Yêu Cậu Học Sinh Cá Biệt

Chương 24

Hoài Phong phầm phập lao thẳng xuống dốc, gương mặt vênh lên đắc chí khi nghe thấy tiếng An nheo nhéo gọi tên mình từ phía sau. Chậc, trông Phong lúc này thật giống một siêu sao sang chảnh đang bị “fan cuồng” bám đuôi quá đi! Người ngoài bắt gặp, ai cũng nghĩ hai đứa hẳn phải là một đôi uyên ương đang trêu đùa nhau. Anh chân dài sải bước rộng đằng trước, cái đầu còn đung đưa theo nhịp bài ca đang hát. Em chân ngắn lạch bạch theo sau, vừa lau mồ hôi vừa la hét réo tên người tình. Đáng yêu hết biết!

“Phong, tai cậu nghễnh ngãng hả? Đợi tớ.”

Mặc cho An kêu gào đến khàn cả tiếng, Phong vẫn giả câm giả điếc chẳng thèm thương tiếc mà đáp lời. Cũng may Trời thương nên mới ban phép giúp An có thể tăng tốc đuổi kịp cậu con trai đáng ghét kia. Ông “thổi” phù một cái, An bất giác loạng choạng, chân trái đá chân phải, ngã bổ nhào xuống đất. Sườn đê lại dốc, thành thử An cũng theo đó mà lăn lông lốc mấy vòng liền, xuống tận chân đê luôn. Giá mà Phong túm được An rồi cả hai cùng theo đà mà lăn xuống thì quả đúng là một cảnh tượng đậm chất phim. Tiếc rằng, mọi chuyện diễn ra quá nhanh khiến Phong chỉ biết tái mét mặt đứng bất động một chỗ, còn An thì vừa ré vừa té một mình, đau ê ẩm.

“Ôi má ơi, đau chết con mất... Gãy xương toàn thân rồi... Nhỡ tớ bị phế thì sao hả Phong? Oé óe...”

Khi An đã nằm úp mặt yên vị nơi cuối chân đê và khóc thét lên như đứa trẻ, Phong mới hoàn hồn, tá hỏa chạy lại. Đến nơi, Phong vẫn hoảng chưa nói thành lời, chỉ vội đỡ An ngồi dậy và kiểm tra thương tích trên người con bé. Cũng may có mấy cô bác qua đường đến bên giúp đỡ, trong số ấy có một vị là bác sĩ. Xem xét hồi lâu, bác nói:

“Biết dùng tay ôm chặt lấy đầu trong lúc ngã như thế là tốt đấy. Chỉ trầy xước ngoài da thôi, xương cốt các kiểu vẫn ổn cả, không có gì đáng lo. Yên tâm là không mất Tết nhé! Khà khà!”

Bác gái ngồi trước hiên nhà gần đó được chứng kiến tất cả mọi chuyện còn chêm thêm một câu bông đùa:

“Thôi, lần sau có giận dỗi gì cũng không được bỏ bạn gái lại phía sau đâu đấy. Chết không cơ chứ!”

Mọi người nghe xong đều rộ lên rôm rả, ngay cả Bảo An đang khóc ngon lành cũng phải bụp miệng cười phì. Xong xuôi, ai nấy đều tản ra lo công việc của riêng mình. Đôi bạn cũng không quên cúi đầu cảm ơn mọi người, còn kèm theo cả những lời chúc Tết bình an và hạnh phúc nữa. Bây giờ chỉ còn An và Phong ở lại, con bé vẫn đang ngồi xoa xoa hai lòng bàn tay. Lúc ở nhà thì bị dao cứa đứt, giờ lại ra nông nỗi này, làm sao mà lái xe đây? Bảo An đung đưa cái chìa khóa và tấm vé trước mặt cậu bạn, cất lên chất giọng tội nghiệp đến nghẹn lòng người:

“Phong ơi... Phong...”

Bộ não Phong thừa nếp nhăn và chất xám để hiểu được ngụ ý của An. Con bé chẳng nhắc thì cậu cũng không nỡ để An tự lái xe về nhà trong tình trạng này. Hoài Phong nhận lấy cái chìa khóa và dặn dò:

“Ngồi đây đợi, tao ra đó lấy xe rồi quay lại đón. Cấm bò đi lung tung!”

Bò cái gì mà bó? An là người chứ có phải động vật bốn chân đâu. Phong nói thế thật xúc phạm người khác quá thể! Bảo An “xì” một tiếng dài rồi quay mặt đi chỗ khác không thèm đôi co. Phong còn định trêu chọc thêm chút xíu nữa nhưng lại nghe tiếng biểu tình kịch liệt của hai “ông bác dạ dày” nên đành thôi.

Buổi tối tiết trời se lạnh, có cơn gió vô tình lướt qua mấy vết trầy còn đang rớm máu trên tay An, xót xa không sao tả nổi! Đắn đo mãi, cuối cùng An cũng rón rét đút đôi bàn tay vào trong túi áo khoác ngoài của cậu con trai đang chuyên tâm lái chiếc xe điện. Hoài Phong hơi sững người đôi chút vì hành động tự nhiên này của An nhưng chưa kịp phản ứng gì đã nghe có tiếng nói thì thầm bên tai.

“Trời rét buốt tay lắm. Tớ rúc nhờ một lúc nhớ?”

Làm rồi mới xin, An đúng là… Phong không đáp lại, chỉ gật gật cái đầu ưng thuận. Được nước lấn tới, Bảo An tiếp tục tùy tiện tựa hẳn đầu vào lưng Phong, vừa ngả vừa “xin phép”:

“Cổ cũng đau nữa, dựa chút vậy.”

“Ờ, áp sát vào. Đừng chừa chỗ cho bất kỳ cơn gió nào lọt qua, nãy giờ lưng tao cũng rét run lên đây.”

Đôi môi mỏng khẽ chếch lên nét cười, Hoài Phong cảm nhận được hơi ấm đang bao bọc phía sau, cảm giác này mới thật khoan khoái biết bao. Chính bản thân Phong cũng phải công nhận rằng, từ ngày quen An, tính nết cậu đã dễ đi mấy phần. “Tấm thân vàng” này, không rõ từ khi nào mà con bé kia có thể thỏa mái “đụng chạm, sờ mó” đến vậy. Bảo An ngồi sau thì sung sướng hết nấc, đôi mắt híp tịt lại lộ rõ ý mừng. Giá bây giờ có ai đó chụp lại giúp An khoảnh khắc này thì tốt biết nhường nào.

Về đến cổng nhà ông bà ngoại cũng đã hơn bảy giờ tối, nhìn bóng dáng An đang loay hoay bấm số mở khóa, Phong ngập ngừng mãi mới thốt ra được tâm tư trong đầu:

“Chẳng hiểu sao, mỗi lúc ở bên mày... tao luôn có cảm giác bình yên... lạ! Cảm ơn!”

Lời vừa dứt cũng là lúc mà mặt cậu đỏ hơn bao giờ hết. Thấy An cứ ngẩn tò te chẳng ý kiến gì, Phong lại càng đâm cuống, gãi đầu bứt tay, cố gắng vận dụng hết vốn liếng từ vựng và khả năng diễn đạt để giãi bày tấm lòng.

“Thực ra thì... Ý tao là... Ờ thì...”

Trong khi đó, An cũng đang chìm mình với những nghĩ ngợi miên man của riêng bản thân. Quái thật, Phong thường ngày toàn buông lời cay ý đắng, hôm nay tự dưng lại tử tế thế nhỉ? Mà “bình yên lạ” là như thế nào? Rốt cuộc, câu nói kia là có ý tốt hay xấu đây? An chẳng tài nào mà hiểu nổi. Nhưng nhìn hai cái má đỏ ửng hệt cặp mông khỉ của Phong, An không nhịn được mình nữa rồi. Con bé đánh cánh môi lên và rung người cười hết sức vô duyên.

“Hơ hớ hớ...”

Những lời thổ lộ từ tận đáy lòng của Phong bị con bé đem ra làm trò đùa, cậu giận quá bèn đùng đùng quay ngoắt lưng bỏ đi:

“Cười như đười ươi ấy mà suốt ngày cười.”

Giờ thì An biết rồi, Phong nổi đóa như vậy hẳn là vì lời nói kia phải khó khăn lắm mới có thể thốt ra được, nhất là đối với kẻ mắc bệnh sĩ giai đoạn cuối như cậu lại càng cực hơn gấp trăm ngàn lần. Mà lời khó nói nhất định là thật lòng. Bảo An vờ ho lên mấy tiếng rồi vội nói, như thể sợ chậm một giây thì bóng lưng kia sẽ chìm hẳn vào trong bóng tối và không bao giờ xuất hiện nữa vậy:

“Vì tớ là Bảo An mà. Đố cậu biết được ý nghĩa sâu sa của cái tên này đấy.”

Phong dừng bước, gương mặt dài thuột dở khóc dở cười. Là An quên thật hay cố tình không nhớ đây? Có một câu mà đố đi đố lại đến chục lần là ít, Phong nghe cũng mòn cả hai lỗ tai rồi. Đã thế, cậu cứ giả ngu giả ngơ chọc cho An tức đến phát cáu thì thôi. Phong búng tay cái tách, rồi phăm phăm tiến về phía An, gương mặt hớn hở như vừa phát hiện ra điều gì đó lớn lao lắm.

“Có phải là viết tắt của hai từ ‘Bảo vệ’ và ‘An ninh’ không? Cả hai thứ đó đều mang lại cảm giác bình yên cho người khác mà.”

Vốn định khoe khoang ý nghĩa cao siêu của cái tên mà ông nội đã lao tâm mới nghĩ ra, giờ nghe được đáp án của Phong, thật khiến An kia tụt hết cả hứng thú. Con bé thộn mặt ngu người tại chỗ, còn cậu con trai đối diện thì ôm lấy cái bụng đang dính chặt vào lưng mà cười sằng sặc. Trông kìa, trông kìa, với bộ dạng này của An chỉ cần Phong bồi thêm mấy câu nữa thể nào con bé cũng vùng vằng giận dỗi bỏ thẳng vào trong nhà cho xem. Chính lúc Phong đang định bình luận thêm mấy câu thì…

“Cốp!”

Phong cau mày đưa tay lên xoa xoa cái trán, trong đầu thầm chửi rủa kẻ to gan nào dám chặn đứng cơn cười của cậu như vậy. Vừa ngẩng đầu lên, Phong đã thấy ông ngoại Bảo An đang đứng sừng sững trước mặt, tay trái bưng tô cơm còn tay phải vẫn tiếp tục cầm chiếc thìa sắt gõ từng phát côm cốp vào trán cậu, trách móc:

“Tên cháu ông hay như vậy mà thằng nhãi này dám xuyên tạc linh tinh thế hả?”

Khi nãy An xin phép được ra ngoài đúng vào thời điểm cả nhà sắp dùng bữa. Nhà ít người, lại không muốn tình trạng kẻ ăn trước người ăn sau nên ai nấy đều quyết định ngồi chờ cơm An. Nhưng vì bụng ông kêu réo ầm ĩ quá, buộc bà phải lấy cho ông một tô cơm để ăn tạm ứng. Đang ung dung dùng cơm trước hiên nhà, ông lại chứng kiến màn “đố vui không có thưởng” của cô cháu gái và cậu bạn. Thấy thằng nhóc ấy tính cách có vẻ hay ho nên ông mới bưng cả tô cả thìa ra góp vui cùng, ngờ đâu lại dọa cho cả hai đứa tái xanh cả mặt đến thế này.

“Ông ơi, Phong đùa chút thôi ạ. Ông đừng đánh cậu ấy nữa.”

Ông ngưng tay và làm bộ trừng mắt giận về phía An.

“Còn cái con bé này nữa, sắp đến giờ cơm lại chạy tót ra ngoài. Đứng đấy làm gì, mau vào nhà đi, mẹ mày đang đợi mày về để xử lý đấy con ạ.”

Thôi xong, mẹ An tuy hiền nhưng rất đỗi nguyên tắc và coi trọng gia giáo. Bắt toàn những bậc bô lão đợi cơm, lần này An phạm tội lớn thật rồi. Con bé tá hỏa vâng vâng dạ dạ rồi chạy thẳng vào nhà, chẳng còn tâm trí đâu mà quan tâm tới sự tồn tại của cậu bạn đặc biệt Lê Hoài Phong nữa. Còn lại mỗi ông và Phong trước cổng, cả hai nhìn nhau và cười.

“Cháu xin phép ông cháu về ạ. Chúc ông và cả nhà dùng cơm ngon miệng ạ.”

Phong định quay đầu đi nhưng ông đã kịp kéo tay cậu lại và lên tiếng mời cơm một cách nồng hậu:

“Từ từ đã, đi đâu mà vội. Vào nhà ăn cơm xong rồi về. Này ông bảo, cơm cái An nấu mùi vị… lạ lắm.”

Điều này thì Phong chưa được kiểm chứng nhưng nhìn cách An lóng ngóng đứng trong bếp nhà mình lần trước là Phong cũng có thể hiểu được đôi phần ông nói. Cậu gãi đầu cười trừ và từ chối khéo. Nghe tiếng bụng cậu kêu gào thảm thiết, ông ngoại cũng không muốn trêu nữa. Ông tỏ vẻ tiếc nuối lắm nhưng vẫn phải thả cho cậu về.

*****​

Đi đi lại lại trước cổng nhà đến gần nửa tiếng đồng hồ mà Phong vẫn chưa dám bước chân đi vào. Ban trưa ra đi hùng hổ là thế, giờ không ai gọi mà tò tò mò về quả thật Phong cũng cảm thấy mất thể diện lắm chứ. Bố và bà nội sẽ càng thêm coi thường cậu cho xem, cái mác “kẻ ăn bám” vẫn tiếp tục đeo bám cậu mãi không buông và họ lại nghĩ “Không có cái nhà này thì mày sống như nào?” Mặc dù hiện tại thì đúng là như vậy thật.

Lão dạ dày bị bỏ đói từ trưa nhói lên cơn đau thắt, Phong hơi khựng chân một chút rồi đứng thẳng tắp người dậy, hùng dũng tiến vào trong. Ăn đã rồi tính, dù sao cậu cũng vẫn chỉ là một thằng con trai mười bảy tuổi bồng bột mà thôi, suy nghĩ nào đã chín chắn.

Bước vào giữa sân, Phong thấy Hoài An đang lũi cũi bê mâm cơm chất đầy bát đũa bẩn đi xuống giếng. Vậy là cả nhà ăn ngon lành rồi sao? Có còn chừa lại thứ gì cho cái bụng khốn khổ của cậu không đây? Hoài Phong hoang mang trăm bề, bỗng nghe tiếng cô em gái nhỏ nhẹ gọi tên:

“Anh Phong, anh đi đâu cả ngày nay thế? Cả nhà lo cho anh lắm đấy.”

Cậu giật mình quay lại nhìn An, chưa kịp nói năng giãi bày gì đã lại thấy bóng bà xuất hiện. Bà bảo:

“Còn đứng ngẩn ra đấy làm gì? Cái An mau vào lấy cơm cho anh ăn đi.”

Truyền lệnh xong, bà cũng bước mấy bước tập tễnh vào gian bếp nhỏ. Phong trông theo dáng bà, thấy trên cổ bà đang quàng chiếc khăn len màu nâu cậu tặng. Bà không những không vứt bỏ, lại còn đem nó ra sử dụng vào dịp Tết nhất thế này, trong lòng Phong bỗng dâng lên một nỗi xúc cảm bồi hồi khó tả. Nghe thấy giọng nói quen thuộc của cậu con trai, mẹ Phong đang rửa lại bộ ấm chén bên giếng cũng hớt hả chạy ra. Nhìn thấy cậu, bà Trinh mừng lắm, tiến tới bên và ôm chầm lấy Phong rồi lại vội giục giã con vào trong ăn tối.

Bây giờ thì Hoài Phong đang ngồi yên vị bên mâm cơm nghi ngút khói, dù đã dùng xong bữa tối cùng cả nhà nhưng Hoài An vẫn ngồi cùng bên anh. Em đung đưa hai bàn tay nhỏ đang được bao bọc trong đôi găng bằng len ấm áp lên trước mắt anh và khoe.

“Ấm cực anh ạ, em thích dã man luôn ấy. Cám ơn anh Phong.”

Hoài Phong mồm đầy cơm không nói được gì, chỉ biết vừa nhai nhồm nhoàm vừa cười mãn nguyện. Hoài An tiếp tục kể lể thêm về những món quà kia, em biết anh sẽ vui lắm khi cả nhà ai cũng thích chúng.

“Cả bà và mẹ cũng ưng cái khăn lắm. Đấy, cả hai người đều đeo luôn lên cổ kia kìa. Bố thì em chẳng thấy biểu hiện gì nhưng chắc là cũng thích anh ạ.”

Chắc gì ông ấy đã cần đến chúng, có khi vứt vào xó xỉnh nào rồi cũng nên ấy chứ. Nhưng rồi Phong sựng người lại, cậu hơi ngờ ngợ nhớ ra điều gì đó. Đúng rồi, trước giờ bố cậu có mấy khi đi giày đi tất đâu vì ông bị tật ra mồ hôi chân mà. Trong lúc Phong đang ngậm cơm đăm chiêu suy nghĩ thì bố cậu từ ngoài sân bước vào:

“Chốc nữa ăn xong lấy xe chở bố và bà sang bên nhà ông trưởng họ có việc. Cả nhà cùng đi, không thành viên nào được vắng mặt đâu.”

Phong một lần nữa rơi vào trạng thái ngẩn ngơ bởi câu nói của bố, trước giờ có bao giờ bố nói chuyện nhẹ nhàng với cậu vậy đâu. Phong còn nghe thoang thoảng trong đó chun chút tình cảm nữa chứ. “Thành viên” chứ không phải “kẻ ăn bám”. Vị trí của cậu trong suy nghĩ của cả bố và bà đang dần thay đổi sao? Là nhờ vào thái độ và hành động trưa nay của cậu ư?

“Trưa nay lúc anh bỏ đi, bà với mẹ khóc suốt. Bà còn vào phòng thờ ngồi một mình trong đó mấy tiếng liền cơ. Lúc ra bà gọi cả bố và mẹ vào phòng nói gì đó mà em không biết. Chỉ biết là sau đấy, em thấy bố với bà là lạ sao ấy. Mà anh đừng ngậm cơm lúng búng như thế nữa, ăn nhanh lên em còn dọn.”

Hoài Phong giật mình bởi lời nói của cô em gái. Cậu cũng thực tò mò muốn thấu đã có chuyện gì xảy ra trong tâm tư của bố và bà. Phong đã nghĩ rằng tối nay về nhà chắc hẳn sẽ tiếp tục bị nghe mắng nghe chửi, nào có ngờ lại được tận hưởng cái cảm giác tuyệt vời này. Miếng cơm trong miệng dường như cũng ngon hơn hẳn ngày thường, cậu cười khì với em rồi chuyên tâm ăn uống hết sức hăng say và nhiệt tình.
Bình Luận (0)
Comment