Yêu Cậu Học Sinh Cá Biệt

Chương 44

Sau khi nghe Lâm phân tích về khả năng thành công, Minh bèn phăm phăm chạy ngay lên gác và khóa trái cửa phòng để vạch ra kế sách cưa cẩm An lần hai. Giấy bút đã la liệt trên bàn, Minh liền lên mạng tìm kiếm những chiêu thức lấy lòng con gái, cũng chẳng ái ngại mà mạnh dạn hỏi luôn kinh nghiệm từ đám bạn thân. Rồi bằng tất cả vốn hiểu biết của mình về An, Tuệ Minh mới cẩn thận đúc kết và chọn ra những chiến lược phù hợp với con bé nhất. Đang hăng say làm việc là thế, ngỡ rằng như chỉ còn vài bước nữa sẽ dẫn tới thành công, ngờ đâu khi kế hoạch gần thành, Minh lại nhận ngay được tin nhắn từ chối phũ phàng từ An.

“Em xin lỗi nhưng lời tỏ tình của anh, em sẽ không bao giờ đồng ý đâu anh. Vì em luôn hy vọng được trở thành đứa em gái của người anh trai tốt là anh.”

Buông rơi điện thoại và chiếc bút bi, Tuệ Minh cứ thế để mặc thân mình tự do tựa vào lưng ghế. Ném ánh mắt thất thần vào khoảng không vô định phía trước, Tuệ Minh nhếch mép cười chua xót cho mối tình đơn phương vừa tắt ngỏm của mình.

“Em phũ thật.”

Tin nhắn kia An gửi, chẳng những cự tuyệt Minh hôm nay mà còn tước luôn cả mọi cơ hội của anh sau này. Dù rằng hiện tại An chỉ để ý đến mình Phong thôi nhưng Minh hiểu, đó không phải lý do cho câu “không bao giờ đồng ý” vừa rồi. An không nhận lời Minh, đơn giản vì con bé sớm đã xếp cho anh một vị trí cố định khác trong cuộc sống của mình rồi thôi. Minh không trách An, trái lại anh còn muốn cảm ơn con bé vì đã cho anh một câu trả lời rõ ràng.

Có điều lần này, An thực sự đã làm khó anh quá rồi. Từ chối và rời xa An, Minh thực lòng không nỡ chút nào. Nhưng nếu nhận lời kết nghĩa và ngày ngày chứng kiến An trao yêu thương cho một người khác, Minh cũng chẳng dám chắc mình sẽ giữ được trọn tư cách của một người anh. Không cần biết quan điểm của những người khác ra sao nhưng với Minh, một khi đã nhận lời này với An, cũng sẽ đồng nghĩa với việc anh phải dứt khoát từ bỏ tình yêu đơn phương kia mãi mãi. Vì nếu lợi dụng kết nghĩa để làm bước đệm tiến tới kết hôn rồi đổ cho cảm xúc khó đoán thì thật chẳng khác nào tự tay bôi nhọ vào nhân phẩm của mình. Minh không làm được.

Đang lúc nát óc đắn đo, Minh lại nhận được thêm đôi dòng tin nhắn nữa từ An.

“Em không muốn vì chuyện này mà anh và em phải tìm cách né tránh hay trở nên khó xử mỗi khi vô tình chạm mặt đâu anh. Nhận lời em đi.”

An chỉ nhắn có một đoạn ngắn xíu xiu thôi, ấy thế mà lòng Minh đã mềm nhũn ra ngay được. Có lẽ việc được chiều theo ý thích của An, lâu dần đã trở thành một trong những thói quen và sở thích khó bỏ của Minh mất rồi. Để đến bây giờ, dù biết là sẽ rất khó và đau nhưng Minh vẫn thở dài đồng ý khoác lên mình chức danh anh trai mà An vừa mới bổ nhiệm.

“An vui là được rồi.”

Chẳng bắt An sốt ruột chờ lâu thêm nữa, Minh liền nhanh tay soạn ngay một đoạn tin nhắn cho An, chính thức đặt viên gạch đầu tiên cho quãng đường dài anh em sắp tới.

“Từ ngày mai, anh trai sẽ dạy cô cách nói giảm nói tránh để đỡ làm tổn thương người khác, nha cô nha.”

Rồi lại nhìn vào đống bừa bộn trên bàn, Minh chỉ biết lắc nhẹ đầu và cười buồn cho qua. Vừa thu dọn những giấy giấy tờ tờ lộn xộn, anh vừa tự nhẩm với chính bản thân:“Cất đi làm kỷ niệm vậy.”

Xong xuôi, Minh mới lấy lại khí thế ngời ngợi của buổi ban trưa và nhanh chân chạy vội xuống dưới nhà. Tầm giờ, chắc mẹ đã bày biện xong một bàn đầy ắp thức ăn và cái dạ dày trống tuếch này đã sẵn sàng để vơ vét tất cả những thứ đó rồi. Ngờ đâu sự thật phũ phàng, hoàn toàn khác xa so với điều Minh vừa mong ước. Bếp núc lạnh tanh, mặt bàn trống trải, trong phòng chỉ có mỗi chó An đang ngồi quay mặt vào tường tựa như đang dỗi và bên cạnh nó là Kiến Lâm trong bộ trang phục chỉnh tề. Một tay bưng tô thức ăn khô, một tay lay lay người chú chó, Kiến Lâm ra sức dỗ dành nó:

“Ăn đi An. Mày cứ thế này, làm sao tao yên tâm đi được.”

An vốn chẳng thích những thứ này đâu, họa hoằn lắm chú ta mới chịu hé mõm ăn tạm mỗi khi đám Sen, Nô trong nhà bận bịu quá thôi. Đợt vừa rồi, Minh vì mải đi cùng An, Lâm lại thường xuyên ngồi bên lan can buồn đời, bố mẹ thì chạy tới chạy lui lo công chuyện, thành thử ra chó cưng mới phải nhai nuốt đống hạt khô khốc ấy cho qua bữa vậy đấy. Giờ nó ngán, chẳng thèm đụng đến cũng phải thôi.

Thấy vậy, Minh bèn đi tới, ngồi quỳ xuống ngang tầm và hỏi thăm Lâm về sự vắng mặt của người bếp trưởng trong nhà:

“Mẹ đâu?”

Trông thấy anh trai, Lâm mừng như túm được tiền, bèn vội vội vàng vàng đưa cho anh bát ăn của An và hai trăm rưỡi tiền mặt, dặn dò:

“À đây rồi, anh cho nó ăn hộ em nhớ. Bố mẹ đi ăn tiệc rồi, lúc nãy có tạt qua nhà đưa cho em năm trăm nghìn nói anh em mình tự lo bữa tối. Nhưng giờ em phải ra ngoài có việc nên chia đôi số tiền đấy. Phần của anh đây.”

Minh nhăn mặt gặng hỏi:

“Đi đâu?”

Lâm nhanh miệng đáp lời, sẵn dịp trả thù luôn cho nỗi ấm ức ban nãy:

“Chuyện trẻ con, người lớn không cần biết.”

Dứt lời, cậu ta liền nhanh chân phóng vội ra ngoài. Bỏ lại sau lưng chú chó cưng vẫn đang chơi trò giận dỗi úp mặt vào tường và người anh trai còn trong thế quỳ như thể đang cung kính chào tạm biệt cậu em.

Rồi mặc kệ thằng em đáng ghét, Minh liền hướng sự quan tâm của mình sang cho chó An yêu dấu. Đứng dậy và tiến về phía tủ lạnh để lấy ra đôi ba con cá, nô anh quyết định sẽ phục vụ vị sếp lớn hết mình, coi như là chuộc lỗi cho chuỗi ngày vừa qua.

“An, cá này. Vào đây giúp tao một tay nấu cơm tối đi.”

Ngửi ra mùi cá khoái khẩu, An quên ngay tủi hờn và sấn sổ chạy tới bên Minh, cái đuôi cong cong ngúng nguẩy theo điệu hú sủa vui mừng:

“Gâu gấu... À hú...”

*****

Thời gian thấm thoắt trôi mau, chẳng mấy chốc An và Phong đã trở thành bậc anh cả, chị hai trong trường. Đợt tháng tư vừa rồi, các trường cấp ba trong thành phố đều đồng loạt tổ chức cho học sinh khối cuối làm thử hai đợt thi. Một là để giúp các em dễ dàng chọn ra môn học thế mạnh cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới và cái sau đó là để chuẩn bị tinh thần với bài thi tuyển sinh đại học ngay sau đó. Kể từ dạo nhận lời hứa hẹn với Phong, An chuyên tâm vào học hành và rèn nét chữ lắm lắm, có mấy bữa còn phải vào viện tiếp nước vì ôn tập quá sức cơ. Phong nghe mà thấy xót xa vô cùng. Có điều năn nỉ, quát mắng đủ kiểu con bé cũng vẫn cương quyết làm theo ý mình. Bó tay hết cách, Phong chỉ còn biết âm thầm chuẩn bị đồ ăn thức uống đến bồi bổ cho An mà thôi.

Và rồi không uổng công tu luyện đèn sách, bài thi thử đại học vừa rồi, Bảo An đã may mắn trở thành người có điểm tổng ba môn cao nhất ban D nhà mình. Tuy mang được vinh quang về cho lớp nhưng An lại chẳng được bất kỳ đứa bạn nào nói lời khen ngợi cả. Thay vào đó, chúng nó đồng loạt nhao nhao lên đòi An mở tiệc chiêu đãi, ăn mừng chiến thắng hôm nay. Nhân danh lớp trưởng, cậu Đức đứng lên đầu têu, khởi xướng:

“Đội quân đòi ăn khao đâu rồi? Hãy cho tôi thấy những cái mồm đầy răng của các bạn đi nào.”

Lợi dụng mối quen biết rộng rãi của bản thân, Phương “chim lợn” bèn lên giọng đe dọa:

“Mày mà không cho bọn tao ăn thì á, tao đi 'loa' cho cả trường biết là An lớp này nổi hứng muốn mời tất cả đi ăn nhân dịp giật giải đấy nhá.”

Chỉ chờ có thế, tập thể lớp mười hai Anh ngay lập tức đập bàn đập ghế, gào thét đòi ăn:

“Ăn đi... Ăn đi... Uống nữa...”

Giữa lúc lớp học nháo nhào ồn ào, An còn chưa kịp đứng lên cúi gật nhận lời và phát biểu đôi ba câu cảm xúc thì cô giáo lại tiếp tục thông báo một tin đáng buồn bằng giọng điệu có chút bông đùa như sau:

“Và cũng chính An đã cuỗm luôn ngôi vị bét bảng trong kỳ thi thử tốt nghiệp vừa rồi. Trừ Toán, Anh, Văn ra thì không có môn nào trên 2 điểm cả An ơi. 'Con gà công nghiệp' này học lệch quá rồi đấy nhé.”

Lời cô vừa dứt, đám bạn cùng lớp bèn vỗ tay đôm đốp và cười lên đầy sung sướng. Nghe tin sét đánh, gương mặt đang vênh vênh tự đắc của Bảo An, trong phút chốc liền nghệt ra trông thấy. An đã giao kèo với Phong rằng, nếu bài thi thử đại học này đạt được cao, con bé nghiễm nhiên sẽ được trở thành gia sư dạy kèm của cậu. Cơ mà mấy môn để chọn thi tốt nghiệp điểm lại lẹt đẹt thế này, An biết phải xin xỏ Phong kiểu gì đây. Trề môi mếu mếu, An đang hối hận vì đã không ôn thêm một chút cho một môn nào đó lắm đây. Thấy thế, Trúc Linh ngồi cạnh mới vỗ vỗ vai an ủi con bé:

“Thôi, trên một điểm là đủ để tốt nghiệp rồi. Mà 'học đều' thế kia, càng đỡ phải đau đầu chọn môn đăng ký thi chứ sao.”

Hai tiếng “học đều” được Linh ưu ái nhấn mạnh và kéo dài, An nghe mà thấy tưng tức ghê cơ, hận một nỗi không thể cù kỳ cho bõ ghét thôi. Cậu Đức lớp trưởng vừa ban nãy mạnh miệng đòi hỏi An là vậy, giờ thấy con bé ỉu xìu thế kia, cậu ta cũng liền đổi giọng buồn buồn và nói:

“Thôi, chẳng ăn mừng ăn miếc gì nữa đâu. Bọn mình... đi ăn giải đen đi An.”

Giữ nguyên điệu bộ của Đức, cái Phương cũng hơi nhỏm người dậy và nói dăm ba câu gọi là có lời động viên, an ủi cô bạn:

“Vụ dọa dẫm mày hồi nãy, tao xí xóa hết. Có điều, giờ mày mà không nghe lời thằng Đức, đưa bọn tao đi giải sầu thì tao sẽ tung tin mày học lệch cho cả phố biết đấy.”Giây phút Đức và Phương hạ mông ngồi xuống sau bài phát biểu ngắn gọn, “hội thảo dân” cũng liền nhao nhao lên hưởng ứng ngay tức thì. Bảo An, đến phải cười ra nước mắt với chúng bạn này mất thôi. Đến cả cô giáo ngồi trên cũng không nén nổi mà phì cười thành tiếng. Trước khi buổi học kết thúc, An cũng quyết định chọn Vật Lý và Anh Văn làm hai môn tự chọn cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông của mình.

Dù là ăn mừng chiến thắng hay vì lí do chia buồn đi chăng nữa, An cũng đều sẵn sàng dốc ví mời đám bạn một bữa ra trò. Có điều, hôm nay An còn bận chạy đến trường Phong và thẳng thắn đặt vấn đề về mối quan hệ thầy trò đã bàn dạo trước cơ. Thế nên, tan học một cái là con bé lao ngay ra khỏi lớp, cũng không quên ngoái đầu lại dặn dò đám bạn để dành bụng cho bữa tiệc trưa mai.

Cùng lúc đó, tại Trung học Phổ thông Bình Minh trường mình, Phong lại được đám bạn tung hô như một người hùng khi đã dũng cảm giúp cả khối “đội sổ” trong hai kỳ thi thử vừa rồi. Sở hữu một gia tài toàn trứng ngỗng và gậy gộc, Phong thực cũng chẳng quá khó khăn lăn tăn chọn lựa môn thi tốt nghiệp cho mình. Chính thế nên ngay khi cô vừa gọi đến tên để hỏi, Phong liền trả lời ngay lập tức:

“Môn nào cũng được, miễn là trắc nghiệm cô ạ.”

Lời Phong vừa dứt, trừ Băng và cô chủ nhiệm ra thì ai nấy đều phá lên cười rầm rộ. Trước vẻ mặt câng câng và thái độ bất cần của Phong, cô giáo đã sớm bị cục tức chặn nghẹn nơi cổ họng, bàn tay run nắm chặt lại báo hiệu một trận lôi đình sắp ập tới. Cũng may trước khi tình hình trở nên xấu đi, có người nào đó đã kịp thời ra tay ngăn chặn.

“Tớ chọn thi Lý và Anh. Cậu bắt chước tớ đi để cùng ôn tập.”

Nhận được tin nhắn An gửi, Phong bèn tặc lưỡi một cái và nhanh chóng giơ tay gây sự chú ý. Bằng chất giọng thành khẩn nhất có thể, cậu chàng mới lễ phép thưa cô:

“Em xin lỗi. Cô cho em chọn Lý và Anh ạ.”

Xong xuôi, Phong còn nở một nụ cười trừ ra điều lấy lòng và hối lỗi nữa cơ. Tiếc rằng đã quá muộn màng, cô chủ nhiệm tuy đồng ý với nguyện vọng của Phong nhưng gương mặt vẫn chưa thôi hằm hằm tức tối.

Đám bạn thấy Phong bỗng dưng ngoan ngoãn lạ thường, liền tỏ vẻ thất vọng ra mặt, đứa nào đứa nấy đều kêu ca phàn nàn cậu chàng không ngớt. Trí còn quay xuống bĩu môi kinh bỉ và giở giọng chê bai:

“Tưởng như nào...”

*****

Nhớ lại năm xưa, ngày đầu tiên phi xe đến trường đón Phong, An đã phải đứng đợi cậu ta đến cả tiếng đồng hồ. Hôm nay lịch sử lặp lại, Bảo An một lần nữa phải chống mắt ngồi chờ Hoài Phong. Gọi điện mãi mà Phong chẳng nghe, An sốt ruột quá mới le te gửi xe bên ngoài và lần mò vào trường để tìm người thương.

Tuy thuộc top đầu trong thành phố nhưng nội quy của trường An lại không quá khắt khe như bên Bình Minh nhà Phong đâu. Đặc biệt là trong vấn đề đồng phục, chỉ cần không quá phản cảm thì học sinh có thể tùy ý bóp nhỏ ống quần sao cho thoải mái và “hợp mốt” nhất. Chẳng giống như trường Phong, khẩu hiệu “nói không với quần bó, nó có với quần loe” được đám học trò truyền nhau và khắc sâu từ bao khóa trước. Thế nên chỉ sau mấy bước rón rén vào trong, An đã bị bác bảo vệ hắng giọng gọi tên mất rồi:“Này chị kia, hết giờ rồi còn quay lại trường làm gì? Ống quần thì bóp sát sàn sạt vậy à? Phải đợi tôi cặt nát ra như mấy chị hôm trước rồi mới chừa phỏng?”

Lời bác vừa dứt, cũng là lúc An giật mình tới dựng cả tóc gáy. Hai tay vô thức nắm chặt ống quần, con bé liền vội vàng quay lại nói lời thanh minh:

“Không không, bác ơi. Cháu không biết trường mình lại cấm học sinh bóp ống ạ. Cháu là học sinh trường khác mà bác. Bác nhìn phù hiệu đi ạ, cháu học bên Khắc Ân bác ơi.”

Ngỡ tưởng bác bảo vệ sẽ niệm tình tha lỗi và thả cho vị khách ở xứ láng giềng này đi, nào ngờ nghe xong, bác lại càng thêm phần nổi đóa. Chả là mấy hôm trước, có đứa học sinh ở bên trường khác dám qua mặt bác để lẻn vào trường rồi ngồi ung dung trong một lớp nọ cùng hội bạn của mình. Giáo viên tiết đó phát hiện ra, đứa học sinh kia nghiễm nhiên phải chịu kỷ luật và bác bảo vệ cũng không thoát khỏi bị khiển trách và trừ lương. Thế nên bây giờ, bác mới khó chịu ra mắt với cụm từ “họ sinh trường khác” mà An vừa nói vậy đó. Hắng giọng nghiêm nghị, bác bảo vệ mới gặng hỏi:

“Lại định ngồi nhờ tại một lớp nào đấy chứ gì? Muốn thầy, cô môn đó bắt được phải không?”

Oan quá, An bèn huơ vội hai bên tay để giãi bày với bác:

“Dạ, không ạ. Hết giờ học rồi mà bác.”

“Hay định vào đây ăn cắp cái gì?”

“Ôi cháu không dám đâu bác. Cháu đợi bạn lâu quá chưa thấy ra, nên định vào trong tìm thử thôi ạ.”

“Bạn tên gì? Trai hay gái? Học lớp nào?”

Mấy câu này tuy đơn giản nhưng trong trường hợp hiện tại nó lại làm khó An quá nhiều. Bảo An không nỡ lôi Băng vào rắc rối này đâu, con bé muốn giữ trọn danh tiếng trò ngoan cho Băng đó mà. An cũng chẳng muốn nhắc tới tên Phong, dù rằng chính xác người con bé cần tìm là cậu. Nghĩ mà xem, lỡ như Băng bị kỷ luật thì còn có vô số “công to” trước đấy được lấy ra để “chuộc tội“. Nhưng nếu là Phong, thì đâu có được như vậy, có khi lỗi chồng chất lỗi, cậu ta lại bị đình trỉ thêm lần nữa cũng nên. Giữa lúc phân vân khó nghĩ, An đang định nhắm mắt mà vơ hết tội vào mình thì may sao, Hoài Phong kịp thời xuất hiện:

“An, làm gì ở đây đây?”

Nhận ra giọng nói thân quen mỗi ngày, An mới bưng nguyên bộ mặt khổ sở lại nhìn cậu bạn và mếu máo gọi tên:

“Phong...”

Phong không biết An đến tìm nên ban nãy mới nấn ná ngồi lại làm mấy ván bài kiếm thêm thu nhập với hội thằng Trí. Điện thoại thì nhét tuốt tận trong đáy cặp, thành thử ra phải tới khi thua cạn cả ví, cậu chàng mới buộc lòng dừng cuộc ra về. Đang sẵn cơn tức trong người, giờ thấy cô bạn đặc biệt bị bác bảo vệ quát nạt tới tái mét mặt mày thế này, Hoài Phong lại càng thêm bực bội.

Giống như mọi ngày, hôm nay Phong lại phanh cúc ngực, quai cặp đeo chéo chẳng thể nào che được hết phần da thịt lộ ra ngoài. Với bộ dạng hằm hằm tức tối, cậu chàng vừa bước vội tới vừa khó chịu gằn giọng hỏi:

“Sao bác lại mắng bạn cháu?”

Tưởng ai xa lạ, bác bảo vệ thật không ngờ người bạn mà An nhắc tới lạ là nhân vật đã sớm quen mặt Hoài Phong. Và riêng với cậu học trò ấy, thú thực bác bảo vệ cũng “ngán” lắm rồi. Chẳng phải bác sợ Phong đâu, chỉ là đang lúc bụng sôi thế này, bác không muốn phí lời với kẻ hay thích cãi cùn đó thôi.”Bạn này thì kinh rồi.”

Xong xuôi, bác ta liền quay ngoắt vào trong và tiếp tục dùng bữa. Biết An vẫn còn run run lắm nên Phong chẳng muốn con bé đứng lại thêm lâu. Chạy vội tới bên An, Phong nhẹ nhàng cầm tay và đưa con bé ra khỏi cổng trường. Phải tới khi cả hai đã yên vị bên chiếc xe điện của An, cũng là khi con bé đã hoàn hồn trở lại, Phong mới câng câng mặt lên và hỏi:

“Sao tự dưng đến đây? Chẳng báo trước gì cả.”

Tuy thái độ chào đón có phần không nồng hậu chút nào nhưng An tỏ vẻ hớn hở và lôi từ trong cặp phiếu báo điểm thi thử đại học với Phong. Nhìn những con số trên tờ giấy nhỏ, Hoài Phong khẽ gật gù và mỉm cười ưng ý. Thấy thế, An liền đề cập ngay tới vấn đề gia sư ngày đó:

“Giờ tớ dạy cậu học được rồi chứ?”

Không lấy làm ngạc nhiên trước câu đầu tiên An hỏi, Phong đưa trả tờ bảng điểm cho con bé. Bàn tay vẫn chưa thu về, cậu ta còn đòi xem kết quả của kỳ thi thử tốt nghiệp phổ thông nữa cơ:

“Đưa nốt tờ nữa đây, xem điểm Lý thế nào đã chứ. Cứ phăm phăm ôn mỗi đại học, đến lúc trượt tốt nghiệp thì công cốc à?”

An đã cố giấu, hà cớ gì Phong lại cứ muốn mơi ra thế này? Biết chẳng thể giấu dốt với Phong, An đành phải nhăn mặt lấy nốt tờ phiếu còn lại ra trình báo cậu. Có điều, Phong còn chưa kịp cầm, An đã giật phắt lại rồi giấu ở phía sau lưng, tay còn lại chìa ra trước mặt cậu bạn và đặt điều kiện:

“Cậu cũng lấy ra đi, mình cùng so điểm. Nếu điểm Lý của tớ cao hơn thì tớ vẫn được quyền dạy cậu nhá.”

Tuy vẫn biết ngoài Toán, Văn, Anh ra thì An chẳng hề để tâm đến những môn khác một chút nào cả. Cơ mà giờ thấy An cao giọng tự tin thế kia, Phong lại thấy tự ti đôi phần. Đang lúc chần chừ vì muốn câu giờ chờ An đổi ý, Phong bất chợt giật mình bởi hành động tự tiện của An. Con bé thản nhiên mở cặp, lục lọi và lôi ra từ trong đó một mẩu giấy nhỏ. Xem xét xong, An lấy làm vui sướng lắm, bèn búng tay cái tách và lên giọng tuyên bố:

“Tớ hơn cậu hẳn 0.5 điểm đây này. Hết đường trốn rồi nhé, từ giờ tớ là gia sư dạy riêng cho cậu. Tối về xếp lại lịch rồi gửi cho cậu sau nhé.”

Được học chung cùng An, thú thật Phong cũng thấy thích lắm chứ. Có điều, cậu lại sợ bản thân sẽ làm phiền tới An rồi ảnh hưởng tới cả việc học của con bé nữa nên đành tiếc ruột cho qua. Biết chẳng thể khuyên can An được nữa, Phong đành lật mặt chơi bài cãi cùn. Sau câu trả lời “Không” rất to và rõ ràng, cậu chàng bèn quay ngoắt người bỏ đi. Nhưng An nào có dễ dàng nản chí bỏ cuộc như thế, nhất là với những chuyện liên quan đến Phong, con bé càng muốn kiên quyết đến cùng. Leo lên xe và vặn mạnh tay lái, An phóng vụ tới chỗ Phong, môi xinh đã sẵn sàng cho một cuộc nài nỉ kéo dài:

“Đi mà, cho tớ dạy cậu đi mà.”

Đôi chân sải rộng tăng tốc độ, Hoài Phong dứt khoát lắc đầu từ chối.

“Đồ lừa đảo, cậu hứa rồi còn gì.”

Gắng sức bước nhanh thêm nữa, Phong kia vẫn kiên định nói không.

“Tớ sẽ ghét cậu đấy.”

Cảm nhận được chút mủi mủi trong lòng, Phong biết mình chẳng thể trụ được lâu hơn nữa nên đành cắm đầu cắm cổ bỏ chạy. Nhưng sức người sao bì được với xe, Phong có cố cách mấy thì An vẫn luôn theo sát bên cạnh và không tiếc hơi lèo nhèo.

Cứ thế, cứ thế, Phong cứ chạy và An cứ theo, chẳng mấy chốc cả hai đã có mặt trước cổng nhà Phong. Dù đã cạn hơi lắm rồi nhưng chàng ta vẫn gắng sức buông lời phũ phàng với An:

“Chủ nhà không mời... Ôi mệt quá... cấm vào.”

Rồi vừa thở hổn hển, Phong vừa dặt dẹo lê bước vào trong. Tuy thấy có lỗi và tội An lắm nhưng Phong thực cũng hết cách rồi, chỉ còn biết tìm cách khác dỗ dành mà thôi. Thay xong quần quần áo áo, Phong tặc lưỡi và bước ra khỏi phòng, miệng tự lẩm nhẩm nhắc nhở bản thân:

“Chắc giờ phải học hành tử tế hơn mới được. Có vậy, An mới yên tâm mà từ bỏ ý định gia sư kia thôi.”

Cứ ngỡ An đã đùng đùng bỏ về rồi cơ, thế nào mà vừa đặt chân vào phòng bếp, Phong đã thấy con bé ngồi chình ình ở đấy với đũa bát của riêng mình rồi. Còn đang tròn mắt ngạc nhiên, cậu lại nghe được câu nói đáng giật gân từ phía bà nội:

“Đứng đấy làm gì, vào cảm ơn An một tiếng đi chứ. Nhờ bạn dạy kèm cho cũng tốt chứ sao.”

_______________________________________________________________

Chào các cậu, lại là tớ, Còi đây :))

Tớ nghĩ lại rồi, tớ đăng đến 45 cho tròn rồi mới nghỉ ca
Bình Luận (0)
Comment