Cô Thành Bế

Chương 27

Liên hệ toàn bộ tiền căn hậu quả sự việc này, ta không khỏi cảm thán: “Vốn tưởng rằng hành động của Hạ Tủng chỉ là ngấm ngầm phụ trợ Trương mỹ nhân, giành lấy công ủng hộ, lại chẳng ngờ nguyên nhân trong đó phức tạp đến vậy.”

“Phế lập trung cung là chuyện liên quan đến xã tắc, trước nay chưa từng chỉ là chuyện nhà đế vương…” Trương tiên sinh chầm chậm giở chiếu thư phế hậu ta trả lại thầy, hỏi ta: “Cậu có biết Quách hậu vì cớ gì mà bị phế không?”

Ta đáp theo kết luận của người trong cung: “Bởi bà ấy tranh sủng với tần ngự.”

Trương tiên sinh xua tay: “Xúc phạm long nhan do tranh sủng chỉ là giọt nước tràn ly. Theo lệ của quốc triều, nếu chuyện liên quan đến trung cung thì quyết sách của hoàng đế phải trải qua bàn bạc với tể chấp trước. Tể chấp mà không đồng ý thì hoàng đế rất khó tự ý chủ trương.”

Đây là lần đầu tiên ta ý thức được rằng sự kiện phế hậu đã nghe quá nhiều lần này còn có bối cảnh sâu hơn: “Nói vậy, là Lữ tướng công…”

“Đúng thế, bà ấy đắc tội với tể tướng đương thời Lữ Di Giản.” Trương tiên sinh kể lại chuyện cũ khi xưa, “Minh Đạo năm thứ hai, Chương Hiến thái hậu hoăng, sau mười một năm ròng rã bà buông rèm chấp chính, kim thượng mới được đích thân xử lý chính sự. Sau đó kim thượng thương nghị với Lữ Di Giản, muốn trục xuất toàn bộ bộ hạ của thái hậu, Lữ Di Giản cũng bày mưu cho ngài, đồng thời liệt kê danh sách những đại thần cần bãi miễn. Kim thượng về lại trong cung, nói việc này với Quách hoàng hậu, Quách hậu phản vấn ngài: ‘Lẽ nào Di Giản thì không phò tá thái hậu? Chẳng qua ông ta linh hoạt, giỏi ứng biến, biết phải cư xử thế nào trước cả thái hậu lẫn quan gia nên mới chu toàn được vậy thôi.’ Kim thượng bèn quyết định bãi miễn cả Lữ Di Giản. Hôm sau, Lữ Di Giản nghe nội thần tuyên bố quan viên bị cách chức trên triều, đột nhiên nghe thấy tên mình cũng bị xướng lên, vô cùng kinh hãi, lại không biết nguyên nhân làm sao. Ông ta sẵn có qua lại với nhập nội đô tri Diêm Văn Ứng, nghe Diêm Văn Ứng giải đáp lý do, kể từ đó bất mãn với Quách hậu. Qua gần nửa năm, kim thượng khôi phục tướng vị cho ông ta. Sau nữa, kim thượng vì việc của Thượng mỹ nhân mà phàn nàn với ông ta hoàng hậu nặng tâm đố kị, ông ta và Diêm Văn Ứng thuận thế nói vài câu lửa cháy đổ thêm dầu, Quách hậu liền bị phế… Bây giờ tình huống của Hạ Tủng cũng tương tự Lữ Di Giản, có một trung cung tán đồng với các đại thần tân chính bên cạnh quân vương, ông ta khó mà không lo lắng cho được, huống hồ ông ta còn câu kết với Dương Hoài Mẫn, có khi Dương Hoài Mẫn từng bịa đặt gì đó về trung cung trước mặt ông ta cũng chưa biết chừng… Mặt khác, nghe đứa bé phục vụ trong Xu mật viện nói, sau hôm dẹp giặc, quan viên Xu mật viện nhắc tới việc hoàng hậu đêm trước gặp nguy không loạn, chỉ huy bình tĩnh, mọi người đều có ý khen ngợi, chỉ duy Hạ Tủng cười ruồi, nói: ‘Trung cung có phong độ buông rèm của Chương Hiến quá nhỉ.’”

Ta nghe ra ngụ ý câu này: “Ông ta chẳng những sợ hoàng hậu góp lời tham gia vào chính sự bây giờ mà còn sợ trong tương lai, bà sẽ học Chương Hiến buông rèm chấp chính, trọng dụng đại thần tân chính?”

Trương tiên sinh liếc ta, nói: “Cẩn thận cái mồm đấy… Quan gia bây giờ thánh thể an khang.”

Ta cả kinh, vội cúi đầu nín bặt.

Trương tiên sinh lại bảo: “Lời cậu vừa nói, rằng Hạ Tủng có ý âm thầm trợ giúp Trương mỹ nhân, đúng là cũng có nguyên nhân này. Trương mỹ nhân lôi kéo Hạ Tủng và Vương Chí thông qua Giả bà bà, biếu tặng họ rất nhiều thứ, mà bản tính hai người Hạ, Vương thì tham lam, còn kiêng dè trung cung, bởi vậy nên hai phe ăn rơ bắt mối với nhau.”

Ta hồi tưởng lại sự kiện đã qua, càng nghĩ càng thấy kinh hãi: “Sau khi dẹp giặc, Hạ Tủng kiên quyết phản đối để Ngự sử đài thẩm lý án này bên ngoài, mà Dương Hoài Mẫn thì lại giết tên giặc cuối cùng diệt khẩu… Cũng có thể, ba tên bị giết trước vào đêm hôm đó cũng là do ông ta bày mưu… Lẽ nào sự kiện này căn bản là một tay Hạ Tủng một tay trù tính?”

“Ông ta đúng là có động cơ này.” Trương tiên sinh nói, “Thậm chí con bé thị nữ trong gác hoàng hậu cũng có thể là ông ta kêu giặc đi dụ dỗ để có lý do xử án làm lung lay trung cung… Theo ta thấy, khi đó hoàng hậu đã ý thức được là bị người hãm hại nên mới khăng khăng muốn giết Song Ngọc, bằng không, nữ tử có thể dễ dàng bị dụ dỗ ý chí vốn bạc nhược, dưới thủ đoạn trui rèn thì lời khai gì mà chẳng nói ra được?”

“Thì ra là thế…” Nghi vấn đã có giải thích hợp lý, nhờ đó ta mới rút ra được chút đầu mối từ vụ án rối loạn này.

Trương tiên sinh rầu rầu thở dài, lại nói: “Nhưng đây cũng chỉ là phán đoán của ta mà thôi, khổ ở chỗ chẳng có chứng cớ mà trình lên quan gia.”

“Kim thượng thánh minh, chuyện sửa án cho Âu Dương Tu ai ai cũng nhìn rõ được cả, chắc chắn sẽ không xử oan hoàng hậu, vả lại, còn có nhóm Trần tướng công lên tiếng cho trung cung nữa…” Ta muốn xua bớt phiền muộn cho Trương tiên sinh, nhưng nhắc tới Trần Chấp Trung, lại bỗng nảy ra một thắc mắc, “Cơ mà, tại sao tiên sinh lại cho rằng Trần tướng công chắc chắn sẽ lên tiếng cho hoàng hậu? Theo tôi được biết, ông ấy cũng không thuộc phái tân chính.”

“Đương nhiên, ông ấy phản đối tân chính.” Trương tiên sinh đáp, “Tuy nhiên, ông ấy còn ghét Hạ Tủng hơn.”

Thầy tiếp tục giải thích thắc mắc cho ta: “Lúc Hạ Tủng coi giữ Tây cương, kim thượng bổ nhiệm Trần Chấp Trung làm kinh lược an phủ chiêu thảo sứ (*), mà tư tưởng của Trần Chấp Trung và Hạ Tủng lại không hợp nhau, sau cùng như nước với lửa, hai bên đều tự dâng tấu lên triều đình xin từ chức. Trước đây kim thượng triệu Hạ Tủng về vốn là định phong làm tể tướng, ngang hàng với Trần Chấp Trung, nhưng chúng gián quan và ngự sử đều nói hai người họ vốn có hiềm khích xưa nay, không thể cho làm cộng sự, bấy giờ mới chuyển ông ta sang làm xu mật sứ. Thế nên, Hạ Tủng mà muốn thay trung cung, Trần Chấp Trung ắt sẽ không ngồi yên bỏ mặc.”

(*) Chức kinh lược an phủ sứ (tổng quản lý quân dân) kiêm chiêu thảo sứ (trấn áp bạo loạn và chiêu hàng, đánh dẹp quân phản loạn).

Ta cũng nghĩ đến ngay, Trần Chấp Trung tuy phản đối tân chính nhưng trước nay vẫn luôn thanh liêm tự trọng, ông không vừa mắt Hạ Tủng cũng là điều dễ hiểu. Trước đây còn từng nghe kim thượng khen với công chúa là Trần Chấp Trung trung thành, không mượn việc công làm việc tư, kể rằng con rể ông xin ông kiếm cho chức quan, ông trả lời: “Chức quan là của quốc gia, không phải đồ trong lồng trong tráp nơi buồng ngủ, sao có thể tùy ý đem cho con rể mình!” Kim thượng rất tán thưởng chuyện ấy, bởi vậy nên tuy gián quan nhiều lần tiến ngôn nói Trần Chấp Trung văn dốt võ nát, không có tài làm tể tướng, nhưng kim thượng vẫn kiên trì cho ông tướng vị, ngược lại, nói với chúng thần rằng: “Chấp Trung sẽ không lừa dối trẫm.” Nếu ông tiến gián, kim thượng tất sẽ suy xét cẩn trọng.

Liên tưởng tới Hà Đàm, ta thuận thế truy vấn Trương tiên sinh: “Vậy Hà ngự sử thì sao ạ? Y thì có va chạm gì với Hạ Tủng?”

“Y thì không phải là có ân oán cá nhân gì với Hạ Tủng, mà là tính vốn chính trực dám nói, lại từng biện giải thay Thạch Giới.” Trương tiên sinh lại kể sang chuyện Hà Đàm: “Năm ngoái, Hạ Tủng muốn tiến một bước mưa hại Phú Bật, bèn tấu lời gièm pha, Thạch Giới khi ấy còn chưa chết thật mà nghe lời Phú Bật chỉ điểm giả chết, âm thầm đi Khiết Đan âm mưu khởi binh, Phú Bật chính là nội ứng, sau đó còn kiến nghị mở quan tài Thạch Giới nghiệm chứng. Lúc đó đài gián cũng không dám nói gì thêm, còn Hà Đàm thì cực lực biện giải thay Thạch Giới trước kim thượng, cũng chỉ trích Hạ Tủng dụng tâm hiểm ác… Với cả, lần này xem y đánh giá việc Dương Hoài Mẫn, ta nghĩ lòng y như gương sáng, nhất định biết phải quấy trong này, cho nên mới dám gửi gắm hi vọng vào y.”

“Còn Trương học sĩ nữa…” Ta hỏi lại.

Trương tiên sinh mỉm cười: “Năm đó cậu làm học trò ta cũng không thấy siêng năng học hỏi như bây giờ.” Thấy ta xấu hổ, thầy không đùa thêm nữa, tiếp tục giải thích: “Năm ấy, ban đầu Trương Phương Bình cũng tán thành tiến hành tân chính, chỉ là tham dự không sâu nên mới toàn thân trở ra. Y cũng là người ủng hộ trung cung tiềm ẩn, nếu kim thượng quyết định tỏa viện thảo chiếu, bất kể là phế lập trung cung hay tôn vinh Trương mỹ nhân, y tất đều sẽ tiến gián.”

Lại một lần nữa được thụ giáo Trương tiên sinh sau rất nhiều năm, ta nghe mà gật đầu lia lịa, nhịn không được hỏi tiếp: “Lương Thích thì sao ạ? Sao y cũng không đồng tình với nghị quyết của Hạ Tủng?”

Trương tiên sinh không trực tiếp đáp ngay mà hỏi ngược lại ta: “Ta hỏi cậu, trước đó ta không hề dặn cậu cho cả Lương Thích xem chiếu thư, vì sao lúc y ở đấy cậu cũng mở chiếu thư ra?”

Ta thuật lại suy nghĩ khi ấy cho thầy nghe: “Tôi nghe người ta nói, trước nay trong quốc triều, xu mật sứ và xu mật phó sứ thường không hòa hợp, chẳng hạn như Khấu Chuẩn và Vương Tư Tông hay Vương Khâm Nhược và Mã Tri Tiết triều Chân Tông vậy, bây giờ hẳn cũng…”

Trương tiên sinh gật đầu, nói: “Cậu đã biết rồi thì cần gì phải hỏi ta?”

Ta đầu tiên là sửng sốt, ngay sau đó cùng thầy nhìn nhau cười. Hoàng đế quốc triều luôn chú trọng cân bằng quyền lợi, đề phòng tể chấp lưỡng phủ chuyên quyền, thông thường, chức vị thứ yếu trong lưỡng phủ sẽ không để bè cách tể chấp đảm nhiệm, bởi vậy nên tể tướng đồng bình chương sự và phó tướng tham tri chính sự, xu mật sứ và xu mật phó sứ thường thuộc hai phái khác nhau trong triều.

Kết quả cuối cùng của đêm nay hoàn toàn không ảnh hưởng tới tâm trạng tốt đẹp của hai ta trong khoảnh khắc này. Lát sau, có nội thị từ Di Anh Các tới, thông báo với Trương tiên sinh: “Trần tướng công, Lương xu mật và Hà ngự sử vừa mới rời khỏi Di Anh Các, trời đã khuya, cửa cung đã đóng, không tiện xuất cung nên đêm nay ở tại Hàn uyển. Mời Trương tiên sinh ghi lại vào sổ sách Nội Đông Môn ty.”

Trương tiên sinh đồng ý, rồi hỏi một câu làm như bâng quơ: “Họ đi Hàn uyển là cần tỏa viện à?”

Nội thị đáp: “Không phải, chỉ là qua đêm ở Hàn uyển mà thôi, cũng không thảo chiếu.”

Sáng sớm hôm sau, Thu Hòa tới tìm ta, ngẩn ngơ ưu sầu, hai mắt hãy còn vương dấu lệ, nhưng khóe miệng lại chúm chím rộ cười.

“Hoài Cát, vừa rồi tôi đến Phúc Ninh Điện cầu kiến quan gia…” Cô nói, “Ngài nói với tôi, thực ra ngài cũng chưa từng nghĩ đến chuyện thay trung cung.”

Nhận được đáp án minh xác này, ta tất nhiên là mừng rỡ, song chú ý tới vẻ mặt lạ lùng của Thu Hòa, cảm thấy hoài nghi sâu sắc cách cô thăm dò được lời thật của quan gia, bèn hỏi cô: “Cô hỏi ngài như thế nào? Sao ngài lại thẳng thắn nói vậy?”

Thu Hòa gắng duy trì nụ cười, chậm rãi nói cho ta biết: “Tôi nhắc tới lời chấp thuận năm đó với ngài, xin ngài thực hiện nguyện vọng của tôi. Ngài hỏi là cái gì, tôi nói, nguyện vọng của tôi chính là nhìn hoàng hậu làm bạn bên quan gia dài lâu.”

“Ôi…” Ta khó mà hình dung được tâm trạng lúc này. Tuy hoàn toàn có thể lý giải thiện ý của cô, cũng cho rằng cô đã có một lựa chọn thỏa đáng, song vẫn không khỏi tiếc hận thay cô, “Nguyện vọng của cô thì sao? Cô cứ thế từ bỏ nguyện vọng chân chính của mình như vậy?”

Cô lắc đầu, rầu rĩ: “Nói sau đi… Để tôi nghĩ đã, đừng hỏi nữa…”

Cô xoay người đi ra ngoài, bước chân nhẹ bẫng, dáng vẻ mất hồn mất vía. Đi tới cạnh cửa, như nhớ tới điều gì, lại quay đầu lại, nói giọng lưỡng lự: “Sau đó, quan gia bảo tôi chuyển cáo Trương tiên sinh một câu, tôi không biết có nên chuyển không nữa.”

“Ồ, là gì thế?”

“Ngài nói: Gửi lời tới Trương tiên sinh, bôn ba mấy ngày nay, vất vả rồi.” Thu Hòa thuật lại, bổ sung thêm: “Lúc ngài nói câu này, vẻ mặt rất bình thản, không giống như đang tức giận, nhưng cũng không có ý cười.”

Hiện giờ, rốt cuộc ta cũng hiểu rõ vì sao kim thượng không thích Trương tiên sinh. Do dự mãi, cuối cùng vẫn thay mặt Thu Hòa chuyển cáo câu này cho thầy. Mà Trương tiên sinh thì lại rất bình tĩnh, không hề có vẻ sợ hãi của người bình thường khi nghe quân vương cảnh cáo, chỉ thong dong đáp lại ba chữ: “Tạ quan gia.”

Thấy ta ngạc nhiên, thầy khẽ nhếch miệng: “Có phải cảm thấy mặt ta rất dày, nghe thế mà không đi quỳ lạy tạ tội không?”

Ta khó mà trả lời được, chỉ xua tay. Trong bụng rất ư bội phục thầy còn có thể trấn tĩnh được vậy, nếu đổi lại là người khác, nghe kim thượng bảo thế, há còn dám yên tâm ở lại cung?

Thầy yên lặng nhìn ta hồi lâu, thình lình hỏi ta một câu như chẳng liên quan: “Quách hậu chết như thế nào, cậu có biết không?”

“Bệnh chết.” Ta đáp, ngẫm nghĩ rồi lại bổ sung một tin đồn từng nghe trước đây: “Cũng nghe nói là bị Diêm Văn Ứng hạ độc chết.”

Trương tiên sinh lắc đầu: “Bà ấy bị chôn sống.”

Đây hẳn là chuyện làm ta khiếp sợ nhất trong số những gì nghe được mấy ngày qua, nhất thời không mảy may phản ứng được gì, chỉ quên sạch lễ nghi sững sờ nhìn Trương tiên sinh trân trân.

“Đối với kim thượng, phế hậu vốn xuất phát từ cơn giận dữ nhất thời, sau đó ngài cũng từng hối hận.” Trương tiên sinh nói với ta, “Có một lần, ngài dạo chơi Hậu uyển, trông thấy cỗ kiệu Quách hậu từng dùng, nhất thời có ý nhớ nhung người cũ, cảm thấy sầu não, bèn điền một bài từ, sai tiểu hoàng môn đến cung Dao Hoa Quách hậu ở, ban từ cho bà. Quách hậu theo vần đáp lại, lời lẽ vô cùng đau thương. Kim thượng xem mà buồn bã, lại phái người đi, hứa hẹn sẽ triệu bà hồi cung. Lữ Di Giản và Diêm Văn Ứng nghe vậy đều rất sợ hãi, lo rằng Quách hậu sẽ trả thù. Mà lúc ấy, Quách Hậu ngẫu nhiên bị cảm lạnh, Diêm Văn Ứng bèn dẫn thái y tới khám, không biết làm sao mà bệnh càng chữa càng nặng. Không được mấy ngày, Diêm Văn Ứng tuyên bố thuốc và châm cứu không hữu hiệu, Tịnh phi bệnh chết.”

Những điều này ta đã được nghe người ta kể từ trước, bèn hỏi Trương tiên sinh: “Không phải là Diêm Văn Ứng hạ độc vào thuốc hại chết như người trong cung đồn ạ?”

Trương tiên sinh đáp: “Có hạ độc, nhưng là độc mạn tính, chỉ làm bệnh tình Quách hậu nặng thêm, trong một khoảng thời gian ngắn sẽ không chết ngay. Có lẽ hắn cảm thấy nếu hạ thuốc mạnh độc chết, bệnh trạng sẽ quá rõ ràng. Khi đó kim thượng làm lễ trai giới ở ngoại thành phía nam, sắp trở về. Diêm Văn Ứng sợ ngài về rồi sẽ tới thăm Quách hậu, bèn cưỡng ép khâm liệm bỏ bà vào quan tài trong tình huống Quách hậu còn chưa tắt thở.”

Ta tưởng tượng cảm nhận của Quách hậu khi đó, không rét mà run, chuyển sang hỏi thầy: “Sao tiên sinh biết việc này?”

Trương tiên sinh trả lời: “Khi đó ta làm việc ở Ngự dược viện, có một hôm phụng mệnh đi đưa thuốc cho Quách hậu, đến nơi, thấy trong sân bày quan tài, đám cung nhân nội thị thì đang khóc lóc trước linh cữu. Diêm Văn Ứng lau nước mắt đi qua nói với ta, đêm qua Quách hậu đã qua đời. Thấy ta phân vân, hắn liền sai người mở quan tài cho ta nghiệm xét. Đương nhiên, lúc này Quách Hậu đã được liệm xong, tư thế như đang ngủ yên bình thường, nhưng lại nhíu mày nhăn trán như thể chịu không xiết đau đớn. Ánh mắt ta vô tình lướt qua nắp quan tài họ nhấc lên, trông thấy bên trên có mấy vết móng tay… Ta nhất thời sinh nghi, bèn mượn cớ thuốc thang quý giá đã đưa đến, không tiện mang trở về, không bằng bỏ vào quan tài chôn cùng, sau đó nhân cơ hội đặt thuốc thoáng vén ống tay áo Quách hậu lên, phát hiện ra ngón tay bà ứ máu tím bầm, da móng tay hư hại, nghĩ hẳn là cào trầy trong lúc ra sức giãy giụa bên trong…”

“Đừng nói nữa.” Trong lòng khó có thể chấp nhận được thảm trạng khi ấy, ta không nhịn được ngắt thẳng lời Trương tiên sinh.

Trương tiên sinh lập tức lặng thinh. Một chốc sau, ta hỏi lại: “Tiên sinh đã xem ngón tay của Quách hậu sau khi chết mà về sau lại không bị Diêm Văn Ứng hãm hại ạ?”

“Ta đoán hắn đúng là có ý định ấy. Có điều, rất nhanh sau đó hắn tự thân khó bảo toàn, không rảnh xử trí ta.” Trương tiên sinh đáp, “Tuy hắn nói Quách hậu chết bệnh nhưng trong cung trong triều ai cũng nghi ngờ, rồi rộ lên tin đồn hắn hạ độc. Có gián quan xin kim thượng nghiệm xét trạng huống sinh hoạt hằng ngày của Quách hậu, điều tra việc này, nhưng kim thượng tuy bi thương song lại không đồng ý lời tấu xin của gián quan, chỉ phân phó mai táng Quách hậu theo lễ nghi hoàng hậu. Diêm Văn Ứng từng lớn tiếng quát mắng y quan trong lúc kim thượng cử hành tế bái ở thái miếu trước khi trai giới, gián quan thấy kim thượng không muốn truy tra nguyên nhân cái chết của Quách hậu, bèn mượn chuyện đó vạch tội hắn. Vì vậy, kim thượng điều Diêm Văn Ứng ra khỏi kinh. Sau đó không lâu, Diêm Văn Ứng chết ở Lĩnh Nam.”

“Thế thầy có nói lại việc này với quan gia không?” Ta hỏi.

“Không. Ngài đã không muốn truy cứu thì hà tất ta phải nhiều chuyện. Ngài tự có nguyên nhân của mình, chúng ta cũng không cần phải đi phỏng đoán thánh ý nữa.” Trương tiên sinh đáp, lại dời mắt về phía trung cung, ánh mắt nghiêm cẩn, “Nhưng kể từ đó, hễ chạm tới bức chiếu thư phế hậu này, ta đều sẽ nhắc nhở bản thân, tuyệt đối không thể để chuyện này xảy ra với hoàng hậu ngày nay.”

“Cho nên,” Một lần nữa nhìn sang ta, thầy bình thản nói, “Chịu chút lạnh nhạt có tính là gì. Miễn là ta còn ở trong cung, còn một hơi thở, ta sẽ làm chuyện ta cần làm.”

Ta rất muốn hỏi thầy, nếu thật sự vì vậy mà làm kim thượng tức giận thì chẳng phải sẽ có nguy cơ bị trục xuất khỏi cung sao? Nhưng cuối cùng vẫn không hỏi. Lại nghĩ, nhiều năm như vậy, kim thượng mặc dù không thích thầy nhưng đồng thời vẫn luôn khoan dung nhẫn nhịn, chứng tỏ giữa họ hẳn là có một sự ăn ý nào đó.
Bình Luận (0)
Comment