Có "Chàng" Ngự Sử Thời Trần

Chương 5

Chương 3: Ôn câu chữ cổ đài Ngự sử, Miệng sữa còn hôi Trung tán Đoàn

Tác giả: Thiên Địa Linh Linh

***

Ngựa phi như bay, chưa hết thời gian một chén trà, hai người đã tới Hoàng thành phồn hoa tấp nập. Thuấn Thần lần đầu thử nghiệm cảm giác cưỡi ngựa liều mạng này, nàng hồn vía lên mây, tim đập như trống, miệng lầm rầm khấn vái, khẳng định rằng đây là ngày cuối cùng mình được sống trên trần gian.

Quan coi thành gặp được Hoàng đế thì vô cùng kích động, bái lạy một hồi, sau đó nhanh chóng chuẩn bị thuyền nhẹ tới phủ Thiên Trường. Trần Thuyên sửa soạn lại hoàng bào, xóa bỏ dáng vẻ nhếch nhác lúc trước. Thuấn Thần cũng tranh thủ cơ hội đem đống phân chim bốc mùi kia tẩy rửa sạch sẽ.

Lên thuyền, Thuấn Thần muốn lén ngủ một giấc, nào ngờ Hoàng đế lại lo lắng đứng ngồi không yên, giục giã bắt nàng viết biểu tạ tội. Chàng nhắc nhở: "Thuấn Thần, ngươi đừng quên việc đã hứa với trẫm."

Nàng sắc mặt tối đi trông thấy: Thuấn Thần? Xưng hô thuận miệng thật đấy! Chẳng phải Hoàng đế lúc nào cũng gọi tên tục của người ta ra sao?

Tất nhiên, nàng không hề biết rằng Trần Thuyên chỉ coi trọng ân nhân của chàng. Còn người khác, nhớ được tên tục để mà gọi đã là may lắm rồi.

Thuấn Thần nghĩ chàng lo mình làm hỏng chuyện, bèn an ủi: "Quan gia, người cứ yên tâm! Thảo dân viết biểu ngay bây giờ đây."

Viết biểu tạ lỗi?! Nói làm chi cho văn hoa, chẳng qua chính là viết bản kiểm điểm ấy mà.

Làm học sinh có ai chưa từng viết bản kiểm điểm?

...Nếu có thì đó cũng không phải người! Là siêu nhân, quái vật hay người ngoài hành tinh rồi.

Đối với một kẻ mà họ tên thường xuyên được dạo chơi trong quyển sổ thần thánh mang tên "Sổ đầu bài", hay biệt danh khác là "Sổ sinh tử" như Thuấn Thần, việc viết bản kiểm điểm thật sự quá thông thạo.

Lần này chẳng qua là ngựa quen đường cũ, nàng nhắm mắt cũng làm ngon ơ.

Được rồi, mở đầu là quốc hiệu...

Bỏ qua, cái thời này có tên nước là may lắm rồi.

Thế thì mở đầu viết cái gì? Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết? Không đúng, đấy là viết chiếu.

Não ơi sao lại lú lẫn ở thời khắc quan trọng thế này?

Cứ nghĩ vạn sự như ý, kết quả hồi hộp xoắn xuýt quá nên vừa mở đầu đã gặp ngay một quả núi chắn đường.

Thuấn Thần chán nản cắn bút.

"Cúi nghĩ: Đế vương theo lệ, về thị triều kinh dự thường niên..." (*) Trần Thuyên ngồi bên cạnh khẽ nhắc.

(*) Trích bài biểu.

Nghe vậy, Thuấn Thần kinh ngạc ngẩng lên, thấy ánh mắt chàng chuyên chú đặt trên tấm lụa trắng tinh chưa dính mực, khuôn mặt thanh tú khi tập trung lại toát ra sức quyến rũ vô cùng nam tính.

Thuấn Thần thầm nuốt nước bọt, mắt đảo vài vòng, trong đầu bật lên chế độ tụng niệm.

Sau khi bình tĩnh, nàng lại nhăn mặt: Anh ta biết thì sao không tự viết luôn cho rồi, còn bắt mình viết làm gì cho mất công? Chẳng lẽ vua chúa đều rảnh rỗi quá nên thích làm việc thừa thãi?

Thuấn Thần cố gắng điều chỉnh suy nghĩ rối loạn, cắn răng tiếp tục.

Cũng may xong được mở đầu, những chuyện khác liền trở nên dễ dàng.

***

Khi thuyền cập bến phủ Thiên Trường đã là sáng hôm sau. Thuấn Thần còn đang ngái ngủ phải chỉnh trang ngoại hình, buồn bực theo ngự giá đến cung Trùng Quang.

Đoàn người hùng dũng tới cửa phủ, người dẫn đầu vốn đang rất hăng hái đột ngột khựng lại, khiến Thuấn Thần không để ý lỡ bước lên trước chàng vài bước.

Hoảng hồn xoay người quay lại, trong lòng nàng dậy sóng: Mẹ ơi, mấy tên Hoàng đế ngày xưa tính tình đều không tốt, đi trước anh ta một bước, biết đâu anh ta lại lôi mình ra chém.

Không ngờ nàng còn chưa kịp lui xuống đã bị vị Hoàng đế nào đó túm lại, đẩy về phía cửa phủ: "Ngươi đi thông báo, bảo đám lính canh cổng kia vào truyền tin."

Thuấn Thần trán nổi gân xanh: Đây không phải là công việc của thái giám sao? Bệ hạ ơi, một đoàn thái giám đang đứng sau lưng ngài chờ sai bảo kia kìa! Sao lại bắt tôi đi chứ? Công lý ở đâu?

Thôi, vì cái mũ Trạng Nguyên, nàng nhịn!

Sau đó thắc mắc của Thuấn Thần rất nhanh được giải đáp, Trần Thuyên lệnh cho đoàn thái giám đều lui hết đi, vén vạt long bào quỳ giữa sân, biểu cảm phiền muộn. Chàng liếc nàng vẫn đang chôn chân tại chỗ, ra lệnh: "Biểu là do ngươi viết, thế nên ngươi phải là người dâng."

Thuấn Thần không dám chậm trễ, vội vội vàng vàng báo một tiếng với lính canh, sau đó lật đật tới quỳ phía sau Trần Thuyên, trên tay là tờ biểu mới viết, đang nằm trên khay gỗ.

Thuấn Thần vốn vô cùng mệt mỏi, chỉ mong lính canh này nhanh chân nhanh tay, bẩm lên Thượng hoàng, để nàng có thể nghỉ ngơi một chút.


Lính canh kia quả nhiên rất nhanh nhẹn, mới chạy đi được vài phút đã quay lại. Thuấn Thần mắt sáng lên, chờ đợi một câu tuyên vào. Không ngờ lính canh kia áy náy nhìn nơi hai người đang quỳ, rốt cục ủ rũ quay về vị trí.

Ơ? Chuyện gì đang xảy ra thế?

Thuấn Thần hoang mang nhìn qua Trần Thuyên. Chỉ thấy chàng sắc mặt càng thêm nặng nề, thở dài một tiếng, tiếp tục yên lặng quỳ.

"..." Thuấn Thần đau khổ. Đây hẳn là Thượng hoàng còn giận nên không cho vào rồi. Tội lỗi do chàng gây nên, sao lại bắt nàng cùng chịu thế này?

Chuyện xui xẻo mà Thuấn Thần gặp phải, cứ dựa theo kinh nghiệm thường ngày thì nhất định không chỉ dừng ở đây. Chưa kể bên cạnh nàng còn có thêm một người nữa. Nếu may mắn không nhân đôi thì hẳn là đen đủi sẽ nhân đôi rồi.

Quả nhiên lát sau, một đàn chim bồ câu bay ngang sân điện.

Sao Thuấn Thần lại quên mất Thượng hoàng cũng là người xuất gia, bên cạnh cung Trùng Quang còn có một cái chùa (*), mà chùa thì sao có thể không nuôi chim bồ câu kia chứ?

(*) Phía Tây cung Trùng Quang là chùa Phổ Minh.

Thuấn Thần giật mình thon thót, cố gắng cầu nguyện, đồng thời dựa theo cảm giác, nghiêng người sang trái muốn tránh đi vài thứ không sạch sẽ.

Nàng vốn nghĩ cách xa Trần Thuyên chắc sẽ may mắn hơn một chút, thế nên mới nghiêng đầu tránh sang trái. Ai ngờ...

Không tránh thì thôi, đã tránh là có chuyện. Thuấn Thần đen mặt cố kìm nén không đưa tay lên lau bên vai trái. Nếu vừa rồi nàng ngồi yên, có lẽ còn tránh được một kiếp.

Đúng là chạy trời không khỏi nắng!

Nhưng mà, còn một vấn đề to hơn cần giải quyết.

Đối mặt với Trần Thuyên thần sắc kinh hãi, mắt trợn trừng chăm chú nhìn vật không sạch sẽ dính trên vạt long bào, Thuấn Thần chỉ biết cười gượng, cố gắng đáp lại hắn bằng ánh nhìn chân thành nhất: Hoàng đế bệ hạ à, ngài đừng trách tôi. Chuyện này cũng đâu phải tại tôi, là tại Thượng hoàng của ngài nuôi chim đấy chứ!

Cũng may, Trần Thuyên chỉ hoảng hốt một chút, sau đó tiếp tục rũ mi, cúi đầu đếm kiến.

Nhưng mà ông thần xui xẻo vốn thích đùa dai. Thuấn Thần đã quỳ tới mức chân sắp mất đi cảm giác, dáng người cố lắm mới không xiêu vẹo. Quỳ lâu như vậy, còn thêm cái bụng đánh trống biểu tình, dựa theo phán đoán của nàng, bây giờ hẳn đã sắp tới giờ cơm tối rồi.

Ngẩng đầu nhìn, thế quái nào mặt trời hôm nay lại ảm đạm như vậy?

Đừng bảo là sắp mưa chứ?

Không nghi ngờ tự hỏi thì thôi, đã hỏi là có chuyện. Mây đen ban nãy còn mỏng manh như lớp sương, hiện tại dày đặc kết thành một khối, dự báo sẽ có mưa lớn.

Quả nhiên chỉ nửa khắc sau, Thuấn Thần mặt như đưa tang giơ tay đón lấy hạt mưa đầu tiên rơi xuống.

Nàng thề rằng từ nay sẽ không nói trước những chuyện xui xẻo nữa, ngay cả nghĩ cũng không. Vì sao mấy điều xui xẻo nàng tưởng tượng ra nhất định phải trở thành sự thật, còn những chuyện may mắn thì có hoang tưởng tới mức đêm cũng mơ về thì chẳng thấy đâu?

Mưa ngày càng mau hạt, long bào của Trần Thuyên bắt đầu ướt sũng, dính sát lên người, đã nặng càng thêm nặng. Thuấn Thần thương cảm nhìn chàng, lại thở phào nhẹ nhõm vỗ vỗ y phục đơn giản trên người mình. Vậy mới nói, bình dị một chút tốt hơn nhiều.

"Sao hôm nay lại kém may mắn như vậy chứ?" Trần Thuyên ủ rũ, tóc mai ướt dính bên má, ngay cả ánh nhìn cũng toát ra vẻ buồn bã.

"..." Có thể là do ngài ở cạnh tôi nên bị đen đủi lây đó.

Thuấn Thần nghĩ vậy, trong lòng trào dâng cảm giác tội lỗi cùng áy náy, chỉ biết ra sức dùng vạt áo che cho tờ biểu kia.

Lúc này, một cung nhân từ trong điện chạy vội ra ngoài, thì thầm to nhỏ với tên lính canh cửa.

Thuấn Thần lập tức đoán ra. Thượng hoàng là người xuất gia, từ bi đức độ, sẽ không để con trai mình kéo theo người vô tội cùng chịu khổ.

Cảm ơn trời xanh rốt cuộc cũng nghe thấu lời khấn vái của con (Dù có hơi muộn chút chút!).

Thuấn Thần như được lên dây cót, ưỡn ngực ngẩng đầu, chuẩn bị diện kiến ông lớn Thượng hoàng kia.

***

Quỳ trong điện, Thuấn Thần dở khóc dở cười hoàn thành vai diễn một cái cọc gỗ câm lặng, nhìn cảnh người cha đang giáo huấn đứa con.

"Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà còn như thế, huống chi sau này? (*)"

(*) Trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Trần Thuyên dập đầu trước thư án:"Thượng hoàng dạy phải."

"Còn có lần sau hay không?" Giọng nói dù vẫn nghiêm nghị nhưng đã hòa hoãn vài phần.

"Tuyệt đối không có ạ." Hắn kiên định đáp.


Thượng hoàng thở dài, khoát khoát tay: "Biết sai là tốt rồi."

Sau đó liếc sang Thuấn Thần đang đờ đẫn quỳ trong góc, hỏi: "Biểu là do ngươi viết cho Quan gia?"

"Vâng." Thuấn Thần vội vàng quy củ quỳ mọp trả lời.

"Ừm, biểu ngươi viết rất hợp ý trẫm." Thượng hoàng gật đầu, đoạn đọc lên:

"... Người ngáy sấm rền, thốt động đến Thọ cung thần sắc
Khó mong thoát được
Đắc tội đành cam..." (*)

(*) Trích bài biểu.

Trong giọng nói dường như có ý nén cười.

Sau mỗi câu nói, sắc mặt của Trần Thuyên ngày càng tối đi, mà mồ hôi lạnh trên trán Thuấn Thần lại rơi thêm một giọt.

Nàng oán thầm: Đậu má! Ngài đọc thì cứ thầm lặng mà đọc, đọc to thế làm méo gì? Nhỡ Hoàng đế nghe được rồi ghi thù mình thì saoooo?

"Đúng là nhân tài đấy, Quan gia nhất định phải trọng dụng kẻ ngay thẳng như hắn." Thượng hoàng nở nụ cười, gật đầu khen ngợi.

Câu nói này chính là sự mở đầu cho những chuỗi ngày đầy máu và nước mắt về sau của Thuấn Thần.

Trên đại điện.

"Trẫm muốn phong ngươi làm Trạng Nguyên..." Vị Hoàng đế nào đó cao ngạo ngồi trên long ỷ, liếc nhìn Thuấn Thần đang quỳ phía dưới.

Giọng nói của chàng đều đặn hững hờ đưa ra phán quyết: "Nhưng ngươi là người can đảm, lại thật thà trung thực. Thế nên, trẫm ban cho ngươi chức Ngự sử Trung tán, ngày ngày đứng trên điện can gián trẫm vậy."

"Thần... khấu tạ hoàng ân." Thuấn Thần dập đầu tỏ vẻ thành kính, nhưng trong lòng lại như có một cơn sóng thần gầm gào quét qua.

Ngự sử Trung tán?

Nooooooooo...

***

Ngự sử Trung tán là công việc như thế nào?

Thuấn Thần có thể vừa ngồi than khóc (nước mắt chảy thành sông) vừa kể cho quần chúng nghe.

Đây là chức quan đứng hàng thứ hai ở Ngự sử đài (*), thuộc bộ phận làm nhiệm vụ can gián nhà vua và đánh giá quan lại, bất kể chức vị cao hay thấp. Lần đầu tiên trong lịch sử, một người không đỗ đạt gì, chưa đầy hai mươi tuổi, lại chẳng phải hoàng thân quốc thích mà được phong làm Ngự sử Trung tán, một cương vị trọng yếu trong triều đình.

(*) Ngự sử đài: cơ quan giám sát ở triều đình các triều đại phong kiến Việt Nam. Quyền hành của Ngự sử đài rất lớn, chức Ngự sử Trung tán của Đoàn Nhữ Hài thuộc hàm Ngũ phẩm.

Điều này có nghĩa là gì?

Thứ nhất, Thuấn Thần ngày ngày đều phải dậy sớm hơn gà, ngủ muộn hơn chó. Hai mắt thâm quầng, tứ chi rệu rã, sắp sửa biến thành một cái xác khô.

Thứ hai, Thuấn Thần bị rất nhiều quan lại ganh ghét, thậm chí bọn họ còn truyền nhau hai câu thơ chế giễu nàng:

"Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ
Khẩu tồn nhũ xú Đoàn Trung tán" (*).

( *) Dịch nghĩa: "Ôn câu chữ cổ đài Ngự sử/Miệng sữa còn hôi Trung tán Đoàn."

Thơ gì mà ngang như rắm! Chẳng biết do kẻ nào viết nên.

Tuy nhiên cái này cũng không đáng để tâm lắm. Thuấn Thần trời sinh bản tính kiêu ngạo, bọn họ càng ganh tỵ nàng càng vui.

Cuối cùng...

Hầy...

"Đoàn ái khanh, khanh có ý kiến gì không?"

Trần Thuyên ngồi trên ngai vàng, nghiêng đầu nhìn Thuấn Thần vì chưa quen khung giờ làm việc nên còn đang buồn ngủ tới mù mờ phía dưới, khuôn mặt hòa ái, khóe môi nhẹ cong.


Thuấn Thần nghe gọi đến tên mình, hoảng hốt giật bắn người, vội vội vàng vàng khom lưng: "Quan gia quả là bậc minh quân sáng suốt, thần thật may mắn, thiên hạ thật có phúc!"

Trần Thuyên im lặng một lát, lại ngó qua bộ dạng như xác sống vì thiếu ngủ của Thuấn Thần, sau đó gật đầu: "Được, việc chuẩn bị cho chuyến đi săn của hoàng thất sắp tới cứ như vậy đi. Bãi triều."

Ế? Hôm nay tan làm sớm như vậy? Mọi ngày còn phải chịu đựng thêm nửa canh giờ nữa cơ mà?

Thuấn Thần như nhìn thấy ánh sáng hạnh phúc le lói cuối con đường, tinh thần nhanh chóng trở nên phấn khởi, trên đường trở về bước chân cũng gấp gáp hơn.

Đi qua một ngã rẽ, chợt nghe thấy có người nhắc đến tên Thuấn Thần. Nàng chắc mẩm 90% là nói xấu, xuất hiện lúc này có vẻ không tiện nên đành dừng lại.

"Nguyễn hộ vệ (*) và Chu hộ vệ là cận thần của Quan gia từ khi người còn là Thái tử, theo người tới tận bây giờ, trung thành tận tụy, mà lại chẳng được ưu ái bằng một tên thư sinh xuất thân thấp kém ư?"

(*) Sĩ Cố mang họ Nguyễn.

"Hắn vừa giúp Quan gia một chút liền được phong làm Ngự sử Trung tán, còn hai vị đại nhân tới bây giờ vẫn là hộ vệ, hai người không thấy bất công sao?"

Thuấn Thần nấp sau cột, nội tâm bùng cháy: Cái gì?! Là tên ngu xuẩn nào dám nói ông chỉ giúp Quan gia "một chút" hả?! Các ngươi cứ thử quỳ trên đất dầm mưa cả ngày đi rồi biết!

Thôi được, tuy cái thời đại này vua bảo dân chết thì dân phải chết, công dầm mưa chưa thấm vào đâu, nhưng cái bài biểu đông tây kết hợp, cũ mới tạp nham...Ớ không đúng, là hàm ý súc tích, mang theo tinh hoa của ngàn năm mà ta hao tâm tổn sức viết ra không phải là thứ mấy người não ngắn như các ngươi có thể lĩnh hội được đâu! Nhìn Thượng hoàng xem, người ta mới đọc một lần đã vô cùng tâm đắc đó.

Thuấn Thần bên này còn đang giận dỗi cào tường, bên kia đã đột ngột vang lên một âm thanh nghiêm nghị: "Bản quan luôn tin tưởng vào quyết định của Quan gia. Hơn nữa, bổn phận của bề tôi là trung quân ái quốc, dốc sức vì dân, hơi đâu mà lo mấy chuyện tranh giành địa vị tầm thường."

Giọng nói đó là của Chu Bộ. Hắn còn muốn tiếp tục, đã nghe Sĩ Cố nhàn nhạt tiếp lời: "Chúng ta còn nhiều việc phải làm, cáo từ trước."

Ý tại mặt chữ, chính là ông đây không rảnh ngồi nghe đám người các ngươi nói nhăng nói cuội.

Thuấn Thần vẫn còn ở một bên nghe lén, không ngờ đám người đó lại rẽ qua lối nàng đang đứng, có muốn chạy cũng không chạy kịp. Hai bên đụng mặt nhau.

Nửa khắc tĩnh mịch, Thuấn Thần gãi đầu cười khan hai tiếng: "Ha ha, thật trùng hợp."

Má, chân mấy người có gắn Phong Hỏa Luân của Na Tra hả? Đi nhanh khủng khiếp!

Bọn họ nhìn Thuấn Thần với vẻ ghét bỏ, chắp tay chào cho có lệ rồi lẳng lặng rời đi. Thuấn Thần hé mắt nhìn lên, chỉ còn hai người đứng lại. Một người cao lớn cường tráng, gương mặt thon dài, làn da màu lúa mạch khỏe khoắn. Người còn lại thấp hơn nửa cái đầu, ngũ quan hài hòa, là một thiếu niên thanh tú, mỉm cười nhìn nàng: "Bản quan tên Chu Bộ, tự Quảng Hành. Hắn họ Nguyễn, tên Sĩ Cố, tự Quân Vệ. Đoàn Trung tán, nghe danh đã lâu."

Thuấn Thần vội vã đáp lời: "Chu hộ vệ quá lời rồi, hạ quan vài ngày trước vẫn chỉ là một thư sinh thấp cổ bé họng, nào đã có danh phận gì."

Chu Bộ nhẹ nhàng cười: "Nghe nói ngài ở trọ trong chùa Tư Phúc, cách cung điện xa như vậy, mỗi sáng lên triều có lẽ khá vất vả đúng không?"

Thuấn Thần uất ức muốn rơi nước mắt: Chuẩn quá đi chứ! Buổi chầu sáng bắt đầu lúc năm sáu giờ, tôi ba bốn giờ đã phải rời giường chuẩn bị rồi. Vất vả lao lực như vậy mà mấy người còn không phục!

Nhưng ngoài mặt nàng lại cười xuề xòa: "Không có, ha ha, dù vất vả cũng đâu thể phiền Quan gia lo lắng."

Sĩ Cố kinh ngạc: "Quan gia vốn định sắp xếp cho Đoàn Trung tán ở trong Ngự sử viện, vậy thì xem ra không cần thiết rồi."

Hả? Được chuyển hộ khẩu vào trong cung luôn à?

Thuấn Thần lập tức ném danh dự hay mặt mũi gì đó bay ra ngoài vũ trụ, tự động bỏ qua vế sau "xem ra không cần thiết" của Sĩ Cố, cười rộ lên: "Quan gia muốn sắp xếp cho hạ quan ở trong Ngự sử viện? Ừm, cũng tốt, tính ra tiết kiệm được gần nửa canh giờ đi đường, có thể ngủ thêm một lát. Giấy mực hay đồ dùng sinh hoạt đều không cần phiền tới sư thầy. Đúng là một mũi tên trúng mấy chục con chim!"

Sau khi tự kỉ tính toán vài giây, cuối cùng Thuấn Thần cũng để ý tới Sĩ Cố và Chu Bộ nãy giờ vẫn còn đang đứng một bên, nàng đi vào trọng điểm: "Cảm tạ hai vị đã thông báo, vậy bao giờ hạ quan mới có thể chuyển tới ở vậy?"

Sĩ Cố và Chu Bộ nhìn Thuấn Thần, đột nhiên được mở rộng tầm mắt. Trình độ đúng là không tầm thường, lật mặt vừa nhanh vừa chuyên nghiệp như đầu bếp lật chảo, thảo nào được Quan gia coi trọng đến thế!

Hai người rơi vào trạng thái sốc tâm lý một lúc lâu, lát sau vẫn là Sĩ Cố định lực cao bình phục trước, hắng giọng nghiêm chỉnh nói: "Phòng đã dọn xong, hôm nay có thể lập tức chuyển tới."

"Ồ, cảm ơn hai vị." Thuấn Thần chắp tay, thầm nghĩ: Tiến độ nhanh ghê, xem ra Trần Thuyên thấy mình chịu khổ quỳ dưới mưa vì anh ta, trong lòng hẳn có chút áy náy đi.

***

Thuấn Thần nhanh chóng chạy về chùa, thu dọn hành lý, lại luôn mồm dặn dò: "Sư thầy, lúc con không có ở đây, sư thầy nhất định không được bỏ bữa, cũng không được làm việc nặng. Nhà cửa cứ để con lau dọn, mỗi tuần con đều về một lần. Sư thầy nhớ..."

Tuệ Trung cắt ngang lời nàng: "Được rồi được rồi, con còn không lo cho bản thân mình đi. Vào cung không thể ăn nói tùy tiện như lúc trước, phải cẩn trọng từng chút một, biết chưa?"

Thuấn Thần dừng tay thu dọn, sống mũi cay cay. Cha mẹ một lần nữa mất đi, giờ người duy nhất nàng coi như máu mủ chỉ còn vị đại sư trước mặt. Thuấn Thần bước tới nhào vào lòng ông, khẽ gọi: "Sư thầy..."

Tuệ Trung hiền từ vỗ đầu nàng: "Đứa nhỏ này, sao mới gặp chút chuyện đã xuống tinh thần như vậy? Đừng lo, Thuấn Thần nhà ta sau này nhất định sẽ vô cùng xuất chúng, vang danh khắp Đại Việt, được hậu thế ngàn đời nhớ đến..."

Cùng lúc đó, ở cung Quan Triều, Trần Thuyên ngồi bên cửa sổ trông ra khoảng sân phía trước, hỏi Chu Bộ: "Hắn thích chứ?"

"Hắn rất thích, nói ngày mai sẽ chuyển tới ở."

Thấy Trần Thuyên khẽ cười, Chu Bộ không kìm lòng được bèn hỏi: "Ngài rất coi trọng họ Đoàn đó sao?"

Trần Thuyên chỉ đáp: "Trẫm nợ hắn rất nhiều."

***

Kiến trúc cung điện thời Trần về cơ bản giống như thời Lý, hành lang và gác liên kết hài hòa với hoa viên. Vật liệu đa phần là gỗ, sơn son đỏ rực, cột chạm trổ hoa văn tinh vi, cầu kì tráng lệ. Đá lát nền và ngói lưu ly đều được khắc hình long, ly, quy, phượng hoặc tranh tứ quý.

Thuấn Thần lần đầu trông thấy chẳng thể làm gì ngoài trợn mắt tán thưởng.

Bởi vì hoàng cung này qua bao binh biến loạn lạc đã bị tàn phá nhiều lần, đến thời đại của nàng thì chỉ còn sót lại mấy di chỉ khảo cổ và phục dựng.

... Thậm chí tường cửa Bắc còn có một cái lỗ to tướng do đạn pháo của thực dân Pháp bắn vào.


Thực sự không thể tưởng tượng nổi trước đây nó lại nguy nga rực rỡ như thế này.

Cung điện được xây trên bệ cao, đa số là hai tầng có gác, riêng cung Quan Triều của Trần Thuyên thì cao tới bốn tầng, hành lang liền mạch bao quanh nối với các cửa Hoàng thành.

Thuấn Thần ở trong Ngự sử viện, nằm bên trái cung Quan Triều, mấy ngày nay nàng đang trong thời gian "học việc", phải vùi đầu đọc lại sách sử được ghi chép của các đời vua trước.

Không ngờ trong đó lại thấy được một cái tên quen mắt - Nguyễn Sĩ Cố, là Nội thị học sĩ, dạy học cho Thượng hoàng Trần Khâm.

Thuấn Thần nghi hoặc. Sĩ Cố trông chẳng thể quá ba mươi, sao có thể dạy học cho Thượng hoàng từ hai mươi mấy năm trước được? Hơn nữa Sĩ Cố mà nàng quen biết là hộ vệ, chuyên võ, không phải học sĩ. Hẳn là trùng tên thôi.

Sau giờ chầu, Thuấn Thần ôm một chồng sách cũ rách mang về phòng định chép lại bản mới, ai ngờ ngơ ngẩn va phải một người, sách trên tay rơi tứ tung xuống đất.

Ngẩng đầu lên, thấy người đến mặc áo bào màu tía thêu chỉ vàng, gương mặt có vài phần giống với Trần Thuyên nhưng trẻ hơn một chút, Thuấn Thần liền kinh hãi: Đây chẳng phải em trai máu mủ ruột rà với Trần Thuyên, cái người lúc thiết triều đứng hàng đầu ngay bên phải anh ta ư?!

Thuấn Thần sợ hãi cúi rạp người: "Huệ Vũ Đại vương, hạ quan thất lễ rồi."

Trần Quốc Chẩn ôn hòa mỉm cười tỏ ý không sao, lại giúp nhặt mấy cuốn sách lên, đưa cho Thuấn Thần. Hai người đứng trò chuyện khách sáo đôi câu, bèn nghe Trần Quốc Chẩn cảm thán:

"Năm nay văn võ bá quan đều được tham gia đi săn cùng hoàng thất, thật đông vui nhộn nhịp."

"Dạ?" Thuấn Thần ngơ ngác.

Trần Quốc Chẩn ngạc nhiên: "Hoàng thượng tỏ ý muốn tất cả cùng đi săn, chẳng phải Đoàn trung tán đã vô cùng đồng tình sao?"

Trí nhớ trở về rất nhiều ngày trước, lúc Trần Thuyên hỏi ý kiến Thuấn Thần, nàng còn khen chàng cái gì mà "minh quân sáng suốt".

Lúc đó Thuấn Thần đang ngủ gật nha! Trời ạ, vậy mà Trần Thuyên không nói hai lời liền phê chuẩn. Thảo nào đám quan văn dạo gần đây lại bày ra vẻ hằn học như muốn ăn tươi nuốt sống nàng.

Cái này... cái này... cũng quá kinh khủng rồi!

(*) Bài biểu của Đoàn Nhữ Hài:

Cúi nghĩ:
Đế vương theo lệ, về thị triều kinh dự thường niên.
Người ngáy sấm rền, thốt động đến Thọ cung thần sắc.
Khó mong thoát được;
Đắc tội đành cam.
Nghĩ đạo con thêm thảng thốt bàng hoàng;
Mong lượng cả hoàng khoan dung tha thứ.
Thầm trộm nghĩ :
Đất trời lượng che chở, đông hán tiếp dương xuân;
Cha mẹ sinh thành, roi vọt hóa cao trạch.
Thần:
Xét thân bất tiến;
Gia pháp chưa quên.
Làm thiên tử hết đỗi gian nan, trưởng khôn gánh vác;
Thở nhật nguyệt không riêng phúc dục may được sáng soi.
Ngọc lụa của muôn nước đều kính cẩn dâng mời;
ấm mát chốn cửa thành luôn đêm ngày hầu hạ.
Gà canh đầu hỏi thăm giấc ngủ, bụng đắn đo như văn Hậu Triều yết ba lần
Ô chửa mọc tìm kiếm áo khăn, lòng lo lắng như tống quân suốt ngày để dạ
Những tưởng con tư truyền ngôn cả;
Riêng tin phó thác được người hay.
Muôn việc nước một ngày gối canh ba đêm khuya lạm giấc:
Cửa trùng sôi cơn giận, người thứ nhất sấm sét giận lây.
Ngờ rằng:
Dậy sớm thức khuya, lòng khó sánh với lòng nghiêu Thuấn;
Về tra chầu sớm, chính đầu bằng được chính chu Tuyên.
Chẳng hỏi đêm cha làn, gà Tề gáy nệm gối giấc nồng
Lòng sinh dân chẳng lấy làm lòng;
Vị thiên tử lự mình yên vị.
Giương cao nằm nghỉ ; Giấc chửa no thay!
Gỗ mục chạm sao hay, cha thiên tử dạy răn, làm Tề Ngũ không bao giờ bỏ sót;
Lò hồng tan giọt tuyết phận lôi con lầm lỗi, học nhan Uyên không phạm đến hai lần.
Cung hân vừa qua thăm;
Thềm đường toan ghé lại.
Say chợt tỉnh, mộng chợt vỡ bừng, vua đấy cha đây.
Ví như nhật thực nguyệt thực đêm ngày, người người đều trong được rõ;
Mong mỏi gió sương ngừng trời tỏ, không đâu giao hóa không cùng.
Cúi mong,
Suốt soi gương sáng;
Cúi xét trẻ ngu.
Vua tôi mà cha con tình riêng;
Cha con mà vua tôi nghĩa nặng.
Bên giường chẳng dám ngủ ngày, bỏ yếu ớt gắng nên mâu thuẫn cán; Cả nước phó cho con cháu, may toàn quyền thay gánh nặng nguyên lương.

- Hết chương 3 -

MỌI NGƯỜI ĐỌC TRUYỆN VUI VẺ!
BÌNH CHỌN CHO BỌN MÌNH NHA! ^^

TianDiLingLing

Bình Luận (0)
Comment