Kim thượng không phế hậu, tất cả là nhờ có Trần Chấp Trung, Hà Đàm, Lương Thích can gián, ấy là kiến giải được lưu truyền sau đó.
Nghe nói, đêm ấy quân thần bàn luận tỉ mỉ về chuyện trong gác hoàng hậu, Hà Đàm khuyên can: “Trung cung nhân ái thông tuệ, trong ngoài đều kính phục. Lời rằng cung loạn bắt nguồn từ gác hoàng hậu, cần trui rèn xét xử trung cung, là mưu kế của kẻ gian, có ý đồ hãm hại trung cung, toan tính không an phận. Bệ hạ không thể không suy xét kỹ càng.”
Kim thượng hỏi ý kiến Trần Chấp Trung, Trần tướng công cũng nói không thể thẩm vấn tra xét trung cung, lập luận còn rất đanh thép. Kim thượng hỏi đi hỏi lại làm Lương Thích đứng một bên không kìm được nói thẳng: “Bệ hạ phế hậu một lần là đủ rồi, há lại có thể thêm lần nữa?”
Giọng điệu y sắc bén, tiếng truyền rõ khắp trong ngoài Di Anh Các, người nghe đều biến sắc.
Kim thượng im lặng, sau đó gác chuyện xét xử lại không đề cập tới nữa. Mọi người thấy ngài tiếp nhận lời can gián, bấy giờ mới xin cáo lui. Kim thượng chỉ giữ lại Lương Thích, cam kết riêng với y: “Trẫm chỉ muốn tăng thêm lễ phi cho Trương mỹ nhân, vốn không có ý khác, khanh có thể an tâm.”
Đêm đó ba người đi Hàn uyển, gặp được học sĩ bạo trực Trương Phương Bình, thuật lại chuyện này rồi đề cập tới câu “tăng thêm lễ phi” của kim thượng, Trương Phương Bình lập tức nói không được, nỗ lực khuyên Trần Chấp Trung: “Phùng tiệp dư triều Hán lấy thân cản mãnh thú cũng đâu có thấy Nguyên Đế bởi vậy mà tôn vinh bà. Huống hồ hoàng hậu có công mà lại tôn vinh tần ngự, xưa nay nào có nhẽ ấy. Nếu tướng công đồng ý thăng Trương mỹ nhân lên làm phi, tương lai người trong thiên hạ bàn đến chuyện này ắt sẽ quy hết tội lỗi cho tướng công.”
Trong lòng Trần Chấp Trung cũng cho là như thế. Sau đó kim thượng nhắc lại về việc tôn vinh Trương mỹ nhân, ông chỉ im lặng không đáp.
Bởi thế nên trong tháng này, trong cung không hề nghe thấy tin tức Trương mỹ nhân tấn vị, song ý chỉ về Trương tiên sinh thì rốt cuộc cũng hạ xuống: “Nội tây đầu cung phụng quan, chủ quản Nội Đông Môn Trương Mậu Tắc lên chức lĩnh ngự dược viện.”
Lĩnh ngự dược viện, đối với hoạn quan mà nói, là một chức vị rất quan trọng và cao quý.
Ngự dược viện là phòng thuốc ngự dụng trong cung, là ty cục quan viên trọng yếu nhất cung đình, phụ trách tra cứu y dược sách thuốc, phối chế thuốc men và quản lý dược vật tiến vua. Thuốc thang hoàng đế sử dụng đều do Ngự dược viện điều chế dâng lên, trách nhiệm to lớn, bởi vậy nên hoạn quan đảm nhiệm chức lĩnh ngự dược viên đều không phải nhân vật tầm thường, triều đình quy định, nội thần vào cung từ ba mươi năm trở lên, trong vòng mười năm không lên chức đồng thời có nhiều công trạng mới có thể đắc cử.
Hơn nữa, cái quan chủ quản giữ chức lĩnh ngự dược viện quản lý không hề chỉ là chuyện y dược mà còn kiêm nhiệm vụ tùy tùng phụ giúp hoàng đế khi ra ngoài cử hành lễ nghi, khảo thí cử nhân, truyền tuyên chiếu lệnh và phụng mệnh đi sứ làm nhiệm vụ giám sát. Mặt khác, còn có thể hầu hạ bên cạnh hoặc trong góc điện lúc hoàng đế lên triều, tùy thời cung hoàng đế triệu hoán.
Nội thần đảm nhiệm chức này được coi là thân tín thân cận của hoàng đế, công việc này cũng cung cấp đầy đủ cho họ cơ hội thăng tiến lên cao hơn. Rất nhiều áp ban, đô tri, thậm chí là lưỡng tỉnh đô đô tri đều từng đảm nhiệm chức vụ này.
Bởi vậy nên ta rất bất ngờ với lần thăng chức này của Trương tiên sinh, dẫu cho thầy phù hợp với cả ba điều kiện đắc cử chức quan chủ quản ngự dược viện. Tự mình suy đoán, e rằng đây cũng chẳng phải chủ ý của kim thượng, hẳn là quyết định của Trần Chấp Trung hoặc mấy người Lương Thích. Song, cũng chỉ là suy đoán mà thôi.
Tuy nhiên, tin lên chức nằm ngoài dự đoán của mọi người nhất lại đến từ Thu Hòa. Sau khi kim thượng và trung cung bàn bạc đã lệnh cho ty sức Cố Thải Nhi tạm thời chấp chưởng Ngự phục cục, tiếp quản công việc của Sở thượng phục hiện đang bệnh tật quấn thân, còn Thu Hòa thì được thăng lên làm ty sức, trở thành sơ đầu phu nhân tân nhậm kế nhiệm Cố Thải Nhi.
“Chuyện này là quyết định của quan gia và cô ngày đó, đúng không?” Ta hỏi Thu Hòa.
Đương nhiên cô biết “ngày đó” là ngày nào, ảm đạm gật đầu.
Như vậy, ngày xuất cung của cô càng trở nên xa xôi không ngày hẹn ước. Ta thầm thở dài, thật sự tiếc nuối cho cô và Thôi Bạch, “Cô có vui lòng không?”
Cô ngước lên nhìn ta, hai mắt trống rỗng: “Tôi cũng không nói rõ được… Ngày đó, tôi lấy nguyện vọng ra giá, cầu ngài để hoàng hậu làm bạn lâu dài bên mình, sau cùng ngài nói như thế, xem như là đáp ứng rồi đi… Sau đó, ngài thở dài, bất đắc dĩ cười, nói: ‘Sao đến ngươi cũng bôn tẩu vì nàng thế? Quanh ta đã sẵn chỉ toàn người của nàng.’ Tôi cúi đầu không dám tiếp lời, ngài còn nói: ‘Trước đây mỗi lần ta xuất hành, bên trái là Dương Cảnh Tông, bên phải là Đặng Bảo Cát, đi chưa được mấy bước, trước mặt lại thấp thoáng bóng dáng Trương Mậu Tắc… Hễ ta làm việc gì, bất kể lớn nhỏ, nàng đều biết… Ta bị nàng vây hãm trong đây rồi.’”
Ta bị nàng vây hãm trong đây rồi? Ta hơi trợn mắt – Câu này nghe rất quen tai.
“‘Ngươi cũng là người của nàng à?’ Quan gia hỏi tôi.” Thu Hòa kể tiếp, “Ngài nói chuyện với tôi hòa nhã đến thế, giọng điệu dịu dàng như gió tháng Tư, chẳng biết tại sao mà nghe vào lòng tôi lại rất khó chịu… Thấy tôi không đáp, ngài còn nói: ‘Ngươi có thể đến bên ta không? Cho ta khỏi nên nỗi quá đỗi cô đơn.’”
“Gì cơ?” Ta nhíu mày hỏi, “Ngài nói cô đơn?”
“Nếu tôi không nghe lầm thì ngài nói như vậy.” Thu Hòa dường như hơi hoang mang, nhưng giọng lại chắc nịch, “Khi đó tôi cũng ngờ rằng mình nghe lầm, ngẩng đầu nhìn ngài, thấy ngài dõi mắt ra ngoài cửa sổ, nhưng trong mắt trống rỗng, giống như không nhìn thấy bất kỳ cái gì, nơi chân mày còn phảng phất ưu thương… Tôi nghĩ không thông, bật thốt hỏi ngài: ‘Cô đơn? Thật ư? Nhiều nương tử bên cạnh như vậy mà quan gia còn có thể cô đơn?’”
Nếu là ta, ta cũng sẽ hỏi như thế. Ta không che giấu sự hiếu kỳ của mình: “Ngài trả lời thế nào?”
“Ngài như hồi thần lại trong nháy mắt, cười với tôi, nhẹ nhàng đáp: ‘Giả đó.’ Tôi lại cúi đầu im lặng, đúng lúc ấy ngài nghiêng người qua, nói bên tai tôi…” Sắc mặt Thu Hòa như thoáng phớt sắc son, giọng càng nói càng nhỏ đi, “Ngài nói: ‘Đây chẳng qua chỉ là cái cớ ta vất vả mãi mới nghĩ ra được để ngươi khỏi phải bôi phấn son thuốc hương lên da nữa mà thôi.’”
Ta tức khắc nhớ tới lần đầu tiên diện kiến kim thượng ở Nghi Phượng Các, tới sự quan tâm để ý của ngài đối với Thu Hòa, mơ hồ hiểu được nỗi hoang mang của cô. Kể cả khi không thích nam tử như thế thì sự quan tâm chu đáo nhường vậy vẫn là điều nữ nhi thế gian khó mà chống cự nổi, cự tuyệt lời ngỏ ý của người đó khi ấy chắc chắn là chuyện rất khó khăn.
“Tôi rất muốn từ chối, nhưng…” Thu Hòa lưỡng lự, không sao miêu tả được chính xác tâm trạng lúc đó.
“Tôi hiểu, không cần nói nhiều đâu.” Ta ôn hòa, tiếp tục hỏi cô, “Thế, hoàng hậu có biết quyết định của cô không?”
Thu Hòa gật đầu: “Quan gia đề cập chuyện điều tôi qua với bà. Sau đó bà có hỏi riêng tôi có bằng lòng hay không, nói nếu tôi không muốn, bà sẽ thả tôi xuất cung đúng tiết Càn Nguyên như đã ước định. Cơ mà, sao có thể chứ? Làm như thế, quan gia tất sẽ truy vấn nguyên nhân… Tôi sợ ngài và các đại thần biết trong gác hoàng hậu ngoài Song Ngọc còn có cung nhân khác từng…qua lại với người ngoài.”
Đúng là cũng phải suy xét điều này. Họ mà biết việc ấy, tình thế phát triển sẽ càng hỏng bét hơn.
Ta có thể đoán được câu trả lời cô đáp lại hoàng hậu: “Cô nói với hoàng hậu mình đổi ý rồi?”
“Phải,” Thu Hòa cười sầu thảm, “Tôi nói với bà, là tự tôi muốn làm sơ đầu phu nhân, không muốn xuất cung sống cuộc sống cực khổ.”
Trọng thần tiến gián ra sức bảo vệ hoàng hậu bắt đầu triển khai phản kích Hạ Tủng, kết quả cuối cùng của sự kiện cung loạn là Hạ Tủng bị bãi chức xu mật sứ, biếm đi Nam Phủ.
Tháng Tư năm ấy, ngự sử Hà Đàm dâng sớ tố cáo Hạ Tủng, chỉ thẳng ông ta “bản tính gian tà, tham vọng xa xỉ, học vấn không uyên bác, hành xử giả mà gàn, a dua nịnh hót như tiểu nhân, khuyết thiếu cương trực làm đại thần, phò vua mà coi thường khí tiết quân vương, gặp dưới mà không biết noi gương cầu học…” Lại đề cập tới việc thường ngày ông ta câu kết với nội thần Dương Hoài Mẫn, bao che cho y vụ cung loạn, nói hiện giờ Dương Hoài Mẫn đã bị trục xuất mà Hạ Tủng lại vẫn được giữ lại kinh sư, còn ngồi ở vị trí cao, “lòng người trong ngoài đều kích động”. Khẩn cầu kim thượng ruồng bỏ Hạ Tủng, “Trên vì sách lược xã tắc, dưới để yên lòng thần dân.”
Y dự đoán được Hạ Tủng có khả năng sẽ lại lấy chuyện “bè đảng” mà kim thượng kiêng kỵ ra làm văn ngụy biện, bèn đi trước một bước giải thích rành mạch trong sớ: “Thần đoán Hạ Tủng biết thần dâng tấu, hẳn sẽ nói thần vu khống, kết bè kết đảng. Nhưng Tủng rõ ràng từng có tội, sao có thể nói là bịa đặt vu hãm; thần xưa nay không nương nhờ ai, dựa vào đâu mà gọi là kết đảng? Nếu Tủng vẫn che giấu khuyết điểm, thần thỉnh cầu gặp mặt đối chất với người vô tội, kính mong thánh minh soi xét lòng thành.”
Kế tiếp y, lại có nhiều vị ngôn quan (*) khác dâng sớ đánh giá Hạ Tủng gian tà. Khéo thay, đúng lúc đó kinh sư lại xảy ra hiện tượng động đất, thế là kim thượng cho gọi hàn lâm học sĩ Trương Phương Bình đến ngự tiện điện giữa đêm, nói với y: “Hạ Tủng gian tà nên mới có thiên biến vậy. Thỉnh học sĩ thảo chiếu thay trẫm, điều ông ta rời kinh.”
(*) Ngôn quan, hay ngôn giả, là chỉ quan viên phụ trách giám sát và dâng sớ can gián.Trương Phương Bình cả mừng, xin được soạn lời phản luận, muốn thẳng thắn trách tội Hạ Tủng trong chiếu thư. Kim thượng ngẫm nghĩ, cuối cùng thở dài: “Vẫn nên giữ chút mặt mũi cho ông ta đi thôi, lấy lý do ‘cân đối nhàn cực’ mà thảo chiếu, đừng nhắc đến lỗi lầm của ông ta.”
Tuy đã giữ mặt mũi cho Hạ Tủng nhưng Hạ Tủng vẫn ôm hi vọng, mang tội không đi, dâng sớ xin được ở lại kinh sư. Hà Đàm lập tức nổi giận, một lần nữa dâng tấu: “Triều đình vời lui đại thần, ân lễ vốn cực kỳ dày hậu, đáp lễ Tủng như thế đã là vinh sủng hết mực, cớ sao lại càng thêm không biết liêm sỉ, mạo muội trần thuật thỉnh cầu? Huống hồ Tủng gian tà xảo trá, có tiếng đã lâu trong thiên hạ, bệ hạ nổi danh là vị vua quyết đoán, bãi miễn quan viên xu mật trọng yếu, thần tử trong ngoài triều đình không ai là không vui mừng, bởi vậy càng không thể cho ông ta tùy tiện lưu lại triều đình. Khổng Tử gọi đó là phường gian nịnh, giữ lại phò vua tất sẽ gây hại đến chính sự. Ông ta có quỳ sấp cầu xin cũng chẳng thay đổi được mệnh lệnh, nên sai người thúc giục mau chóng đi nhậm chức thì hơn.”
“Sau nữa, kim thượng triệu kiến Hà Đàm ở tiện điện Nội Đông Môn, Hà Đàm cực lực biện luận, thái độ dữ dội, tỏ vẻ việc này không có chỗ thương lượng.” Trương tiên sinh thu hồi bản sao lưu trữ tấu sớ trong tay ta, nói với ta, “Kim thượng bèn cười nhạo y: ‘Thời cổ có kẻ tiến gián vỡ đầu, khanh có làm được thế không?’ Hà Đám đáp: ‘Quân vương thời cổ không tiếp nhận thần tử tiến gián, thế nên mới có đại thần vì tiến gián mà vỡ đầu; nay bệ hạ bằng lòng nghe tiến gián, thần sao dám giành tiếng thơm về mình mà quy lỗi cho quân phụ!’”
Nghe đến đó, ta không khỏi bật cười: “Y nói câu này hay lắm, vừa tránh được uy hiếp vỡ đầu, lại đệ bậc thang cho kim thượng tiếp nhận gián ngôn.”
Trương tiên sinh cũng cười: “Đúng vậy, kim thượng nghe xong vui vẻ nạp gián, không thay đổi mệnh lệnh khi trước, kiên quyết điều Hạ Tủng đi Hà Nam.”
Có một chuyện, mấy ngày nay ta vẫn hay suy tư, bèn nhân tiện đem ra thỉnh giáo Trương tiên sinh: “Tiên sinh, có phải kim thượng cũng nhìn thấu Hạ Tủng dụng tâm hiểm ác hãm hại trung cung không, lần này điều đi, nhìn bên ngoài thì là kim thượng bị ngôn giả bức bách, nhưng thực chất là ngài thuận thế mượn cớ đó trừng phạt Hạ Tủng? Bằng không ngài cũng có thể kiên trì giữ ông ta lại sử dụng như với Trần tướng công mà.”
Trương tiên sinh không trả lời minh xác, chỉ nói: “Cậu không nghe ngài nói ‘Hạ Tủng gian tà’ à? Ai đúng ai sai, ai gạt được ai, bất quá là xem ngài lấy bỏ thế nào mà thôi.”