Mừng Tết đến và lộc đến nhà nhà… Cánh mai vàng, cành đào hồng thắm tươi…

Những nốt nhạc vui nhộn của mấy bản nhạc xuân rộn ràng thi nhau nhảy nhót tung tăng khắp xóm giềng. Trải dài đầu đường cuối phố, đâu đâu ta cũng bắt gặp hình ảnh một chiếc xe đạp với những cái mẹt chở đầy các loài hoa ngào ngạt hương thơm và sặc sỡ sắc màu. Mấy cây xanh trên vỉa hè được người dân treo lên biết bao nhiêu là dây đèn, chờ khi trời tối thì “tách”, lung linh lấp lánh cả một dãy đường. Phố xá những ngày cuối năm nhộn nhịp lên hẳn, dân chúng đổ xô ra ngoài sắm đồ đón Tết. Người đi bộ thì trên tay nặng trĩu những túi lỉnh kỉnh, kẻ chạy xe thì vui mừng chở về nhà một chậu quất to lụ xụ hoặc một cành đào hồng rực rỡ.

Hơi thở mùa xuân tràn ngập nơi nơi, nhà nhà chờ Tết, người người đợi Tết. Chim chóc reo vang, nhạc nhẽo tưng bừng, mọi người cười nói. Quả là một không khí khiến cho ai nấy đều phải náo nức khôn nguôi!

“Xuân ơi xuân đã về… Téo téo teo teo tèo teo téo…”

Bảo An tay cầm cái chổi lông gà phẩy qua phẩy lại mọi ngóc ngách trong nhà, miệng thì líu lo theo lời bài hát đang được phát trên vô tuyến. Mấy ngày giáp Tết là khoảng thời gian mà An yêu thích nhất trong năm. Cứ đến dịp này sức sống trong An lại dâng trào và bung tràn mãnh liệt, bất kể là đang khỏe mạnh hay ốm đau. Nhớ có năm An bị sốt, người nóng hầm hầm, nằm bẹp dí một chỗ trên giường ấy vậy mà nhạc xuân vừa phát là con bé đạp tung chăn, bật dậy và nhảy nhót tưng bừng, sau đó thì khỏi ốm luôn. Quá kỳ diệu!

Cuối năm công việc ở cửa hàng tăng gấp bội ngày thường, An lại là con một vì thế mọi công việc dọn dẹp, tân trang lại nhà cửa mẹ đều giao cho An hết. An là cô gái ưa sạch sẽ và mắc căn bệnh cuồng lau chùi. Ngày thường bệnh vốn đã nặng, đến khi Tết về thì càng được đà phát triển mạnh mẽ. Kể từ hôm nghỉ Tết đến giờ, tức là hai mươi tám âm lịch, chổi lau nhà, máy hút bụi,… những vật dụng ấy đều được An ngày qua ngày vắt kiệt sức lao động. Chăn ga gối đệm, tất tần tật đều được An lôi ra và giặt đi giặt lại tới bung cả chỉ mới thôi. Tết đến, ai cũng mong có một tấm áo mới, kể cả con gấu bông trắng kia cũng vậy. Nghĩ thế, An quyết tâm trổ tài may vá. Khệ nệ vác cả đống vải về nhà, tỉ mỉ đặt chúng lên chân mình rồi đo đo cắt cắt nhưng do bản tính bất cẩn đã khiến An cắt nhầm luôn cả vào ống quần mình, không phải chỉ một mà là đến gần chục lần. An nản, kế hoạch may áo mới cho gấu chính thức phá sản.

Sau một ngày dài say sưa thực hiện trọng trách mẹ giao, An lao xuống bếp mở tủ lạnh và tìm kiếm đồ ăn. Chà chà, cái tủ lạnh đã chật cứng. Mấy món này đều là do bà nội và bà ngoại chuẩn bị, sau đó thì một mực nhét vào tủ lạnh vốn đã đầy ắp những món mà mẹ An nấu nướng trước đó. Mẹ chưa về, An phải ăn một mình. Dù hơi chán nhưng con bé cũng quen rồi, hơn nữa phải biết thông cảm cho mẹ chứ. Ông bà nội, ngoại đều bảo An dọn sang bên đó ở mấy ngày cho vui nhưng con bé từ chối, nói rằng muốn ở nhà cho nhà có hơi người vì mẹ đã đi cả ngày rồi.

Xong bữa chính, An lại lùng sục khắp các tủ để truy tìm đồ ăn nhẹ cho bữa phụ sắp sửa diễn ra ngay tức khắc. Mấy hôm trước An cùng hai bà đi siêu thị mua sắm bánh trái, kẹo mứt dùng để thiết đãi khách khứa trong những ngày Tết. Chọn được bao nhiêu thứ, chất đầy ắp cả ba xe chở đồ cơ. Thế mà vừa về đến nhà An, quay đi ngoảnh lại tất cả cái đống ấy đã nằm gọn ghẽ trong cái bụng không đáy kia rồi. Bây giờ nhìn cái tủ gần như là trống trơn, An không khỏi ăn năn hối hận, tự tay tát vào miệng mình mấy phát ten tét.

“Chết thật! Thế này khách đến chơi biết lấy gì mà tiếp… Chẹp, mai lại phải đi sắm thêm đợt nữa vậy.”

Và vì đằng nào ngày mai cái tủ cũng sẽ được lấp đầy nên An chẳng ngần ngại mà cuỗm nốt hai túi bò khô và đống hướng dương còn sót lại trong tủ rồi băng băng chạy lên phòng. Bảo An để mặc cho cơ thể ngã tự do xuống giường đánh “phịch”, một tay vớ lấy cái điều kiển mở mô tuyến cho không khí đỡ bí, tay còn lại từ từ bỏ miếng bò khô cay xè vào miệng. Trên vô tuyến đang phát chương trình dạy gói bánh chưng. Nhìn thấy mấy cái bánh chưng vuông vuông, xanh xanh màu lá dong An lại không khỏi bực mình khi nhớ tới cái buổi trưa xui xẻo hôm ấy.

Chuyện là thế này, đó là buổi học cuối cùng trước khi học sinh chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài chín ngày. Thay vì để học sinh ngồi tám nhảm trong lớp chờ tới lúc trống trường vang lên kết thúc ngày học, trường Khắc Ân tổ chức một buổi ngoại khóa ngay tại sân trường, dạy học sinh cách gói bánh chưng truyền thống. Học sinh các lớp khối mười và mười hai được chuyển sang trường cấp hai bên cạnh, thành thử sân trường bây giờ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của đám lớp mười một. Vì thời gian hạn hẹp nên các em chỉ được hướng dẫn cách gói bánh thôi, khâu luộc bánh nhà trường cho các em về tự tìm hiểu. Đám con gái lớp mười một Anh thì cần mẫn ngồi sắp xếp lại những hộp nguyên liệu đã được nhà trường chuẩn bị trước đó, trong khi mấy tên con trai lại dùng những tấm lá dong để đùa nghịch. Ở sân sau của trường, cánh mày râu vốn mê phim chưởng nhìn thấy đống “vũ khí” đã được bày sẵn trên trận địa, bèn hăng chí lao vào chiến đấu. Kỳ và Đức mỗi đứa lãnh đạo một đội quân, lấy lá dong làm đao, rổ giá làm khiên, xông vào quật nhau tơi bời.

“Nhân dân đâu, mau mau tiến lên lật đổ thằng Đức đỏng đảnh, thiết lập lại ngôi vị lớp trường nào.”

“Hỡi binh lính, hãy đập tan mưu đồ xấu xa của lũ láo lếu kia cho ta.”

Bụi bay mù mịt, mấy tấm lá vừa được rửa sạch sẽ ban sáng giờ dính đầy đất cát. Hai ông tướng Kỳ và Đức đang chinh chiến một cách máu lửa thì bố Bộ từ đâu tiến tới đá cho mỗi tên một cái đau điếng vào mông.

“Bố bảo chúng mày ra đây rửa lá mà chúng mày phá lanh tanh bành thế này hả?”

Bị bắt tại trận, hai ông tướng Kỳ và Đức khi nãy oai phong là thế giờ thì mềm nhũn như sợi bún, rối rít xin lỗi:

“Hề hề, bọn con chỉ là một phút bốc đồng thôi mà bố. Bọn con làm ngay đây, hứa sẽ chăm chỉ và ngoan ngoãn ạ.”

“Nhanh lên đi, đám con gái đang sốt ruột đợi mấy ông đấy. Là thằng đàn ông phải có tinh thần trách nhiệm, làm việc phải đâu ra đấy. Chứ không thể tắc trách như thế này được. Hơn nữa, đồ ăn thức uống là thứ đáng được trân trọng. Chúng mày nghịch ngợm hỏng hết cả lá, tí lấy gì mà gói? Lại phải mua lá mới, thế có phải là lãng phí không? Đã vậy còn mất toi thêm cả đống tiền nước nữa. Phải biết tiết kiệm con ạ. Từ giờ tôi mà thấy anh nào thiếu nghiêm túc thì cứ liệu hồn đấy. Hừm…”

Sau khi “sạc” cho đám quỷ sứ kia một trận bằng chất giọng oang oang, vang vang đặc trưng, bố Bộ quay lưng sải bước tiến về phía trước. Bọn con trai thì uể oải trở lại với công việc được giao phó.

“Đang vui thì… Mà rõ bất công nhớ. Anh em mình bây giờ đã phải gù lưng ra kì cọ đống lá này rồi. Chốc nữa cũng có được ngồi chơi đâu, vẫn phải lao vào mà gói đấy thôi. Ôi giời… Mệt mõi.”

Cậu Đức lớp trưởng ngồi huỵch một cái xuống nền cỏ, tay chà chà đống lá mà tâm không cam, miệng không ngừng kêu thán. Bảo Kỳ thì dùng ánh mắt đầy ghen tị nhìn đăm đăm về phía sân trường – nơi đám con gái đang tranh thủ chụp choẹt mấy tấm hình trong khi đợi lá về.

Cùng lúc ấy Hoài Phong và ba anh em chiến hữu lại bùng học ra quán nước bên kia đường đập phá với lý do “Đằng nào chả nghỉ, thôi thì nghỉ sớm một buổi coi như tiết kiệm chút ít tiền điện cho nhà trường.” Hoài Phong lấy từ cặp sách ra một chai rượu trắng, chúng bạn nhìn thấy ồ lên khoái chí.

“Bình thường đi liên hoan với lớp chỉ được uống nước ngọt, cùng lắm là đụng vào một, hai lon bia. Nhạt nhẽo! Hôm nay, anh sẽ giúp các chú mở mang tầm mắt.”

Vừa nói Phong vừa rót rượu vào chén từng đứa một. Cậu Trí ngồi đối diện nhếch môi khinh bỉ.

“Xớ, mày thì đã từng uống chắc? Đây cũng là lần đầu biết tới vị rượu mà còn bày đặt lên mặt.”

Phong chẳng thèm đốp chát lại, cậu coi mấy lời đó như tiếng muỗi vo ve bên tai và tiếp tục rót rượu. Rượu vừa đầy tất cả các chén, một anh bạn béo ú nu nhanh nhảu đưa lên miệng. Đang chuẩn tận hưởng hớp rượu đầu tiên trong đời thì bị Phong vỗ cho một phát đau điếng vào đầu, cậu ta nhăn mặt bất bình.

“Cha nhà mày, điên à? Trời đánh còn tránh chén nước, huống hồ đây lại là rượu, đã rót ra rồi sao lại cấm tao hả?”

“Ai cấm mày? Nhưng uống suông thế thì chán chết. Chơi bài đi, thằng nào thua thì phạt uống.”

Hoài Phong lôi từ trong túi quần ra một bộ bài, lắc qua lắc lại và dõng dạc truyền lệnh. Cơ mà chẳng ai đồng tình hết, tất cả đều nhao nhao lên phản đối:

“Thế thì thằng nào chẳng muốn thua. Đổi lại đi, thằng nào nhất mới được uống.”

Phong xoa xoa cằm suy nghĩ, kể ra thì chúng nó nói nghe có vẻ đúng. Rượu thì đứa nào cũng ham, chơi mà cứ cố nhường nhau để được thua thì đến bao giờ mới hết ván. Cậu gật đầu nhất trí với ý kiến của đám bạn. Nhưng chỉ được hồi đầu thôi vì rượu vẫn còn phân nửa mà mặt cậu nào cậu nấy đỏ tưng bừng, trong người đã bắt đầu cảm thấy nôn nao và do đó luật lệ lại được đổi thêm lần nữa: Kẻ thua sẽ bị phạt uống.

Nâng niu chiếc bánh chưng được gói túm tụm và hết sức xộc xệch trên tay, Bảo An lấy làm tí tởn lắm. Mọi năm chỉ được ngồi nhìn ông bà ngoại gói bánh thôi chưa từng có cơ hội nhón tay vào thực hiện, nên là dù bánh rất xấu nhưng An vẫn vô cùng hãnh diện, gặp ai cũng hớn hở khoe. Và đặc biệt An rất muốn đón nghe lời nhận xét từ cậu bạn ấy.

“Ê Phong, cậu còn ở trường không? Giờ tớ qua chỗ cậu một lát nhớ? Có cái này hay cực.”

Giây phút đó, cơ quan trung ương thần kinh của Phong đã bắt đầu tê liệt rồi nhưng cậu vẫn có thể nhận ra giọng nói của người bên kia đầu dây. Phong gục gặc gật đầu, nói giọng lè nhè:

“Hở?... Còn… Được…”

An không nhận ra sự khác biệt trong chất giọng của cậu bạn. Ngay sau đó liền leo lên xe và phóng đi tắp lự. Tới nơi thì cổng trường đã vắng hoe vắng hoắt, chẳng thấy bóng dáng người thân đâu. An hậm hực rút điện thoại ra gọi. Gọi đến cả chục cuộc cũng chẳng ai nghe, đến lúc giận dỗi chuẩn bị cúp máy rồi đi về thì bên kia có người nhấc máy.

“Nghe… An nào đấy? Tìm thằng Phong à?”

Giọng lạ hoắc! Là ai nhỉ? Chẳng lẽ Phong bị bắt cóc? Cũng có thể lắm, dù cho cậu ta có xấu đến ma chê quỷ hờn nhưng với cái bụng khỏe hơn lợn của mình thì đống nội tạng bên trong chắc hẳn rất được giá. Hay lại gây sự xích mích với ai xong bị người ta đánh cho bê xê lết lăn ra chết rồi?

Bảo An kinh hãi cắn cắn gặm gặm móng tay, đầu óc liên tục hình dung ra những hình ảnh thảm khốc. Nếu như chuyện đó xảy ra thật và nếu như Phong không còn ở trên cõi đời này nữa, An biết phải làm sao đây? Bảo An bất giác rống lên, khóc lóc thê lương, thảm thiết giữa thanh thiên bạch nhật:

“Phong của tôi đâu rồi? Oe oe… Trả lại Phong cho tôi. Mau trả lại đây… Oa oa…”

Ngồi ở trong quán ngay đối diện cổng trường, Trí bị chất giọng the thé của An dọa cho suýt thủng màng nhĩ. Nhưng cũng nhờ cái âm vang khủng khiếp ấy mà Trí đã xác định được vị trí của An. Ở bên kia đường, An đang ngoạc mồm ra gào thét nghe muốn nhức cả óc, chân thì bước qua bước lại nhìn muốn chóng cả mặt, hai tay vung lên vung xuống trông muốn hoa cả mắt. Thấy cảnh tưởng ấy, Trí – người tỉnh nhất hội lúc bấy giờ - không khỏi bật cười. Trí tiến lại phía cửa quán, giơ cao tay lên vẫy vẫy thu hút sự chú ý của Bảo An.

“Này bạn ơi. Phong của bạn ở đây này. Bạn ơi… À, An ơi.”

Nghe có người gọi tên, Bảo An vội ngơ ngác liếc mắt tìm kiếm. Quay sang phía đối diện thấy có cậu con trai đang đứng đó, cười toe, vẫy tay liên hồi.

“Sang đây đi. Thằng Phong ở trong này này.”

Hơi đắn đo và lo sợ một chút nhưng rồi An cũng tiến lại phía anh bạn kia. Vừa tới nơi đã vội vã hỏi liên tiếp:

“Phong đâu? Sao cậu lại cầm máy của Phong? Là bạn Phong à? Mà cậu biết tớ hả? Còn nữa, cậu…”

Bị tra khảo dồn dập như vậy Trí chỉ còn biết đưa tay lên chắn ngang miệng An một cách thô thiển.

“Hỏi từ từ thôi nàng ơi, hỏi nhiều như ép cung thế người ta dỗi không thèm trả lời bây giờ. Thứ nhất, thằng Phong đang nằm chết dí trên bàn kia kìa, say khướt rồi. Thứ hai, tớ cầm máy của nó đơn giản vì tớ nghe hộ nó thôi. Thứ ba, đúng tớ là bạn nó, tên Trí. Cuối cùng, tớ không biết cậu, biết tên cậu thôi. Nó lưu trong máy là An mà. Xin hết!”

Bảo An há hốc mồm nuốt trọn từng câu từng chữ một, cái đầu đầu gật gật ra điều đã hiểu. An quay mặt theo hướng Trí chỉ, nhìn thấy Phong nằm chình ình ở đấy, xung quanh còn có hai anh bạn nữa cũng trong tình trạng tương tự. Trên bàn bừa bộn những chén cốc, chai rượu đã cạn gần hết, đĩa lạc rang, bộ bài và một vài đồ ăn linh tinh khác nữa. Định sang khoe thành quả bánh chưng đầu tiên trong đời, thật không ngờ lại phải chứng kiến cái cảnh tượng này. Bảo An thộn cả mặt ra, chẳng biết phải hành xử như thế nào nữa. Đúng lúc ấy, Phong bất chợt lóc ngóc nhổm đầu dậy, nheo mắt trông về phía An. Cả hai im lặng nhìn nhau mấy giây thì Phong lên tiếng bằng chất giọng nhè nhè của mấy tay bợm rượu:

“Sao lại có con xì trum xanh xanh lùn lùn ở đây thế này? Ợ… ờm… Mà con xì trum này nhìn cứ ngu ngu thộn thộn ấy nhể? Hớ hớ… Ợ.”

Mặt Bảo An cứ đần ra theo từng câu từng chữ được phát từ cái mồm nồng nặc mùi rượu kia. An lùn, An công nhận điều đó. Nhưng còn “ngu thộn” là sao chứ? Xưa giờ soi gương, An thấy mình cũng xinh xắn, trắng trẻo lắm mà, nhìn rất có khí chất của một nữ nhi tinh anh xuất chúng. Còn nữa, khác hẳn những cô nàng “chân dài não ngắn” An tự xét thấy bản thân không chỉ đẹp người mà còn sở hữu một bộ não khá là đỉnh nữa cơ. Chỉ là không quá thông minh trong một vài trường hợp thôi, ngoài những thứ không biết ra, cái gì An chẳng hay. Thế mà Phong dám…

“Này, cậu định mượn rượu để xúc xiểng tớ đấy hả? Nói cho cậu biết…”

Thân hình lảo đảo của Phong từ từ tiến tới rồi dí sát mặt mình vào mặt An, nhìn chằm chằm khiến cho An đang nói liền cứng họng lại, hai tai đỏ phừng phừng, cả người run lên lẩy bẩy.

“Lui… lui ra đi. Cậu định… làm cái gì hả?”

Phong chẳng nói chẳng rằng, chỉ đăm đăm nhìn người đối diện. Đôi mắt chầm chậm dịch chuyển ánh nhìn từ khuôn mặt xuống dần phía dưới, cuối cùng dừng lại tại cái bánh chưng xấu nhất quả đất kia. Gương mặt đang lừ lừ bỗng chốc bừng sáng, Phong reo lên vui sướng:

“Ô, quả gì nhìn lạ thế này? Méo méo, xẹo xẹo chả ra cái hình thù quái gì cả. Thử miếng xem nào.”

Nhanh như cắt, Phong thẳng tay giật phắt cái bánh trên tay An, thản nhiên đưa vào miệng cắn ngoàm một miếng to đùng. Quá nhanh, quá nguy hiểm. An chẳng hiểu những câu Phong vừa nói, chỉ biết rằng đến khi nhận thức được mọi thứ thì Phong đã phun toẹt cái đống lá dong vừa cắn vào mặt mình. Bẩn hết sức!

“Phụt… tởm vãi!”

Vào cái giây phút An đang chuẩn bị hét lên vì thương tiếc cho cái bánh chưng xấu số của mình, cũng vì đau xót cho gương mặt đang dính đầy nước bọt của cậu bạn thân thì Hoài Phong lại tiếp tục làm một hành động còn kinh khủng hơn trước gấp vạn lần. Cậu nôn vào người Bảo An.

Cô gái đáng thương thất thần nhìn bả vai bên trái đang dính đầy những thứ nhơm nhớp bốc ra cái mùi chua loét. Bảo An thực sự rơi vào trạng thái sốc, hồn đã lìa khỏi xác tự lúc nào không hay. Con bé như bị hóa đá, cứ ngây ngơ đứng đó há hốc mồm ra, đôi mắt đã chết dí trên đống nôn kia nãy giờ. Anh bạn Trí đứng bên cạnh cũng hoảng không kém, cái miệng cũng ngoác ra gặm chặt hai bàn tay, sửng sốt không thốt thành lời. Còn tên tội đồ Phong, sau khi liên tiếp gây ra hai vụ thảm án thì chỉ thản nhiên xoa xoa ngực, nói:

“Nhẹ nhõm quá đi mất, ợ.”

Rồi vô tư ngã ngửa ra đằng sau, cũng may là Trí đã kịp “tỉnh”, chạy lại và đỡ vội lấy tấm thân đang mềm oặt kia.

Cái bánh chưng đầu tiên của tôi. Cái áo khoác xanh coban yêu quý nhất trần đời của tôi… Mất hết rồi, hức hức. Lê Hoài Phong, cậu đúng là đồ bẩn thỉu, đồ hư đốn, đồ chết bầm…

Bảo An không ngừng khóc ròng trong lòng. Sau đó Trí nhanh chóng đẩy Bảo An lên xe và giục con bé về. Còn hứa là sẽ giúp An giải quyết gọn gàng cái bánh chưng quý giá ấy, nhất định không để phí của giời. An vẫn còn ngơ ngác lắm song vẫn răm rắp làm theo. Cuối cùng, bánh thì không được ăn, lại còn tốn thêm đống tiền cho cửa hàng giặt là nữa chứ.

*****​

Mặc dù tối ấy Phong có gọi điện xin lỗi và bằng tấm lòng độ lượng, bao la như trời cao biển rộng của mình, An đã xí xóa hết mọi chuyện, nhưng giờ cứ nhìn vào cái áo khoác đang treo trên mắc là con bé lại cảm thấy có cục tức nghèn nghẹn nơi cổ họng. Nhất định phải hành xác cậu một ngày thì mọi chuyện mới thực sự được cho qua. Nghĩ vậy An phủi tay mấy cái, cầm điện thoại gọi cho người thương. Chuông điện thoại đổ liên hồi rồi lại tắt, An gọi đi gọi lại đến mức nóng cả máy bỏng cả tai mà Phong vẫn chẳng bắt máy. Mãi khi An thiếu kiên nhẫn đến suýt phi cái thiết bị liên lạc vào tường thì ở đầu dây bên kia giọng Phong bực tức lên tiếng, như vị cứu tinh cho số phận cái điện thoại.

“Sao? Gọi gì lắm thế? Đang bận.”

“Cậu lại chơi điện tử đúng không? Tớ biết thừa. Mai đi siêu thị mua đồ Tết với tớ nhé.”

Hoài Phong một tay bấm chuột, một tay bấm phím, tai áp sát vào vai để giữ chặt chiếc điện thoại, nói:

“Không rảnh đâu. Đấy không phải việc của một thằng con trai. Thế nhé!”

Từ chối xong thì cúp máy cái rụp, không để An có thêm cơ hội mè nheo. Thật là vô trách nhiệm, lại còn phân biệt nam nữ nữa chứ. An phải chỉnh đốn, uốn nắn lại ngay thôi nếu không sau này lấy về chả nhờ vả được gì hết. An chẳng gọi điện cắt ngang cuộc vui của Phong nữa, con bé nhắn tin.

Ting… ting… ting…

Tiếng tin nhắn reo lên liên hồi, thật làm cho Phong mất tập trung hết sức, nhân vật trong game cũng vì thế mà tử trận anh dũng. Lia con chuột máy tính vào xó bàn, cậu vớ lấy cái điện thoại và đọc tin nhắn. Tốc độ bấm máy của An cũng đáng nể ra phết, mới có mấy phút mà gửi được rõ lắm tin. Kinh thật!

“Cậu là đồ không biết chăm lo cho gia đình. Việc sắm sửa đồ đạc đón Tết là việc của mọi thành viên, cớ sao lại phân biệt trai gái. Để đảm bảo hạnh phúc cho mọi cô gái trên quả đất này, tớ trù ẻo cậu sẽ ế suốt đời.”

“Này Phong, tớ không có ý triệt tiêu gia phả nhà cậu đâu. Thành thật xin lỗi và mong nhận được sự tha thứ.”

“Cậu giận à? Nói gì đi chứ, mắng nhiếc cũng được, đừng im mãi như thế. Tớ bị buồn.”

“Tớ đói quá, nhà hết đồ ăn rồi. Mai đi cùng đi mà. Năn nỉ đấy Phong đẹp trai.”

“….”

Tâm trạng đang rơi ở xuống tuốt tận âm vô cùng của Phong bất ngờ được kéo lên đôi chút. Cậu khẽ mỉm cười rồi hồi âm lại số tin nhắn khủng lồ kia.

“Ừ. Mai lái xe đến đón tao được không? Thông cảm, trời lạnh ngại đi bộ tới tận nhà mày lắm.”
Bình Luận (0)
Comment