Có "Chàng" Ngự Sử Thời Trần

Chương 3

Chương 1: Thuấn Thần

Tác giả: Thiên Địa Linh Linh

***

Khu xóm nhỏ tối tăm ẩm thấp. Đèn đường dường như đã bị chập, lập lòe nhấp nháy, càng tăng thêm vẻ kinh dị cho con hẻm dài hun hút. Trong không gian im ắng có tiếng bước chân cùng hơi thở dồn dập, lẩm bẩm tự trấn an nhưng vẫn nghe ra chút hoảng loạn xen lẫn:

"Đừng sợ, sợ gì chứ, đây là đoạn đường ngày nào mình cũng đi về mà."

Sau đó âm thanh yếu ớt nhanh chóng chuyển thành tiếng than khóc: "Biết cái đường này hôm nay đột nhiên tối mịt như vậy mình đã nhờ người khác đưa về rồi, sao có thể xảy ra chuyện vừa đi vừa run run rẩy rẩy như vậy chứ...? Không đúng, mình run là do trời quá lạnh mà thôi."

Người nọ độc thoại quá hăng say, không để ý tới cái bóng đang từ sau lưng tiến đến, ngày càng gần.

"Phụt" một tiếng, ngọn đèn tỏa ánh sáng chập chờn rồi vụt tắt. Bước đi của người nọ vì vậy mà khựng lại. Luống cuống muốn lôi chiếc điện thoại ra, nhưng bàn tay vô dụng lại run lên lẩy bẩy. Đúng là thứ phế vật phản chủ, nuôi ăn cho nhiều, đến khi cần lại chẳng thấy chút ích lợi nào!

Thế nên, khi cái bóng đen kia đổ ụp xuống, trong không trung chỉ nghe một tiếng kêu ngắn ngủi vang vọng, cùng chiếc điện thoại còn sáng đèn rơi trên mặt đất.

***

Bịt mắt đen sì được tháo ra, ánh sáng từ chiếc đèn trên trần rọi thẳng vào khiến đôi mắt vốn không được to tròn gì cho cam lập tức nhắm tịt lại, còn chảy ra chút nước.

Phía trước là một người mặc áo blouse trắng (*) đang ngồi.

(*) Áo blouse trắng: Áo bác sĩ. Trang phục đại diện cho những người làm ngành y.

Con tin khi gặp phải kẻ sát nhân hay kẻ bắt cóc, thường sẽ có hai loại biểu hiện.

Thứ nhất là run như cầy sấy, luôn miệng khóc lóc rên rỉ mấy câu kiểu như Xin đừng làm hại tôi, Xin đừng giết tôi, Hãy tha cho tôi đi... Thôi khỏi, nếu gặp phải bọn biến thái, nói mấy câu ấy còn kích động bọn chúng giết người nhanh hơn. Vậy mà đại đa số người sẽ có hành động này.

Thứ hai là lao vào liều mạng với chúng, chậc chậc, chẳng bình tĩnh chút nào, nhỡ đối phương có vũ khí thì chết chắc. Cách này ấy mà, chỉ có người rất tự tin vào sức khỏe hoặc thiếu não mới làm.

So với những người đó thì con tin kia có biểu hiện trấn tĩnh đến lạ.

Sau khi thở dài một hơi, người này mắt vẫn nhắm, lưng thoải mái dựa vào ghế, lại còn dám thương lượng với kẻ vừa bắt cóc mình.

"Anh này, tôi trông anh có vẻ cũng không thiếu tiền." Đương nhiên rồi, thấy mờ mờ thôi nhưng đủ nhận ra nhà to lắm!

"Hơn nữa nếu thiếu tiền thì bắt tôi cũng không có tác dụng đâu. Tôi vốn xuất thân là trẻ mồ côi." Lắc lắc tay chứng tỏ không đeo đồ trang sức, phủi phủi cái áo đồng phục học sinh cấp ba chất lượng kém chứng tỏ mình ăn ngay nói thật. Đến tiền may đồng phục bên ngoài còn chẳng có, nói gì đến tiền chuộc con tin?

"Còn muốn cưỡng dâm, hầy, nhìn mặt tôi này. Mắt thì bé, cằm không nhọn, da cũng chẳng trắng." Sau đó vỗ xuống ngực: "Ngực với mông đều không có mỡ, nhưng bụng thì nhiều lắm!"

Rốt cuộc, người nọ thở dài một hơi kết luận: "Anh này, tôi muốn tiền không có tiền, đừng nói đến quyền thế làm gì. Sắc không có, dáng người cũng không. Vụ bắt cóc này anh lỗ lớn rồi. Thả tôi ra đi. Tôi chưa nhìn thấy mặt anh."

Người bịt mặt từ đầu tới cuối chẳng nói chẳng rằng, mãi sau mới âm trầm thốt ra một câu: "Dùng cô làm chuột bạch thí nghiệm."

"?"

"Nguy cơ chết rất cao. Nếu chọn những người tài hoa xuất chúng khác, không phải là quá đáng tiếc sao?" Kẻ bắt cóc thong thả giải thích.

"..."

Cho tới lúc bị kéo đến trước một cỗ máy kỳ lạ, con tin sắp bị khai tử kia mới yếu ớt hỏi: "Cái máy này dùng để làm gì thế?"

Không phải máy chém đầu đấy chứ?

"... Máy vượt thời gian, đưa cô đến tương lai. Đây là lần thử nghiệm đầu tiên, cơ hội thành công không cao lắm."

Con tin đang mất dần hy vọng kia đột ngột giãy lên như cá chép, hùng hùng hổ hổ: "Vậy thì anh thất bại chắc rồi! Trước giờ vận may của tôi đều là con số âm, cơ hội thành công so với người khác càng không cao. Ngộ nhỡ tôi xảy ra việc gì, anh sẽ lấy ai làm thí nghiệm?"

"Cô có sao hay không cũng chẳng liên quan gì đến tôi. Cô chết rồi tôi vẫn có thể đi bắt người khác." Nhà khoa học điên lạnh lùng trả lời, sau đó không chút nương tay đẩy thẳng con tin vào cỗ máy nghe nói có thể vượt thời gian kia, bắt đầu vận hành.

Trong vòng lốc xoáy đen ngòm của cỗ máy thời gian, tiếng hét thảm thiết không ngừng vang lên, nhưng không có âm thanh nào thoát được ra ngoài. Cả khu phố buổi đêm im lìm như chết.

***

Năm Trùng Hưng thứ ba (*), Hội Xuyên.


(*) Trùng Hưng: Niên hiệu của Hiếu Hoàng Trần Nhân Tông (1285 - 1293).

Một đám con nít bảy tám tuổi nô đùa trong xóm nhỏ, lấy bùn đất ném nhau lem luốc, bộ dạng bẩn thỉu như ăn mày. Hẳn không khó để tưởng tượng ra vẻ mặt muốn khóc của mẹ chúng khi nhìn thấy cảnh này.

Trong đống hỗn loạn ấy, nổi bật lên một đứa nhóc vai khoác miếng giẻ làm áo choàng, tay cầm cành cây nhỏ khô cong queo, được hai đứa trẻ khác vòng tay làm kiệu, miệng gào thét: "Quân bay đâu, lên!"

Phe của nó tấn công vô cùng hăng hái, nhìn kết quả đã sắp phân thắng bại. Đứa nhóc quá hưng phấn, ngồi cũng không yên, bất chợt thân hình mất trọng tâm, eo lệch đi, sau đó...

"Bẹp!"

Bọn trẻ trợn tròn mắt nhìn thủ lĩnh của chúng cứ thế ngã thẳng một đường đâm đầu xuống đất, mặt cắm trong bùn, tư thế cực kỳ bất nhã.

Xung quanh im lìm như chết.

Một tiếng hét giận dữ vang thấu trời xanh phá tan khung cảnh ấy: "Đoàn Nhữ Hài! Con lại bày ra cái trò nghịch ngợm gì thế??"

Cùng lúc đó, thân mình còn đang nằm bẹp dưới đất của thủ lĩnh nhỏ cũng giật giật. Nó khó khăn ngóc đầu lên, giọng nói đáng thương vô ngần: "Mẹ..."

***

Từ đường của Đoàn gia.

Người đến từ tương lai nào đó quỳ trước bài vị quen thuộc của tổ tiên, khóc không ra nước mắt.

Nhà khoa học ngu xuẩn kia bảo rằng chiếc máy đưa tới tương lai, vậy mà nó lại quay về thời cổ đại, không có máy tính, càng không có ti vi. Bình nước nóng hay nước đá cũng chẳng thấy bóng dáng.

Trở về quá khứ, được đầu thai vào nhà họ Đoàn, bắt đầu một cuộc sống mới, nhưng gần đây có vẻ như bung xõa hơi quá rồi.

Còn Hiếu Hoàng Trần Khâm? Thú thực với kiến thức lịch sử kém cỏi của mình, ngoài Quang Trung, Lê Thánh Tông, Lý Thái Tổ ra nàng chẳng có ấn tượng gì với những vị Hoàng đế khác.

Khi mới được sinh ra, nghe cha đặt tên mình là Đoàn Nhữ Hài (hơn nữa còn nhấn mạnh hy vọng với cái tên này nàng sẽ trở thành một cô gái dịu dàng) (*), nàng đã rất sửng sốt. Tuy không thông thạo sử học nhưng nàng cũng biết Đoàn Nhữ Hài là tên của danh nhân thời xưa, còn được đặt làm tên đường. Không ngờ chuyến này trở về quá khứ lại được làm người nổi tiếng.

(*) Chữ "Nhữ" ghép thành bởi bộ Thủy (nước) và bộ Nữ (con gái). Chữ "Hài" mang nghĩa hòa hợp, hài hước.

Chỉ là, nàng cũng chẳng chắc chắn theo đà phát triển này, mình có thể khiến cái tên ấy lưu danh thiên cổ hay không nữa.

Mà khoan, Đoàn Nhữ Hài không phải đàn ông hay sao? Còn nàng đầu thai vào đây, vẫn là giống cái...

Chắc chỉ trùng tên thôi, ha ha...

Hoặc khả năng lớn hơn nữa, đây chỉ là một thế giới song song, cho nên mọi chuyện mới không giống với lịch sử.

"Nhữ Hài, con nói xem, đây là lần thứ bao nhiêu con phạm lỗi bị phạt quỳ rồi?" Đoàn thị ngồi trước mặt, nghiêm nghị hỏi.

Nàng thật thà đăm chiêu suy nghĩ, lâu sau mới rụt rè trả lời: "Chắc là chưa quá mười lần ạ...?"

Đoàn thị sầm mặt mắng té tát: "Con vốn là thân nhi nữ, sao lại học theo bọn con trai chơi đánh trận? Lúc trước con đòi đọc chữ làm thơ, mẹ không phản đối. Biết chữ cũng có cái tốt, nhà ta vốn dòng dõi thư hương. Nhưng con lại cùng đám trẻ trong làng chơi ném bùn, nhìn thử xem còn chút nào giống con gái hay không? Cứ như vậy mặt mũi nhà ta biết để đi đâu?"

Cha nàng vốn đang uống chè đọc sách bên bàn, thấy phu nhân của mình sắp phun lửa tới nơi, đành thở dài bước qua xoa dịu bầu không khí.

"Thôi đủ rồi, đủ rồi... Nhóc, cho con cơ hội lấy công chuộc tội. Trời đông chuyển rét, vào rừng nhặt ít củi để tối đốt lò sưởi. Nhớ đừng la cà, phải về trước khi trời tối đấy." Ông vừa ôm Đoàn thị, vừa ra lệnh cho con gái.

"Vâng, cha." Nàng được cứu, trong lòng vô cùng cảm kích, vội vàng chuồn đi.

***

Bìa rừng, cái vị trùng tên danh nhân lịch sử nào đó mặt đối mặt với một công tử nhỏ tuổi trông ngố ngố, khinh bỉ hỏi: "Ngươi trốn cha mẹ đi chơi bị lạc vào rừng? Còn không mang người hầu theo?"

Vị tiểu công tử kia gò má còn vương vệt nước mắt, áo quần vốn chất liệu sang quý nhàu nhĩ bẩn thỉu, dưới vạt áo dính chút máu khó nhìn thấy. Bàn tay trắng nõn bị trầy xước run run nắm lấy vạt áo của nàng, nhỏ giọng cầu khẩn: "Xin ngươi đưa ta đến huyện nha gần đây. Về được nhà rồi, ta nhất định sẽ hậu tạ ngươi chu đáo."

Nàng xua xua tay: "Hậu tạ thì không cần, chỉ đến huyện nha thôi phải không? Cứ theo ta là được."

Nàng vênh váo đưa hắn tới tận nha môn. Nhìn sắc trời đang tối dần, nàng còn thở dài lảm nhảm khiến công tử nhỏ vô cùng áy náy: "Lần này đi không mang được củi về, quá thảm rồi."

Sau đó vỗ vỗ vai người ta dạy dỗ: "Ngươi còn nhỏ, lần sau đừng tự ý đi chơi linh tinh." Nhỡ bị mẹ mìn bắt cóc đem bán thì chết dở.


Công tử nhỏ ngẩn ngơ nhìn người còn thấp hơn mình một cái đầu, bất giác thốt lên: "Trông ngươi lùn như vậy, tuổi có thể lớn hơn ta sao?"

Nàng tức giận nghẹn họng, qua một lát mới phản bác được: "Hứ, mắt chó chỉ thấy người lùn! Bách Gia Chư Tử (*), Tam Giáo Cửu Lưu (**) ta đã sớm nhập tâm, cũng có tên tự (***) rồi."

(*) Bách Gia Chư Tử: Cách gọi chung các học gia Trung Quốc thời Xuân thu chiến quốc.

(**) Tam Giáo Cửu Lưu: Ba giáo phái là Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và chín học phái lớn thời Chiến quốc là: Nho gia, Đạo gia, Âm Dương gia, Phật gia, Danh gia và Mặc gia, Tung Hoành gia, Tạp gia, Nông gia.

(***) Tên tự: Tên chữ, đặt cho người trưởng thành. Lúc này danh xưng (tên khai sinh) chỉ có bản thân hoặc bề trên (vua chúa, người lớn tuổi) gọi, giữa bạn bè đồng lứa, xã giao, cần sự tôn trọng thì phải sử dụng tên tự, việc gọi thẳng danh xưng bị coi là bất lịch sự. Tên tự thường có hai chữ và liên hệ về mặt ý nghĩa với danh xưng, có thể là đồng nghĩa hoặc trái nghĩa.

Nói xong nàng phủi mông quay người muốn rời khỏi.

Không ngờ công tử nhỏ đột ngột kéo tay nàng lại. Đối diện với ánh mắt bất thiện của nàng, hắn mặt đỏ tai hồng ấp úng hỏi: "Ngươi... tên tự là gì?"

"Ta tên Thuấn Thần."

Nàng kiêu ngạo hãnh diện đáp, khóe môi không giấu được nụ cười ngông nghênh càn rỡ, giật tay rời đi.

Tính theo tuổi linh hồn, nàng đã quá hai mươi từ lâu, vậy nên ngày đó nàng mới mặc kệ ánh mắt như nhìn tên ngốc làm trò hề của cha, tự tìm tên chữ cho bản thân, còn vô cùng vui thích.

Ráng chiều hắt lên bóng lưng cô độc của đứa trẻ đứng bên thềm nha môn. Cậu bé nhìn theo người đang đi xa dần, giọng nói non nớt khe khẽ nhắc lại: "Thuấn Thần..."

***

Năm Hưng Long thứ sáu (*), kinh thành.

(*) Hưng Long: niên hiệu của Anh Hoàng Trần Anh Tông (1293 - 1314)

Buổi sáng đẹp trời, không khí trong lành, gió thổi dìu dịu. Nắng lấp lánh phủ lên mặt sông, từng gợn sóng nhỏ nối nhau dập dềnh.

"Tốt quá, con cá hôm nay thật là to. Chắc sẽ bán được nhiều tiền lắm đây."

Người ngư dân trên tay ôm con cá chép khổng lồ vừa câu được, nét mặt vui vẻ. Cách đó không xa, một nhà sư già chậm rãi đi đến. Ông lặng lẽ nhìn con cá một lúc, sau đó ngẩng đầu hỏi người ngư dân: "Thí chủ, cá này bần tăng có thể mua hay không?"

Người kia thấy lạ nhưng vẫn gật đầu đem bán. Nhà sư mang về thả nó xuống con suối nhỏ phía sau chùa, mỉm cười nhẹ nhàng nói: "Lần sau cẩn thận một chút, đừng để bị bắt nữa."

Con cá chép quẫy mình bơi đi, lớp vảy bạc dần biến mất dưới dòng nước trong vắt.

***

"Cứu... cứu với!!! Cháy rồi!!! Cha! Mẹ!"

Thuần Thần giật mình bừng tỉnh, mồ hôi lạnh đầy người. Nàng cười khổ. Lại là giấc mơ về ngày đó. Giấc mơ có ngọn lửa như nham thạch dưới địa ngục, nuốt trọn mọi thứ.

Nàng còn đang ngơ ngẩn thì tiếng gõ cửa phòng rụt rè vang lên.

"Vậy là... Sư thầy dùng hết tiền chi tiêu một tháng tới của chúng ta để cứu con cá đó?"

Thuấn Thần ngồi bên bàn trà, nét mặt sa sầm nghe nhà sư già kể chuyện. Nàng nghĩ mình sắp tức đến ộc máu rồi. Tiền không có, còn muốn cos (*) Đường Tăng?

(*) Cos: Cosplay, là một từ tiếng Anh do người Nhật sáng tạo ra, là sự kết hợp của "costume" (trang phục) và "role play" (hóa thân). Từ này chỉ việc người hâm mộ ăn mặc hoặc có điệu bộ giống nhân vật mà mình yêu thích.

Nhà sư lục lọi hồi lâu, đưa cho nàng một chiếc túi nhỏ, cười trừ: "Giờ ta chỉ còn lại mấy đồng lẻ tiết kiệm lúc trước thôi."

Thuấn Thần mệt mỏi đưa tay day day trán. Là một người hiện đại bị nhà khoa học điên điên khùng khùng nọ đẩy về quá khứ, cứ nghĩ cuộc sống êm đềm, nào ngờ Thuấn Thần phải trải qua bao khổ sở, tới khi cải trang làm nam nhi mới thoát được.

Sống ở đây cũng đã hơn mười chín năm, nàng biết được hiện giờ là triều nhà Trần. Mà nhà Trần có vẻ rất tôn sùng Phật giáo. Chùa chiền mọc lên khắp mọi nơi. Thuấn Thần tuổi nhỏ một mình tới kinh thành học, ở trọ trong chùa Tư Phúc, nhận Tuệ Trung Thượng sĩ, nhà sư trụ trì ở đó làm thầy.

Nương nhờ cửa Phật, một đời bình an.

Thuấn Thần rất lạc quan hy vọng vào tương lai vô cùng xán lạn phía trước, thế nhưng... thế nhưng...

Sống cùng người tu hành cũng khổ quá đi!


Thuấn Thần thở dài:

"Sư thầy, thầy bị người ta bắt chẹt rồi. Con cầm tiền xuống chợ xem một chút, mua tạm đồ ăn cho tối nay đã vậy." Rồi sau đó phải dành thời gian ra đau đầu tính toán xem những ngày còn lại ăn gì uống gì mới không lâm vào cảnh chết đói.

Tuệ Trung thấy thế thì gật nhẹ đầu: "Mấy chuyện này, đúng là con làm tốt hơn thầy."

***

"Quan gia (*), như vậy rất nguy hiểm!"

(*) Quan gia: Cách xưng hô với Hoàng đế thời Trần.

"Quan gia, người làm ơn hãy mặc áo giáp vào đi ạ..."

"Quan gia, người đừng làm khó chúng nô tài..."

Đám cung nhân lo lắng khuyên can, vô cùng sốt ruột nhìn lên. Mà nam nhi phía trước, đơn độc cưỡi trên mình ngựa, bóng lưng cao rộng đủ che cả một khoảng trời.

Người này chính là Hưng Long Đế - Trần Thuyên, Hoàng đế thứ tư trong triều đại nhà Trần của Đại Việt, mười bảy tuổi đã kế thừa ngôi vị, thời gian trị vì tính đến nay là sáu năm. Trần Thuyên được dân chúng ca ngợi là một đấng minh quân sáng suốt, tính tình khiêm tốn hòa nhã. Hơn nữa, hắn còn là một nhà chính trị tài ba quyết đoán, văn võ song toàn.

... Có điều tuổi còn trẻ nên vẫn hơi ham chơi.

Trần Thuyên không để tâm đến mấy lời nói của đám cung nhân phía sau, đôi mắt nâu rực sáng dưới ánh mặt trời, gương mặt thanh thoát sắc sảo, hai cánh tay mạnh mẽ giương cung. Mũi tên bén nhọn lao đi vun vút, trúng giữa hồng tâm. Chàng khẽ cười, nhảy xuống mình ngựa, nhìn đám cung nhân sắc mặt tái mét, hơi cao giọng nói:

"Các ngươi thật ồn ào, mau cùng trẫm hồi cung. Hôm nay theo lịch phải tới bái kiến Thượng hoàng."

***

Cung Trùng Quang (*), phủ Thiên Trường...

(*) Cung Trùng Quang: Nơi Thượng hoàng về ngự sau khi truyền ngôi.

Trần Thuyên cảm thấy hôm nay mình tới đây là sai lầm lớn nhất. Thượng hoàng Trần Khâm, cũng chính là cha của hắn, đang ngồi phía trước, bình thản cầm chén trà thơm, giọng đều đều:

"Trước nay hoàng thân quốc thích đều có tục xăm rồng lên người nhằm biểu hiện tinh thần thượng võ, Quan gia cũng nên theo đó mà làm để nhớ lấy cái gốc ngày xưa. Trẫm đã bảo thợ đứng ngoài cổng cung đợi, hôm nay nhất định phải xăm xong đấy."

Đại ý là: Khi xưa trẫm nói không muốn, vẫn bị bắt ép chịu khổ chịu đau xăm mình, nay đồ nghịch tử nhà ngươi lại định trốn? Hừ, nỗi đau năm xưa cha ngươi phải chịu, ngươi cứ từ từ cảm nhận đi nhé!

Thượng hoàng đứng dậy, nhân tiện còn dặn dò: "Trẫm ra ngoài tiếp chuyện các quan. Sĩ Cố, Chu Bộ, hai ngươi đứng bên đợi Quan gia xăm xong rồi hẵng về."

Trần Thuyên nhìn Thượng hoàng phủi mông bỏ đi, lại nhìn chòng chọc vào hai cận thần thân thiết từ nhỏ tới lớn của mình đang bình thản đứng bên.

Nhìn tới mức hai người không nhịn được nữa, Chu Bộ đành lên tiếng nhẹ nhàng an ủi: "Quan gia, người nhìn xem, Quân Vệ (*) và thần đã xăm rồi. Hoàng thân quốc thích xăm rồng lên đùi, binh sĩ và dân thường cũng phải làm theo mà. Đây là tục lệ, không bỏ được đâu. Người cố chịu một lát, sẽ xong nhanh thôi."

(*) Tên tự của Sĩ Cố. Đây là do mình tự đặt thôi, chứ tư liệu lịch sử không biết tên tự của ông. Bạn nào biết thì nhắc mình nha.

Sĩ Cố đứng một bên khẽ liếc qua Chu Bộ, lạnh lùng lên tiếng: "Đúng vậy, lúc trước người nào đó mới xăm được một nửa thì đau quá ngất đi, đến khi tỉnh dậy đã xong rồi, đương nhiên sẽ cảm thấy rất nhanh."

Nhất thời trong phòng vô cùng tĩnh lặng. Chu Bộ nhăn nhó nghiến răng lườm Sĩ Cố, chỉ nhận lại một nụ cười nhàn nhạt. Trần Thuyên đờ người ra một lúc, vùng đứng dậy:

"Trẫm còn có chính sự cần giải quyết."

"Anh, anh cũng tới thăm cha sao?" Ngoài cửa chợt xuất hiện một nam nhân nhìn rất giống Trần Thuyên, chỉ là nét mặt không có vẻ sắc sảo cương nghị mà lại dịu dàng hòa nhã. Đó là Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn, em trai Trần Thuyên.

Trần Thuyên nhìn Hoàng đệ một chút, lại hướng ánh mắt cảnh cáo về phía Sĩ Cố và Chu Bộ, mới lại gần Trần Quốc Chẩn, gương mặt trở nên hiền hòa: "Quốc Chẩn đấy à, trẫm còn có tấu chương cần phê duyệt gấp, giúp trẫm nói lại với Thượng hoàng một tiếng."

Sĩ Cố và Chu Bộ muốn nói mà không thể nói, trơ mắt nhìn Trần Quốc Chẩn hiền lành ôn hòa mỉm cười: "Được, em sẽ chuyển lời giúp."

"Tốt, tốt lắm." Trần Thuyên nói rồi ngoắc ngoắc tay: "Sĩ Cố, Chu Bộ, theo trẫm về cung Quan Triều (*)."

(*) Nơi Hoàng đế thời Trần làm việc, trong Hoàng Thành Thăng Long.

Nhìn bóng lưng ba người rời đi, Huệ Vũ Đại vương vẫn không thể nào ngờ được rằng mấy khắc sau, hắn lại bị Thượng hoàng tức giận lôi vào xăm mình thay cho anh trai Trần Thuyên yêu quý.

Hai người sau khi trưởng thành không còn ở cùng một nơi như lúc nhỏ, ai ngờ được anh trai của hắn lớn lên lại hiểm ác thế chứ!

Mẩu chuyện này chẳng bao lâu được lan truyền khắp thiên hạ, tục xăm rồng lên người cũng từ đó bớt dần, dân chúng ai nấy đều hoan hỉ.

(*) Theo lịch sử: Anh Tông là người bãi bỏ tục xăm hình rồng vào đùi của các vua Đại Việt. Toàn thư ghi lại, Thượng hoàng đã triệu Anh Tông đến cung Trùng Quang và bảo rằng: "Dòng dõi nhà mình vẫn vẽ mình để nhớ gốc ngày xưa, nay nhà vua phải theo tục ấy mới được."

Khi đó thợ xăm đã chờ sẵn trước cổng cung, nhưng thừa lúc Thượng hoàng nhìn sang hướng khác, Anh Tông về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa.

Thượng hoàng bảo: "Quan gia đã trốn rồi chăng? Thì xăm cho Quốc Chẩn vậy."

***

"Quan gia, mới nãy người nói phải về cung phê duyệt tấu chương." Sĩ Cố phía sau nghiêm mặt nhắc nhở.


Mà Trần Thuyên đi phía trước lại ung dung phẩy tay áo: "Nói vậy mà ngươi cũng tin, còn có tí tẹo ấy mà, không phải vội. Nhân lúc rảnh, tối nay chúng ta cứ ra ngoài cung chơi một chuyến đi."

Chu Bộ khóc dở mếu dở: "Thượng hoàng mà biết được thì chúng ta chết chắc."

Trần Thuyên nghiêng đầu: "Ai dám nói?"

"..."

Đây rõ ràng là đe dọa, đe dọa trắng trợn!

Tới gần khu chợ huyên náo trước mặt, họ lại nghe tiếng đao kiếm va vào nhau chan chát, cùng những tiếng quát tháo chửi bới ngày càng rõ ràng. Trần Thuyên cau mày: "Giữa đường xảy ra xô xát lớn như vậy mà tri huyện tri châu lại không có động tĩnh gì à? Chúng ta tới xem sao."

***

"Năm củ đậu này bán bao nhiêu vậy?"

Thuấn Thần nhìn ông chủ sạp hoa quả, lại cúi xuống săm soi từng củ đậu một. Gần đó, một đám côn đồ đang đánh nhau nàng cũng không quan tâm. Dù sao ở cái chợ này đó cũng là chuyện như cơm bữa rồi.

Có mấy tiếng xì xào: "Ngày nào cũng vậy, một lũ đầu trâu mặt ngựa tranh giành địa bàn."

"Xem mấy quán xá bên đó đáng thương chưa kìa, hàng hóa dập nát hết cả."

"Vẫn còn một thằng bé đứng mua hoa quả kìa. Chậc, đúng là dạng không sợ chết."

Thuấn Thần bên này chợt ngứa mũi, hắt xì một cái.

"Sao không ai ra ngăn bọn họ?"

"Hừ, tay chân của họ Trương và họ Lê, đến tri huyện cũng phải nể mặt, ai dám đụng vào chứ? Chưa kể biết đâu ra ngăn lại bị xiên một dao ấy chứ."

Thấy ông chủ sạp hoa quả vẫn mải mê hóng chuyện, Thuấn Thần khua khoắng tay cố lôi kéo sự chú ý: "Bác này, củ đậu của bác bao nhiêu đấy?"

"Hai đồng một cân, giá của tôi thấp nhất ở đây đấy, không có ai thấp hơn nữa đâu."

"Một đồng năm xu được không? Cháu mua cho bác bốn cân." Vì giá rẻ, đành chấp nhận ăn mấy thứ hoa quả mình ghét chút cũng được. Mỗi ngày đổi một kiểu, củ đậu hấp, củ đậu xào, củ đậu chiên, củ đậu làm nộm,... miễn sao không chết đói.

Chủ cửa hàng xua xua: "Không được, mua năm cân tôi giảm cho còn một đồng bảy xu!"

Thuấn Thần năn nỉ: "Bác lấy bốn cân một đồng năm xu cho chẵn tiền. Cháu chọn mấy củ xấu xấu thôi. Cháu ở tít trên chùa Tư Phúc xuống đây, bác để cháu dư vài đồng mua gạo, chứ không sư thầy và cháu chết đói mất."

Chủ cửa hàng liếc nàng một cái từ trên xuống dưới, cuối cùng tặc lưỡi gật đầu. Dù sao cũng là của cho nhà Phật, tích chút đức để con cái sau này được nương nhờ vậy.

Thuấn Thần vui mừng trong lòng thầm hoan hô. Quả nhiên thời Trần Phật giáo cực thịnh, nhìn xem, có ánh sáng của Phật Tổ Như Lai chiếu rọi cái,nàng lập tức mặc cả thành công rồi.

Phật tổ à, người từ bi tha để con mượn bóng người lần này nhé? Về chùa con sẽ cần mẫn tụng kinh, chăm chỉ sám hối mà!

Phật tổ trên cao mỉm cười hiền hậu: "Ác giả ác báo."

Và quả báo cũng đến thật là nhanh.

Thuấn Thần nhặt củ đậu lia lịa. Cũng rất giữ lời nhặt mấy củ xù xì sứt sẹo. Dù sao cũng là đồ ăn chính, không phải làm đồ tráng miệng như người ta, sẽ hết trong vài ba ngày, chẳng sợ hỏng.

Giây trước nghĩ vậy, giây sau Thuấn Thần giật mình hét lớn, sợ hãi quăng củ đậu trong tay đi: "Á! Có sâu!"

Bốp!

"Á!" Trần Thuyên bàng hoàng kêu lên, vật cứng đập vào đầu chàng từ từ lăn xuống. Quần chúng định thần nhìn kĩ, hóa ra là một củ đậu.

Thiên tử Đại Việt người người ca tụng văn thao võ lược lần đầu bị người ta dùng củ đậu ném. Mà khoảnh khắc đó chàng còn không kịp phản ứng, bất lực đứng yên, giương mắt nhìn nó đập vào đầu.

Chu Bộ rút kiếm quát lớn: "Vô lễ! Kẻ nào dám ném Quan gia!"

Cả khu chợ ồn ào là thế lập tức yên ắng không một tiếng động. Da đầu Thuấn Thần run rẩy từng cơn: Ông trời ơi, dù sao cũng đừng nên là Hoàng đế chứ?!

(*) Theo lịch sử: Khi mới lên nối ngôi, Trần Anh Tông thích uống rượu và thường đi chơi thâu đêm, có lần bị mấy tên "vô lại" ném gạch trúng đầu (có bản ghi là củ đậu). Thượng hoàng hỏi vết thương trên đầu, vua cứ y vậy mà thưa, khiến Thượng hoàng giận dữ hồi lâu.

(Xem thêm ở Theo dòng lịch sử phần 2)

- Hết chương 1 -

MỌI NGƯỜI ĐỌC TRUYỆN VUI VẺ!
BÌNH CHỌN CHO BỌN MÌNH NHA! ^^

Lời tác giả: Lý do vì sao nữ chính cải trang làm nam nhi, sau này sẽ rõ.

TianDiLingLing

Bình Luận (0)
Comment